Văn học nước ngoài

ÂM HƯỞNG NỮ QUYỀN TRONG SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NỮ ĐƯƠNG ĐẠI TRUNG QUỐC - QUÁCH TIỂU LỘ


16-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Chanh

 

Tóm tắt: Quách Tiểu Lộ là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học đương đại Trung Quốc. Thuộc thế hệ “nhà văn sinh sau”, nhưng cô đã sớm khẳng định được tài năng của mình qua những thành công rất đáng khích lệ ở cả lĩnh vực văn chương cũng như điện ảnh. Sinh ra và lớn lên trên đất nước nam quyền ngàn đời thống trị, bản thân lại từng trải qua những năm tháng khó khăn lập nghiệp ở nước ngoài, phải bươn chải tự thân vượt lên số phận, mặt khác do có nhiều cơ hội tiếp cận với làn sóng tư tưởng nữ quyền tiến bộ phương Tây, Quách Tiểu Lộ đặc biệt có ý thức khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Tác phẩm của cô thể hiện rất rõ âm hưởng nữ quyền. Từ những trải nghiệm của bản thân cùng với sự nhạy cảm, tinh tế của người phụ nữ, nhà văn đã xây dựng thành công hệ thống nhân vật nữ tiêu biểu cho lớp phụ nữ thế hệ mới. Đó là những con người mạnh mẽ, táo bạo, có khả năng độc lập, tự chủ về mọi mặt, dám sống thật với chính mình, luôn có ý thức vươn lên khẳng định bản thân và hướng tới sự tồn tại hài hòa, bình đẳng với nam giới. Đó là những con người đã thực sự được cởi trói về tư tưởng, đã thoát ra khỏi quan niệm truyền thống với cái nhìn đầy đặt định và thiên kiến của thế giới nam quyền.

1. Mở đầu     

Kể từ sau thập niên 80 của thế kỉ XX, văn học nữ quyền Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu, tạo nên “hiện tượng lạ” trên văn đàn. Đội ngũ nhà văn nữ tập hợp đông đảo chưa từng thấy. Không chỉ là chủ thể ngôn từ, nữ giới còn là chủ thể thẩm mỹ, chủ thể trải nghiệm trong các sáng tác. So với lớp nhà văn nữ thế hệ trước với những gương mặt tiêu biểu như: Trương Kháng Kháng, Tàn Tuyết, Vương An Ức, Thiết Ngưng, Trì Lợi…, Quách Tiểu Lộ (sinh 1973) thuộc thế hệ nhà văn sinh sau song đã sớm khẳng định được tài năng của mình. Cô là nhà văn, đồng thời là một đạo diễn, một nhà biên kịch trẻ đầy triển vọng, đã gặt hái được những thành công bước đầu rất đáng khích lệ trong cả lĩnh vực điện ảnh cũng như văn học. Bộ phim ngắn Ngày đánh cá đầu tiên của bạn ra sao? (2006) của cô đã được chọn dự Liên hoan phim Sundance và giành giải phim hay nhất tại Liên hoan phim Creteil International Women. Năm 2000, cuốn tiểu thuyết đầu tay Phân Phương 37 độ 2 đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía độc giả, được giới phê bình đánh giá là có “chất giọng riêng”. Năm 2005, tác phẩm Thạch Thôn (được nhà văn Cindy Carter dịch ra tiếng Anh năm 2004 với tên Village of stone) lọt vào danh sách bình chọn giải Tiểu thuyết nước ngoài (Best Foreign fiction prize) - giải thưởng nhằm khuyến khích những tác phẩm nước ngoài xuất bản tại Anh, do báo The Independent tổ chức với sự tài trợ của Arts Council England. Năm 2007, cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng tiếng Anh Từ điển Trung - Anh cho người đang yêu (A concise Chinese - English dictionary for lovers) cũng lọt vào danh sách đề cử giải Orange Broadband - giải thưởng tiểu thuyết thường niên của Anh dành cho các cây bút nữ. Cũng năm 2007, nữ nhà văn có mặt trong danh sách đề cử giải thưởng văn học châu Á lần thứ nhất với cuốn tiểu thuyết Tuổi xuân tan thành hai mươi mảnh (20 fragments of a ravenous youth) cùng hai đàn anh là Mạc Ngôn (với Đàn hương hình) và Khương Nhung (với Tô tem sói). Sinh ra và lớn lên trên đất nước nam quyền mấy ngàn đời thống trị, nơi phụ nữ từng bị trói buộc bởi muôn vàn giáo lí khắt khe, vô lí; bản thân lại từng trải qua những năm tháng khó khăn lập nghiệp ở nước ngoài, phải bươn chải tự thân vượt lên số phận, nỗ lực theo đuổi suốt bảy năm trời để lấy tấm bằng Thạc sỹ; mặt khác do có nhiều cơ hội tiếp cận với làn sóng tư tưởng nữ quyền tiến bộ phương Tây, Quách Tiểu Lộ đặc biệt có ý thức khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Theo dõi lộ trình tiểu thuyết của nhà văn, từ tác phẩm đầu tay cho đến tác phẩm mới nhất, chúng ta thấy thể hiện rất rõ âm hưởng nữ quyền. Là gương mặt khá tiêu biểu của dòng văn học nữ quyền Trung Quốc nhưng Quách Tiểu Lộ chưa được các nhà nghiên cứu Việt Nam dành cho sự quan tâm thỏa đáng. Ở Việt Nam, ngoài một số bài giới thiệu khái quát về tác giả, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về sáng tác của Quách Tiểu Lộ nói chung, vấn đề nữ quyền trong tác phẩm của nhà văn nói riêng. Bài viết này đi sâu tìm hiểu một phương diện thể hiện khá sâu sắc giá trị nhân văn của tiểu thuyết Quách Tiểu Lộ. 

