“Cắt bỏ” và “viết lại”: tiếp nhận Phế đô tại Việt Nam từ các vấn đề tình dục và trí thức
Đối chiếu bản gốc Phế đô (Bắc Kinh xuất bản xã, 1993) và bản dịch tiếng Việt (nhà xuất bản Đà Nẵng, 1999), có thể thấy 23 chỗ bị cắt bỏ, lần lượt nằm ở các trang 32, 85, 86, 117, 118, 122, 156, 178, 179, 243, 258, 259, 303, 304, 311, 327, 328, 334, 343, 373, 400, 413, và 467 (bản gốc). Từ đó chúng tôi có một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, trong 23 chỗ cắt bỏ đó, ngoại trừ dẫn chứng thứ nhất nguyên văn là “tưởng tượng ra rất nhiều hình ảnh trong đầu, lại còn chảy ra ít vật lạ, mới tỉnh táo hơn một chút”, bản tiếng Việt dịch thành “tưởng tượng ra nhiều hình ảnh trong đầu, tự dưng…” (Phế đô, tập 1, tr.68), có nghĩa là một kiểu dịch cắt bỏ - rút gọn, còn lại 22 dẫn chứng đều là kiểu cắt bỏ đơn thuần. Chỗ bị cắt bỏ có thể là một cụm từ, một vài câu, hay một đoạn vài trăm chữ.
Thứ hai, ngoài dẫn chứng số 22 với đoạn bị cắt bỏ là một câu chuyện mà nhân vật Đường Uyển Nhi kể cho nhân vật Trang Chi Điệp, tất cả các chỗ bị cắt bỏ đều là các tình tiết hoặc cảnh có liên quan đến thân thể nữ giới hoặc hành vi tình dục. Nói cách khác, hiện tượng cắt bỏ trong bản dịch liên quan mật thiết đến vấn đề miêu tả tình dục trong bản gốc.
Thứ ba, theo quan sát của chúng tôi, 22 chỗ cắt bỏ đều không nằm ngoài một trong hai phương thức: hoặc xóa bỏ, hoặc nhẹ hóa, nhạt hóa nội dung miêu tả tình dục trong bản gốc. Qua những đoạn được giữ lại cũng như những đoạn bị cắt bỏ trong bản dịch, có thể thấy cách miêu tả tình dục của Giả Bình Ao trong Phế đô là sự kết hợp giữa những hình ảnh, chi tiết mang tính chất tả thực, trần trụi, có thể quy về phạm trù cái “tục”, với những so sánh, ước lệ, tượng trưng, điển cố, có thể quy về phạm trù cái “nhã”. Điều này cũng khiến chúng ta thận trọng hơn trước những nhận định (hay giả định) rằng Phế đô bị cấm tại quê hương Trung Quốc của nó đơn thuần vì sự miêu tả tình dục quá “tục”, quá tả thực.
Theo hồi tưởng của Vũ Công Hoan, bản thảo bản dịch đầu tiên của ông đã trung thành với bản gốc trong các nội dung liên quan đến tình dục. Các đoạn cắt bỏ nói trên là do biên tập viên của nhà xuất bản Đà Nẵng tiến hành. Khi phát hiện ra, ông cũng đã từng có ý kiến phản đối, song cuối cùng phải thỏa hiệp, kết quả là bản dịch Phế đô được xuất bản tại Việt Nam năm 1999 là bản dịch đã được biên tập lại, cụ thể là hầu hết các tình tiết, đoạn cảnh miêu tả tình dục chi tiết và táo bạo nhất đều đã bị cắt bỏ. Năm 2003 và 2005, tác phẩm được nhà xuất bản Văn học tái bản, các bản tái bản này không có sự thay đổi, chỉnh sửa nào so với bản dịch năm 1999. Ở đây ta thấy có sự xung đột giữa một bên là ý tưởng và mong muốn tiếp nhận tác phẩm một cách trọn vẹn của dịch giả, một bên là khuynh hướng điều chỉnh lại tác phẩm để thuận lợi cho việc xuất bản của nhà xuất bản.
