Văn học nước ngoài

BIỂU TƯỢNG VƯỜN TRONG TIỂU THUYẾT MỘT TỔ QUÝ TỘC CỦA I.TURGENEV DƯỚI GÓC NHÌN KÝ HIỆU HỌC


16-10-2020
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Thu Thủy

Biểu tượng có thể được xem như một kí hiệu đặc biệt, “gắn liền với tư tưởng về một nội dung nào đó, đến lượt mình nội dung đó lại được dùng làm bình diện biểu hiện cho một nội dung khác” (Iu.Lotman). Bài viết đề xuất một cách giải mã biểu tượng Vườn trong tiểu thuyết Một tổ quý tộc của I.Turgenev, qua đó chỉ ra cả bình diện nội dung lẫn bình diện biểu hiện của nó: Vườn như một ký hiệu của giao ước tình yêu giữa các nhân vật chính

Trong tất cả các hệ thống giao tiếp của con người thì tác phẩm văn học là một phương thức tổ chức, lưu trữ và truyền đạt thông tin vô cùng đặc biệt và hữu hiệu; nó có  tính hàm súc và độ nén thông tin cao thông qua quá trình mã hóa ký hiệu. Giải mã các hình tượng trong tác phẩm, nhất là các hình tượng-biểu tượng với tư cách là một dạng ký hiệu đặc biệt, là một trong nhiều con đường nhận diện thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt cho người đọc thông qua văn bản. Bài viết là sự diễn giải phần nào “thông tin” đã bị “nén” trong tiểu thuyết Một tổ quý tộc (1) của I.Turgenev từ việc giải mã ký hiệu Vườn trong đó.

            I. Vườn và không gian điền trang

            Theo Iu.M.Lotman, khái niệm không gian nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với khái niệm cốt truyện. Ông viết: “Địa điểm của hành động, đó không chỉ là phông trang trí, là mô tả phong cảnh. Toàn bộ chuỗi liên tục của không gian văn bản trong đó thế giới đối tượng được biểu hiện tạo thành một topos (nơi chốn- NTTT) nhất định. Topos này luôn có tính vật chất, bởi vì đối với con người, không gian luôn hiện hữu trong hình thức tràn đầy những yếu tố cụ thể” (2). Topos này có thể xích lại đến mức gần nhất với môi trường hàng ngày của nhà văn và độc giả (chẳng hạn ở tác phẩm hiện thực), nhưng cũng có thể lại cách xa hiện thực “vật chất” quen thuộc (như trong tác phẩm lãng mạn hay khoa học viễn tưởng). Tuy nhiên, điều quan trọng theo Lotman là “ở phía sau việc mô tả các sự vật, đối tượng - mà trong môi trường của chúng nhân vật của văn bản hoạt động - xuất hiện hệ thống các quan hệ, cấu trúc của topos. Đồng thời, khi nảy sinh nguyên tắc tổ chức và sắp xếp nhân vật trong chuỗi liên tục (continium) của nghệ thuật thì cấu trúc topos là ngôn ngữ để thể hiện những quan hệ và tính chất phi không gian của văn bản” (3). Như vậy, khảo sát topos trong tư cách là một ký hiệu cho mô hình thế giới nhất định của một nhà văn  có thể hé lộ cho chúng ta những nét đặc sắc làm nên khác biệt của nhà văn đó.

            Trong tiểu thuyết của Turgenev nói riêng, toàn bộ sáng tác của ông nói chung, chúng tôi nhận thấy một topos khá đặc trưng, lặp lại và giàu ý nghĩa - đó là topos điền trang (gắn với nó là “tổ quí tộc”). Đặt trong bối cảnh sự nghiệp của riêng nhà văn và của nhiều nhà văn khác thế kỷ XIX, thì đây là một topos mang tính văn hóa-lịch sử. Như chúng ta đã biết, bắt đầu từ giữa thế kỷ XVIII đến tận những thập niên cuối cùng thế kỷ XIX nền văn hoá quí tộc luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển văn hoá nói chung ở Nga, và điều này cũng làm nên sự khác biệt căn bản của đời sống xã hội Nga so với phương Tây, nơi động lực văn hóa cũng như kiến tạo văn chương gần như là thuộc về tầng lớp tư sản tiến bộ đang lên. Các nhà văn Nga thế kỷ XIX hầu hết đều là quí tộc, do đó điền trang là một không gian đặc biệt gần gũi với họ, để từ đó nó đi vào văn chương như một yếu tố cấu thành thế giới nghệ thuật đặc thù. 