2. Nội dung nghiên cứu   

2.1. Người phụ nữ mạnh mẽ vươn lên tự khẳng định mình

Văn học Trung Quốc qua nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử đã xuất hiện không ít tác phẩm mà đối tượng phản ánh và chủ thể sáng tạo là nữ. Tuy nhiên, bởi sự áp chế mang tính quy phạm, nữ giới thường hiện lên chủ yếu dưới góc nhìn đầy đặt định và thiên kiến của nam giới. Đó là những “tạo vật” tồn tại “bên lề” xã hội, những “tha nhân” (kẻ khác) - khách thể thụ động, yếu đuối, bị chi phối, lệ thuộc vào đàn ông. Như là sự nhận thức, kháng cự lại tình trạng “mất tiếng nói” bấy lâu, văn học nữ quyền mạnh dạn công khai đặt người phụ nữ vào địa vị trung tâm, để họ tự do khám phá, ý thức về bản thân và bộc lộ tư tưởng, cảm xúc cá nhân; qua đó cho thấy, tính nữ không phải là cái gì “tất định”, “tiên thiên”, “bất biến”, mà chịu sự tác động bởi thể chế xã hội và văn hóa, đúng như quan niệm của nhà triết học hiện sinh Pháp Simone de Beauvoir - một trong những triết gia nữ quyền nổi tiếng nhất thế kỷ XX: “Người ta không phải sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ”. Theo S. Beauvoir, cơ thể của phụ nữ là một trong những yếu tố tạo nên vị thế “phái yếu” của họ, nhưng yếu tố đó không đủ để định nghĩa phụ nữ là phụ nữ - giới thứ hai (trong quan hệ với “phái mạnh” - giới thứ nhất). Nữ giới hoàn toàn có khả năng nâng cao vị thế ngang tầm nam giới, một khi họ có ý thức tự vươn lên giải phóng mình, phục hồi cái “tôi” của mình.

