Văn học nước ngoài

Tình hình nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân) và Truyện Kiều (Nguyễn Du) của giới học thuật Trung Quốc


19-10-2020
Tác giả: TS Bùi Thị Thúy Phương, TS Nguyễn Thị Diệu Linh

Truyện Kiều của Nguyễn Du – một trong những đỉnh cao của nền văn học cổ điển Việt Nam và một dấu mốc quan trọng trên hành trình dân tộc hóa ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Việt Nam – đã sử dụng một tiểu thuyết chương hồi cuối Minh đầu Thanh của Trung Quốc là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân làm lam bản. Do vậy ở mức độ nhất định, những nghiên cứu về Kim Vân Kiều truyện của giới học thuật Trung Quốc có thể coi là tài liệu tham khảo có giá trị với giới Kiều học Việt Nam. Ngược lại, trên quá trình nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện, giới học thuật Trung Quốc trong nhiều trường hợp cũng đặt tiểu thuyết này trong mối liên hệ với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thậm chí còn có thể nói rằng chính vị trí rất cao của Nguyễn Du và Truyện Kiều đã được khẳng định tại Việt Nam cũng như trên thế giới là một trong những tác nhân thúc đẩy sự quan tâm nghiên cứu của giới học thuật Trung Quốc với Kim Vân Kiều truyện. Bài viết của chúng tôi tập trung giới thiệu, đánh giá tình hình nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân) và Truyện Kiều (Nguyễn Du) của giới học thuật Trung Quốc trong khoảng thời gian từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay.

          Mặc dù Truyện Kiều lần đầu tiên được dịch và xuất bản tại Trung Quốc từ năm 1959 (bản dịch của Hoàng Dật Cầu), song trên thực tế, những nghiên cứu về hai tác phẩm của giới học thuật Trung Quốc thực sự bắt đầu vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước[1]. Các hướng nghiên cứu cũng rất phong phú, từ khảo chứng văn bản và các tư liệu liên quan đến Kim Vân Kiều truyện, đánh giá vị trí và ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, nghiên cứu các thành tựu nội dung và nghệ thuật của Kim Vân Kiều truyện, tìm hiểu quá trình lưu truyền và chuyển hóa cốt truyện Kim Vân Kiều truyện, cho đến nghiên cứu so sánh hai tác phẩm Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều.

1.     Từ sự nổi tiếng của Truyện Kiều ở Việt Nam đến trào lưu nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện tại Trung Quốc

Một điểm khá thú vị trong lịch sử nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện tại Trung Quốc là: Tác phẩm này vốn dĩ có một vị trí rất bình thường trong lịch sử văn học, cũng không nhận được nhiều sự quan tâm của giới học thuật. Song chính bởi Truyện Kiều của Nguyễn Du được đánh giá rất cao tại Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng..., cho nên giới học thuật Trung Quốc mới càng ngày càng dành sự chú ý cho Kim Vân Kiều truyện. Trong đó, có một số hướng nghiên cứu nổi bật không chỉ về số lượng công trình, bài viết mà còn về cách tiếp cận và các phát hiện mới.

Trước hết, Kim Vân Kiều truyện là tiểu thuyết chương hồi cuối đời Minh đầu đời Thanh. Do vậy, quá trình hình thành tác phẩm là một vấn đề đáng được quan tâm. Cũng như đa số các tiểu thuyết chương hồi Minh Thanh, bắt nguồn từ một số chi tiết có thực trong lịch sử, trải qua một quá trình diễn tiến lâu dài, tác phẩm từng hiện diện trong các loại hình văn hóa dân gian như thoại bản hay hý khúc, và sau đó được hoàn thiện dần dần bởi bàn tay các văn nhân, cuối cùng đã trở thành tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện như chúng ta đã biết.

