Văn học nước ngoài

Diễn giải của Trần Đức Thảo về mặc cảm Oedipe


15-10-2020
Tác giả: PGS.TS Lê Nguyên Cẩn

Công trình Các nghiên cứu về cội nguồn ngôn ngữ và ý thức của GS. Trần Đức Thảo, đặc biệt với phần Nghiên cứu thứ ba: Chủ nghĩa Marx và phân tâm học: các cội nguồn của khủng hoảng Oedipe trong cuốn sách này (Troisième recherche: Marxisme et psychanalyse: les origines de la crise oedipienne) với cách nhìn và cách tiếp cận theo quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Marx góp phần soi sáng và lí giải vấn đề liên quan đến ẩn số phức cảm Oedipe trong cuộc sống đời thường đồng thời qua đó giúp chúng ta hiểu thêm vấn đề này trong văn học nghệ thuật.

 

Phân tâm học Freud, một thành tựu quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu đời sống tâm lí-tâm thần nổi bật của thế kỉ XX, đã mang lại cho nghiên cứu triết học nói chung và cho văn học nghệ thuật nói riêng cái nhìn mới mẻ, cho phép mở rộng và đi sâu nghiên cứu bản chất của sáng tạo nghệ thuật, cho phép lí giải những hiện tượng vốn từ trước đến giờ vẫn là ẩn số của văn chương, tới mức giới nghiên cứu văn học Âu-Mỹ đã khẳng định đằng sau mỗi tác phẩm lớn của văn học phương Tây thế kỉ XX đều có bóng dáng của Freud. Một trong các ẩn số đó chính là phức cảm Oedipe – le complexe d’Oedipe - còn được dịch là mặc cảm Oedipe. Tuy nhiên việc nghiên cứu tìm hiểu phân tâm học Freud nói chung và về phức cảm Oedipe nói riêng, ở Việt Nam cho đến nay, vẫn đang là vấn đề nan giải nếu không nói là có phần xa lạ với chúng ta. Vì thế công trình Các nghiên cứu về cội nguồn ngôn ngữ và ý thức1 của GS. Trần Đức Thảo, đặc biệt với phần Nghiên cứu thứ ba: Chủ nghĩa Marx và phân tâm học: các cội nguồn của khủng hoảng Oedipe trong cuốn sách này (Troisième recherche: Marxisme et psychanalyse: les origines de la crise oedipienne) với cách nhìn và cách tiếp cận theo quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Marx góp phần soi sáng và lí giải vấn đề liên quan đến ẩn số phức cảm Oedipe trong cuộc sống đời thường đồng thời qua đó giúp chúng ta hiểu thêm vấn đề này trong văn học nghệ thuật. Bài viết của chúng tôi dừng lại trên việc nghiên cứu các quan điểm mà Trần Đức Thảo đã xây dựng để tạo nên những luận chứng vững chắc khi lí giải vấn đề này, tập trung trong Nghiên cứu thứ ba của công trình trên.

Phức cảm Oedipe – được gọi theo tên của nhân vật Oedipe, một nhân vật trong truyền thuyết Hi Lạp, hiện hình trong Oedipe-vua (Oedipe roi) và mở rộng ra cả trong Oedipe ở Colonos (Oedipe à Colonos) và Antigone (Antigione) của nhà bi kịch nổi tiếng Sophocle (sinh khoảng 496-494 và mất 406 tr.CN) – gắn với bi kịch giết cha lấy mẹ của nhân vật này và trở thành vấn đề-ẩn số (le problème énigmatique) trong văn chương. Phải chăng đây là câu chuyện nói về sự loạn luân đáng phỉ báng mà như vậy giá trị đích thực của tác phẩm văn chương là ở chỗ nào, tố cáo phê phán hay răn dạy luận lí đạo đức, hay cả hai? Phải chăng đây là một sự nhầm lẫn mù quáng vốn từng xảy ra trong lịch sử nhân loại như kiểu anh em ruột lấy nhau mà truyền thuyết nhiều dân tộc đều có? Phải chăng đây là một vấn đề liên quan đến kí ức xa xưa của nhân loại, gắn với thời kì mông muội mà loài người đã trải qua?... Có rất nhiều những giả thiết nữa có thể đặt ra mà chính Freud trong Các tiểu luận về phân tâm học ứng dụng cũng chỉ ra “ba kiệt tác văn chương của mọi thời – Oedipe vua của Sophocle, Hamlet của Shakespeare, Anh em nhà Karamazov của Dostoievski – đều luận giải môtip sát hại cha mẹ”2, hay đi xa hơn Marthe Robert trong Tiểu thuyết của các cội nguồn và các cội nguồn của tiểu thuyết3 khẳng định: “Phức cảm Oedipe như hành vi nhân tính phổ quát, không tồn tại như một hư cấu, cũng không phải là sự tái hiện, cũng chẳng hề do nghệ thuật của tưởng tượng mà không trở thành theo một kiểu nào đó sự minh họa được che đậy. Trong ý nghĩa này, tiểu thuyết chỉ là thể loại “mang tính Oedipe” từ cuốn này sang cuốn khác…”. Như vậy vấn đề phức cảm Oedipe không phải là vấn đề của một người, của một nhân vật trong một tác phẩm hay chỉ gắn với một thời mà tự thân nó mang tầm vóc lớn hơn, có giá trị dữ liệu quan trọng liên quan đến đáp số của bài toán nhân cách con người. Trần Đức Thảo, trong công trình của mình cũng tìm cách tường minh vấn đề này từ góc độ triết học duy vật lịch sử.

