Văn học nước ngoài

Đọc « Kim Vân Kiều truyện: dịch thuật và nghiên cứu » của Triệu Ngọc Lan


16-10-2020
Tác giả: TS Nguyễn Thị Diệu Linh, TS Nguyễn Thanh Tùng

Cuốn « Kim Vân Kiều truyện: dịch thuật và nghiên cứu » của dịch giả - tác giả Triệu Ngọc Lan do Bắc Kinh đại học xuất bản xã ấn hành tháng 7 năm 2013 (nằm trong bộ Đông Nam Á cổ điển văn học dịch thuật dữ nghiên cứu tùng thư) giới thiệu bản dịch mới nhất Truyện Kiều của Nguyễn Du ra tiếng Trung. Ngoài ra, cuốn sách còn tập hợp một số bài nghiên cứu của Triệu Ngọc Lan xoay quanh vấn đề dịch thuật Truyện Kiều tại Trung Quốc, cho thấy quan điểm của tác giả đối với những bất cập của các bản dịch Truyện Kiều trước đó cũng như sự cần thiết phải có một bản dịch Truyện Kiều mới. Bản dịch mới này cùng các bài giới thiệu, nghiên cứu được trình bày trong cuốn sách một mặt cho ta thấy nhiều vấn đề đáng chú ý trên các phương diện thể loại, lịch sử, văn hóa… của việc dịch thuật Truyện Kiều ở Trung Quốc, một mặt khác có thể gợi ra những suy ngẫm về mối quan hệ đặc biệt của nền văn hóa và văn học Việt Nam – Trung Quốc thông qua một trường hợp cụ thể.

 

Kim Vân Kiều truyện: dịch thuật và nghiên cứu của tác giả Triệu Ngọc Lan do NXB Đại học Bắc Kinh ấn hành năm 2013 là công trình in thành sách mới nhất của giới nghiên cứu Trung Quốc về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Điểm đáng chú ý ở công trình này là bản dịch tiếng Trung của dịch giả Triệu Ngọc Lan. Đây là bản dịch Truyện Kiều thứ ba của các dịch giả Trung Quốc trong nỗ lực tìm kiếm một “bản dịch tiếng Trung lý tưởng”[1] như dịch giả đã nói. Mặc dù Truyện Kiều đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, Nhật, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha…, song do Nguyễn Du đã dùng tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của tác giả Trung Quốc Thanh Tâm Tài Nhân làm lam bản để sáng tác, cho nên xung quanh việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Trung vẫn luôn có nhiều vấn đề đáng trao đổi. Ngoài bản dịch, cuốn sách còn tập hợp một số bài viết của dịch giả Triệu Ngọc Lan với tư cách là một người nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Việt Nam. Những bài viết này phần nào phản ánh quan niệm dịch thuật, đánh giá của dịch giả về tác phẩm cũng như đánh giá của dịch giả về các bản dịch khác. Đây là một tài liệu tham khảo có giá trị với giới Kiều học Việt Nam. Riêng phần bản dịch Truyện Kiều cần đến các nghiên cứu mang tính khảo sát, đối chiếu một cách toàn diện. Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra và thảo luận một số vấn đề mà chúng tôi cho là có ý nghĩa trong quá trình đọc cuốn sách, nhất là phần nghiên cứu.

1. Xung quanh tên gọi Kim Vân Kiều truyện

Lựa chọn thể loại thơ của bản dịch là một vấn đề quan trọng đặt ra với mọi dịch giả Truyện Kiều. Xuyên suốt truyện thơ 3254 câu này, Nguyễn Du sử dụng thể thơ lục bát – một thể loại thơ dân tộc Việt Nam mà rõ ràng không thể “dịch” được một cách trọn vẹn sang bất cứ ngôn ngữ nào. Do vậy, không có gì lạ khi trong các bài viết xung quanh chuyện dịch Truyện Kiều, Triệu Ngọc Lan đều nhắc đến việc lựa chọn thể thơ (cổ thể thi của Trung Quốc kết hợp với thể thơ tự do) như vấn đề tiên quyết của quá trình dịch thuật. Tuy nhiên, theo chúng tôi, còn một lựa chọn cũng rất quan trọng nữa mà dịch giả đã thực hiện song không nhắc đến: đó là lựa chọn tên gọi của bản dịch.

Trước hết, nói về tên gọi của tác phẩm tại Việt Nam. Những nghiên cứu mới nhất về tên gọi của tác phẩm cho thấy: khởi đầu, nhiều khả năng Nguyễn Du đã đặt tên tác phẩm của mình là Đoạn trường tân thanh[2]Điều này được chứng thực bằng việc, những tư liệu sớm nhất có nhắc đến tác phẩm đều gọi nó là Đoạn trường tân thanh, chẳng hạn như bài Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm của Phạm Quý Thích (1759 - 1825) viết vào năm 1811 (khi Nguyễn Du đương tại thế) hay bài Tựa Đoạn trường tân thanh của Phong Tuyết chủ nhân Thập Thanh thị viết năm 1828, bài tựa của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển (1795 - 1880) viết vào khoảng niên hiệu Minh Mệnh (1819 – 1840) trực tiếp ghi nhận Nguyễn Du đã đặt tên tác phẩm là Đoạn trường tân thanh, rồi chính Nguyễn Đăng Tuyển lại viết Đào hoa mộng kí tục Đoạn trường tân thanh để nối tiếp tác phẩm của Nguyễn Du đã chứng thực thêm cho tên gọi tác phẩm gốc của Nguyễn Du là Đoạn trường tân thanh. Tiếp đó, tác phẩm mới có thêm những tên gọi mới là Kim Vân kiều [quốc ngữ truyện] (qua cách gọi của Nguyễn Văn Thắng trong Kim Vân Kiều án năm 1830, Cao Bá Quát (1808 - 1854) trong bài tựa sau Hoa tiên truyện kí diễn âm, Phan Thúc Trực (1808 - 1852) trong Quốc sử di biên,…) hoặc Kim Vân kiều tân truyện (bản in 1870,…) rồi Kim Vân Kiều truyện (trong bản in 1866, bản in 1871, bản in 1879, 1902,…). Ngoài ra, tác phẩm còn có nhiều tên gọi khác nữa như Truyện Vương Thuý Kiều, Truyện Kiều,… trong đó cách gọi Truyện Kiều là cách gọi khá giản tiện cho tác phẩm của Nguyễn Du. Ở đây, việc đặt tên tác phẩm là gì không đơn thuần chỉ là việc “dán nhãn” hình thức. Trong đó còn hàm chứa những quan niệm sáng tác (hoặc tiếp nhận) nhất định. Như chúng ta biết, lịch sử hình thành Kim Vân Kiều truyện ở Trung Hoa cũng khá lâu dài và phức tạp. Nguyên tên gọi của những văn bản liên quan cũng đã cho thấy lịch sử đó. Khởi sự là Kỉ tiễu trừ Từ Hải bản mạt (Đầu đuôi chuyện diệt trừ Từ Hải) của Mao Khôn, Hồ Thiếu bảo bình oa chiến công (Chiến công dẹp giặc lùn của Hồ Thiếu bảo) của Chu Tiếp, thiên “Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử báo Từ Hải nghĩa” (Sống báo ơn Hoa Ngạc, chết báo nghĩa Từ Hải) trong Ảo mộng - Tam phách khắc án kinh kì của Mộng Giác Đạo Nhân, đến Vương Thuý Kiều truyện (Truyện Vương Thuý Kiều) của Dư Hoài, Vương Thuý Kiều truyện của Hồ Khoáng, Trong quá trình đó, câu chuyện chuyển dần từ đối tượng chính là Hồ Tôn Hiến (và Từ Hải) sang Thuý Kiều, nên tên gọi cũng thay đổi. Nhưng khi Thanh Tâm Tài nhân viết cuốn tiểu thuyết chương hồi 20 hồi và đặt tên là Kim Vân Kiều truyện thì câu chuyện lại tiến thêm một bước. Dường như ông muốn hướng sự chú ý của người đọc đến mối tình tay ba: Kim Trọng - Thuý Kiều - Thuý Vân. Đây là một cách đặt tên mang tính chất “câu khách”, có hơi hướng thương mại của loại tiểu thuyết diễm tình bình dân thịnh hành đương thời. Cách đặt tên này không khác gì kiểu đặt tên của Kim Bình Mai (ba mĩ nhân – thê thiếp của Tây Môn Khánh: Kim Liên, Bình Nhi, Xuân Mai), một cuốn tiểu thuyết diễm tình, thậm chí từng bị gọi là “dâm thư”, "cấm huỷ thư". Chủ đích tác giả là gợi sự tò mò, sự chú mục vào ba nhân vật đó. Cho nên, trong truyện, mối quan hệ Kim – Vân – Kiều đúng là kiểu quan hệ tay ba: Kim thích cả Vân lẫn Kiều; Vân và Kiều đều thích Kim và họ mong được gắn bó với nhau, kẻ tham tài, người tham sắc. Nhưng Nguyễn Du không tiếp nhận câu chuyện theo hướng đó. Ông đã xoá bỏ dấu vết của kiểu tình yêu tay ba, tham tài tham sắc, "hoa thơm đánh cả cụm" rất bình dân đó, Ông tập trung vào cuộc đời “bể dâu”, của “những điều trông thấy  mà đau đớn lòng”, mà tập trung nhất là của người phụ nữ "lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" (Tiểu Thanh, Thuý Kiều, Thuý Vân, Hoạn Thư,… đều khổ!). Điều đó tất yếu dẫn đến việc đổi tên tác phẩm là Đoạn trường tân thanh. Cho dù vẫn còn tranh cãi về ý nghĩa đích thực của hai từ “tân thanh” ("tiếng kêu mới" hay một loại thơ ca cách tân?), thì có điều người ta đều nhất trí là Nguyễn Du muốn viết về, muốn ngâm ngợi, ta thán về những kiếp “đoạn trường”, về nỗi đau đứt ruột. Cái tên Đoạn trường tân thanh phù hợp với quan niệm sáng tác của Nguyễn Du ngay từ khi nó được khởi thảo với những tuyên ngôn nghệ thuật từ đầu.

