Ai cũng biết đến tên tuổi L.N.Tolstoy với Chiến tranh và hoà bình, Anna Karenina, nhưng không phải ai cũng biết rằng sau khi hoàn tất Anna Karenina, trong tư tưởng của nhà văn đã diễn ra những đổi thay rất lớn. Một “cú sốc bên trong” có vẻ như không có một nguyên nhân hữu hình nào đã khiến ông bỗng chốc cảm thấy cuộc đời mình cho đến lúc đó giàu có và hạnh phúc đến thế lại trở nên nông cạn và vô nghĩa. Ông nhìn lại cuộc đời và khắc khoải đi tìm ý nghĩa của nó. Chính ý thức về cuộc sống đã giúp Tolstoy nhận ra sự thật về giai cấp quý tộc. Ông tìm mọi cách để thay đổi. Và Cái chết của Ivan Ilich, Đức cha Serghi, Con người sống bằng gì?, Phục sinh... lần lượt ra đời đánh dấu một trang mới trong sự nghiệp sáng tác, một giai đoạn mới trên chặng đường tư tưởng của nhà văn. Bản sonat Kreutzer cũng là một tác phẩm nằm trong số đó.
Bản sonat Kreutzer của L.Tolstoy được viết năm 1887-1889 và trở thành sự kiện văn học gây xôn xao dư luận, thậm chí trước cả khi nó chính thức được ra mắt bạn đọc. Phải nói rằng, hiếm có một tác phẩm văn học nào lại được đưa ra tranh luận rộng rãi, cùng lúc vừa làm say mê nhưng cũng vừa làm phật lòng độc giả khi đó đến thế. Làm say mê bởi nó chứa đựng lời sám hối chát đắng niềm ân hận của một con người, còn làm phật lòng bởi con người đó đã một mình đi ngược với dư luận xã hội, không ngần ngại lột bỏ chiếc mặt nạ giả dối để nói lên sự thật dù nó có thể bị cho là kỳ quặc hay điên rồ với không ít người.
Câu chuyện được kể trong Bản sonat Kreutzer liên quan đến việc đánh giá lại các giá trị vẫn được mặc nhiên thừa nhận xưa nay trong xã hội về mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, về những điều kiện tồn tại của đời sống hôn nhân và gia đình như một thiết chế xã hội. Trên ví dụ cuộc hôn nhân bi thảm và cay đắng của nhân vật chính truyện cho thấy chính cái trật tự xã hội với những quan niệm lệch lạc về nền tảng và bản chất của tình yêu và hôn nhân đã dẫn tới những biến dạng đạo đức, cắt đứt sợi dây kết nối vợ chồng, dẫn tới thảm kịch, tới hành động nếu không giết lẫn nhau thì cũng tự giết chính mình- một ý nghĩ hơn một lần đã đến với cả hai vợ chồng nhân vật. Rõ ràng, mục đích cuối cùng của việc truy tìm nguyên nhân cho cái hiện thực nghệ thuật đau lòng đó chính là truyền bá những chuẩn mực hành vi mới, mà với chúng, con người có thể giải quyết được cả những vấn đề về bình đẳng giới, về tình yêu, về hôn nhân trong xã hội. Có thể nói, Bản sonat Kreuzer, và cùng với nó là những phát biểu của Tolstoy trong Lời bạt cho Bản sonat Kreutzer - những phát biểu cho phép khẳng định về sự đồng nhất ở mức độ đáng kể giữa tác giả và nhân vật Poznyshev, là một góc nhỏ trong triết thuyết về đạo đức của nhà văn, trong quan niệm của ông về tình yêu Thiên chúa, phản ánh mối bận tâm của ông trong giai đoạn đó về vấn đề cấm dục. Bài viết của chúng tôi không đặt mục đích trình bày tường tận về siêu lí tình yêu của Tolstoy, mà chỉ tiếp cận phần nào tới nó thông qua những tư tưởng mà nhân vật chính, và đương nhiên đứng sau đó là bản thân nhà văn, rút ra từ trải nghiệm đau đớn của chính mình.