            Nói tới topos điền trang là nói tới một tập hợp những thành tố cấu trúc vật thể (nhà cửa, ruộng vườn...) cũng như tinh thần (lề lối, nếp sinh hoạt...) bền vững, bao gồm trong đó cả những thành tố “thể hiện những quan hệ và tính chất phi không gian của văn bản”. Có thể kể ra đây những thành tố nổi bật:

            1. Nhà: nhà (dinh thự) trong điền trang là một thành tố mang dấu ấn của từng dòng tộc, là nơi lưu giữ những kỷ vật, chân dung tổ tiên và truyền thuyết phả hệ (chẳng hạn, phòng khách nhà Lavresky trong Một tổ quí tộc có treo bức chân dung của ông cố Andre). Nhà bao gồm nhiều phòng nhỏ mà ở đó mỗi chủ nhân lại đem đến một nét cá tính riêng: phòng của Liza (Một tổ quí tộc) thể hiện tính cách hiền dịu, nhu mì và mộ đạo của cô - nó “sạch sẽ, sáng sủa, kê một chiếc giường trắng, những chậu hoa trong các góc tường và trước cửa sổ, một bàn viết nhỏ, mấy cuốn sách và cây thánh giá treo trên tường” (4)

            2. Quang cảnh tự nhiên: điền trang mang đến cho con người cảm giác gần gũi với thiên nhiên hơn là thành thị. Thiên nhiên trong điền trang hiện diện qua các hình ảnh hồaovườnhàng câyghế đá, nhà hóng mát trong vườn.... Thiên nhiên còn nằm ở những bối cảnh liền kề với điền trang như rừngđầmcánh đồng, các yếu tố tự nhiên như mặt trời, mặt trăng, sao, gió, mưa... Ở tiểu thuyết của Turgenev, vườn trong điền trang là một không gian đặc biệt, bởi tất cả những cuộc gặp gỡ quan trọng của nhân vật đều diễn ra trong vườn, những tâm tư thầm kín đều được bộc bạch trong vườn, hoặc chí ít thì cũng ở bên ô cửa sổ mở hướng ra vườn. Vườn cùng với sự hiện diện của tự nhiên trong đó luôn gợi cho con người về sự huyền bí của cuộc sống tâm hồn và những sắc thái đa dạng của dòng tâm lí.

            3. Tình yêu, hôn nhân...: Đây là thành tố tinh thần trong “trường” nghĩa của topos điền trang.

            4. Nếp sinh hoạt: Khách khứa, bạn bè viếng thăm, không khí gia đình, sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau của các thành viên sống trong điền trang (ví dụ, cụ Marfa đối với Liza trong Một tổ quý tộc)        

            5. Bức tranh lao động: các chu kỳ thời gian thường nhật diễn ra ở điền trang

            6. Quan hệ “quí tộc-nông nô”: luôn luôn tồn tại khoảng cách thứ bậc, tuy nhiên đôi khi khoảng cách này cũng được thu ngắn lại (ví dụ trường hợp điền trang Vasilevxkoe của Lavresky, quan hệ giữa cậu chủ và ông quản gia Anton rất gần gũi).

            7. Kí ức: mỗi điền trang lại lưu giữ những kí ức riêng, cả tốt lẫn xấu, về truyền thống dòng họ, về nề nếp gia phong... (Vd, nề nếp của ông Fedor Lavresky vẫn được giữ nguyên trong điền trang cho đến khi Lavresky trở về, dấu tích của bà Glafira cũng vẫn còn như trước (5)

            Trên đây là những thành tố cơ bản của topos điền trang. Turgenev sáng tác trong giai đoạn chế độ phong kiến nông nô bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu suy thoái nghiêm trọng, vì thế  những điền trang quí tộc như một miền kỷ niệm về thời đã qua không hiếm khi được ông thi vị hoá bằng những nét vẽ trữ tình, phảng phất nỗi u hoài, nhung nhớ.

