Văn học nước ngoài

Huyền thoại văn chương: Thời điểm phát sáng và biến hóa trong văn học viết hiện đại


15-10-2020
Tác giả: PGS. TS Đặng Anh Đào

Ta có thể tìm thấy bóng dáng sự biến hóa của huyền thoại văn chương (1) ở mọi thời điểm phát triển của lịch sử văn chương viết (2), thật thiên hình vạn trạng. Bản thân nội hàm của thuật ngữ HTVC và VCV đã liên quan tới rất nhiều hình thức thể loại. Dẫu chỉ giới hạn đối chiếu cổ- kim trong thời hiện đại, bài viết này đã phải khảo sát một phạm vi không gian, thời gian và tác phẩm khá rộng lớn.

“Một hôm nào đó, ta thức dậy, mù lòa như số phận”(S.Beckett – Chờ Godot). “Lá đào rơi rắc lối Thiên thai/ Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi” (Tản Đà: Tống biệt). “Nhưng có một nàng mà hai rể/ Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều” (Nguyễn Nhược Pháp: Sơn Tinh Thủy Tinh). Chỉ cần trích một câu văn, thơ ngắn, ta cũng có thể thấy: nếu không có một bề dày thẩm thấu văn học dân gian thì người đọc hiện đại không thể cảm thấy rung động đến tận tâm can vì chiều sâu của triết lý hoặc phong cách tài hoa, giọng điệu mới mẻ in dấu ấn của những tài năng độc đáo- dẫu giữa họ tưởng như không có một nét gì chung.

Ta có thể tìm thấy bóng dáng sự biến hóa của huyền thoại văn chương (1) ở mọi thời điểm phát triển của lịch sử văn chương viết (2), thật thiên hình vạn trạng. Bản thân nội hàm của thuật ngữ HTVC và VCV đã liên quan tới rất nhiều hình thức thể loại. Dẫu chỉ giới hạn đối chiếu cổ- kim trong thời hiện đại, bài viết này đã phải khảo sát một phạm vi không gian, thời gian và tác phẩm khá rộng lớn. Bởi vậy:

1. Chỉ có thể thực hiện sự miêu tả một số thời điểm và hình thức biểu hiện mà không trình bày được một lịch sử, diễn tiến.

2. Chọn đối tượng khảo sát HTVC và VCV trong mối quan hệ tiếp nhận, rút cục, bài viết tập trung vào những yếu tố của thể loại. Bởi khảo sát sự tiếp nhận về thể loại, như A.Compagnon đã viết về mĩ học tiếp nhận: “Nó có lẽ chẳng là gì khác ngoài hóa thân cuối cùng của một sự suy nghĩ rất lâu đời về các thể loại văn chương” (3).

Kết quả là bài viết cũng phải lựa chọn một định nghĩa cho khái niệm công cụ ấy. Đã có nhiều phát biểu về thể loại (mà người viết bài này đều thấy có phần hợp lý), bởi không chỉ riêng ở đây mà nó là một “từ khóa” của phê bình văn học nói chung (vd: ngay khi chỉ bàn về cái kỳ ảo ở cuốn Dẫn luận về văn chương kỳ ảo, Todorov đã dành cả chương mở đầu để định nghĩa thể loại). Ở bài viết này, chúng tôi lựa chọn định nghĩa sau đây, không phải chỉ vì nó rộng nhất mà còn vì nó đặt mối liên hệ giữa thể loại với vấn đề tiếp nhận- vốn là một hệ quả của suy luận ở điểm 1: “Thể loại (…) là mã văn chương, tổng thể chuẩn mực, quy tắc trò chơi cho người đọc biết cách anh ta sẽ phải tiếp cận văn bản ra sao”(4).

3. Đề tài hướng về những văn bản lịch đại, thêm nữa, do giới hạn ở miêu tả hơn là khảo sát lịch sử, nên phương pháp tiếp cận ở đây là đối chiếu để tìm sự giao thoa, mà không phải so sánh để xác định ảnh hưởng.