Trước hết, điểm xuất phát của ông là sự phản bác lại các quan điểm của sinh vật luận tâm lí và lí thuyết xã hội học của Durkheim, các quan điểm đã kí sinh trên phân tâm học, che phủ bản chất đích thực của phân tâm học, dẫn tới, hiển nhiên, những suy luận xa lạ, thậm chí có thể tới mức cực đoan về chính phân tâm học. Tiêu biểu cho các quan điểm này, chính là “định thức khởi đầu (le déterminant primaire) do André Green đưa ra: “định thức khởi đầu vốn là quan hệ của mọi kẻ được sinh ra. Người ta muốn làm gì mặc lòng, nhưng tất cả mọi cá thể đều được sinh ra từ hai cha mẹ, một cùng giới tính, một khác giới tính. Đó là cấu trúc mà không có phương tiện nào để thay thế được. Anh có thể làm biến đổi vai trò, chức năng, ngữ cảnh lịch sử, nhưng trong cái hình tam giác này, anh không thể làm biến đổi giới tính, nghĩa là, định thức khởi đầu” (A.Green, trang 24-25, 27)4. Tam giác ba đỉnh đó có một đỉnh là cha (ta kí hiệu là C), một đỉnh là mẹ (M) và một đỉnh là con (Co) mà xét về mặt hình thức, tam giác đồng qui quan hệ này là khó bác bỏ, nghĩa là “Nói cách khác, phức cảm Oedipe vẫn giữ nguyên bản chất độc lập với tính lịch sử, đương nhiên bất chấp mọi biến đổi của các phản ánh ít nhiều gắn với hình thái xã hội mỗi thời đại, bởi lẽ nó dựa trên mô hình “bất biến” của cội nguồn sinh học, mô hình “định thức khởi đầu” vốn là quan hệ của những người được sinh ra này”4. 

Từ đây, ta có thể suy ra, nếu Co là con trai thì sẽ có đối kháng giữa nó và bố nó: Co>< C; còn nếu Co là con gái thì sẽ có đối kháng ngược lại: Co>< M. Và như vậy sự đối kháng này vốn mang trong nó tính chất “bất biến” sẽ trở thành định mệnh của nhân loại. Cách hiểu của A.Green, do đó, trở thành một ám ảnh đeo đẳng suốt hành trình nhân loại. Đó chưa kể là theo Albert Jarquart trong Con người và gen: “Trước hết, sinh sản không phải chỉ là một hiện tượng chỉ liên lụy đến hai nhân vật, người cha và người mẹ, mà là bốn nhân vật: người cha, người mẹ, một tinh trùng xuất ra từ người cha và một noãn bắt nguồn từ người mẹ. Và bốn nhân vật này đều là sinh vật, mỗi nhân vật có cá tính rõ nét”5 thì tam giác “định thức khởi đầu” của A.Green lại càng khó giải thích. Trong thực tế, “được tạo thành từ những xu hướng loạn luân và sát hại người thân vốn biểu hiện khá rõ trong đoạn đầu tuổi thơ (khoảng giữa 3 đến 6 tuổi), phức cảm Oedipe chỉ là tàn dư của một thời kì quan trọng của bước chuyển từ tự nhiên sang văn hóa”6. 

Như vậy, xét về bản chất phức cảm Oedipe là có thật, có thể là một tàn dư, có thể là hình thức phái sinh của lịch sử liên quan đến chủ nghĩa cá nhân động vật, v.v.. nhưng không thể coi nó là một định mệnh hay chí ít là một ám ảnh định mệnh như quan điểm của A.Green mà Trần Đức Thảo lấy làm điểm xuất phát để phản bác và để đưa ra cách luận giải của mình về vấn đề này. Tiêu chí khoa học như vậy là rõ ràng và mục tiêu mà tác giả hướng tới cũng được xác lập, được khẳng định ngay trong tiêu đề của Nghiên cứu thứ ba này: Chủ nghĩa Marx và phân tâm học: các cội nguồn của khủng hoảng Oedipe.

