Là người trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu Lỗ Tấn từ 20 năm nay, được sống ở thế kỉ XX vắt sang thế kỉ XXI, ít nhiều chứng kiến những đổi thay của buổi giao thời thế kỉ, chúng tôi muốn từ thời điểm hiện tại đọc lại Lỗ Tấn, nhìn nhận lại quá trình tiếp nhận Lỗ Tấn ở Việt Nam, để làm nổi bật vai trò ảnh hưởng của nhà văn đối với tiến trình đổi mới- hiện đại hóa văn học dân tộc, từ đó thêm một lần khẳng định sức sống mãnh liệt của nhà văn mà bóng dáng “bao trùm cả thế kỉ XX” này.
1. Mở đầu
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, việc nghiên cứu quá trình giao lưu văn hóa cũng như những mối liên hệ, ảnh hưởng giữa các nền văn học của các dân tộc là việc làm hết sức cần thiết. Từ xưa, nền văn học Trung Quốc đã có ảnh hưởng lớn tới nền văn học Việt Nam. Người Việt Nam từng bước tiếp nhận văn học Trung Quốc ở mỗi giai đoạn khác nhau, trên cơ sở đó làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần của mình. Trong số các nhà văn Trung Quốc, Lỗ Tấn là nhà văn hiện đại đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam, cũng là tác giả văn học hiện đại duy nhất có tác phẩm được chọn để giảng dạy trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam từ trước đến nay. Theo suốt chiều dài thế kỉ XX, trước sau ông đều chiếm trọn tình cảm và sự trân trọng của người dân nước Việt. Các thế hệ độc giả Việt Nam thưởng thức tác phẩm của Lỗ Tấn ngày mỗi đông, các công trình nghiên cứu về Lỗ Tấn ngày càng dày dặn. Người Việt Nam yêu Lỗ Tấn không phải chỉ bởi ông là “nhịp cầu” quan trọng giúp họ tiếp cận với nền văn học hiện đại Trung Quốc - nền văn học có quá trình hiện đại hóa diễn ra gần như đồng thời và có nhiều nét tương đồng với nền văn học hiện đại Việt Nam; mà còn bởi Lỗ Tấn vô cùng gần gũi với con người Việt Nam. Là người trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu Lỗ Tấn từ 20 năm nay, được sống ở thế kỉ XX vắt sang thế kỉ XXI, ít nhiều chứng kiến những đổi thay của buổi giao thời thế kỉ, chúng tôi muốn từ thời điểm hiện tại đọc lại Lỗ Tấn, nhìn nhận lại quá trình tiếp nhận Lỗ Tấn ở Việt Nam, để làm nổi bật vai trò ảnh hưởng của nhà văn đối với tiến trình đổi mới- hiện đại hóa văn học dân tộc, từ đó thêm một lần khẳng định sức sống mãnh liệt của nhà văn mà bóng dáng “bao trùm cả thế kỉ XX” này.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tiếp nhận Lỗ Tấn ở Việt Nam qua các công trình dịch thuật
Dịch thuật được coi là nhịp cầu đầu tiên của quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Thông qua các tác phẩm dịch, các nền văn học xa lạ xích lại gần nhau và có thể có ảnh hưởng qua lại nhất định với nhau. Dịch thuật tác phẩm văn học không đơn thuần chỉ là sự giải mã ngôn ngữ, chuyển đổi từ hình thức ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác nhằm chuyển tải giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm dịch, mà là một quá trình “sáng tạo lại” tác phẩm. Dịch giả vừa là độc giả - người tiếp nhận, lại vừa là người sáng tạo nghệ thuật. Để làm tốt điều này, dịch giả đòi hỏi phải là người thông thạo cả hai ngôn ngữ; phải có vốn hiểu biết sâu sắc về bối cảnh thời đại, văn hóa, xã hội của cả hai dân tộc, và cả nhu cầu, trình độ, thị hiếu của người tiếp nhận ở đất nước mình. Lỗ Tấn đến được với đông đảo người Việt Nam trước hết là nhờ các công trình dịch thuật của nhà nghiên cứu - dịch giả Đặng Thai Mai (1902 - 1984).