Ở những bản thảo đầu tiên, câu chuyện trong Bản sonat Kreutzer được kể ở ngôi thứ ba. Người kể chuyển ẩn mình và chỉ đến cuối truyện mới thú nhận mình chính là Poznyshev. Ở bản thảo cuối cùng, mô hình trần thuật đã thay đổi. Và chính sự thay đổi này đã khiến Chekhov lần đầu tiên nhìn thấy ở đây một cái gì đó chưa từng có không chỉ trên phương diện “tầm quan trọng của ý đồ”, mà cả “vẻ đẹp của trình diễn”. Với hình thức mới mang đậm dấu ấn của tiểu thuyết hiện đại, tác phẩm trở thành lời thú tội day dứt và chân thực hơn bao giờ hết cất lên từ tận cùng tâm khảm của một người trong cuộc, cùng những đúc rút mà anh ta có được sau khi phải trả giá bằng tấn thảm kịch đáng sợ của chính gia đình mình.
Bản sonat Kreutzer với 28 chương nhỏ được xây dựng theo lối “truyện lồng trong truyện” với hai người kể chuyện (NKC). Câu chuyện nào là trung tâm và điều căn bản mà Tolstoy muốn chuyển tải được kể bởi NKC nào - người đọc hoàn toàn có thể định hướng được khi thâm nhập vào thế giới truyện. Câu chuyện 1 được kể qua lời của NKC xưng “tôi” (NKC 1), được gói gọn trong không gian và thời gian một chuyến tàu, bắt đầu từ khi chuyến tàu ấy đi được hai ngày đường cho đến 8h sáng ngày thứ ba của chuyến đi - cũng là lúc câu chuyện 2 kết thúc. Trong câu chuyện 1, NKC 1 là một chứng nhân với điểm nhìn bên ngoài, xuất hiện với những miêu tả ngắn gọn về một vài hành khách ngồi cùng toa, trong đó có Poznyshev, người sẽ thâu đêm kể lại cho anh câu chuyện đời mình. Lời kể của NKC trong câu chuyện 1 chủ yếu tập trung ở 2 chương đầu, trong 26 chương sau anh là người nghe câu chuyện 2 và cho thấy sự hiện diện khiêm tốn của mình ở đó qua chừng 20 câu thoại ngắn chủ yếu mang chức năng khơi gợi. Như vậy, 7/8 thời lượng văn bản tác phẩm (77/88 trang) được dành cho câu chuyện 2 với NKC là Poznyshev (NKC 2) - một cái “tôi” đầy dằn vặt, chua chát, thành thực đến tàn nhẫn và tự tin đến cực đoan. Bỏ qua một đôi lần lời kể của NKC 2 bị gián đoạn bởi tàu dừng, bởi người soát vé bước vào hay bởi những ngụm trà đắng ngắt như chính vị đắng của những hồi ức về quá khứ, thì câu chuyện 2 hoàn toàn có thể được xem là dòng tâm sự miên man của Poznyshev, tưởng như là để đối thoại với NKC 1, song thực chất là để anh ta độc thoại với chính mình, tự hỏi, tự trả lời, tự đưa ra những quan điểm cá nhân đậm màu thách thức. Trên chuyến tàu mùa xuân của chuyến đi trong thực tại, một cách không định trước, Poznyshev đã phải đi thêm một cuộc hành trình nữa - cuộc hành trình ngược chiều thời gian về với quá khứ của mình - để đào bới một lời giải đáp cho câu hỏi: có hay không tình yêu đích thực, hay chỉ là sự “đánh bẫy” lẫn nhau của đàn ông và phụ nữ, còn nếu có, thì thế nào là tình yêu đích thực?