Trần Đức Thảo đã nắm bắt vấn đề và triển khai nghiên cứu này trong gần một trăm trang sách (từ trang 245 đến 340 theo bản tiếng Pháp) và được trình bày thành sáu tiêu mục. Trước hết, ông khảo sát Nguồn gốc của giai đoạn tiền – Oedipe7 trên lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử, dựa trên các luận điểm mà Engels đưa ra trong Nguốn gốc gia đình, tư hữu và Nhà nước, và của Lénine trong Thư gửi Gorki tháng 11/1913, để “nhấn mạnh tính chất xã hội, nói cách khác là nhân tính, của việc loại bỏ một cách giản đơn chủ nghĩa và trực tiếp thói ghen tuông động vật”, để khẳng định vai trò của “cộng đồng nữ giới trong xã hội loài người nguyên thủy liên lụy đến thói ghen tuông động vật, nền tảng của gia đình động vật, đã bị thuyết phục bởi thực tiễn lao đông tập thể”, để chỉ ra “đây là bước đi quyết định đầu tiên trong sự chuyển hóa từ tự nhiên sáng văn hóa”. Vì thế “Khá dễ dàng để nhận ra giai đoạn tiền Oedipe ở trẻ em được đặc trưng hóa bởi tình yêu đối với người mẹ kèm theo “sự đồng nhất với bản chất yêu thương của người bố”, khi đó vẫn chưa phải là sự đối kháng bên cạnh người mẹ, đã mang lại chính xác hình thức nguyên sơ này của chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy. Đứa trẻ bắt đầu yêu một cách ngây thơ những con người xung quanh nó, đầu tiên là mẹ nó, sau đó là bố nó, bởi vì những người này tạo ra trong đứa bé dấu vết của mối liên hệ xã hội đầu tiên của mọi cội nguồn nhân tính: mối liên hệ cộng đồng trực tiếp trong “bầy người đầu tiên” hay tính cộng đồng sơ khai. Như vậy, mối liên hệ khách quan được thể hiện ra ngay sau bước khởi đầu là hình thức nội quan hóa các quan hệ xã hội loài người”. Vì thế, “Sự thức tỉnh của thói ghen tuông ra đời một năm sau đó, cùng phức cảm Oedipe, bị chuyển hóa một cách võ đoán vào các thời kì đầu của xã hội con người, do đó, không thể bị đồng qui một cách giản đơn chủ nghĩa vào đối kháng động vật giữa người cha và đứa con trai trong gia đình vượn người. Thật vậy, với bản chất xung đột tính dục, dù bất luận cấp độ nào mà nó chiếm chỗ, thì cũng bao hàm quan điểm về kiểu tái sa ngã vào động vật tính. Nhưng bởi vì chúng ta đang ở đây, trên bình diện nhân tính, thì sự thụt lùi như vậy tự nó là khả thể, bởi về lí, các mâu thuẫn xã hội nổi lên trong sự phát triển cộng đồng nguyên thủy mà tại đó giải pháp trấn áp “chủ nghĩa cá nhân động vật” sẽ được hình thành với việc thiết lập qui tắc ngoại hôn trong xã hội bộ lạc”.

Trong phần thứ hai, Trần Đức Thảo đã chỉ ra Sự phát sinh của khủng hoảng Oedipe8, gắn liền với “bước chuyển từ cộng đồng nữ giới sang gia đình cặp đôi được thực hiện trong chính bản thân nhóm nội hôn”. Ở đó “Gia đình cặp đôi như vậy thể hiện một quan hệ sản xuất mới được tạo thành trong lòng cộng đồng nguyên thủy theo lí thuyết phát triển lực lượng sản xuất”. Các luận chứng, ngoài các quan điểm của Engels, được ông rút ra từ các tài liệu khảo cổ học và nhân chủng học, của Spencer và Gillen, của Vallois, của Boriskovski... cho phép ông xác lập luận điểm quan trọng: “Tóm lại, tại thời điểm bước chuyển từ cộng đồng nữ giới sang gia đình cặp đôi, bi kịch sinh học người phụ nữ đã tạo ra những điều kiện cho một bi kịch xã hội thực thụ”; “vì lí do bi kịch sinh học người phụ nữ mà những người đàn ông chỉ có thể lập gia đình ở khoảng tuổi ba mươi. Cho nên, đây chính là quy luật tổng thể của giới đàn ông trẻ tuổi hoàn toàn đang bị tước đoạt”; “ bi kịch sinh học của người phụ nữ đã dẫn đến sự đối đầu giữa hai hình thức xung đột đối kháng mạnh mẽ giữa các thế hệ”. 

