Như vậy truyện Từ Thức chịu ảnh hưởng của Cù Hựu chỉ một phần nhỏ, phần lớn chịu ảnh hưởng của tiên thoại, truyền kỳ Trung Quốc và chịu tác động của thực tại Việt Nam. Chỉ khi nào so sánh văn học cổ Việt Nam trong bối cảnh văn hoá, văn học rộng thì mới nhìn rõ mối quan hệ ảnh hưởng và sáng tạo của nó. Nhà văn cổ điển Việt Nam, dù vay mượn của ai, cái gì, thì trên thực tế họ chịu ảnh hưởng của cả nền văn học, văn hoá Trung Quốc.
Nghiên cứu văn học so sánh giữa văn học cổ Việt Nam và văn học cổ Trung Quốc đang là một đề tài ngày càng được nhiều người quan tâm, cả trong nước lẫn ngoài nước. Đó là điều hợp quy luật, bởi việc xây dựng nền văn học hiện đại đòi hỏi tìm hiểu sâu các quy luật ảnh hưởng, tiếp nhận và sáng tạo trong quá khứ, thúc đẩy quá trình giao lưu. Tuy vậy cho đến nay xu hướng thường thấy là nghiên cứu mối quan hệ văn học hai nước trong tương quan một đối một, giữa tác phẩm có ảnh hưởng trực tiếp và tác phẩm tiếp nhận. Chẳng hạn,Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, hoặcTruyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ với Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu. Hướng nghiên cứu so sánh “một đối một” như thế có ý nghĩa quan trọng không thể thay thế, song nó chỉ thực sự có ý nghĩa đầy đủ khi hai tác phẩm của hai nền văn học vốn không có nhiều mối liên hệ về văn hoá, văn học. Ví dụ như Nhật ký người điên của Lỗ Tấn và Nhật ký người điên của Gogol, Nửa đêm của Mao Thuẫn và Kim tiền của E. Zola. Nhưng trong quan hệ của hai nền văn học vốn có quan hệ sâu sắc, mật thiết về văn tự, ngôn ngữ, hệ tư tưởng, hệ sách kinh điển,… như quan hệ giữa văn học cổ Việt Nam với văn học cổ Trung Quốc, hay nói cách khác, đối với hai tác phẩm cùng thuộc một truyền thống văn hoá chữ Hán, thì lối nghiên cứu so sánh “một đối một” như trên đã không đủ sức lý giải mối quan hệ ảnh hưởng văn học sâu xa, nhiều mặt, phong phú, sinh động, và không ít trường hợp đã đi đến kết luận cực đoan, không phù hợp thực tế. Ví dụ như một số kết luận của học giả Trung Quốc Đổng Văn Thành về quan hệ giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân([1][2]).
Nhằm khắc phục khuynh hướng đó, chúng tôi đặt vấn đề mở rộng nghiên cứu so sánhTruyện Kiều với văn hoá Trung Quốc, trước hết là với các truyền thống tư tưởng và văn học Trung Quốc, cả văn lẫn thơ, lẫn triết học([3]), trong đó quan hệ giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện chỉ là bộ phận. Ở đây trong điều kiện Việt Nam tiếp thu gần như cả một nền văn hoá, từ ngôn từ, thể loại, phong cách học, điển cố, kinh điển, thi pháp thì việc nghiên cứu so sánh “một đối một” rõ ràng không thể lý giải đầy đủ sự tiếp nhận ảnh hưởng của một tác phẩm. Trong khi sáng tạo ra Truyện Kiều bất hủ, rõ ràng Nguyễn Du không chỉ vay mượn một mình cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, mà còn vay mượn, tiếp thu nhiều truyền thống văn học ưu tú khác như thơ trữ tình, mà vị tất Thanh Tâm Tài Nhân đã có sự hấp thụ tương đồng. Quan hệ của họ không còn là quan hệ của hai tác giả, mà còn là quan hệ của hai tác giả trước một nguồn văn hoá chung, mà ai có năng lực tiếp thu sâu sắc hơn, lựa chọn thoả đáng hơn và sáng tạo tài nghệ hơn lại là một vấn đề khác.
