Văn học nước ngoài

NỮ QUYỀN QUA DỊCH CHUYỂN KÍ HIỆU “SÓNG” CỦA XUÂN QUỲNH


16-10-2020
Tác giả: GS.TS. Lê Huy Bắc

Nhưng phải đến Xuân Quỳnh, nỗi khát vọng tình yêu chân thành, hồn hậu mới được diễn tả một cách táo bạo nhất. Sóng là tiếng lòng, là mảnh tình yêu thương nồng cháy cất lên từ sâu thẳm đại dương của trái tim yêu. Trong sự chuyển nghĩa này, “sóng” thôi không còn là sóng ngàn đời bất diệt của mọi sông biển tự nhiên mà sóng đã mang một nội hàm kí hiệu mới. Đấy là sóng lòng của tình yêu đôi lứa. Chuyện tình cảm này luôn mới lạ trong chính sự mênh mông không bến bờ của nó.

 

 

Như chúng ta đã biết, việc xác định “nghĩa” của một “kí hiệu” bao giờ cũng được dựa trên nguyên tắc: sự thống nhất quy ước giữa người phát và người nhận. Theo đó, “sóng” trong văn học cơ bản là kí hiệu cho “sóng gió cuộc đời” của người gặp điều bất trắc hay “sóng lòng” của những ai đang yêu. Nếu kết hợp nghĩa của hai khía cạnh này thì kí hiệu “sóng” trong bài thơ của Xuân Quỳnh mang nghĩa tình yêu dậy sóng, nhưng không phải là sóng gió của những cuộc tình tay ba tay tư mà là sóng lòng của người đang yêu hay sự tự dậy sóng của bất cứ tình yêu đôi lứa nào. Mặt khác, “sóng” được Xuân Quỳnh xử lí rất tài tình để trở thành các dạng sóng kép nghĩa, và sóng hoán đổi vị thế về giới của những người đang yêu. Sóng vừa là sóng náo nức, khẩn trương, đắm say ở thực tại; đồng thời là sóng lo âu cho những bất trắc tương lai. Sóng hạnh phúc và cũng là sóng dự báo của điệu luân vũ lỗi nhịp… như một cái kết tiền định của hầu hết cuộc yêu nào.

Trong nền văn chương bác học, kể từ người nam thay thế quyền người nữ ở thời cổ đại, thì khi viết về tình yêu, người chủ động tấn công hoặc thổ lộ tình cảm là nam giới. Kể từ đó, phụ nữ, với quan niệm là “phái yếu”, thường bị động trong tình yêu. Và dĩ nhiên, họ là đối tượng luôn chịu thua thiệt. Tình trạng đó kéo dài ngót cả vài mươi thế kỉ. Cho đến khi, chủ nghĩa lãng mạn ra đời, cái tôi con người được khẳng định và cùng với nó, những vấn đề thuộc về nữ quyền cũng được quan tâm. Người phụ nữ Esmeralda (Nhà thờ Đức bà Paris) đường hoàng bước vào văn học với dáng nét yêu kiều, sự trong trắng thánh thiện, cũng như sự quyết liệt yêu bậc nhất trong sáng tác của Victor Hugo. Với thiên tài nghệ thuật Heinrich Heine, người thiếu nữ giành quyền thổ lộ tình yêu:

Em yêu tôi tôi biết

Tôi phát hiện lâu rồi

Nhưng khi em thổ lộ

Tôi giật thót cả người (Quang Chiến dịch).

Trong ca dao Việt, nhiều lần ta bắt gặp tâm trạng của người con gái thao thức với tình yêu của mình: Đêm nằm lưng chẳng đến giường / Trông trời mau sáng ra đường gặp anh. Hay chao chát hơn là người con gái trong thế chủ động khiêu khích tấn công: Thấy anh như thấy mặt trời / Chói chang khó ngó, trao lời khó trao.

Nhưng phải đến Xuân Quỳnh, nỗi khát vọng tình yêu chân thành, hồn hậu mới được diễn tả một cách táo bạo nhất. Sóng là tiếng lòng, là mảnh tình yêu thương nồng cháy cất lên từ sâu thẳm đại dương của trái tim yêu.

