1. Mở đầu
Lí luận văn học hiện đại đã xác định, tác phẩm văn học không chỉ mang tính thực tiễn mà còn mang tính kí hiệu. Các lớp kí hiệu trong văn bản đều có liên hệ với các lớp hiện thực bên ngoài, đồng thời có sự kế thừa những văn bản trước đó tạo nên tính liên văn bản. Chính đặc điểm tính kí hiệu đã làm nên tính chất mở, sự mơ hồ, đa nghĩa của văn học; khiến văn bản luôn ở trong tư thế vận động, tiềm ẩn khả năng tạo nghĩa không ngừng, cũng tạo cơ hội để người tiếp nhận có thể lí giải, cắt nghĩa tác phẩm theo muôn vàn cách. Không coi tác phẩm như là sản phẩm thuần tuý của hiện thực nào đó, hay là phát ngôn tư tưởng của nhà văn, kí hiệu học xem tác phẩm như là những cấu trúc đang chờ được giải mã, ẩn chứa trong nó sự thông báo, mà quá trình khám phá đòi hỏi nghĩa (cái được biểu đạt) và cái biểu đạt đều phải được chú ý như nhau. Việc giải mã kí hiệu trong văn học không bao giờ đơn giản và trọn vẹn, bởi bên cạnh sự chủ ý được gợi ra, còn có sự không chủ ý mà nhờ vào sự lí giải của các lớp độc giả, ý nghĩa biểu đạt của nó ngày càng được bồi đắp giàu thêm. Khác với những kí hiệu thông thường, ở đó cái biểu đạt chỉ tương ứng với một cái được biểu đạt, kí hiệu đa nghĩa, nói như T. Todorov, thể hiện “sự ứ tràn của nội dung ra ngoài dạng biểu đạt của nó”, chỉ một cái biểu đạt giúp ta nhận thức ra nhiều cái được biểu đạt, hay nói cách khác “cái được biểu đạt dồi dào hơn cái biểu đạt” [1].
Đến với Đàn cổ cầm khoả thân của nữ nhà văn người Pháp gốc Hoa - Sơn Táp, người đọc bắt gặp một hệ thống kí hiệu phong phú, trong đó kí hiệu “đàn cổ cầm” giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Nó được biểu hiện ở ngay tên tác phẩm, xuất hiện với tần xuất lớn và xuyên suốt chiều dài câu chuyện. Nó có ý nghĩa tạo sợi dây nối kết giữa các nhân vật và thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện. Vốn là một biểu tượng văn hoá Trung Hoa, “đàn cổ cầm” trong tác phẩm đã được nhà văn “mã hoá”, trở thành một kí hiệu đa nghĩa, đem đến cho tiểu thuyết giá trị nghệ thuật sâu sắc.
2. “Đàn cổ cầm” - nét đẹp văn hoá truyền thống Trung Hoa
“Đàn cổ cầm” thuộc họ đàn tam thập lục, còn được gọi là đàn cầm, ngọc cầm hay thất huyền cầm, vốn có lịch sử lâu đời và gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người Trung Quốc xưa. Tương truyền, nó ra đời từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế, gắn với huyền tích về loài chim phượng hoàng - một trong “tứ linh” theo quan niệm văn hoá Trung Hoa, và đức Phục Hy - vị thần tạo ra cổ cầm giúp con người “vượt lên cao hơn các sinh vật đơn giản khác và đến gần thánh nhân” [2]. Trong Đàn cổ cầm khoả thân, Sơn Táp đã tái hiện nguồn gốc của cây đàn này qua câu chuyện: Phục Hy sau khi sinh ra lớn nhanh như thổi, rồi trở thành khổng lồ mang đầu người thân rồng. Một ngày nọ đang đi dạo trong núi, ông thấy mây ngũ sắc trên trời bay xuống, giữa luồng sáng chói loà, có hai con chim phượng hoàng khổng lồ đuôi dài lấp lánh bay ra đậu trên cành cây. Và tất cả các loài chim bỗng từ đâu bay tới hót vang. Cặp phượng hoàng bay đi, Phục Hy bèn đốn cái cây mà đôi chim đã đậu, chọn lấy khúc gỗ có tiếng không quá trầm, cũng không quá bổng, đem ngâm bảy mươi hai ngày dưới sông rồi vớt lên phơi khô, đục đẽo, biến nó thành một cây cổ cầm phát ra âm thanh như tiếng phượng hoàng. Nghe tiếng gió từ tám hướng thổi tới, Phục Hy liền tạo ra tám nốt trong nhạc lý.