Mang đặc điểm của văn học nữ quyền Trung Quốc, tiểu thuyết Quách Tiểu Lộ tạo dựng các nhân vật chính đều là nữ, xuất hiện với vai trò là người kể chuyện. Họ tự kể về mình dưới dạng hồi ức (Thạch thôn, Tuổi xuân tan thành hai mươi mảnh) hay nhật kí (Từ điển Trung - Anh cho người đang yêu) với những trải nghiệm và cảm nhận của chính bản thân họ. Hình tượng phụ nữ ở đây không còn là đối tượng thụ động, được khám phá gián tiếp qua cái nhìn nam giới, mà là chủ thể trực tiếp tự bộc lộ, tự tái hiện chính mình và thế giới xung quanh. Qua hệ thống nhân vật nữ, tác giả thể hiện cái nhìn trân trọng, đề cao vai trò người phụ nữ trong thời đại mới. Đó thực sự là những cá nhân tiêu biểu của xã hội, chứ không còn là những cái bóng mờ nhạt quẩn quanh bên lũy tre làng, bên “mảnh sân đất bíu lấy những người đàn bà vĩnh viễn” [5; 60], vốn cột chặt cuộc đời họ bao lâu nay. Nhà văn quan niệm, chỉ khi dám vượt thoát ra khỏi cái không gian tù túng ngàn năm trói buộc, thì người phụ nữ mới có cơ hội được là chính mình, mới thực hiện được những khát vọng và tạo được cho mình một lối đi, một chỗ đứng vững chắc. Khác với phụ nữ xưa thường coi nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả nhất đối với họ là làm tròn bổn phận “tề gia nội trợ” trong gia đình và phục tùng đàn ông một cách vô điều kiện; các nhân vật nữ trong tiểu thuyết Quách Tiểu Lộ luôn có ý thức vươn tới cuộc sống tự do, không lệ thuộc vào ai. Họ cũng đôi lúc yếu mềm, nhưng tuyệt đối không thỏa hiệp trước khó khăn và bằng lòng với những gì mình có. Khi sa vào hoàn cảnh éo le, ngang trái, họ không đổ lỗi cho số phận, chọn lấy cái chết bi thương hoặc nhẫn nhục cam chịu sống kiếp sống mỏi mòn, tồn tại vật vờ như cái xác vô hồn. Trái lại, họ thể hiện bản lĩnh mạnh mẽ, dám đấu tranh và không chấp nhận thua cuộc. Trong Từ điển Trung - Anh cho người đang yêu, nhân vật chính là Z - một cô gái mới lớn dám một mình lặn lội vượt qua ngàn cây số để đến nước Anh xa xôi học ngoại ngữ nhằm tạo lập cho mình một cuộc sống riêng. Lần đầu tiên bỡ ngỡ dấn thân tới xứ sở hoàn toàn xa lạ chẳng những cách biệt về địa lí, mà còn khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, trong khi vốn liếng tiếng Anh lại vô cùng ít ỏi, Z đã không khỏi hoang mang, lo sợ: “mọi thứ đều làm tôi sợ hãi… Ở đất nước này chẳng có gì an toàn, tôi cho rằng cảm giác bất an xuất phát từ chỗ tôi chẳng hay biết tý gì về đất nước này. Tôi sợ mình đang lâm vào cảnh nguy hiểm… Tôi sợ ô tô… Tôi sợ người đàn ông tóc đen… Tôi lo bị lạc…” [4; 21-23]. Khó khăn chồng chất khó khăn khi sống giữa “miền đất hứa” London “xét bề ngoài quý phái” song cũng “như một trại tị nạn”, thiếu thốn đủ thứ, và trở ngại lớn nhất là nỗi cô đơn tột cùng “Lúc nào tôi cũng chỉ có một mình, trò chuyện với chính mình” [4; 50]; nhưng với một niềm khát khao vươn tới, Z đã cố gắng vượt qua tất cả. Cô cần mẫn tự học tiếng Anh, học mọi lúc mọi nơi, cuốn từ điển Trung - Anh gần như lúc nào cũng bên người, và rốt cuộc, cô đã thành công. Mạnh dạn, liều lĩnh vượt lên nỗi sợ hãi ban đầu, Z còn một mình thực hiện cuộc hành trình tự trải nghiệm, khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài qua chuyến đi hầu khắp các nước châu Âu, điều mà trong văn học truyền thống Trung Hoa hiếm gặp.       

Cũng là những cô gái tuổi đời còn rất trẻ xuất thân từ các vùng quê nghèo, không an phận chấp nhận cuộc sống mỏi mòn, cằn cỗi, ngày qua ngày “chẳng có gì thay đổi, và chẳng có gì có thể thay đổi” [5; 59], San Hô (Thạch thôn) và Phần Phương (Tuổi xuân tan thành hai mươi mảnh) đã trốn chạy tới thành phố Bắc Kinh với giấc mộng “tìm vận may” đổi đời. Dẫu ở quê nhà hay xứ xở tha hương, nhiều khi nhận ra tương lai phía trước mịt mờ, vô vọng, tự cảm thấy mình như bị cả thế giới bỏ rơi, song các cô gái vẫn kiên cường, nỗ lực bám trụ đến cùng. Những bất hạnh, nhọc nhằn càng khiến họ thêm mạnh mẽ và quyết tâm. 