Mọi chuyện bắt đầu một cách ngẫu nhiên từ cuộc trò chuyện trong toa về vấn đề li hôn. Câu nói của “quý bà” ngồi cùng toa (“hôn nhân mà không có tình yêu thì không phải là hôn nhân, chỉ có tình yêu mới soi sáng cho hôn nhân và hôn nhân đích thực chỉ là những cuộc hôn nhân được soi sáng bởi tình yêu” [1; 13]) bị Poznyshev phản bác gần như ngay lập tức (“Các ông bà nói rằng hôn nhân dựa trên tình yêu , trong khi tôi lại rất nghi ngờ về sự tồn tại của tình yêu ngoài ham muốn nhục dục, các ngài chứng minh sự tồn tại của tình yêu bằng sự tồn tại của hôn nhân. Dạ thưa, hôn nhân trong thời đại chúng ta chỉ là một sự dối lừa thôi ạ” [1; 16]). Sự bi quan này sẽ được anh ta lí giải bằng câu chuyện đời mình, kể từ khi anh 15-16 tuổi đến lúc lập gia đình và cuối cùng là giết vợ sau 8 năm chung sống với cô ta. Quãng đường dài non nửa đời người dành để cắt nghĩa bản chất đích thực của tình yêu, của sự say mê giữa đàn ông và đàn bà rốt cuộc đã kết thúc bằng sự đổ vỡ hoàn toàn của một gia đình với cái chết của người vợ, sự bơ vơ, hoảng loạn của 5 đứa con và nỗi day dứt của người chồng ấy. Anh ta, cũng như vợ, chưa bao giờ có được một tình yêu đích thực, bởi cả hai đều không biết gây dựng nó bằng cách nào, ngoài những ham muốn của thể xác và cám dỗ của nhục dục. Những cuộc cãi vã, xung đột, thù địch, ghen tuông vô cớ xảy ra càng lúc càng nhiều, càng lúc càng bế tắc trong phương cách giải quyết, biến cuộc sống vợ chồng thành địa ngục tinh thần khủng khiếp. Poznyshev trong quá khứ chưa hiểu vì sao cuộc sống gia đình của vợ chồng anh lại ra nông nỗi ấy, còn Poznyshev của hiện tại, “trải qua đau khổ và chỉ nhờ vào chúng”, đã “hiểu ra cội nguồn của tất cả”: “mắt tôi bỗng mở ra và tôi nhìn thấy mọi việc dưới một ánh sáng hoàn toàn khác. Tất cả đều đảo lộn, tất cả đều đảo lộn” [1; 19]. Thực ra, sự tỉnh ngộ đã đến với anh chính vào cái phút giây oan nghiệt ngày 5 tháng 10 đó, khi anh cầm dao đâm vợ: “Tôi nhìn lũ trẻ con, nhìn khuôn mặt giập nát của nàng và lần đầu tiên tôi quên đi bản thân mình, quên đi quyền lợi và lòng kiêu hãnh của mình, lần đầu tiên tôi nhìn thấy nơi nàng một con người” [1; 86]. Sau này, anh chiêm nghiệm thấy nguyên nhân sâu xa là ở môi trường thượng lưu quý tộc - cái môi trường đã dung túng cho sự hưởng thụ, dạy con người ta cách sống trụy lạc, phóng đãng, hư hỏng và coi thường phụ nữ (“Tôi sa ngã là bởi vì những người xung quanh tôi nhiều người trong họ coi sự sa ngã đó là cái hợp pháp nhất và bổ ích cho sức khoẻ [1; 21]). Bản chất tha hóa ngấm ngầm ăn mòn giá trị tinh thần con người, dòng máu thuần khiết ban đầu bị pha tạp, nhiễm độc bởi những quan niệm lệch lạc về chức năng của phụ nữ và đàn ông, về tình dục, về lí do dẫn tới hôn nhân, tóm lại, về đạo đức nói chung. Những phát biểu khái quát đầy tính triết lí của Poznyshev chiếm gần nửa thời lượng văn bản so với phần kể về các sự kiện đời riêng cụ thể của anh ta (17 trang so với 42 trang ≈ 42%), lại được trình bày phần lớn ở đầu câu chuyện, tức là trước khi nhân vật kể chi tiết về việc lấy vợ, sinh con, giết vợ, khiến đôi lúc người đọc có cảm giác như đang cầm trên tay một văn bản chính luận đích thực, trong đó lần lượt có sự đề xuất vấn đề, trình bày quan điểm, rồi kết thúc bằng việc giải thích, chứng minh cho vấn đề đã nêu. Ấn tượng về một chiến lược tự sự mang sắc thái mệnh lệnh (imperatif), giáo huấn, đặc trưng cho phong cách Tolstoy nói chung, càng trở nên rõ hơn khi Tolstoy mở đầu truyện bằng những trích dẫn từ Kinh thánh:
“Này ta nói cho các ngươi hay, rằng kẻ nào nhìn vào người đàn bà mà thèm khát, thì đã phạm tội thông dâm với người ta trong tâm trí rồi đó” (Matthieu, V, 18)
“Các đồ đệ nói với Chúa rằng, nếu như trách nhiệm của người đàn ông với vợ là như thế, thì tốt hơn là đừng lấy vợ.