Không phải ngẫu nhiên “đàn cổ cầm” được miêu tả có liên hệ gần gũi với hình ảnh phượng hoàng từ nguồn gốc cho đến âm thanh. Có mặt ở Trung Quốc cách đây khoảng trên bảy nghìn năm, loài chim quý này được coi là một trong những vật tổ tượng trưng cho sự may mắn của con người thời cổ. Theo văn hoá dân gian các nước Á Đông, phượng biểu tượng cho nữ tính, thể hiện vẻ duyên dáng và đức hạnh của người phụ nữ (được coi là “giống cái”, ghép cặp với rồng là “giống đực”). Nguồn gốc đậm sắc màu huyền thoại của cổ cầm chính là phương diện đầu tiên cho thấy nét đẹp văn hoá cổ xưa của thể loại âm nhạc độc đáo này.
Tương truyền, “đàn cổ cầm” xuất hiện từ thuở loài người mới thoát ra khỏi tình trạng “ăn vận da thú và uống máu để sống”. Nó từng trải qua bao biến cố thăng trầm, lịch sử phát triển của nó sánh ngang với lịch sử phát triển của người Trung Hoa. Cho nên, nó không phải loại nhạc cụ bình thường, mà là “vật thiêng của thánh thần”, là “vật báu của trời đất”, là “cội nguồn của âm nhạc”, là “nguồn khoái lạc của đại trượng phu” và là “khởi nguồn của con người”. Bề dày lịch sử của “đàn cổ cầm” đã nói lên chiều sâu văn hoá mà thứ “âm nhạc của thời gian” ấy biểu trưng. Người chế tác cổ cầm, vì vậy cũng “không phải là người thường” mà “mang một nhiệm vụ được đất trời uỷ thác”. Nhà văn miêu tả các gia tộc như gia tộc của Thẩm Thanh Lâm giữa cơn tao loạn đã liều cả mạng sống để gìn giữ nghề làm đàn gia truyền, chính là gìn giữ bảo vật văn hoá ngàn đời của dân tộc. Với họ, những cây đàn trải qua biến thiên thời cuộc là những chứng nhân lịch sử sống động nhất, chúng “có một trí nhớ… lưu lại trong những đường vân dấu ấn của những thời đại mà chúng đã chứng kiến”. Cây Đàn du mục của nàng Sái Văn Cơ đời Hán là một minh chứng. Nó từng lưu lạc suốt mười hai năm nơi phương Bắc gió lạnh khi nàng bị người du mục bắt đi. Sau này, được Tào Tháo - học trò của cha nàng chuộc về Trung Nguyên, nàng tặng cây đàn cho người con trai thứ hai của Tào là Tào Thực. Rồi sau khi Tào Thực bị người anh Tào Phi hại chết bởi ghen tài, cây đàn “có giá trị bằng cả một đô thành” đó lại tiếp tục cuộc hành trình dài lưu lạc: ban đầu nằm trong bộ sưu tập của các hoàng đế; sau bị một nàng hầu lấy trộm khi triều đình vượt sông Dương Tử trong cuộc chinh phạt cuối cùng của người man di; rồi được lưu giữ tại gia tộc của Bà Mẹ Trẻ và theo người phụ nữ này đi qua bao nổi chìm của số phận; cuối cùng lại bị thất lạc khi binh biến xảy ra… Có thể nói, dường như tất cả dấu tích của lịch sử, văn hoá xa xưa đều lưu lại, in đậm rõ nét nơi cây đàn cổ cầm huyền thoại mang sức sống bền bỉ lạ kì. Mỗi cây đàn (Sấm sa mạc, Rừng thông, Tiếng tuyết rơi, Nghìn ngựa phi nước đại, Bạch hạc vỗ cánh, Mây nhàn…); hay mỗi bản nhạc (Hoa lan trong thung lũng, Quảng Lăng tán, Ngỗng trời trên bến thuyền quạnh hiu…) đều có ý nghĩa gợi nhắc các nhân vật nhớ về những câu chuyện trong quá khứ.