            IIVườn - ký hiệu của giao ước tình yêu trong Một tổ quý tộc

            Tiểu thuyết của Turgenev nói chung không phải là những tác phẩm dồi dào khung cảnh thiên nhiên. Ở đó, tỉ lệ văn bản dành cho miêu tả thiên nhiên rất nhỏ (theo khảo sát cả 6 tiểu thuyết của ông, nó chỉ chiếm tối đa 1% thời lượng văn bản cả tác phẩm), tuy nhiên, thiên nhiên lại mang một trọng trách hết sức quan trọng trong cấu trúc tác phẩm. Đối với Turgenev, con người không thể tách rời khỏi thiên nhiên, và có những cái mà chỉ thiên nhiên mới có khả năng mang lại cho họ. Vì lẽ đó, vùng thiên nhiên Trung Nga tràn ngập màu sắc, ánh sáng và hương vị đi vào tác phẩm của ông không đơn thuần chỉ là không gian địa lý nơi diễn ra các cuộc gặp gỡ, các buổi trò chuyện giữa các nhận vật, mà ở phần lớn các trường hợp, nó đều thực hiện một chức năng khác, đó là giúp người đọc cảm nhận và thông hiểu được những điều mà nhà văn chưa nói và có lẽ là không thể nói hết giữa các dòng văn. Chúng tôi muốn nói tới tính ẩn dụ cao (trong một số trường hợp ẩn dụ đạt tới tính biểu tượng) của thiên nhiên trong tiểu thuyết Turgenev. Vườn với tư cách là một bức tranh thiên nhiên trong tác phẩm là một trong những ký hiệu - biểu tượng như vậy.

            Như trên đã nói, điền trang là không gian chủ đạo trong tiểu thuyết Turgenev. Trong điền trangvườn lại là một điểm nhấn quan trọng. Nếu so sánh với năm cuốn tiểu thuyết còn lại thì Một tổ quí tộc là tác phẩm có sự hiện diện nhiều nhất của hình tượng vườnVườn ở đây đại diện cho “tổ ấm” nơi Lavresky muốn trở về sau 8 năm sống ở nước ngoài, vườn cũng là nơi chứng kiến mối tình đẹp nhất nhưng cũng chóng qua nhất trong cuộc đời anh.

            Dưới đây là bảng thống kê các tình huống có sự xuất hiện của hình tượng Vườn trong tác phẩm:

Tình huống

Nội dung

Chương, trang

Văn bản

1

Gedeonovsky đến chơi, hỏi thăm bà Maria về hai cô con gái của bà

II, tr.11

- Cô Elidavêta Mikhailốpna khỏe chứ thưa bà?

- Khỏe lắm, cháu ở ngoài vườn, bà Maria trả lời.

- Còn cô Elêna Mikhailốpna?

- Lenôska cũng ở ngoài vườn...

2

Bà Maria yêu cầu Panshin hát lại, nhưng anh ta từ chối. Bà đành mời ông Gedeonovsky đi dạo ngoài vườn

IV, tr.25

Bà Maria Mitriepna thở dài và mời ông Gêđêônôpxki đi dạo với bà một vòng ngoài vườn

3

Cha chết, Lavresky cũng có mặt ở đó, anh nhìn ra vườn.

XI,

tr.72

Ông (Ivan) chưa nói dứt lời thì tắt thở... Fêđia cũng có mặt ở đó, anh không nói năng gì, đứng dựa vào bờ bao lơn thật lâu, im lặng ngắm cảnh vườn thơm ngát mùi hoa, cỏ cây xanh biếc đang lóng lánh dưới những tia nắng vàng của mặt trời ngày xuân. Anh đã hai mươi ba tuổi. Hai mươi ba năm trời trôi qua nhanh quá, anh không để y đến!...Bây giờ đường đời mở ra trước mắt anh.

4

Về đến Vasilevskoe, sau khi xem xét nhà cửa, Lavresky xuống vườn.

