Văn học nước ngoài

Nhìn lằn ranh giữa văn học và điện ảnh qua "Sắc, giới"


16-10-2020
Tác giả: TS Phan Thu Vân

Tiếc thay, những nỗ lực của đạo diễn khi lý giải bút pháp của nhà văn, cuối cùng lại đẩy bộ phim đi càng lúc càng xa ý đồ nghệ thuật ban đầu. Đó là vấn đề của hầu hết các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, đặc biệt từ những tiểu thuyết mang giá trị văn học cao như “Sắc, giới”. Chung quy cũng do điện ảnh và văn học luôn được diễn đạt bởi thứ ngôn ngữ nghệ thuật khác hẳn nhau. Tinh hoa của bộ phim thường là những khoảnh khắc làm rung động lòng người. Tinh hoa của tiểu thuyết lại nằm trong những ngôn từ khắc họa tâm lý nhân vật tinh tế và sắc nét.

“Sắc, giới” được Trương Ái Linh sáng tác trong gần ba mươi năm, toàn bộ tâm tư tình cảm dồn nén chỉ trong khoảng vài chục trang giấy, hơn 13.000 chữ. Ra đời năm 1978, ba mươi năm sau, tác phẩm này lọt vào mắt xanh của đạo diễn Trung Quốc từng đoạt giải Oscar – Lý An, trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh nhiều tranh cãi nhất tại Trung Quốc trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Đây là một hiện tượng khá thú vị cho những ai muốn tìm hiểu về mối tương quan cũng như ranh giới giữa văn học và điện ảnh.

1)        Nỗi ám ảnh và sự ra đời của tác phẩm nghệ thuật

Nếu nói đến đặc điểm chung đầu tiên giữa hai tác phẩm văn học và điện ảnh này, đó sẽ không phải là kết cấu, nội dung hay nhân vật. Đó là nỗi ám ảnh. “Sắc, giới” ám ảnh Trương Ái Linh gần ba mươi năm, khiến nhà văn không ngừng viết đi viết lại, bắt đầu từ 1953, mãi đến 1978 mới hoàn thành. “Sắc, giới” cũng đã ám ảnh đạo diễn Lý An trong khoảng thời gian rất dài, như ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn truyền hình: “Lúc đầu không nghĩ đến việc dựng thành phim, nhưng vì không thể quên được, nên cuối cùng phải bắt tay vào làm phim để khám phá xem nguyên nhân khiến mình không thể quên được ấy là gì…”

“Sắc, giới” là câu chuyện thế nào mà có thể ám ảnh đến vậy? Đại thể như sau: Trong kháng chiến, một đoàn sinh viên đại học Lĩnh Nam (Quảng Châu) phải rời khỏi khu bị chiếm đóng, chuyển đến Hương Cảng. Với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ và tình yêu nước, lúc đầu họ tổ chức diễn những vở kịch ái quốc, về sau các thành viên cốt cán của đoàn kịch nảy ra ý định dùng mỹ nhân kế để dụ dỗ rồi giết chết tên Hán gian đầu não họ Dị. Việc chưa thành thì hai vợ chồng họ Dị đã chuyển về Thượng Hải. Khi Hương Cảng thất thủ, đám sinh viên có dịp quay về Thượng Hải, lại được đặc vụ họ Ngô thu nạp, tiếp tục vở kịch với mật vụ họ Dịch đang dang dở ngày trước. Kết quả là, mỹ nhân Vương Giai Chi khó khăn lắm mới dụ dỗ được ngài Dị và đưa đến tiệm kim hoàn – nơi được chọn làm địa điểm phục kích mưu sát, việc đã sắp thành, bỗng nhiên nàng đổi ý, bảo mật vụ họ Dị chạy thoát. Mật vụ họ Dị sau khi thoát thân bèn ra lệnh phong tỏa khu vực, bắt toàn bộ đám sinh viên yêu nước, bao gồm cả Vương Giai Chi, rồi ra lệnh thủ tiêu tất cả.