Việc văn bản một tác phẩm văn học khi được dịch sang một ngôn ngữ khác, được tiếp nhận bởi một nền văn hóa khác trong một thời đại khác bị chỉnh sửa, cắt bỏ do vấn đề miêu tả tình dục không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên điểm tôi muốn nhấn mạnh ở đây không hẳn là hiện tượng cắt bỏ mà quan trọng hơn, là cách thức các lực lượng/ nhân tố liên quan trong quá trình dịch thuật và xuất bản ứng xử trước hiện tượng cắt bỏ đó – điều mà theo tôi có thể gợi ra các vấn đề thú vị liên quan đến sự tiếp nhận. Phế đô ở Việt Nam trải qua ba lần xuất bản, song trong cả ba lần đều không có bất cứ một lời chú thích hay giải thích nào về hiện tượng cắt bỏ. Trong “Lời người dịch” viết trong lần xuất bản đầu tiên và được bảo lưu trong hai lần tái bản sau đó, dịch giả Vũ Công Hoan không đề cập đến chuyện này. Bài giới thiệu tác phẩm đăng trên báo Văn nghệ do Trần Đình Sử viết theo lời mời của nhà xuất bản Đà Nẵng ngay sau khi bản dịch được xuất bản cũng không nhắc tới chuyện này. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Trần Đình Sử cho biết cá nhân ông không biết bản dịch tiếng Việt có hiện tượng cắt bỏ, còn bài giới thiệu mà ông viết là căn cứ trên việc đọc bản dịch và tham khảo một số tư liệu của Trung Quốc(10). Như vậy, ngay từ khi mới xuất hiện, Phế đô ở Việt Nam đã là Phế đô được “cắt bỏ” và “viết lại”.
Việc bản dịch xuất hiện dưới hình thức bị cắt bỏ rõ ràng có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến tâm thế và cách thức bạn đọc cũng như giới nghiên cứu phê bình Việt Nam tiếp nhận tác phẩm này. Có một thực tế rằng ngay ở nền văn hóa nguồn nơi sản sinh ra nó, số phận của Phế đô đã gắn liền với vấn đề miêu tả tình dục, hay nói cách khác, “tình dục” là từ khóa không thể né tránh khi bàn đến tác phẩm này. Từ khi mới xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc, tiểu thuyết đã châm ngòi cho các cuộc tranh luận gay gắt với các ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề miêu tả tình dục. “Tình dục” được coi là nguyên nhân khiến cho sách bị cấm ngay sau khi xuất bản (năm 1993), và sau mười sáu năm (năm 2009) mới được giải cấm. Tuy nhiên, trong thời gian bị cấm, sách được in lậu và phát hành với số lượng rất lớn. Nhìn từ góc độ tâm lý tiếp nhận của độc giả, tình dục (gắn liền với sự kiện bị cấm) chắc hẳn vẫn là một nhân tố có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định chọn mua và đọc tác phẩm của họ. Còn ở Việt Nam, bản dịch được xuất bản năm 1999, tức là năm năm sau khi bản gốc ra đời (cùng với hai lần tái bản năm 2003 và 2005, tức là vẫn nằm trong giai đoạn chưa giải cấm ở Trung Quốc), và xét trong bối cảnh xã hội sau thời kỳ cải cách mở cửa của cả hai nước với nhiều nét tương đồng, thì rất khó có khả năng xuất hiện một hướng tiếp nhận tách rời hẳn số phận của bản gốc trong nền văn hóa đã sản sinh ra nó.