Chúa bèn nói với họ rằng: lời đó không phải ai cũng hiểu, mà chỉ người nào được ban cho lời đó mới hiểu mà thôi.
Bởi có những kẻ từ lòng mẹ sinh ra đã là yêm hoạn, lại có kẻ tự làm mình thành yêm hoạn vì nước ở trên trời. Ai có thể hiểu được thì người đó mới hiểu” (Matthieu, XIX, 10,11,12) [1; 6-7]
Nội dung lời đề từ cũng là quan điểm của nhà văn, rằng sự trong sáng của tâm hồn là điều đáng trân trọng nhất, rằng sa đọa không phải bắt đầu từ hành động mà bắt đầu ngay từ trong tư tưởng, rằng tình yêu đích thực của con người hoàn toàn không phải là những đam mê thể xác - một quan điểm tương đồng với những đúc rút của Poznyshev: “Ham muốn nhục dục, dù nói cách nào thì cũng là tội ác...Trong sách Phúc âm có nói kẻ nào chỉ nhìn vào người đàn bà mà thèm muốn thì đã phạm tội ngoại tình với bà ta trong tâm trí rồi...” [1; 35]. Sự gần gũi giữa hai điểm nhìn này càng lộ rõ khi ta đối chiếu phát biểu của nhân vật với những luận điểm mà chính tác giả đưa ra trong Lời bạt... - một bài triết luận đanh thép bài bác tình yêu nam nữ (mục đích của Lời bạt, như Tolstoy nói, là “bằng những lời ngắn gọn, diễn đạt được, trong chừng mực có thể, bản chất của điều tôi muốn nói trong truyện ngắn này và những kết luận, mà theo ý kiến tôi, có thể rút ra từ đó”). Chẳng hạn, trong Lời bạt... nhà văn tuyên bố: “trong xã hội chúng ta tồn tại một quan niệm chung, vững chắc cho tất cả các tầng lớp và còn được ủng hộ bởi thứ khoa học giả dối, rằng quan hệ tình dục là công việc cần thiết cho sức khỏe, và rằng việc cưới hỏi không phải lúc nào cũng có thể, do đó quan hệ tình dục ngoài hôn nhân không có gì ràng buộc người đàn ông ngoài việc trả tiền sẽ là việc hoàn toàn tự nhiên và vì thế phải được khuyến khích.[...]Điều tôi muốn nói là như vậy là xấu xa, bởi vì không thể vì sức khoẻ của người này mà tàn phá thể xác và tâm hồn người khác.[...] Kết luận rút ra là: không được tuân theo sự lầm lẫn và giả dối đó; để không tuân theo cần phải, thứ nhất - không tin vào những học thuyết vô đạo đức [...], thứ hai - hiểu rằng, quan hệ tình dục mà ở đó con người giải phóng mình khỏi mọi hậu quả có thể - như con cái, hay trút toàn bộ gánh nặng của những hậu quả đó lên người phụ nữ [...] - đó là tội ác” [6]. Còn Poznyshev thì thú nhận: “Trước khi lấy vợ tôi cũng sống như mọi người, tức là sống rất phóng đãng, và cũng như mọi người trong giới chúng ta, tôi sống phóng đãng và tin rằng cần phải sống như thế [...] Tôi quy phục sự phóng đãng một cách từ từ, một cách đứng đắn, để giữ sức khoẻ. Tôi tránh những người phụ nữ nào vì muốn có con hay vì quá quyến luyến mà ràng buộc tôi [...]...đó chính là điều đê tiện nhất. Sự đồi trụy đích thực chính là việc giải phóng bản thân mình khỏi những trách nhiệm đạo đức với người phụ nữ mà mình đã có quan hệ về thể xác. Thế mà tôi đã coi sự giải thoát đó như một chiến công. Tôi còn nhớ cái lần tôi đã phải khổ sở thế nào vì chưa kịp trả tiền cho một người phụ nữ...Tôi chỉ bình tâm trở lại sau khi đã gửi tiền cho cô ta, bằng việc gửi tiền đó tôi chứng minh được rằng về lương tâm đạo đức tôi chẳng còn phải ràng buộc gì với cô ta cả....Vấn đề là điều đó thật là kinh khủng, kinh khủng, kinh khủng! [1; 