Trong trường hợp Truyền kỳ mạn lục cũng vậy, trước mặt Nguyễn Dữ có Cù Hựu, nhưng không chỉ có một mình Cù Hựu. Chẳng hạn, cả Cù Hựu và Nguyễn Dữ đều chịu ảnh hưởng của Can Bảo và Đào Tiềm thể hiện trong một số truyện như Thăm người ở ẩn chốn Thiên Thai của Cù Hựu, Chuyện đối đáp với người tiều phu núi Na, Từ Thức lấy vợ tiên của Nguyễn Dữ, v.v. và chắc chắn họ còn cùng chịu ảnh hưởng của nhiều tác giả khác nữa. Do vậy từ nghiên cứu so sánh giữa Truyền kỳ mạn lục với Tiễn đăng tân thoại mà mở rộng ra cả một truyền thống văn học sẽ cho ta nhìn thấy một bối cảnh văn hoá sâu xa. Không đặt mục đích xem xét toàn bộ tập sách, chúng tôi chỉ khảo sát một tác phẩm trong đó là truyện Từ Thức lấy vợ tiên của Nguyễn Dữ để thấy vấn đề này.
Truyện Từ Thức lấy vợ tiên của Nguyễn Dữ đặt trong quan hệ với Tiễn đăng tân thoạicó thể tìm thấy một vài dấu vết tiếp thụ qua Cù Hựu, như chi tiết điệu múa lăng ba, lời ca lăng ba lấy từ truyện Tiệc mừng dưới thuỷ cung([4]) hoặc như cảnh Từ Thức vào động tiên giống cảnh Từ Dật vào Thiên Thai của Cù Hựu. Ngoài một vài chi tiết loại đó, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định truyện Từ Thức lấy vợ tiên lấy nguyên mẫu từ truyện dân gian([5]). Nhà nghiên cứu Nga K. I. Gôlưghina khẳng định truyện Từ Thức lấy vợ tiên có mượn cốt truyện folklore dân tộc hoặc mô típ folklore thế giới([6]).
Ảnh hưởng của folklore, theo chúng tôi, diễn ra qua nhiều con đường. Ngoài con đường truyền miệng trực tiếp, còn có con đường thư tịch do
được người trước ghi lại, biên soạn lại. ở đây mô típ folklore hoà trộn vào văn học viết và tác động bằng con đường phi folklore. Về mặt này, các tiên thoại Trung Quốc chắc chắn đã có ảnh hưởng trực tiếp tới cấu tứ nghệ thuật của truyện Từ Thức lấy vợ tiên.
Trong hệ thống truyện tiên thoại Trung Quốc có ba hệ thống chủ đề : chủ đề tu tiên bao gồm việc học pháp thuật, học ăn mặc, luyện khí công ; chủ đề luyến ái gồm nữ tiên giáng trần và phàm nam du tiên, chủ đề cứu thế. Truyện Từ Thức lấy vợ tiên thuộc nhóm chủ đề thứ hai.
Trong các truyện hôn nhân tiên phàm, có mô típ tiên nữ giáng trần, như truyện Đổng Vĩnh trong Liệt tiên truyện của Lưu Hướng đời Hán. Đổng Vĩnh nhà nghèo, cha mất, phải tự bán mình để lấy tiền lo ma chay cho cha, trời cảm động sai tiên nữ giáng trần làm vợ, dệt lụa giúp Vĩnh trả nợ. Truyện Huyền Siêu trong Sưu thần ký của Can Bảo, kể chuyện ngọc nữ Trí Quỳnh giáng trần tự nguyện làm vợ Huyền Siêu, về sau gia đình lấy vợ cho Siêu, mối tình của Trí Quỳnh không dứt. Mô típ nam phàm lên tiên như truyện Hàn Tử trong Liệt tiên truyện, Hàn Tử ngẫu nhiên lạc vào núi tiên. Tập Thập dị ký của Vương Gia cũng có mô típ nam phàm lạc vào động tiên, nam nữ thoả tình hoan lạc. Đến Lưu Thần, Nguyễn Triệu nhập Thiên Thai trong Sưu thần ký của Can Bảo và Lưu Thần, Nguyễn Triệu trong U minh lụccủa Lưu Nghĩa Khánh thì mô típ nam phàm lên tiên đạt được hoàn thiện. Xét hai mô típ này thì Từ Thức lấy vợ tiên kết hợp hai mô típ làm một – có nữ tiên giáng trần xem hoa và nam phàm lạc vào động tiên.