Những người sau Nguyễn Du khi gọi tác phẩm của Nguyễn Du bằng tên gọi khác cũng vô tình hoặc hữu ý thể hiện quan điểm tiếp nhận, mong muốn định hướng người đọc, định hướng dư luận của họ. Có thể suy đoán từ tên gọi của tác phẩm do người ta gán cho. Chẳng hạn, những người muốn gọi tác phẩm là Kim Vân Kiều tân truyện hay Kim Vân Kiều quốc ngữ truyện là vừa muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc, vừa nói đến mặt mà họ cho là “mới” (tân) trong tác phẩm Nguyễn Du (tức là câu chuyện được viết bằng quốc ngữ/ quốc âm) [cách đặt "tân truyện" này khá phổ biến ở các truyện Nôm, như: Tỳ bà quốc âm tân truyện, Phạm công tân truyện, Bướm hoa tân truyện, Nhị độ mai tân truyện,…]. Cũng không loại trừ ở đây việc các nhà in vẫn còn lưu luyến với cách “câu khách” của bản gốc Kim Vân Kiều truyện (các bản in mộc bản công trình của Nguyễn Du càng về sau càng có mục đích thương mại rất rõ)Còn những người vẫn giữ tên cũ là Kim Vân kiều truyện thì dường như ở đây có hai chuyện: một là, họ coi tác phẩm Nguyễn Du không khác gì của Thanh Tâm Tài Nhân, chẳng qua là diễn Nôm mà thôi; hai là, họ viết về tác phẩm của Thanh Tâm Tài nhân chứ không phải là về tác phẩm Nguyễn Du (như kiểu các bài thơ vịnh Kiều của Minh Mệnh, Tự Đức, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh,…). Tuy hai, nhưng chúng đều nhất quán ở chỗ không có ý thức tách bạch, phân biệt hai tác phẩm, không có ý thức về sự sáng tạo, sự khác biệt của Nguyễn Du. Còn những người đặt tên là Truyện Vương Thuý Kiều/ Truyện Thuý Kiều hay ngắn gọn hơn là Truyện Kiều thì dụng ý của họ là muốn độc giả tập trung vào nhân vật chính với tất cả những gì liên quan đến nàng và cũng coi đó là thành công của Nguyễn Du. Chẳng hạn, Trần Trọng Kim viết rõ rằng: "trong truyện chỉ có Thuý Kiều là vai chính, còn Kim Trọng, Thuý Vân là vai phụ cả. Nếu để (tên là Kim Vân Kiều tân truyện) như vậy e không hợp lẽ […] Chi bằng ta cứ theo thường mà nhan là Truyện Thuý Kiều, rồi dưới đề theo tên cũ Đoạn trường tân thanh, gọi là để có cái ý tồn cổ"[3]. Mặc dù có cái thiện ý "tồn cổ", nhưng người đời sau mấy ai còn nhớ đến thiện ý ấy. Cách lấy tên tác phẩm bằng nhân vật chính của ông Trần đã mở đường cho người đời sau gọi luôn tác phẩm là Truyện Kiều. Cách đặt tên này vô hình trung đã quay lại cách đặt tên có trước Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, nhưng vẫn là cách đặt tên tác phẩm của người Trung Hoa (Dư Hoài, Hồ Khoáng,…). Thực ra thì quan niệm, dụng ý của những người đó cũng không hẳn giống xưa hoàn toàn. Dư Hoài, Hồ Khoáng đặt tên Vương Thuý Kiều truyện hẳn chỉ để báo cho độc giả biết đây là truyện về nàng Thuý Kiều họ Vương, như bao câu chuyện mang tính chất “nhân vật chí” (ghi chép nhân vật), “hành trạng”, “tiểu sử” khác. Còn những người đặt tên là Truyện Vương Thuý Kiều hay Truyện Kiều (càng về sau càng) hẳn đã có thêm ý thức nhất định về lí luận văn học, về cái gọi là nhân vật chính, tư tưởng chủ đề,cảm hứng chủ đạo… của tác phẩm tự sự. Ý thức này dường như ngày càng rõ nên người ta cảm thấy không có nhu cầu phải trở lại những tên gọi cũ hơn (thậm chí là tên gốc) của tác phẩm Nguyễn Du. Rất may là điều đó gần đây đã có thay đổi khi cái tên Đoạn trường tân thanh lại thấy xuất hiện trở lại ngày càng nhiều hơn. Sở dĩ có điều đó là bởi những kết quả nghiên cứu về tên gọi gốc của tác phẩm ngày càng sâu sắc, đáng tin cậy. Người ta ngày càng cảm thấy sự cần thiết phải trở về tên gọi gốc đó và cảm thấy "thiên tài" dự báo của Nguyễn Du về việc phải khẳng định dấu ấn riêng của mình và của nước mình như thế nào (dù ông không hẹp hòi đến mức từ chối học tập tinh hoa từ bên ngoài).