Khảo chứng văn bản và các tư liệu liên quan vốn dĩ là một trong những sở trường của giới nghiên cứu văn học Trung Quốc. Các bài viết xung quanh vấn đề này khá nhiều. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Đổng Văn Thành đã có công trình nghiên cứu khẳng định sự phát triển và kế thừa đề tài truyền thống của Kim Vân Kiều truyện như bài viết “Diễn biến câu chuyện Kim Vân Kiều truyện” in trong cuốn “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” tập 3 do Lâm Thần chủ biên, nhà xuất bản Văn nghệ Xuân Phong, năm 1985. Ông còn tiến hành khảo cứu về nguyên mẫu hai nhân vật Thúy Kiều và Từ Hải trong các sách lịch sử qua bài viết “So sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam”, in trong cuốn Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng tập 4 xuất bản năm 1986. Ngoài ra, công trình “Khảo cứu về các phiên bản của Kim Vân Kiều truyện” của ông in trong cuốn “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” tập 2 đã khảo chứng chi tiết tình hình lưu trữ các phiên bản khác nhau của Kim Vân Kiều truyện. Một năm  sau đó, ông tiếp tục tiến hành thống kê số lượng các bản khắc và bản chép tay Kim Vân Kiều truyện đang lưu trữ trong và ngoài Trung Quốc từ trước thời kỳ Dân quốc, sau đó tập hợp trong bài viết “Bổ sung và đính chính khảo cứu các phiên bản Kim Vân Kiều truyện” in trong “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” tập 5 in năm 1987.

Sau những năm 2000, hướng nghiên cứu này vẫn được tiếp tục với nhiều công trình khác nhau. Kế thừa thành quả nghiên cứu của Đổng Văn Thành, hai nhà nghiên cứu Quá Vỹ và Phó Quang Vũ tiến hành chỉnh lý sắp xếp lại các tư liệu từ thời Minh Thanh, lập ra Bảng thuyết minh quy luật diễn biến của câu chuyện về Vương Thúy Kiều (bài viết “Hai điểm chưa biết trong quá trình diễn biến câu chuyện Vương Thúy Kiều” của Trần Ích Nguyên, in trong tạp chí Nghiên cứu văn hóa thông tục Trung Quốc số 1 năm 2003). Nhà nghiên cứu Trần Ích Nguyên đã chứng minh bản “Vương Kiều Nhi truyện” của Từ Học Mô là truyện ký Vương Thúy Kiều ra đời sớm nhất và là nguồn gốc chính cho ra đời các câu chuyện về Vương Thúy Kiều sau này qua bài viết “Sự thay đổi nhã và tục câu chuyện Vương Thúy Kiều – từ truyền thuyết lịch sử đến câu chuyện dân gian” in trong cuốn “Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều” do nhà xuất bản Tây Uyển, Bắc Kinh xuất bản năm 2003. Trên thực tế , trước đó 10 năm, nhà nghiên cứu Dương Hiểu Liên trong bài viết “Tư tưởng chủ đề và sự kế thừa của Kim Vân Kiều truyện”  đăng trên tạp chí Đại học sư phạm Tứ Xuyên, số 4 năm 1993 đã đề cập đến mối quan hệ kế thừa và sáng tạo về tình tiết, tư tưởng chủ đề của Kiều truyện so với bản Vương Kiều Nhi truyện của Từ Học Mô đời Thanh.

          Bổ sung cho công trình khảo cứu về các phiên bản Kim Vân Kiều truyện của Đổng Văn Thành, Âu Dương Kiện sau khi  tiến hành so sánh kỹ lưỡng các bản đang lưu trữ tại thư viện Đại Liên với các bản sao ở thư viện Nam Kinh đã rút ra kết luận trong bài viết “Kim Vân Kiều truyện – bản in và bản sao” rằng bản sao cũ ở thư viện Nam Kinh là bản có giá trị khá cao. Luận văn thạc sỹ “Nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện” của Trần Hoan Hoan, đại học Dương Châu còn tiến hành khảo cứu 18 phiên bản khác nhau của tiểu thuyết này, trong đó bản khắc của Quán Hoa Đường là sớm nhất, sau đó sắp xếp các phiên bản này theo thứ tự xuất bản.

