Văn học nước ngoài

Những ảnh hưởng và sáng tạo trong văn xuôi của Puskin


16-10-2020
Tác giả: TS. Thành Đức Hồng Hà

Đối với ông, đây là thể loại phù hợp nhất để phán ánh mọi mặt của cuộc sống xã hội một cách đầy đủ, cụ thể, đa dạng và thu hút nhiều độc giả ở mọi tầng lớp.

 

Puskin đến với thể loại văn xuôi khá muộn. Đối với ông, đây là thể loại phù hợp nhất để phán ánh mọi mặt của cuộc sống xã hội một cách đầy đủ, cụ thể, đa dạng và thu hút nhiều độc giả ở mọi tầng lớp. Đến đầu những năm 20 của thế kỉ XIX, cùng với sự phát triển rực rỡ của thơ ca, câu hỏi về số phận văn xuôi trở nên cấp bách. Chính thời gian này, Puskin càng suy nghĩ nhiều hơn về con đường phát triển văn xuôi của văn học Nga. Ông cũng dần dần tin rằng thơ ca Nga bắt đầu cạn kiệt mọi dữ trữ mà những nhà thơ của thế kỉ XVIII đã từng có. Sự trau chuốt về ngôn từ trong thơ ca không làm thỏa mãn nhu cầu độc giả nữa, xuất hiện nhu cầu về sử dụng ý nghĩa “vật thể” đã khiến Puskin không muốn mở ra con đường phát triển tiếp cho thơ ca. 

Cũng vào thời gian này, Puskin bắt đầu làm quen với những tác phẩm của Shasepeare, và có thể yêu thích những tác phẩm đó từ khi còn học trong trường Lixê qua những bài giảng của thầy A.I.Galich, người đã nói và viết về Shasepeare; tình yêu đối với nhà thơ – nhà văn Anh Bairơn; qua chuyến đi đày về phương Nam và cuộc nói chuyện với tướng Raiepxki. Sự ảnh hưởng của Bairơn đến sớm hơn Shasepeare, nhưng dần dần: “Cuộc cách mạng miền nam, bài thơ tự do về biển, sự say mê Bairơn đã lùi xa. Trong sâu thẳm nước Nga, trong nòi giống của chính mình, Puskin xa dần vì sự nô lệ bình yên của nàng quí tộc  đau khổ Gêôrgi” [1,232] và bắt đầu chuyển hướng sang vấn đề khác, sau bài học chống lãng mạn. Bi kịch  Shasepeare  và Lịch sử nhà nước Nga của Caramzin đưa tới cái nhìn mới cho Puskin về tự do, nhà nước và tôn giáo. Cuối tháng 6 năm 1825 Puskin viết gửi N.N.Raiepxki từ Mikhailôpxcôie: “Shasepeare là con người nào vậy ! Tôi phát điên lên mất. Rất nhỏ mọn khi so sánh ông với Bairơn – diễn viên bi kịch ”[2,235] 

Puskin nhận thấy, Shasepeare chiến thắng những nhà lãng mạn ở chỗ miêu tả hiện thực cuộc sống và con người tự nhiên và chân thực, đa dạng mọi mặt và mâu thuẫn của tính cách. Và ông cho rằng Shasepeare là người thầy trong thể loại kịch. Thời gian này ông đã kịp đọc mọi tác phẩm, trường ca và cả những bản xônát.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự ảnh hưởng của Shasepeare thể hiện rất rõ trong bài thơ Con dao (1821). Puskin đã viết trong nhật kí của mình: “Khi đọc Shasepeare và Biblia, đôi khi tôi cảm thấy tâm hồn sáng rõ, nhưng tôi thích đọc Gớt và Shasepeare. – Bạn có muốn biết, tôi sẽ làm gì – viết những khổ thơ hỗn tạp của trường ca lãng mạn – và mang tới giờ học những …trắng. Ở đây người Anh, điếc triết học, người duy nhất thông minh …, mà tôi đã gặp. Ông viết hơn 1000 trang để chứng minh ……, hủy diệt những chứng cớ yếu đuối về một tâm hồn bất diệt. Hệ thống đó không chỉ rút gọn như chúng ta nghĩ , mà  rất tiếc còn thuận tiện hơn nhiều” [3,34]. Đây là những dòng đầu tiên chứng tỏ sự say mê của Puskin đối với những tác phẩm của Shasepeare. Và cũng từ thời điểm đó Puskin bắt đầu nghiên cứu Shasepeare. Trong tiểu thuyết bằng thơ Epghênhi Ônêghin, ở khổ thơ XXXVII chương 2, Puskin đã trích dẫn tiếng kêu của Hămlét trước lão hề già “Iorích tội nghiệp”:

Nơi đất khách bao năm trời xa vắng,

Lenxki nay được trở về nhà.

Chàng vội đến thăm ngôi mồ yên lặng

Rồi thở dài, thương tiếc nhớ ông ta

Và buồn bã một hồi lâu như thế

“Iorích tội nghiệp”- chàng kêu lên khe khẽ.

Các tác phẩm của Shasepeare có ảnh hưởng rất lớn tới Puskin và ông nghĩ rất nhiều tới vấn đề lịch sử nước Nga, mối quan hệ giữa chính quyền chuyên chế và tầng lớp nhân dân nghèo bị áp bức, tội ác và hình phạt, tình yêu và hận thù trong mọi phương diện cuộc sống. Puskin đọc đi đọc lại những tác phẩm như Hămlét, Mácbét, Richac III . Ông nhận thấy dù ở giai cấp nào: tư bản hay chính quyền chuyên chế đều có những mặt trái ghê tởm, những bi kịch trong cuộc sống, bóng dáng cái xã hội Nga một vài thế kỉ trước trong tác phẩm của Shasepeare. Dấu vết của sự ảnh hưởng đó chúng ta có thể tìm thấy trong những tác phẩm cuối đời của ông.

Cuối năm 1824, Puskin đã đặt ra nhiệm vụ cho mình là xây dựng một tác phẩm bi kịch nhân dân Nga. Và tác phẩm bi kịch lịch sử Bôrít Gôđunốp, Bá tước Nulin là những tác phẩm kịch có ảnh hưởng lớn từ Shasepeare. Khi tác phẩm Bôrít Gôđunốp ra đời, Bêlinxki đã viết trong bài báo Phân chia thơ thành thể loại và kiểu: “đó là sự sáng tạo, xứng đáng đứng vị trí đầu tiên sau những tác phẩm kịch của Shasepeare”[4]. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận thấy một số môtíp và cảnh có sự trùng hợp với tác phẩm Những người điên. X.Timôfêep chú ý tới độc thoại của Bôrít khi lên ngôi và lời nói của vị vua đã mất với hoàng tử Phêđor có sự ảnh hưởng của cảnh lựa chọn vua của Richac III và độc thoại của Henric IV. Cả Puskin và Shasepeare đều viết về lịch sử đất nước, nhưng Puskin cũng rất sáng suốt và lựa chọn những bài học rút ra từ những tác phẩm của Shasepeare khi sử dụng vào trong tác phẩm của mình, thậm chí ông mô phỏng theo cốt truyện của Shasepeare. Tuy nhiên, Puskin vẫn cố gắng xây dựng tác phẩm của mình một cách tự chủ theo tư tưởng và mối quan hệ văn học. Một trong những điểm khác biệt trong tác phẩm của Puskin và Shasepeare là Puskin miêu tả lịch sử đất nước Nga, đặc biệt là nhân dân một cách chân xác  nhất. Phải là một người hiểu rất rõ vị trí nhân dân đối với số phận dân tộc, với đất nước Nga thì mới viết được như vậy. Chính điều này Shasepeare không viết được một tác phẩm kịch nào mà trong đó nhân dân đóng vai trò quyết định trong sự phát triển âm mưu lịch sử của tác phẩm. Mặc dù sự diễn giải văn học các dữ kiện lịch sử của Shasepeare và Puskin không trùng khớp vì cách nhau hàng nghìn năm lịch sử, nhưng chính Puskin là người có công trong việc phục hồi và xây dựng lại nguyên tắc kịch của Shasepeare trong Bôrít Gôđunốp. Tác phẩm trở thành một trong những nấc thang đấu tranh của toàn Châu Âu vì kịch hiện thực, vì kịch lịch sử nhân dân.