Thực vậy, có thể thấy từ lời giới thiệu của Vũ Công Hoan với tư cách dịch giả đến bài báo viết theo lời mời của nhà xuất bản của Trần Đình Sử với tư cách nhà nghiên cứu phê bình văn học đều không tránh khỏi đề cập đến vấn đề tình dục trong tác phẩm. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là, tất cả những đề cập này đều không vượt qua được mức độ “khái quát”, cũng không có những phân tích cụ thể dựa trên văn bản tác phẩm. Chẳng hạn, dịch giả Vũ Công Hoan nhận xét rằng “yếu tố tình dục và mê tín khá đậm nét trong “Phế đô”, song tác giả mô tả tình dục không phải để khêu gợi tình dục, miêu tả mê tín không phải để khuyến khích mê tín, mà đàng sau các chi tiết ấy, tác giả muốn nói lên những khía cạnh rộng lớn về con người và đạo đức của lối sống hiện đại”(11). Nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Đình Sử thì đưa ra thông tin: “Việc miêu tả đời sống tình dục lộ liễu đã gây bất bình trong nhiều người đọc Trung Quốc. Miêu tả theo lối khêu gợi thì ở đây có lẽ không phải, nhưng rõ ràng là tác giả không còn kị húy và muốn công khai một khía cạnh đời sống vốn ẩn kín của con người”(12). Khoảng nửa năm sau khi tác phẩm được xuất bản ở Việt Nam, trên tạp chí Sông Hương đã đăng tải bài viết “Đọc Phế đô của Giả Bình Ao” của Đỗ Ngọc Yên. Chúng tôi cho rằng từ một góc độ nhất định, có thể coi bài viết này là một tham khảo có tính chất đại diện cho sự tiếp nhận của độc giả Việt Nam (trong khi hai bài viết nói trên, một là của dịch giả viết cho bản dịch, một là của nhà phê bình viết theo lời mời của nhà xuất bản). Trong bài viết này, Đỗ Ngọc Yên đã đưa ra những cảm nhận và đánh giá của mình về khá nhiều phương diện của tác phẩm. Riêng về vấn đề miêu tả tình dục, ông nhận xét: “Mặt khác khi miêu tả đến những đoạn về quan hệ tình dục, tác giả chỉ đưa ra những chi tiết có tính chất khơi mào tạo đà cho trí tưởng tượng bay bổng của công chúng bạn đọc mà không sa đà quá mức vào việc miêu tả tỉ mỉ những hoạt động ấy”(13). Ở các bài viết kể trên, chúng ta có thể nhận ra một hiện tượng hàm chứa nghịch lý: một mặt, những người viết bài về Phế đô, cho dù là khai thác và chuyển tải thông tin từ nguồn Trung Quốc hay diễn giải ý kiến cá nhân, đều không thể không nhắc đến chủ đề tình dục; mặt khác, chủ đề này lại chưa bao giờ được phân tích, đánh giá xa hơn một số nhận xét sơ lược mang tính “trung dung”. Tất nhiên, giới hạn về dung lượng cũng nên được tính đến như một nguyên nhân khiến cho phần viết về vấn đề tình dục trong các bài viết trên khó có thể được đào sâu. Song theo chúng tôi, nguyên nhân chính vẫn là độ vênh lệch giữa các thông tin khái quát về vấn đề tình dục trong Phế đô mà các tác giả tiếp cận được (và chuyển tải lại trong bài viết) với bản dịch mà họ sử dụng làm ngữ liệu với các miêu tả tình dục vốn đã bị “cắt bỏ” và “viết lại”.
“Rào cản” trong việc tiếp nhận Phế đô từ chủ đề tình dục có lẽ là một trong những lý do khiến các tác giả Việt Nam chuyển hướng sang bàn luận sâu hơn về một chủ đề khác: chủ đề trí thức. Phế đô suy cho cùng là câu chuyện về đời sống hàng ngày của mấy nhân vật trí thức có tiếng tăm nhất trong thành phố Tây Kinh. Dựa vào các tư liệu liên quan đến Phế đô tại Việt Nam mà chúng tôi tập hợp được, có thể thấy hướng tiếp nhận tác phẩm từ vấn đề trí thức khá đa dạng.