18-19]. Hoặc Tolstoy đúc kết: “trong xã hội chúng ta, nơi việc phải lòng giữa một người đàn ông trẻ tuổi và một phụ nữ dù gì vẫn có nền tảng là tình yêu thể xác lại được nâng lên thành mục đích thi vị, cao cả của khát vọng loài người, vì thế quãng thời gian đẹp nhất của đời mình những người trẻ tuổi lại dùng vào việc: đàn ông thì ngó nghiêng, tìm kiếm và sở hữu những đối tượng yêu đương hoàn hảo nhất dưới dạng quan hệ tình yêu hay hôn nhân, còn các bà và các cô thì dụ dỗ và lôi kéo đàn ông vào mối quan hệ hay hôn nhân [...]Tôi cho rằng như thế là không tốt.Kết luận rút ra là phải chấm dứt suy nghĩ rằng tình yêu thể xác là một cái gì đó đặc biệt cao quý, mà cần phải hiểu rằng mục đích xứng đáng với con người là phục vụ nhân loại, tổ quốc, khoa học, nghệ thuật...”[6], còn Poznyshev cũng nhận ra: “...cái tình yêu mà chúng ta gọi là cao cả nhất, thi vị nhất phụ thuộc không phải vào những phẩm chất đạo đức, mà phụ thuộc vào những gần gũi về thể xác, vào kiểu tóc, vào màu sắc và kiểu váy áo...”[1;25]
Những tương đồng như trên có thể tìm thấy trong nhiều chi tiết nữa. Nhưng cũng cần phải nói rằng, quan điểm của tác giả và của Poznyshev tương đồng chứ không đồng nhất. Một mặt, cái nhìn của ông được biểu hiện qua cái nhìn của nhân vật, mặt khác, cá nhân tác giả vẫn có những đánh giá riêng về anh ta. Ông đứng cao hơn, có cái nhìn bao quát hơn để phát hiện ra bản chất bi kịch của Poznyshev, nói chính xác hơn, những lầm lẫn cần tháo gỡ của nhân vật là một trong nhiều tiền đề để nhà văn xây dựng bài học đạo đức về tình yêu chân chính “dựa trên sự thống nhất về tư tưởng và hoà hợp về tinh thần” - cái mà Poznyshev không có được. Bài học đó được rút ra từ chính học thuyết của ông với ba nguyên tắc cơ bản nhất là nguyên tắc tình yêu (1)(принцип любви), nguyên tắc không chống lại cái ác bằng bạo lực hay không kháng cự, phi bạo lực (2)(принцип непротивления) và nguyên tắc vô vi (3)(принцип неделания), trong đó (2) là điều kiện cơ bản của (1), còn (3) là điều kiện cơ bản cho (2).
Theo chúng tôi, học thuyết đạo đức của Tolstoy, về cốt lõi, chính là học thuyết về tình yêu, về lòng yêu thương và bác ái. Khi nói về thuyết lí này, vấn đề đặt ra sẽ không phải là nên hay không nên học theo nó, mà vấn đề là để biết về nó và hiểu nó như một tác phẩm chân chính của nghệ thuật - nghệ thuật về lối sống.
Tolstoy hiểu thế nào về tình yêu?
Khi ông xây dựng các nhân vật trong Chiến tranh và hoà bình, tình yêu và hôn nhân đối với họ là hai khái niệm đi liền nhau. Từ những trang viết về tình yêu giữa Andrey Bolkonsky và Natasha Rostova thực sự làm say đắm lờng người đến bức họa về một Natasha khi đã trở thành vợ Pier, “yêu chồng con quá mức, đến nỗi nhiều khi đâm ra ngớ ngẩn” ta có được một hình dung khá rõ nét về những nhân vật hiện thân cho tình yêu nam nữ cao đẹp hay những người phụ nữ kiểu Tolstoy- sống hết mình vì gia đình, tận tụy và nhu mì. “Tư tưởng gia đình” mà nhà văn yêu mến thể hiện chính ở sự thăng hoa của tình yêu trong hạnh phúc gia đình. Gia đình là cái đích của tình yêu, và mối liên kết bền chặt giữa các thành viên trong tổ ấm là sợi dây lưu giữ tình yêu cho các nhân vật của Tolstoy trong giai đoạn này .