Sau đây là những nhận định rút ra từ quá trình khảo sát đề tài dựa trên những quan điểm và phương pháp tiếp cận đã nêu trên

*      *

*

1. Những vấn đề cấp thiết của hiện sinh đi tìm khuôn đúc trong những mẫu hình muôn thuở

Thế kỷ XX đã có lúc được định danh là Kỷ nguyên của Hồ nghi, Lo âu, Phi lý.v.v. Đó là nét khắc họa bộ mặt tinh thần. Còn nếu đi tìm một cái mới trong cách thể hiện những vấn đề ấy của hiện sinh, chúng tôi cho rằng sự tương ứng ở nghệ thuật của VCV, đó là: nó tìm thấy mình nhiều nhất ở dạng thái nguyên sơ. Không chỉ giới nghiên cứu văn chương mà các nhà nhân chủng học cũng đã xác nhận “Sự trở về với huyền thoại đang diễn ra không chỉ trên lĩnh vực nhân học nói chung mà đặc biệt tập trung ở VCV. Các nhà huyền thoại như Gibert Durand, P.Brunel, A.Siganos…đã tìm thấy những minh chứng hùng hồn nhất khi phân tích sáng tác của một số nghệ sĩ hiện đại (5). Họ không chỉ cảm nhận hồn nhiên (Kafka) mà còn ý thức rất sáng suốt về hướng huyền thoại hóa này. Gunter Grass, Nobel 1999 đã được Olivier Manonni đánh giá là: “Trong toàn bộ sáng tác của ông, ẩn dụ của truyền thuyết và huyền thoại đều hiện diện và đóng một vai trò chủ chốt”. Chính G.Grass cũng đã từng ý thức rất rõ về điều đó và còn khái quát nó thành một đặc trưng của toàn cảnh VCV hiện đại. Trong bài viết Văn chương và Huyền thoại, G.Grass cho rằng giờ đây, “Văn chương sống bằng huyền thoại. Nó tạo ra huyền thoại, rồi lại tiêu diệt đi. (…) Tôi hình dung truyện cổ và huyền thoại như một bộ phận, hay đúng hơn, như một cái đáy thứ hai của thực tại chúng ta (…) Những khát vọng ở đó (…) nói lên thực tại trong các giấc mộng đêm và ngày, nhưng cũng là ngôn ngữ thường nhật, vốn dĩ mang tính chất bột phát” (5).

Để chứng minh sự trở về với huyền thoại, để chúng ta có thể hoàn toàn bị chinh phục, tôi nghĩ rằng chẳng cần tới một bản thống kê- dù chỉ giới hạn ở những tên tuổi lẫy lừng nhất, những tác phẩm mà mô tip của huyền thoại xuất hiện ngay trên trang bìa. Việc này bất kỳ một sinh viên nào cũng có thể tải xuống từ máy tính một lượng khổng lồ. Lịch sử VCV cũng đã chứng kiến một thời điểm phát sáng của văn học dân gian ở phương Tây thế kỷ XIX. Vấn đề ở đây là giải thích sự tái sinh, sự trở về với huyền thoại giữa thời đại “kỹ trị”, giữa đế chế của máy tính, thế kỷ XX, XXI.

Ở mức độ phổ quát nhất, sự trở về với huyền thoại thường bột phát khi có hiện tượng tỉnh thức trước một số vấn đề mới của hiện sinh. Vì sao bối cảnh ấy lại kích thích nhà văn tìm một cách xử lý nghệ thuật theo đường vòng- theo phương thức huyền thoại? Căn nguyên ở mỗi nghệ sĩ cùng hướng tới cách xử lý nghệ thuật này có thể khác nhau nếu ta khảo sát từng trường hợp, nhiều khi độc nhất vô nhị. Tuy nhiên, cũng có thể quy tụ vào một nguyên nhân phổ biến: Do những vấn đề bức xúc gặp phải những lực cản, nhà văn phải tìm tới thế giới của ám dụ, tượng trưng, mẫu gốc… vốn đã cắm rễ sâu trong ký ức cộng đồng. Ví dụ: hình tượng Jeanne d’Arc- nhân vật lịch sử có lẽ là duy nhất đã biến thành huyền thoại- đã là mô típ của hai vở kịch của Brecht rất nổi tiếng ở thời kỳ bóng đen của chủ nghĩa phát xít bao trùm lên thế giới hiện đại. Ở Việt Nam vào một thời điểm như thời kỳ Nhân Văn Giai phẩm có lúc một số nhà phê bình tự coi là “chính thống” đã chủ trương chống “biểu tượng hai mặt”. Vốn gần gụi với phương thức nghệ thuật của huyền thoại nên hiện tượng “biểu tượng hai mặt” được sử dụng như một phương tiện để giải tỏa ẩn ức từ thời Nhân Văn Giai phẩm cho tới gần đây lại tái sinh ở một thế hệ trẻ (như Nguyễn Huy Thiệp…), và nói chung ở văn học đương đại. Điều này chứng tỏ phương thức huyền thoại đáp ứng nhu cầu của nghệ sỹ trước những vấn đề bức xúc mới mẻ của cuộc sống.