Sở dĩ chúng tôi hơi dài dòng một chút về các tên gọi và ý nghĩa của chúng là để thấy rằng, tiêu đề tác phẩm là vấn đề quan trọng, là một tín hiệu, thậm chí một “mã khoá vào thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du” (Nguyễn Đăng Na). Vì vậy, không thể xem thường nó, và do đó, cũng không nên tuỳ tiện mà thay đổi. Vì làm như vậy nhiều khi chúng ta đã xoá bỏ mất tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả thể hiện qua tiêu đề (một hiện tượng thú vị khác cũng có thể được lấy làm dẫn chứng cho việc này là quá trình biến đổi tên của tác phẩm mà ngày nay chúng ta biết đến dưới tên gọi Chí phèo của Nam Cao : từ Cái lò gạch cũ > Đôi lứa xứng đôi > Chí Phèo). Nếu như Nguyễn Du kí thác nhiều tư tưởng, tâm sự vào cái tên do ông đặt ban đầu là Đoạn trường tân thanh, thì trên cao xanh ông sẽ đau lòng thế nào khi người đời sau đổi cái tên đó bằng hết tên này đến tên khác? Vì vậy, thiết nghĩ, trong mọi trường hợp (thưởng thức, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật), kể cả dịch trở lại ngôn ngữ nguồn (Hán văn) (nếu phóng tác, cải biên thì lại là chuyện khác), việc tôn trọng tên gọi gốc của tác phẩm là điều cần và nên làm đầu tiên đứng trên quan điểm “tín” của phiên dịch học cổ điển và đứng trên quan điểm trung thực của khoa học văn học.Việc đúng đắn nhất khi tiếp cận di sản Nguyễn Du là dùng tên gọi mà ông đã đặt: Đoạn trường tân thanh.

Vậy Triệu Ngọc Lan và các đồng sự của bà đã dịch tiêu đề như thế nào? Nguyên nhân, động lực nào đưa đến cách lựa chọn ấy?

          Tên của cả cuốn sách là Kim Vân Kiều truyện cho thấy sự lựa chọn quan trọng nhất của Triệu Ngọc Lan: bà đã lấy lại tên của “lam bản” mà Nguyễn Du dựa vào để viết truyện thơ Nôm 3254 câu như một số đồng nghiệp rồi một số tiền nhân (cả ở Trung Quốc lẫn Việt Nam) đã làm. Nhìn vào mục lục cuốn sách, có thể thấy ít nhất ở cấp độ đề mục (tên bài viết), Triệu Ngọc Lan cũng đều sử dụng Kim Vân Kiều truyện để gọi tác phẩm. Chỗ duy nhất dùng cách gọi Truyện Kiều thì lại chính là phần văn bản tác phẩm bằng tiếng Việt. Trong Lời tổng tựa và Lời tựa của cuốn sách, hai người viết là Bùi Hiểu Duệ và Phó Thành Cật cũng đều gọi tác phẩm của Nguyễn Du là Kim Vân Kiều truyện.

          Trên thực tế, dùng tên gọi Kim Vân Kiều truyện cho bản dịch tiếng Trung của Truyện Kiều không hẳn là sự lựa chọn của cá nhân dịch giả Triệu Ngọc Lan. Ba bản dịch trước đó của Hoàng Dật Cầu (xuất bản năm 1959 tại Trung Quốc), La Trường Sơn (xuất bản năm 2006 tại Việt Nam) và Kỳ Quảng Mưu (xuất bản năm 2011 tại Trung Quốc)[4] đều dùng tên Kim Vân Kiều truyện. Như vậy, đây còn là vấn đề của lịch sử dịch thuật tác phẩm. Mở rộng ra, trong lĩnh vực nghiên cứu, theo khảo sát của chúng tôi, “chúng khẩu đồng thanh” hầu hết các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đều dùng tên gọi Kim Vân Kiều truyện để gọi tác phẩm của Nguyễn Du. Như vậy là có cả một “chiến lược”, "truyền thống" tiếp nhận tác phẩm, ngay từ trong cái tên các dịch giả, nhà nghiên cứu Trung Quốc dùng để gọi nó. “Chiến lược” đó là gì, chúng ta sẽ còn trở lại.

Khảo sát vào nội dung cụ thể của các bài viết, chúng tôi nhận thấy dịch giả Triệu Ngọc Lan cũng không có sự nhất quán khi nhắc đến tên gọi tác phẩm của Nguyễn Du. Trong Lời đầu sách, bà dùng tên gọi Kim Vân Kiều truyện ở lời mào đầu và câu kết, còn trong nội dung bài viết thì dùng tên gọi Truyện KiềuBài giới thiệu “Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của ông” dùng tên gọi Kim Vân Kiều truyện, với lời giải thích rằng tên gọi ban đầu của tác phẩm là Đoạn trường tân thanh, sau đó được đổi thành Kim Vân Kiều truyện. Trong bài viết “Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và suy ngẫm về một số vấn đề”, Triệu Ngọc Lan dùng Kim Vân Kiều truyện trong tựa đề và phần mở đầu, đồng thời cho biết tác phẩm có hai tên gọi Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều, sau đó sử dụng tên gọi Truyện Kiều trong phần còn lại của bài viết. Trong bài viết “Phân tích thi học văn hóa Kim Vân Kiều truyện và Chinh phụ ngâm khúc”, bà giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Du “vốn tên là Đoạn trường tân thanh, sau đổi tên thành Kim Vân Kiều truyện”, và dùng tên Kim Vân Kiều truyện trong suốt cả bài viết. Còn trong Lời cuối sách, nửa đầu bài viết bà dùng tên gọi Truyện Kiều, nửa sau chuyển sang tên gọi Kim Vân Kiều truyện.