Đến với Thạch thôn, người đọc không khỏi bị ám ảnh bởi hình tượng nhân vật nữ Giang San Hô - “đứa trẻ có số phận bị nguyền rủa” với một tuổi thơ nghiệt ngã. Tác phẩm là hồi ức của người con gái hai mươi tám tuổi về quãng đời niên thiếu của mình cùng “nỗi hổ thẹn bị chôn vùi” ở một làng chài bé nhỏ quanh năm chực chờ giông bão, nơi mà Thần Chết có thể trùm bóng lên mỗi ngôi nhà bất kể lúc nào, nơi mỗi con người ngay từ khi chào đời đã được đặt sẵn huyệt mộ. Sống phận mồ côi mẹ từ bé, người bố thì bỏ đi biệt tăm, ông bà nội “chung sống đã nhiều thập kỉ” mà “hầu như họ không nói gì với nhau” rồi cả hai cũng sớm qua đời, cô bé San Hô mới bảy tuổi đầu - cái lứa tuổi hồn nhiên nhất, đã sớm cảm nhận được: “cuộc đời dường như cô đơn khủng khiếp, giống một lá cỏ vàng úa, bơ vơ mọc trên đỉnh núi khô khan cằn cỗi của Thạch Thôn” [3; 141]. Chính chuỗi ngày “chẳng còn ai đợi tôi, chẳng có gì đợi tôi”, “sống cô đơn trong vòng dao động riêng của mình” [3; 54], thiếu vắng sự quan tâm và vòng tay che chở của bậc sinh thành đã khiến cho San Hô khi bị gã câm nhiều lần xâm hại, vẫn nín nhịn chịu đựng trong một nỗi sợ hãi kinh hoàng; để rồi nỗi sợ khủng khiếp ấy không thôi đeo bám, đẩy cô bé xuống hố sâu tuyệt vọng “bắt đầu mong mỏi cái chết” [3; 76]. Lủi thủi một mình tự nuôi thân lớn lên, San Hô “giống một con dã tràng bé tí ẩn trong các khe nứt của các tảng đá ven biển” [3; 190], cho nên ngay từ khi chưa kịp trưởng thành, trong ý nghĩ của cô đã nảy mầm ước muốn: lớn lên rời khỏi được chốn này. Có lẽ cả cuộc đời San Hô sẽ mãi bám chặt lấy cái mảnh đất đầy oan nghiệt ấy nếu như không có những sự kiện diễn ra sau đó tiếp tục xô cô gái trẻ lâm vào bước đường không còn sự chọn lựa. Song, có một điều mà chính bản thân nhân vật cũng cảm thấy hết sức lạ lùng là, ngay cả trong hoàn cảnh tưởng chừng vô vọng nhất, chưa bao giờ cô để mất đi tia hi vọng cuối cùng.

Nếu như Thạch thôn là kí ức đau buồn về một tuổi thơ dữ dội, thì Tuổi xuân tan thành hai mươi mảnh lại là kí ức cũng không chút êm đềm về tuổi thanh xuân vô cùng gian nan của cô gái hai mươi bảy tuổi Phần Phương. Giống nhân vật San Hô “thèm có một cái vé đã đóng dấu cho riêng mình, để có thể lên xe buýt rời Thạch thôn. Tôi không cần biết xe sẽ đi tới đâu, miễn là ra khỏi làng” [3; 72], Phần Phương cũng “có ý định bỏ trốn ngay từ khi còn rất bé” [5; 57]. Không để cuộc đời bị mắc kẹt giữa những cánh đồng khoai ở ngôi làng nhỏ “không tìm thấy trên bất cứ bản đồ nào của Trung Quốc”, trong căn nhà “lặng ngắt giống như những củ khoai lang lặng lẽ lớn lên và chết dưới lớp đất đen”, cùng những con người “sống như sâu bọ, như những con sên bám trên cánh cửa sau nhà”, năm mười bảy tuổi, cô gái bước chân ra đi. Nơi phố thành Bắc Kinh chật chội đầy giả dối, bon chen, thị phi, hiểm nguy và áp lực, mà như lời một phát thanh viên thời tiết nói: “một thành phố không bao giờ thể hiện khía cạnh dịu dàng. Bạn sẽ chết nếu không đấu tranh với nó, và cuộc chiến này sẽ không có tận cùng” [5; 174], cô gái nhà quê chân ướt chân ráo lên tỉnh ấy đã không nề hà làm bất cứ việc gì để vượt qua tình trạng cuộc sống bấp bênh một cách chật vật trong suốt mười năm trời ròng rã: quét dọn ký túc xá, làm công nhân nhà máy, dẫn chỗ trong rạp phim, đóng vai diễn phụ của đạo diễn loại ba, làm nhân viên văn phòng, thử viết kịch bản phim… Có quãng thời gian không công ăn việc làm, lâm vào bế tắc: “Không còn bánh bao nguội trong tủ lạnh, không còn những cuộn giấy vệ sinh trong toilet, không còn xì dầu và dấm trong bếp, không có cả xà phòng để tắm. Tôi đã cạn mọi thứ. Tệ hơn hết là cảm giác lẻ loi” [5; 167]; song không dễ dàng bỏ cuộc, Phần Phương vẫn kiên cường “cắm rễ ở Bắc Kinh”. Những trang tiểu thuyết cuối cùng, độc giả chưa thể chắc chắn được điều gì về tương lai sáng sủa hơn của nhân vật, nhưng đã đọc được những ý nghĩ lạc quan của người con gái đầy nghị lực, tiềm tàng bản năng sống mạnh mẽ, khó có thể ngã gục trước gian nguy: “Có lẽ tôi sẽ về Vân Nam và sống trên một quả núi. Tôi sẽ nhờ dân địa phương dạy tôi cách kiếm nấm trong rừng. Hoặc tôi có thể đến Đại Liên, thành phố ven biển, khám phá Hoàng Hải và những con thuyền đánh cá. Hay có khi đến Mông Cổ, sống trong lều, nuôi cừu và nằm dài trên cỏ ngắm bầu trời lồng lộng” [5; 177].    