Mô típ chán công danh quyền chức, yêu chuộng sơn thuỷ trong truyện là trực tiếp lấy từ sự tích Đào Tiềm thời Đông Tấn, đặc biệt là câu nói của Từ Thức : “Ta không thể vì số lương năm đấu gạo đỏ mà buộc mình trong áng lợi danh !” rồi bỏ ấn từ quan, là lấy nguyên từ sự tích Đào Tiềm mà sử sách có chép. Đào Tiềm là Huyện lệnh Bành Trạch, Thái thú quận sai thuộc quan đốc bưu xuống kiểm tra, có người bảo ông lấy áo mũ chỉnh tề ra đón, Đào Tiềm than : “Ta không thể vì năm đấu gạo mà gập lưng trước bọn tiểu nhân trong làng”, nói rồi liền cởi ấn từ quan (Tống thư, Đào Tiềm truyện). Tác giả Nguyễn Dữ đã lấy sự tích người thật việc thật đưa vào lai lịch, hành trạng của nhân vật mình.
Mô típ nhớ quê cũ, bỏ tiên về trần cũng là lặp lại có đổi khác chút ít so với các truyện Trung Quốc. Lưu Thần, Nguyễn Triệu của Can Bảo ở non tiên được nửa năm thì nhớ quê xin về, khi về thì quê hương đã thay đổi, thời gian đã qua mười đời. Lưu Thần, Nguyễn Triệu của Lưu Nghĩa Khánh cũng tương tự : ở trên non tiên được nửa năm thì xin về. Tới nơi làng xóm đổi thay, người không ai biết, hỏi ra thì thời gian đã qua bảy đời… Lại bỏ quê vào núi rồi sau không biết đi đâu. Truyện Động Đình sơn trong Thập dị ký của Vương Gia nói người lạc vào tiên cảnh, khi trở về thì thời gian đã cách chín đời, khoảng chừng ba trăm năm. Nhiệm Phường trong Thuật dị ký kể một truyện tương tự, nói khi trở về đã không còn gặp được người cùng thời. Từ Thức ở tiên lâu hơn, một năm, khi trở về thì quê hương thay đổi, không ai biết, hỏi ra thì thời gian đã qua tám mươi năm. Thời gian tuy ngắn hơn, khoảng ba đời, nhưng không gian, thời gian cách biệt. Truyện Đào hoa nguyên trong Sưu thần hậu ký của Đào Tiềm không có cách biệt thời gian, nhưng cách biệt không gian, mặc dù người đánh cá khi về đã bẻ cây làm dấu, nhưng khi tìm lại thì không thấy nữa.
Không chỉ mô típ cơ bản tạo thành cốt truyện có cội nguồn trong tiên thoại Trung Hoa mà các chi tiết miêu tả, các điển cố đều lấy từ thư tịch Trung Hoa.
Ví dụ, chi tiết Từ Thức “trông ra bể Thần Phù, ở phía ngoài xa vài chục dặm, thấy có đám mây ngũ sắc đùn đùn kết lại như đoá hoa sen mọc lên, vội chèo thuyền ra…” cũng có cội nguồn trong truyện Tam thần sơn, có cội nguồn ở thiên Phong thiền thư trong Sử ký của Tư Mã Thiên. ở đó nói tới ba hòn núi thần là Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu trôi nổi trên biển Bột Hải, cách người không xa, đặc biệt có chi tiết : “Khi chưa đến nơi, trông xa thấy như đám mây, khi đến gần thì ba quả núi thần lại ở dưới nước”. Việc Từ Thức nhận thấy có đám mây ngũ sắc, dấu hiệu của núi tiên là được gợi ý từ Sử ký, nhà văn Việt Nam chỉ thay Bột Hải bằng cửa bể Thần Phù, thay đám mây thành mây ngũ sắc, kết thành hoa sen, thay ba núi thần thành một hòn núi tiên như từ trên trời rụng xuống, có tên là Phù Lai. Đây cũng là thông lệ văn học. Nói chung trong văn học thế giới mọi câu chuyện hão huyền, kỳ lạ đều thường xảy ra trên không gian hoang đảo, nơi mịt mù sóng nước, mây trời bao la !