Đây là câu chuyện dựa trên vụ ám sát mang tên “thích Đinh án” (ám sát tên Hán gian Đinh Mặc Thôn) vang động Thượng Hải vào năm 1939 –1940, do mỹ nữ lừng danh bến Thượng Hải – Trịnh Bình Như – thực hiện. Nhiệm vụ bất thành, khi bị thủ tiêu, Trịnh Bình Như mới 23 tuổi. Rất nhiều ý kiến cho rằng Trương Ái Linh chỉ mượn vụ án làm bình phong để viết về chính câu chuyện tình yêu của mình với Hồ Lan Thành – cũng là một tên Hán gian nổi tiếng thời bấy giờ. Người ta có thể mơ hồ nhận thấy bóng dáng Trương Ái Linh thông qua nhân vật Vương Giai Chi: “Vậy, không lẽ nàng yêu mật vụ họ Dị? Nàng không tin, nhưng cũng khó lòng khẳng định điều đó một cách như đinh đóng cột, bởi nàng chưa từng yêu ai, chẳng biết thế nào mới gọi là yêu. Từ năm mười lăm mười sáu tuổi, nàng luôn chỉ nghĩ đến việc phòng chống các đợt tấn công từ bên ngoài. Người con gái kiểu ấy rất khó yêu, vì sức đề kháng quá cao.”  Hồ Lan Thành là mối tình đầu của Trương Ái Linh. “Nàng quả thật đã đem lòng yêu ông. Nàng là hồng nhan tri kỷ duy nhất của ông trên đời này. Không ngờ đã qua trung niên rồi vẫn được duyên kỳ ngộ.”  Nhà văn đã bất chấp dư luận để yêu và lấy một tên Hán gian trung niên, một người đàn ông đã có gia đình, cũng là kẻ sau này ngang nhiên phản bội bà. Mối tình nhiều sóng gió đã để lại trong lòng nhà văn vết thương khó lành. Bà viết “Sắc, giới” như một hoài niệm, và như một tuyên ngôn vạch rõ ranh giới với quá khứ. Tình cảm của bà không còn quan trọng nữa, bởi cuối cùng bà đã nhận ra sự ngây thơ của cảm xúc, cũng như sự bội bạc vô tâm của người đời. Sự ra đời của “Sắc, giới” sau bao nhiêu năm trăn trở đã chứng minh điều đó.

Lý An đã từng chia sẻ, trong quá trình suy ngẫm về “Sắc, giới”, ông luôn có cảm giác Trương Ái Linh đang vẫy gọi mình đến gần hơn thế giới của bà.   Và ông đã đến, nhưng không phải với thế giới của Trương Ái Linh, mà với thế giới nghệ thuật phản chiếu dáng dấp tư tưởng Trương Ái Linh trong tâm hồn của chính Lý An.

2)        Sự trung thành về nội dung, sự “phản bội” về cảm xúc

Truyện “Sắc, giới” chỉ dài khoảng chưa đầy ba mươi trang, còn phim “Sắc, giới” dài đến một trăm năm mươi phút. Nếu tính theo cách tính phổ biến nhất của các nhà biên kịch, mỗi phút một trang, một trăm năm mươi phút tương đương với một trăm năm mươi trang. Đạo diễn Lý An cùng hai biên kịch Vương Huệ Linh – James Schamus đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể vừa trung thành với nội dung chính ban đầu, vừa xây dựng được một bộ phim hấp dẫn. Rất nhiều tình tiết không có trong nguyên tác được thêm vào. Tuy nhiên, đây không phải là những sáng tạo hoàn toàn mới, mà có thể coi là phần cụ thể hóa những lời nói đầy ẩn ý của tác giả Trương Ái Linh, hoặc cũng có thể coi là một động tác chi tiết hóa những vấn đề chỉ được đề cập một cách hết sức sơ lược trong tác phẩm.

Cả truyện và phim đều bắt đầu và kết thúc bằng cảnh chính là đánh mạt chược. Tóm tắt nội dung không có gì khác biệt. Phim còn cố tình trung thành với truyện đến từng chi tiết rất nhỏ: chiếc rèm cửa dày in hình cỏ phượng vĩ trong phòng khách, kiểu tóc và kỳ bào lụa xanh óng ả của nhân vật chính, quán Thục Du, đường Phúc Khai Sâm v.v… Dù vậy, cảm xúc nghệ thuật được thể hiện trong hai tác phẩm truyện và phim hoàn toàn không giống nhau. Nếu về mặt nội dung, phim được coi như “trung thành” với nguyên tác, thì trên phương diện cảm xúc, đó là sự “phản bội”.