Chúng ta đều biết, quá trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc diễn ra gần như đồng thời. Văn học hiện đại Trung Quốc bắt đầu từ năm 1919, đánh dấu bằng cuộc Vận động Ngũ Tứ, nhưng khoảng thời gian khá dài hơn hai mươi năm đầu thế kỉ diễn ra quá trình hiện đại hóa văn học Trung Quốc lại hầu như không được biết tới ở Việt Nam. Nguyên nhân của hiện tượng này một mặt là do chủ trương nô dịch văn hóa của thực dân Pháp sau làn sóng “Tân thư” đầu thế kỉ XX với tình trạng kiểm duyệt hết sức khắt khe; mặt khác do nhận thức của giới trí thức Việt Nam về quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Từ cuối thế kỉ XIX, Trung Quốc già nua, cổ lỗ đã không còn là “mẫu hình” lí tưởng, so với “mẫu hình” Tây phương tân thời tươi trẻ. Bởi vậy, những thành tựu của văn học mới Trung Quốc lẽ ra sẽ có nhiều tác động tích cực đến nền văn học Việt Nam - cũng đang trên tiến trình hiện đại hóa, thì lại không được quan tâm. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan cho biết, ông dịch truyện ngắn Khổng Ất Kỷ của Lỗ Tấn và in trên tạp chí Pháp Việt từ năm 1931, song chưa biết Lỗ Tấn là ai. Do chuyển ngữ từ một bản Pháp văn trong Tuyển tập truyện ngắn Trung Quốc xuất bản ở Paris năm 1930, tức là tiếp cận tác phẩm của nhà văn qua một ngôn ngữ trung gian, cho nên nhà nghiên cứu không phiên âm được tên tác giả Lousin thành Lỗ Tấn, và tên tác phẩm thì phiên âm sai thành Khổng Sĩ Khí.
Nói đúng ra, trong khoảng thập niên 30 - 40 của thế kỉ trước, ở Việt Nam đã xuất hiện một số bài viết của các tác giả Lê Dư, Nguyễn Tiến Lãng, Phan Khôi đăng trên Nam phong tạp chí, Phụ nữ tân văn, Đông Dương tạp chí… nói tới nền “văn học mới” Trung Quốc. Tuy nhiên, các bài viết này chỉ mang tính chất giới thiệu sơ bộ về cái lợi của việc dùng văn bạch thoại thay thế cổ văn, điểm qua một số tác giả tiêu biểu như Quách Mạt Nhược, Lão Xá, Mao Thuẫn, Đinh Linh… và tác phẩm Đời Ahy (tức AQ chính truyện) của Lỗ Tấn. Khoảng trống trong giao lưu văn hóa giữa hai nước, tình trạng thiếu vắng thông tin về văn học hiện đại Trung Quốc trong đời sống tiếp nhận ở Việt Nam giai đoạn này kéo dài cho đến khi nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai từng bước giới thiệu rộng rãi các tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn, từ khoảng 1942 trở đi. Lỗ Tấn được coi là “nhịp cầu” vô cùng quan trọng, và Đặng Thai Mai được xem là người đầu tiên có công dịch và giới thiệu Lỗ Tấn ở Việt Nam là vì vậy.
Theo Đặng Thai Mai, nhờ có một người bạn không hề biết tên giới thiệu, ông từng biết “Trung Quốc có một Lỗ Tấn” từ năm 1926, nhưng phải mười năm sau, khi Lỗ Tấn đã qua đời, ông mới chủ động đi “tìm” và được “gặp”. Cùng với bản dịch bài thơ Người với thời gian của Lỗ Tấn in trên mục “Danh văn ngoại quốc” của báo Thanh Nghị, nhà nghiên cứu đã trân trọng giới thiệu: Lỗ Tấn - “một nhà nghệ thuật tân tiến”. Sau dịch phẩm đầu tiên ấy, ông lần lượt giới thiệu các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau của nhà văn, như: Bóng từ giã người; Người qua đường (thơ văn xuôi); Khổng Ất Kỷ; AQ chính truyện (truyện ngắn); Vì sao tôi viết AQ chính truyện; Chó, mèo, chuột (tạp văn)… để rồi sau đó, năm 1944, tập sách Lỗ Tấn - Thân thế, văn nghệ (1) gồm 220 trang ra đời như là sự thể hiện niềm kính phục và đồng cảm sâu sắc của nhà nghiên cứu Việt Nam đối với một tri kỉ, tri âm. Tập trung giới thiệu Lỗ Tấn đầu tiên trong quá trình giới thiệu nền văn học hiện đại Trung Quốc ở Việt Nam, theo Đặng Thai Mai, bởi Lỗ Tấn là đại diện tiêu biểu nhất: “Lỗ Tấn không chỉ là một nhân vật, Lỗ Tấn là cả một thời đại” (2). Sau Đặng Thai Mai, nhiều dịch giả và nhà nghiên cứu đã lần lượt cho ra đời các dịch phẩm và chuyên luận nhằm cung cấp cái nhìn tương đối toàn diện về một hiện tượng văn học nổi bật của thời đại. Có thể nói, trong khoảng thời gian những năm 1950 - 1970, gắn với tình hình dịch thuật và xuất bản văn học nước ngoài ở Việt Nam nói chung được đẩy mạnh, khá nhiều bản dịch tác phẩm của Lỗ Tấn, mà chủ yếu là các tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn và tạp văn đã xuất hiện. Năm 1952 có bản dịch truyện ngắn Con người cô độc của Giản Chi (3). Năm 1955 có các bản dịch Truyện ngắn Lỗ Tấn và Tạp văn Lỗ Tấn của Phan Khôi. Năm 1961 có bản dịch toàn bộ ba tập truyện Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại của Trương Chính (4). Năm 1963, Trương Chính còn tuyển dịch khoảng 150 bài tạp văn Lỗ Tấn in thành ba tập (5). Năm 1966 có Tuyển tập Lỗ Tấn của Giản Chi (6).