XIX, tr. 109

Xem xét nhà cửa xong rồi, Lavrexki xuống vườn. Cỏ hoang, ngưu bàng, phúc bồn mọc đầy vườn...Cuối vườn là một hồ nhỏ nước trong...

5

Lavresky đưa ông Lemm về nhà chơi, sau khi ông đã về buồng, anh ngồi nhìn ra vườn

XXII, tr. 122

Lavrexki đưa khách vào buồng rồi trở ra phòng giấy và ngồi trước cửa sổ. Trong vườn, chim họa mi hót lần cuối cùng: trời sắp sáng. Lavrexki nhớ lại trong vườn nhà Kalitin cũng có chim họa mi hót;...

6

Lavresky ngồi nói chuyện với ông Lemm ngoài vườn, hỏi ông có nên mời gia đình Liza đến chơi hay không

XXIII, tr.123, 125

Qua ngày sau. Lavrexki và khách (ông Lem) ngồi uống nước chè ngoài vườn.

...Anh chăm chú nghe ông rồi nói:

- Bác nghĩ thế nào? Nay nhà này xem chừng cũng đã có ngăn nắp, vườn nở đầy hoa. Nếu tôi mời cô ấy đến đây chơi cùng với mẹ cô và bà cụ cô tôi một hôm liệu có được không nhỉ?...

Ông Lem gật đầu và nói khe khẽ vừa đủ nghe:

- Ồ, được lắm, anh hãy mời đi.

7

Cả nhà Liza đến điền trang Vasilevskoe chơi. Diễn ra buổi câu cá.

XXVI, tr.142-144

Mấy cô bé chạy ngay ra vườn... Chiều đến, tất cả mọi người ra câu cá ở hồ cuối vườn...Lavrexki đứng gần Lida...Lida và Lavrexki không may mắn lắm. Chắc hẳn vì họ ít chăm chú và để cho phao trôi vào tận bờ. Xung quanh họ, những cây lau lớn màu đỏ nhạt rì rào, dưới chân họ mặt nước im lìm chiếu ánh sáng êm ả

8

Ngày hôm sau, Lavresky đọc được trên báo tin về cái chết của vợ

XXVI,  tr.153

Lavrexki lại mặc áo quần, đi xuống vườn, rảo bước trên một con đường và cho đến rạng đông anh chỉ đi dạo trên có mỗi một con đường ấy.

9

Lavreky đi dạo cùng Lida trong vườn nhà cô và nói chuyện về cái chết của Varvara

XXIX, tr. 160

 ... trong khoảng chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, Lavrexki đã đi dạo cùng Lida  trên những con đường nhỏ trong vườn. Cách mấy bước, Lênôska và Surôska chơi đùa trong vườn cảnh.

10

Cuộc “đấu khẩu” giữa Panshin và Lavresky ở nhà Liza

XXXIII tr.185

Một con chim hoạ mi làm tổ trên cây xoan lớn trong vườn, những tiếng hót đầu tiên tuôn ra giữa hai đợt hùng biện; những ngôi sao đầu tiên đã chiếu sáng trên bầu trời màu hồng, trên những ngọn cây bồ đề im phăng phắc...

11

Cũng ngày hôm đó, 10 h tối

XXXIV tr.189

Lavrexki và Lida đi mấy bước trong phòng khách và dừng chân trước khung cửa mở ra vườn, mắt họ đắm nhìn vào đêm tối xa vời rồi gặp nhau và mỉm cười, hình như là họ sắp nắm tay nhau và bày tỏ nỗi lòng.

12

Đêm hôm đó. Cuộc gặp gỡ trong vườn giữa Liza và Lavresky

XXXIV tr.190-191

Cứ đi như thế cho đến lúc gặp một hàng rào dài, trước mặt là cánh cửa nhỏ, anh vô tâm đẩy cửa ra. Cửa mở và kêu ken két một tiếng nhẹ tựa như nó chỉ chờ có bàn tay anh đẩy. Anh vào trong một khu vườn..: anh nhận rõ là vườn nhà Kalitin...anh khoan khoái được thấy mình gần Lida, được ngồi trong vườn của nàng, trên chiếc ghế dài mà nhiều lần nàng đã ngồi ở đấy.