Trong Anna Karenina, tương quan tình yêu và gia đình đã trở nên phức tạp hơn, và các nhân vật phải đối mặt với nhiều lựa chọn được-mất hơn trước. Một cô vợ trẻ, một người chồng già - tình huống truyện không phải lần đầu ta gặp trong sáng tác của Tolstoy. Điều tương tự đã có trước đó trong truyện vừa Hạnh phúc gia đình (1859). Nhưng thay cho một Maria Alechsandrovna trở về được với tổ ấm của mình và cảm nhận hơn bao giờ hết niềm hạnh phúc lại được sống trong gia đình: “tình yêu đối với lũ trẻ và cha của chúng đã đặt điểm khởi đầu cho một cuộc đời khác - hạnh phúc hoàn toàn theo một cách khác” mà cô “chưa từng trải qua trong giây phút đó”, ta có một Anna Karenina vì theo đuổi hạnh phúc của riêng mình mà làm đổ vỡ một gia đình. Và cho dù cuộc giằng co bi kịch giữa tình yêu cá nhân và tình mẹ của Anna, giữa hai cái “tôi” trong con người cô, như cách gọi của Merezhkovsky [5], có đau đớn thế nào, cho dù dư luận và định kiến xã hội có bất công với cô đến đâu, thì cuối cùng việc cô đánh đổi tình mẹ để lấy thứ tình yêu nhục cảm với Vronsky cũng là điều đáng trách. Trong cuộc trò chuyện cùng Doly, Anna nói cô sẽ không có con vì cô không muốn có con nữa. Và khi Doly hỏi: “Như thế có trái đạo đức không?”, Anna đáp: “Tại sao? Chị hãy nghĩ xem, em phải chọn một trong hai con đường: hoặc có mang, nghĩa là ốm đau, hoặc được là người thân yêu, là bạn của chồng em [...] chị nên hiểu em chỉ là vợ anh ấy chừng nào ânh ấy còn yêu em thôi. Và làm thế nào duy trì được tình yêu của anh ấy? Như thế này ư? Nàng vòng đôi bàn tay trắng nõn ra đằng trước bụng” [2; 961]. Một tình yêu được khơi gợi và nuôi dưỡng bởi cái đẹp bề ngoài như thế không thể là vững bền. Huỷ diệt và tự hủy diệt - đó là cái giá Anna phải trả cho tình yêu của mình. Tolstoy càng lúc càng lo lắng hơn cho đức hạnh con người trước sức mạnh phá hủy của tình yêu nhục dục. Ông kêu gọi con người lánh xa tình cảm đó để đến với tình yêu tinh thần thánh thiện - một trong những điều nhà văn sẽ truyền bá trong cuộc cách mạng triệt để về nhân sinh quan và thế giới quan của mình vào những năm 80.
