Văn học nước ngoài

Có hay không nền văn học Ấn Độ bằng tiếng Anh


15-10-2020
Tác giả: TS. Phạm Phương Chi

Bài viết này bàn về vấn đề của các thuật ngữ quen dùng trong nghiên cứu văn học Ấn Độ: Văn học Ấn Độ bằng tiếng Anh (“Indian literature in English,”), Văn học các nước nói tiếng Anh (“Anglophone literature,”) và Văn học Khối Thịnh Vượng chung (“Commonwealth literature,”). Như bài viết sẽ chứng minh, các thuật ngữ này đã đặt cơ sở trên các yếu tố phi văn học (chính trị và kinh tế) và bỏ qua các yếu tố văn học cơ bản là ngôn ngữ và độc giả. Sau đó, bài viết đề xuất một khái niệm thay thế cho các thuật ngữ trên, đó là khái niệm “văn học tiếng Anh” (“English literature.”). Cơ sở lí thuyết cho những lập luận của bài viết là ngữ văn hiện đại, tập trung vào sự gắn kết giữa văn hóa xã hội và ngôn ngữ và mối quan hệ không thể chuyển hóa và chuyển dịch giữa các ngôn ngữ.

 

Bài viết này bàn về vấn đề của các thuật ngữ quen dùng trong nghiên cứu văn học Ấn Độ: Văn học Ấn Độ bằng tiếng Anh (“Indian literature in English,”), Văn học các nước nói tiếng Anh (“Anglophone literature,”) và Văn học Khối Thịnh Vượng chung (“Commonwealth literature,”). Như bài viết sẽ chứng minh, các thuật ngữ này đã đặt cơ sở trên các yếu tố phi văn học (chính trị và kinh tế) và bỏ qua các yếu tố văn học cơ bản là ngôn ngữ và độc giả. Sau đó, bài viết đề xuất một khái niệm thay thế cho các thuật ngữ trên, đó là khái niệm “văn học tiếng Anh” (“English literature.”). Cơ sở lí thuyết cho những lập luận của bài viết là ngữ văn hiện đại, tập trung vào sự gắn kết giữa văn hóa xã hội và ngôn ngữ và mối quan hệ không thể chuyển hóa và chuyển dịch giữa các ngôn ngữ.[1]

 

Cả ba phạm trù “Anglophone literature,”  “Indian literature in English,” and “Commonwealth literature,” hàm ý cái ranh giới chính trị, địa lí và kinh tế trong văn học:  chúng là những phạm trù được xây dựng dựa trên bản sắc dân tộc và chính trị của tác giả. “Anglophone literature,” chỉ những văn bản tiếng Anh trên thế giới, bên ngoài nước Anh và viết bởi những tác giả không phải người Anh (cũng tức là không phải tác giả da trắng). Những tác giả không phải người Anh này đến từ các dân tộc từng là thuộc địa của Anh, như Tây và Nam Phi, Ấn Độ, một số nước Đông Nam Á và các nước thuộc vùng Caribbean.[2]  “Commonwealth literature,” nói đến bộ phận văn học tiếng Anh của năm mươi tư dân tộc thuộc khối Các Dân tộc Thịnh Vượng Chung (Commonwealth of Nations). Những dân tộc này hầu hết là thuộc địa cũ của thực dân Anh. “Indian literature in English,” thường được hiểu chung là văn học bằng tiếng Anh viết bởi các tác giả có nguồn gốc Ấn Độ (Indian background.)

 

Những nhầm tưởng trong việc xác định bản sắc dân tộc của tác giả nằm ở chỗ: bản sắc dân tộc hay chủng tộc mang tính tình huống và thể hiện (situational and performative). Hãy thử đặt câu hỏi Rushdie, người lớn lên ở Anh và là công dân Anh là người Anh hay người Ấn? Trong cuốn Nghệ thuật không bị Cai trị: Lịch sử vô chính phủ của Đông Nam Á miền núi (The Art of Not Being Governed: an Anarchist History of Upland Southeast Asia (New Haven: Yale University Press, 2009), James C Scott đề xuất cách định bản sắc dân tộc như là “một đa bội của những trình diễn bản sắc, do đó, bản sắc này đi theo những phần khác nhau của cuộc trình diễn, được thể hiện trong những trạng huống xã hội cụ thể của hành động. Bản sắc được trình diễn, nói cách khác, gắn chặt với tình huống” (tr. 255). Điều này cũng được Steart Hall chia sẻ trong bài viết “Bản sắc văn hóa và Những người di cư” (Cultural Identity and. Diaspora) in trong cuốn Colonial Discourse & Postcolonial Theory: A Reader (Harvester Whaeatsheaf, 1993). Hall định nghĩa bản sắc là một quá trình sản xuất, (a 'production'), không bao giờ hoàn thiện, luôn ở trong quá trình và luôn luôn được cấu thành bên trong, chứ không phải bên ngoài những sự thể hiện (“always constituted within, not outside, representations”). Chủ thể cũng hình thành trong phạm vi của sự thể hiện. Do đó, việc định nghĩa văn học dựa vào bản sắc dân tộc văn hóa của tác giả là không xác đáng, vì nó bỏ qua tính linh động tùy theo hoàn cảnh và tính được cấu thành dựa trên sự thể hiện của bản sắc.