Trong bài viết “Truyện Kiều – tác phẩm kinh điển của sự hòa quyện văn hóa Trung – Việt” cho hội thảo quốc tế Kỷ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015) được tổ chức tại Hà Nội tháng 8 năm 2015 vừa qua, Triệu Ngọc Lan cũng đồng thời sử dụng cả hai tên Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều để chỉ tác phẩm của Nguyễn Du mà không có một chú thích nào, cũng không tuân theo một quy tắc nào[5]. Chẳng hạn, bà gọi tác phẩm là Truyện Kiều trong tựa đề của bài viết, nhưng trong các đề mục lớn của bài viết thì lại dùng tên Kim Vân Kiều truyện. Trong nội dung cụ thể của bài viết, hai tên gọi này được sử dụng luân phiên. Việc sử dụng đồng thời hai tên gọi đó có thể là do vô thức, do tập quán/quán tính nhưng cũng có thể cho thấy một sự lưỡng lự nhất định của bà trước tác phẩm của Nguyễn Du. Nhưng chung quy, bà vẫn không thắng được một tập quán, hoặc một động thái có hệ thống của các học giả Trung Quốc là gọi tác phẩm của Nguyễn Du bằng cái tên Kim Vân Kiều truyện (dù biết rất rõ tên gốc tác phẩm của Nguyễn Du là Đoạn trường tân thanh)Cho dù ở Việt Nam từ cuối thời trung đại đã từng tồn tại cách gọi tác phẩm Nguyễn Du là Kim Vân Kiều truyện hay Kim Vân Kiều tân truyện (như đã tường thuật ở trên), nhưng nếu là những học giả nghiêm nhặt và cầu thị khoa học, không có thiên kiến về chính trị, tư tưởng, văn hoá,… thì khi đã biết cái tiêu đề mà Nguyễn Du đã đặt cho truyện thơ Nôm của mình, cũng nên có những động thái tôn trọng thực tế lịch sử đó và nếu có thể thì đưa ra những lí giải cho thực tế đó. Tuy nhiên, cho đến nay, trong phạm vi khảo sát của chúng tôi, chưa có học giả Trung Quốc nào (nghiên cứu Nguyễn Du và truyện thơ Nôm đặc sắc của ông), quan tâm và nghiên cứu sâu hơn về tên gọi gốc của tác phẩm để giới thiệu một cách chân thực tình hình đó với độc giả Trung Hoa. Đằng này, do vô tình hoặc hữu ý, họ dễ dàng chấp nhận ngay một cái tên y hệt như tác phẩm nguồn là Kim Vân Kiều truyện, cứ như thể tác phẩm của Nguyễn Du chẳng qua là “phiên dịch” tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, không có gì mới. Điều này dễ gây ngộ nhận cho những độc giả không có điều kiện tiếp cận và đọc được tác phẩm của Nguyễn Du và những tư liệu liên quan đến ông và truyện thơ Nôm của ông. Nhìn vào tiêu đề, đa số độc giả Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng đi đến kết luận như đã nêu trên. Nếu đã như vậy, thì cần gì phải bỏ công dịch lại tác phẩm sang ngôn ngữ Hán để giới thiệu với độc giả Hán ngữ? Có thể nói, việc dùng tên gọi Kim Vân Kiều truyện có vẻ như nhằm nhấn mạnh, khẳng định dấu ấn của Thanh Tâm Tài Nhân Trung Quốc và ngầm xoá bỏ dấu ấn sáng tạo của Nguyễn Du. Giả sử, ngay người Trung Quốc muốn tìm hiểu lịch sử truyền bá, cải biên Kim Vân Kiều truyện ở nước ngoài (mà không rành tiếng Việt), thì với tiêu đề Kim Vân Kiều truyện họ dùng với tác phẩm của Nguyễn Du, họ sẽ thấy được sự diễn hoá từ tác phẩm gốc sang tác phẩm mới như thế nào khi mà ngay từ tiêu đề đã cho một ấn tượng về sự lặp lại, bất biến? Cái vòng luẩn quẩn đó chỉ có thể được hoá giải nếu các học giả đều nhìn thẳng vào sự thật, phải khách quan và công tâm, thẳng thắn thừa nhận thực trạng tên gọi cũng như những phần còn lại của tác phẩm.Bởi vậy, dù vô tình hay hữu ý sử dụng tên gọi đó, chúng tôi cho rằng, đó là một việc làm chí ít là thiếu cẩn trọng khoa học, và lớn hơn là sự “đánh tráo khái niệm” trong nghiên cứu, rất nên tránh. Về đạo lí, đó còn là sự bất kính với tiền nhân.

2. Dịch thuật và nghiên cứu Truyện Kiều như một minh chứng cho sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa

Như đã nói, nội dung của cuốn sách gồm các phần: Lời tổng tựa do Bùi Hiểu Duệ viết; Lời tựa do Phó Thành Cật viết; Lời đầu sách do Triệu Ngọc Lan viết; Bài giới thiệu “Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của ông” do Triệu Ngọc Lan viết; Bản dịch Kim Vân Kiều truyện (gồm 8 quyển); Các bài viết của dịch giả: Ghi chép hành trình về quê hương Nguyễn Du, Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và suy ngẫm về một số vấn đề, Lạm bàn về việc dịch Kim Vân Kiều truyện ra tiếng Trung, Phân tích thi học văn hóa Kim Vân Kiều truyện và Chinh phụ ngâm khúc; Tài liệu tham khảo; Truyện Kiều (bản tiếng Việt); Lời cuối sách do Triệu Ngọc Lan viết. Vậy, chúng ta thấy gì về sự “giao lưu và ảnh hưởng văn hoá” qua những bài viết, những “phần” đó?

Trước hết, qua nội dung Lời tổng tựa và Lời tựa, có thể thấy cuốn sách của Triệu Ngọc Lan không phải là công trình đơn lẻ mà là bộ phận cấu thành của một dự án lớn. Do vậy, để lý giải mục đích và cách thức thực hiện, thiết nghĩ cũng cần “đọc” nó trong hệ thống mà nó thuộc về. Cuối năm 2006, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phê duyệt dự án có tên “Dịch thuật và nghiên cứu văn học cổ điển Đông Nam Á” của Trung tâm văn học Phương Đông, trường Đại học Bắc Kinh. Dự án này hoàn thành vào đầu năm 2010 với kết quả là bộ tùng thư “Dịch thuật và nghiên cứu văn học cổ điển Đông Nam Á” gồm năm cuốn: “Lilit Phra Lo dịch thuật và nghiên cứu”; “Kim Vân Kiều truyện dịch thuật và nghiên cứu”; “Mã Lai ký niên dịch thuật và nghiên cứu”; “Sử thi Phi-lip-pin dịch thuật và nghiên cứu”;“Tiểu thuyết cổ điển Miến Điện dịch thuật và nghiên cứu”. Tiêu chí lựa chọn được xác định là “các tác phẩm kinh điển có tính tiêu biểu trong văn học cổ đại Đông Nam Á”[6], nhằm khắc phần phần nào tình trạng trong nhiều năm văn học phương Đông được dịch và giới thiệu tại Trung Quốc chỉ tập trung vào các mảng văn học Ấn Độ, Ả Rập và Nhật Bản. Các tác phẩm văn học Đông Nam Á được lựa chọn để dịch và giới thiệu trong dự án này thuộc nhiều thể loại văn học khác nhau như truyện thơ, sử thoại, sử thi, tiểu thuyết. Các tác phẩm này được sáng tác trong khoảng thời gian từ thế kỷ 12 đến giữa thế kỷ 19. Đây là thời kỳ các nước Đông Nam Á hình thành và phát triển quốc gia, cũng là lúc diễn ra sự giao lưu, tiếp biến mạnh mẽ giữa các yếu tố văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai. Bài Tổng tựa đã hơn một lần khẳng định rằng “Tác phẩm dịch là một phận quan trọng của giao lưu văn hóa”[7]Bài Tựa dành riêng cho Truyện Kiều do Phó Thành Cật viết tiếp tục nhấn mạnh quan điểm này. Tác giả trước hết cho rằng nền văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài bằng cách tiếp thu văn hóa Hán và kết hợp với văn hóa bản địa. Trong quá trình phát triển của văn học Việt Nam, có một hiện tượngminh chứng cho sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc đối với văn hóa Việt Nam: đó là hiện tượng các tác giả Việt Nam mượn tác phẩm văn học Trung Quốc làm lam bản để sáng tác. Có thể kể đến tác phẩm như: Truyện Vương Tường (do 49 bài thơ Đường luật tạo thành) của tác giả khuyết danh thế kỉ XVI thoát thai từ vở tạp kịch Hán cung thu của Mã Trí Viễn triều Nguyên, Lâm tuyền kì ngộ của tác giả khuyết danh thế kỉ XVII, dựa vào tác phẩm Tôn Khác truyện triều Đường, Truyện Phan Trần của tác giả khuyết danh thế kỉ XVIII dựa vào kịch bản truyền kì Ngọc trâm kí của Cao Liêm triều Minh; Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy tự dựa vào tiểu thuyết xướng ca của Đạn Từ thời Minh mạt; Ngọc Kiều Lê của Lý Văn Phức dựa vào tiểu thuyết tài tử giai nhân Ngọc Kiều Lê tiểu truyện của Trương Quân thời cuối Minh đầu Thanh,v.v…. Truyện Kiều của Nguyễn Du sử dụng một tiểu thuyết chương hồi cuối đời Minh đầu đời Thanh của Thanh Tâm Tài Nhân là Kim Vân Kiều truyện làm lam bản để sáng tác, cũng thuộc hệ thống này. Đó là hiện tượng phổ biến và cần được tiếp cận bằng những phương pháp đặc thù (so sánh, tiếp cận liên ngành, liên văn hoá…)