Trong giai đoạn này, Tolstoy trình bày quan niệm về tình yêu chủ yếu ở hai công trình Đường sống (Путь жизни) và Quy luật của bạo lực và quy luật của tình yêu (Закон насилия и закон любви), trong đó ông nhấn mạnh tới phương diện đạo đức-xã hội của khái niệm và tuyên bố giáo lí Cơ đốc trong ý nghĩa chân chính nhất của nó chính là giáo lí về “quy luật của tình yêu”. Đối với Tolstoy, việc con người yêu và được yêu cũng tự nhiên như việc nước chảy từ trên cao xuống thấp, như ong biết bay, rắn biết bò, cá biết bơi. “Và vì thế, nếu như con người thay vì yêu thương người khác lại làm điều ác cho mọi người, thì anh ta đã hành động kỳ lạ và trái tự nhiên giống như chim lại bơi, còn cá thì lại bay” [chuyển dẫn (cd) từ 4]. Nội hàm khái niệm tình yêu ở đây bao trùm lên tình yêu nam nữ, và đương nhiên nó hoàn toàn không có giao cắt nào với tình yêu nhục cảm - cái mà nhà văn kịch liệt lên án trong Bản sonat Kreutzer. Tolstoy kêu gọi mọi người “tự giải thoát khỏi ách nô dịch” của kiểu tình yêu đó bằng cách “thấm nhuần những chân lí tôn giáo vĩnh hằng, bằng cuộc sống khổ hạnh và vị tha, lấy tình yêu thương nhân loại đại đồng thay thế cho tình yêu nam nữ cá thể” [3; 395] Theo Tolstoy, quá trình vươn tới tình yêu chân chính đó lấy nền tảng từ “tình yêu đối với chính mình” (yêu thể xác), tiến tới “tình yêu đối với người khác” (yêu người thân, bạn bè, yêu những người yêu ta và những người mà với họ ta thấy dễ chịu), và cuối cùng là “tình yêu đối với tất cả” (trong đó đặc biệt là yêu kẻ ta căm thù và yêu cả kẻ căm thù ta). “Yêu tất cả” nghĩa là đặt ngang hàng nhau những người xứng đáng được yêu và cả những người không xứng đáng. Để “yêu tất cả”, kể cả kẻ thù, ta cần phải nhìn thấy và tìm thấy ở họ cái xứng đáng với tình yêu của ta - cái đó chính là “tinh thần duy nhất”, tồn tại ở tất cả mọi người dưới dạng “tình yêu đối với chính mình”. “Để yêu được con người như thế, cần phải nhớ rằng anh ta cũng yêu bản thân như bạn yêu chính bạn, rằng bên trong anh ta cũng có vị Chúa giống như vị Chúa sống trong bạn” [cd từ 4]. “Ai dù chỉ một lần có được niềm vui lấy cái thiện đáp trả cái ác thì sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội nhận được niềm vui đó” [cd từ 4]. Đối tượng của tình yêu, từ đó, mang một phẩm chất mới: từ tình yêu vật chất (“phần xác”) chuyển tới tình yêu tinh thần (“phần hồn”). Poznyshev trong Bản sonat Kreutzer chưa bao giờ biết đến một tình yêu như thế vì tự làm mình mù loà trong những đam mê xác thịt. Anh sống cho bản thân, chỉ biết “yêu chính mình”, thèm khát được thoả mãn nhục cảm và nhìn thấy ở người phụ nữ, trong đó có cả vợ anh, công cụ giúp anh thực hiện điều đó. Họ đối với anh chỉ là công cụ, chưa bao giờ anh nhìn thấy ở họ một con người. Chúng ta nhớ lại lời thú nhận chua chát, muộn màng của Poznyshev: “Tôi nhìn lũ trẻ con, nhìn khuôn mặt giập nát của nàng và lần đầu tiên tôi quên đi bản thân mình, quên đi quyền lợi và lòng kiêu hãnh của mình, lần đầu tiên tôi nhìn thấy nơi nàng một con người” [1; 86]. Những cuộc cãi vã xảy ra thường xuyên giữa hai vợ chồng, nhưng thay vì cùng nhau trò chuyện, cùng nhau chia sẻ để tìm lối thoát thì họ chỉ biết “làm lành” nhau bằng cách “yêu đương”. Tình yêu vĩnh viễn không còn là giao tiếp tinh thần giữa họ. Với Tolstoy, một tình yêu như thế là vô nghĩa, hôn nhân như thế cũng vô nghĩa, và nếu con người chỉ tồn tại vì cái đó thôi thì càng vô nghĩa. Số phận của Poznyshev trong Bản sonat Kreutzer là một minh chứng hùng hồn cho quan niệm của Tolstoy về “sức mạnh ác quỷ nô dịch loài người” [3; 395] của những đam mê xác thịt. Anh đứng ở nấc thang thấp nhất của con đường vươn tới tình yêu lí tưởng, và khi mái đầu đã chuyển bạc anh mới nhận ra vị trí thảm hại đó của mình.
