Mở đầu
So với tác phẩm của các tác giả văn học Trung Quốc Thời kỳ mới(1) khác, tác phẩm của nhà văn Giả Bình Ao được dịch thuật và xuất bản tại Việt Nam khá sớm. Ngay từ cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một số tản văn và truyện ngắn của ông đã được dịch và giới thiệu tại Việt Nam dưới hình thức đăng báo hoặc in trong các tuyển tập. Sự quan tâm của độc giả Việt Nam với hai thể loại văn học này vẫn còn kéo dài cho đến tận khoảng thời gian sau năm 2000, khi tản văn và truyện ngắn Giả Bình Ao tiếp tục được xuất bản và tái bản. Còn nói riêng về thể loại tiểu thuyết, loạt tác phẩm được dịch ra tiếng Việt bao gồm Nôn nóng (năm 1998), Phế đô (năm 1999), Hoài niệm sói và Báo cáo bệnh tướng (năm 2003), cùng với Điệu Tần (năm 2007) phần nào cho thấy mối quan tâm khá liên tục của giới dịch thuật Việt Nam đối với tác giả Giả Bình Ao.
Nếu chúng ta coi Một nửa đàn ông là đàn bà (Trương Hiền Lượng) là mốc đánh dấu sự khởi đầu quá trình dịch thuật và xuất bản tiểu thuyết Trung Quốc Thời kỳ mới tại Việt Nam, thì từ đó cho đến nay, trải qua một quá trình gần ba mươi năm, bản dịch Phế đô (Giả Bình Ao) năm 1999 có thể được coi như một trung điểm của quá trình đó. Tính chất “trung điểm” ở đây không chỉ nhằm vào phương diện thời gian mà còn hàm chứa ý nghĩa về một sự thay đổi, chuyển biến trong bối cảnh và cách thức mà giới dịch thuật, xuất bản Việt Nam lựa chọn và tiếp nhận các tác phẩm văn học Trung Quốc Thời kỳ mới. Đó cũng chính là vấn đề mà bài viết này muốn bàn tới, thông qua một trường hợp cụ thể: bản dịch tiểu thuyết Phế đô của Giả Bình Ao, do dịch giả Vũ Công Hoan(2) thực hiện, và nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành vào năm 1999.
Quá trình xuất bản, bị cấm và giải cấm của Phế đô, không nghi ngờ gì nữa, là một sự kiện quan trọng trong lịch sử văn học đương đại Trung Quốc. Phế đô xuất hiện trên văn đàn vào năm 1993, tức là vào khoảng giao nhau giữa hai giai đoạn văn học mà giới nghiên cứu Trung Quốc vẫn thường gọi là “văn học những năm 80”, hay “văn học Thời kỳ mới”, và “văn học những năm 90”, hay “văn học hậu Thời kỳ mới”. Đối với văn học những năm 80, ý nghĩa văn học sử của tác phẩm là điều đã được giới nghiên cứu văn học đương đại khẳng định: “Nếu chúng ta cần tìm kiếm một “sự kiện văn học” mang tính biểu trưng cho sự “kết thúc” của văn học những năm 1980, thì có lẽ Phế đô cùng với những tranh luận xung quanh nó là lựa chọn đáng để tham khảo nhất”(3). Song đáng lưu tâm hơn là khả năng đại diện cho trạng thái chuyển biến, giao thời giữa hai giai đoạn văn học của nó. “Tiểu thuyết viết về cuộc sống thường ngày của nhà văn Trang Chi Điệp và các nhân vật khác trong thành cổ Tây Kinh (mà Tây An là “nguyên mẫu”), đặt trong tương quan với tiểu thuyết những năm 80, đã cho thấy sự chuyển hướng lớn về mặt thể loại”(4). Đó là sự chuyển hướng đến từ cố gắng vượt thoát khỏi những chủ đề lớn, đơn nhất, gắn trực tiếp với chính trị hay lịch sử, vốn là những chủ đề được ưa chuộng của tiểu thuyết những năm 80, đặc biệt trong trường hợp đề tài trí thức. Khả năng đại diện cho tính chất “kết thúc” và “chuyển hướng” này của tác phẩm trên phương diện văn học sử đã không có cơ hội thể hiện ra một cách rõ nét trong quá trình dịch thuật, xuất bản và tiếp nhận tại Việt Nam.