Sự phản bội về cảm xúc ở đây, trước hết là cảm xúc của nhân vật chính Vương Giai Chi.

Vương Giai Chi của Lý An thuần khiết, yếu đuối, đơn giản và chân thành. Nàng có yêu tên Hán gian không? Câu trả lời dường như chắc chắn. Nàng chẳng qua cũng chỉ là một trong những cánh hồng bạc phận giữa sóng gió thời đại. Tất cả những quyết định của nàng, đều do dòng đời đưa đẩy. Dòng đời đẩy nàng từ Quảng Châu đến Hương Cảng, đưa nàng tới nhóm kịch sinh viên ái quốc với những vai diễn non nớt, rồi cuốn nàng vào màn kịch định mệnh: quyến rũ tên Hán gian họ Dị. Chính vì non nớt, nên nàng không thể tách bạch giữa kịch và đời. Nàng yêu hắn, như một điều hiển nhiên. Rất nhiều tình huống trong phim đã được dựng lên, chỉ để hợp lý hóa tình yêu giữa người đẹp và Hán gian. Vương Giai Chi của Lý An chưa bao giờ có sự chủ động trong cuộc sống của mình. Nhưng khi yêu, nàng bắt đầu tự quyết định. Nàng chủ động trong việc thả Dị tiên sinh đi, dùng cái chết của mình cùng nhiều người khác để bảo vệ tình yêu.

Vương Giai Chi của Trương Ái Linh lại hoàn toàn khác. Sắc sảo và khờ dại, tỉnh táo và huyễn hoặc, khao khát hư vinh và cảm giác tự ti… Vương Giai Chi của Trương Ái Linh mang trong mình tất cả những mâu thuẫn của chính tác giả. Nàng có yêu ngài Dị không? Câu trả lời là chính nàng cũng không biết. Nàng không chắc về mỗi cảm xúc mình có, mỗi hành động mình làm, mỗi điều đang diễn ra… Nàng lạc lõng giữa thế giới và thời đại của nàng. Nàng muốn làm điều gì đó để chứng tỏ mình, nhưng nàng lại không hề biết được ý nghĩa của nó. Nàng tự huyễn hoặc mình trong sự hy sinh và tình yêu mơ hồ. Tình yêu của nàng đối với ngài Dị không mạnh bằng mong muốn ngài Dị yêu nàng, và nàng tự đánh lừa cảm xúc của mình. Trong trái tim nàng chỉ có hai sắc thái rõ rệt nhất: chìm đắm trong những ảo tưởng về mình, cùng nỗi cô đơn.

Sự “phản bội” cũng thể hiện trong sự phản ánh cảm xúc của ngài Dị.

Đàn ông nông nổi giếng thơi,

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

Câu ca dao quen thuộc này của Việt Nam, thú vị thay, lại có thể giúp chúng ta khái quát “ván bài” “Sắc, giới” của Vương Giai Chi và ngài Dị qua ngòi bút của Trương Ái Linh.