“Đàn cổ cầm” mang dáng hình đặc biệt ấn tượng: có hình chiếc lá chuối, giống một thiếu nữ có tấm lưng thanh mảnh cùng những nét uốn cong nơi bờ vai, eo và hông, đầy quyến rũ. Cấu tạo của nó cũng vô cùng đặc biệt, thể hiện sâu đậm dấu ấn văn hoá Trung Hoa với triết lí Âm - Dương, đề cao mối tương giao, hoà hợp giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ. Tác giả đã diễn tả rất cụ thể ý nghĩa tượng trưng của cây đàn. Đàn dài ba xích, sáu thốn, năm phân - ứng với con số 365 ngày trong năm; có chiều rộng sáu thốn - tượng trưng cho 6 góc thiên hạ (Trời, Đất, Nam, Bắc, Đông, Tây); có bề dày hai thốn - chỉ 2 mặt âm và dương. Cổ cầm gồm mười ba huy (phím đàn) - đối ứng với một năm 12 tháng, cộng thêm tháng nhuận (theo lịch âm) là 13. Ban đầu, cây đàn có năm dây (cung, thương, giốc, chuỷ, vũ) - ứng với ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ); sau thêm hai dây (văn và võ) hình thành đàn bảy dây, nên gọi là thất huyền cầm. Bề mặt của đàn có hình vòm cung, phía dưới đáy phẳng hình vuông - mang ý nghĩa trời tròn đất vuông. Phần bên trái đàn rộng 8 thốn tượng trưng cho Hồ, vì nó chứa tám ngọn gió trong trời đất; phần bên phải dài bốn thốn tượng trưng cho Suối, bởi ứng với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông… Mỗi cây cổ cầm gồm hai phiến gỗ ghép úp vào nhau. Phiến gỗ mặt đàn có dạng khum hình lòng máng, ở bên trong được chạm hai hình e-lip có gờ nổi, gọi là “hồ rồng” - “bồn phượng”. Bên trong đàn lại có một cặp đối ứng nữa mà mắt thường không nhìn thấy được là “cột trời” - “cột đất”. Khuynh hướng cặp đôi gợi sự liên tưởng tới mối quan hệ âm - dương qua hình dạng cổ cầm (mặt tròn - đáy vuông) còn được tác giả ví với hình ảnh người đàn ông (Trời) và người phụ nữ (Đất). Như vậy, cây đàn được hình thành bởi sự gắn kết hài hoà giữa các yếu tố tự nhiên, cũng là hiện thân của văn hoá truyền thống: “Đàn là núi, sông, trời, đất, mây, thuyền, đá. Đàn là vũ trụ, vũ trụ là đàn”. Đàn có thể phát ra các âm thanh như tiếng gió, tiếng sét, tiếng nước hồ, tiếng sao trời bay lên…, cũng có thể sinh ra sự im lặng mà tâm hồn có thể cảm nhận được. Tấu khúc cổ cầm, người chơi đàn như được trở về với thiên nhiên, hoà mình vào vũ trụ vô biên, và chính họ cũng là “một nốt nhạc của vũ trụ”. Những khúc nhạc dìu dặt, thâm sâu, thoát tục giúp người nghe có thể hình dung ra mọi âm thanh xao động của cuộc sống: nếu nghe bằng nội tâm, sẽ nghe được “tiếng rì rầm hỗn độn cuả thiên nhiên trở nên hài hoà”; nếu “bịt lỗ tai nội tâm để nghe bằng da”, sẽ nghe được “âm nhạc của càn khôn, của mặt trời, mặt đất và các vì sao”; nếu “mở lồng ngực ra, nhắm mắt lại và nghe tiếng nhạc trên từng đầu ngọn tóc”, sẽ nghe thấy “nhạc không thành tiếng nhưng phát sáng. Đó là tiếng nhạc của sự thông tuệ”; và nếu “đóng kín tất cả các lỗ tai và nghe bằng linh hồn mình”, sẽ nghe ra âm nhạc “của các thánh thần đang phiêu diêu trong gió… thứ âm nhạc đi vào màn đêm và