Trong sự chuyển nghĩa này, “sóng” thôi không còn là sóng ngàn đời bất diệt của mọi sông biển tự nhiên mà sóng đã mang một nội hàm kí hiệu mới. Đấy là sóng lòng của tình yêu đôi lứa. Chuyện tình cảm này luôn mới lạ trong chính sự mênh mông không bến bờ của nó. Trái tim yêu và cương thổ tình yêu không xác định giới hạn luôn được ví với đại dương bao la nơi mặt trời yêu không bao giờ lặn tắt. Heinrich Heine cũng đã kí hiệu hoá thành công cái sự yêu này:

Mặt trời tim ta đó

Rừng rực ánh lửa hồng

Trái tim đang lặn xuống

Một biển tình mênh mông (Quang Chiến dịch).

Lại vẫn là chuyện hoán chuyển nghĩa của kí hiệu: “thuyền” và “biển”, “mặt trời” và “đại dương” vốn là những khách thể tự nhiên muôn thuở và luôn xuất hiện trong những vần thơ yêu... thì cũng đâu có xa lạ với Xuân Quỳnh. Phải chăng đó chính là hình ảnh “thiên địa đa tình” để phô diễn “cái tình” bao la trong “địa hạt yêu” của nhân loại?

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Bài thơ mở đầu bằng những sắc thái tương phản: dữ dội >< dịu êm, ồn ào >< lặng lẽ, ở lại >< ra đi của “sóng” và “sông”. Các cung bậc tình cảm chênh chao thì lúc nào cũng tồn tại trong thế chuyển động, bởi tình yêu là thứ không bao giờ “chịu đứng yên” mà luôn tìm cách kết giao và đòi hỏi được giao cảm. Nhưng ở đây, nhà thơ đâu đã nói đến chuyện tình mà chỉ diễn tả nỗi bồn chồn, háo hức của “sông” của “sóng”. Sông, sóng muốn đời vốn thế, vẫn bấy nhiêu sắc thái vận động trên hành trình ra biển, bốc hơi, mưa rồi lại “tìm ra biển” đấy là quy luật vĩnh hằng của tạo hóa: một sự dâng hiến, hoá thân để quay về. Lấy cái sự không thể hủy diệt đó để quy chiếu lên cái sự mong manh vốn là bản chất tình cảm của con người, ắt hẳn nhà thơ muốn cái sự yêu của mình sẽ không chóng phai tàn.

Câu thơ năm chữ giàu nhạc tính, tích hợp với vũ điệu sóng trùng điệp, miên man trên hành trình đi tìm ý nghĩa của tồn tại, tìm người “hiểu mình”. Chỉ một kí hiệu “tự xưng” “không hiểu nổi mình” này thôi, thì đất trời dâu bể vô tình hoá hữu ý. Đấy không còn là chuyện của con tạo hững hờ mà là chuyện người, chuyện tình, chuyện của kẻ đang yêu. Những tính từ ngược nghĩa được cấu trúc theo từng cặp, vừa thể hiện được nhịp sóng, sự vận động của sóng và cũng gợi lên sự sóng đôi, liền cặp âm dương của tình yêu tuổi trẻ.

Nhịp thơ nối dài liên tục, như không có sự ngưng nghỉ của những con sóng, của những trái tim khao khát yêu. Con sóng trên đại đương là sự hiện hình của con sóng trong lòng yêu của thiếu nữ. Kì lạ thay chính người con gái phát hiện ra cái quy luật ngàn đời ấy. Sự thấu hiểu xuất phát từ sự đồng điệu. Thiếu nữ với tình yêu bỏng cháy của mình đã thức nhận sự đồng dạng thiêng liêng:

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

Nếu Xuân Diệu, cũng trong một bài thơ viết về sóng (đương nhiên là chẳng thể hay bằng Sóng của Xuân Quỳnh) luôn có ý thức tách tâm trạng thi nhân ra khỏi sóng, lấy sóng làm vật đối sánh trực tiếp để khắc dựng chân dung của người đang yêu thì Xuân Quỳnh thực hiện thao tác ngược lại bằng cách chuyển dịch và đồng hoá nội hàm nghĩa của sóng tự nhiên sang sóng xã hội, sóng hồn người. Nữ sĩ không miêu tả con sóng theo cách của Xuân Diệu mà chỉ khắc hoạ thần thái: dữ dội, dịu êm, ồn ào,... vĩnh hằng của sóng để diễn tả bản chất tương tự của tình yêu. Những con sóng bất tử thì tình yêu cũng sẽ bất tử và luôn trường cửu với thời gian. Kiểu tình yêu mà Xuân Quỳnh truy tìm là tình yêu tuyệt đối, tình yêu mang tầm vóc vũ trụ của sóng, biển và đất, trời được khai sinh từ thuở khai thiên lập địa và mãi sống còn cho đến tận ngày trái đất thôi ngừng quay.