 

Hơn nữa, việc định nghĩa văn học dựa trên nguồn gốc của tác giả còn vô hình chung duy trì tính siêu việt về kinh tế, ngôn ngữ và chính trị của nước Anh: những nền văn học viết bằng tiếng Anh bên ngoài Anh quốc chỉ là cái bên lề và phụ thuộc vào nền Văn học Anh viết hoa (“English Literature”) và nền văn học Anh của nước Anh. Việc định nghĩa này, do đó, đánh giá thấp văn học Anh viết bởi những tác giả không phải người Anh: nó dựa trên giả thiết rằng chỉ tiếng Anh ở nước Anh là tiêu chuẩn và chỉ có văn học Anh của những tác giả người Anh bẩm sinh mới là những cây bút bậc thầy và còn lại chỉ là nhược tiểu.[3] Mặc dù mang trong mình sự tự tin và lòng khát khao thái quá được trở thành một tác giả của thế giới, Rushdie trong cuốn The Vintage Book of Indian Writings 1947-1997 (1997) nghi ngờ việc dùng thuật ngữ “Commonwealth literature.” Ông phân tích rằng khái niệm “Commonwealth literature” đã duy trì chủ nghĩa phương Đông theo cái nghĩa, nền văn học được mong chờ là nền văn học thể hiện cái dân tộc xác thực hay cái chủng tộc xác thực của các nước không phải nước nước Anh để cung ứng cho thị hiếu ưa chuộng cái hương xa của độc giả phương Tây. Rushdie chỉ ra rằng, không có cái gì được gọi là cái dân tộc Ấn Độ xác thực bởi vì cái dân tộc Ấn Độ này là sự hòa lẫn của rất nhiều hương vị của các vùng miền khác nhau. Ông cũng chỉ ra rằng, ngôn ngữ không còn là vấn đề của sự phân chia ranh giới dân tộc bởi vì nhiều người đến từ các dân tộc khác nhau có thể cùng nói chung một ngôn ngữ. Mặc dù lời tuyên bố của Rushdie phản ánh khát vọng của ông là trở thành “nô lệ” trong bối cảnh toàn cầu (bằng cách cố gắng vươn mình lên trở thành một tác giả của thế giới mà không thuộc về một dân tộc nào), lời tuyên bố đó chỉ ra tính nhập nhằng của bản sắc dân tộc mà việc phạm trù hóa các văn bản tiếng Anh viết bởi những tác giả không phải người Anh dựa vào.

 