đi qua những bức tường, âm nhạc của tất cả những cuộc đời”. Người thợ đàn để tạo nên hình hài, cuộc sống, “tiếng nói” cho những thân gỗ lặng im, “trống rỗng”, cũng đòi hỏi phải có sự đồng điệu về tâm hồn. Thẩm Phong khi chế tạo đàn đã quên hết mọi việc xung quanh, tuyệt đối tập trung điều khiển lưỡi rìu không chỉ bằng đôi bàn tay điêu luyện, mà còn bằng trái tim đầy tình yêu thương, mỗi động tác của chàng hoà với nhịp máu dồn để có thể cho ra đời những cây cổ cầm vô giá. Các cây đàn được hình thành sau quãng thời gian hai năm xử lí gỗ, sáu tháng đục đẽo thân gỗ với tất cả mối chân tình của chàng thợ đàn qua những hành động nâng niu, vuốt ve, chau chuốt từng đường nét, bo gọn từng đường cong. Đàn cũng mang hơi thở con người, biết nghe chàng trò chuyện, biết dỗi hờn, biết “dẫn chàng ngày này qua ngày khác vào bên trong trái tim nó, nơi nó hé mở cho chàng xem từng thớ từng vân gỗ cùng tất cả những gì hoàn hảo và chưa hoàn hảo trong âm thanh của nó”.
Một trong những đặc điểm của văn hoá truyền thống Trung Hoa là trọng tĩnh, hướng nội. Âm nhạc cổ cầm cũng phản ánh rõ nét yếu tố văn hoá này. Đây là loại nhạc đơn tấu, không chơi trong dàn hoà tấu, mà chỉ để chơi và cảm thụ một mình, hoặc đàn trước tri âm, tri kỉ. Nó không phải để mua vui giải trí, không dành cho những con người của chiến tranh. Nó mang “giai điệu chậm chạp và âm thanh buồn tủi”, như lời nhận xét của chàng thợ đàn trẻ tuổi Thẩm Phong. Thanh âm cây đàn mang tên “Sóng cuộn” của chàng khi cất lên thật đẹp, cái đẹp thiên về gam trầm, lắng sâu khó diễn tả: “Một thứ âm nhạc chầm chậm và duyên dáng”, “âm thanh mềm và âm vang khá tinh tế. Nốt cao chìm trong nốt trầm như bóng con chim mòng trắng lướt đi trên sóng nâu”. Đỗ Phụng vốn mang dòng máu Tiên Ti - tộc người giống như loài sói mà họ thờ phụng sống theo bầy, nên “chưa từng biết đến cô đơn”, vậy mà sau nhiều lần xem phiên bản khúc Quảng Lăng tán viết trên tấm da cừu lấy được từ tay một người lính chết trận, ông bỗng thấy thích được ở một mình, rồi có thói quen tránh xa đám lính tráng. Mỗi khi “thứ âm nhạc chầm chậm” được cất lên, vị tướng quân (sau này trở thành người thợ đàn già Thẩm Phụng) cảm thấy “sự ồn ào của đời nhà binh bỗng tắt” và “quên cả chuyện chiến tranh”. Ông còn như nghe được cả sự im lặng của nó, điều mà trước đây không thể. Cổ cầm khước từ những đám đông xô bồ, những đôi tai cảm thụ thiếu tinh tế, những kẻ thiếu vắng tình yêu, sự thấu hiểu thực sự đối với nó. Đó là lí do vì sao trước khi chơi cổ cầm, Bà Mẹ Trẻ phải “tập cho tâm bình ổn, phải rửa sạch tay, đốt hương trầm và suy tư trước khi chạm vào bảy dây đàn”. Nó cũng lí giải vì sao trước lời khẩn khoản mời chơi đàn cho các chiến binh nghe của phu quân là tướng Lưu, nàng đã không khỏi do dự. Bởi nàng nghĩ, trong số chiến binh “hung tàn nói về sự phản bội và mưu sát”, đầy tham vọng quyền lực và điên cuồng muốn gây chiến tranh, mấy ai biết thưởng ngoạn tiếng cổ cầm?