Trong số các bản dịch, chiếm số lượng nhiều hơn cả là bản dịch của hai dịch giả Trương Chính và Phan Khôi với phong cách hoàn toàn khác nhau. Phan Khôi (1887 - 1959) là một học giả có quan điểm dịch thuật rất gần với Lỗ Tấn. Với ông, dịch phẩm phải tuyệt đối bám sát nguyên bản, không được thêm bớt, hay đảo lộn trật tự các mệnh đề trước sau, để làm sao truyền đạt cho người đọc cả cách cảm, cách nghĩ, lối tư duy của con người dân tộc ấy. Ông không chấp nhận lối dịch “Việt hóa” ngôn từ cho dễ hiểu, dễ đọc. Lối “trực dịch” cố bám sát nguyên văn, sử dụng nhiều từ Hán và giữ nguyên cách nói của người Hán không khỏi khiến cho nhiều độc giả Việt Nam đương thời khó tiếp nhận. Trái lại, Trương Chính có phong cách dịch “thoát ý” mềm mại hơn. Học tập Đặng Thai Mai - người mà Trương Chính tâm sự, từng đưa lại cho bản thân ông “niềm hứng thú đọc Lỗ Tấn, rồi dịch Lỗ Tấn”, nhà nghiên cứu đề cao lối dịch: “cố gắng gần chừng nào hay chừng ấy” “cố giữ cho đúng cái điệu tâm hồn của Lỗ Tấn”, “lĩnh hội cho thấu nguyên ý của tác giả”, đồng thời “lựa chọn lời nói để dịch cho lưu loát” (7). Ông cho rằng, “cố bám sát nguyên văn” một cách máy móc “thì đố mà dịch cho hay được”, “bám sát nguyên văn đến nỗi câu văn của mình dở là sa vào hình thức chủ nghĩa”. Do đó, Trương Chính chủ trương “không lệ thuộc vào nguyên văn, hết sức tôn trọng nguyên ý của tác giả song cũng hết sức chú ý hành văn của mình”, chỉ “lĩnh hội tinh thần của nguyên văn, dựa vào nguyên văn mà lựa lời lột cái tinh thần ấy ra”, “hành văn phải hiện đại, theo đúng ngữ pháp của Việt Nam hiện đại. Có trường hợp phải thêm hay bớt một số từ, thêm cho rõ nghĩa, bớt cho khỏi rườm rà, trùng lặp. Có khi không lấy từ dịch từ mà lấy ngữ khí trong câu mà dịch”... Chính vì văn phong dịch thể hiện lối “hoạt”, “không câu chấp, không máy móc”, cho nên mặc dù đã rất cố gắng, các bản dịch của Trương Chính không tránh khỏi những thiếu sót, một số chi tiết không đảm bảo tính chính xác, hoặc bỏ sót, hoặc dịch ngược. Tuy nhiên, do sử dụng cách nói gần gũi, ngôn từ dễ hiểu, đáp ứng được trình độ thưởng thức của người tiếp nhận, các bản dịch của Trương Chính đã được đón nhận rộng rãi và được sử dụng phổ biến. Cho đến nay, Truyện ngắn Lỗ Tấn do Trương Chính dịch từ năm 1961 đã qua nhiều lần tái bản (năm 2000, 2004); nhiều tác phẩm trong tập truyện cũng đã được tuyển chọn lại và xuất bản nhiều lần.