Dịch giả Vũ Công Hoan, trong “Lời người dịch”, đã đem thân phận người trí thức quy về những thể nghiệm nhân sinh theo hướng khái quát hóa thành những “cảm thụ riêng” mà bạn đọc có thể liên tưởng tới, chẳng hạn như: “Khi con người dù là nhân vật tiếng tăm, song đã thoái hóa suy đồi và khi thực trạng đầy rẫy bệnh hoạn, thì theo quy luật tuyển chọn tự nhiên tất sẽ tự phế bỏ, không ai đánh đổ được mình trừ chính mình”. Tuy nhiên, với phong cách viết bài giới thiệu theo hướng tôn trọng và khơi gợi cảm thụ riêng của mỗi bạn đọc, dịch giả Vũ Công Hoan đã không triển khai thêm nhận định này, cũng không có những liên tưởng đến vấn đề trí thức ở Việt Nam. Đây lại chính là điều mà nhà nghiên cứu Trần Đình Sử hướng tới trong bài giới thiệu bản dịch đăng trên báo Văn nghệ. Ông đã từ thực trạng suy đồi của trí thức Trung Quốc trong tác phẩm liên tưởng đến câu chuyện về số phận của giới trí thức trong thời buổi kinh tế thị trường, khiến sản sinh ra “Một lớp trí thức suy thoái chán chường, thiếu điểm tựa tinh thần, sống theo sự xô đẩy của sự vụ và tháng ngày, không còn lý tưởng xã hội và lý tưởng nghệ thuật”, và “Nhu cầu xây dựng đời sống văn hóa đích thực của một xã hội và nhu cầu lập thành tích văn hóa một bộ máy ở đây hầu như không ăn nhập gì với nhau”. Hướng tiếp cận này thậm chí đã in dấu cả trong cách Trần Đình Sử giới thiệu khái quát về tác phẩm: “Phế đô là tiểu thuyết về đời sống hàng ngày của giới trí thức nhưng nghiêng về phê phán xu hướng thương mại hóa, suy thoái đạo đức”. Không khó để nhận ra rằng tiền đề cho hướng tiếp cận này về vấn đề trí thức chính là những nét tương đồng trên các phương diện lịch sử, chính trị và văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc thời kỳ đương đại, đặc biệt là công cuộc Đổi mới (ở Việt Nam) và công cuộc Cải cách mở cửa (ở Trung Quốc), sự chuyển hướng từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, và xu thế thương mại hóa các sản phẩm tri thức hay văn hóa. Trong khi đó, với tư cách một độc giả viết bài cảm nhận về tác phẩm sau khi đọc, nhà văn Đỗ Ngọc Yên đã lựa chọn góc nhìn từ bên ngoài - một góc nhìn định vị đối tượng như một thứ ngoại lai – để soi chiếu vào nhân vật chính Trang Chi Điệp và nhóm nhân vật trí thức trong tác phẩm. Cụ thể, ông đã đem chữ “danh” trong “danh nhân” (là từ chỉ giới trí thức của thành Tây Kinh trong tác phẩm) liên hệ với chữ “danh” trong lịch sử, văn hóa của Trung Quốc từ truyền thống đến đương đại, để rồi nhìn “kết cục tất yếu tấn bi kịch của tầng lớp trí thức Trung Quốc đương đại” như một sự tiếp nối “cái máu háo danh của quân tử Tàu từ thời cổ đại”. Các hướng tiếp nhận trên, mặc dù rất khác nhau, nhưng lại gặp nhau ở một điểm là đều coi vấn đề trí thức trong Phế đô như điểm tựa, một cái cớ để thể hiện những suy ngẫm và liên tưởng của mình về các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội và văn hóa của chính Việt Nam đương thời. Nói cách khác, đó đều là các hướng tiếp nhận mang đậm màu sắc của nền văn hóa đích nơi sinh ra bản dịch, và xa rời với bản thân vấn đề trí thức trong nền văn hóa nguồn nơi sinh ra bản gốc.
Chúng tôi sẽ lý giải điều này bằng cách quay lại câu chuyện về số phận của Phế đô ở nơi đã sinh ra nó. Phế đô ngay sau khi xuất bản tại Trung Quốc đã bị cấm, và mười sáu năm sau mới được giải cấm. Câu chuyện cấm – giải cấm đó được thường được biết đến ở Việt Nam như một sự kiện gắn liền với chủ đề tình dục. Điều đó không sai, nhưng trên thực tế, cái gọi là “tình dục” trong trường hợp này không đơn giản. Phế đô ngay sau khi ra đời đã gây ra những cuộc tranh luận gay gắt trên văn đàn Trung Quốc, không phải chỉ bởi một câu hỏi sách khiêu dâm hay không khiêu dâm, tình dục được miêu tả quá mức hay không quá mức, mà bởi một nguyên nhân sâu xa hơn là cách tác giả Giả Bình Ao gắn chủ đề tình dục với chủ đề trí thức. Do vậy, nói Phế đô bị cấm vì vấn đề tình dục cũng đúng, nhưng nói Phế đô bị cấm vì vấn đề trí thức cũng không sai.