Tất nhiên, không phải các nhà văn khi xử lý phương thức gián tiếp của huyền thoại, đều ngây thơ tin rằng những thế lực cản trở sự giải tỏa ẩn ức (của cá nhân hoặc tập thể) sẽ không hiểu được nghệ thuật ám dụ. Ngược lại, sự “mẫn cán” của giới phê bình chính thống có khi còn khiến có nhà văn bị hàm oan (7).

2. Kích thích năng lực phát hiện thông điệp, sự đồng sáng tạo trong tiếp nhận của độc giả– đó mới là mục đích cuối cùng của nhà văn khi sáng tạo theo phương thức của huyền thoại.

Nhà huyền thoại học André Siganos đã lưu ý đến sức mạnh của phương thức chủ yếu ở huyền thoại- đó là “sự dọi sáng của biểu tượng”, còn P. Sellier thậm chí đã nói đến “sự bão hòa của biểu tượng” trong mẫu gốc. Ở những thời điểm căng thẳng, đòi hỏi một sự tỉnh táo suy nghĩ cũng như sự thức tỉnh người đọc, nhà văn phải chọn cách khai thác bề sâu của chiêm nghiệm trước những vấn đề sinh tử- về thể xác lẫn tâm hồn- của con người bằng phương thức kích thích sự phát hiện từ những khối tinh tú phát ra nhiều tầng ý nghĩa. Từ đó, huyền thoại mớiđã được cắm mốc bằng những tác phẩm độc đáo, mở đầu bằng những hình tượng lạ lẫm trongBiến dạng, Mê cung… của Kafka.v.v. tới Nhẫn thạch (Syngué Sabour) của Atiq Rahimi…

VCV Việt Nam, do những điều kiện xã hội, văn hóa đặc biệt nửa đầu thế kỷ XX, đã hướng về sự tiếp nhận văn học dân gian nói chung. Những vấn đề bức xúc về chính trị thường đòi hỏi các nhà văn hướng về quần chúng, bằng những hình thức văn học dân gian trực tiếp nhất trong sự giải mã thông điệp. Tuy nhiên, ta vẫn có những mô típ Thiên Thai, Đào Nguyên lạc lối- bóng dáng của HTVC- ở một vài tác phẩm thời trước cách mạng (Tản Đà, Ngô Tất Tố…và cả Văn Cao- nếu xét trên ca từ). Sự “mãi mãi trở về” ấy phải chăng là hướng giải tỏa của một thế hệ bị ức chế, khát khao một không gian, thời gian, ở đó “có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần…” vốn đã được biểu tượng bằng hình ảnh Thiên thai, Suối hoa đào cổ xưa.

Cuối cùng, giải thích sự tiếp nhận huyền thoại, những biến hóa của nó trong VCV hiện đại, ta vẫn phải giải thích bằng đặc trưng của thể loại “cội nguồn”.

3. Những đặc trưng của huyền thoại và HTVC

3.1. Tác phẩm văn chương có thể được gọi là “huyền thoại mới”, khi nó phát ra một vài tín hiệu của thể loại “cội nguồn”. Đã có nhiều tổng kết về những đặc trưng của huyền thoại “cội nguồn” qua công trình của những nhà huyền thoại học nổi tiếng nhất từ đầu thế kỷ XX- kể cả Freud (bởi ngay từ giữa thế kỷ XX, những diễn giải về huyền thoại của ông đã được coi là rất độc đáo, dẫu chỉ quy tụ về một cách nhìn cực đoan, vẫn được đánh giá cao hơn là những lý thuyết Phân tâm học bị coi là có những khiếm khuyết về mặt khoa học).