Có một xu hướng khác trong việc định nghĩa văn học Ấn Độ bằng tiếng Anh cũng gây ra nhiều nhầm lẫn, đó là: nền văn học này phản ánh “những tâm hồn Ấn Độ” (“Indian souls.”) Nói cách khác, tác giả của xu hướng định nghĩa này như Rushdie và Tharoor đang cố gắng cung cấp cho các tác phẩm bằng tiếng Anh của họ một căn cước Ấn Độ bằng cách khẳng định là tác phẩm của mình gắn với một cái gì đó đặc trưng Ấn Độ; những tác phẩm này ôm trùm cái Ấn Độ được hiện thân trong các thần thoại và bút pháp kì diệu. Cuốn “Cuốn tiểu thuyết Vĩ đại của Ấn Độ” (“The Great Indian Novel”) của Tharoor với đầy ắp sự hiện diện của những nhân vật và các câu chuyện thường được coi là điển hình của dân tộc như Ramayana và Mahabharata, tương trưng cho nền văn học Anh ở Ấn Độ. Rushdie trong cuốn The Midnight of Children đã cộng gộp các vấn đề chính trị của hiện tại với đặc trưng thần bí đến từ các thần thoại của Ấn Độ. Tuy nhiên, chưa cần kể đến cái vấn nạn là các tác giả này, bằng cách khẳng định bản sắc Ấn Độ của văn học tiếng Anh, đã đi vào cái quỹ đạo và lực hút của quá trình toàn cầu hóa, cái quá trình của việc hàng hóa hóa các giá trị văn hóa, thì cái khái niệm cái Ấn Độ hay tâm hồn Ấn Độ ở đây cũng đã rất mù mờ. Ấn Độ bao gồm vô số các thực hành ngôn ngữ và văn hóa, Mahabharata và Ramayana không phải là kinh điển của Muslim. Đó đây, có những tác giả, như (như Waslsh, William trong cuốn Indian Literature in English. London: Longman. 1990) cho rằng cái làm nên văn học Ấn Độ bằng tiếng Anh là những biểu thuật, hình ảnh địa phương và những cách diễn đạt bằng tiếng Anh không thể hiểu được đối với “quê hương” nước Anh. Giả thiết dựa trên chủ đề này, một lần nữa lại tạo ra một đối kháng trong việc xác định căn cước tác giả: Tiểu thuyết của Kipling có đầy đủ cái gọi là tâm hồn Ấn Độ và những cách diễn đạt tiếng Anh của người Ấn Độ không thể hiểu được (nhưng tác giả này, “oái oăm” thay, được giải thưởng Nobel về văn học), vậy Kipling có thể là một tác giả người Ấn Độ? Nếu đúng, thì sẽ trả lời thế nào với một thực thế là: Kipling là người da trắng và có quốc tịch Anh.

 

Quan điểm của tôi khi giải quyết những lùm xùm này là chúng ta không nên nói về Kipling, Tharoor, Chandhu hay Rushdie mà nên nói về các văn bản Kipling, Tharoor, Chandhu hay Rushdie. Ở đây tôi đi theo Barthes: Bởi vì văn bản là biểu bì của nhiều tầng lớp của các truyền thống ngôn ngữ và văn hóa khác nhau chứ koong phải là từ kinh nghiệm cá nhân, tác giả/quyền tác giả không tồn tại khi chúng ta nói về văn học. Tác giả chết, chỉ có người chép chữ (scriptors) tồn tại; họ là người chép ra những tác phẩm (“scriptors of the works”): họ sinh ra cùng với văn bản (text) –đó là khi tác phẩm (work) được đọc bởi các độc giả. Nói cách khác, chính là văn bản và ấn tượng từ độc giả được tính đến ở đây, chứ không phải là tác giả. Do đó, việc các văn bản tiếng Anh viết bởi những tác giả không có nguồn gốc British là văn học Anh hay văn học Ấn tùy thuộc vào ngôn ngữ được dùng để viết và vào tiếp nhận của độc giả. Một văn bản có thể thuộc vào hơn một nền văn học dân tộc, hay hơn một truyền thống/thể chế viết (“institutions of writing”).

 

Ví dụ, tiểu thuyết Kim, tiểu thuyết đạt giải Nobel của của Kipling, là văn học Ấn Độ phụ thuộc vào hai yếu tố: tiếng Anh là một ngôn ngữ của dân tộc Ấn và cuốn tiểu thuyết này lôi kéo người đọc vào những sự tưởng tượng đặt điều kiện cho một những cộng đồng tưởng tượng về một dân tộc Ấn Độ. Tiếng Anh được nói và được dùng để viết tiểu thuyết – cái thể loại đã đặt ra cái khả năng cho sự hình thành một dân tộc  - trước tất cả các ngôn ngữ vùng miền và ngôn ngữ dân tộc của Ấn Độ hiện nay. Một thực tế khác là tiếng Anh không chỉ được chính thức coi là ngôn ngữ dân tộc kết hợp của Ấn Độ (the associated national language) mà tiếng Anh chính là yếu tố quyết định nhất trong việc xây dựng Ấn Độ là một dân tộc thống nhất. Các ngôn ngữ vùng miền, với những kết nối không thể không có với các  thể chế, văn hóa và hành vi suy nghĩ của vùng miền, làm hạn chế tính hợp nhất hóa – một công nghệ cần thiết cho sự hình thành một dân tộc. Và trong thực tế, chính phủ Ấn Độ, sau khi từ bỏ chính sách Hindu là ngôn ngữ dân tộc bắt buộc trên toàn Ấn Độ đã phải chấp nhận tiếng Anh là công cụ để xoa dịu xung đột vùng miền và để kết nối các nhóm người khác đang sinh sống trên mảnh đất được xác định là của Ấn Độ vào các dự án văn hóa, chính trị kinh tế chung của dân tộc.[4]

 