Chi tiết khi vào động tiên ở truyện Từ Thức lấy vợ tiên : “Đi mò độ hơn một dặm thì thấy có đường đi ngoi lên. Bám bíu trèo lên thì mỗi bước mỗi thấy rộng rãi. Lên đến ngọn núi thì bầu trời sáng sủa. Xung quanh toàn là những lâu đài nguy nga, mây xanh ráng đỏ, bám ở lan can, cỏ lạ hoa lá nở đầy trước cửa” thấy có trong Đào hoa nguyên : “Chàng đánh cá bỏ thuyền lên bờ, bước vào hang núi. Thoạt đầu rất hẹp, chỉ một mình lách vào được. Lại đi mấy mươi bước thì thấy rộng rãi sáng sủa. ở đó đất rộng, bằng phẳng, nhà cửa san sát, chỉnh tề…”. Trong truyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu của Lưu Nghĩa Khánh có đoạn ghi : hai chàng “bám bíu vào dây leo mới leo lên được”.
Khi Từ Thức đến nơi có hai người con gái áo xanh bảo nhau rằng “Lang quân nhà ta đã đến”, thì trong Lưu, Nguyễn nhập Thiên Thai khi hai chàng đến mọi người đã biết trước tên họ hai chàng và gọi họ là chàng rể.
Chi tiết khác như bà Nguỵ phu nhân tự giới thiệu động Phù Lai là động thứ sáu trong 36 động, lại tự xưng là địa tiên ở Nam Nhạc… đều có lai lịch cả. Động Nam Nhạc Hành Sơn theo Đạo giáo Trung Quốc là động thứ ba trong 36 tiểu động, ở đây đổi thành động thứ sáu. Con số 36 động chép trong sách Thiên địa cung phù đồ của đạo sĩ đời Đường là Tư Mã Thừa Trinh soạn, kể 10 động lớn, 36 động nhỏ. Chi tiết “đã thấy bể Nam ba lần tung bụi” gợi nhắc điển cố tiên nữ Ma Cô ba lần nhìn thấy biển xanh biến thành nương dâu ghi trong sách Thần tiên truyện của Cát Hồng. Bà Nguỵ phu nhân tự xưng là “địa tiên” là một trong ba loại tiên mà Thần tiên truyện của Cát Hồng có ghi. Theo đó thiên tiên là tiên có cánh, biết bay, còn địa tiên là người cũng trường sinh bất tử nhưng ở mặt đất để hưởng khoái lạc. Loại tiên thứ ba là người chết rồi mới thành tiên. Chi tiết rượu “kim tương”, “ngọc lễ” cũng có cội nguồn. Trong Thập châu ký của Đông Phương Sóc có ghi ở Doanh Châu có thứ cỏ tiên thần chi, có ngọc thạch cao nghìn trượng, suối chảy ra có vị rượu, đặt tên là Ngọc lễ tuyền uống vào mấy thăng thì say, khiến người trường thọ. Nước đó gọi là rượu Ngọc lễ. Rượu Kim tương còn gọi là rượu Kim dịch, cũng ở Doanh Châu.
Các điển tích khác được nhắc đến trong lời trò chuyện đều có cội nguồn thư tịch đa dạng. Như chuyện Chu Mục Vương gặp Tây Vương Mẫu ở Dao Trì trong Mục thiên tử truyện, cuộc gặp gỡ giữa Hán Vũ đế với Tây Vương Mẫu ghi trong Hán Vũ cố sự của Ban Cố đời Hán, truyện Tiêu Sử và Lộng Ngọc trong Liệt tiên truyện của Lưu Hướng, truyện Giang Phi cởi ngọc – một thứ trang sức của phụ nữ, tượng trưng cho sự thân mật, Giang Phi đã cởi dây ngọc đem cho Trịnh Giao Phủ, cũng trong Liệt tiên truyện. Truyện mối tình giữa ngọc nữ Đỗ Lan Hương và Trương Thạc chép trong Thái bình quảng ký, truyện Chu Tần hành kỷ của Ngưu Tăng Nhụ đời Đường (thực ra là tác phẩm mạo danh họ Ngưu để hãm hại Ngưu, kể chuyện thi trượt, trên đường về lạc vào miếu của Bạc thái hậu, mẹ của Hán Văn đế, được gặp một lúc các nhân vật nổi tiếng như Tức phu nhân, Vương Tường, Dương Quý Phi, Thái Chân phi tử, Nam Tề Phan Thục Phi, Lục Châu,… Điển Trần Tư Vương Tào Thực gặp thần nữ ở bến Lạc đã chép trong Văn tuyển của Tiêu Thống, điển thanh điểu có trong Hán Vũ cố sự của họ Ban.