Dựa trên cốt truyện tình yêu và hận thù trong kịch của Shasepeare, Puskin đã xây dựng nên những tác phẩm văn xuôi của mình. Tác phẩm văn xuôi đầu tiên của Puskin Người da đen của Vua Piốt Đại đế được sáng tác năm 1827, tuy tác phẩm chưa hoàn thành nhưng chúng ta cũng nhận thấy cội nguồn của mọi ý tưởng và cảm nhân của tác giả dựa trên toàn bộ lịch sử tình yêu của nàng Desdemona và chàng Otello. Đặc biệt là tác phẩm Cô tiểu thư nông dân trong Tập truyện Benkin (1830) của Puskin và tác phẩm Rômêô và Juliet của Shasepeare thể hiện rất rõ cốt truyện này, tuy bối cảnh của hai tác phẩm ở hai thời đại khác nhau, nhưng cái quan trọng là hướng giải quyết vấn đề của hai tác giả hoàn toàn khác nhau. Nếu cốt truyện Rômêô và Juliet của Shasepeare dựa trên một cốt truyện có thật xảy ra ở Italia thời Trung cổ thì Cô tiểu thư nông dân dựa trên sự hư cấu của Puskin. Cả hai câu chuyện đều viết về tình yêu, nhưng ẩn đằng sau đó là sự phê phán xã hội đầy rẫy những bất công và oan trái, khát vọng thay đổi xã hội và cuộc sống của con người. Cả hai tác phẩm đều đề cập tới tình yêu chân thành, trong sáng, thủy chung của đôi trai gái nhưng để đến cái kết của tình yêu thì mỗi nhà văn giải quyết theo các hướng khác nhau với mục đích khác nhau phụ thuộc vào quan điểm, cái nhìn của mỗi nhà văn. 

Rômêô và Juliet yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Tình yêu đã làm thay đổi con người họ và đem lại sức mạnh chiến thắng hận thù. Họ đã vượt lên mọi xung đột và mâu thuẫn giữa hai dòng họ trâm anh thế phiệt của thành Vêrôna, bỏ qua mọi lễ giáo phong kiến để đến với nhau.  Thế kỉ XVI là thế kỉ có sự mâu thuẫn, giao tranh gay gắt giữa hiện tại và quá khứ, giữa cái mới và cái cũ. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới bi kịch tình yêu của hai bạn trẻ. Thực chất mối thù truyền kiếp của hai dòng họ Montaghiu và Capiuliét đã có từ xa xưa và người ta đã quên không còn nhớ nguyên nhân là vì sao. Cả hai dòng họ đều cố gắng giảng hòa nhưng không thể được vì vẫn còn những còn người mang tư tưởng hận thù như Tibân. Tibân đại diện cho cái cũ, sự dốt nát. Nỗi hận thù ấy lan nhanh đến cả những người hầu trong gia đình Juliet. Ngay cả ông Capiuliet, người mong muốn hòa giải, can ngăn Tibân không trả thù nữa thì lại mang nặng tư tưởng phong kiến đối với con cái: bố mẹ đặt đâu con ngôi đấy. Chính vì thế, ông bố Juliet quyết định gả con gái cho Parit không cần hỏi  ý kiến cô. Juliet quyết không lấy Parít. Để đến với tình yêu đích thực của mình cô đã uống thuốc ngủ tự tử. Khi nhìn thấy người yêu nằm trong hầm mộ, Rômêô tưởng cô đã chết và cũng tự tự theo. Juliet là một hình tượng nhân vật nổi loạn trong văn học thời Phục hưng. Hình tượng Juliet đã thể hiện rất rõ cuộc đấu tranh chống lại chế độ cũ, tàn dư của chế độ phong kiến, vươn lên xây dựng chế độ mới phát triển và tiến bộ hơn. Tình yêu của họ là minh chứng cho khát vọng vào tương lai, niềm tin và hi vọng. Tình yêu đó đã xóa bỏ hận thù giữa hai dòng họ và đem lại cái nhìn mới về tình yêu. Tác phẩm của Shasepeare mang giá trị nhân văn cao cả: phê phán chế độ phong kiến và đề cao quyền sống của con người.

