Tội ác và hình phạt là một kiệt tác của nền văn học Nga cũng như nền văn học thế giới. Tác phẩm đánh dấu bước phát triển mới và khẳng định tên tuổi của nhà văn, nhà tư tưởng Dostoievsky trong văn xuôi tâm lý. Ông cảm nhận một cách tinh tế, sâu sắc những cung bậc cảm xúc nhỏ nhất trong nội tâm của mỗi nhân vật. Dostoievsky dẫn dắt người đọc đến với thế giới của sự nhận thức cuộc sống, hướng tới tìm kiếm sự thật lòng tốt trong mỗi con người. Vậy nên L.Tolstoy đã khẳng định rằng Dostoievsky là nhà văn thiên tài và điều đó không có gì phải tranh cãi. Tuy nhiên ở Việt Nam cho đến ngày nay tiếp nhận Tội ác và hình phạt của Dostoievsky vẫn là điều không dễ, đặc biệt ở những biểu trưng, những biểu tượng, những chi tiết biết nói như con số, màu sắc, mùi vị… Những chi tiết ấy được nhà văn lựa chọn đưa vào tác phẩm là có chủ ý, chuyển tải những quan niệm thẩm mỹ, những thông điệp, những xúc cảm của nhà văn khi miêu tả thế giới, nhận thức cuộc sống. Vì thế, nghiên cứu những chi tiết này giúp đọc giả cảm nhận rõ hơn những tín hiệu thẩm mĩ, giúp cho độc giả hiểu sâu hơn nhân vật, lĩnh hội sâu sắc hơn tác phẩm.
Dostoievsky sử dụng nhiều biểu tượng tạo nên sức cuốn hút của tác phẩm và giải mã tư tưởng của nhân vật. Nghiên cứu Tội ác và hình phạt chúng tôi nhận thấy màu sắc xuất hiện với tần suất lớn với đầy đủ các gam màu như vàng, đỏ, đen, trắng, xanh… Ví dụ như màu vàng “Người trẻ tuổi bước vào một gian phòng nhỏ hẹp, tường dán giấy vàng, cửa sổ có chăng màn nhiễu, trên bậu đặt mấy chậu hoa dương hải đường” (1) trong căn phòng của mụ già cầm đồ; màu đỏ của “máu tuôn ra như từ một cái cốc đổ” (2) sau nhát rìu của Rascolnhicov; màu xanh mà Sonhia “mặc chiếc áo choàng tồi tàn, cũ kỹ và khoác chiếc khăn xanh. Mặt nàng còn mang dấu vết của trận ốm vừa qua: gầy đi, xanh đi, má hóp lại. Nàng niềm nở và vui mừng mỉm cười với chàng, nhưng vẫn đưa tay ra cho chàng một cách rụt rè như thường lệ” (3); màu trắng “Trên tấm giấy dán tường vàng có vẽ hoa trắng, chàng chọn lấy một bông hoa nét về vụng về có những vạch gì nâu nâu” (4); màu đen “chiếc cầu thang tối om” (5)… Mỗi màu sắc mà tác giả đưa vào trong tác phẩm đều là một kí hiệu có ý nghĩa biểu trưng và truyền tải thông điệp. Tuy nhiên nếu không để ý, người đọc dễ bỏ qua những màu sắc này.
J. E. Circlot cho rằng: “Biểu tượng về màu sắc là một trong những loại biểu tượng mang tính phổ quát nhất định, và được dùng một cách ý thức trong những nghi lễ tế, trong các huy hiệu, luyện đan, nghệ thuật và văn chương” (6). Mỗi sắc màu đối với mỗi cá nhân hay cộng đồng văn hoá đều mang lại một xúc cảm hay một ý nghĩa, một ám ảnh nhất định. Ý nghĩa của mỗi màu sắc vốn xuất phát từ những trải nghiệm trước đó như màu đỏ là màu máu, các vết thương, sự giãy chết…; màu vàng là màu của mặt trời, của sự soi sáng; màu xanh là màu của hi vọng. Tuy nhiên, những màu sắc trong Tội ác và hình phạt của Dostoievsky không hẳn chứa đựng những ý nghĩa biểu trưng ấy, mà còn mâu thuẫn với điều đó. Màu sắc xuất hiện trong tác phẩm là màu vàng, màu đỏ, màu xanh, màu đen, màu trắng… Trong bài viết này, chúng tôi không đi sâu phân tích hết các màu sắc mà chỉ tập trung vào các màu chủ đạo như vàng, đỏ và xanh.