Vì thế: “Ở thời điểm phát triển biện chứng ấy, cộng đồng nguyên thủy tự phân chia thành ba giai tầng mà tên của mỗi giai tầng được xác định bằng chức năng và vị thế xã hội của nó. Những người đàn ông lớn tuổi, đã cưới vợ và có con, đương nhiên có danh hiệu là “những người cha”. Tương tự, chức năng sinh thành của những người đàn bà – những người này cũng đều đã cưới chồng từ tuổi cập kê – đều được mang danh một cách tự nhiên là “những người mẹ”, hơn nữa, họ đều là vợ của những người “cha”. Những người đàn ông trẻ tuổi không có bất cứ một quyền gì cũng như bất cứ một trách nhiệm và lợi ích kinh tế gia đình nào, không có sự thỏa mãn tính dục nào, khi đó họ bị đặt vào vị thế thứ yếu, và vì thế mang tên là “các con trai”. Kết quả là “những con trai” bị tước đoạt duy trì những khát khao bị cấm đoán về “những người mẹ”, và như vậy, họ trở thành thù địch một cách tội lỗi với “những  người cha”. 

Cho nên, “Ở đây, tam giác Oedipe được vẽ ra từ sự vận động của ngôn ngữ, hiển nhiên, không hề có điểm chung nào với quan hệ dòng giống hiện thực. Trong thực tế, những người “mẹ” đang nói tới đều có tuổi từ mười bốn đến ba mươi, nói cách khác, họ thuộc thế hệ cùng độ tuổi với những người đàn ông được xếp vào loại “con”. Còn những người “cha” cũng được gọi như thế, trong trường hợp chung, họ không thể sinh ra những người “con” ấy, bởi vì chính họ cũng chỉ mới được thành hôn chút ít trước tuổi ba mươi, và không thể nào có khả năng vượt qua tuổi bốn lăm, theo đó, họ khó mà có những đứa con trên mười lăm tuổi trong thời gian họ sống. Trên thực tế, ở thời Moustérie, trong điều kiện bi kịch sinh học người phụ nữ, sự loạn luân kiểu Oedipe là không thể xảy ra: những người con trai gần như luôn luôn là những đứa trẻ mồ côi mẹ trước khi đạt đến lứa tuổi dậy thì. Còn trong các điều kiện xã hội mà chúng tôi vừa miêu tả, nói chung, những đứa trẻ ấy đều mồ côi bố như nhau”.

Như vậy, bi kịch sinh học của người phụ nữ, luận điểm mà Trần Đức Thảo vay mượn từ Séménov9, trở thành điểm nhấn quan trọng nối kết các các luận giải của ông, và đây cũng chính là hạt nhân để dẫn tới sự hiện hình của phức cảm Oedipe, vốn là một sản phẩm của lịch sử, gắn liền với một thời kì lịch sử và đương nhiên nó cũng sẽ bị lịch sử bỏ rơi trên con đường phát triển đi lên của nhân loại. Phức cảm Oedipe ở đây được ông tường giải bằng những cứ liệu lịch sử, bằng những tập tục, truyền thống của các bộ lạc thổ dân châu Úc đang tồn tại cho tới ngày nay. Nó gắn liền với bi kịch sinh học người phụ nữ đã diễn ra trong buổi sơ sử với muôn vàn khó khăn thách thức đối với loài người và diễn ra không phải trong một ngày mà trong thời gian khoảng vài chục vạn năm, trước khi con người trở thành gần như hoàn chỉnh ngày nay.

Phần ba, Bi kịch sinh học người phụ nữ và sự ra đời người chế tác, góp phần làm sáng tỏ thêm các luận điểm ở phần hai, đồng thời cũng chỉ ra quá trình tiến hóa của con người đi từ tự nhiên sang văn hóa. Việc nghiên cứu của Trần Đức Thảo được hỗ trợ bằng thực tiễn giải phẫu học gắn liền với các hóa thạch được khám phá mà ở đó “việc tái cấu trúc xương chậu nhỏ diễn ra từ từ trong quá trình tiến hóa lâu dài của việc đi bằng hai chân ở thời đại dự thành nhân và Người khéo léo, đã đạt tới điểm nút, ở đó, sự phát triển về lượng có được hình thức nhảy vọt về chất, làm bùng nổ bi kịch sinh học người phụ nữ, nơi mà việc hình thành bào thai, cùng với sự chuyển hóa Giới hạn não bộ-Rubicon cérébral, cho phép Người chế tác-Homo faber ra đời”. “Rõ ràng, sự phát triển nhanh chóng của não bộ ở Người chế tác đầu tiên cơ bản không diễn ra ở quá trình bào thai, mà đúng hơn là phát triển hoạt động mang tính dụng cụ ở thời Người khéo léo, nhằm tạo ra hình thức chất lượng cao hơn, với bước chuyển từ việc sản xuất dụng cụ sang sản xuất công cụ. Quá trình bào thai của trẻ, vả lại cũng chính quá trình này, qua trung gian bi kịch sinh học người phụ nữ, hiện ra như là tác động ảnh hưởng sinh học trong sự phát triển xã hội của cách đi hai chân, chỉ tạo ra sự thúc đẩy nhanh quá trình tiến hóa của não bộ vốn được xác định căn bản bởi hoạt động lao động và ngôn ngữ. Tuy nhiên, hoạt động mang tính xúc tác này của biến cố sinh học, cũng là sự xác định thuần túy mang tính lịch sử, không giữ vai trò nào trong bình diện hàng đầu hay có tính quyết định nào đó, trong ý nghĩa này, hoạt động xúc tác đưa lại cho phép biện chứng lô-gic, sự phát triển hình thức hiện thực hóa cụ thể trong lịch sử của nó, Và điều này là sự thực không chỉ đối với việc hình thành não bộ con người mà tương tự đối với cả xã hội nguyên thủy đầu tiên”.