Cô tiểu thư nông dân của Puskin lại không mang cái kết cục tình yêu bi thảm như vậy. Câu chuyện tình yêu của họ bắt đầu bằng sự tò mò của Lida về Alếchxây – con trai người chủ láng giềng. Để tìm hiểu về con người này, Lida đã hóa trang thành cô thôn nữ quê mùa và lấy tên là Akulina. Họ gặp nhau và làm quen trong khu rừng giữa hai gia đình. Thời gian trôi đi và họ yêu nhau lúc nào không biết. Tình yêu khiến cho họ thay đổi và trở nên trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Nhưng chính trong lúc này cả hai bạn trẻ đều nghĩ tới mối mâu thuẫn giữa hai gia đình. Mối hiềm bất hòa đó xuất phát từ quan điểm sống của mỗi gia đình. Ông bố của Alếchxây luôn xây dựng cuộc sống theo truyền thống của dân tộc mình và rất tự hào về điều đó. Còn ông bố của Lida lại sống theo phong cách của người Anh, từ xây nhà, làm trang trại cho đến thuê một gia sư người Anh cho con gái mình. Ai cũng nghĩ rằng mình là người sáng suốt nhất, thông minh nhất, họ luôn mồm chê bai nhau. Lida và Alếchxây đều phải suy nghĩ. Lida là người hiểu rất rõ mối hiềm khích giữa hai gia đình và không dám hi vọng đến sự hòa giải. Alếchxây lại nghĩ đến sự cách biệt về vị trí xã hội giữa anh và cô thôn nữ nghèo Akulina. Tuy nhiên, mối bất hòa đó đã tự thân nó được hòa giải. Cả hai lão làng giềng hòa giải không phải xuất phát từ lương tâm chính mình mà họ nghĩ vì đồng tiền. Đây là vấn đề mà Puskin muốn chỉ ra bản chất của những quí tộc tư sản Nga. Trong thâm tâm của họ chỉ là đồng tiền. Ta hãy xem họ nghĩ về nhau như thế nào: “Tình quen biết mới đây giữa Ivan Petơrôvích Bêrêxtốp và Grigôri Ivanôvích Murômxki ngày thêm thắt chặt, và chẳng bao lâu trở thành người bạn thân thiết. Số là Murômxki thường vẫn nghĩ rằng hễ Ivan Petơrôvích qua đời thì tất cả tài sản sẽ chuyển sang tay Alếchxây, và như thế là Alếchxây sẽ trở thành một kẻ giàu có nhất trong tỉnh, và không có lí do gì lại không gả Lida cho chàng ta. Về phía mình cũng thế, lão già Bêrêxtốp tuy có nhận thấy lão láng giềng của mình cũng cò dồ dại ít nhiều (hay nói theo lời của lão ta, là mắc bệnh sùng Anh ngu ngốc). Nhưng cũng không phủ nhận lão này có nhiều phẩm chất đặc biệt, chẳng hạn như cái tài tháo vát hiếm có; Grigôri là người có họ gần với bá tước Prônxki, một người quyền quí và có thế lực, bá tước sẽ có thể giúp ích rất nhiều cho Alếchxây, và chắc hẳn là Murômxki (theo như Ivan Petơrôvích nghĩ) sẽ vui mừng khi thấy có dịp gả con gái một cách có lợi…”[6,107]. Đối với Lida, trò đùa, tính tò mò của mình đã làm câu chuyện tình trở nên phức tạp hơn, và cô không dám nói thật với Alếchxây vì sợ anh đánh giá về hạnh kiểm, tính nết, và sự chín chắn. Còn Alếchxây, khi ông bố bắt cưới con gái nhà hàng xóm, đã phán đối gay gắt vì quan niệm tình yêu của anh khác xa với ông bố. Nếu ông bố không cần đến tình yêu trong hôn nhân thì Alếchxây lại cảm nhận thấy tình yêu là tất cả. Alếchxây đã quyết định bỏ lại tất cả để đến được với tình yêu của mình, với Akulina xinh đẹp và đáng yêu.