Mặc dù thực tế tình hình nghiên cứu hai tác phẩm Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều cho thấy nhiều vấn đề ngoài văn học như lịch sử, văn hóa, dân tộc..., song xét cho cùng thì cả hai trước hết là những tác phẩm văn học, và do vậy, đánh giá giá trị văn học của chúng là điều mà giới nghiên cứu không thể bỏ qua. Trong khi Truyện Kiều của Nguyễn Du được giới Kiều học Việt Nam đánh giá cao nhất trên phương diện ngôn ngữ văn học, thì Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân lại được giới học thuật Trung Quốc khai thác dưới góc độ hơi khác. Giới học thuật Trung Quốc chủ yếu tập trung khai thác nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, tính bi kịch và nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết. Đổng Văn Thành đi sâu phân tích nhân vật chính Vương Thúy Kiều trong bài viết “Sức hấp dẫn của thiên sứ trong chốn ngục tù – bàn về việc xây dựng hình tượng bi kịch Vương Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều truyện” in trong cuốn “Nghiên cứu tiểu thuyết Minh Thanh” tập 5, nhà xuất bản Văn Liên Trung Quốc năm 1987. Chương Kim Côn trong bài “Thử bàn về thành tựu nghệ thuật của Kim Vân Kiều truyện” đăng trên Tạp chí của Đại học sư phạm Dương Châu số tháng 1 năm 1996 cho rằng tiểu thuyết đã xây dựng thành công bi kịch Vương Thúy Kiều, một phụ nữ dưới đáy cùng của xã hội phong kiến, đồng thời thông qua hình tượng nhân vật này, tác phẩm đã vô tình tố cáo các thế lực đen tối như quan lại, lưu manh, cặn bã trong xã hội. Trong bài “Đóng góp của Kim Vân Kiều truyện đối với tiểu thuyết cổ về đề tài nữ tính” đăng trong tạp chí Đại học sư phạm Hán Trung số tháng 2 năm 1998, Lôi Dũng khẳng định sự đột phá trong quan niệm sáng tác truyền thống của tác phẩm trong cách lý giải nguyên nhân dẫn đến bi kịch của người phụ nữ cũng như trong cách xây dựng hình tượng nhân vật. Tác giả bài viết cho rằng đây là một thể nghiệm có giá trị cho sự phát triển của loại tiểu thuyết đề tài nữ tính. Nhà nghiên cứu Thường Tuyết Ưng lại khai thác tính bi kịch của tác phẩm trong bài viết “Tính bi kịch của Kim Vân Kiều truyện” in trong tạp chí Học viện giáo dục Nội Mông số tháng 3 năm 1999. Nhà nghiên cứu khẳng định tính bi kịch chính là một đặc sắc nghệ thuật của Kim Vân Kiều truyện, đặc biệt trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Thúy Kiều, nhờ đó mà tác phẩm đã đạt được giá trị nghệ thuật tương đối cao. Bài viết “Kim Vân Kiều truyện: hai điểm đột phá về phương thức tự sự và xây dựng nhân vật” của Khâu Giang Ninh in trong tạp chí Nghiên cứu tiểu thuyết Minh Thanh số 2 năm 2007 cho rằng tiểu thuyết đã liên tục làm phong phú tính cách của các nhân vật trong suốt quá trình tự sự, hai yếu tố phương thức tự sự và xây dựng nhân vật gắn kết chặt chẽ với nhau đã tạo nên thành công to lớn cho tác phẩm. Bài viết “Đặc trưng mỹ học bi kịch của Kim Vân Kiều truyện” của Đỗ Tùng Bách (tạp chí Đại học dân tộc Tây Nam, số 2 năm 2009) đã tìm hiểu đặc trưng thẩm mỹ mang tính bi kịch xã hội của tác phẩm, từ đó khẳng định tính hiện thực sâu sắc và giá trị thẩm mỹ văn học của tác phẩm.