“Nàng trước lúc chết nhất định hận ông ta. Nhưng “vô độc bất trượng phu”. Nếu ông ta không tàn nhẫn, nàng chưa chắc đã yêu. (…) Ông ta không lạc quan về thời cuộc. Biết tương lai ra sao? Có một người tri kỷ, chết cũng không nuối tiếc. Ông ta cảm thấy bóng dáng nàng sẽ mãi mãi ở bên cạnh, an ủi mình. Dù nàng hận ông, nhưng tình cảm cuối cùng nàng dành cho ông mạnh đến mức vượt qua tất cả các tình cảm khác, không liên quan gì đến những tình cảm khác, chỉ đơn thuần là tình cảm. Quan hệ giữa họ là quan hệ nguyên thủy của thợ săn với vật bị săn, giữa hổ với trành, là quan hệ chiếm hữu cực điểm. Như nàng mới đúng sống là người của ông, chết là ma của ông.”  Mật vụ họ Dị không hề yêu Vương Giai Chi. Ông ta chỉ muốn dùng nàng để chứng minh sức hấp dẫn ở độ tuổi ngoài tứ tuần của mình, trong khi trên thực tế, ông ta chỉ là một người đàn ông trung niên, thấp, gầy và hói. Hành động của nàng khiến ông ta hoan hỉ say sưa với chính mình trong chiến thắng, chứ không hề cảm động. Trành là gi? Theo truyền thuyết xưa, người đầu tiên bị hổ cắn chết sẽ hóa thành trành, một dạng quỷ theo giúp hổ hại thêm người khác. Vương Giai Chi chính là “trành” của ông ta, bị ông ta cắn chết, đồng thời cũng nộp thêm mạng sống của đồng đội. Dưới ngòi bút sắc sảo của Trương Ái Linh, sự tàn nhẫn, ích kỷ, vô tình, thậm chí là vô sỉ của mật vụ họ Dị đã bị đẩy lên đến cực điểm.

Ngay từ việc chọn Lương Triều Vỹ vào vai Dị tiên sinh đã cho thấy đạo diễn Lý An lý giải nhân vật này theo cách hoàn toàn khác. Một người đàn ông lạnh lùng song không dấu được vẻ phong lưu đa tình. Những chi tiết như Dị tiên sinh cố tình cho Vương Giai Chi thắng trên bàn mạt chược, sau đó hẹn nàng đến chỗ vắng người để tiện bề tâm sự; Dị tiên sinh rơi nước mắt khi nghe nàng hát; Dị tiên sinh tặng nàng một bất ngờ khi đưa danh thiếp cho nàng đến tiệm kim hoàn chọn nhẫn… và đặc biệt chi tiết cuối cùng, Dị tiên sinh thẫn thờ vuốt tấm khăn trải giường trong căn phòng của Vương Giai Chi sau khi nàng bị hành quyết đã cho thấy Hán gian cũng có tình người. Điều này khác hẳn với thái độ trơ trẽn của ngài Dị trong tiểu thuyết: “Ông ta nhắc nhở mình phải bảo vợ nói năng cẩn thận: cái cô “Mạch phu nhân” kia nhà có việc gấp, đã vội trở về Hương Cảng. Đều do bà đưa sói vào nhà!(…) Phải dọa cho bà ấy sợ, đỡ việc sau này nghe cái miệng Mã phu nhân hớt lẻo, quay ra làm mình làm mẩy với ông ta.”

Sự “phản bội” về cảm xúc của hai nhân vật chính đã khiến cảm xúc của đối tượng tiếp nhận nghệ thuật – độc giả và khán giả – đối với tác phẩm cũng hoàn toàn thay đổi.

3)        Ranh giới giữa văn học và điện ảnh

1. Thế giới quan, nhân sinh quan:

Tiểu thuyết luôn thể hiện thế giới quan của người viết, tác phẩm điện ảnh lại thể hiện nhân sinh quan của đạo diễn. Để một tác phẩm chuyển thể thành công, cần rất nhiều yếu tố, nhưng để tác phẩm chuyển thể trung thành với nguyên tác, yếu tố đầu tiên chính là sự tuơng đồng về thế giới quan, nhân sinh quan của tác giả và đạo diễn.