 Puskin cũng như Shasepeare đã đấu tránh xóa bỏ quan niệm cũ và đưa quan niệm mới vào trong văn học. Kết thúc tác phẩm Cô tiểu thư nông dân là kết thúc mở, khi Alếchxây quyết tâm đến nhà Lida để chối từ hôn ước đó và ở đây anh đã gặp được Akulina của lòng mình. So với Rômêô và Juliét kết thúc Cô tiểu thư nông dân có hậu. Đó là hướng giải quyết mới của Puskin dựa vào cái nhìn nhân hậu của con người Nga từ xa xưa và kế thừa tư tưởng khai sáng của nền văn học Pháp TKXVIII.

Ngoài ra, trong tác phẩm Ông chủ hiệu đám ma của mình, Puskin đã gợi cho chúng ta nhớ cảnh người đào huyệt mộ trong tác phẩm Hămlét, nhưng sự liên tưởng này xuất hiện trong quá trình đọc những vở kịch mới của Shasepeare và tác phẩm Cô dâu Lammêrmurxcaia của W.Xcott: “Độc giả có học thức cao rộng chắc cũng biết rằng Sêchxpia và Uôntơ Scốt đã tả những phu đào huyệt là những con người vui tính và hay bông đùa” [6,74]. 

Như vậy, sự ảnh hưởng Shasepeare tới quá trình sáng tác của Puskin là rất lớn. Puskin đã rút ra những kinh nghiệm viết văn của mình và bộc lộ những cái nhìn mới, những quan điểm tư tưởng của mình vào tác phẩm.