Các học giả Trung Quốc không chỉ nghiên cứu tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện như một tác phẩm độc lập mà còn đặt tác phẩm trong quá trình diễn tiến tiểu thuyết Minh Thanh để xác định vị trí và ảnh hưởng của nó trong nền văn học Trung Quốc. Các học giả Trung Quốc chủ yếu nghiên cứu ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện đối với Hồng Lâu Mộng, một trong tứ đại tiểu thuyết thời kỳ Minh Thanh. Nhà nghiên cứu Miêu Tráng là học giả đầu tiên chú ý đến vấn đề này. Trong bài viết “Hồng Lâu Mộng với tiểu thuyết tài tử giai nhân” (Luận tùng tiểu thuyết Minh Thanh tập 1, nhà xuất bản Văn nghệ Xuân Phong, Thẩm Dương, năm 1984) ông cho rằng hình tượng Vương Thúy Kiều dễ làm người ta liên tưởng đến Hoa Tập Nhân, còn Hoạn Thị thì “rõ ràng là một Vương Hy Phượng sống động”. Ông còn chỉ ra việc lấy hình ảnh hoa đào ví với “hồng nhan bạc mệnh” và cách đặt tên nhân vật có ngụ ý sâu xa trong Kim Vân Kiều truyện đều được Hồng Lâu Mộng kế thừa và phát triển. Đổng Văn Thành trong bài “Kim Vân Kiều truyện và Hồng Lâu Mộng”(tạp chí Trường Sư phạm Bảo Định, số 3 năm 1999) cho rằng Kim Vân Kiều truyện là tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong giai đoạn từ Kim Bình Mai đến Hồng Lâu Mộng. Ông khẳng định Kim Vân Kiều truyện có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Hồng Lâu Mộng trên nhiều phương diện như mỹ học bi kịch Trung Quốc, chủ nghĩa hiện thực, xây dựng cốt truyện và nhân vật, phản ánh số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, thủ pháp nghệ thuật tượng trưng v.v.... Trong một bài viết khác với tiêu đề “Bàn về ảnh hưởng đa tầng trong sáng tạo nghệ thuật của Kim Vân Kiều truyện đối với Hồng Lâu Mộng (phần 1 và 2)” (Học san Hồng Lâu Mộng, số 3-4 năm 1999), Đổng Văn Thành nhấn mạnh, trong số các tiểu thuyết tài tử giai nhân cuối Minh đầu Thanh thì Kim Vân Kiều truyện là tác phẩm xuất sắc và có tinh thần đổi mới nhất. Kim Vân Kiều truyện có vai trò tiên phong trong việc thay đổi phương hướng sáng tác, phá vỡ tư tưởng và lối viết truyền thống. Trong bài tựa có tiêu đề “Từ Kim Vân Kiều truyện đến Hồng Lâu Mộng”  viết cho cuốn sách “Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều” của Trần Ích Nguyên, Liễu Tồn Nhân cho rằng về phương diện kết cấu và bố cục có thể nói Kim Vân Kiều truyện là một tác phẩm quan trọng đánh dấu sự thay đổi của tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc, nó mở ra con đường sáng tác mới cho các tác phẩm lớn sau này như Hồng Lâu Mộng. Về nội dung câu chuyện, Kim Vân Kiều truyện cũng gợi ý rất nhiều cho Hồng Lâu Mộng, có thể coi là tác phẩm tiên phong của Hồng Lâu Mộng. Thậm chí Lưu Thụy Hồng trong bài “Xây dựng hình tượng phụ nữ ghen qua Hoạn Thị và Vương Hy Phượng”(báo Giáo dục điện lực Trung Quốc, năm 2009) còn cho rằng hai nhân vật này có nhiều điểm tương đồng nội tại.

Qua việc khảo sát sơ bộ các công trình kể trên, có thể thấy sau khi giành được sự chú ý của giới nghiên cứu Trung Quốc từ khoảng cuối những năm 1980, Kim Vân Kiều truyện đã được tìm hiểu, khai thác dưới khá nhiều góc độ khác nhau, và nhận được sự đánh giá khá cao.

2.     So sánh Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều : hướng nghiên cứu còn nhiều khoảng trống

Đối với giới nghiên cứu Việt Nam nói chung và giới Kiều học nói riêng, đây có lẽ là phần đáng quan tâm nhất. Văn học so sánh tại Trung Quốc được coi là bắt đầu từ khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tuy nhiên ngành này chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ từ sau khi Trung Quốc kết thúc Đại cách mạng văn hóa và bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa, tức là khoảng thời gian cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Đó là lúc các lý thuyết văn học phương Tây bắt đầu được giới thiệu rộng rãi tại Trung Quốc và tác phẩm văn học thế giới được dịch sang tiếng Trung với một số lượng lớn và tốc độ nhanh chóng. Bước sang những năm 80, văn học so sánh Trung Quốc có những bước tiến đáng kể. Tháng 10 năm 1985, Hội văn học so sánh Trung Quốc được thành lập, văn học so sánh trở thành một trong những ngành nghiên cứu có tính tiên phong, và giới khoa học dần dần thừa nhận cái gọi là “sự phục hưng của văn học so sánh Trung Quốc”. Hướng nghiên cứu so sánh Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều tại Trung Quốc cũng không nằm ngoài trào lưu này. Bản thân hai tác phẩm Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều cũng là những đối tượng giàu tiềm năng của văn học so sánh.