Nhưng không cứ hễ yêu là bất tử mà sự bất tử của yêu còn là nỗi trăn trở hoài vọng về chính sự bất tử đó. Đại từ “ôi” đặt ở đầu khổ thơ thứ hai cho thấy một tâm trạng vừa bừng ngộ, vừa đang phân vân giữa bao điều suy ngẫm của trái tim yêu: con sóng là thế, tình yêu là thế,... nhưng xác định “diện mạo” nó thế nào và khởi nguồn của yêu là đâu? Phải chăng tìm ra cội nguồn của sóng là tìm ra nguồn cội và bản chất yêu?

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

Lời thơ mộc mạc, như thể tự kiểm nghiệm trải nghiệm của mình: Sóng bắt đầu từ gió / Gió bắt đầu từ đâu? tính chất điệp, vắt dòng này mở ra một cuộc truy đuổi miên man hòng tìm ra “thủ phạm” gây nên “sóng”. Nhà thơ không thể trả lời. Dường như sự tồn tại của “sóng” ở cả hai nét nghĩa của kí hiệu này là một mặc định của tạo hoá. Có đất trời, có sông biển,... là có sóng. Cũng vậy, có con người là có tình yêu, là có “sóng lòng”, miễn truy tìm gốc gác. Bởi như một ẩn ý, tình yêu nếu tìm được nguồn cội, có nghĩa con người ta biết họ yêu nhau vì cái gì thì đấy không còn là tình yêu nữa. Lời tự thú hồn nhiên của người con gái về sự bất lực của mình trong khi đi tìm cái nguyên nhân yêu lại chính là lời bày tỏ tình cảm chân thành, nồng thắm nhất. Lời “không biết” ấy chính là lời “biết nhất”, lời thú nhận đầy đủ nhất rằng mình đang yêu, yêu sâu nặng, yêu đến mức... “không biết nữa”.

Đến đây, hình tượng con sóng thực, con sóng trên đại dương không còn là khách thể bên ngoài để thiếu nữ đối sánh với tình cảm của mình. Khi đã thấu hiểu tình yêu đã đến, thấu hiểu tình cảm của mình đã chuyển dịch đến một “bến bờ” thì con sóng đó đích thị đã trở thành sóng lòngsóng yêu, bởi trong tự nhiên, nơi “lòng sâu” đại dương kia làm gì có sóng?

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Anh là “bờ”, em là “sóng”. Khác với Xuân Diệu: em là “bờ”, anh là “sóng” và cũng khác cả ca dao: em là “bến” anh là “thuyền”. Có nghĩa, em là “cố định” còn anh là “chuyển dịch”. Điều này cũng dễ hiểu vì Xuân Diệu là nam thi sĩ và thơ ca dân gian cơ bản được hình thành từ xã hội nam quyền. Người đàn ông thể hiện “cơ trên” trong tình yêu. Thế mà nay, Xuân Quỳnh trong sự hồn nhiên táo tợn của kẻ đang yêu lại lấy mình làm “sóng”, làm “sự chuyển dịch”. Cái việc truất quyền đàn ông ở nơi nữ sĩ diễn ra không ồn ào, đầy đằm thắm nhưng quyết liệt. Phong cách Xuân Quỳnh tuy trái ngược với Hồ Xuân Hương, nhưng mục đích và hiệu quả thì chẳng kém gì nhau.

Yêu là thế, luôn nhớ. Nỗi nhớ của trái tim yêu đan dày trong không gian (lòng sâu, mặt nước), thời gian (ngày đêm). Cũng sử dụng lối ẩn dụ của ca dao xưa qua phép liên kí hiệu: sóng và bờ tương ứng và gợi dẫn em và anh, nhưng cách biểu lộ tình cảm thì trực tiếp: nhớ đến mức không chỉ không ngủ được mà đến cả trong mơ cũng còn nhớ. Nỗi nhớ đã thành vô thức. Chứng tỏ cái sự nhớ ấy mãi luôn thường trực, triền miên như những con sóng cứ miệt mài ngày đêm.