2.2. Người phụ nữ với khát vọng bình đẳng giới 

Một trong những vấn đề mà văn học nữ quyền đặc biệt quan tâm là khát vọng bình đẳng giới. Hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội hiện đại chính là được làm chủ bản thân, được tự do khẳng định mình, hướng đến thực hiện khát vọng tồn tại hài hòa và bình đẳng với nam giới. Muốn vươn tới niềm hạnh phúc đích thực ấy, phụ nữ phải biết tự cởi trói cho mình, mà trước hết là sự trói buộc trong tư tưởng. Vì rằng, rào cản lớn nhất của người phụ nữ chính là bản thân họ. Xuất phát từ nhận thức đó, Quách Tiểu Lộ xây dựng nên các hình tượng phụ nữ “phá cách”, táo bạo, không e dè, ngần ngại phô bày bản thân và dám trực diện nói lên chính kiến riêng của mình. Sống xa quê hương, nhân vật Z (Từ điển Trung - Anh cho người đang yêu) đã tìm được một bờ vai đàn ông để nương dựa, để giúp cô phần nào vợi bớt cô đơn, nguôi khuây nỗi nhớ gia đình. Tuy nhiên, do sống ở hai môi trường văn hóa xã hội khác nhau, hai người luôn nảy sinh những bất đồng: “Ngày nào chúng tôi cũng cãi nhau… Cãi nhau vì một tách trà. Cãi nhau vì hiểu lầm một từ. Cãi nhau vì tôi thích cho dấm vào thức ăn mà anh thì ghét. Cãi nhau vì anh cho tự do là quan trọng hơn hết thảy” [4; 203]. Như bao người phụ nữ bình thường, Z khát khao có được một tổ ấm thực sự, trong khi người bạn tình của cô lại tôn thờ lối sống độc thân, không muốn cột mình vào hôn nhân. Không chấp nhận kiểu sống giả tạm bên người đàn ông hời hợt, thiếu trách nhiệm, sớm tối ra ngoài ngao du, bỏ mặc người phụ nữ ở nhà vò võ trông chờ, Z đã có những lời nói và hành động quyết liệt, như là sự thách thức đối với quan niệm truyền thống về mẫu hình người phụ nữ lí tưởng, bởi lẽ cô nhận thấy, phụ nữ sinh ra đâu chỉ để phục vụ đàn ông: “Chín giờ, anh về nhà. Tôi đổ tuột thức ăn vào thùng rác. Thấy tôi làm thế, anh hơi hoảng hốt. Tôi nói to, với mình và toàn bộ ngôi nhà: - Đừng bao giờ nấu ăn trước khi người đàn ông về đến nhà” [4; 328]. Trước những lời lẽ xem thường nữ giới của anh chàng người tình khi cho rằng, phụ nữ thì không cần hoài bão, danh vọng, Z cũng đã gay gắt phản ứng: “Vì sao có hoài bão lại không tốt?... Vậy sao anh lại muốn phô phang các bức tượng của anh cho người khác xem?...” [4; 206]. Như vậy, trong quan niệm của Z, cả gia đình và sự nghiệp đều giữ vị trí quan trọng đối với phụ nữ, đâu phải chỉ đàn ông mới có đặc quyền vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao danh vọng, giữ những vị trí quyền lực và uy tín, mà người phụ nữ hiện đại cũng cần được khẳng định mình trong các công việc xã hội. 