W.Xcott, nhà tiểu thuyết lịch sử người Anh, cũng có ảnh hưởng đến sáng tác của Puskin. Ở phương tây những năm đầu thế kỉ XIX là thời kì phát triển rực rỡ trong sự nghiệp sáng tác của Xcott. Các tác phẩm của ông gây nên một làn sóng trong văn học thế giới, không chỉ có ảnh hưởng tới nền văn học nói riêng, mà còn đến khoa học lịch sử nói chung. Sau W.Xcott về thể loại tiểu thuyết lịch sử bắt đầu có những nhà văn tên tuổi của nền văn học phương tây như Víchto Huygô, Xtăngđa, Merime. Nhiều nhà văn đã mô phỏng theo tiểu thuyết W.Xcott như Ph.Cuper – nhà văn Mĩ, A.Manzoni – nhà văn Ý, và muộn hơn một chút là nhà văn Pháp Banzắc. Ở nước Nga các nhà văn cũng bắt đầu quan tâm và say mê các tác phẩm của Xcott. Những tác phẩm dịch của ông xuất hiện năm 1820. Tờ báo Điện tín Matxcơva đã nhận xét: “Công chúng say mê tiểu thuyết của thế kỉ…Khi tìm hiểu lịch sử của nước khác, người Nga muốn nhìn và biết về mình”[5]. Puskin đánh giá cao những tiểu thuyết của Xcott. Puskin cũng chịu ảnh hưởng cốt truyện của Xcott và cách viết lịch sử trong quá khứ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ông đã mô phỏng cốt truyện của Xcott vào tác phẩm Người con gái viên đại úy. Tổng hợp những nghiên cứu lịch sử  và những hư cấu của Puskin trong  Người con gái viên đại úy, người đọc dễ dàng nhận thấy tác giả phán ánh số phận gia đình quí tộc trước cuộc khởi nghĩa nhân dân. Số phận bi kịch của những gia đình quí tộc dường như mang tính chất điển hình trong giai đoạn cuộc khởi nghĩa nhân dân chống lại chế độ chuyên chế. Tác phẩm, theo như Puskin nói: “tiểu thuyết lịch sử  không bạo lực đi vào trong khuôn khổ chung của nguồn gốc lịch sử”. Vai trò của phát triển nhân dân và những xung đột xã hội mở ra trong Người con gái viên đại úy sâu sắc hơn trong tác phẩm của V.Xcott. Trong tiểu thuyết của mình, V.Xcott say mê miêu tả không gian, mà truyền tải màu sắc địa phương. Một trong những nhân vật Puskin trong Tiểu thuyết bằng thơ đã nói: “Tôi tìm thấy những trang sách thừa trong V.Xcott”. Tất nhiên, đây là suy nghĩ của chính tác giả. Puskin rất hiểu việc cần thiết đưa màu sắc địa phương vào trong tác phẩm, nhưng điều đó đóng vai trò thứ yếu. Ông không thích sử dụng nó như hiệu ứng tiểu thuyết. Quan trọng đối với Puskin là xây dựng tính cách nhân vật, điển hình cho thời đại đó. Một điểm quan trọng nữa là tác phẩm Người con gái viên đại úy về dung lượng chỉ bằng một phần năm một cuốn tiểu thuyết năm tập của Xcott nhưng phong cách truyện kể của Puskin ngắn gọn, súc tích. 

Ngoài Shasepeare, V.Xcott,  Puskin cũng sử dụng những cốt truyện của các nhà văn khác nhưng có sự thay đổi đáng kể về nhân vật, những chi tiết mới, hướng sự chú ý của người đọc đến hướng mới của cốt truyện như Bão tuyết ảnh hưởng của nhà tiểu thuyết Washingtơn Irvin – Chú rể và bóng ma; Roxlavliep gần với tiểu thuyết Roxlavliep, hay Nước Nga năm 1812 của M.Zagôxkina. Ông nhìn thấy trong tác phẩm một sự kiện vĩ đại của lịch sử mới. Tuy nhiên, tác phẩm này khiến cho ông không hài lòng sự xuyên tạc tình huống lịch sử cuộc chiến tranh năm 1812, đặc biệt nhân dân đóng vai trò thứ yếu (khác hẳn với L.Tolstoy trong Chiến tranh và hòa bình, lấy hình tượng nhân dân làm xương sống cho cốt truyện của mình). Puskin không tìm thấy sự thực trong tác phẩm của Zagôxkina và trong Roxlavliep của mình Puskin, nhân dân được xây dựng với hình tượng hoàn toàn khác. Trong lúc quân địch xâm chiếm, trong lúc nước sôi lửa bỏng, “nhân dân hừng hực sát khí. Những kẻ hay cợt nhả trong giới thượng lưu đã bớt khua môi múa mép, các cô các bà hoảng hốt cả lên…Mọi người đều lấy làm hối hận rằng đã nói tiếng Pháp, ai cũng nói đến Pogiarxki và Minin. Họ bắt đầu thuyết giáo về cuộc chiến tranh nhân dân, trong khi sửa soạn chuyển về miền nông thôn Xaratốp ở lâu dài”[5,116-117]. Vai trò của nhân dân trong cuộc chiến tranh năm 1812 đã được Puskin miêu tả sáng rõ trong sự đối lập với tinh thần yêu nước giả tạo của đại bộ phận quí tộc Nga hèn nhát. Chỉ có một bộ phận rất nhỏ tầng lớp thanh niên tiến bộ Nga là có tinh thần yêu nước được Puskin phán ánh qua hình tượng Polina – một cô gái dũng cảm, yêu nước nồng nàn, hiểu rất rõ và đánh giá cao những hi sinh, những chiến công của nhân dân vì độc lập cho Tổ quốc. Puskin xây dựng nhân vật điển hình của người phụ nữ Nga đầu thế kỉ XIX. Xúc cảm cuộc sống của Polina – tình yêu đối với đất nước, xuất phát từ chính những cảm xúc chân thực của mình. “Chắc chị không biết ? Anh của chị là một người diễm phúc…Anh ấy không bị bắt làm tù binh đâu, chị mừng đi: anh ấy đã ngã xuống để cứu nước Nga”[6,123]. Polina quyết hi sinh tất cả cho Tổ quốc. Chúng ta tìm thấy những con người như Polina trong Chiến tranh và hòa bình của Tônxtôi về sau này.