Trong các bài viết “Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và suy ngẫm về một số vấn đề” và “Lạm bàn về việc dịch Kim Vân Kiều truyện ra tiếng Trung”, dịch giả Triệu Ngọc Lan đều nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa. Theo bà, khó khăn lớn nhất khi dịch một tác phẩm như Truyện Kiều là ở chỗ tác phẩm này đã dung hợp một cách đậm đặc và sâu sắc tinh hoa hai nền văn hóa Trung Quốc và Việt Nam. Một mặt, tác phẩm hàm chứa rất nhiều tinh hóa văn hóa và văn học Trung Quốc, một mặt khác, tác phẩm lại chứa đựng những đặc sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Yếu tố thứ nhất không thể hoàn nguyên một cách đơn giản, còn yếu tố thứ hai thì rõ ràng không thể chuyển tải một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng yếu tố văn hóa này có thể đem đến một thuận lợi cho các dịch giả tiếng Trung mà dịch giả các ngôn ngữ khác không thể có được: Do Truyện Kiều từ đề tài sáng tác, bối cảnh xã hội đến hàm nghĩa văn hóa trong ngôn ngữ… đều có liên quan mật thiết đến văn hóa và văn học Trung Quốc, cho nên trong quá trình chuyển dịch ngôn ngữ, dịch giảtrong nhiều trường hợp có thể lựa chọn và sử dụng chính ngôn ngữ Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa dịch thuật và văn hóa trong việc dịch Truyện Kiều được Triệu Ngọc Lan triển khai cụ thể hơn với bài viết “Phân tích thi học văn hóa Kim Vân Kiều truyện và Chinh phụ ngâm khúc”. Thi học văn hóa được giới học thuật Trung Quốc sử dụng trong nghiên cứu văn học của các quốc gia thuộc “Hán văn hóa khuyên” (vòng khuyên văn hoá Hán) như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Hướng nghiên cứu này một mặt khẳng định ảnh hưởng sâu sắc của các thành tố văn hóa Trung Quốc đến văn học (cổ trung đại) các quốc gia trên, mặt khác cũng lý giải sức mạnh văn hóa bản địa đã dung hợp với các yếu tố ngoại lai như thế nào. Triệu Ngọc Lan cho rằng hai tác phẩm thuộc hàng đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam là Kim Vân Kiều truyện và Chinh phụ ngâm khúc mặc dù đề tài, thể loại và phong cách nghệ thuật khác nhau song gặp nhau ở một điểm tương đồng, đó là “đều có mối quan hệ thân thuộc không thể tách rời với văn học và văn hóa Trung Quốc”[8]. Cụ thể là sự vay mượn, mô phỏng đề tài và sự tiếp thu, vận dụng ngôn ngữ thơ ca. Bên cạnh đó, Triệu Ngọc Lan cũng lý giải nguyên nhân Kim Vân Kiều truyện giành được vị trí cao hơn hẳn Chinh phụ ngâm khúc trong lịch sử văn học Việt Nam nằm ở cách Nguyễn Du dung hợp các yếu tố văn hóa, văn học Trung Quốc với các yếu tố dân tộc. Trong khi tác giả Đặng Trần Côn dùng chữ Hán và thể thơ Cổ nhạc phủ để sáng tác, thì Nguyễn Du chọn dùng chữ Nôm và thể thơ lục bát. Tính chất “dân tộc hóa” này khiến cho tác phẩm của Nguyễn Du dễ dàng được nhiều thế hệ người Việt Nam tiếp nhận và yêu chuộng.

3. Từ đánh giá về các bản dịch trước đến việc “dịch lại” Truyện Kiều

Bộ tùng thư “Dịch thuật và nghiên cứu văn học cổ điển Đông Nam Á” gồm năm cuốn, mỗi cuốn có hai nội dung Dịch thuật và Nghiên cứu. Trong đó, phần Nghiên cứu  được xác định là bao gồm các bài nghiên cứu của các thành viên trong dự án và bản dịch các bài nghiên cứu có liên quan của học giả nước ngoài. Tuy nhiên, phần Nghiên cứu trong cuốn sách này chỉ in một số bài viết của chính dịch giả Triệu Ngọc Lan xung quanh việc dịch thuật Truyện Kiều đã được đăng tải trên một số báo, tạp chí của Trung Quốc.

Theo chúng tôi, “Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và suy ngẫm về một số vấn đề” là bài viết đáng chú ý nhất trong phần Nghiên cứu của cuốn sách bởi nội dung có liên quan trực tiếp đến mục đích và quan điểm dịch thuật của dịch giả. Bài viết trong cuốn sách – như chính tác giả đã chú thích - đã được đăng trên tạp chí “Nghiên cứu Đông Nam Á” số 4 năm 2006. Ngoài ra, theo sự khảo sát của chúng tôi, bài viết còn được đăng trên tạp chí “Đông Nam Á tung hoành” số 3 năm 2010 với một số bổ sung. Những thảo luận của chúng tôi trước hết căn cứ vào bản in trong cuốn sách (tức bản đăng tạp chí năm 2006). Trong những trường hợp viện dẫn đến bản đăng tạp chí năm 2010, chúng tôi sẽ có chú thích cụ thể.

Nói về nguyên nhân của việc dịch lại Truyện Kiều, trước hết, Triệu Ngọc Lan cho biết hiện tại đã có hai bản dịch tiếng Trung tác phẩm Truyện Kiều. Đó là bản dịch “Kim Vân Kiều truyện” của Hoàng Dật Cầu (NXB Nhân Dân, năm 1959) và bản dịch cùng tên của La Trường Sơn (NXB Văn nghệ - Việt Nam, năm 2006). Về bản dịch thứ nhất, Triệu Ngọc Lan cho biết: “Gần đây, giới nghiên cứu Việt Nam đưa ra rất nhiều ý kiến phê bình bản dịch của ông Hoàng Dật Cầu, khiến tôi rất kinh ngạc. Bởi lẽ từ trước đến nay, tôi chưa từng đem nguyên bản Truyện Kiều và bản dịch của ông Hoàng ra đối chiếu từng câu một cách cẩn thận.”[9]Tuy nhiên, quan điểm của Triệu Ngọc Lan về chất lượng bản dịch này khá rõ ràng. Bà cho rằng: “Mặc dù trong quá trình dạy học cũng thấy bản dịch này còn tồn tại một số điều chưa được như ý, song nhìn một cách tổng thể thì vẫn là khá tốt.”[10] Theo bà, đối với dịch thuật thơ ca, chuyện các dịch giả có những lí giải và hình dung khác nhau về bản gốc từ đó dẫn đến những “sai biệt” trong bản dịch là hiện tượng bình thường. Còn chuyện học giả Việt Nam đưa ra những phê bình gay gắt đối với bản dịch này bắt nguồn từ nguyên nhân trực tiếp là bài viết “So sánh Kim Vân Kiều truyện Trung Việt”của Đổng Văn Thành đăng trong “Minh Thanh tiểu thuyết tùng thư” kỳ 4, NXB Xuân Phong Văn Nghệ, năm 1986. Trong bài viết này, tác giả Đổng Văn Thành đã khẳng định rằng trên cả hai phương diện nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật, tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đều thua kém Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Triệu Ngọc Lan cho rằng chính vì bài viết này mà giới nghiên cứu Việt Nam không hài lòng và đưa ra các ý kiến phản bác, “đem những đánh giá không thỏa đáng và thiên vị của Đổng Văn Thành đối với Truyện Kiều của Nguyễn Du quy về những sai sót trong dịch thuật của ông Hoàng Dật Cầu.”[11] Triệu Ngọc Lan còn trích dẫn những nhận định thẳng thắn của Phạm Tú Châu trong bài viết “Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch”[12], trong đó Phạm Tú Châu đặt ra câu hỏi về trình độ tiếng Việt của ông Hoàng Dật Cầu, nhất là khi dịch một tác phẩm khó như Truyện Kiều[13].