Điều dễ nhận thấy là trước thập niên 70 của thế kỉ XX, tác phẩm của Lỗ Tấn được dịch ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào hai thể loại: truyện ngắn và tạp văn. Những tác phẩm được nhiều người dịch và tái bản nhiều lần nhất chủ yếu nằm trong hai tập Gào thét và Bàng hoàng. Điều này xuất phát từ nhu cầu tiếp nhận của độc giả Việt Nam trong giai đoạn xã hội lúc bấy giờ: cả dân tộc đang giương cao ngọn cờ đấu tranh cách mạng. Các nội dung tư tưởng mà Lỗ Tấn đề cập tới trong tác phẩm của mình, như: tinh thần triệt để chống lễ giáo phong kiến, chống chủ nghĩa giáo điều, phê phán tính chất nửa vời của cách mạng Tân Hợi, phê phán căn bệnh u mê, ngu muội của tầng lớp nông dân; sự yếu hèn, bạc nhược của tầng lớp trí thức… đều là những vấn đề mà người Việt Nam hết sức quan tâm. Thế giới nhân vật điển hình mà Lỗ Tấn xây dựng trong tác phẩm cũng phù hợp với thị hiếu, tầm đón đợi của độc giả Việt Nam, khiến nhiều thế hệ say mê, đắm đuối. Những thiên tạp văn của Lỗ Tấn - vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận văn học cũng có giá trị to lớn tác động mạnh mẽ tới lớp lớp thanh niên yêu nước Việt Nam đương thời.
Từ sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Lỗ Tấn vẫn tiếp tục được đón nhận ở Việt Nam. Các thể loại văn học khác của nhà văn (thơ, các công trình nghiên cứu) bắt đầu được các dịch giả dành cho sự quan tâm. Năm 1999, toàn bộ 75 bài thơ Lỗ Tấn sáng tác trải dài suốt thời gian từ năm 1900 - trước khi nhà văn du học Nhật Bản cho đến năm 1935 đã được nhà Hán học - Phan Văn Các dịch và chú giải công phu. Để độc giả tiện theo dõi, dịch giả có chú thích và khái quát hoàn cảnh ra đời, cũng như ý nghĩa của mỗi bài. Tập thơ đã được Nhà xuất bản Lao động - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây xuất bản năm 2002 (8). Tập thơ văn xuôi Cỏ dại của Lỗ Tấn cũng đã được các dịch giả: Diễn Châu, Phạm Thị Hảo, Trần Đình Sử quan tâm chọn dịch. Đặc biệt, nhờ hai dịch giả Lương Duy Tâm và Lương Duy Thứ, cuốn sách nghiên cứu Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc của nhà văn Lỗ Tấn lần đầu tiên cũng đã đến được với bạn đọc Việt Nam vào năm 2002.
2.2. Tiếp nhận Lỗ Tấn ở Việt Nam qua các công trình nghiên cứu
Có thể nói, hiếm có nhà văn nước ngoài nào ở Việt Nam như Lỗ Tấn, ngay sau khi có mặt khoảng hơn thập kỉ, đã có tới 4 tập sách giới thiệu và nghiên cứu. Trong đó, cuộc đời, con đường phát triển tư tưởng cũng như sự nghiệp sáng tác của nhà văn đã được giới thiệu khá đầy đủ, có hệ thống. Bên cạnh cuốn sách của Đặng Thai Mai là các cuốn: Lỗ Tấn, chủ tướng cách mạng văn hóa Trung Quốc (1958) của Lê Xuân Vũ; Lỗ Tấn, thân thế, tư tưởng, sáng tác (1960) của Lý Hà Lâm - Giáo sư của Đại học Nam Khai- Thiên Tân sang giảng chuyên đề tại Đại học Tổng hợp Hà Nội; Lỗ Tấn (1971) của Trương Chính. Sau này còn có Lỗ Tấn, nhà lí luận văn học (1977) của Phương Lựu. Nguyễn Hiến Lê còn tự xuất bản tập Văn học Trung Quốc hiện đại (1968) với nhiều trang viết dành cho Lỗ Tấn…