Tuy nhiên, Kim cũng có thể thuộc về văn học Anh quốc nếu độc giả hay người nghe cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm hay những ấn tượng về đời sống của những sĩ quan hay thường dân người Anh sống ở Ấn Độ trong giai đoạn thực dân. Những kinh nghiệm được chia sẻ này, cùng với giả thuyết cho rằng tiếng Anh là của nước Anh, có thể lôi kéo độc giả vào những cảm giác chung là cùng thuộc về một cộng đồng – cảm giác này tạo điều kiện cho sự hình thành của một dân tộc, dân tộc Anh.[5]

 

Về vấn đề tiếng Anh là một ngôn ngữ của Ấn Độ mà tôi nói ở trên, tôi muốn gợi ý việc dùng thuật ngữ văn học Anh để thay thế cho tất cả các phạm trù  “Indian literature in English,” “Anglophone literature,” and “Commonwealth literature.” Giả thiết này dựa trên điều, như tôi đã nói ở trên, là: văn bản/tác phẩm nên là tiêu chuẩn đầu tiên trong việc phân loại văn học. Văn học tiếng Anh, viết bởi bất cứ tác giả nào, với bất cứ bản sắc dân tộc hay sắc tộc nào, bao gồm những tầng lớp của truyền thống và văn hóa viết của văn học Anh; những người viết ra các tác phẩm tiếng Anh này chắc chắn là dựa vào các truyền thống văn học của tiếng Anh. Do đó, văn học Anh viết bởi những tác giả không phải người Anh phải được phân loại và được đánh giá với tư cách là một phần của nền văn học tiếng Anh.

 

Trong trường hợp này, chúng ta cũng cần xác định lại thế nào là văn học Anh/ngôn ngữ Anh. Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ của nước Anh mà là một công cụ giao tiếp của các nhóm trên thế giới. Sự sống và sự giàu có của tiếng Anh phụ thuộc vào cách dùng đa dạng trên thế giới. Nhóm các tác giả của các tuyển tập Norton về văn học Anh (ở Mỹ), in lần thứ bảy năm 2007 liên tiếp nói về việc tiếng Anh đã không còn là ngôn ngữ mang tính dân tộc hay chủng tộc mà là một cộng đồng ngôn ngữ (a language community) bao gồm các nhóm khác nhau – nhóm những người nói tiếng Anh – trên thế giới. Lời giới thiệu mang tên “Sự tan rã của tiếng Anh” của Geoffrey Nunberg cho cuốn The Norton Anthlogy of English Literature (Stephan Greenblatt, General Editor (harvard) và M. H Abrams (Founding Editor Emeritus), New York, 2006) cho rằng những người nói tiếng Anh đã định cư ở nhiều nơi trên thế giới, họ dùng thứ tiếng Anh không được dùng ở quê hương, họ đem lại ý nghĩa mới cho từ ngữ và vay mượn một cách tự do từ ngôn ngữ của những người mà họ có mối quan hệ giao lưu. Nunberg đề xuất việc dùng cộng đồng ngôn ngữ và do đó, có các dân tộc của cái cộng đồng ngôn ngữ tiếng Anh. Kéo theo đó, như tác giả lập luận, không có tiêu chuẩn trong phát âm và viết tiếng Anh: mọi người phát âm và viết theo phong cách vùng  của họ, tiếng Anh đó xấu hay tốt phụ thuộc vào tiêu chuẩn của địa phương.  Không có sự gắn bọ giữa tiếng Anh và cái chủng tộc Anh (English-ness).Trong lời giới thiệu của phiên bản in lần thứ tám, tuyển tập được đề cập ở trên khẳng định, ý niệm mang tính dân tộc của lịch sử văn học, cái ý niệm mà qua đó văn học Anh chỉ nền văn học của nước Anh hay hầu hết các vùng thuộc British đã nhường đường cho một cái gì đó rồi (tr. Xxxv).  Do đó, bất cứ sự viết nào bằng tiếng Anh, bất kể bản sắc của tác giả là gì, thuộc về văn học tiếng Anh. Trong cuốn Các nền văn hóa Anglophone ở Đông Nam Á: sự sở hữu, sự tiếp tục và các ngữ cảnh (Anglophone cultures in Southeast Asia : appropriations, continuities, contexts (Heidelberg : Winter, 2003) xem xét tiếng Anh và tính chất Anh ở cá nền văn học Hồng Kong, Nhật Bản, Malaysia và Singapore. Cuốn sách theo đuổi một ý kiến cho rằng tiếng Anh là một phần của nền văn hóa khu vực, tính chất lai ghép hay tính chất bản địa của tiếng Anh đánh dấu sự khác biệt và đặc biệt trong bản sắc – điều rất cần thiết vê mặt chính trị và kinh tế - của khu vực này. Cuốn sách công khai gọi Các Tiếng Anh (Englishes), kêu gọi từ bỏ những ám ảnh về “những lỗi sai về ngôn ngữ “linguistic erroes” và khuyến khích sự thừa nhận những cách diễn đạt mang tính địa phương của tiếng Anh. Tác giả của bài viết Sự tan rã của tiếng Anh cũng khẳng định thêm rằng chính tiếng Anh đến từ cái thế giới không phải nước Anh đã có ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng tiếng Anh ở ngay chính quốc. Các nhà văn của nước Anh không thể viết được nếu như không dùng đến những từ ngữ có nguồn gốc ở các trang viết của các nhà văn không phải da trắng như by Rusdie , Beckett, Joyce, Shaw, Yeat và Naipaul.