Vậy, câu chuyện tiếp nhận Phế đô ở Việt Nam, với sự vắng thiếu những liên kết với các sự kiện mang tính mấu chốt trong câu chuyện tiếp nhận tác phẩm ở quê hương của nó, đã được “kể” như thế nào? Đó là điều mà bài viết này cố gắng làm rõ. Câu hỏi mà chúng tôi đặt ra là: đặc thù của sự tiếp nhận Phế đô ở Việt Nam phải chăng được tạo dựng nên từ quá trình dịch thuật và xuất bản như là sự “viết lại” tác phẩm? Cũng xin nói trước rằng, theo quan niệm của tôi, khi một tác phẩm văn học xuất hiện trong một bối cảnh văn hóa và ngôn ngữ khác, thì quá trình tiếp nhận không bắt đầu bằng việc tác phẩm đến tay độc giả, mà bắt đầu bằng chính thao tác đầu tiên của dịch thuật là lựa chọn tác phẩm.
Tính ngẫu nhiên và tính tất yếu: từ câu chuyện dịch thuật và xuất bản Phế đô tại Việt Nam
Tác phẩm của Giả Bình Ao bắt đầu được dịch và giới thiệu ở Việt Nam từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1996 tạp chí Văn học nước ngoài ra số đầu tiên. Số 5 năm 1997 là số chuyên đề “Văn học Trung Quốc”; chuyên mục “Sáng tác” đã chọn đăng 22 bài tản văn (do Vũ Công Hoan dịch) và 3 truyện ngắn (do Phạm Tú Châu dịch) của Giả Bình Ao. Năm 1998, cuốn Tuyển tập truyện ngắn và tản văn Giả Bình Ao do Vũ Công Hoan, Phạm Tú Châu, Nguyễn Thị Bích Hải dịch được nhà xuất bản Văn học ấn hành. Cùng năm đó, tiểu thuyết Nôn nóng của ông cũng được giới thiệu tại Việt Nam (dịch giả Vũ Công Hoan, nhà xuất bản Văn học). Năm 1999, nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản cuốn Quê cũ, tập truyện của Giả Bình Ao, do Lê Bầu dịch. Đó cũng chính là năm tiểu thuyết Phế đô do Vũ Công Hoan dịch được nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành dưới hình thức 2 tập. Bản dịch tiếng Việt được chuyển ngữ từ nguyên bản Phế đô do Bắc Kinh xuất bản xã ấn hành vào năm 1993. Trong lần xuất bản đầu tiên, bản dịch Phế đô còn in kèm một số văn bản: “Lời người dịch” do dịch giả Vũ Công Hoan viết; thư của Giả Bình Ao gửi dịch giả (ngày 9/9/1997); “Lời cuối sách” do Giả Bình Ao viết (tháng 1/1993); bài viết “Phế đô là Phế đô” của tác giả; bài viết “Tâm sự của Giả Bình Ao” (trích nhật ký của tác giả, ngày 3/5/1993). Sau đó, tác phẩm còn được tái bản hai lần vào năm 2003 và 2005, đều do nhà xuất bản Văn học ấn hành. Trong các lần tái bản này, nhà xuất bản đã bảo lưu “Lời người dịch”, bức thư, và “Lời cuối sách”, còn hai bài viết của Giả Bình Ao thì đã bị cắt bỏ. Lật giở lại sự kiện dịch thuật và xuất bản tiểu thuyết này, chúng tôi nhận thấy đằng sau đó là những câu chuyện có thể coi như là sự minh họa cho cái lý lẽ rằng sự dịch (translation) chính là sự viết lại (rewriting)(5), mà ở đây có thể nói rõ hơn là, dịch và xuất bản chính là sự viết lại. Trong trường hợp này, quá trình tiếp nhận Phế đô ở Việt Nam bắt đầu bằng việc dịch giả Vũ Công Hoan lựa chọn tác phẩm này để dịch ra tiếng Việt.