Không chỉ thời gian mà đường biên của không gian nỗi nhớ cứ liên tục bị xoá bỏ, cơi rộng:

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương

“Bắc” và “Nam” là hai định từ phiếm chỉ để ngụ ý đến không gian bao la không bến bờ. Trong hành trình mở nước, người Việt chuyển di từ Bắc vào Nam. Bởi vậy cách nói phù hợp phải là xuôi vào Nam, ngược ra Bắc. Xuân Quỳnh, trong cảm thức nổi loạn của mình đã tạo dựng diễn ngôn ngược. Hoặc khác đi là với tình yêu trào dâng vô bờ, người con gái ấy không thể phân biệt được chiều hướng? Dẫu sao thì điều tác giả muốn nói ở đây là trong bất cứ hành động (xuôi, ngược) nào, trong bất cứ trạng thái (thức hay ngủ) nào, em cũng luôn hướng về anh.

Có nét tinh nghịch, hóm hỉnh đầy nữ tính trong lời thơ Xuân Quỳnh. Nhà thơ bảo là “không biết” ta yêu nhau khi nào, nhưng chính qua sự diễn bày tâm trạng, người đọc sẽ biết “nỗi nhớ” là dấu hiệu của tình yêu. Khi nhớ nhau đến cồn cào da thịt, đến khắc khoải tâm can, thì đấy là lúc con người ta yêu nhau.

Tố Hữu cũng từng diễn tả rất chân thành nỗi nhớ nhung da diết của cõi lòng yêu: Ước gì anh hoá thành chim / Bay theo em, hót cho tim đỡ buồn! (Mưa rơi)Nhưng với Xuân Quỳnh, nỗi nhớ là tín hiệu và cũng đồng thời là một bản chất quan trọng của tình yêu. Khi hết nhớ, tình yêu đã phai tàn.

Ở khổ thơ thứ tám, con sóng dường như lại tách ra để trở về với nguyên hình là con sóng của đại dương:

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

Trong quan hệ sóng và em, nhà thơ cũng bố trí theo “nhịp sóng”. Đấy là sự “nhập” bờ và “tách” bờ. Mở đầu bài thơ, sóng là sóng, em là em, đến các khổ thơ giữa, sóng là em. Đến khổ thơ này, sóng lại là sóng. Nhưng đến khổ thơ cuối, em, hay đúng hơn là tình yêu của em chính là sóng.

Có sự chuyển đổi kí hiệu trên hành trình tìm đến bến bờ yêu ấy: ban đầu sóng  em (mượn thiên nhiên để nói chuyện con người), sau cùng em là sóng: con người là chủ nhân của nỗi lòng sóng kia; không có tình yêu của con người thì muôn đời sóng vẫn cứ là vô tri vô giác, vô thức vỗ bờ theo quán tính hư vô. Xuân Quỳnh cho hay, “sóng” chỉ có ý nghĩa khi sóng đó là tình em. Bằng tình yêu và bằng diễn ngôn tình của mình, con người đã bất tử hoá sóng. Diễn đạt cách khác, nếu không có tình người thì sóng vẫn cứ luôn hoài vô nghĩa trên những nẻo bờ hoang liêu.

Từ cách đối sánh độc đáo này, giọng thơ chuyển mạch, tiếp nối với nỗi lòng người đang yêu ở khía cạnh những thử thách trên đường tình. Xuân Quỳnh không miêu tả các cung bậc, sắc thái yêu mà đi tri nhận tình yêu ở khía cạnh dâng hiến và khao khát hòa nhập, dẫu biết sự hoà nhập kia đa phần vẫn chỉ là vọng tưởng:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn qua đi

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Sự mong manh của kiếp đời cũng là sự mong manh của kiếp tình. Con người đã không trường cửu thì làm gì có tình yêu trường cửu? Tuổi thanh xuân rồi sẽ chóng qua. Hoài bão đã mấy khi thành hiện thực. Năm tháng vẫn lặng lẽ qua cuộc đời mà cuộc đời đâu thể níu giữ. Có lẽ, cảm giác về sự hữu hạn càng thôi thúc thêm cường độ yêu. Và càng yêu nhau say đắm, người đang yêu lại càng cảm thấy bất an trước nỗi đe dọa chia lìa. Hình ảnh mâybiển và trời được đặt trong bao la giới hạn của rộng và xa như gợi lại cảnh trăng và nước trong thơ Hàn Mặc Tử: Có chở trăng về kịp tối nay? cũng vẫn cứ là cảm thức li biệt: Như biển kia dẫu rộng / Mây vẫn bay về xa.