1. Màu vàng
Màu vàng là gam màu thường gặp trong miêu tả con người và cảnh vật của Tội ác và trừng phạt. Hãy xem Dostoievsky sử dụng gam màu vàng để miêu tả thành phố và con người Peterbuarg. Peterbuarg của Dostoievsky không phải là thành phố với những cung điện lộng lẫy, với những đài phun nước, không phải đại lộ Nhevski nơi của những con người có địa vị trong xã hội hoặc những con người quyền quý giàu sang. Peterbuarg của Dostoievsky là thành phố với những tòa nhà ẩm thấp, hôi hám, bẩn thỉu, với những tiệm rượu khiến cho người ta thấy ghê tởm, là những con ngõ chật hẹp, tối tăm, “người qua lại xô đẩy, chen chúc nhau, đâu đâu cũng thấy ngổn ngang những vôi, gạch, gỗ xây nhà, bụi bặm, và phảng phất cái mùi hôi hám của mùa hè rất quen thuộc đối với những người dân Petersburg… Mùi xú uế xông ra nồng nặc…, và những gã say rượu gặp nhan nhản trên hè phố tuy đang giờ làm việc, càng tô cho màu sắc ảm đạm và dơ dáy của bức tranh thêm đậm đà” (7). Tất cả đều bế tắc, nghẹt thở. Và trong thành phổ bẩn thỉu ấy xảy ra bi kịch của con người: một người phụ nữ say rượu nhảy xuống sông tự tử, viên công chức Marmeladov chết dưới bánh xe ngựa của kẻ quyền quý, vụ tử tử của Svidrigailov trên đại lộ, số phận bi kịch của Caterina…
Màu vàng xuất hiện ở mọi nơi, “tường dán giấy vàng” (8) trong căn phòng của mụ già cầm đồ, “giấy dán tường màu vàng vàng, xơ xác và ám khói, đen xỉn lại ở các góc” (9) căn phòng của Sonhia. Đó còn là màu vàng của “đồ đạc đều làm bằng gỗ màu vàng và đã cũ lắm rồi… vài ba bức tranh rẻ tiền đóng khung gỗ vàng” (10) của mụ già cầm đồ Aliona. Không phải ngẫu nhiên tác giả miêu tả căn phòng của mụ già cầm đồ với gam màu vàng bẩn. Aliona là đại diện cho một lối sống của những kẻ coi trọng đồng tiền và trở thành nô lệ của đồng tiền. Vòng tay của Lugin với “những viên đá màu vàng” (11) nói lên sự giàu có kệch cỡm của kẻ có tiền. Nạn nhận của những kẻ có tiền là những cô gái bằng tuổi Dunhia làm trò mua vui trong những quán rượu bẩn thỉu, cô gái mà Rascolnhicov gặp trên đường phố, là tấm “thẻ vàng” của Sonhia sau lần đầu tiên phải bán mình để cứu sống gia đình.
Màu vàng xỉn còn được miêu tả như “một chiếc khăn choàng bằng lông thú xơ xác đã ngả sang màu vàng” (12) của mụ Aliona Ivanovna, “đồ đạc công sở, bằng gỗ vàng đánh bóng” (13) trong phòng làm việc của Phorphiri, “một chiếc mũ dạ hiệu Zimmermann đã sờn hết tuyết và bạc phếch, loang lổ những vết bẩn và chi chít những lỗ thủng, vành mòn gần sát, méo xệch sang một bên, trông không còn ra cái hình thù gì nữa” (14) của Raskolnikov, giống như của cuộc đời anh ta, tuy trẻ nhưng phai nhạt, vô vọng.