Ra đời vào khoảng những năm 1940, từng làm công việc liên quan đến phiên dịch Trung – Việt vào khoảng những năm 1960, Vũ Công Hoan, giống như hầu hết các dịch giả văn học Trung Quốc đương đại cùng thế hệ với ông, đã đi từ chỗ học và làm việc bằng tiếng Trung Quốc đến chỗ có hứng thú với văn học Trung Quốc. Nói cách khác, đọc và dịch văn học Trung Quốc vốn không liên quan trực tiếp đến công việc của họ mà là sở thích cá nhân. Do vậy, từ việc lựa chọn tác phẩm để dịch đến việc quyết định thời điểm dịch, trong nhiều trường hợp, mang tính ngẫu nhiên rất cao. Chẳng hạn với Phế đô, dịch giả tiếp xúc với tác phẩm với tư cách một độc giả từ năm 1993, nhưng đến năm 1999 bản dịch tác phẩm mới được hoàn thành và xuất bản tại Việt Nam(6). Ngoài ra, nếu nhìn từ bên ngoài, có vẻ như sự kiện xuất bản các tiểu thuyết Nôn nóng vào năm 1998 và Phế đô vào năm 1999 không có gì khác biệt, nếu không muốn nói là có nhiều điểm trùng hợp nhau: cùng tác giả, cùng dịch giả, (gần như) cùng thời điểm xuất bản. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tiếp nhận, có thể thấy khác với sự kiện xuất bản êm ả của Nôn nóng, sự kiện xuất bản Phế đô chứa đựng khá nhiều chi tiết đáng để bàn luận.
Trước hết là vấn đề nhà xuất bản. Dịch giả cho biết, bản thảo dịch đã từng được ông gửi cho vài ba nhà xuất bản, nhưng do trong tác phẩm có những đoạn miêu tả tình dục bị coi là quá mức nên các nhà xuất bản này đều từ chối. Cuối cùng, chỉ có nhà xuất bản Đà Nẵng tiếp nhận bản thảo(7). Nhà xuất bản Đà Nẵng là một nhà xuất bản địa phương, thành lập năm 1984, và theo quan sát của chúng tôi, tính đến thời điểm năm 1999, các tác phẩm văn học nước ngoài nói chung và văn học Trung Quốc nói riêng chưa hiện diện nhiều trong danh mục ấn phẩm của nhà xuất bản này. Theo biên mục của thư viện Quốc gia, cùng năm 1999, ngoài Phế đô, nhà xuất bản Đà Nẵng còn xuất bản hai tác phẩm văn học nước ngoài khác được dịch từ tiếng Pháp: đó là tiểu thuyết Hòn đảo ba mươi chiếc quan tài (tên bản gốc L'Île aux trente cercueils) của Maurice LeBlanc, do Nguyễn Văn Tỵ dịch, và Người bắn cung bassari (tên bản gốc L’archer bassari), do Vưu Hữu Chánh và Đà Linh dịch. Có thể suy đoán, vào thời điểm lúc bấy giờ, một nhà xuất bản như nhà xuất bản Đà Nẵng vốn không phải là lựa chọn được ưu tiên nhất của dịch giả, song lại chính là lựa chọn ít nhiều mang tính tất yếu (sau khi một số nhà xuất bản khác đã từ chối) nhằm đưa bản dịch đến tay bạn đọc.
Ngược lại, phía nhà xuất bản Đà Nẵng cũng thể hiện thái độ khá thận trọng trước bản dịch ít nhất ở hai tình tiết. Thứ nhất là chuyện biên tập viên đã có những thao tác cắt xén và chỉnh sửa trên bản dịch – điều mà chúng tôi sẽ trình bày cụ thể ở phần sau của bài viết. Thứ hai là việc ấn định số lượng phát hành của bản dịch trong lần xuất bản đầu tiên: 300 bản. Trước đó một năm, tức là năm 1998, lượng phát hành của tiểu thuyết Nôn nóng (cùng tác giả Giả Bình Ao, cùng dịch giả Vũ Công Hoan) ở nhà xuất bản Văn học là 600 bản. Trong hai lần tái bản năm 2003 và 2005 ở nhà xuất bản Văn học, lượng phát hành của Phế đô là 800 bản và 1000 bản. Cùng năm 1999, cùng nhà xuất bản Đà Nẵng, lượng phát hành của tiểu thuyết Hòn đảo ba mươi chiếc quan tài là 1000 bản và Người bắn cung bassari là 4000 bản. Nếu đặt trong tương quan với lượng phát hành trong lần xuất bản đầu tiên của các tiểu thuyết Trung Quốc Thời kỳ mới tại Việt Nam thì có thể thấy 300 bản thuộc loại ít nhất (con số trung bình là 1000 bản(8). Tất nhiên phải thừa nhận rằng có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến lượng phát hành của một bản dịch tác phẩm văn học, và những nhận định về vấn đề này theo hướng “ít” – “nhiều” đều rất dễ trở nên phiến diện. Song dù sao, chúng tôi vẫn cho rằng con số phát hành 300 bản của Phế đô, cho dù là con số thực hay là con số in trên bìa sách với tính chất thăm dò, đều có thể được coi như một yếu tố có giá trị tham khảo cho suy đoán về thái độ thận trọng của nhà xuất bản Đà Nẵng. Cũng theo hồi tưởng của dịch giả Giả Bình Ao và nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử(9), đồng thời với việc xuất bản Phế đô, nhà xuất bản Đà Nẵng đã mời Trần Đình Sử viết bài giới thiệu. Bài viết có tựa đề “Phế đô, một tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi ở Trung Quốc”, đăng trên báo Văn nghệ số 2, ra ngày 8/1/2000. Trần Đình Sử là một nhà nghiên cứu và phê bình văn học có uy tín, đặc biệt trong lĩnh vực văn học Trung Quốc. Do vậy, việc mời ông viết bài giới thiệu, từ một góc độ nào đó, có thể coi là một sự “đảm bảo” cho bản dịch Phế đô được ra mắt một cách thuận lợi.