 

Dựa vào các giả thuyết đã nêu trên, trong trường hợp của Rabindranath Tagore, người đã tự dịch các tác phẩm Bengali sang tiếng Anh, tôi chỉ nói đến bản sắc tác giả qua bản sắc của văn bản, tức là ngôn ngữ của văn bản và sự tiếp nhận của độc giả đối với văn bản của Tagore. Nếu tôi đọc Tagore qua các tác phẩm bằng tiếng Bengali thì Tagore là nhà văn Bengali và tác phẩm đó là văn học Bengali. Nếu tác phẩm đó viết bằng tiếng Anh thì Tagore lại là nhà văn Anh và tác phẩm của ông là văn học Anh. Ý niệm này động đến vấn đề đọc văn bản dịch trong khoa Văn học so sánh (Cần nói thêm, trong các trường học ở Mỹ, văn học so sánh ở Mỹ tương đương như khoa văn học nước ngoài ở Việt Nam. Đó khoa học nghiên cứu những nền văn học không phải tiếng Anh). Ở Mỹ, có hai xu hướng trong nghiên cứu văn học so sánh. Một là đọc các bản dịch tiếng Anh như là những văn bản gốc, coi văn bản tiếng Anh là đại diện chính xác của văn bản gốc. Thực ra, dịch thuật là công việc viết ra một tác phẩm mới: ngôn ngữ luôn luôn gắn với một cách thức nghĩ và văn hóa cụ thể, do đó nó không thể dịch được và không thể hiểu được. Do đó, khi dịch sang thứ tiếng khác, cách thức nghĩ và lối văn hóa đó bị mất đi và được thay vào với cách thức nghĩ và văn hóa của ngôn ngữ đến. Như vậy, không thể đọc các bản dịch tiếng Anh như là văn bản gốc mà nên đọc chúng như là những văn bản tiếng Anh, nó thuộc về nền văn học tiếng Anh. Tuyển tập văn học tiếng Anh của Norton kể ở trên đã bao gồm cả các văn bản tiếng Anh là bản dịch và tuyên bố: “điều đáng được quan tâm là Heaney (một dịch giả được tuyển chọn trong cuốn này) đã viết bằng tiếng Anh, và điều này kết nối một cách chắc chắn ông với những tác giả khác trong tuyển tập này – một công đồng ngôn ngữ bướng bỉnh từ chối khớp mình một cách thoải mái trong phạm vi xác định của ranh giới địa lí và dân tộc” (tr. Xxxiv).

 

Việc ảo tưởng hay sự tham vọng của việc đọc các bản dịch như là bản gốc thực chất phản ánh nỗi sợ thường xuyên của các trí thức phương Tây về sự mất đi vị thế cao hơn về học thuật và để che đậy sự thiếu hiểu biết của nó về cái thế giới bên ngoài nơi họ sinh sống. Nhưng cách thức này cũng phản ánh một xu hướng đô hộ trong việc đọc văn hoc viết bằng các thứ tiếng không phải tiếng Anh: đó là việc họ hiểu thế giới như nó muốn và dựa vào tiêu chuẩn của chúng. Cách thức này tạo ra một ảo ảnh trong giới học thuật phương Tây là: cả thế giới là như nhau và đềụ phục tùng các phạm trù và ý niệm do phương Tây đặt ra. Spivak khiến chúng ta ý thức về điều này. Bà cũng đưa ra cách thức để chấm dứt tình trạng đô hộ của phương Tây về tri thức là việc học các ngôn ngữ bản địa. Học ngôn ngữ là, theo bà, học cách thức suy nghĩ. Hơn nữa, bà cũng cho rằng các học giả nên có một tâm trí mang tính hành tinh, coi những ngôn ngữ và tri thức xa lạ cũng là những nguồn của tri thức và của ngôn ngữ chính thống.[6] Lời gợi ý này có thể áp dụng trong văn học so sánh: các văn bản ở các vùng khác nhau nên được đối xử như là những văn bản đặt cạnh nhau, chúng tỏa ánh sáng của nhau. Spivak đã thử nghiệm điều này khi bà dạy văn học Anh ở Ấn Độ.[7] Tuy nhiên, Spivak trong khi khuyến khích việc học các ngôn ngữ bản địa và phá bỏ uy quyền tri thức phương Tây đã quên giải quyết vấn đề của việc viết và độc giả: các học giả dù có học tiếng bản địa nhưng rốt cuộc, họ vẫn phải viết bằng tiếng Anh, do đó đi theo thể chế viết của tiếng Anh và độc giả của họ là những người đọc tiếng Anh.