3. “Đàn cổ cầm” - cái đẹp kết nối, nâng đỡ và cảm hoá tâm hồn
Đàn cổ cầm khoả thân lấy bối cảnh là lịch sử Trung Hoa một thời kì lâu dài và hỗn loạn từ năm 400 triều Đông Tấn đến năm 581 triều Trần. Hai nhân vật chính trong tác phẩm là Bà Mẹ Trẻ - thuộc giai tầng quý tộc cao cấp sớm bị định mệnh đẩy vào cảnh đời sóng gió, và Thẩm Phong - chàng trai nghèo khó mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được một nghệ nhân cưu mang rồi dạy cho nghề chế tác cổ cầm. Hai người sống cách xa nhau gần hai trăm năm, nhưng nhờ âm nhạc cổ cầm, họ đã đến bên nhau kết nên mối nhân duyên huyền hoặc. Linh hồn bà hoàng triều Tống năm xưa thức dậy khi chàng làm đàn trẻ tuổi xâm nhập ngôi mộ cổ, bật nắp quan tài và đem tấm gỗ về tạo thành cây cổ cầm huyền thoại. Cùng với tấm gỗ, người xưa được hồi sinh, mang tâm hồn hoà điệu với tâm hồn chàng trai trẻ, và nàng nguyện đem đến cho chàng “một thế giới xuân thì vĩnh cửu”. Sống lại trong tấm gỗ nắp quan tài và tiếng cổ cầm văng vẳng, nàng thấy chàng quá đỗi thân quen, nàng cảm nhận được sức mạnh quen thuộc khi chàng chạm tay lên tấm gỗ. Còn chàng, cũng chỉ riêng mình chàng có thể nhìn thấy và cảm nhận được nàng qua bóng hình ẩn hiện, nét người duyên dáng yêu kiều, làn da trắng muốt như trăng, hơi thở chầm chậm, giọng nói thì thầm với những tiếng mời gọi trong im lặng khiến chàng thích thú: “… em là tiên nữ từ trên trời. Hãy nhìn em đi, hãy nhìn em đắm đuối… Em là thế gian. Em là sự sống… Em là của chàng. Em là âm nhạc của chàng”. Sự nối kết diệu kì của cổ cầm đã giúp người tri kỉ nhận ra tri kỉ.
Sống thời binh loạn triền miên, những ngày đen tối trùm bóng lên mỗi cuộc đời, các nhân vật trong Đàn cổ cầm khoả thân chính bởi “sống trong giấc mơ của cái đẹp” mà tâm hồn trở nên thanh cao, thuần khiết. Họ sống được là nhờ cái đẹp và cũng sống vì cái đẹp của âm nhạc cổ cầm. Tiếng đàn đã nâng đỡ, cứu rỗi tâm hồn, giúp họ đứng vững trước phong ba thời cuộc. Những âm thanh tinh tế của nó làm xoa dịu nỗi đau, làm dịu đi những cơn giận dữ và làm vợi bớt nỗi cô đơn.