Có thể nói, cũng như các sáng tác nữ quyền nói chung, trong tác phẩm của Quách Tiểu Lộ, hình tượng người đàn ông thập toàn không tồn tại. Dưới cái nhìn nữ giới, họ hiện lên là những con người nhiều khiếm khuyết và có phần mờ nhạt. Trong ba cuốn tiểu thuyết của nhà văn, số lượng nhân vật nam không hẳn quá ít nhưng họ dường như chỉ là những cái bóng mơ hồ, thoáng qua trong cuộc đời của các nhân vật nữ. Họ không đóng vai trò là thần tượng của “phái đẹp”, là trụ cột của gia đình, là người để phụ nữ hoàn toàn có thể tin cậy phó thác cuộc đời và trao gửi lời yêu thương, trân quý. Ngược lại, họ là kẻ thờ ơ, ích kỉ, vô trách nhiệm, sống không mục đích, lí tưởng, không có chí tiến thủ. Đến với anh chàng người tình Anh quốc, Z (Từ điển Trung - Anh cho người đang yêu) đã đặt bao kì vọng vào một tương lai tốt đẹp, hạnh phúc, song chẳng bao lâu, anh ta đã khiến cô vỡ mộng: “Tôi tưởng chúng tôi chung sống, chúng tôi dành hết thời gian bên nhau, cuộc sống của chúng tôi không bao giờ tách rời… Tôi đã tưởng sẽ không bao giờ phải sống lẻ loi ở đất nước này nữa, vì hiện giờ tôi có anh, anh là gia đình của tôi, là mái ấm của tôi. Nhưng tôi đã lầm. Anh không hứa hẹn điều gì chắc chắn. Thế là tôi lại một mình bước vào cõi nhân gian…” [4; 99]. Người phụ nữ khi mang thai là lúc cần nhất có người đàn ông ở bên vỗ về, chia sẻ, nhưng người đàn ông của Z đã vô cùng lạnh lùng, thậm chí chẳng thiết quan tâm xem đứa trẻ có phải là con mình hay không. Thái độ dửng dưng, vô cảm ấy càng trở nên đáng sợ khi tác giả đặt vào điểm nhìn của chính nhân vật nữ: “Cầm que thử trong tay, tôi không biết đứa trẻ này có phải của anh không. Tôi thực sự không biết… Tôi đợi anh về suốt cả ngày… Đến tối lúc anh về, tôi kể với anh. Tôi bảo tôi cần đến bệnh viện để phá thai. Càng nhanh càng tốt. Sửng sốt, anh không nói năng gì. Thậm chí không hỏi xảy ra khi nào, có phải con anh không. Anh chỉ nhìn tôi, vẻ mặt buồn bã, và tôi bắt đầu khóc” [4; 306]. 