Một sự ảnh hưởng nữa không kém quan trọng đối với Puskin, đó là nền văn học dân gian. Trong những tác phẩm của ông và trong tiểu sử, chúng ta bắt gặp nhiều hình thức khác nhau của nền văn hóa dân gian Nga: hình thức trữ tình và sử thi, những bài hát dân gian và những truyện cổ tích, những truyện cười dân gian, những tục ngữ, thành ngữ, ca dao….Cả cuộc đời mình, ông khắc sâu trong trí nhớ những câu hát ru, những truyện cổ tích của bà nhũ mẫu từ thời thơ ấu. Ông thích nghe những bài hát dân ca Nga và những câu chuyện kể của những người dân nghèo trại ấp Mikhailôpxcôie và Bôndinô, những nơi ông đã từng đi qua. Ông khâm phục những hình tượng tráng sĩ Nga và những câu chuyện về cuộc chiến tranh nhân dân. Văn học dân gian chiếm vị trí quan trọng trong sáng tác của Puskin, từ trường ca Rutxlan và Lútmila, những câu chuyện cổ tích lí thú như Ông lão đánh cá và con cá vàng, Con gà trống vàng đến những tác phẩm văn xuôi. Puskin. Trong văn xuôi Puskin tần xuất xuất hiện những lời đề từ từ những tục ngữ, ngạn ngữ, những bài hát dân gian với một mật độ đậm đặc, đặc biệt trong Người con gái viên đại úy. Mỗi lời đề từ là chìa khóa ngôn từ, giải thích trọn vẹn nội dung tác phẩm. Ngoài ra, Puskin đưa những bài hát, bài thơ dân ca Nga, những câu chuyện cổ tích, thậm chí những tư liệu (Dybrovsky) với dụng ý nghệ thuật của mình vào tác phẩm. Nó không chỉ làm dài thêm sự phát triển cốt truyện, mà còn khắc họa tính cách nhân vật hay không gian mà nhân vật hành động. Bên cạnh đó, tác phẩm của Puskin còn chịu ảnh hưởng sâu sắc về thuyết nhân quả trong truyện cổ tích Nga với kết thúc có hậu. Ác giả, ác báo, nhân nào quả nấy được thể hiện rất rõ trong tác phẩm Con đầm pích (Gherman bị điên, Lida hạnh phúc), Người con gái viên đại úy (Grinhốp và Maria hạnh phúc bên nhau đến đầu bạc răng long). 