Ở đây, chúng tôi lựa chọn tổng kết của P.Sellier về huyền thoại:

- Nó là câu chuyện khai nguyên, kiến tạo (fondateur, restaurateur).

- Nó là công trình tập thể, vô danh.

- Được coi là có thật bởi là « chuyện thiêng » có hiệu quả phù phép, được đọc lên trong những tình huống nhất định.

- Nhân vật chính (thánh thần, anh hùng…) hành động không theo động lực thông thường (tâm lý, duy lý…) mà theo lô gic của tưởng tượng.

- Sức mạnh và sự thuần khiết của tổ chức chặt chẽ về cấu trúc : Mỗi chi tiết đều nằm trong hệ thống những mã có ý nghĩa.

P.Sellier cũng đã từ đó phân biệt huyền thoại với HTVC. Sau khi điểm lại ý kiến của các nhà nghiên cứu về HTVC- mà P. Sellier cho là « một tên gọi chưa kiểm soát được »- ông đi đếnnhững đặc tính chung của huyền thoại và HTVC. Thứ nhất, đó là « sự bão hòa của biểu tượng » : cả hai đều « dựa trên những tổ chức biểu tượng, làm rung động những sợi dây nhạy cảm nhất ở mọi con người »(8). Thứ hai, một tổ chức kết cấu đặc biệt đến mức được gọi là « vòng xoáy đinh ốc »- đòi hỏi nhân vật chính bị phong tỏa trong một tình thế phức tạp, kịch tính (tiêu chí khiến một nhân vật như Joseph K. được gọi là « nhân vật huyền thoại »). Thứ ba, « sức tỏa sáng siêu hình học »- đó chính là ranh giới phân biệt huyền thoại và cổ tích, trong khi đặc trưng ấy khiến một tác phẩm tắm trong không khí trần tục như Chờ Godot lại gần với huyền thoại văn chương bởi hướng « cái nhìn lên cao », có tính chất siêu hình (theo như nhận định ở mục « Huyền thoại » của bộ Từ điển Văn học Pháp và Nước ngoài của Larousse-1985). Giới nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh « Ý nghĩa hiện sinh », hiệu quả « gợi cảm giác về số mệnh đằng sau cuộc sống thường nhật ». Cuối cùng, đối với các nền văn hóa,  sức mạnh rung cảm của huyền thoại một phần lại nằm ở điểm phát ngôn của nó : huyền thoại là « những thông điệp không có người phát » (9).

Trên đây là một số căn cứ lý luận mà chúng tôi sẽ đối chiếu khi phát hiện sự biến hóa của huyền thoại trong VCV hiện đại.

4. Sự biến hóa của huyền thoại trong VCV hiện đại

4.1. Cách tiếp nhận của văn chương viết hiện đại đối với huyền thoại so với những thế kỷ trước mới mẻ tới mức người ta gọi nó là « phản huyền thoại ». Cũng có thể gọi đó là hình thức « nhại huyền thoại » (parodie). Ví dụ : những phiên bản của Oedipe, Don Juan, Prométhée trong Alain Robbe-Grillet nhằm đập vỡ những thần tượng trên lĩnh vực siêu hình học, tư tưởng triết học (mà không phải là hướng về bản thân nhân vật huyền thoại). Cũng có thể xếp vào loại phản huyền thoại vài truyện của Nguyễn Huy Thiệp về Con gái thủy thần,… Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ…

4.2. Một hình thức dễ bị đồng nhất với loại trên, đó là « hợp thể huyền thoại ». Ở ta, cách dịch đồng nhất hai thuật ngữ parodie(nhại) và pastiche (hợp thể) làm một (10). Quả là ranh giới giữa chúng khá mơ hồ và cả parodie lẫn pastiche đều sử dụng lối bắt chước, song sự khác biệt nằm ở chỗ nhại (văn bản) thường thiên về bóp méo và hạ bệ còn hợp thể thường không hàm ý đó. Trường hợp Ulyssee của J. Joyce có lúc được gọi là « nhại » Odyssée, có lúc được coi là « hợp thể ». Chúng tôi nghĩ « hợp thể » có thể vận dụng vào cách xử lý huyền thoại ở một số tác phẩm của Toni Morrison như Người yêu dấu, ở Antigone của Brecht và của Jean Anouih…