Từ đó, “Việc kiến lập xã hội loài người nguyên thủy với qui tắc cộng đồng toàn diện về nữ giới và tài sản thể hiện như một giải pháp cấp tiến và xác định của mâu thuẫn cơ bản trong mọi thời kì thai nghén chủng loại Người (Homo), như là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của lao động từ các nguồn cội của nó và chủ nghĩa cá nhân động vật tồn tại dai dẳng trong các quan hệ chiếm hữu đang ngự trị dưới hình thức chiếm đoạt kế thừa từ Tổ tiên vượn người. Và bởi một giải pháp như vậy chỉ có thể can thiệp khi sức mạnh của dụng cụ, được phát triển đầy đủ nhờ sản xuất công cụ, kết quả phát triển của Người khéo léo, đã hoạch định những thành tố đầu tiên đòi hỏi loại bỏ chủ nghĩa cá nhân động vật của sức sản xuất công cụ, ta có thể nhận định toàn bộ vận động này mở đầu cho luật pháp nền tảng của mọi xã hội loài người: luật pháp về sự tương ứng cần thiết giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Hiển nhiên, tính biện chứng sơ khai này cho phép nhìn nhận sự hé lộ tính người, bi kịch sinh học người phụ nữ, còn việc đẻ non hay quá trình bào thai của trẻ chỉ đóng vai trò tháo gỡ thúc đẩy tương lai xã hội. Việc thiết lập quan hệ cộng đồng thực hiện sự giải phóng đầu tiên của lao động sản xuất, thực hiện sự chuyển hóa quyết định từ sản xuất dụng cụ sang sản xuất công cụ” mà “Kết quả giờ đây nhóm người chưa vợ là những thành tố đầu tiên của lực lượng sản xuất công cụ, ra đời trong lòng bầy đàn người khéo léo tới tận thời kì tiến hóa cuối cùng vốn không thể so sánh được của nó, và sự phát triển này không tương hợp với chủ nghĩa cá nhân động vật”. Vì thế “vào cuối thời kì phát triển của người khéo léo, những người đàn ông chưa vợ đã bắt đầu sử dụng thời gian rảnh rỗi của họ để đẽo gọt tỉ mỉ dụng cụ của mình, nhất là với chiếc rìu nguyên thủy, và như vậy họ trở thành những đại diện của lực lượng sản xuất công cụ mới, cuộc đấu tranh của họ chống lại chủ nhân mang ý nghĩa của một cuộc cách mạng đích thực, bởi vì giờ đây cuộc đấu tranh này hướng tới giải phóng lao động sản xuất khỏi luật lệ động vật của kẻ mạnh, bằng việc xác lập những quan hệ sản xuất mới thực sự mang tính xã hội. Và ta thấy, được khuyến khích bởi tình huống mới được tạo ra bởi bi kịch sinh học người phụ nữ và việc trẻ em đẻ non, tương tự nhờ sự tham gia của những người đàn bà bị áp bức, họ đã xác lập qui tắc cộng đồng mới chiến thắng qui tắc thống trị mang tính động vật của chủ nhân”. Đây chính là truyền thuyết “David đã hạ gục Goliath khi ném vào nó một hòn đá” phổ biến trong tôn giáo phương Tây.

Trần Đức Thảo đi đến kết luận về phần này như sau: “Như vậy, phù hợp với cách nói của Engels, nếu lao động và ngôn ngữ là hai “kích thích tố chủ yếu mà dưới ảnh hưởng của chúng não bộ khỉ dần dần chuyển hóa thành não bộ người” thì cần một cuộc cách mạng thực sự để sinh ra xã hội loài người đầu tiên, để kết thúc sự thai nghén của nó trong lòng bầy đàn hãy còn mang tính động vật ở Người khéo léo. Chính cuộc đấu tranh kiên trì lâu dài mà những người đàn ông chưa vợ, những người sáng tạo các phác thảo công cụ đầu tiên với sự giúp đỡ của những Người khéo léo đam mê tự do, đã kết liễu quá khứ mang tính động vật già cỗi khi loại bỏ sức mạnh chiếm đoạt của chủ nhân. Ta có thể đặt cho cuộc cách mạng này cái tên: Cuộc cách mạng chế tác bởi vì nó mở ra con đường cho Người chế tác”. Bức tranh về phức cảm Oedipe đã hiện hình ngày một rõ ràng hơn qua các liên kết logic và nhân quả.