Nhìn tổng quan có thể thấy, các công trình nghiên cứu về Lỗ Tấn ở Việt Nam giai đoạn trước 1986 tương đối phong phú. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của dòng văn học chính thống của thời đại, việc nghiên cứu tác phẩm Lỗ Tấn giai đoạn này nặng về phương diện xã hội học. Xuất phát từ yêu cầu chống khuynh hướng hình thức chủ nghĩa, từ phương diện chính trị xã hội - một phương diện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn học của Việt Nam cũng như của Trung Quốc những năm trước thập niên 80 của thế kỉ XX, trong suốt một thời gian dài, phương pháp nghiên cứu tác phẩm Lỗ Tấn ở Việt Nam chủ yếu là phương pháp lịch sử xã hội truyền thống. Các nhà nghiên cứu, về cơ bản tập trung vào nội dung phản ánh hiện thực, hoặc dùng nghệ thuật để minh họa cho các nội dung xã hội. Nguyễn Vũ tìm hiểu “Lỗ Tấn, người chiến sĩ tiền phong đã đấu tranh không mệt mỏi để xây dựng nền văn học vô sản Trung Quốc” (10). Văn Ba viết “Về mấy nhân vật thanh niên trí thức trong tác phẩm của Lỗ Tấn” (11). Nguyễn Năm nghiên cứu “Ý nghĩa điển hình của hình tượng AQ” (12). Phương Lựu khai thác phương diện “Lỗ Tấn, cây bút phê bình lớn” (13). Trương Chính đi sâu vào vấn đề “cách mạng văn hóa” với các bài “Chú AQ và cách mạng Trung Quốc” (14) và “Lỗ Tấn trong cách mạng văn hóa Trung Quốc” (15)… Giai đoạn này tuy có xuất hiện một số bài tìm hiểu một số tác phẩm của nhà văn thuộc thể loại tạp văn và thơ, chẳng hạn: Văn Ba có bài “Chuyện cũ viết lại” (16); Nam Trân có bài “Lỗ Tấn, nhà thơ” (17), song trọng tâm nghiên cứu vẫn là thể loại truyện ngắn, mà chủ yếu là hai tập Gào thét, Bàng hoàng. Như đã nói ở trên, những nội dung lịch sử xã hội của hai tập truyện này như: vấn đề tuyên chiến chống phong kiến; vấn đề phê phán cách mạng tư sản; vấn đề nông dân và cách mạng nông dân; vấn đề số phận của người phụ nữ; vấn đề bi kịch của tầng lớp trí thức; vấn đề tha hóa của con người; vấn đề tính cách con người của giai cấp thống trị; vấn đề ý nghĩa điển hình của hình tượng nhân vật; vấn đề thế giới quan trong sáng tác… đều đã được khai thác ở mức độ đậm, nhạt khác nhau tùy thuộc vào phạm vi giới hạn của mỗi bài nghiên cứu.
Với một tác phẩm văn học, có nhiều cách tiếp cận. Cách tiếp cận sáng tác của Lỗ Tấn theo phương pháp xã hội học truyền thống không phải không có ý nghĩa và giá trị nhất định, nhất là trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam những năm nửa đầu thế kỉ XX. Song cách tiếp cận truyền thống cũng dễ dẫn đến chỗ “đóng khung chết cứng” một hiện tượng văn học vốn vô cùng phức tạp, từ đó có thể dẫn đến chỗ nắm bắt không trúng, không sắc cái “mạch ngầm” nằm sâu sau lớp vỏ ngôn từ. Ví như, việc cố gắng đem cái “khung” lí luận về phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa áp vào để nghiên cứu, rất dễ biến tác phẩm Lỗ Tấn trở thành những “sơ đồ” nhằm minh họa cho tư tưởng tác giả. Hoặc quy các tác phẩm Lỗ Tấn vào phương pháp sáng tác tả thực, điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực, trong khi tác phẩm của ông có cả yếu tố của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng… tất yếu sẽ dẫn tới những kết quả nghiên cứu thiếu tính khách quan. Sự sâu sắc trong nghiên cứu văn học, trên ý nghĩa nào đó, phụ thuộc vào sự lựa chọn, đổi mới góc độ và phương pháp nghiên cứu. Để không ngừng tìm được cái mới trong cái văn bản tưởng chừng như cố định, người nghiên cứu đòi hỏi có sự tìm tòi đổi mới “cách đọc”. Từ khi lí thuyết tiếp nhận xuất hiện, đề cao vai trò chủ thể của người đọc, việc nghiên cứu tác phẩm văn học dưới góc độ thi pháp học hiện đại đã đặt ra những vấn đề cần được quan tâm, nhiều nhà nghiên cứu đã có ý thức vận dụng phương hướng mới mẻ này trong đổi mới cách tiếp cận các sáng tác của nhà văn Lỗ Tấn.