Thái độ thận trọng của nhà xuất bản không quá khó hiểu nếu chúng ta đặt sự kiện xuất bản bản dịch Phế đô trong bối cảnh tiếp nhận đương thời. Tại chính nơi đã sản sinh ra nó, bản gốc tiểu thuyết này đã trải qua số phận khá thăng trầm. Sau khi xuất hiện năm 1993, tác phẩm đã bị cấm do sự miêu tả tình dục quá lộ liễu và táo bạo, và chỉ tồn tại, lưu truyền dưới hình thức in lậu. Cho đến tận năm 2009, lệnh cấm này mới được gỡ bỏ, và tác phẩm được in lại cùng với hai tiểu thuyết khác là Nôn nóng và Điệu Tần, làm thành bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng tạo nên dấu ấn đặc biệt của tác giả Giả Bình Ao trong lịch sử văn học đương đại Trung Quốc. Xét từ sự tương đồng của xã hội cũng như văn học Việt Nam và Trung Quốc trong thời đại hậu cách mạng, hậu đổi mới, thì khả năng bản dịch Phế đô tại Việt Nam không được cấp giấy phép xuất bản, hoặc sau khi xuất bản bị thu hồi do vấn đề tương tự, không phải là không có. Ngoài ra, vào khoảng thời gian cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trong giới nghiên cứu Trung Quốc vẫn tồn tại những tranh luận rất gay gắt về Phế đô, với rất nhiều ý kiến phủ định. Theo quan sát của tôi, tình hình này được giới văn học Việt Nam nắm bắt và cập nhật khá kịp thời. Nhận định này được rút ra từ nội dung ba văn bản sau: “Lời người dịch” do Vũ Công Hoan viết; bài “Phế đô, một tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi ở Trung Quốc” do Trần Đình Sử viết; bài “Giả Bình Ao – nhà văn đặc sắc của Trung Quốc đương đại” do Phạm Tú Châu viết, đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài số 5 năm 1997 (số tạp chí giới thiệu bản dịch 22 bài tản văn và 3 truyện ngắn của Giả Bình Ao). Trong các bài viết này, cho dù với tư cách là dịch giả (Vũ Công Hoan), nhà nghiên cứu phê bình (Trần Đình Sử) hay vừa là dịch giả vừa là nhà nghiên cứu phê bình (Phạm Tú Châu), các tác giả đều cung cấp thông tin về các phản ứng trái ngược của giới phê bình và độc giả tại Trung Quốc sau khi tác phẩm xuất hiện trên văn đàn, cũng như đều nhấn mạnh tính chất “gây tranh cãi” của tác phẩm xung quanh chủ đề tình dục.
Như vậy, có thể nói rằng ngay từ khi quá trình “tiếp nhận” Phế đô ở Việt Nam bắt đầu với các khâu dịch thuật và xuất bản, bản dịch tác phẩm đã tồn tại song song với khả năng không xuất bản được, cụ thể là có thể không được cấp giấy phép xuất bản, bị thu hồi sau khi đã xuất bản, bị cấm tái bản,… Những nguy cơ này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng “cắt bỏ” và “viết lại” trong bản dịch tiếng Việt cuốn tiểu thuyết, cũng chính là kết quả của sự thỏa hiệp giữa dịch giả và nhà xuất bản.