Màu vàng bao phủ lên không gian chật chội, yếm khí. Hình ảnh căn phòng của Rascolnhicov cho chúng ta thấy rõ điều này, “Đó là một cái chuồng nhỏ xíu, dài độ sáu bước, giấy dán tường đã ngả màu vàng, phủ đầy bụi bặm, nhiều nơi đã long ra, trông thảm hại quá chừng. Nhà thấp đến nỗi người nào hơi cao một chút bước vào là đã thấy rờn rợn, cứ lo cộc đầu vào trần. Đồ đạc thật xứng đáng với nơi bày biện: buồng có ba cái ghế dựa cũ kỹ, ọp ẹp, trong góc đặt một cái bàn gỗ sơn, trên có mấy quyển sách và mấy quyền vở, cứ trông lớp bụi bặm phủ lên cùng đã biết lâu nay không hề có ai sờ tay đến, và cuối cùng là một chiếc ghế sofa to công kềnh vốn phủ vải hoa, nhưng nay đã rách bươm, kê dọc sát tường, choán gần nửa căn buồng… giấy dán tường đã ngả sang màu vàng, phủ đầy bụi, nhiều nơi đã bong ra” (15). Căn phòng với giấy dán tường ngả màu vàng, nhiều chỗ đã long, đồ dùng cá nhân tầm thường vặt vãnh gợi cho người đọc nghĩ tới một cuộc sống nghèo túng. Ở đây, Dostoevsky so sánh cuộc sống khốn khổ của Rascolnhicov với chiếc ghế sofa cồng kềnh, rách bươm khiến cho căn phòng đã chật chội lại càng chật chội hơn, đã tối tăm lại càng tôi tăm hơn. Không gian tù túng, không có ánh sáng, yếm khí đến nghẹt thở của căn phòng đã khiến cuộc sống của Rascolnhicov bế tắc, không lối thoát. Anh ta không tìm thấy cảm giác bình yên nơi đây và luôn muốn vượt thoát. Không gian ấy là nơi hình thành nên hệ tư tưởng của Rascolnhicov mong muốn thay đổi thế giới khốn cùng và dẫn tới hành động tội ác.
Tất cả lí giải nguyên nhân tại sao gam màu vàng của nhà văn mang biểu tượng của sự phân rã, hủy diệt.
Màu vàng của Dostoevsky khi miêu tả người và vật là màu vàng bệnh tật. Ta bắt gặp “da mặt vàng bủng, thậm chí ngả sang màu lá lúa, sưng phị ra vì nghiện ngập” (16) của Marmeladov chìm đắm trong men rượu, “nước da vàng vọt” (17) của viên thanh tra Phorphiri, “nước da vàng võ” (18) của người phụ nữ nhảy sông tử tự vì cuộc sống tuyệt vọng. Rascolnhicov với khuôn mặt “vàng võ” của kẻ đã ba tháng nay không có tiền để sống. Thậm chí đến cốc nước trà mà Naschia mang lên cho Rascolnhicov uống: “Chị ta đặt xuống trước mặt chàng cái ấm trà riêng của chị đã nứt rạn, đựng đầy nước trà loãng, và hai miếng đường vàng ệnh” (19). Ở đây, “miếng đường vàng ệnh” kết hợp với một ấm trà bị nứt vỡ, cũng giống như số phận của Raskolnikov đã có một vết rạn. Cái nghèo đói, sức mạnh đồng tiền đã biến những con người nơi đây trở thành những kẻ bệnh tật.
Ngoài ra màu vàng tác động tiêu cực lên tâm lí của con người. Màu vàng thể hiện nỗi tức giận và cay đắng của nhân vật Rascolnhicov. Khi tỉnh dậy trong căn phòng thấp bé với giấy dán tưởng màu vàng xỉn và bẩn thỉu, Rascolnhicov “đâm ra cau có bực bội, và hằn học nhìn căn buồng lụp xụp của chàng. Đó là một cái chuồng nhỏ xíu, dài độ sáu bước, giấy dán tường đã ngả màu vàng, phủ đầy bụi bặm” (20).
Như vậy, màu vàng trong tác phẩm của Dostoievsky mang ý nghĩa biểu trưng về sự phân rã, hủy diệt, bệnh tật, đói nghèo, hoàn toàn khác với ý nghĩa biểu tượng về màu vàng thường thấy trong văn học và trong đời sống.
2. Màu đỏ
Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, màu đỏ “là biểu tượng cơ bản của bản nguyên sống, với sức mạnh, quyền năng và ánh chói của nó, màu đỏ màu của lửa và của máu” (21). Như vậy, màu đỏ mang ý nghĩa tích cực trong văn hóa và đời sống con người. Nghiên cứu Tội ác và hình phạt, chúng tôi nhận thấy màu đỏ lại mang ý nghĩa đối lập. Đó là màu biểu trưng cho tội ác, chết chóc.