Có thể nói, bắt đầu từ những năm 80 của thế kỉ XX, khi một số lượng lớn công trình lí luận văn học nước ngoài, đặc biệt là lí luận văn học phương Tây được giới thiệu ở Việt Nam, cung cấp những vấn đề lí luận mới mẻ, gợi mở các hướng đi mới cho nghiên cứu văn học nói chung, phương pháp nghiên cứu tác phẩm Lỗ Tấn trên cơ sở đề cao tính nội tại, mổ xẻ nhằm kiếm tìm những bộ phận cấu thành toàn bộ tác phẩm, ngày càng được tăng cường vận dụng. Nhiều công trình trên cơ sở tiếp thu kiến thức lí luận mới, vận dụng tìm hiểu sáng tác Lỗ Tấn đã có được những kiến giải sâu sắc. Có thể thấy, tác phẩm Lỗ Tấn giai đoạn này được nghiên cứu toàn diện hơn so với giai đoạn trước. Trên phương diện nội dung, bức tranh hiện thực của xã hội Trung Hoa thời Lỗ Tấn - một xã hội cũ kĩ, già nua với bản chất “ăn thịt người”, trong đó có những con người u mê, chưa thức tỉnh; một xã hội với những biến động hết sức phức tạp, với cuộc cách mạng Tân Hợi nửa vời, với những con người muốn “nổi loạn” chống đối song bất lực, những con người quẩn quanh trên hành trình gian khổ “tìm đường”… đều đã được các nhà nghiên cứu quan tâm lí giải. Những thành tựu về phương diện nghệ thuật: cách thức xây dựng nhân vật; bút pháp hiện thực, lãng mạn, tượng trưng, biểu hiện; sức quyến rũ của văn phong Lỗ Tấn: chất u mua, châm biếm, trữ tình, truyền cảm… cũng được phân tích và minh chứng đầy đủ. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đều nhất trí khẳng định tinh thần đổi mới cách viết, những đóng góp tích cực của Lỗ Tấn với vai trò là người mở đường của văn học hiện đại Trung Quốc.
Như vậy, giai đoạn từ năm 1986 đến nay đánh dấu nhiều thành tựu trong nghiên cứu Lỗ Tấn. Bên cạnh việc tiếp tục tìm hiểu các vấn đề mang tính nội dung xã hội, ngày càng có nhiều công trình khám phá các khía cạnh khác nhau thuộc về phương diện nghệ thuật thể hiện của nhà văn. Đi theo hướng đổi mới phương pháp nghiên cứu, những vấn đề cụ thể của thi pháp học hiện đại như: tổ chức kết cấu, nghệ thuật tạo tình huống truyện, hệ thống nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật, nghệ thuật trần thuật… đều đã được các nhà nghiên cứu dành cho sự quan tâm thỏa đáng. Chẳng hạn, xoay quanh vấn đề thi pháp nhân vật, theo tập hợp sơ bộ của chúng tôi, có không dưới 10 công trình (gồm các bài viết, luận án, luận văn) đặt vấn đề tìm hiểu. Các kiểu loại nhân vật không chỉ được tìm hiểu theo quan niệm chỉ dẫn của lí luận văn học như nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm, nhân vật chức năng, nhân vật tư tưởng, nhân vật loại hình… mà còn được hiểu theo các “khái niệm mở”: nhân vật dị dạng, nhân vật bất bình thường, nhân vật cô đơn, nhân vật tâm trạng, nhân vật đám đông… Trong các công trình tiếp cận truyện ngắn Lỗ Tấn theo hướng thi pháp học hiện đại, đáng kể là hai công trình Thi pháp truyện ngắn Lỗ Tấn của Lê Huy Tiêu (Luận án PTS Ngữ văn, 1988) và Mấy vấn đề thi pháp Lỗ Tấn và việc giảng dạy Lỗ Tấn ở trường phổ thông của Lương Duy Thứ (1992). Trên cơ sở đối sánh với các tác phẩm tự sự truyền thống, Lê Huy Tiêu đã phân tích làm nổi bật “cách dẫn truyện mới mẻ, không những các nhà văn cổ, mà những nhà văn đồng thời cũng chưa biết đến” (18). Còn Lương Duy Thứ, trong công trình nghiên cứu của mình cũng đã đề cập tới nhiều phương diện khác nhau của truyện ngắn Lỗ Tấn, đồng thời khẳng định: “Về mặt thi pháp, Lỗ Tấn rất dân tộc mà lại rất hiện đại… Có một thi pháp Lỗ Tấn và đó cũng là thi pháp của văn học Trung Quốc thế kỉ XX. Nó đậm đà màu sắc Trung Quốc nhưng cũng rất hiện đại, tương thông với trào lưu hiện đại thế giới” (19).