Về bản dịch của La Trường Sơn, bài viết của Triệu Ngọc Lan chỉ nhắc đến mà không có nhận xét cụ thể. Thực tế thì bởi vì thời điểm đăng tải bài viết - năm 2006 cũng chính là năm xuất bản bản dịch Truyện Kiều của La Trường Sơn, nên việc đưa ra nhận định về bản dịch này là rất khó. Ở đây,Triệu Ngọc Lan chỉ nhắc đến một ý của Nguyễn Khắc Phi về sự hiếm hoi của các bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Trung trong bài viết giới thiệu bản dịch Truyện Kiều của La Trường Sơn như một lời giải thích cho động lực dịch lại tác phẩm của mình. Cuối cùng, bà khẳng định việc dịch lại Truyện Kiều là một nỗ lực mang tính trách nhiệm của một người nghiên cứu ngôn ngữ và văn học Việt Nam trên hành trình tìm kiếm một “bản dịch tiếng Trung lý tưởng”.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Đông Nam Á tung hoành số 3 năm 2010, Triệu Ngọc Lan đã bổ sung thêm một đoạn nhận định về hai bản dịch mà theo chúng tôi là rất đáng chú ý. Nội dung như sau: “Thông qua hai bản dịch, người viết cho rằng, bản dịch của Hoàng Dật Cầu cả về ngôn ngữ lẫn phong cách đều khá gần với nguyên tác, đặc biệt là trình độ cổ văn của dịch giả hết sức ấn tượng. Đáng tiếc là, do một số nguyên nhân khách quan mà dịch giả khó tránh khỏi, bản dịch vẫn còn tồn tại không ít chỗ hiểu nhầm hoặc dịch sai. Còn vấn đề của bản dịch của La Trường Sơn nằm ở chỗ, ngoài những dịch sai và hiểu nhầm giống như vậy, ngôn ngữ của bản dịch này thiếu mất ý vị thơ ca, rất khó đem lại cho độc giả cảm nhận về cái đẹp. Nếu như nói rằng là do bản dịch của Hoàng Dật Cầu “khiến cho (học giả Trung Quốc) nảy sinh quá nhiều hiểu lầm đối với Truyện Kiều”, từ đó đưa ra những đánh giá không đủ chính xác về Truyện Kiều, thì sau này, giả sử có học giả Trung Quốc nào nghiên cứu văn học so sánh mà căn cứ vào bản dịch của La Trường Sơn để đánh giá về Truyện Kiều, thì rất có khả năng sẽ nảy sinh ra nhiều phiền toái hơn.”[14] Như vậy có thể thấy, cách đánh giá của Triệu Ngọc Lan về hai bản dịch này khá rõ ràng. Đối với chất lượng và độ tin cậy của bản dịch Hoàng Dật Cầu, quan điểm của Triệu Ngọc Lan trước sau vẫn là khẳng định. Còn với bản dịch La Trường Sơn, bên cạnh những hạn chế “khó tránh khỏi” như bản dịch Hoàng Dật Cầu, bà còn đưa ra một hạn chế về mặt “ngôn ngữ”. Mà như chúng ta đều biết, đối với một bản dịch văn học, nhất là bản dịch thơ ca, ngôn ngữ là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Một bản dịch tác phẩm thơ mà ngôn ngữ “thiếu mất ý vị thơ ca, rất khó đem lại cho độc giả cảm nhận về cái đẹp” thì có lẽ khó lòng nói là bản dịch tốt.Ngoài ra, ở câu cuối cùng, bà còn mượn ý của chính nhà nghiên cứu Việt Nam Phạm Tú Châu trong bài viết “Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch” đã nhắc đến ở phần trên để đưa ra một giả định. Đây có thể coi là lời phản bác gián tiếp đối với những phê phán gay gắt của các học giả Việt Nam về chất lượng bản dịch của Hoàng Dật Cầu.

Trong phần thứ hai của bài viết, khi bàn đến chữ “tín” trong dịch thuật, Triệu Ngọc Lan một lần nữa thể hiện cách đánh giá của mình với hai bản dịch này. Sau khi phân tích một số chi tiết trong cả hai bản dịch, bà kết luận rằng “Những chỗ dịch sai hoặc hiểu nhầm trong bản dịch của Hoàng Dật Cầu vẫn còn không ít. (…) Thậm chí trong bản dịch của La Trường Sơn, hiện tượng này còn nhiều hơn.”[15] Như vậy có thể nói mặc dù không đưa ra những khảo sát cụ thể và nhận định trực tiếp, song về tổng thể Triệu Ngọc Lan vẫn đánh giá bản dịch của Hoàng Dật Cầu cao hơn bản dịch của La Trường Sơn.

Sau khi lý giải nguyên nhân dịch lại Truyện Kiều, ở phần thứ hai của bài viết, Triệu Ngọc Lan trình bày “suy ngẫm về một số vấn đề dịch thuật Truyện Kiều”. Đây thực chất là sự diễn giải một số quan điểm của dịch giả về dịch thuật văn học nói chung và dịch Truyện Kiều nói riêng. Có bốn ý như sau: (1) Dịch thơ khó, dịch Truyện Kiều càng khó; (2) Lựa chọn thể thơ cho bản dịch; (3) Chú trọng chữ “tín” đối với nguyên tác; (4) Hướng tới chữ “nhã” đối với bản dịch. Qua bốn nội dung cụ thể này, có thể thấy điều “ám ảnh” dịch giả Triệu Ngọc Lan nhất trong quá trình chuyển ngữ Truyện Kiều chính là chất “thơ” của tác phẩm. Chất thơ ở đây không chỉ đơn giản là thể thơ lục bát mà còn là ý vị “cổ thi”, là “âm điệu”, là “phong cách” … Mà những yếu tố này lại hiện diện trong từng chi tiết, câu chữ cụ thể của tác phẩm chứ khó lòng có thể khái quát lên thành quan điểm hay quy luật. Do vậy, trong các phần hai, ba và bốn, Triệu Ngọc Lan đã sử dụng một lượng lớn các dẫn chứng từ hai bản dịch của Hoàng Dật Cầu và La Trường Sơn để minh họa cho sự lựa chọn của mình về thể thơ của bản dịch cũng như quan điểm về chữ “tín” và chữ “nhã” mà bà kế thừa từ Nghiêm Phục. Hầu hết các dẫn chứng thể hiện mặt hạn chế của hai bản dịch trước đó. Điều này cho thấy một điểm khá đặc biệt trong việc dịch lại Truyện Kiều của Triệu Ngọc Lan: quá trình dịch cũng chính là quá trình sửa chữa những điểm dịch sai, hiểu nhầm, hoặc dịch chưa đạt (theo nhận định của Triệu Ngọc Lan) của các bản dịch trước đó. Cũng qua đây, chúng ta có thể thấy Triệu Ngọc Lan là một trong số hiếm hoi các nhà nghiên cứu Trung Quốc biết tiếng Việt và có thể đọc Truyện Kiều không qua bản dịch cho nên bà có những cảm nhận riêng và đánh giá cao về “chất thơ” thể hiện trên hai phương diện thể loại và ngôn ngữ của tác phẩm. Tuy nhiên, đây là yếu tố vừa hết sức cụ thể lại vừa hết sức mơ hồ, cho nên một mặt chúng ta có thể đồng ý ở một mức độ nhất định trước những phân tích của Triệu Ngọc Lan với những chi tiết bất cập trong bản dịch của những người đi trước, song một mặt khác, cũng không có gì đảm bảo rằng sự “dịch lại” của Triệu Ngọc Lan chắc chắn là sự thể hiện tốt hơn “chất thơ” của tác phẩm (muốn biết thì cần phải khảo sát, so sánh, phân tích tỉ mỉ từng trường hợp). Đọc những câu thơ Triệu Ngọc Lan lấy làm ví dụ cho việc “dịch lại” của mình, chúng ta sẽ thấy băn khoăn đó cũng lại có cơ sở, đấy là chưa kể những chỗ không được bà nêu lên. Xin nêu một vài ví dụ tiêu biểu. Hai dòng:

Cỏ non xanh rợn chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Cho rằng Nguyễn Du chịu ảnh hưởng bởi câu cổ thi Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa”. Bà dịch là:

Phương thảo thanh thanh liên thiên bích,

Lê hoa sổ điểm bạch y hi.

Nhưng bà bỏ qua thực tế là khi Nguyễn Du chịu ảnh hưởng của câu thơ đó, ông cũng đã có những sự “điểm hoá”. Như biến “cỏ thơm” thành “cỏ non”, thêm màu “trắng”, đặc biệt là màu “xanh rợn”. Triệu Ngọc Lan chọn cách là lấy lại câu thơ gốc Trung Hoa, rồi gia giảm một vài từ vào, tự cho là đã chuyển tải thành công thơ Nguyễn Du. Nhưng “cỏ non”vẫn khác “cỏ thơm”, “xanh rợn” vẫn khác “xanh xanh” (thanh thanh), “trắng” với “bạch y hi” (trắng lờ mờ) cũng khác.

Thêm một ví dụ nữa::

Trước sau nào thấy bóng người,

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Căn cứ vào hai câu gốc của Thôi Hộ đời Đường (“Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong”), Triệu Ngọc Lan dịch thành:

Tầm biến đình tiền viện hậu vô nhân ảnh,

Duy kiến đào hoa y cựu tiếu đông phong.

“Tìm khắp trước sân sau viện, không có bóng người” với “trước sau nào thấy bóng người” tuy không thật xuất sắc, không lột tả được cái ngơ ngẩn, xáo xác của Kim Trọng, nhưng dù sao cũng còn tạm được cái chất hồn nhiên, nhưng đến câu sau thì việc thêm hai chữ “duy kiến” vào trước “đào hoa y cựu tiếu đông phong” thì giống như việc “vẽ rắn thêm chân”, làm tầm thường câu thơ của Thôi Hộ lẫn cách “diễn dịch” câu thơ rất xuất sắc của Nguyễn Du vậy.

Còn nhiều ví dụ khác nữa, nhưng khuôn khổ bài viết không cho phép chúng ta đi quá sâu và tỉ mỉ. Đại khái, cách xử lí, “dịch lại” của Triệu Ngọc Lan là như vậy. Do bị ám ảnh bởi việc Nguyễn Du lấy “thi liệu” ở văn học Trung Quốc, bà luôn cố gắng tìm câu thơ gốc rồi gia giảm, sửa chữa câu thơ gốc đó, tự cho như vậy là dịch đúng, dịch hay thơ của Nguyễn Du. Nhưng như đã thấy, gần như bà làm những câu thơ gốc vốn hay, súc tích trở nên lòng thòng, tầm thường như câu văn xuôi, qua đó bà cũng không chuyển tải hết cách thẩm thấu, cách tái trứ tác và sự sáng tạo của Nguyễn Du khi dùng những thi liệu đó. Như vậy, từ cách chọn tiêu đề cho đến cách dịch, Triệu Ngọc Lan và các đồng sự Trung Hoa chưa dứt được khỏi ám ảnh của việc tác phẩm Nguyễn Du lấy “lam bản” ở Trung Hoa, họ quá lệ thuộc vào “lam bản” đó mà không coi tác phẩm của Nguyễn Du là một tác phẩm độc lập. Cách làm đó có những thuận lợi như dễ “dịch ngược” về ngôn ngữ Hán, dễ tìm từ ngữ sẵn có; nhưng cách làm đó tiềm ẩn nguy cơ to lớn, đó là: do không cố công đọc kĩ tác phẩm Nguyễn Du, họ dễ dàng bỏ qua, bỏ lọt những khác biệt, những sáng tạo (đặc biệt là sáng tạo về ngôn từ, diễn đạt) của “Truyện Kiều”. Điều đó dẫn đến hệ quả xấu nhất là sự ngạo nghễ, khinh bạc vì cho rằng như thế hoá ra tác phẩm của NguyễnDu chẳng có gì hơn (thậm chí kém) bản gốc (tiêu biểu là ý kiến của Đổng Văn Thành), nhẹ hơn là đã đánh mất cơ hội “hiểu” cái khác mình, đánh mất những cơ hội nghiên cứu các hiện tượng cải biến văn chương độc đáo (như trường hợp Kim Vân Kiều truyện - Truyện Kiều). Và về mặt dịch thuật, đó chưa hẳn đã là lựa chọn sáng suốt và tối ưu. Khi “dịch ngược” một tác phẩm văn học kiểu như Truyện Kiều, cách tốt nhất là tạm quên đi cái “lam bản” (nếu nhớ thì nên coi nó như một tài liệu tham khảo) để toàn tâm toàn ý, nỗ lực tìm hiểu xem, cái tác phẩm ấy nó đã tồn tại bằng ngôn ngữ khác như thế nào, đã có đời sống riêng trong ngôn ngữ kia ra sao. Thiết nghĩ, đó mới là cái mà ngày nay người ta đang hướng tới trong ngành phiên dịch: “tín” quan trọng hơn “đạt”, ngôn ngữ nguồn quan trọng hơn ngôn ngữ đích, dịch là phải làm thế nào giữ được thậm chí cả văn phong, phong cách của nguyên tác. Có nghĩa là, dịch giả nên xem Truyện Kiều là nguyên tác và xác định việc dịch, ngoài chuyển nghĩa, còn chuyển được cả phong cách, ý vị, cách tư duy của của tác phẩm đó, sao cho người đọc đọc tác phẩm có thể thưởng thức cả cái mới lạ của bản được dịch kia chứ không phải là bằng ngôn ngữ quen thuộc của họ. Bởi, ngày ngày, phiên dịch học càng nhận ra, tiêu chuẩn “đạt”, ưu tiên ngôn ngữ đích, đã tước đi rất nhiều điều hay, sự khác biệt, thậm chí là sự sáng tạo và điều đó minh chứng rõ nhất cho mệnh đề nổi tiếng (đến mức cực đoan): “Dịch là diệt”. Tất nhiên, trong nhiều trường hợp, Triệu Ngọc Lan cũng đã có những lựa chọn, xử lí chí ít là đích đáng, xa hơn là hay. Nhưng, những trường hợp chưa xứng cũng không ít, và chính nó đã làm cho những phát ngôn đầy tự tin vào việc “dịch lại” của Triệu Ngọc Lan giảm đi sức nặng của nó và cái đích về “một bản dịch tiếng Trung lí tưởng” đúng là vẫn còn là lí tưởng phấn đấu trong tương lai.