4.3. Những sách kinh điển cho rằng sự phân biệt giữa huyền thoại với HTVC nằm ở điểm huyền thoại vô danh còn HTVC có tên tác giả. Điều này hiển nhiên là đúng. Song chính ở điểm này, chúng tôi phát hiện thấy một nét độc đáo, lạ lẫm, mới mẻ ở HTVC thế kỷ XX-XXI, đó là : những nhà văn hiện đại đang cố gắng trở lại cội nguồn bằng cách biến tác phẩm của họ thành những « thông điệp không có người phát » như huyền thoại thuở hồng hoang. Họ tự xóa nhòa mình trong tác phẩm bằng tiếng nói đa âm, bằng cách nhân gấp bội điểm nhìn và nhiều chủ thể phát ngôn, bằng tính không xác định của ý nghĩa văn bản…như trường hợpNgười yêu dấu của T.Morrison, như lối kết thúc Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp (trường hợp sau đã biến truyện lịch sử thành giả-lịch sử- (vấn đề này đã được chúng tôi đề cập tới khi tác phẩm này mới ra đời). Ở đây, tôi cũng liên tưởng tới việc có thể gọi HTVC hiện đại là giả huyền thoại.

4.4. Cũng như những lần hồi sinh của văn học dân gian nói chung ở các thế kỷ trước (ví dụ thế kỷ XIX ở phương Tây), sự tiếp nhận nghệ thuật huyền thoại trong VCV thể hiện ở nhiều cấp độ. Truyện cũ viết lại (như Suối hoa đào của Ngô Tất Tố)- thuộc dạng tiếp nhận tích truyện(11), cốt truyện. Lối truyện cũ viết lại này đã hơi cổ, nay VCV chỉ lấy từng mảnh của huyền thoại, song chiều sâu của tư tưởng ám ảnh đến mức có thể tạo ra một huyền thoại văn chương. Cấp độ mô típ được VCV sử dụng nhiều hơn (ví dụ chi tiết con rắn bị đánh chết ở Lệ Chi Viên giỏ ba giọt máu xuống trang sách Nguyễn Trãi đang đọc…những ngôi mả hoang trong Cánh đồng bất tận). Hình thức parabole (dịch là phúng dụ ?)(12) vốn có nguồn gốc từ những lời sấm truyền trong Kinh Thánh, nó « khoác lên chân lý trừu tượng một tấm áo của hình ảnh cụ thể và đầy ấn tượng »( 12) có thể tìm thấy lại trong Thông điệp của Hoàng đế của Kafka hoặc Vụ thăng tiến có thể cưỡng lại của Arturo Ui- (ám chỉ chuyện Hitler tiếm quyền vào những năm 30) do B.Brecht viết.v.v. Liên quan tới parabole là nghệ thuật biểu tượng, vốn rất phù hợp với HTVC. « Nó là một tín hiệu cụ thể luôn dẫn tới một sự thực thuộc bản chất khác, một sự thực mà cảm quan cũng như khái niệm đều không đạt tới »(15), bởi còn có « vô số những điều nằm ở ngoại biên sự thấu hiểu của con người »- như Jung đã nói về biểu tượng.

4.5. Hạt nhân, « lõi cứng » (để dùng lại hình ảnh của André Siganos) của huyền thoại đó là mẫu gốc : « Sự xuất hiện của huyền thoại càng xa, thì sự lặp lại của nó càng dài, dịp may để nó hợp thành diễn ngôn càng lớn khi chỉ những mẫu gốc còn cất tiếng hoặc gần như thế »(16).