13

8 năm trôi qua. Lavresky trở về thăm điền trang nhà Kalitin. Anh ra vườn, vào thăm các căn phòng trong nhà rồi lại trở ra vườn lần nữa

Vĩ thanh, tr.290

Anh xuống vườn, vật đầu tiên mà anh nhìn thấy là cái ghế dài mà ở đó đã có lúc anh cùng Lida hưởng một vài giây phút hạnh phúc không bao giờ trở lại nữa...

Anh trở ra ngoài vườn và ngồi trên ghế dài nhỏ, từ cái chỗ thân yêu hơn tất cả mọi chỗ khác này, quay mặt nhìn về ngôi nhà kia...anh ta, gã hành hương cô độc, vô gia đình, đang ngẫm lại cuộc đời mình, trong lúc những tiếng reo vui của một thế hệ mới đã thay thế anh, đang vọng đến tai anh.

            Hình tượng Vườn xuất hiện trong 13 tình huống (12/13 tình huống có sự có mặt của nhân vật chính), có những chỗ nó đơn thuần chỉ là không gian địa lí (tình huống 1,2,4,9), nhưng có những chỗ, ngoài chức năng chỉ nơi chốn, nó còn mang những tín hiệu ngầm ẩn hoặc giữ sợi dây liên hệ vô hình với các tình huống khác, tạo nên tính biểu tượng cao.

            Trước hết, nằm trong topos điền trangvườn gắn với chủ đề tổ ấm (gnezdo). Trong văn học Nga, gnezdo mang nghĩa ẩn dụ về gia đình. Mỗi điền trang là một tổ ấm của tình yêu, của gia đình, hay là “một tổ quí tộc” như cách gọi của Turgenev. Lavresky, nhân vật chính, sau 8 năm xa nhà, lần này trở về, anh muốn tìm một điểm dừng chân, muốn cống hiến sức mình cho công việc, và rất có thể, anh muốn có một tổ ấm cho mình. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu với một chàng trai ngoài 30 tuổi vừa trải qua một cuộc hôn nhân cay đắng. Và như vậy, Một tổ quí tộc sẽ là cuốn tiểu thuyết nói về tổ ấm mới mà Lavresky muốn gây dựng cho mình.

            Nơi anh đến đầu tiên là điền trang nhà Kalitin (chương7). Đó là một tổ ấm, nhưng đương nhiên, không phải của anh. Lavresky cũng có nhà của mình để về - đó là điền trang Lavriki, song ngay từ chương 7 chúng ta đã biết, anh không về đó:

            “- Cháu ở Bá-linh về, Lavrexki trả lời, ngày mai cháu sẽ về quê và chắc rằng cháu sẽ ở đó lâu.

            - Chắc là cháu về Lavriki phỏng?

            - Không, cháu không về Lavriki, nhưng về ở một làng nhỏ của cháu cách đây độ hai mươi lăm dặm.

            ...

            - Sao vớ vẩn thế Fêđô Ivanôvich? Nhà của cháu ở Lavriki đẹp biết bao nhiêu!

            Anh ta khẽ nhíu mày...” (6)