Lý An trong một lần trả lời phỏng vấn đã cho biết: “Đọc xong tiểu thuyết, có thể thấy sát khí rất nặng nề, làm sao để có được tình cảm từ trong bầu không khí ấy, làm sao để có thể bước ra một cách toàn vẹn, đây là một vấn đề hoàn toàn không dễ dàng. Sát khí cũng là một trong những nguyên nhân thu hút chúng ta, chúng ta bước vào đó, như dạo một vòng trong địa ngục rồi đi ra, cảm thấy cuộc sống này vẫn còn hy vọng, con người vẫn còn có tình người, đây là một vấn đề hoàn toàn không dễ dàng.”  Nhà văn nữ Tu Lan từng viết về Thượng Hải và những người con gái Thượng Hải trong thập niên 30 của thế kỷ XX như sau: “Những người con gái của năm 1930 đều mang những cái tên đẹp đẽ. Tôi thích nhất là Quách An Từ và Lý Thụy Sơ. Điều kỳ lạ là nhìn họ lúc nào cũng có chút sát khí, có thể vẻ đẹp cũng chính là một duyên cớ. Thượng Hải là một thành phố mang sát khí. Vũ khí của nó không phải là binh khí sắc bén, mà là những ống trúc chọc thủng các cửa sổ bằng giấy để thổi mê hương vào căn phòng trong các bộ tiểu thuyết cổ, hoặc như loại độc dược mà Lam Phượng Hoàng đã dùng trong “Tiếu ngạo giang hồ”. Lam Phượng Hoàng trong tiểu thuyết giống như một sát thủ chuyên nghiệp. Quách An Từ là thiên kim tiểu thư của tổng giám đốc công ty Vĩnh An, một cô gái rất thời thượng; còn Lý Thụy Sơ là một cô gái thường dân. Nhưng họ đều bị nhiễm vẻ đẹp cũng như sát khí của thành phố này. ”

Lý An dường như đã lĩnh hội được cái “sát khí” trong văn Trương Ái Linh – một phụ nữ Thượng Hải điển hình, cũng như cảm nhận được “sát khí” trong bầu không khí của đô thị hoa lệ Thượng Hải, chính vì vậy mà ông xây dựng bộ phim theo một màu sắc âm u – những sắc màu trung và âm tính, chỉ duy nhất viên kim cương hồng lóe lên như một biểu tượng của hy vọng và tình yêu, trước khi tắt hẳn trong màn đêm.

Dị tiên sinh (Lương Triều Vỹ đóng) trong phim đã từng nói với Vương Giai Chi (Thang Duy): “Tất cả những người tôi đã gặp… trong mắt họ, tôi đều thấy hiện lên một điều giống nhau – Sợ hãi. Cô không giống những người khác, không sợ hãi, phải vậy không?” (Phút thứ 51:25) Bản thân Lương Triều Vỹ cũng đã diễn rất thành công nỗi sợ hãi trong lòng một tên Hán gian: dáng đi khom khom, vai rút lại, luôn di chuyển với tốc độ nhanh nhất; mỗi lời nói ra đều phải đắn đo một vài giây để thăm dò đối phương; đầu mày cau lại, kìm nén sự căng thẳng bên trong, ngay cả khi chơi bài, uống trà, trong xe hơi, hay trên giường ngủ… Đặc biệt là ánh mắt sâu thẳm lúc nào cũng bất an… Sau ba năm gặp lại, ngài Dị nói cùng Vương Giai Chi: “Em cũng đã khác xưa”. Đôi mắt Vương Giai Chi ba năm sau cũng trở thành một đôi mắt thăm thẳm ẩn chứa nhiều tâm sự. Đó là những lợi thế hình ảnh đập vào mắt người xem mọi lúc mọi nơi mà tiểu thuyết không bao giờ có được. Lý An đã tốn nhiều công sức để dựng nên từng chi tiết nhỏ nhất góp phần hoàn thiện những màn kịch làm thót tim khán giả, từ từ dẫn khán giả vào sống cùng với tâm trạng nhân vật trên màn ảnh.

Tuy vậy, thời đại khác nhau khiến điểm nhìn của tác giả và đạo diễn không hoàn toàn thống nhất. Trương Ái Linh nhìn thời đại của Vương Giai Chi với tư cách một người trong cuộc, còn Lý An lại nhìn với tư cách một người chiêm nghiệm lịch sử.