Suy cho cùng, đó cũng là cửa ải khó vượt qua trong việc dịch một tác phẩm truyện thơ với thứ ngôn ngữ đạt đến mức kinh điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tuy nhiên, điều này cần được kiểm tra kĩ lưỡng, bài bản trong chính dịch bản của Triệu Ngọc Lan, không thể nhất thời mà phán định được. Nhưng đây là nhiệm vụ của một công trình dài hơi và công phu hơn.

Kết luận

Cuốn « Kim Vân Kiều truyện: dịch thuật và nghiên cứu » của dịch giả - tác giả Triệu Ngọc Lan là một tư liệu tham khảo có giá trị cho giới nghiên cứu văn học Việt Nam. Cuốn sách không chỉ cung cấp thêm một bản dịch tiếng Trung Truyện Kiều của Nguyễn Du, khắc phục phần nào tình trạng bản dịch tiếng Trung vừa ít về số lượng vừa tồn tại nhiều bất cập, mà còn thông qua những bài giới thiệu, nghiên cứu, khơi gợi nhiều vấn đề đáng chú ý trong lịch sử dịch thuật, giới thiệu và nghiên cứu Truyện Kiều tại Trung Quốc. Bài viết của chúng tôi trước hết thảo luận về cách đặt tên bản dịch tiếng Trung của tác phẩm trong mối quan hệ với lịch sử dịch thuật và tiếp nhận Truyện Kiều tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặt các vấn đề nhìn nhận việc dịch thuật và giới thiệu tác phẩm này như một minh chứng cho sự ảnh hưởng của văn hoá và văn học Trung Quốc đến Việt Nam. Cuối cùng, bằng việc phát biểu quan điểm dịch thuật, dịch giả - tác giả Triệu Ngọc Lan cũng thể hiện cách đánh giá đối với các bản dịch trước đó, và cho thấy tính chất việc dịch Truyện Kiều là một sự "dịch lại" và qua đó cho thấy một nỗ lực không ngừng nhưng đầy khó khăn nhằm chinh phục tác phẩm của Nguyễn Du.

Là một cuốn sách bao gồm hai phần dịch thuật và nghiên cứu nằm trong một dự án lớn về dịch thuật và giới thiệu văn học Đông Nam Á tại Trung Quốc, cuốn sách của dịch giả, nhà nghiên cứu Triệu Ngọc Lan xứng đáng được các nhà nghiên cứu Việt Nam, đặc biệt là giới Kiều học, quan tâm tìm hiểu và trao đổi dưới nhiều góc độ khác nhau. Hy vọng chúng tôi sẽ có dịp quay trở lại với vấn đề này trong tương lai./.

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2015

N.T.D.L – N.T.T


[1] Triệu Ngọc Lan, “Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và suy ngẫm về một số vấn đề”, in trong Kim Vân Kiều truyện: dịch thuật và nghiên cứu, NXB Đại học Bắc Kinh, năm 2013, trang 120.

[2] Xem tường thuật và luận giải chi tiết của Nguyễn Đăng Na, “Đoạn trường tân thanh: một mã khoá vào thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du”, in trongCon đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.257-274. Gần đây, Đinh Văn Tuấn đặt vấn đề ngược lại rằng tên gốc của tác phẩm là Kim Vân Kiều. Tuy nhiên, lập luận của ông Tuấn khá giản đơn và chủ quan là “Nếu thật có nhan đề Đoạn trường tân thanh do chính tác giả đặt thì theo ý chúng tôi, không một ai dám tự tiện đặt lại tên (dù đó là người bạn tri kỉ), đáng ngờ hơn nữa là sửa lại bằng một cái tên bình thường là Kim Vân Kiều. Ngược lại từ Kim Vân Kiều gốc Hán rất dễ bị sửa thành một nhan đề hay và ý nghĩa sâu sắc là Đoạn trường tân thanh từ bài thơ của cụ Phạm Quý Thích”. Xem Đinh Văn Tuấn, “Nhan đề gốc của “Truyện Kiều”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế, số 6 (113), 2014, tr.72-75. Viết như thế này, ông Đinh Văn Tuấn một mặt thừa nhận Kim Vân Kiều là “một cái tên bình thường”, còn Đoạn trường tân thanh là “một nhan đề hay và ý nghĩa sâu sắc” nhưng mặt khác lại khiên cưỡng cho rằng Nguyễn Du chỉ đặt được cái tên bình thường, còn tên hay là do người đời sau. Ông chỉ dựa vào một lối suy luận là sửa “bình thường” thành “hay” mà không có ngược lại, cũng bỏ qua một thực tế là những tư liệu sớm nhất về tác phẩm của Nguyễn Du đều ghi tên nó là Đoạn trường tân thanh, và dựa vào những tư liệu muộn hơn (bản Liễu Văn Đường, 1866; bản Kiều Oánh Mậu, 1902,…), đi ngược lại nguyên tắc văn bản học thông thường. Truyền thống ghi chép thư tịch của Việt Nam cho thấy hiện tượng tự ý sửa chữa, thêm bớt mà không chú thích, không “chú – sớ - truyện -…” hết sức phổ biến và gây không ít phiền toái cho hậu nhân. Ngay văn bản “Truyện Kiều” là một ví dụ điển hình.

[3] Trần Trọng Kim, Truyện Thuý Kiều (Đoạn trường tân thanh), Nxb Tân Việt, Hà Nội, 1950, tr.8-12.

[4] Nguyễn Du, Kim Vân Kiều truyện (Việt), Kỳ Quảng Mưu dịch, Hán Việt đối chiếu độc bản. Quảng Châu: Thế giới đồ thư xuất bản Quảng Đông hữu hạn công ty, 2011.

[5] Xem Triệu Ngọc Lan, “Truyện Kiều – tác phẩm kinh điển của sự hoà quyện văn hoá Trung – Việt, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8/2015, tr.49-66.

[6] Bùi Hiểu Duệ: “Tổng tựa”, in trong Triệu Ngọc Lan: Tlđd, trang 1.

[7] Bùi Hiểu Duệ: “Tổng tựa”, in trong Triệu Ngọc Lan: Tlđd, trang 3.

[8] Triệu Ngọc Lan: “Phân tích thi học văn hóa Kim Vân Kiều truyện và Chinh phụ ngâm khúc”, in trong Triệu Ngọc Lan: Tlđd, trang 141.

[9] “Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và suy ngẫm về một số vấn đề”, in trong Triệu Ngọc Lan: Tlđd, trang 119.

[10] Như trên.

[11] “Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và suy ngẫm về một số vấn đề”, in trong Triệu Ngọc Lan: Tlđd, trang 120.

[12] Xem Phạm Tú Châu. “Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch”, in trong Đi giữa đôi dòng, NXB Khoa học xã hội, H, 1999.

[13] Theo một số chuyên gia cho biết thì thực ra Hoàng Dật Cầu dịch Truyện Kiều qua một bản dịch tiếng Pháp chứ không phải dịch trực tiếp từ tiếng Việt. Bởi vậy, việc nghi ngờ là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng dường như Triệu Ngọc Lan không nắm được sự thực đó.

[14] Triệu Ngọc Lan: “Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và suy ngẫm về một số vấn đề”, tạp chí Đông Nam Á tung hoành, số 3 năm 2010, trang 46.

[15] “Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và suy ngẫm về một số vấn đề”, in trong Triệu Ngọc Lan: Tlđd, trang 126.

Post by: Vu Nguyen HNUE
16-10-2020