Tất cả các mô típ, chi tiết miêu tả, đồ vật và điển cố nêu trên, dù chưa chứng thực con đường tiếp thu cụ thể, song đều chứng tỏ khi viết truyện Từ Thức lấy vợ tiên, Nguyễn Dữ đã tỏ ra hết sức thông thuộc các sự tích tiên thoại của Trung Quốc. Nó cho thấy các nhà văn cỡ như Nguyễn Dữ, không bao giờ chỉ học ở một người, một tác phẩm, cho dù tác phẩm ấy có ảnh hưởng to lớn đến đâu, mà còn học ở cả một nền văn hoá. Ta có thể nói tác phẩm của ông kết tinh từ nền văn học cổ điển chữ Hán rộng lớn.
Theo học giả Trung Quốc, truyện tiên thoại Trung Quốc trải qua năm thời kỳ phát triển. Từ thời Chiến quốc đến thời Đông Hán tiên thoại manh nha, diễn ra quá trình tiên thoại hoá một số thần thoại, đến thời Nguỵ Tấn, Nam triều thì phồn vinh, mang ý vị siêu thoát. Đến đời Tuỳ Đường Ngũ đại truyện tiên thoại đã bao chứa ý vị trần tục, nhiều chi tiết hưởng lạc, buông thả, như truyện Chơi động tiên của Trương Trạc (khoảng 660 -740). Đến đời Nguyên thì tiên thoại suy thoái, nhưng vẫn được duy trì suốt thời Minh, Thanh, mà Liêu Trai chí dịlà một đỉnh cao bất hủ. Thời Tuỳ Đường, tiên thoại vừa thế tục hoá, vừa nghệ thuật hoá, hội nhập thành một nhánh của truyền kỳ. Khác với tiên thoại thời trước là nay mang đậm ý vị hư huyễn, cảm thương([7]). Sự suy thoái của tiên thoại, về một mặt khác mà xét lại là một bước tiến trong quá trình kết hợp với thực tế lịch sử, dã sử. Các tiên thoại thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh ngày càng có xu hướng cứu đời, khuyến thiện, trừng ác, đạo đức hoá, bước vào giai đoạn hoàng kim. Cùng với khuynh hướng khuyến thiện trừng ác thì bên cạnh hệ thống thần tiên xuất hiện thêm hệ thống ma quỷ. Tập Tiễn đăng tân thoại thể hiện rõ cho khuynh hướng này, và có ảnh hưởng sâu sắc tới khuynh hướng sáng tác của Nguyễn Dữ. Về điểm này, Trần ích Nguyên đã phân tích sâu sắc([8]).
Tuy nhiên, truyện Từ Thức lấy vợ tiên là một sáng tác mới mang nội dung lịch sử sâu sắc. Lưu Thần, Nguyễn Triệu là những người vào núi hái thuốc bình thường. Chàng đánh cá trong Đào hoa nguyên của Đào Tiềm cũng là người đánh cá bình thường, không hề có ý chán đời, lánh đời gì cả. Trái lại Từ Thức là một kẻ chán ngán danh lợi. Tuy không thấy nói học hành đỗ đạt gì, Từ Thức được làm Tri huyện Tiên Du là do tập ấm, nhưng Từ Thức xử thế y hệt như một danh sĩ, tức là người không chịu cúi gập lưng hầu hạ kẻ quyền quý, không hám công danh, thích tự do tự tại, ngao du sơn thuỷ. Bị quan trên quở trách là chàng treo ấn từ quan liền. Khẩu khí, hành tích giống hệt Đào Tiềm, đi đâu cũng mang theo quyển thơ Đào Tiềm để ngâm vịnh. Có thể nói chàng là Đào Tiềm tái thế tại Việt Nam. Việc ghi niên hiệu năm Quang Thái đời Trần, tức đời vua Trần Thuận Tông, vị vua cuối cùng trước khi bị Hồ Quý Ly thoán đoạt là một tín hiệu có ý nghĩa phê phán chính sự thối nát, lòng người ly tán. Từ Thức là hình bóng điển hình của kẻ sĩ bỏ quan quy ẩn, không màng công danh, thích phóng khoáng, ghét chính sự ràng buộc,… Xét kẻ sĩ đời Trần, các thi sĩ thi xã Bích Động như Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Trần Quang Triều, tuy sống trước thời Quang Thái những hơn một trăm năm, nhưng cái chí Đào Tiềm của họ rất rõ. Trần Quang Triều đặt hiệu là Cúc Đường chủ nhân. Nguyễn Ức làm thơ viếng Trần Quang Triều nói “Lòng trong trắng chỉ yêu hoa cúc ở giậu phía đông”, gợi lại câu thơ họ Đào : “Thái cúc đông ly hạ, Du nhiên kiến Nam sơn” (Hái cúc giậu phía đông, tự thiên thấy núi Nam). Chu Văn An sống ở thời Trần Dụ Tông, chính sự thối nát, đã dâng sớ xin chém bọn quyền thần, không được, bèn bỏ quan quy ẩn ở núi Phượng Hoàng. Trần Nguyên Đán thấy nhà Trần sắp mất cũng xin về hưu ở động Thanh Hư tại Côn Sơn. Bản thân Nguyễn Dữ cũng bỏ quan về ở ẩn. Có thể nói Từ Thức kết tinh bao nhiêu hình bóng và tâm sự kẻ sĩ Việt Nam vào thời chính sự thối nát.