 

Một xu hướng thứ hai trong văn học so sánh đó là chỉ đọc văn bản gốc và lờ đi văn bản dịch. Cách thức này vô hình trung cổ xúy cho chủ nghĩa hương xa của các học giả phương Đông học và hậu thực dân học. Trong bài viết gần đây về bản dịch tiếng Anh của tiểu thuyết Ngôi nhà và Thế giới của Tagore, “Putting Foreignness to the Test: Rabindranath Tagore’s Babu English” (Comparative Literature, 2013 by University of Oregon ), Aarthi Vadde cho rằng bản dịch tiếng Anh là một tác phẩm hoàn toàn khác bởi vì nó tạo ra những ngữ cảnh văn hóa riêng biệt thông qua sự luân chuyển độc giả: nó có độc giả riêng về văn hóa, về học vấn, khác hẳn với độc giả của bản gốc. Thêm vào đó, bản dịch không phải là bản copy của bản bản gốc mà, như Vadde xác định, là một sự chống đối/phản bội lại văn bản gốc. Khẳng định này hợp với điều mà tôi đã nói ở trên: bản dịch là một văn bản mới, không bao giờ là phiên bản mô phỏng của văn bản gốc. Tuy nhiên, ở đây, Aarthi còn cương quyết hơn khi cho rằng bản dịch là một sự phản ứng mang tính chiến lược của Tagore đối với độc giả phương Tây: tiếng Anh “Babu” của Tagore, thứ tiếng Anh đặc trưng của Nam Ấn Độ, gián tiếp, kiểu cách và rất nghi thức, lại là thứ hàng hóa văn hóa được tiêu thụ rất chạy ở phương Tây đầu thế kỉ XX. Việc đưa ra ví dụ này lại một lần nữa khẳng định rằng, bản dịch không thể là một thay thế mô phỏng văn bản gốc.

 

Việc nêu ra hai xu hướng nghiên cứu văn bản trong khoa Văn học so sánh ở Mỹ ở trên là để cho thấy sự gắn kết của ngôn ngữ đối với truyền thống viết, truyền thống văn hóa, cách thức nghĩ và thể chế nhất định. Do đó, việc đánh giá, việc phân định tác phẩm không phải dựa trên căn cước của tác giả hay các yếu tố văn hóa kinh tế chính trị mà nên vào chính cái ngôn ngữ được dùng để viết nên tác phẩm và những phản ứng của độc giả về tác phẩm. Tùy thuộc vào ngôn ngữ của tác phẩm mà tác phẩm sẽ được đọc theo cái truyền thống viết và truyền thống văn hóa xã hội của chính cái ngôn ngữ đó. [8]

 


[1] Đọc A. L. Becker, Beyond Translation: Essays toward a Modern Philology, Michigan, 1995.