Trong mạch liên kí hiệu đa tầng, từ ca dao đến thơ hiện đại, từ văn hoá Việt đến văn hoá phương Tây,… ý nghĩa thơ không đơn thuần chỉ là vậy mà vẫn còn cách khác để giải mã các kí hiệu cuộc đời, năm tháng, biển, mây trong sự quy chiếu đến tình yêu. Thi nhân có chút vấn vương mang tính đối thoại tích cực: đã đành cuộc đời mong manh nhưng tình yêu đâu lại mong manh như đời? Nữ sĩ hoài mong tình yêu vững bền hơn biển – biển đời, qua cái tứ: biển dẫu rộng nhưng mây vẫn cứ vượt qua. Có sự hô ứng: năm tháng trường cửu hơn cuộc đời đối ứng với mây – tình yêu bao la hơn biểnBiển sinh ra sóng, không có biển thì chẳng thể có sóng tựa như cuộc đời sinh ra tình yêu, không có cuộc đời thì cũng chẳng có tình yêu. Nhưng như thế không nhằm để nói tình yêu lệ thuộc hoàn toàn vào cuộc đời đó. Thử hỏi, không có sóng thì biển có còn là biển, không có tình yêu thì cuộc đời có còn là cuộc đời? Chúng ta sống mãi trong tập quán nên dễ chấp nhận những điều diễn đi diễn lại của cuộc sống và xem đó là đạo lí sống mà thực chất là bị “làm đui mù nhận thức”. Bằng cách “lạ hóa” những điều thường nhật, Xuân Quỳnh giúp ta bừng ngộ trước bao dạng vẻ sâu đẹp của cuộc sống. Trong những cái đẹp đó, cái chuyện nữ quyền trong bài thơ thực là đáng quý, đáng yêu, bởi nhà thơ không cực đoan đến mức muốn thay thế quyền của người nam bằng quyền người nữ. Nhà thơ khao khát sự bình đẳng và vĩnh hằng của cái sự yêu từ cả hai giới.

Tình yêu có sự sống nội tại, ắt hẳn trường cửu hơn cuộc đời. Ngôn ngữ thơ đạt đến độ vi diệu khi được chắp cánh bởi tư tưởng nữ quyền thơ. Nữ sĩ đã lấy cái cụ thể để nói cái trừu tượng, chuyển cái mong manh thành bền vững, biến cái nhất thời thành trường cửu… Theo đó, bài thơ đâu chỉ bày tỏ tình yêu không thôi mà còn nói đến những cung bậc, những khao khát và ước mong tình yêu vượt qua nỗi mong manh của kiếp phận để hướng đến cái điều rằng sự phù du của kiếp người không ngăn được chuyện tình của họ bền vững qua tháng năm, ngay cả khi dẫu đó chỉ là “thầm muốn”.

Kí hiệu nội tại thơ thiên về tình yêu không vĩnh hằng dẫu bản chất yêu là vô biên. Và nghịch lí là càng yêu tha thiết, con sóng tình càng dâng cao thì con người càng không thể nào hiểu hết được bến bờ tình yêu. Phải chăng vì điều này mà “bao giờ” và “lúc nào” con người cũng khao khát yêu và luôn muốn nói chuyện tình yêu? Thi hào Tagore diễn tả rất sâu sắc cảm nhận này: “Trái tim anh ở gần em như chính đời em vậy / Nhưng chẳng bao giờ em hiểu trọn nó đâu” (It is as near to you as your life / But you can never wholly know it).

Khi nhận ra tình yêu sẽ không vĩnh hằng như sóng, vậy thì sao không kí thác tình yêu vào sóng ấy? Xuân Quỳnh quả rất khôn ngoan vì lập tức thực hiện ngay điều này, một sự chuyển dịch kí hiệu vừa độc đáo vừa thông tuệ:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Một mặt là để tình yêu sống mãi muôn đời, mặt khác lại khẳng định sự dâng hiến hết mình của cái-tôi-đàn-bà. Mọi đường gân thớ thịt, mọi cảm xúc nghĩ suy của người nữ,... đều muốn được hoá thân vào ngọn sóng để hướng đến bến bờ yêu. Sóng vĩnh hằng thì tình yêu ấy cũng vĩnh hằng. Chỉ có điều là đến đây, có lẽ tình yêu ấy không còn là tình cảm riêng tư của một đôi trai gái cá biệt nữa mà trở thành biểu tượng cho mọi tình yêu nói chung và hiện tồn cho mọi cung bậc tình yêu của bất kì kẻ nào biết yêu trên đời.