Từ Thức lấy vợ tiên có cảm hứng siêu thoát, nhưng chỉ là siêu thoát chính sự, không phải siêu thoát cuộc đời. Chàng không chạy theo cảnh sống trường sinh bất tử. Chàng lấy vợ tiên như một sự ngẫu nhiên, chứ không do tu hành. Cả chàng và Giáng Hương lòng trần rất nặng. Khi Giáng Hương nói : “Không như thiếp bảy tình chưa sạch, trăm cảnh dễ sinh, hình ở phủ tía nhưng luỵ vướng duyên trần, thân ở đền quỳnh mà lòng theo cõi dục” thì Từ Thức nói : “Nếu thế thì em còn thua các tiên kia xa lắm”. Thế là vợ chồng cùng vỗ tay cả cười rất tương đắc như tự tán thưởng cho mình vì lòng trần còn nặng.
Nhưng truyện Từ Thức còn là một bi kịch của kẻ sĩ cô độc không chốn nương thân. Chàng lên tiên thì nhớ mong quê cũ, chàng về quê cũ thì thiên hạ đổi dời. Chàng thui thủi mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn vào núi Hoành Sơn rồi biến mất, chỉ để lại hoài niệm về một cái chí thanh cao và một tấm lòng trần rất nặng.
Như vậy truyện Từ Thức chịu ảnh hưởng của Cù Hựu chỉ một phần nhỏ, phần lớn chịu ảnh hưởng của tiên thoại, truyền kỳ Trung Quốc và chịu tác động của thực tại Việt Nam. Chỉ khi nào so sánh văn học cổ Việt Nam trong bối cảnh văn hoá, văn học rộng thì mới nhìn rõ mối quan hệ ảnh hưởng và sáng tạo của nó. Nhà văn cổ điển Việt Nam, dù vay mượn của ai, cái gì, thì trên thực tế họ chịu ảnh hưởng của cả nền văn học, văn hoá Trung Quốc.
Chú thích:
([1][2]) Đổng Văn Thành, So sánh “Kim Vân Kiều truyện” Trung – Việt trong sáchMinh Thanh tiểu thuyết luận tùng, tập 4, 1986.
([3]) Trần Đình Sử, Truyện Kiều và văn hoá Trung Quốc, Tạp chí Hán Nôm, số 3, năm 1998.
([4]) Phạm Tú Châu, Về mối quan hệ giữa “Tiễn đăng tân thoại” và “Truyền kỳ mạn lục”trong sách Đi giữa đôi dòng, NXB Khoa học xã hội, H., 1999.
([5]) Trần ích Nguyên, Nghiên cứu so sánh “Tiễn đăng tân thoại” và “Truyền kỳ mạn lục”NXB Văn học, H., 2000.
([6]) Phạm Tú Châu, Về mối quan hệ giữa “Tiễn đăng tân thoại” và “Truyền kỳ mạn lục”trong sách Đi giữa đôi dòng, Sđd.
([7]) Mai Tân Lâm, Tiên thoại, thế giới hư huyễn giữa thần và người, NXB Tam Liên, Thượng Hải, 1992.
([8]) Trần ích Nguyên, Nghiên cứu so sánh “Tiễn đăng tân thoại” và “Truyền Kỳ mạn lục”, Sđd.
Nguồn: Tạp chí Văn học, số 5, 2000.