Tội ác và hình phạt có đoạn kể: Rascolnhicov đến nhà mụ già cầm đồ để đặt một “chiếc nhẫn vàng nhỏ có dát mấy viên ngọc gì đo đỏ” (22) – món quà của người em gái tặng chàng làm kỉ niệm. Viên ngọc đo đỏ ấy như báo trước điềm chẳng lành. Quả nhiên, hành động giết mụ già cầm đồ của Rascolnhicov sau đó đã minh chứng cho điều ấy.
Sau khi đi duyệt lại kế hoạch một lần nữa, Rascolnhicov đi đến đảo Petrovski thì hoàn toàn kiệt sức. Dostoievsky đặt nhân vật trong không gian rộng, thoáng đãng toàn màu xanh của cây cỏ, gió mát dịu từ con sông Nheva thổi nhẹ như xóa tan mọi nỗi mệt mỏi trong con người anh ta. Rascolnhicov gieo mình xuống bãi cỏ và gặp một giấc chiêm bao khủng khiếp. Người kể chuyện nhận xét: “Những giấc chiêm bao bệnh tật như vậy bao giờ cũng khắc sâu vào trí nhớ và gây một ấn tượng rất mạnh trong cơ thể, đã rối loạn và sẵn bị kích thích mạnh” (23). Tác giả đưa Rascolnhicov về với tuổi thơ, khi anh 7 tuổi với một nỗi sợ về quán rượu dẫn ra nghĩa trang. Giấc mơ về cái chết của con ngựa lang bé choắt, gầy đét chở những kẻ mugich to béo. Để bắt con ngựa ốm yếu phải phi nước đại chúng lấy roi quật vào mõm, vào mắt của nó khiến cho Rascolnhicov thương xót. Và con ngựa còm ấy không chịu được trận đòn của những tên chủ tàn ác ngã khuỵ xuống. Máu khắp người con ngựa, máu tứa trên mắt trên môi con ngựa và nó tắt thở. Rascolnhicov đã khóc và chạy lại ôm lấy cái mõm rớm máu của con ngựa chết. Giấc mơ chính là lời nói vị tha bên trong của nhân vật. Đồng thời giấc mơ ấy chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ trong hệ tư tưởng của Rascolnhicov. Màu đỏ của máu ở đây mang biểu tượng của tội ác và chết chóc.
Rascolnhicov giết Aliona như một sự trừng phạt, mặt khác muốn chứng minh xem mình là ai, là kẻ có quyền hay sinh vật run rẩy. Cầm chiếc rìu dưới làn áo khoác, hai tay Rasconnhicov bủn rủn “chính chàng cảm thấy chúng mỗi lúc một tê dại và cứng đờ ra. Chàng sợ sẽ buột tay đánh rơi cây rìu…” (24). Khi giơ chiếc rìu lên “như một chiếc máy” anh ta bổ vào đầu mụ già cầm đồ, máu tuôn trào “chảy thành vũng” khiến anh ta nhớ lại khoảng khắc tội ác. Nhát rìu này tượng trưng cho cảm giác của một sinh vật khát máu. Nhát rìu thứ hai và thứ ba không làm Rascolnhicov động lòng, lạnh lùng nhìn cái xác. Không chỉ giết chết mụ già cầm đồ, Rascolnhicov còn giết người em gái Lizaveta – người phụ nữ mộ đạo. Khi chùi hai bàn tay vấy máu lên “vải đỏ” (25) lót áo lông, Rascolnhicov nhớ đến kẻ đánh chết con ngựa còm cũng mang “cái mặt thịt đỏ mọng như củ cà rốt” (26) và “mụ đàn bà to béo mặt đỏ gay” (27). Cái màu đỏ ấy ám ảnh ta mọi lúc mọi nơi và là động lực thúc đẩy anh ta tiến tới tội ác. Màu đó lúc này mang một biểu tượng quyền lực. Trong bài báo Bàn về tội ác viết trước đó 6 tháng, Rascolnhicov chia con người ra làm hai loại: hạ đẳng (con người bình thường) và thượng đẳng (thiên bẩm), loại hạ đẳng là công cụ cho loại thượng đẳng. Rascolnhicov cho rằng có những người thượng đẳng có “toàn quyền làm đủ mọi việc ngang ngược, phạm đủ mọi tội ác, và với họ thì luật pháp không đụng chạm đến được… một điều đáng chú ý là phần đông những vị ân nhân của loài người, những kẻ cầm cân nẩy mực cho xã hội đều là những kẻ khát máu ghê gớm” (28).