            Lavriki không phải là “tổ ấm”, không mang nghĩa “gia đình”, trái lại, nó gắn với cuộc hôn nhân tan vỡ của anh. Sau cái “nhíu mày” chắc hẳn là hình ảnh của người vợ Varvara mà anh muốn quên đi. “Một làng nhỏ” mà anh muốn về - đó là điền trang khác của anh, điền trang Vasilevskoe, song ở đó anh cũng giống như người lạ: đám gia nhân ngạc nhiên, “những bức tường cũng lấy làm lạ vì sự có mặt của anh”, anh “uống nước chè trong một cái tách lớn có in hình mấy con bài, là một trong những vật kỷ niệm của thời thơ ấu của anh; tách ấy vốn dành riêng cho khách và ngày hôm nay chính anh lại dùng để uống nước như thể anh cũng là vị khách lạ vậy” (7). Ở Vasilevskoe, hình ảnh vườn bắt đầu xuất hiện: ban đầu nó rậm rạp và bừa bộn (tình huống 4) vì lâu không có người chăm sóc, sau vài ngày nó trở nên ngăn nắp, “nở đầy hoa”, có tiếng chim hoạ mi ca hót (tình huống 5,6), đánh dấu những dự định về một tình yêu đang nhen nhóm (nghe tiếng chim, Lavrexki nhớ đến Lida; vườn nở hoa, anh muốn mời Liza tới chơi). Và từ đây, theo chúng tôi, hình tượng vườn bắt đầu đi vào “trường nghĩa” biểu tượng của nó bên cạnh nghĩa không gian địa lí đơn thuần: “Vườn là biểu tượng của một Thiên đường trên mặt đất” (8), thể hiện “một ước mơ về thế giới, đưa ta ra ngoài thế gian này” (9), là “cái điểm trung tâm sâu kín nhất của linh hồn” (10).

             Đến với vườn, nhân vật khép lại quá khứ sau lưng và sống bằng những viễn cảnh mở ra trước mắt (vì thế mà vườn mới là thiên đường trên mặt đất): ở cả hai tình huống 3 và 8, Lavresky đều ra vườn sau khi nghe về cái chết của cha và vợ: ở tình huống 3, anh đứng ở bao lơn và nghĩ về cuộc đời đang mở ra phía trước, ở tình huống 8, có lẽ anh nghĩ về mối tình và tổ ấm mới của mình khi cả đêm đi lại trên con đường nhỏ trong vườn.

            Vườn là nơi gặp gỡ và hội tụ của tâm hồn Lavresky và Liza (các tình huống 7,9,10,11,12): tình huống 7 là một dạng pretext cho quan hệ gần gũi hơn giữa hai người (bối cảnh là buổi câu cá, nhưng nội dung tình cảm của Lavresky là hướng tới một dạng “câu” khác - đó là tìm hiểu thái độ của Liza đối với Panshin); qua tình huống 9 Lavresky khẳng định thái độ của Liza với Panshin; cuộc đấu khẩu ở tình huống 10 thực chất càng hạ thấp Panshin trong con mắt Liza, bằng chứng là ở chỗ, bất chấp bài hùng biện của Panshin, cả Liza và Lavresky đều cảm thấy chim họa mi hót trong vườn là để cho riêng họ; chi tiết cả hai cùng nhìn ra vườn trong tình huống 11 là khúc dạo đầu cho những gì xảy ra ở tình huống 12, khi vào đêm đó, tại vườn Lavresky đã có được trái tim của Liza. Richard Peace (11) đã chú ý tới một chi tiết rất thú vị và mang ý nghĩa tượng trưng ở tình huống 12, đó là chi tiết Lavrexki mở cửa vườn: “...trước mắt anh là một cánh cửa nhỏ, anh vô tâm đẩy cửa ra. Cửa mở và kêu ken két một tiếng nhẹ tựa như nó chỉ chờ có bàn tay anh đẩy. Anh vào trong một khu vườn, bước mấy bước trên con đường trồng bồ đề và dừng lại, kinh ngạc: anh nhận rõ là vườn nhà Kalitin..” (12). “Cánh cửa vườn” được dùng trong nguyên bản tiếng Nga là kalitka, về mặt ngữ âm rất gần với họ của Lida là Kalitina. Như vậy, tình huống này có thể hiểu là Lavresky đã mở ra cánh cửa tâm hồn Liza, và dường như, chính cô cũng đang chờ điều đó.