Tuy nhiên, Trần Đức Thảo không dừng lại ở đó mà tiếp tục dẫn giải Dấu hiệu người phụ nữ đeo sinh thực khí và ngữ nghĩa mang tính chất Oedipe, để lí giải viếc cấm kị tình dục, liên quan tới giai đoạn biết dùng lửa và phải giữ lửa của nhân loại mà về vấn đề nay “theo Freud, giai đoạn Oedipe ở bé trai tương ứng với một sinh thực khí cổ đại, “bộ phận sinh thực khí”, được phát triển ở trẻ em cả hai giới tính, và được đặc trưng bằng xác tín tiền định rằng tất cả mọi sinh thể người, cả đàn bà lẫn đàn ông, đều sở hữu một bộ phận sinh dục nam. Freud đã làm trùng khớp hoàn toàn hai sự hình thành tâm thần này trong thời gian: “Giai đoạn sinh thực khí này, ông nói, cũng đồng thời là giai đoạn phức cảm Oedipe”10. Từ đây, dựa trên tài liệu của Blanc, Abraham và Franck Bourdier, Trần Đức Thảo lí giải tập tục khá khủng khiếp nhưng có thể rất phổ biển thời tiền sử: tập tục ăn thịt người. Điều quan trọng mà ông rút ra ở đây chính là ngữ nghĩa mang tính chất Oedipe xuất hiện trong cộng đồng nguyên thủy thời đó. 

Trần Đức Thảo viết : “Vì thế, khuôn theo bi kịch xã hội này, ngôn ngữ đời sống thực tế đưa tới các động tác ngôn ngữ mới, đem lại cho các từ “cha”, “mẹ”, và “con”, được định hình trong thời kì trước đó, một nội dung ngữ nghĩa trái ngược. Ở thời Đồ đá cũ sơ kì, quan hệ của người mẹ thực tế, hay những người phụ nữ cùng tuổi ấy với đứa con trai, có thể là quan hệ nuôi nấng và dạy dỗ, loại trừ mọi quan hệ tính dục, bởi vì những người mẹ thực tế đều đã chết trước khi con trai đến tuổi trưởng thành. Vả lại, ở người Acheuléen, dấu hiệu sinh thực khí mà những người phụ nữ đeo trong khi thực hiện công việc nội trợ, - trong số họ có cả những người phải chăm sóc trẻ em, - trước tiên, đã thủ tiêu mọi ám chỉ tính dục có thể xảy ra trong quan hệ này. Cái biểu đạt động tác phóng chiếu hình ảnh người “mẹ” đối với đứa “con”, do đó, chỉ có thể mang ý nghĩa là “người vú nuôi từ thiện và đeo sinh thực khí”, nói cách khác có thể coi là một người đàn ông. Và chính ý nghĩa này được phục hoạt lại ở trẻ em thời Moustérie. Nhưng đến tuổi trưởng thành, chàng trai Néanderthale, khi mất đi người mẹ trước đó của anh ta, - như là người mẹ thực tế và những người phụ nữ cùng tuổi như bà ta, - đã bắt buộc phải quay trở lại chuẩn mực này với những người phụ nữ cùng thế hệ anh ta, mà giờ đây anh ta phải coi họ là “mẹ” của mình, bởi vì những người phụ nữ này đều đã cưới “cha” anh ta, và bản thân anh ta chỉ có thể cưới con gái của họ muộn hơn. Đồng thời, cũng tương tự như vậy, với sức mạnh luật lệ cổ xưa của cộng đồng nữ giới, anh ta tự cho mình được quyền ham muốn những người phụ nữ ấy, kết quả dẫn đến nội dung ngữ nghĩa nguyên thủy của “mẹ” thành ra “người vú nuôi, từ thiện và đeo sinh thực khí”, giờ đây anh ta thêm vào ý nghĩa đối lập “mẹ, đối tượng của ham muốn”. Cũng như vậy đối với dấu hiệu “cha” vốn chỉ biểu đạt ý nghĩa là “cha dạy dỗ” trong thời kì trước đó, cũng như trong tuổi thơ của chàng trai Néanderthale, thì giờ đây được chồng thêm ý nghĩa đối lập “cha, kẻ tình địch của con trai”. Hơn nữa, một sự hình thành tương tự trở nên rời rạc làm đảo lộn mọi cấu trúc ngữ nghĩa có từ trước đó, bởi vì chế độ cộng đồng trong xã hội loại người đầu tiên, nói chung, loại trừ mọi hình thức thù địch đối kháng”11.