Tại Trung Quốc, người được coi là đã đặt nền móng cho hướng nghiên cứu so sánh hai tác phẩm là Đổng Văn Thành với bài viết “So sánh Kim Vân Kiều truyện Trung Việt” (thượng) in trong cuốn “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” (tập 4) do Lâm Thần chủ biên (NXB Văn nghệ Xuân Phong, Thẩm Dương, 1986). Trong công trình này, Đổng Văn Thành đã đánh giá rất cao Kim Vân Kiều truyện và cho rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du bất kể là về nội dung hay nghệ thuật đều chưa vượt qua được “bản gốc”. Năm 1997, Trương Huy trong bài “So sánh Kim Vân Kiều truyện Trung Việt” (tạp chí Trung Quốc Đông Nam Á nghiên cứu hội thông tấn số 1) giới thiệu và so sánh quá trình hình thành cũng như các phương diện nội dung và hình thức của hai tác phẩm. Lữ Vĩnh trong bài “Thành tựu nghệ thuật và ý nghĩa hiện thực của hai tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam và Trung Quốc” đăng trong tạp chí Đại học Tương Đàm (số Khoa học xã hội triết học) số tháng 5 năm 1997 đã phân tích nghệ thuật của Kim Vân Kiều truyện dưới nhiều góc độ khác nhau như “tuy viết về kỹ nữ nhưng lại không hề dâm dục”, tính kịch và tính phê phán, kết cấu tác phẩm và tính cách nhân vật v.v... Lữ Vĩnh đánh giá cao Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam, cho đây là một bộ trường thi tự sự với các tình tiết lắt léo, nhân vật sống động, kết cấu đồ sộ nhưng chặt chẽ. Năm 2001, Lý Quần công bố bài viết “Kim Vân Kiều truyện: từ tiểu thuyết Trung Quốc đến danh tác Việt Nam” trên tạp chí Học viện dân tộc Quảng Tây (số chuyên đề Khoa học xã hội nhân văn số 6 ) trình bày mối liên hệ mật thiết giữa hai tác phẩm và khẳng định thành tựu nghệ thuật của Truyện Kiều trên các mặt xây dựng nhân vật, hình thức nghệ thuật và thể tài. Vương Ngọc Linh lại nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều dưới góc độ văn hóa. Trong bài “Vẻ đẹp nữ tính lý tưởng của Trung Quốc – Sự khác biệt về thẩm mỹ dân tộc qua so sánh Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam và Trung Quốc” in trong tạp chí Nghiên cứu tiểu thuyết Minh Thanh số 4 năm 2004, Vương Ngọc Linh đã phân tích sự khác biệt về thẩm mỹ giữa hai dân tộc thông qua hình tượng Thúy Kiều, lý giải nguyên nhân của sự khác biệt đó đến từ truyền thống văn học, hiện thực xã hội, văn hóa đạo đức v.v...  Năm 2007, các tác giả Hà Minh Trí, Vi Mậu Bân với bài viết “So sánh cách viết hai bộ Kim Vân Kiều truyện Trung Việt” (tạp chí Nghiên cứu văn bản số 2) tiến hành so sánh hai tác phẩm trên các phương diện nội dung và nghệ thuật cũng như vị trí hai tác phẩm trong nền văn học mỗi dân tộc, từ đó khẳng định thành công của Nguyễn Du. Năm 2008, bài viết “Đối chiếu Kim Vân Kiều truyện Trung Việt” của tác giả Vi Hồng Bình (tạp chí Đông Nam Á tung hoành số 3) đã dùng những tương đồng trong nội dung, hình thức và bối cảnh thời đại cũng như những dị biệt về thể tài, thời đại sáng tác và hoàn cảnh xã hội để lý giải vị trí khác nhau của hai tác phẩm trong nền văn học hai nước: trong khi Kim Vân Kiều truyện rất ít được biết đến ở Trung Quốc thì Truyện Kiều lại được coi là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy các nghiên cứu so sánh Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du tại Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các phương diện khái quát như: bối cảnh sáng tác, quá trình hình thành tác phẩm, thể loại, chủ đề tư tưởng, hình tượng nhân vật. Do các nhà nghiên cứu Trung Quốc chủ yếu dựa vào các bản dịch để khảo sát nên các công trình cũng chỉ có thể dừng lại ở đó mà chưa đi sâu vào các vấn đề như ngôn ngữ văn học. Mà bản dịch thì như chính dịch giả của bản dịch tiếng Trung Quốc mới nhất đã thừa nhận: các bản dịch được sử dụng tồn tại rất nhiều vấn đề bất cập. Ngoài ra, như chúng ta thấy, tựa đề bài nghiên cứu của các học giả Trung Quốc thường sử dụng cụm từ “so sánh/đối chiếu Kim Vân Kiều truyện Trung Việt”. Cách đặt tên này phần nào nảy sinh từ chính tên gọi các bản dịch Truyện Kiều tại Trung Quốc,  phần khác cũng phản ánh quan điểm của các học giả cho rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiểu phiên bản tiếng Việt của Kim Vân Kiều truyện. Đây có lẽ cũng là một trong những rào cản lớn nhất ngăn cách sự đồng thuận giữa giới nghiên cứu so sánh hai nước.