Màu đỏ còn biểu tượng cho số phận bi thảm của những người nghèo như Marmeladov. Trước kia bác ta là công nhân đường sắt và bị sa thải do nghiện rượu. Trong một lần say chuếnh choáng trở về nhà, Marmeladov “bị ngựa xéo. Người ấy đã ngất đi, người bê bết máu. Cách ăn mặc của hẳn trông rất tồi tàn, nhưng là kiểu ăn mặc của người; “thượng lưu”. Máu chảy ri rỉ trên đầu, trên mặt hắn; khuôn mặt đã bị dập, sây sát và tím bầm lên từng chỗ trông không còn ra mặt người nữa. Có thể thấy rõ hắn bị thương rất nặng” (29). Đám đông đứng xúm xung quanh, vô cảm nhìn kẻ bị hại. Số phận của Katerina cũng mang kết cục bất hạnh không kém gì chồng. Cuộc sống nghèo khổ đã biến bà thành một người phụ nữ ốm yếu, gầy guộc và mắc bệnh lao phổi. Những cơn ho luôn đi kèm với máu “chiếc mùi soa vấy đầy những máu” (30), “một vệt máu dính trên khăn tay” (31) và khi chết “vũng máu nhuộm đỏ đá lát đường là máu ộc từ trong ngực bà ra” (32).
Màu đỏ là màu của tâm trạng nhân vật. Sự giận dữ của Rascolnhicov thể hiện qua đôi mắt “mắt đỏ ngầu” (33). Bộ mặt căng thẳng của Svidrigailov khi tranh luận với Rascolnhicov: “sốt ruột nện quả đếm lên bàn, hắn đỏ dừ mặt ra” (34). Sự vu oan của Lugin về việc Sonhia ăn cắp đã khiến “khắp mặt nàng đỏ bừng lên” (35).
Các gam màu đỏ được ẩn chứa trong tên của nhân vật. Rodion trong tiếng Hi Lạp là màu hồng, biểu tượng của sự tổn thương, lòng nhân ái. Mặc dù nhân vật thực hiện một tội ác khủng khiếp, nhưng chúng ta hiểu những hành động vị tha của anh ta như đưa cho Sonhia những đồng tiền cuối cùng để lo ma chay cho Marmeladov, cứu cô gái say rượu thoát khỏi kẻ trụy lạc… Phorphiri trong tiếng Hi Lạp là màu đỏ. Màu đỏ của tình cảm khiến cho Rascolnhicov đã qui phục và ra đầu thú.
Nghiên cứu màu đỏ trong tác phẩm, chúng tôi nhận thấy màu đỏ bao hàm nhiều nghĩa, tập trung nhất về nghĩa tội ác và chết chóc.
3. Màu xanh
Trong Tội ác và trừng phạt, các gam màu xanh dường như mang nhiều ý nghĩa tích cực hơn màu đỏ và màu vàng. Đó là đôi mắt xanh da trời tuyệt đẹp của Sonhia, chiếc khăn trải bàn màu xanh trong căn phòng trọ của Sonhia mang tới sự bình yên, thánh thiện. Màu xanh trong tác phẩm là màu của sự bảo vệ, chở che. Sau giấc chiêm bao, Rascolnhicov tỉnh dậy và ngồi dưới tán cây. Và Sonhia sau khi bán mình trở về cuốn chiếc khăn màu xanh lục lên người.
Màu xanh xuất hiện trong giấc mơ về con ngựa còm của Rascolnhicov “Giữa nghĩa địa có một ngôi nhà thờ bằng đá, mái vòm xanh; cứ mỗi năm hai lần cậu bé Rasconhicov lại theo bố mẹ đến đây xem lễ cầu hồn cho bà nội cậu đã mất từ lâu mà cậu chưa bao giờ được thấy mặt” (36). Nhà thờ với một mái vòm màu xanh mang biểu tượng của hi vọng. Rascolnhicov yêu thích nó, và nó giống như một biểu tượng của con đường thanh tẩy con người khỏi tội lỗi.