Ở phần thứ năm, Trần Đức Thảo lí giải Biểu tượng thiến hoạn và phức cảm Oedipe nữ tính, liên quan đến hiện tượng thiến hoạn, tập tục cắt bao qui đầu. “Hiển nhiên, nghi lễ cắt bao qui đầu chỉ tồn tại ở nhiều dân tộc dưới danh nghĩa tàn dư, và nghi lễ này được biện minh một cách chủ quan trong các điều kiện của nó từ những nguyên nhân rất khác biệt. Nhưng nếu ta xem xét nghi lễ này ở người Úc, nơi nó vẫn đang còn khá gần gũi với cội nguồn, ta có thể nhận thấy những người Úc này đều ý thức hết sức rõ ràng ý nghĩa thực khi thực hành nghi lễ cắt bao qui đầu. Tương tự, người Arunta, mà Strahlow chứng kiến, giải thích lí do của tục lệ này theo kiểu sau đây:

“1. Thủ thuật đau đớn này bắt những người trẻ tuổi, cho tới lúc ấy không có bất cứ thói quen tuân phục nào, phải phục tùng quyền uy của những người cao niên. Giờ đây những người trẻ tuổi phải tuân thủ ngoan ngoãn knaribatana kankueritjika với tiền nhân. Lí do như vậy được chỉ ra trong truyền thuyết về cặp Người – Chim cắt, Lakabara và Linjalenga, các cặp này nằn nì những người đàn ông tuân nghiêm nhặt thủ tục lệ, và báo trước cho họ về đứa con trai mà họ đã coi thường việc thực hiện nghi lễ cắt bao qui đầu, đứa con ấy sẽ trở thành một erintja, nó sẽ giết chết những người đàn ông trong bộ lạc của họ và sẽ ăn thịt họ.

2. Nghi lễ cắt bao qui đầu phải tạo ra một rào cản đối với mọi thái quá của đám thanh niên dậy thì”12.

“Ta thấy rằng ý nghĩa của việc thiến hoạn, như cách mà những người Australiens giải thích, nằm ở chỗ làm cho đám đàn ông trẻ tuổi dậy thì hiểu rằng chúng phải ngoan ngoãn tuân thủ mọi điều với người cao niên, và đặc biệt, từ chối mọi ham muốn thoả mãn tình dục cho tới khi gần đến tuổi trung niên. Do đó, nghi lễ là một dấu hiệu. Và nếu ta giải thích dấu hiệu này từ mặt biểu đạt của nó, ta có thể dễ dàng nhận ra nó là hình thức thiến hoạn: nó đề cập hết sức chính xác sự thiến hoạn được giảm nhẹ, như ta có thể được thuyết phục khi đọc những miêu tả chi tiết mà Spencer và Gillen đưa ra. Vả lại, trong các truyền thuyết Alchéringa liên quan đến nghi lễ này, ta cũng tìm thấy chính xác các cảnh ở đó nghi lễ cắt bao qui đầu mong đợi được thay thế bằng thiến hoạn thực sự13”.

““Phức cảm Oedipe. Freud nói, là hiện tượng được xác định bằng di truyền, và là hiện tượng cần phải vượt qua, phù hợp với việc lập trình lúc bắt đầu giai đoạn phát triển đã dự định mà nó phải tiếp nối”. Khái niệm “lập trình đã dự định” có thể được hiểu theo hai nghĩa: hoặc việc lập trình chỉ là sự kéo dài trong hình thức nhất thời một cấu trúc mà ta có thể gọi là tiên nghiệm, là sự đối lập được giải quyết, hoàn toàn chung giữa Ham muốn và Luật lệ, đối với Oedipe, sự đối lập được giải quyết bằng phức cảm thiến hoạn hóa thân thành chức năng cấm đoán của luật lệ và được đảm bảo thi hành. Hoặc, trái lại, việc lập trình giản qui tính biện chứng lịch sử của hệ thống tiến hóa luận trong sự phát triển cá thể, theo kiểu mỗi một cá thể ở mọi tình trạng của nó, chỉ có giá trị tương đối và đặc thù, bị điều kiện hóa theo lịch sử, và không phải là phổ biến hay tuyệt đối. Tức là, nếu phức cảm thiến hoạn có chức năng thực tại hóa bản thân cấu trúc phi thời thì ở trẻ em ngày nay, nó chỉ phải kết thúc những ham muốn với mẹ hay chị em nó, bởi vì những ham muốn này là những cái duy nhất bị cấm trong xã hội chúng ta. Nói cách khác, về nguyên tắc, không có gì ngăn cản đứa bé trai chuyển đời sống tình cảm của nó ra ngoài gia đình nó, bởi vì, ở tuổi thứ năm, các quan hệ của nó bình thường đã vượt ra ngoài khuôn khổ chật hẹp của gia đình. Nhưng kinh nghiệm chỉ ra rằng đứa bé hoàn toàn không phải thế. Đứa bé trai không mang đến cho bạn gái của nó những hứng khởi tính dục, nó đình chỉ các ham muốn dục tính ấy một cách đơn giản và thuần khiết. Thực tế của thời kì tiềm ẩn chỉ ra rằng phức cảm thiến hoạn không đóng vai trò cấu trúc hóa các quan hệ tính dục trên bình diện người đối với nó. Sự cấu trúc hóa này được thực hiện từ tuổi dậy thì bằng việc phản ứng với các qui tắc xã hội đã tồn tại, và nếu như ảo ảnh về sự thiến hoạn lại xuất hiện khi đó, thì sự thiến hoạn này chỉ mang danh nghĩa là tàn dư của thời Tiền sử ấu thơ, và chỉ đóng vai trò hoàn toàn phụ trợ”14.