Trong trang viết của Trương Ái Linh quả có thấm đẫm không khí nặng nề u uất mà nhiều người gọi là “sát khí”, song hoàn toàn không có nỗi sợ hãi. Chúng tôi tin rằng, trong thời đại rối ren mà bà đã sống, sinh mệnh con người hết sức mỏng manh, vận mệnh con người cũng vô cùng khó lường, nhưng cuộc sống vẫn diễn ra như nó vốn thế, và mỗi người vẫn sẽ sống với đầy đủ các sắc thái cảm xúc của mình, chứ không chỉ có nỗi sợ hãi. Trịnh Bình Như, nhân vật được coi là nguyên mẫu của Vương Giai Chi trong truyện, là người rất biết thưởng thức cuộc sống qua từng chi tiết. Theo như lời nhân chứng kể lại, trước khi bị hành quyết, cô ngửa đầu lên ngước nhìn bầu trời xanh thăm thẳm, sau đó nói với người cầm súng – đặc vụ tên Lâm Chi Giang: “Thời tiết đẹp thế này, địa điểm đẹp thế này, thanh thiên bạch nhật, hồng nhan bạc mệnh, đành nhắm mắt xuôi tay! Chi Giang, chúng ta cũng có thể coi là người quen biết. Nay nếu muốn cùng chạy trốn, hãy còn kịp. Còn nếu anh đã nhẫn tâm, thì cứ nổ súng đi! Nhưng tôi xin anh, đừng hủy hoại dung nhan mà tôi bấy lâu gìn giữ!” Chỉ mấy lời cuối này cũng đủ khắc họa chân dung tính cách một cô gái Thượng Hải điển hình bên trong người nữ tình báo dũng cảm –  một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu cái đẹp.

Với Vương Giai Chi của Trương Ái Linh, dù đang làm một nhiệm vụ sinh tử, nhưng cái nàng chú ý đến vẫn là những chi tiết rất đời thường: phong vị của một quán cà phê, mùi thơm của nước hoa, lời người đàn ông hứa sẽ mua cho nàng chiếc nhẫn (và nàng băn khoăn mãi, không biết có nên nhắc nhở về lời hứa ấy hay không), cái nhìn của người xa lạ, ma-nơ-canh trong tủ kính bên đường, chong chóng đủ màu trên chiếc xe kéo v.v… Nàng sống cuộc sống của nàng, với những mối quan tâm riêng, nhỏ bé, nhưng quan trọng, quan trọng hơn cả đại cuộc.

Thời gian trong mắt Vương Giai Chi của Trương Ái Linh vừa là thời gian thực tại, vừa là thời gian trong quá khứ. Nàng dùng thực tại để chứng tỏ chính mình trong quá khứ, để gỡ gạt những sai lầm tưởng như không còn có thể cứu vãn… Trong cùng một hành động của nàng, có thể thấy cùng một lúc bóng dáng của quá khứ và hiện tại, với những sắc thái tâm lý tình cảm phức tạp. Lý An, với tư cách một người chiêm nghiệm lịch sử, lại diễn giải thời gian theo chiều vốn có, lấy quá khứ làm nền tảng để lý giải cho hiện tại.

Hình ảnh nhân vật Vương Giai Chi của Lý An có thể coi như hình mẫu người tình lý tưởng trong mắt nam giới: thuần khiết, xinh đẹp, gợi cảm, thông minh nhưng không cơ trí, sống chết vì tình yêu. Vương Giai Chi của Trương Ái Linh lại khó hiểu và có phần đỏng đảnh như chính một nửa còn lại của nhân loại, với những mâu thuẫn nội tâm gay gắt song xét cho cùng lại chẳng đâu vào đâu. Hình ảnh mật vụ họ Dị trong tác phẩm của Lý An dường như đã trở nên hấp dẫn hơn so với nguyên tác, là người hiểu thời cuộc song bị chi phối bởi thời cuộc, có cảm xúc song phải buộc lòng kìm nén cảm xúc. Trong khi đó, ngài Dị dưới ngòi bút Trương Ái Linh hoàn toàn khác: mưu mô, máu lạnh, thậm chí là không còn nhân tính.

Lý An thương cảm cho sự bất lực của con người, Trương Ái Linh giễu cợt sự ngây thơ của con người. Lý An tin vào tình yêu, cảm xúc, lương tri. Trương Ái Linh lại như muốn lật tẩy và phơi bày những góc tối tăm nhất của tâm hồn. Về phương diện này, có thể nói “Sắc, giới” của Lý An và “Sắc, giới” của Trương Ái Linh là hai thế giới khác hẳn nhau.

2. Ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ điện ảnh:

Ranh giới giữa văn học và điện ảnh không chỉ thể hiện qua yếu tố thời đại hay góc nhìn, quan trọng hơn, nó thể hiện qua những điều có thể và không thể phản ánh bằng ngôn ngữ văn học hay điện ảnh.

Hình ảnh sống động là ưu thế lớn của điện ảnh. Trong phần trên, chúng tôi đã giới thiệu sơ qua về những hình ảnh trực tiếp đập vào mắt người xem, khiến bộ phim không cần giải thích dài dòng cũng có thể đưa tới những thông điệp đặc biệt về cảm xúc hiện hữu của nhân vật. Tuy vậy, điện ảnh lại gặp thách thức lớn trong việc phản ánh những mâu thuẫn và xung đột tâm lý bên trong nhân vật. Cần rất nhiều tình huống và tình tiết để diễn giải vấn đề. Trong khi đó, thông qua bút pháp, văn học có thể cùng một lúc kết hợp cả tâm lý, cảm xúc, hồi ức lẫn sự bổ trợ tương tác của cảnh sắc hay khung cảnh xung quanh nhân vật để thể hiện sự giằng xé hay bứt phá nội tâm.

Một trong những chi tiết đắt giá nhất chỉ có thể diễn tả bằng ngôn ngữ, đó chính là những giây phút cuối cùng ngài Dị ở bên Vương Giai Chi: “Cái cười của ông ta lúc này không chút nhạo báng, chỉ là vương một nỗi buồn. Bóng ông nghiêng nghiêng trước ngọn đèn, ánh nhìn không đặt vào đâu, làn mi như cánh con ngài trắng ngà đang đậu xuống nghỉ ngơi trên khuôn mặt xương xương. Trong mắt nàng, đó là một vẻ dịu dàng đáng thương. Người đàn ông này yêu mình. Nàng chợt nghĩ. Trong tim chấn động, như mất đi cái gì.”  Vương Giai Chi, trong giờ phút quan trọng nhất, chợt nhận ra tình yêu (song đáng thương thay, đó cũng chỉ là sự tự huyễn hoặc mình của một con người lạc lõng giữa thời cuộc). Tính bất ngờ của câu chuyện cũng như giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết đã được được thể hiện rõ nét. Những xao động và xung đột tâm lý dễ dàng hiện ra trên trang giấy qua vài nét bút, nhưng lại là một việc cần nhiều công phu đối với điện ảnh. Để có thể diễn tả được tính hợp lý trong quyết định của Vương Giai Chi – thả mật vụ họ Dị chạy thoát, khiến tất cả bạn bè cùng chính nàng sa lưới, Lý An đã phải thêm thắt rất nhiều tình huống không có trong nguyên tác. Trong truyện, Vương Giai Chi chủ động đưa ngài Dị đến tiệm kim hoàn được chọn sẵn làm địa điểm mưu sát để sửa hoa tai, sau đó họ Dị mới đề nghị mua luôn một chiếc nhẫn kim cương tặng nàng làm kỷ niệm. Mọi việc diễn ra bình thường, vẫn là một màn kịch, cho đến phút quyết định không lường trước được của Vương Giai Chi. Trong phim, họ Dị đã tặng cho người tình một sự bất ngờ, khi bảo nàng đưa danh thiếp của mình đến tiệm kim hoàn, sau đó chủ tiệm kim hoàn mới giới thiệu món quà mà Dị tiên sinh muốn nàng nhận – một cách đầy kịch tính. Có thể thấy những biến đổi tình cảm phức tạp của Vương Giai Chi, từ lo lắng, sợ hãi đến bất ngờ và cảm động. Để có được trường đoạn này, bộ phim đã phải đệm thêm nhiều cảnh khác trước đó với mục đích lý giải mạch cảm xúc của nhân vật chính. Ba cảnh nóng của phim chính là để phục vụ cho mục đích này. Thông qua tư thế, xúc cảm của hai nhân vật trong những cảnh nóng, đạo diễn gửi gắm một thông điệp: mật vụ họ Dị đã dần dần cởi bỏ sự sợ hãi, căng thẳng, đề phòng của mình để mở cửa lòng cho Vương Giai Chi bước vào; ngược lại, Vương Giai Chi từ thế bị động đã dần trở nên chủ động trong quan hệ với kẻ thù, thậm chí ngay cả lúc có cơ hội, nàng cũng không giết hắn. Tuy vậy, yếu tố then chốt bộc lộ tình cảm thật của hai người không nằm ở những cảnh nóng, mà thể hiện trong cảnh Vương Giai Chi hát cho mật vụ họ Dị nghe. Lời hát “Thiên nhai ca nữ” vừa kết thúc cũng là lúc họ Dị ứa nước mắt và đưa tay nắm lấy tay nàng. Có thể thấy sau những cố gắng hòa hợp về mặt thể xác, cuối cùng hai nhân vật chính trong phim cũng đã đạt đến sự hòa hợp cả về tinh thần. Quyết định cuối cùng của Vương Giai Chi là kết quả của một quá trình dài suy nghĩ, đấu tranh và cuối cùng chấp nhận số phận. Tất cả diễn ra một cách hợp tình hợp lý.