Trong phần đầu bài viết, chúng tôi đã đề cập đến vị trí “kết thúc” và “chuyển hướng” của tiếu thuyết này trên phương diện văn học sử cũng như trong quá trình sáng tác của cá nhân tác giả Giả Bình Ao. Thực ra, những lời đánh giá theo khuynh hướng khẳng định như trên đã phải mất một thời gian khá dài để được chấp nhận một cách rộng rãi. Phế đô vừa mới ra mắt đã châm ngòi cho những cuộc tranh luận nảy lửa. Chỉ trong vòng hai năm sau khi tác phẩm xuất hiện, các bài viết, bài phê bình, bài phỏng vấn Giả Bình Ao đã được tập hợp lại ít nhất trong các cuốn sách sau: Phế đô phế ai (Tiêu Hạ Lâm chủ biên, Học Uyển xuất bản xã, 1993), Phế đô và cơn sốt Phế đô (Trần Liêu chủ biên, Trung Quốc khoáng nghiệp đại học xuất bản xã, 1993), Cảm thụ Phế đô (Đa Duy biên soạn, Hà Nam nhân dân xuất bản xã, 1993), Giả Bình Ao bị làm sao – đằng sau 6986 chữ bị cắt bỏ (Lư Dương biên soạn, Thượng Hải tam liên thư điếm, 1993), Giả Bình Ao sa chân lỡ bước (Lưu Bân và Vương Linh chủ biên, Hoa Hạ xuất bản xã, 1994)(14). Trong số những nguyên nhân khiến người ta phê phán gay gắt Phế đô và Giả Bình Ao, có một nguyên nhân quan trọng: cách miêu tả và đánh giá về giới trí thức đương đại Trung Quốc thông qua hình tượng nhân vật chính – nhà văn, nhà trí thức, danh nhân văn hóa Trang Chi Điệp khiến cho độc giả nói chung và giới trí thức nói riêng bị “sốc”.
Để hiểu rõ trạng thái “sốc” này, lại cần nhìn lại hiện trạng giới trí thức Trung Quốc lúc bấy giờ. Sau một khoảng thời gian dài bị phủ định và vùi dập trong mười năm Đại cách mạng văn hóa, vị trí của giới trí thức Trung Quốc ngày càng được khẳng định và tôn vinh cùng với tiến trình Cải cách mở cửa. Trào lưu có thể được gọi là “sự quay lại” của giới trí thức, mang ý nghĩa như một sự hồi sinh, hay một sự tái sinh, đã dần xác lập hình ảnh giới trí thức đương đại như tầng lớp tinh hoa của xã hội, có sứ mệnh cải tạo xã hội, và từ một góc độ nhất định, thậm chí còn là lực lượng nắm giữ quyền phát ngôn trong xã hội. Điều này có lẽ phần nào đã được phản ánh trong chính cách gọi tên các dòng văn học quan trọng của những năm 1980 như văn học vết thương, văn học phản tư, văn học tầm căn, văn học cải cách,… tất cả đều hàm ý về sự kết nối tích cực của giới văn học với những vấn đề trọng đại của lịch sử và đất nước hiện thời. Những hình dung theo hướng này về giới trí thức, bất kể là sự hình dung của xã hội hay sự tự hình dung của giới trí thức, không dễ dàng gì để bị hoài nghi, chứ chưa nói đến việc phá vỡ. Giả Bình Ao với quyết tâm khắc họa chân dung giới trí thức hiện đại trong bối cảnh đô thị, đã đem ý tưởng của mình gửi gắm vào hình ảnh Trang Chi Điệp, một nhân vật khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh văn nhân trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, được miêu tả theo lối viết của thể loại tiểu thuyết nhân tình thế thái. Trang Chi Điệp, cùng với các nhân vật khác trong cái cộng đồng “trí thức” của tác phẩm, là kết quả của sự quan sát, suy ngẫm, và cả dự cảm của Giả Bình Ao về tính chất suy đồi, bế tắc, bất lực, vô nghĩa,… của giới trí thức trong thời đại cuối thế kỷ đầy xáo động và đứt đoạn (mà việc tìm lối thoát bất thành trong tình dục chỉ là một phần tất yếu của nó). Tất cả những điều này đều rất khó được chấp nhận trong bối cảnh xã hội Trung Quốc đương thời. Vì vậy, sự xuất hiện của hình tượng Trang Chi Điệp được coi như một “sự lạc loài”, hay là một “tha giả” – tức là một cái khác, một kẻ khác(15) trong thời điểm những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Phế đô, một tiểu thuyết viết về giới trí thức, đã bị chính nhiều người trong giới trí thức phủ nhận, phê phán. Nhìn từ góc độ này, có thể thấy tình dục lại chỉ là vấn đề phụ bên cạnh vấn đề chính là trí thức, chỉ là phần nổi trong câu chuyện cấm đoán mà phần sâu xa chính là trí thức.