Ở giai đoạn này, ý thức nghiên cứu tác phẩm Lỗ Tấn trong cái nhìn so sánh được đặt ra đã lâu (qua những gợi ý của thế hệ trước như Đặng Thai Mai, Trương Chính, Nguyễn Tuân…) theo thời gian vẫn tiếp tục được khơi dòng. Tiêu biểu có các bài nghiên cứu của Phạm Tú Châu- “Đôi điều so sánh giữa Chí Phèo và AQ” (20); của Trần Lê Bảo- “Những người khốn khổ trong tác phẩm của Victor Hugo và Lỗ Tấn” (21)… Đặc biệt, giai đoạn này cũng có sự mở rộng phạm vi nghiên cứu so với giai đoạn trước. Một số tác phẩm của Lỗ Tấn mà trước đây các nhà nghiên cứu chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu thì gần đây đã được chú ý tới. Chẳng hạn tập thơ văn xuôi Cỏ dại - một hiện tượng hết sức độc đáo đương thời - đã được Trần Đình Sử dịch và phân tích ý nghĩa tượng trưng của các hình tượng nghệ thuật (22). Nguyễn Thị Mai Chanh cũng đặt vấn đề tìm hiểu yếu tố siêu thực và hiện sinh trong tác phẩm này (23). Bên cạnh việc làm nổi bật sự đổi mới mô hình tự sự qua chuyên luận Nghệ thuật tự sự của Lỗ Tấn qua hai tập truyện ngắn Gào thét và Bàng hoàng (2010), Nguyễn Thị Mai Chanh tiến hành tìm hiểu vấn đề huyền thoại và giễu nhại trong tập Chuyện cũ viết lại (24) - tập truyện cũng mang cách thức thể hiện vô cùng mới mẻ, qua đó thêm một lần minh chứng cho phong cách sáng tác đa dạng của nhà văn Lỗ Tấn, khẳng định những đóng góp của ông trong tiến trình phát triển của văn học Trung Quốc.
3. Kết luận
Tiếp nhận văn học là xu hướng nghiên cứu chiếm ưu thế trong nghiên cứu văn học hiện nay. Đó là chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa đa dạng trên toàn thế giới, là phương tiện để những giá trị văn hóa lan tỏa toàn cầu. Việc nghiên cứu sự tiếp nhận nền văn học Trung Quốc nói chung, sáng tác của nhà văn Lỗ Tấn nói riêng ở Việt nam đã được tiến hành từ lâu, nhưng vẫn cần có nhiều thêm nữa những công trình công phu, mới mẻ. Như chúng ta đã biết, tác phẩm văn học không phải là sản phẩm cố định, tồn tại khép kín. Đó là một thế giới mở và luôn luôn động, đúng như nhà triết học Balan - R. Ingarden từng quan niệm: mọi tác phẩm văn học đều dang dở, luôn đòi hỏi sự bổ sung mà không bao giờ đạt tới giới hạn cuối cùng bằng văn bản. Vốn được coi là sản phẩm cuối cùng của sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, nhưng văn bản, tự nó chưa trở thành tác phẩm văn học với ý nghĩa hoàn chỉnh. Điều kiện để một sáng tác trở thành tác phẩm là sáng tác ấy phải có giá trị văn học, mà giá trị văn học chỉ có thể hình thành thông qua sự “gặp gỡ” giữa người đọc và tác phẩm. Chỉ khi được tiếp nhận, quá trình sáng tạo của nhà văn mới thực sự hoàn tất. Nói tác phẩm văn học không tĩnh mà động, không bao giờ đứng yên, không đồng nhất với chính nó là vậy. Như các loại hình nghệ thuật khác, chẳng hạn bức tranh chỉ tồn tại khi người ta xem nó; bản nhạc chỉ có ý nghĩa khi người ta say sưa thưởng thức nó…; tác phẩm văn học cũng chỉ có được đời sống thực sự khi được tiếp nhận. Tuy nhiên, mọi giá trị đều mang tính lịch sử, ở mỗi giai đoạn khác nhau, gắn với tư tưởng thời đại và các xu hướng đổi mới nghiên cứu, gương mặt đời sống tiếp nhận đối với mỗi hiện tượng văn học mang những đặc điểm riêng. Khác với lịch sử tiếp nhận Lỗ Tấn ở Trung Quốc nói chung có nhiều vấn đề hết sức phức tạp (có thời kì ông được suy tôn, biến thành thần tượng, được coi là “thánh nhân”, tác phẩm được đề cao quá mức; lại có thời kì trở thành đối tượng “phản tư” gay gắt), ở Việt Nam, trước sau Lỗ Tấn đều được trân trọng, tác phẩm của ông được dịch ngày càng nhiều và được tái bản nhiều lần, truyện ngắn của ông vẫn được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường. Có thể nói, Lỗ Tấn vẫn là gương mặt không thể thay thế, đại diện cho nền văn học Trung Quốc.