Màu xanh - màu của sự hồi sinh, hy vọng cải biến con người “bắt đầu một quá trình khác, quá trình cải hoá dần dần của một con người, quá trình tái sinh của nó, quá trình chuyển dần từ một thế giới này sang một thế giới khác, làm quen với một hiện thực mới mẻ, từ trước đến nay chưa từng biết đến” (37). Sonia mang hình tượng Chúa, hiền lành và khiêm nhường. Và ở Sibiri khi cô đến thăm Rascolnhicov. Chiếc khăn choàng giống cây thánh giá mà Katerina Ivanovna mang trên mình và Sonia Marmeladov. Khoảnh khắc ấy, chiếc khăn đã trở thành biểu tượng.
Buổi sáng ban mai trong lành, lần đầu tiên trong những năm tháng bị đi tù Raskonikov cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây “Nơi ấy, trên cánh thảo nguyên mênh mông chan hoà ánh nắng, mấy túp lều du mục vẽ thành những chấm đen lờ mờ. Nơi ấy là tự do, ở nơi ấy đang sống những con người khác không giống người ờ ở đây một chút nào, ở đấy ngay cả thời gian cùng dường như ngừng lại, tưởng chừng như thế kỷ của Abraham (1) và đoàn gia súc của lão vẫn còn đấy” (38). Cũng chính lúc này Rascolnikov nhận ra rằng mình yêu Sonhia. “Họ muốn nói, nhưng không nói nên lời. Mắt họ rưng rưng. Cả hai đều xanh và gầy; nhưng trên hai gương mặt ốm yếu, nhợt nhạt ấy đã bừng lên ánh bình mình của một ngày mai đổi mới, của sự hồi sinh toàn vẹn trong một cuộc sống mới. Tình yêu đã làm cho họ sống lại lòng người nầy chứa đựng những nguồn sống vô tận cho lòng người kia” (39). Chiếc khăn là hiện thân của cả sự đau khổ chịu đựng của người chủ sở hữu nó, nhưng nó cũng là quyền năng cứu chuộc con người. Chính vì lẽ đó, trước khi chết Katerina Ivanovna đã nói: “Chúa biết tôi đã phải chịu đựng như thế nào” (40). Khi Rascolnikov đi thú tội, Sonhia quàng trên đầu chiếc khăn. Cô đã sẵn sàng gánh chịu những khổ đâu và chuộc tội lỗi này cho Rascolnikov.
Phần vĩ thanh, một lần nữa độc giả chứng kiến sự hồi sinh của Rascolnikov, Sonhia xuất hiện trong khăn choàng sau thời gian bị bệnh. Và lúc này màu xanh lá màu đau khổ và hy vọng của các nhân vật chính vượt qua lên màu vàng bệnh tật của Peterbuarg và đem lại hy vọng cho nhân vật.
* * *
Tìm hiểu biểu tượng màu sắc trong Tội ác và hình phạt của Dostoievsky, chúng tôi nhằm tìm ra những giá trị tiềm ẩn khuất lấp sau từng biểu tượng cũng như mối liên hệ giữa chúng, quan niệm của nhà văn, những thông điệp nhà văn gửi gắm, từ đó có thể khẳng định tính nhân văn của từng tác phẩm. Biểu tượng màu sắc đem tới cho độc giả những vỉa tầng ý nghĩa mới mẻ, mở ra tư tưởng của toàn tác phẩm, tính cách và nội tâm nhân vật.
(1) F.M. Dostoyevsky: Tội ác và hình phạt (Cao Xuân Hạo và Cao Xuân Phổ dịch), Nxb Văn học, H., 2012, tr. 11.
(2), (3), (4), (5) Sđd., tr. 104, 721, 17, 10.
(6) J.E. Cirlot: Tính biểu tượng của màu sắc (Đoàn Khương Duy dịch, Nguyễn Tiến Văn hiệu đính), dẫn theo http://www.tienve.org.
(7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20) Sđd., tr. 16, 11, 410, 11, 78, 10, 433, 8, 38, 17, 325, 221, 39, 38.
(21) Jean Chevalier, Alain Gheerbrant: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (Phạm Vĩnh Cư chủ biên dịch), Nxb Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, H., 1997, tr. 303.
(22), (23), (24), (25), (26), (27), (28), (29), (30), (31), (32), (33), (34), (35), (36), (37), (38), (39), (40) Sđd., tr. 86, 74, 103, 106, 76, 77, 339, 229, 241, 500, 565, 514, 627, 516, 75, 724,720, 722, 566.