Trong bài viết “Luận Trang Chi Điệp” được sử dụng làm Lời nói đầu thứ nhất của bản Phế đô in năm 2009 (tức là bản in ngay sau khi được giải cấm), Lý Kính Trạch đưa ra những nhận định mà theo chúng tôi là đã tái hiện lại một cách rất chính xác bối cảnh cũng như nguyên nhân của sự kiện cấm và giải cấm tác phẩm. Từ hình tượng nhân vật Trang Chi Điệp, ông đã nhìn lại cuộc tranh luận sôi nổi trong đời sống văn nghệ Trung Quốc đầu những năm 90 của thế kỷ XX: “Có một sự khác biệt vô cùng lớn trong hệ thống ngôn ngữ và hình dung về cuộc sống giữa nhân vật Trang Chi Điệp với giới trí thức đầu những năm 1990. Phế đô bị phê phán, vốn dĩ chính là bởi nguyên nhân này. Trong cuộc tranh luận đầu những năm 1990 đó, giới trí thức giành thắng lợi rực rỡ, thế nhưng nguyên nhân chủ yếu là bởi giới trí thức đã nắm trong tay cái tiếng nói để tranh biện, đó là một cuộc tranh biện diễn ra trên đấu trường do chính họ lựa chọn; song, mười bảy năm sau nhìn lại, thì có lẽ Trang Chi Điệp không hề thất bại, có lẽ Giả Bình Ao có cảm nhận về hiện thực tốt hơn bất kỳ ai trong số những người đã phê phán ông. Có lẽ giới trí thức rốt cuộc đã nhận ra rằng, bản thân họ có khả năng chính là Trang Chi Điệp, trước kia là như vậy, bây giờ lại càng là như vậy”(16). Qua đây có thể thấy, mối liên hệ tinh tế và sự phụ thuộc của chủ đề tình dục vào chủ đề trí thức trong Phế đô, như chúng tôi đã trình bày ở trên, là câu chuyện vốn gắn bó hết sức chặt chẽ với đặc thù lịch sử, xã hội và văn hóa Trung Quốc. Trong trường hợp bản dịch đã bị “cắt bỏ” và “viết lại”, câu chuyện đó càng không có cơ hội để được tái hiện, dù chỉ một phần, trong quá trình phía Việt Nam tiếp nhận tác phẩm từ các vấn đề tình dục và trí thức.
Như vậy, bắt đầu từ sự thỏa hiệp giữa dịch giả và nhà xuất bản về việc “cắt bỏ” và “viết lại” một số nội dung miêu tả tình dục trong bản gốc nhằm giúp bản dịch ra mắt độc giả, sự tiếp nhận Phế đô tại Việt Nam từ hai vấn đề nổi trội là tình dục và trí thức đã cho thấy những khác biệt so với sự tiếp nhận hai vấn đề này tại nền văn hóa nguồn (Trung Quốc). Tình dục, dù là nhân tố tất yếu xuất hiện trong mọi tư liệu tiếp nhận, song không thể đi xa hơn giới hạn của sự cung cấp thông tin, càng không thể tiến đến những phân tích dựa trên văn bản tác phẩm. Còn về trí thức, như bài viết đã trình bày, các tiếp nhận từ phía Việt Nam, dù khá đa dạng, song đều tập trung vào sự thoái hóa của giới trí thức theo chiều hướng phê phán. Trong khi đó, vấn đề trí thức trong Phế đô bản gốc lại chính là nguồn gốc sâu xa của sự kiện cấm và giải cấm của tác phẩm, gắn liền với quá trình tự nhận thức của chính bản thân tác giả Giả Bình Ao cũng như của giới trí thức Trung Quốc vào thời điểm cuối thế kỷ.
Kết luận
Giả Bình Ao từng diễn giải về ý tưởng cấu tứ tiểu thuyết Phế đô: “Cái kiểu tâm lý cổ đô – cố đô – phế đô của Tây An rất điển hình, tôi vô cùng hứng thú với điều này. Thế nhưng khi cấu tứ tác phẩm, tôi không nghĩ rằng tôi chỉ viết về Tây An, mà cảm thấy rộng hơn, Tây An có thể là phế đô của Trung Quốc, Trung Quốc có thể là phế đô của trái đất, trái đất có thể là phế đô của vũ trụ. Với ý nghĩa đó, tâm lý của người Tây An chính là tâm lý của người Trung Quốc. Như vậy, trong quá trình sáng tác, tôi mới đặt phế đô ở thành Tây An, để phá vỡ cái giới hạn của một thành phố mà mở rộng ra, viết về người Trung Quốc, viết về con người trong một giai đoạn cuối thế kỷ”(17). Ý thức sáng tác này, bất luận nó được thể hiện đến mức độ nào trong tác phẩm cụ thể, có lẽ chính là một trong những nguyên nhân khiến cho Phế đô được dịch và tiếp nhận ở nhiều nền văn hóa khác ngoài Trung Quốc.