[2] Gần đây, ở một số trường đại học ở Mỹ, khái niệm Anglophone literature mang tính cộng gộp nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế.  Danh sách tài liệu đọc phục vụ cho bài kiểm tra toàn diện môn Anglophone literature của Trường Đại học California, Santa Barba chia nền văn học thành hai giai đoạn: từ năm 1900 đế năm 1939 bao gồm các tác giả người Anh viết về các thuộc địa như Kipling, Condrad và Foster và về xã hội Anh như Lawrence, Eliots và Yeats. Từ năm 1939 cho đến hiện tại, nền văn học này bao gồm các tác giả Anh, Irish, Carrabin, châu Phi, Nam Á Canada và Antipodien (Australia, New Zealand và Đảo Thái Bình Dương). Cũng như thế, Khoa Văn học Anh và văn học Anglophone của Trường Đại học cho tất cả những tác giả không có nguồn gốc Anh như Achebe, Beckett, Rushdie vào giai đoạn sau năm 1945 trong học phần về văn học Anglophone. Tuy nhiên cái lí do vì sao lại chọn năm 1930 làm điểm mốc thay đổi của văn học Anglophone và tại sao ở giai đoạn 900-1930, nền văn học này không bao gồm các tác giả viết tiếng Anh như Tagore và Narayan. Cũng không rõ lí do vì sao văn học tiếng Anh ở các nước Đông Nam Á lại không được nói đến. Rõ ràng, ở đây, việc phân chia văn học Anglophone vào các phạm trù dân tộc như Văn học Anglophone Canada, Anglophone Nam Á lờ đi yếu tố ngôn ngữ như là cơ sở phân chia mà tập trung vào các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội. Trong lời giới thiệu cho bản danh sách tài liệu chuẩn bị bài thi toàn diện môn Văn học Anglophone, thuật ngữ Anglophone được giải thích có nguyên do là sự chia sẻ về điều kiện lịch sử của các nước từng là thuộc địa của thực dân Anh và đang là đối tượng của nền đế quốc mới.

[3] Nhìn vào tuyển tập văn học Anh của các nhà xuất bản Oxford và Cambridge, rất dễ nhận thấy thái độ cầm chừng và thoải mái của các biên tập trong việc đưa hay không đưa tác phẩm của những tác giả không có nguồn gốc Anh vào. Ví dụ, các cuốn lịch sử văn học Anh của các nhà xuất bản này từ nwam những năm 1970 đến những năm 1990 không bao giờ bao gồm Rushdie, Naipaul, Seth và Narrayan. Lí do thứ hai là chủ nghĩa dân tộc, cái tinh thần lấy nước Anh làm tcorung tâm – vốn được duy trì trong nền học thuật của các trí thức Oxford và British. Hàm ẩn trong sự lựa chọn của họ cũng là quan điểm chỉ có tiếng Anh của nước Anh là chuẩn mực. Cuốn An Outline of Englis Literature (Edited Pat Roger. Oxford: Oxford University Press. 1998) đã bắt đầu chấp nhận các tác giả đến từ Khối Thịnh Vượng Chung. Tuy nhiên cái lí do của việc làm rộng rãi này là để khẳng định cái vị thế trung tâm của tiếng Anh nước Anh bằng cách cảnh báo nó về sự phổ biến của nền văn học tiếng Anh ở các nước bên ngoài Anh quốc. The Oxford English Liteary history. Volume 2 1960-2000. The Last of England. (Randall Stevenson. Oxford: OUP. 2004) thậm chí đã tuyển chọn các tên tuổi như Rusdie, Naipaul, Narraya, Seth và Zadie. Tuy nhiên, động lực phía sau này sự cộng gộp này là để khẳng định cái công lao của Anh quốc trong việc đào tạo ra những tài năng văn học của những người nhập cư và để chỉ ra những đóng góp của nhóm tác giả này đối với dân tộc Anh trong bối cảnh đang bị suy thoái về vị trí văn hóa, kinh tế và chính trị sau thế chiến II.