Trong tác phẩm Anna Karenina thực ra Tolstoy đã tạo ra được một nhân vật rất gần với mẫu hình lí tưởng mà ông mong muốn - đó là Levin. Tình yêu của Levin với Kitty không được vẽ nên trong hào quang lãng mạn, song trong dòng chảy thường nhật của cuộc sống, sợi dây gắn kết hai tâm hồn càng lúc càng bền chặt. Nó được duy trì không phải từ tình yêu thể xác, mà từ sự thống nhất của hai tâm hồn. Thật xa lạ với Poznyshev cái cảm giác hân hoan của Levin trước ngày cưới, khi anh nhìn thế giới bằng con mắt khác và tất cả mọi người, không ngoại trừ ai, đối với anh đều tốt đẹp, đáng yêu và thông tuệ, có nghĩa là anh đặt tất cả họ ngang hàng với nhau trong tình yêu của anh lúc đó. Poznyshev càng không hiểu được niềm sung sướng tràn bờ của Levin khi anh lần đầu được làm cha, khi anh “quỳ xuống cạnh giường, hôn khắp lên tay vợ; nàng đáp lại bằng cách khẽ bóp ngón tay. Cùng lúc ấy, ở chân giường [...], khác nào một ngọn nến, đang chập chờn cuộc sống của một sinh thể trước đó chưa hề tồn tại ở bất cứ đâu nhưng chẳng bao lâu sẽ đòi hỏi quyền lợi và lại sinh sôi nảy nở ra những sinh thể khác giống như nó” [2; 1070]. Lêvin vẫn chưa thể nói rằng anh đã đạt tới điểm trên cùng của sự thống nhất tinh thần, của tình yêu nhân loại, rằng ý nghĩa cuộc sống đã mở ra trước mắt anh. Anh chỉ biết mình đang ngập tràn trong hạnh phúc, và tình cảm của anh dành cho mọi người là dấu hiệu cho quá trình tự hoàn thiện vươn tới tình yêu chân chính của anh sau này.
Ra đời trong giai đoạn biến chuyển nhận thức đặc biệt của Tolstoy, Bản sonat Kreutzer là sự tiếp nối với sắc thái gay gắt và dữ dội hơn chủ đề kiếm tìm đạo đức cho giới quý tộc Nga mà ông đã không mệt mỏi đặt ra ngay từ khi bắt đầu con đường sáng tác. Mặc dù tác phẩm trực tiếp hướng tới việc “phê phán chế độ hôn nhân và gia đình không dựa trên tình yêu trong xã hội tư sản quý tộc” và đề xuất phương thức thần diệu (nhưng khá cực đoan) để giải độc cho tình trạng đó là chủ nghĩa cấm dục khổ hạnh và bài bác tình yêu nam nữ, song những suy nghĩ mà ta có thể rút ra từ đó lại mở ra một tầm nhìn rộng hơn về phương châm sống của nhà văn, chính xác hơn là, về học thuyết của ông. “Mọi thứ đã bị đảo lộn và mới chỉ đang được sắp xếp lại”. Cách sắp xếp lại của Tolstoy là hướng duy nhất vào một cuộc cách mạng về đạo đức, cách mạng của tâm hồn chứ không phải của bạo lực. Ông nói: “Hãy cho tôi một niềm tin và hãy để tôi giúp những người khác tìm ra nó”. Niềm tin của Tolstoy là ở tình yêu. Bằng tình yêu con người sẽ làm nên tất cả. Nếu với Dostoievski, “cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới”, thì với Tolstoy, ta có thể nói rằng: “Chính tình yêu sẽ cứu chuộc thế giới”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. L.N.Tolstoy, Bản sonat Kreutzer, Phương Phương dịch, TCVHNN số 5/2000.
2. L.N.Tolstoy, Anna Karenina, Nhị Ca, Dương Tường dịch, NXB Văn học, H. 2003.
3. Phạm Vĩnh Cư, Vladimir Soloviev - triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học// trong cuốn Sáng tạo và giao lưu, NXB Giáo dục, H. 2007.
4. Е.Д.Мелешко, Христианская этика Л.Н.Толстого, М. 2006 (nguồn: http://az.lib.ru/t/tolstoj_lew_nicolaevich/text_1490.shtml.
5. Д. Мережковский, Любовь у Толстого и Достоевского// trong cuốn Русский Эрос или философия любви в России/ Сост. В.П.Шестаков, М. 1991.
6. Л.Н.Толстой, Послесловие к Крейцеровой сонате
(nguồn http://www.kulichki.com/inkwell/text/hudlit/classic/tolstoj/sonata_posl.htm)