Tiếc thay, những nỗ lực của đạo diễn khi lý giải bút pháp của nhà văn, cuối cùng lại đẩy bộ phim đi càng lúc càng xa ý đồ nghệ thuật ban đầu. Đó là vấn đề của hầu hết các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, đặc biệt từ những tiểu thuyết mang giá trị văn học cao như “Sắc, giới”. Chung quy cũng do điện ảnh và văn học luôn được diễn đạt bởi thứ ngôn ngữ nghệ thuật khác hẳn nhau. Tinh hoa của bộ phim thường là những khoảnh khắc làm rung động lòng người. Tinh hoa của tiểu thuyết lại nằm trong những ngôn từ khắc họa tâm lý nhân vật tinh tế và sắc nét.

Cùng là “Sắc, giới”, nhưng Trương Ái Linh nhấn mạnh vào “Giới”, còn Lý An tập trung vào “Sắc”.

“Giới” của Trương Ái Linh, không phải chỉ là thận trọng, đề phòng, mà còn có một nghĩa khác là “chiếc nhẫn”. Chiếc nhẫn xuyên suốt tác phẩm, là một lời hứa, là một giấc mơ, là một đạo cụ đắt tiền nhưng chỉ được sử dụng trong phút giây ngắn ngủi trên sàn diễn, là ánh hào quang trong thoáng chốc, như một minh chứng cho những cảm thức vinh hoa vô nghĩa trong đời người. “Giới” ở đây, nếu được hiểu như một động từ có nghĩa “đề phòng”, thì cũng không phải là đề phòng “sắc”, mà là đề phòng những dục vọng nói chung trong sâu thẳm lòng người.

“Sắc” của Lý An là yếu tố xuyên suốt tác phẩm điện ảnh. Đó là nỗi khát khao, là những âm mưu, là sự giải thoát. Không thể phủ nhận yếu tố “Sắc” đã khiến cho sản phẩm mang tính thương mại cao hơn hẳn. Tuy vậy, sự diễn giải mang đậm tính chất cá nhân của đạo diễn đã biến “Sắc, giới” điện ảnh thành một sản phẩm có phần xa lạ với tiểu thuyết ban đầu.

Thiết nghĩ, lằn ranh giữa văn học và điện ảnh tuy mong manh, song lại khó vượt qua hơn cả trùng trùng thành lũy. Cuối cùng, cái đọng lại trong lòng người không phải là “sắc” hay “giới”, mà chính là những cảm xúc thăng hoa sau khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Đó mới thực sự là điều quan trọng.

 

Tài liệu tham khảo:

1.         Ấn khắc văn học sinh hoạt chí, Đài Loan, tháng 8/2007.

2.         Tu Lan, Ván cờ của hồ ly, đăng trong tạp chí Vạn Tượng, Thượng Hải, tháng 11/1998.

3.         Trương Ái Linh, (Phan Thu Vân dịch), Sắc, giới, NXB Trẻ, Tp.HCM, tháng 1/2009.

4.         Sắc, giới (Lust, Caution), Haishang Films phát hành (liên kết với Focus Features và River Road Entertainment), 2007.

Post by: Vu Nguyen HNUE
16-10-2020