Phần lớn những người đàn ông mà Z, San Hô và Phần Phương từng gặp trong các tác phẩm đều nhu nhược, yếu hèn, không để lại ấn tượng tốt đẹp gì trong lòng các cô gái. Đó không chỉ là chàng trai người tình của Z - con người tẻ nhạt, vô tâm, “lạnh lùng nhất trên đời” [4; 357]; đó còn là Klaus - người đàn ông Đức ốm yếu đã không giúp gì được cho Z khi cô một mình lang thang ở phương trời xa lạ, lại còn khiến Z phải bận lòng che chở, cứu giúp anh ta thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo (trong Từ điển Trung - Anh cho người đang yêu); là gã câm như ma quỷ ghê rợn “ám ảnh mọi xó xỉnh trong thế giới” của cô bé khốn khổ San Hô; là thầy Mưu nhát hèn yêu mà không dám nhận trách nhiệm về mình, khiến San Hô thêm một lần bất hạnh phải gánh lấy hậu quả khôn lường: lén phá thai và bỏ làng ra đi như một kẻ tội đồ (trong Thạch thôn); là Tiểu Lâm vũ phu, nhạt nhẽo “sống theo một lối mòn. Thức dậy, đi làm, đi ngủ. Chẳng bao giờ thay đổi”, phần lớn thời gian trong ngày của anh ta là “hoặc giận dữ hoặc như một thây ma” [5; 24-25] (trong Tuổi xuân tan thành hai mươi mảnh)… Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên, nhà văn miêu tả trong gia đình chàng trai người tình của Z không có lấy một bóng dáng đàn ông. Đây gần như là vương quốc đàn bà. Phải chăng, thế giới phụ nữ lên ngôi, địa vị độc tôn của nam giới đã bị hoán đổi. Lời của người kể xưng “tôi” mang sắc thái giễu hết sức thú vị: “Trong ngôi nhà này có bốn người đàn bà: mẹ anh, bà nội anh và hai người chị gái của anh. Nông trại già cỗi này chỉ có ba con mèo. Tôi không biết liệu chúng có phải là mèo cái không? Không hề có nam giới. Hai người chị của anh… Anh bảo họ chưa bao giờ lấy chồng. Có lẽ họ đã quen với cảnh sống của gái già, nên chẳng cần hoặc chẳng muốn có một người đàn ông. Cha anh mất đã lâu, và ông anh cũng vậy. Nhưng tất cả cánh phụ nữ đều còn sống”[4; 345-346]… Xây dựng hình ảnh người đàn ông bất toàn đi ngược lại với những gì thường được ngợi ca trong văn chương truyền thống, Quách Tiểu Lộ không phải mục đích phủ nhận vai trò tích cực của nam giới. Đây chỉ là một cách thức thể hiện nhân vật nữ nhằm củng cố và tôn cao hình tượng nữ giới trong xã hội ngày nay. Nếu vẫn mãi giữ cái thói quen thụ động trông chờ, sống thân phận tầm gửi, ngay đến cả quyền quyết định vận mệnh và hạnh phúc của mình cũng không có được, thì phụ nữ muôn đời vẫn là những con người bất hạnh nhất trên thế gian này. 

Thoát ly khỏi cái nhìn nam tính, các nhân vật nữ trong tiểu thuyết Quách Tiểu Lộ không thuộc mẫu hình phụ nữ hết lòng hi sinh bản thân vì nghĩa vụ, trách nhiệm với tư cách là người đàn bà trong lĩnh vực “nội gia”- “nơi phụ nữ bị cô lập với nhau và bị đặt dưới quyền uy của một người duy nhất” [Rosaldo, dẫn theo 1; 146]. Họ được nhìn nghiêng về giá trị bản năng, sống với đúng những khát khao bản thể của mình, như: nhu cầu khám phá, bộc lộ bản thân, hay nhu cầu quan hệ giới tính. Khao khát tự phô bày vẻ đẹp thân thể nữ và khoái cảm tình dục của nữ giới trong văn học nữ quyền Trung Quốc đã không còn là một vùng “cấm địa”, trong tiểu thuyết Quách Tiểu Lộ cũng vậy. Qua vấn đề tình dục, nữ nhà văn góp phần xác lập vị thế mới của người phụ nữ ở phương diện này. Tuy nhiên, khác với một số nữ nhà văn Linglei, Quách Tiểu Lộ không quá sa đà vào yếu tố nhục cảm và không coi việc giải phóng tình dục là con đường duy nhất để giải phóng phụ nữ, cho dù đó là phương diện thể hiện rõ nhất sự tự do bản ngã. 

Vốn là nhu cầu rất chính đáng của mỗi con người, nhưng trong văn học quá khứ, tình dục bị coi là cổ xúy cho việc đề cao tự do, chống lại rào cản của ý thức hệ và đạo đức. Cho nên với người phụ nữ, cái nhu cầu thầm kín đời thường ấy không được phép bộc lộ. Quyền chủ động trong lĩnh vực này chỉ thuộc về nam giới. Các nhân vật nữ của Quách Tiểu Lộ đã thoát ra khỏi quan niệm truyền thống đó. Không cho rằng tình dục là điều xấu xa, đáng phê phán, họ được miêu tả là những người đã thực sự được cởi trói về tư tưởng và được làm chủ bản thân mình. Đàn bà không còn là trò chơi, là nô lệ tình dục của đàn ông; nhiều khi, quyền chủ động trong tình dục lại thuộc về họ. Trong Từ điển Trung - Anh cho người đang yêu, nữ nhân vật Z cảm thấy hạnh phúc nhất là khi được làm tình với người mình yêu “Chỉ làm tình mới có thể quyét sạch nỗi cô đơn của tôi. Chỉ làm tình mới xúc động tâm can…” [4; 249]. Cô không ngần ngại tìm hiểu về “sex”, xem tạp chí và những bộ phim có những cảnh nóng một cách thản nhiên giữa chốn đông người. Cô cũng không chút e dè thổ lộ nỗi khát khao cháy bỏng khi xa vắng người tình. San Hô trong Thạch thôn cũng vậy, hết sức cởi mở và mạnh dạn trong “sex”. Mới chỉ là một cô học sinh trung học song đã tỏ ra dạn dày kinh nghiệm khi cô dám thẳng thắn trực tiếp bày tỏ tình yêu của mình với thầy Mưu, còn chủ động hướng dẫn thầy: “Thầy không còn là thầy giáo tôi nữa. Thầy chỉ là một người đàn ông thiếu kinh nghiệm. Thực sự là một cậu bé… Từ đầu đến cuối, tôi là người giúp thầy, hướng dẫn thầy. Dường như tôi là giáo viên, còn thầy là học sinh. Thầy run rẩy như một đứa trẻ” [3; 204]. Rõ ràng ở đây, phụ nữ đã hoàn toàn ở vị thế làm chủ, chi phối phái mạnh trong chính cái “địa hạt” vốn vẫn được coi là thể hiện rõ “sức mạnh” của đàn ông. Khẳng định vai trò của nữ giới trong tương quan với nam giới ở vấn đề tình dục cũng là một hình thức nhà văn đề cập tới vấn đề bình đẳng giới một cách tự nhiên và sâu sắc. Sự tự chủ trong “sex” của người phụ nữ đã phá vỡ những quan niệm trói buộc họ trước nay.