4.6. Mê cung của thời hiện đại

Trong sự lên ngôi của mẫu gốc huyền thoại, VCV hiện đại hướng tới một số vì tinh tú có khả năng lấp láy nhiều ý nghĩa thời sự của hiện sinh nhất. Thống kê tần số xuất hiện của một số mẫu gốc có thể thấy trạng thái tinh thần của con người hiện đại- đây có thể là chất liệu của cả một công trình nghiên cứu. Ở đây, chúng tôi chỉ chọn một trong những mẫu gốc có tần số xuất hiện cao nhằm chứng tỏ : sự lên ngôi của một mẫu gốc có ý nghĩa dọi sáng vấn đề của hiện sinh hiện nay như thế nào. Khi khảo sát sự di chuyển của cái nhìn vào mẫu gốc trong hệ thống những mã của huyền thoại, chúng tôi thấy nổi lên mô típ « Mê cung » hoặc « Mê lộ » (Labyrinthe). Tần số đậm đặc trong sự xuất hiện của nó ở VCV hiện đại là điều không thể chối cãi (Kafka, A. Robbe-Grillet, J.Joyce, Le Clézio, Cortazar…)- Điều quan trọng hơn : hệ thống huyền thoại, sơ đồ của câu chuyện cổ sơ về Minotaure, gồm bốn mẫu gốc có « năng lực lan tỏa hào quang » (P.Brunel) đã cung cấp năng lượng cho VCV từ những thế kỷ trước, đó là Thésée, Ariane, Minotaure và Dédale. Điều đáng lưu ý ở VCV hiện đại là nó không tập trung nguồn cảm hứng vào bốn nhân vật trên mà mô típ, trung tâm phát sáng giờ đây lại là một không gian : Mê cung. Điều mới mẻ thứ hai là : mê cung không còn chỉ là một cấu trúc về không gian, mà thường được triển khai theo hai hướng : sự lạc lối trong mê cung của tâm thế nhân vật và mê hồn trận của lối viếtVụ án, Lâu đài, Biến dạng…là những mê hồn trận mà người anh hùng ở đó- khác với huyền thoại cổ xưa- không thể tìm ra lối thoát, trong khi Mê cung xưa vẫn có một đường ra và có một kết thúc. Bức Vạn lý trường thành của nỗi cô đơn vây hãm họ, mặc cảm tội lỗi khiến họ không thể thoát khỏi cơn ác mộng. Còn với Borghez, mỗi tác phẩm của ông là một trận đồ bát quái khiến người đọc phải lạc lối khi tìm đường diễn giải – hiện tượng « mê cung » trong lối viết đã trở thành rất quen thuộc ở nhiều tác phẩm VCV hiện đại, trở thành những câu đố bí hiểm của những nhà văn –sphinx, không hướng về một Oedipe duy nhất. Nay đã hết thời Đào Nguyên lạc lối, mà vẫn có một đường về, dẫu chỉ để tìm thấy một không gian và thời gian xa lạ.

Có thể nói chính sự trở về với huyền thoại đã mang lại cho những tác phẩm hiện đại chất thơ, vẻ đẹp hồn nhiên mà bí ẩn, đã khiến những vấn đề của cái thường nhật nâng lên tầm ý nghĩa siêu hình và mỗi người đọc tìm cách giải mã những câu hỏi muôn đời của hiện sinh.

Chú thích :

(1). Viết tắt : HTVC

(2). Viết tắt : VCV

(3), (4). Antoine Compagnon : Bản mệnh của lý thuyết. (Bản dịch của Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào), NXB Đại học Sư phạm, tr. 230

(5). Ví dụ : P.Brunel : Lời giới thiệu Quái vật Minotaure và huyền thoại, NXB PUF, 1993 ; G.Durand : Huyền thoại học nhập môn- Huyền thoại và các xã hội, Allin Michel, 1996…

(6). G.Grass : Văn chương và huyền thoại, in La Mazme littérature no 380, 1999, tr. 61, in lại trong Toàn tập Grass (Essays und Reden, vol 3)

(7). Trường hợp Cây táo ông Lành là một ví dụ điển hình về vụ « hàm oan »

(8). P.Sellier : Huyền thoại văn chương là gì- in Littérature no 55, 1984, tr. 118

(9) Dictionnaire des littératures francaises et étrangères, NXB Larousse, 1985, tr. 1065

(10). Ở đây chúng tôi chọn cách dịch thuật ngữ « pastiche » của Phan Tấn Hải trong bản dịchPostmodern American fiction : A Norton Antholy, www.tapchitho.org/vhhd/pth3.htm

(11). Tương đương với một từ nay ít dùng : « tích chèo » chẳng hạn. (Chúng tôi mượn để dịch nghĩa « fable »).

(13) Trong thuật ngữ nước ngoài, vẫn phân biệt parabole với allégorie

(14). La littérature francaise de A à Z, Hatier, 1998, tr. 314

(15). Sđd, tr. 425

(16). André Siganos, sđd, tr. 8

Nguồn: lythuyetvanhoc.wordpress.com

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020