Với nhân vật Bà Mẹ Trẻ, đàn cổ cầm là người bạn thân thiết nhất. Người đọc nhiều lần bắt gặp hình ảnh người phụ nữ siết chặt cây đàn trước ngực, coi đó là chỗ dựa tinh thần tin cậy, che chở, vỗ về, giúp nàng vượt qua hoàn cảnh trớ trêu. Khi quân đội triều đình đến chiếm giữ vùng đất gia tộc nàng cư trú, tàn sát, cướp phá tất cả những gì chúng đi qua, cô gái trẻ phải xuống thuyền lánh nạn, bỏ lại sau lưng toàn bộ của hồi môn đắt giá của đêm tân hôn, song vẫn “siết chặt trong tay chiếc rương nhỏ đựng cây đàn”. Trong cái đêm kinh hoàng mà “sự im lặng đè nặng kinh thành... im lặng tới mức làm người ta thấy sợ” ấy, cây đàn đã giúp nàng bình tâm, vượt qua nỗi sợ hãi: “Cô gái trẻ không thể chợp mắt. Nàng thức dậy, nắm lấy cây đàn rồi đi ngủ, siết chặt nó trước ngực”. Khi buộc phải rời xa gia đình và cuộc sống hoa lụa êm ấm, đi theo người đàn ông đã cướp nàng làm vợ, trong số những đồ quý hiếm thuộc sở hữu của gia đình, cô gái trẻ cũng chỉ chọn mang theo cây đàn của nàng Sái Văn Cơ: “Nàng leo lên xe, vừa khóc vừa siết chặt cây đàn trước ngực”… Có lúc bất chợt nàng nghĩ, cây đàn có thể đưa nàng theo số phận sầu thảm giống như số phận của người chủ cũ, tuy nhiên chưa khi nào Bà Mẹ Trẻ có ý muốn rời bỏ nó. Dẫu là quãng thời gian cơ cực trên con đường chạy loạn; hay là chuỗi ngày vô vọng nơi dinh thự thành Kinh Châu lạnh lẽo chờ chồng trở về từ những cuộc viễn chinh tưởng như không bao giờ kết thúc; hoặc trong những đêm mất ngủ chốn cung điện Tử Cấm Thành bao quanh bởi “sự im lặng chết chóc lảng vảng”, cổ cầm luôn bên nàng, sẻ chia cùng nàng từng khoảnh khắc buồn thương. Tiếng đàn khi thì giãi bày nỗi thất vọng của người đàn bà bị đánh cắp tự do, bị biến thành nạn nhân và đồng loã của chiến tranh, trở thành thứ trang hoàng cho sức mạnh của người đàn ông nhiều tham vọng; lúc lại kể nỗi đắng cay của người phụ nữ quyền quý có khả năng “ban phát sự sống và cái chết” song cô độc tột cùng - nỗi cô độc đã khiến Bà Mẹ Trẻ như “phát điên” kể cả khi đã là một hồn ma bị đánh thức. Trở thành nữ tu Trinh Không chùa Đại Bi, tự nguyện rời bỏ nơi đời sống cũ mà mình là nô lệ của chính mình, Bà Mẹ Trẻ đi tìm lại tự do và bình an bằng cách giam hãm mình nơi đỉnh núi, chấp nhận mọi điều kiêng kị, song nàng vô cùng đau khổ bởi không được chơi đàn cổ cầm. Những tưởng đi vào cõi thanh tịnh, không còn vướng luỵ trần gian, thoát khỏi mối dây tình trần để tâm hồn thanh thản, nhưng “nàng phát hiện ra rằng, tựa như một chuỗi hợp âm tinh tế, những kỉ niệm cứ đan vào nhau và phát ra âm thanh, rằng không thể nào làm cho thứ âm thanh này dứt được”. Trốn kinh thành hỗn độn, vứt bỏ cái thế giới của các ảo vọng, nàng trở về với cái tĩnh mịch, thanh tịnh của núi rừng. Nhưng những khúc cổ cầm “đầy lạc thú lả lơi giống như tiếng thì thầm yêu đương cuả một người đàn ông và một người đàn bà” vẫn nhiều lúc vang lên quanh quẩn bên nàng như để phá bĩnh những buổi tĩnh tâm thiền định. Để rồi, cho tới lúc phát hiện ra tiếng chổi tre khi tiếp xúc với đất, với bậc thang, bàn ghế thường phát ra những âm thanh có nhiều cung bậc khác nhau giống như tiếng nhạc, nàng mới như tìm lại được chút niềm vui trong tâm hồn. Nàng “qua mặt luật nhà chùa” xin được quét chùa: “Quét những chiếc lá vàng và những mạng nhện trong từng góc sân nhỏ nhất, mỗi ngày nàng đều được chơi với tiếng cây chổi để hợp thành một thứ âm nhạc chỉ có nàng nghe thấy”.