            Trong đêm đó, Lavresky và Liza sống trong ngất ngây hạnh phúc. Vườn nhà Lida trở thành vườn Eden đối với họ, nhưng con rắn ác độc đã không buông tha, hiện thân của nó là Varvara, người vợ tưởng đã chết của Lavrexki. Chị ta trở về ngay sáng hôm sau. Giấc mơ hạnh phúc tan vỡ. Mất Liza, Lavresky mất đi vĩnh viễn cơ hội xây cho mình “tổ ấm”. Điền trang Lavriki không phải là “tổ ấm” của anh, đến giờ Vasilevskoe cũng sẽ không bao giờ trở thành “tổ ấm”. Varvara sống một thời gian ở Lavriki rồi bỏ đi Paris. Lavresky cũng đi Matxcơva. Điền trang lại hoang vắng. Tám năm sau Lavresky quay trở lại điền trang nhà Kalitin (tình huống 13), chỉ có nó mới thực sự là một “tổ ấm” như tình huống lúc ban đầu: “ngôi nhà không lọt vào tay người ngoài, nó không ra khỏi gia đình, cái tổ vẫn còn đó” (13). Tiểu thuyết khép lại tại đúng nơi nó đã mở ra: Lavresky vẫn lại có mặt tại nơi không phải là tổ ấm của anh. Cuộc đời anh đi lại quỹ đạo của cuộc đời ông Ivan-cha anh, lang thang, bất định, không gia đình. Lời nguyền của bà cô Glafira nói ra khi giận dữ hoá ra lại thành hiện thực: “Ta biết đứa nào đã đuổi ta ra khỏi tổ ấm của ông cha ta. Nhưng thằng cháu kia ơi! mày hãy nhớ lời ta nói đây: rồi mày cũng sẽ vong gia thất thổ, sẽ bị trời trừng phạt bắt đi lang thang suốt đời. Đó là lời nguyền của ta” (14). Số phận của Lavrexki đúng là số phận của “kẻ lãng tử không nhà”.

III. Kết luận

          Trong số phận của Lavresky, ta đọc thấy phảng phất bóng dáng cuộc đời của chính Turgenev. Cả đời mình ông cũng đi tìm “tổ ấm”. Và đến lúc về già, khi không thể trở về nước Nga được nữa, ông càng nhớ về khu vườn của mình ở điền trang quê nhà.  Turgenev từng nhắn nhủ với Polonsky vào những ngày tháng cuối cùng: “Khi nào về Spasskoe, anh hãy thay tôi cúi chào ngôi nhà, mảnh vườn, cây sồi non của tôi, cúi chào Tổ quốc mà chắc chắn là không bao giờ tôi còn trông thấy nữa” (15). Ở xa nước Nga, ngồi bên cửa sổ ngôi biệt thự ở Bugival, nhìn thuyền trôi trên sông Seine, nhìn những bãi cỏ xanh, những cây dẻ, cây phong, tần bì... Turgenev đã nghĩ về những khu vườn quê ông. “Tôi không biết có gì tuyệt diệu hơn những khu vườn cổ ở Oriol của chúng ta, - ông viết cho P.V.Annenkov tháng 6/1872, - không ở đâu trên thế gian này có được mùi hương như thế, có được cái màu xam xám, xanh tươi lại chen ánh vàng như thế... ẩn dưới những cây gia khe khẽ rì rào dọc theo lối đi nhỏ hẹp, thăm thẳm phủ đầy cỏ mượt và bụi dâu tây”. Trong thư gửi cho ông, bạn bè và người thân luôn kẹp vào đó những bông tử đinh hương và lá cây lấy từ vườn nhà Spasskoe như ông đề nghị.

            Và như thế, không chỉ trong tác phẩm, mà trong chính cuộc đời thực, vườn đã trở thành ký hiệu - biểu tượng cho mối duyên tình của nhà văn với mảnh đất - thiên đường trong quá khứ mà ông gọi là Tổ quốc.

----------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Một tổ quý tộc là cuốn tiểu thuyết thứ 2 được viết năm 1858 của I.Turgenev. Nhân vật chính của tác phẩm là Lavresky, một địa chủ tiến bộ mong muốn cải thiện cuộc sống nông dân, song không làm được gì để thực hiện điều này. Vai trò lịch sử của Laversky khép lại, giống như câu chuyện tình chưa bắt đầu đã vội kết thúc của anh với Liza Kalitina, người con gái anh yêu trong tác phẩm.

(2) (3): Lotman M.Iu. (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch), NXB ĐHQGHN, Hà Nội, tr.395, tr.396.

Post by: Vu Nguyen HNUE
16-10-2020