Ở Việt Nam, bản dịch Phế đô đã được “viết lại” trên cơ sở sự thỏa hiệp và đồng thuận của “những người viết lại” (rewriters) là dịch giả và (biên tập viên) nhà xuất bản. Ở đây xin được nhắc lại ý của Andre Lefevere trong cuốn Translation, Rewriting and the Manipulation of Literary Fame về khái niệm “viết lại” (rewriting) như là mọi sự thêm bớt, điều chỉnh, nhào nặn được thực hiện với bản gốc trong quá trình tạo ra các bản dịch, lịch sử văn học, tài liệu tham khảo, tuyển tập, phê bình, biên tập; và sự viết lại đó thường để làm cho tác phẩm trở nên phù hợp với ý thức hệ và thi pháp đương thời(18). Quá trình tiếp nhận Phế đô ở Việt Nam bắt đầu bằng sự lựa chọn dịch thuật mang nhiều yếu tố ngẫu nhiên và cá nhân của dịch giả, tiếp tục bởi sự lựa chọn xuất bản với thái độ thận trọng một cách tất yếu của nhà xuất bản. Sau đó, là sự thỏa hiệp giữa dịch giả và nhà xuất bản trong câu chuyện “cắt bỏ” và “viết lại” tác phẩm ở các nội dung miêu tả tình dục. Đến lượt mình, sự “cắt bỏ” và “viết lại” này lại có ảnh hưởng lâu dài đến tâm thế đọc hiểu và diễn giải tác phẩm của độc giả cũng như giới nghiên cứu phê bình Việt Nam từ góc độ của các vấn đề tình dục và trí thức. Với chủ đề tình dục, đó là hiện tượng đề cập thường xuyên nhưng thiếu vắng sự phân tích cụ thể trên văn bản. Với chủ đề trí thức, đó là các hướng tiếp nhận đa dạng mang màu sắc bản địa hóa rõ nét, hoàn toàn tách rời với sự tiếp nhận chủ đề này trong nền văn hóa của bản gốc. Tất cả những sự vênh lệch và chuyển hóa trong tiếp nhận này đã tạo cơ hội cho chúng tôi nhìn lại câu chuyện cấm và giải cấm của Phế đô theo một cách khác.
Tìm hiểu sự tiếp nhận một tác phẩm văn học trong một nền văn hóa khác dường như đồng nghĩa với việc viết một câu chuyện không có hồi kết. Trong quá trình đó, chúng tôi không khỏi tự đặt ra một câu hỏi mang tính “truy nguyên”: Với những thao tác đối chiếu, so sánh sự tiếp nhận tác phẩm ở nền văn hóa đích – nền văn hóa của bản dịch với sự tiếp nhận tác phẩm ở nền văn hóa nguồn – văn hóa của bản gốc với một mặc định về tính chất trước – sau, chính – phụ, phải chăng ta đang đi ngược lại bản chất của sự tiếp nhận như một quá trình không nên bị giới hạn bởi bất cứ định kiến nào? Hy vọng chúng tôi sẽ có thể tiếp tục suy ngẫm về vấn đề này trong một bài viết khác.
___________________
(1) Văn học Trung Quốc Thời kỳ mới (Trung Quốc tân thời kỳ văn học) ở đây được xác định là văn học từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1990, phân biệt với văn học thời kỳ Cách mạng văn hóa trước đó và văn học sau Thời kỳ mới (hậu tân thời kỳ văn học) sau đó. Tham khảo Trung Quốc đương đại văn học sử (Hồng Tử Thành, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, Bắc Kinh, 2007) và Trung Quốc đương đại văn học sử giáo trình (Trần Tư Hòa chủ biên, Phúc Đán đại học xuất bản xã, Thượng Hải, 2008).
(2) Vũ Công Hoan (1941-): từ năm 1960 đến năm 1963 học chuyên ngành phiên dịch Việt - Trung tại Việt Nam; từ năm 1964 đến năm 1967 làm việc tại nhà máy sắt thép An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc; từ năm 1968 đến năm 1991 ở trong quân ngũ Việt Nam; sau khi xuất ngũ lại tiếp tục làm việc như một phiên dịch viên ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Sau khi về hưu vào năm 1997, ông mới bắt đầu tham gia dịch thuật văn học và trở thành một dịch giả văn học Trung Quốc đương đại.