Puskin cũng sử dụng cốt truyện dân gian, đặc biệt truyện cổ tích thần kì, để xây dựng tác phẩm của mình như Con đầm pích. Tác giả đưa yếu tố kì ảo như một thủ pháp nghệ thuật với dụng ý miêu tả thế giới luôn luôn song hành thế giới thực và thế giới ảo (điều này cũng có trong truyện cổ tích). Từ đó giúp người đọc khám phá sâu hơn bản chất bên trong của con người. Nhân vật trong tác phẩm của Puskin về đặc điểm hành động trùng với truyên cổ tích. Bà bá tước Anna Phêđotôvna – người ban tặng phép màu; Lidavéta – người trợ giúp. Kết cấu tác phẩm nhắc lại hệ thống kết cấu của truyện cổ tích thần kì. Và cũng không ngẫu nhiên, khi nghe Tômxki kể câu chuyện hài hước, Gherman đã nói: “Truyện cổ tích!”. Tuy nhiên khác với truyện cổ tích, Puskin không xây dựng nhân vật tích cực, Gherman hành động như nhân vật giả mạo, và trở thành nhân vật phá sản trong truyện cổ tích. Ngay từ đầu lịch sử về nhân vật Gherman phát triển như truyện cổ tích. Nguyên lí sống của Gherman “tiết kệm, điều độ, chăm chỉ” không  chỉ là tính cách cá nhân của anh ta, mà đó tính cách của người Đức nói chung. Cái cười về ba quân bài đóng vai trò như chiếc ngòi bút của chim lửa trong những câu chuyện cổ tích dạng Đôi giày trượt băng và người gù. Với sự giúp đỡ của cây đũa thần kì, nhân vật có thể một mình chiến thắng với kẻ thù (trong truyện cổ tích thì là rắn – Gorưnưt, trong tác phẩm Con đầm pích là Trêcalinxki). Để đạt được mục đích của mình, nhân vật trong truyện cổ tích cần nhận được một dụng cụ thần kì, mà được người ban tặng phép màu, thường là gặp trên đường đi. Gherman nghĩ vẩn vơ trên đường phố Petecbua về ba quân bài và ngẫu nhiên dừng lại trước một ngôi nhà cổ. Anh ta hỏi viên cảnh binh: “Nhà này của ai thế? – Thưa, nhà của bá tước phu nhân. Gherman giật mình”[6,206]. Để gặp được bà bá tước, Gherman nhìn thấy Lidaveta như người hỗ trợ mình đạt mục đích. Sau khi đã chiếm được lòng tin của Lidaveta, Gherman vào trong ngôi nhà, nhưng bí mật về ba quân bài anh ta không đạt được. Cuối cùng trong đám tang bà bá tước, Gherman đến xin lỗi người đã khuất. Ngay đêm hôm đó, bóng ma bà bá tước trở về và trao bí quyết ba quân bài, anh ta đã có phép thần kì. Tuy nhiên, Gherman vẫn không thể nào thắng trong ván bài cuối cùng. Cũng dễ hiểu điều này vì anh ta đã không thực hiện đúng lời hứa của bà bá tước và đã bị trả giá. Puskin dẫn dắt nhân vật của mình theo những thử thách của truyện cổ tích và đưa đến cho độc giả một tòa án lương tâm. Gherman – nhân vật của thời đại, mang trong mình những tính cách của thời đại ấy. Để đánh giá nhân vật, Puskin đo bằng thước đo đạo đức. Đấy là phẩm chất rất quan trọng trong truyện cổ tích dân gian.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa dân gian Nga và học hỏi được nhiều điều trong sáng tác của các tác giả nền văn học phương Tây, Puskin đã đưa nền văn xuôi Nga lên một bước phát triển mới. Với khuynh hướng sáng tác hiện thực, Puskin đưa đến cho độc giả những cái nhìn sống động, hiện thực vwf cuộc sống, con người xã hội Nga một cách chân thực.

Tài liệu tham khảo

[1,2] Эйхенбаум.Б.М. (1986), Путь Пушкина к прозе// О прозе. О поэзии. - Л.: Худож. лит., С.18-28. lấy từ http: //www.infolilolib.info.

[3] Лежнев. А. (1937),  Проза Пушкина, Издательство художественной литературы.

[4]Петров C.M. (1975), A.C. Пушкин очерки жизни и творчества, M. 

[5]Пушкин A.C. (1978), Критика и публицистика//Собрание сочинений в 10 томах,  том 7, Л. Oделение, Л.(158)

 [6]Puskin A.X. (1985), Tuyển tập. Văn xuôi, NXB Cầu vồng. M.

Post by: Vu Nguyen HNUE
16-10-2020