Một điều đáng chú ý trong hướng nghiên cứu so sánh này là vai trò của người tiên phong Đổng Văn Thành. Theo các tư liệu mà chúng tôi đã tập hợp, Đổng Văn Thành đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, cũng là một trong các nhà nghiên cứu Trung Quốc đánh giá rất cao tác phẩm này. Ông là nhà nghiên cứu đầu tiên tại Trung Quốc tiến hành khảo cứu một cách toàn diện, có hệ thống các phiên bản cả ở Trung Quốc và ở nước ngoài của Kim Vân Kiều truyện, đồng thời là một trong những người đầu tiên khảo sát một cách công phu quá trình hình thành tác phẩm từ lịch sử đến tiểu thuyết. Đối với hướng nghiên cứu so sánh Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều, bài viết của ông cũng được coi là có công “khai sơn phá thạch”. Do những luận điểm đề cao Kim Vân Kiều truyện và đánh giá thấp Truyện Kiều, bài viết của Đổng Văn Thành đã trở thành đối tượng chỉ trích của nhiều học giả Việt Nam.

          Ngoài các công trình với tựa đề cho thấy rõ hướng nghiên cứu so sánh hai tác phẩm của Trung Quốc và Việt Nam, còn có một số bài viết dường như chỉ đề cập đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, song theo chúng tôi, trên thực tế các bài giới thiệu/nghiên cứu này cũng phần nào thể hiện ý “đối chiếu”, “so sánh” Truyện Kiều với lam bản của nó là Kim Vân Kiều truyện. Trước hết, đó chính là các bài giới thiệu của các dịch giả Truyện Kiều ra tiếng Trung như: Hoàng Dật Cầu[2], La Trường Sơn[3], Triệu Ngọc Lan[4]. Các dịch giả tuy viết bài với mục đích chính là giới thiệu Truyện Kiều và bản dịch tiếng Trung của tác phẩm, song ít nhiều đều nhấn mạnh đến ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện đến Truyện Kiều, và kèm theo đó là đề cao dấu ấn của văn hóa nói chung và văn học Trung Quốc nói riêng đối với tác phẩm của Nguyễn Du.