(3) Hoàng Bình: “Xích mích giữa ‘người’ và ‘quỷ’ – ‘Phế đô’ và “văn học của con người’ những năm 80”, in trong Nhìn lại những năm 1980, Hồng Tử Thành chủ biên, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, Bắc Kinh, 2009, tr.246.
(4) Hồng Tử Thành: Trung Quốc đương đại văn học sử, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, Bắc Kinh, 2009, tr.290.
(5) Xin tham khảo Andre Lefevere: Translation, Rewriting and the Manipulation of Literary Fame, Routledge, London, 1992.
(6) Theo hồi tưởng của dịch giả Vũ Công Hoan, đầu những năm 1990 ông đang làm phiên dịch viên tại một công ty thuốc bảo vệ thực vật của Trung Quốc. Mặc dù công việc không hề có liên quan đến lĩnh vực văn học, nhưng do hứng thú cá nhân nên ông vẫn thường trò chuyện với các bạn bè người Trung Quốc về tình hình văn học đương đại Trung Quốc. Theo hồi ức của ông, chính giám đốc công ty này đã gợi ý cho ông đọc ba cuốn tiểu thuyết đương đại là Phế đô của Giả Bình Ao, Bạch lộc nguyên của Trần Trung Thực và Thế giới bình thường của Lộ Dao. Riêng cuốn Phế đô, ông đã tìm mua ngay trong năm tác phẩm được xuất bản tại Trung Quốc lần đầu tiên là năm 1993, và ngay khi đọc xong đã có ý định dịch sang tiếng Việt. Song do bận công việc nên ông không có thời gian để làm điều đó. Bốn năm sau, sau khi về hưu, ông mới có cơ hội dành thời gian và công sức để chuyên tâm làm công việc mình yêu thích là dịch văn học. Kết quả, như chúng ta đã thấy, năm 1998 tiểu thuyết Nôn nóng do ông dịch được nhà xuất bản Văn học ấn hành, và năm 1999 đến lượt tiểu thuyết Phế đô được nxb Đà Nẵng ấn hành. Xin tham khảo nội dung đầy đủ bản phỏng vấn Giả Bình Ao trong Nguyễn Thị Diệu Linh, Tlđd, Phụ lục 2.6, tr.184.
(7) Xin tham khảo nội dung đầy đủ bản phỏng vấn Giả Bình Ao trong Nguyễn Thị Diệu Linh, Tlđd, Phụ lục 2.6, tr.184.
(8) Xin tham khảo thống kê cụ thể trong Nguyễn Thị Diệu Linh, Tlđd, tr.21-24.
(9), (10) Xin tham khảo nội dung đầy đủ bản phỏng vấn Trần Đình Sử trong Nguyễn Thị Diệu Linh, Tlđd, Phụ lục 2.7, tr.187.
(11) Vũ Công Hoan: “Lời người dịch”, in trong Giả Bình Ao: Phế đô, Vũ Công Hoan dịch, Nxb. Đà Nẵng, 1999, tập 1, tr.7.
(12) Trần Đình Sử: “Phế đô – một tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi ở Trung Quốc”, Văn nghệ, số 2, ra ngày 8/1/2000, tr.6.
(13) Đỗ Ngọc Yên: “Đọc Phế đô của Giả Bình Ao”, tạp chí Sông Hương, số 136, 6/2000.
(14) Theo thống kê trong Hồng Tử Thành: Trung Quốc đương đại văn học sử, Sđd., tr.290.
(15) Cách dùng từ của Trần Hiểu Minh: “Vượt qua bản địa, vượt lên ‘Phế đô’ – ngữ nghĩa học lịch sử trong sáng tác của Giả Bình Ao (Lời tựa số 2), in trong Phế đô, Tác gia xuất bản xã, 2009, , tr.17,18.
(16) Lý Kính Trạch: “Luận Trang Chi Điệp”, in trong Giả Bình Ao: Phế đô, Tác giả xuất bản xã, 2009, tr.7.
(17) Theo Vương Triết: Số phận của một bộ kỳ thư: Thăng trầm Phế đô của Giả Bình Ao, Hoa Sơn văn nghệ xuất bản xã, Hà Bắc, 2011, tr.23.
(18)Andre Lefevere: Translation, Rewriting and the Manipulation of Literary Fame, Sđd., tr.8.