Mang số phận gắn với thời cuộc đầy biến động, luôn phải sống trong cô đơn, bất an, lo sợ, Bà Mẹ Trẻ thường nhớ về những kí ức ngọt ngào của tuổi ấu thơ. Đó là kỉ niệm êm đềm khi còn là cô gái ở thuở ban mai của cuộc đời được ngày ngày nối gót theo cha đi chọn đá và thân gỗ, giữa mái lều tranh trong rừng tre những buổi tối trời sáng ánh trăng được ông “truyền lại cho tình yêu sự cô đơn”, được ông chậm rãi dạy cho khúc Quảng Lăng tán, được nghe ông tấu những khúc cổ cầm “nốt khoan nốt nhặt nối tiếp nhau, thành tiếng sóng, tiếng rì rầm của dòng sông. Tiếng ngựa hí dồn và tiếng binh đao khói lửa vút lên, làm thành vọng âm của tiếng chim lảnh lót bay ngang trên nền trời”. Đó cũng là lần đầu tiên cô gái trẻ liều lĩnh cầm lấy cây đàn và bắt chước những động tác của cha, cho cất lên khúc ca ngây thơ vui vẻ: “Đôi tay nhỏ nhắn của nàng di chuyển vụng về trên từng dây đàn. Những ngón tay chạm vào, kéo bung, đưa đẩy, khoan thai, dìu dặt… Tinh tế và rụt rè”. Từ khi cuộc đời nàng rẽ hướng, những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của người phụ nữ này chỉ đơn giản là được bên con gái, con trai, dạy chúng học đàn. Bà Mẹ Trẻ mong chúng học những khúc cổ cẩm để có được đức tính tốt đẹp theo lời dạy của cổ nhân: tránh xa những ý nghĩ sai trái, những ham muốn dư thừa, những hành động xấu xa. Tiếp thu lời mẹ dạy, cô con gái Huệ Viên đã ý thức được điều quý giá rằng: “Một khi linh hồn đã bám bẩn như mặt hồ bị khuấy bùn thì lỗ tai trở thành Trọc và không nghe thấy âm thanh tinh tế của đàn cổ cầm nữa”. Đức Phục Hy khi xưa tạo ra cây đàn để “phân biệt con người với thú vật”. Lúc luyện các điệu đàn, con người cũng đồng thời tự rèn luyện mình, học cách hướng thiện. Bởi vậy, âm nhạc cổ cầm còn có ý nghĩa “mài giũa lí trí, làm thanh sạch con tim, luyện ý thích, rèn tính khí, thay đổi nhân cách” giúp con người không sa ngã giữa “chốn nhân gian lầm bụi”, trở về với thiên lương trong sáng, giúp con người thành người tốt hơn.