[4] Đọc Amritavalli, R and K. A Jayaseelan. “India.” Language and National Identity in Asia. Ed. Andrew Simpson. Oxford: Oxford University Press. 55-83; Dasgupta, Jyotirindra. “Language Policy and National Development in India.” Fighting Words Language Policy and Ethnic Relations in Asia. Ed. Michael Brown, Sunmit Ganguly. Cambridge: The MIT Press. 21-50; Corfield, Penelope J. Ed.. Language. History and Class. Oxford: Cambridge University Press; và Chaudhu, Amit. The Vintage Book of Modern Indian Literature. New York: Vintage Books, 2004. Các bài viết bàn về ngôn ngữ ở Ấn Độ này đều khẳng định tiếng Anh là ngôn ngữ được nói bởi một cộng đồng rộng lớn hơn so với các ngôn ngữ địa phương – những ngôn ngữ chỉ được xây dựng và được tiêu chuẩn hóa vào những năm 1920-1930 bởi các tri thức Bắc Ấn, khu vực xung quanh New Delhi ngày nay. Đặc biệt trong bài viết của Amritavalli  đã phân tích lịch sử của các cuộc đấu tranh và sự phức tạp về chính trị giữa các ngôn ngữ tại Ấn Độ. Theo đó, tiếng Hindi, thứ ngôn ngữ quen được gọi là ngôn ngữ Ấn Độ, chưa bao giờ là một ngôn ngữ của toàn Ấn Độ. Miền Nam Ấn Độ, cụ thể là vùng Tamil đã từ chối một cách bạo lực (đổ máu) nền giáo dục bằng tiếng Hindi. Orsini, Francesca trong The Hindi Public Sphere. Language and Literature in the Age of Nationalism ( Oxford: Oxford University Press. 2002) phân tích quá trình hình thành tiếng Hindi bắt đầu từ chỗ là tiếng Hindustani – thứ ngôn ngữ được nói bởi một số nhóm thuộc Bắc Ấn. Với những nỗ lực của các trí thức Anh thời thực dân (có thể là để phục vụ cho chính sách thực dân là chia để trị), ngôn ngữ này về sau được tách ra thành tiếng Hindi và tiếng Urdu lần lượt dành cho người theo đạo Hindi và người theo đạo Hồi. Sự khác nhau của hai thứ tiếng này chỉ về mặt chữ viết: một bên dựa vào văn tự Sanskrit và một bên dựa vào ngôn ngữ Ba Tư. Ý thức mới nổi dậy về sự gắn kết giữa ngôn ngữ và dân tộc hay ngôn ngữ là công cụ để xây dựng dân tộc đã khiến cho một loạt các phong trào truyền bá và phổ biến tiếng Hindi ra toàn lãnh thổ Ấn Độ. Sự áp đặt này gây ra không ít sự chống đối. Nhiều bang thuộc Nam Ấn, cụ thể là bang Tamilnadu, đã tổ chức phản đối chính sách phổ cập tiếng Hindi của Đảng Quốc đại. Đến năm 1967, bang Tamilnadu chính thức loại bỏ tiếng Hindu trong nhà trường.  Nehru và Gandhi là hai nhà chính trị đã sớm nhận ra vấn đề của việc tiêu chuẩn hóa và phổ cập tiếng Hindi. Năm 1935, Gandhi từng đề xuất quay lại tiếng Hindustani, thứ tiếng chung cho cả hai tôn giáo chính là Hồi giáo và Hindu. Và một thực tế là, Nehru, vị lãnh tụ của Đảng quốc đại, không thể nói tiếng Hindi. Ngôn ngữ giao tiếp chính của ông là tiếng Anh. Để giải quyết những xung đột chính trị và quân sự xung quanh dự án phổ cập tiếng Hindi, đảng cầm quyền của Ấn Độ phải chấp nhận tiếng Anh là ngôn ngữ dân tộc kết hợp. Tại một bài phát biểu tại  Thượng Nghị viện vào tháng 8 năm 1959, Nehru đã nói chắc chắn với các đại biểu miền Nam: “Tôi có thể cho tiếng Anh là ngôn ngữ thay thế nếu các bạn yêu cầu… tôi để quyền quyết định cho những người không biết tiếng Hindi” (dẫn lại Amritavalli). Lời chắc chắn của Nehru có hiệu lực pháp lí trong Pháp Lệnh Ngôn ngữ Chính thống năm 1963 công bố tiếng Anh có thể được dùng cùng với tiếng Hindi ngay cả sau năm 1965. Nhưng phải đến năm 1967, sau khi những cuộc bạo lực xung quanh việc phổ cập tiếng Hindi xảy ra ở Miền Nam Ấn vẫn tiếp diễn, những sửa đổi trong Pháp lệnh ngôn ngữ  chính thống của Ấn Độ mới được chính thức thủ tướng Indira Gandhi  thông qua với tuyên bố: tiếng Anh là ngôn ngữ dân tộc kết hợp và có thể được dùng cho đến khi nào những người không nói tiếng Hindi muốn từ bỏ. Tuy nhiên, những hành động chống đối tiếng Hindi, ủng hộ tiếng địa phương (như Tamil và Bengali) và ủng hộ tiếng Anh vẫn tiếp diễn  (phong trào của nhóm/đảng Dravidian).

[5] Đọc Culler, Jonathan. “The Novel and the Nation.” The Literary in Theory. Stanford: Stanford University Press, 2007.  43-72.

[6] Đọc Sharpe, Jenny and Gayatri Chakravorty Spivak. “A Conversation with Gayatri Chakravorty Spivak: Politics and the Imagination.” Signs.  28. 2 ( 2003): 609-624.

[7] Brechkenridge, Carol, Peter van der Veer. Orientalism and the Post PredicamentPerspectives on South Asia. Philadelphia: University of Pennylvania Press,  1993.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020