Xuân Quỳnh, đó là một tâm hồn chân thành và đằm thắm, sôi nổi và mạnh mẽ, tin yêu và trăn trở, quên hết mình để yêu thương, đó là người nổi tiếng với quan niệm: Vì tình yêu muôn thuở / Có bao giờ đứng yên (Thuyền và biển). Từ quan niệm tình yêu “động” này, Xuân Quỳnh đã dịch chuyển thành công nội hàm kí hiệu “sóng”, đã tước đi đặc quyền của cánh mày râu để khẳng định tình yêu đẹp của phái yếu, đã trình xuất và hợp thức hoá được một khái niệm mới. Đó là “sóng tình”, loại sóng trường cửu nhờ Xuân Quỳnh ở mọi cấp độ nông sâu da diết của chúng. Nhưng dẫu có dữ dội đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì âm hưởng chung trong toàn bộ Sóng vẫn là âm điệu trữ tình nữ tính sâu lắng, tựa hơi thở nhẹ, thì thầm lan toả khắp hồn thơ về một cái tứ thiết tha đến cồn cào, gồm thâu trong nó cả dự cảm mất mát chia lìa.

Sự tiến bộ của con người ngày nay còn được đo bằng khả năng am hiểu tính ẩn dụ của ngôn ngữ từ một ai đó trước cộng đồng. Thời hoang sơ con người đơn giản chỉ hiểu nghĩa đen của ngôn ngữ. “Nhà” là “nhà” chứ chưa thể “nhà” là “vợ” hoặc “chồng” ai đó. Càng phát triển, ngôn ngữ càng được sinh sôi. Nhiều từ ngữ mới ra đời để quy chiếu nghĩa lên sự vật hiện tượng. Đặc biệt hơn, do nhận thức của con người phát triển với tốc độ phi mã nên tính ẩn dụ đa tầng được sử dụng để làm tăng vốn từ của một cộng đồng. Do đặc trưng ngôn ngữ thơ luôn là thứ ngôn ngữ ẩn dụ của ẩn dụ, nên thuở xa xưa người ta thường xác định thơ là ngôn ngữ của thần linh. Bản chất ngôn ngữ thơ là luôn mờ hoá nghĩa từ nguyên để gợi dẫn đến những nét nghĩa phái sinh hay trường nghĩa mới. Nghĩa của ngôn từ thơ vì thế là nghĩa đa tầng bậc và có khả năng tạo sinh liên tục khi tương tác với các thế hệ người đọc. Xét từ góc độ này, một kiệt tác thi ca, như Sóng chẳng hạn, thì luôn trữ sẵn trong nó vô vàn trò chơi tương tác, kết hợp, liên kí hiệu để tạo nghĩa. Nghĩa thơ được tạo nên từ chính lối dùng từ ẩn dụ theo lối mở và sự tiếp nhận theo lối chủ động tích cực, đồng sáng tạo của người thưởng thức.

Từ kí hiệu “sóng” trong cuộc đời chỉ một hiện tượng tự nhiên gắn với sông và biển, nghệ sĩ đã chuyển dịch nghĩa của nó thành “sóng lòng”, “sóng tình”… Đến trước Xuân Quỳnh, cơ bản những biểu hiện sóng đó đều được quy chiếu về thế giới đàn ông. Nhưng ở đây là sóng của phái yếu với vô vàn sắc thái của con tim đang yêu. Nhờ kí thác tình cảm qua kí hiệu “sóng” mà nữ sĩ đã tạo nên cơn ba động kì vĩ mà sự lan tỏa của sóng đó đã tiếp âm nơi người đọc để được truyền thêm năng lượng để lan tỏa mãi. Cho đến nay, kí hiệu sóng tình trong thơ Việt đã thuộc về Xuân Quỳnh và có lẽ mãi nhiều năm sau, may ra mới hi vọng có được ai đó hội đủ năng lực chuyển dịch “nghĩa” khỏi cái con “sóng tình” da diết, chênh chao, nhưng bất tử kia của Xuân Quỳnh.

Post by: Vu Nguyen HNUE
16-10-2020