Người thợ đàn già Thẩm Phụng là một nhân vật đặc biệt trong số các nhân vật mà tâm hồn được thanh lọc nhờ âm nhạc cổ cầm. Âm nhạc không chỉ giúp người chiến binh Tiên Ti ma mãnh trên chiến trận đầu óc thư giãn, quên đi những vết thương đau đớn, cơ bắp rã rời; mà còn làm được điều kì diệu: giúp ông quay lưng lại với những cuộc chiến hung tàn. Khó có thể tin rằng có loại nhạc cụ nào lại có sức mạnh cảm hoá đến như vậy. Sau khi được xem phiên bản của khúc nhạc cổ cầm Quảng Lăng tán quý giá (tương truyền của một hồn ma nữ sĩ trao lại cho thi sĩ Kê Khang và đã chết cùng nhà thơ khi ông bị Tấn vương Tư Mã Chiêu khép tội chết), nhất là khi được nghe người thợ đàn Thẩm Thanh Lâm tấu nhạc, vị tướng quân như quên hết cái thế giới ngoài kia phủ đầy bóng đêm, lắng hồn say sưa nghe hơi thở của thế giới tự nhiên huyền diệu. Chiến tranh bỗng chốc bị xua đi, quyền lực bị phá huỷ, chỉ còn lại cái đẹp của cuộc sống trường tồn, như chính cái đẹp của cây đàn cổ cầm - sự giao thoa nối kết giữa ba cõi Con người- Trời và Đất, với hợp âm là tiếng của thiên nhiên, vạn vật: “Các âm thanh bổng và trầm phát ra từ cây đàn cuốn lấy ông như gió thổi qua tán cây làm lá run rẩy. Ông ngước lên. Bầu trời trong xanh không một gợn mây mở ra. Đã lâu lắm rồi ông không còn nhìn thấy vẻ đẹp của bầu trời. Âm nhạc… như một dòng nước nóng sinh ra trong lòng ông và chảy khắp ngõ ngách trong cơ thể ông”. Nhờ cổ cầm cảm hoá, hơn bao giờ hết Thẩm Phụng đã nhận ra: “lưỡi kiếm cắt đầu và giết chóc, đàn cổ cầm suy tư và hít thở khí trời”, cho nên nếu như chiến tranh biến đời sống con người thành chỗ chết chóc, thì con người phải biết phát tán lời ca về hoà bình qua âm nhạc cổ cầm.
4. Kết luận
R. Ingarden cho rằng, tác phẩm văn học như là vật được tạo ra, là vật có chủ ý của nhà văn. Với tính chất kí hiệu, nó luôn tạo sự để ngỏ, tạo khả năng vẫy gọi người đọc. Nhưng cũng vì mang tính kí hiệu, tác phẩm văn học cũng mang những giá trị nằm ngoài giá trị thẩm mĩ liên quan tới hiện thực, đúng như nhà phê bình tiếp nhận S. Fish đã nói: “ý nghĩa tác phẩm không phải ở cái thông tin mà độc giả nhận được do trường tương quan của nó với thực tại… mà ở cái ấn tượng nảy sinh nơi độc giả trong quá trình đọc, ở cái hành động mà ngôn ngữ tác phẩm gợi nên nơi độc giả” [3]. Cho nên, có thể nói việc đọc tác phẩm thông qua những kí hiệu biểu nghĩa sẽ đem lại hiệu quả không thể phủ nhận cho độc giả, nó cho thấy rất rõ cái độc đáo, sâu sắc của mỗi tác phẩm và vai trò sáng tạo của mỗi nhà văn. Tác giả Sơn Táp qua Đàn cổ cầm khoả thân đã khẳng định được tài năng nghệ thuật của mình qua hệ thống kí hiệu - biểu tượng phong phú mà tiêu biểu là kí hiệu “đàn cổ cầm” đầy ấn tượng.
Tài liệu tham khảo
[1] Jean Chevalier - Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, tr.27.
[2] Sơn Táp (2013), Đàn cổ cầm khoả thân (Cénacle A dịch), Nxb Văn học. Tất cả dẫn chứng trong bài viết đều theo tài liệu này.
[3] Ipilin- E.A.Tzurganova chủ biên (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỉ XX, Nxb Đại học Quốc Gia, tr. 333.
(Nguồn: Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia Kí hiệu học- Từ lí thuyết đến ứng dụng trong nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2016)