Bên cạnh đó, có một số bài viết khác đi sâu tìm hiểu giá trị của Truyện Kiều. Năm 1997, Kỳ Quảng Mưu trong bài “Bàn về truyền thống văn học và giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết chữ Nôm Việt Nam – thành tựu nghệ thuật Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du” đã cho rằng xây dựng hình tượng nhân vật và vận dụng xuất sắc ngôn ngữ dân tộc là hai đặc điểm nghệ thuật nổi bật của Kim Vân Kiều truyện. Bằng việc đặt tác phẩm trong hệ thống tiểu thuyết chữ Nôm Việt Nam để khảo sát, Kỳ Quảng Mưu đã đưa ra một số đánh giá khá cao về Truyện Kiều. Ông kết luận rằng: “Dù sao thì chúng ta cũng không thể bỏ qua một sự thực là: tác phẩm văn học được người Việt Nam Việt hóa này đã đạt được thành công to lớn ở Việt Nam, có ảnh hưởng rộng rãi, trong khi đó lam bản của nó có ảnh hưởng rất thấp tại Trung Quốc. Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân từ lâu đã bị lãng quên tại Trung Quốc, không thâm nhập được vào đời sống nhân dân; ngược lại, Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du ở Việt Nam thì người người đều biết, truyền từ đời này sang đời khác, người Việt Nam ngâm Kiều, kể Kiều, thậm chí còn cho rằng trong sáng tác văn học người không thuộc Kiều thì không thể viết được câu nào hay, trong tu từ học thì có khái niệm “phỏng Kiều”, trong dân gian thì có bói Kiều. Kim Vân Kiều truyện thậm chí còn được dịch ra nhiều thứ tiếng bao gồm tiếng Trung Quốc, được biết đến trên văn đàn thế giới. Hiện tượng này khiến chúng ta không thể không suy ngẫm.”[5] Bài viết “Tự sự dân tộc và tiếng nói của người phụ nữ - sáng tác của Nguyễn Du và kinh điển Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam” của Hoàng Linh (Tạp chí Học viện khoa học kỹ thuật Tô Châu, số 6 năm 2011) lại đi sâu tìm hiểu “nghệ thuật tự sự” của Truyện Kiều. Tác giả cho rằng nghệ thuật tự sự ở đây là sự kết hợp hài hòa giữa tự sự dân tộc và tiếng nói của người phụ nữ, đồng thời khẳng định tác phẩm đã kết tinh ý thức thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam. Tác giả cũng đánh giá khá cao Nguyễn Du và nghệ thuật ngôn ngữ cũng như hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều: “Thông cảm trước số phận đau khổ của người phụ bị áp bức trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, cộng thêm các yếu tố khác như hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc đó dần mất đi cương thường đạo lý, đời sống nhân dân khổ cực, bản thân thất vọng v.v... đã thôi thúc Nguyễn Du cầm bút viết Truyện Kiều nhằm phê phán sự đen tối và suy vong của xã hội phong kiến Việt Nam. Nguyễn Du đã dùng chữ Nôm và thể thơ Nôm lục bát để sáng tác, đây là một hình thức văn học phù hợp với lời ăn tiếng nói và cách diễn tả tình cảm của dân tộc Việt Nam. Hình tượng nhân vật Thúy Kiều chứa đựng văn hóa của dân tộc Việt Nam, điều này làm cho tự sự văn học đạt đến mức độ sâu sắc, một tiểu thuyết tài tử giai nhân được nâng cấp thành kinh điển văn học thế giới....Truyện Kiều của Nguyễn Du đã chuyển từ tự sự của một nhân vật nữ sang tự sự dân tộc. Thúy Kiều là điển hình của người phụ nữ Việt Nam, cũng là một hình mẫu lý tưởng của dân tộc. Sự kết hợp hài hòa giữa tự sự dân tộc và tiếng nói của người phụ nữ đã khiến cho Truyện Kiều vinh dự trở thành kinh điển dân tộc, chiếu rọi vào thế giới tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam.”

Kết luận

Quá trình nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều của giới học thuật Trung Quốc gắn liền với không khí đổi mới của nghiên cứu văn học Trung Quốc từ cuối những năm 1980 đến nay, với sự phát triển của việc dịch thuật và giới thiệu tác phẩm Truyện Kiều tại Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc một mặt đi sâu khảo cứu, tìm hiểu Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều như hai tác phẩm văn học độc lập của hai nền văn học khác nhau, mặt khác cũng công khai hay ngầm ẩn, trực tiếp hay gián tiếp đặt hai tác phẩm trong thế so sánh, từ đó đưa ra các đánh giá khác nhau về giá trị của chúng trong nền văn hóa, văn học mỗi dân tộc. Các nghiên cứu này là những tài liệu tham khảo có giá trị với giới Kiều học trong nước, đồng thời cũng gợi mở những hướng nghiên cứu mới, mời gọi những tranh luận mới.

 


[1] Tham khảo Tào Song: Thử bàn về các nghiên cứu về Kim Vân Kiều truyện của giới học thuật trong nước từ thập kỷ 80 thể kỷ XX đến nay, tạp chí Học viện khoa học tự nhiên Lạc Dương, số tháng 2/2015.

[2] Tham khảo Hoàng Dật Cầu: Nhà thơ Việt Nam Nguyễn Du và kiệt tác Kim Vân Kiều truyện của ông, tạp chí Học viện Sư phạm Hoa Nam, số 2 năm 1958.

[3] Tham khảo La Trường Sơn: Đại thi hào Việt Nam Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của ông, tạp chí Học viện giáo dục Quảng Tây, số 2 năm 2002.

[4] Tham khảo Triệu Ngọc Lan: Kim Vân Kiều truyện dịch thuật và nghiên cứu, NXB Đại học Sư phạm Bắc Kinh, 2013

[5] Kỳ Quảng Mưu: “Bàn về truyền thống văn học và giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết chữ Nôm Việt Nam – thành tựu nghệ thuật Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du”, tạp chí Học viện ngoại ngữ giải phóng quân, số 6 năm 1997, trang 86.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020