3. Kết luận

Bằng cái nhìn tinh tế, nhạy cảm của một phụ nữ nhiều trải nghiệm, nhà văn Quách Tiểu Lộ đã xây dựng thành công hệ thống nhân vật nữ tiêu biểu cho lớp phụ nữ thế hệ mới. Đó là những con người có khả năng độc lập, tự chủ về mọi mặt, dám sống thật với chính mình và dám đi đến tận cùng bản thể. Đó là những cá nhân “tự mình” đã ý thức được cuộc sống “cho mình”, chứ không phải chỉ “vì người khác”, “theo người khác” và “phục vụ người khác”. Công khai bày tỏ thái độ phản ứng lại sự lệ thuộc của phụ nữ vào thế giới đàn ông, mạnh dạn xông vào các vùng “đất cấm” và tự do thể hiện… tất cả đã góp phần tạo nên âm hưởng nữ quyền trong tiểu thuyết Quách Tiểu Lộ. Sáng tác của cô xứng đáng được coi là tiêu biểu của văn học nữ quyền Trung Quốc với đầy đủ các đặc điểm của nó: nữ giới - chủ thể ngôn từ, chủ thể thẩm mĩ và chủ thể trải nghiệm; hình ảnh nữ không phải được kiến tạo, nhào nặn qua con mắt thiên lệch nam tính; và nam giới cần phải được đặt thành một vấn đề để “nhận thức và diễn giải lại”. 

Tài liệu tham khảo
1. Mai Huy Bích (2009), Giáo trình Xã hội học giới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Lưu Tư Khiêm (2006), “Văn học nữ tính” (Phan Trọng Hậu lược dịch), Báo Văn nghệ, số 42.
3. Quách Tiểu Lộ (2008), Thạch thôn (Thanh Vân dịch), Nxb Công an nhân dân.
4. Quách Tiểu Lộ (2008), Từ điển Trung - Anh cho người đang yêu (Công ty Văn hóa và Truyền thông Phương Đông dịch từ nguyên bản tiếng Anh), Nxb Phụ nữ.
5. Quách Tiểu Lộ (2009), Tuổi xuân tan thành hai mươi mảnh (Thanh Vân dịch), Nxb Phụ nữ.

Summary:
Quach Tieu Lo is among the most outstanding authors in Chinese temporary literature. Though in the younger generation, she has been recognized as a talent with admirable achievements in both literature and movie arts. Born and growing up in a thousands-year male-domineering country, experiencing the hard time working abroad and getting engaged in the renovation of women rights in Western culture, Quach Tieu Lo wants to fight for feminism in the modern life. Her works fully express the idea of feminism. From the personal experience and the sensitivity of a woman, she has successfully created the typical characters representing the women of the new generation. Those women are strong, brave, independent, dare to live in their own ways, try to be better towards a more equal position compared to men’s. They are free in mind, free from the biased long-lasting mindset that has given power more to men than to women.

(Tác giả: Nguyễn Thị Mai Chanh

Bài in trong Kỉ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia Nữ quyền- Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm, 2015)

Post by: Vu Nguyen HNUE
16-10-2020