Tài liệu tham khảo
(1) Đặng Thai Mai, Lỗ Tấn - Thân thế, văn nghệ, Nxb Thời đại, 1944.
(2) Đặng Thai Mai, Xã hội sử Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, H. 1994, tr. 331.
(3) Lỗ Tấn, Con người cô độc (Giản Chi dịch), Nxb Thế giới, 1952.
(4) Lỗ Tấn, Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại (Trương Chính dịch), Nxb Văn hóa, 1961.
(5) Lỗ Tấn, Tạp văn Lỗ Tấn (Trương Chính dịch), Nxb Văn hóa thông tin, 1963.
(6) Lỗ Tấn, Tuyển tập Lỗ Tấn (Giản Chi dịch), Nxb Cảo Thơm, 1966.
(7) Trương Chính, “Mấy ý kiến về dịch Lỗ Tấn”, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 4, 1996, tr. 219-224.
(8) Lỗ Tấn, Thơ Lỗ Tấn (Phan Văn Các dịch), Nhà xuất bản Lao động- Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2002.
(9) Lỗ Tấn, Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc (Lương Duy Tâm, Lương Duy Thứ dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
(10) Nguyễn Vũ, “Lỗ Tấn, người chiến sĩ tiền phong đã đấu tranh không mệt mỏi để xây dựng nền văn học vô sản Trung Quốc”, Nghiên cứu văn học, (7), 1961, tr. 51- 65.
(11) Văn Ba, “Về mấy nhân vật thanh niên trí thức trong tác phẩm của Lỗ Tấn”, Nghiên cứu văn học, (168), 1961, tr. 12.
(12) Nguyễn Năm, “Ý nghĩa điển hình của hình tượng AQ”, Tạp chí Văn học, (10), 1964, tr. 65.
(13) Phương Lựu, “Lỗ Tấn, cây bút phê bình lớn”, Tạp chí Văn học, (10), 1968, tr. 78- 89.
(14) Trương Chính, “Chú AQ và cách mạng Trung Quốc”, Tạp chí Văn học, (4), 1979, tr. 86.
(15) Trương Chính, “Lỗ Tấn trong cách mạng văn hóa Trung Quốc”, Tạp chí Văn học, (2), 1981, tr. 109- 115.
(16) Văn Ba, “Chuyện cũ viết lại”, Tạp chí Văn học, (4), 1961, tr. 64- 68.
(17) Nam Trân, “Lỗ Tấn, nhà thơ”, Tạp chí Văn học, (10), 1966, tr. 84.
(18) Lê Huy Tiêu, Thi pháp truyện ngắn Lỗ Tấn, Luận án PTS Ngữ văn, 1988, tr. 79.
(19) Lương Duy Thứ, Mấy vấn đề thi pháp Lỗ Tấn và việc giảng dạy Lỗ Tấn ở trường phổ thông, Trường Đại học Sư phạm Huế, 1992, tr. 17.
(20) Phạm Tú Châu, “Đôi điều so sánh giữa Chí Phèo và AQ”, Tạp chí Văn học, (1), 1992, tr.44.
(21) Trần Lê Bảo, “Những người khốn khổ trong tác phẩm của Victor Hugo và Lỗ Tấn”, Tạp chí Văn hoc, (6), 2002, tr. 95.
(22) Trần Đình Sử, “Đọc lại Cỏ dại của Lỗ Tấn”, Tạp chí Sông Hương, (10), 2004, tr. 59- 62.
(23) Nguyễn Thị Mai Chanh, “Siêu thực và hiện sinh trong tập thơ văn xuôi Cỏ dại của Lỗ Tấn”, Nghiên cứu Văn học, (9), 2011, tr. 65- 73.
(24) Nguyễn Thị Mai Chanh, “Nhân vật huyền thoại trong Chuyện cũ viết lại của Lỗ Tấn”, Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, (6), 2012, tr. 9- 16; “Giễu nhại - một phương thức thể hiện cảm hứng phê phán trong Chuyện cũ viết lại của Lỗ Tấn”, Nghiên cứu Văn học, (5), 2013, tr. 59 - 66.
(Tác giả: Nguyễn Thị Mai Chanh
Bài đã đăng trên Tạp chí东吴学术, 中国,北京 (ISSN 1674-9790), 29(4), 2015, tr. 86-90,109 soochow.academic.cslg.edu.cn)