Như vậy các luận điểm mà Trần Đức Thảo bàn tới ở đây, một mặt vừa mở rộng cách hiểu của Freud, mặt khác vừa gắn với thực tiễn tiến hóa của nhân loại, cho phép chúng ta nhìn nhận đúng đắn các hiện tượng được miêu tả trong văn học hay các tập tục được thể hiện trong các nghi lễ dân gian của nhiều dân tộc. Cho dù dưới góc độ tàn dư hay dưới góc độ biểu tượng thì hình thức thiến hoạn cũng gắn với đặc trưng quyền lực một thời của chế độ lão quyền, mở đường cho hôn nhân đa thê trong cộng đồng nguyên thủy, để dẫn đến kiểu phức cảm Oedipe thứ hai, phức cảm Oedipe của các bé gái. Freud chỉ rõ: “Trong khi phức cảm Oedipe của bé trai thảm hại dưới hiệu quả phức cảm thiến hoạn, thì phức cảm Odipe của bé gái lại trở thành khả thể và được dẫn dắt bởi phức cảm thiến hoạn”. “Trong điều kiện thống trị của đàn ông cao niên, hiển nhiên không có vấn đề hạ thấp độ tuổi hôn nhân cho đàn ông trẻ trung. Những người “cha” nhanh chóng khai thác tình hình này để xác lập chế độ đa thê có lợi cho họ, như kiểu chúng ta vẫn gặp ở các bộ lạc thổ dân châu Úc thế kỉ XIX. Nói ngắn gọn, các bậc “Tiền nhân” cưới thiếu nữ độ tuổi cập kê dư thừa với danh nghĩa kế thất (thiếp), và kết quả trong các gia đình đa thê này, nơi người chồng và bà vợ cả đều ở tuổi cha chú hay mẹ của bà hai, thì bà hai có thể dễ dàng trở nên ghen tuông với “mẹ” của bà ta bên cạnh người chồng chung của họ, người chồng danh nghĩa của bà hai trong vị thế người “cha””.

“Bởi vậy, phức cảm Oedipe được cấu thành. Tuy nhiên, do các điều kiện tương tự của việc cấu thành này, mà phức cảm Oedipe không có sự dữ dội của người nam tiền nhiệm. Trong thực tế, ta thấy tình yêu của người phụ nữ trẻ đối với vị chồng già không khởi nguồn từ ham muốn tính dục, mà đơn giản nằm trong uy tín đang tỏa hào quang của những người Cao tuổi, những người nắm giữ quyền lực. Sự kình địch giữa “con gái” và “mẹ” để giành sự ưu ái của người “cha” có cơ sở thuần túy mang tính xã hội, do đó, nói chung không thể đưa đến các hậu quả bi đát,- hơn nữa lại càng không phải là vấn đề người “mẹ” ngăn cấm mọi thỏa mãn tình dục của “con gái”, như cách người “cha” néanderthalien đã làm đối với con trai ông ta. Phức cảm Oedipe, do đó, rất ít phát triển tại đây, và chính xác hơn là những gì mà chúng tôi đã tìm ra qua việc phục dựng sự phát triển cá thể: “Phức cảm Oedipe của người con gái, Freud nói, hiếm khi vượt khỏi việc thay thế người mẹ và vị thế phụ nữ đối với người cha”15.

Kết luận mà Trần Đức Thảo rút ra ở đây là: “Ở thời Đồ đá cũ hậu kì, sự tiến hóa mang tính sinh học-xã hội đã hoàn tất để dần dần nhường chỗ cho lịch sử mang tính xã hội. Kết quả phức cảm Oedipe phụ nữ, được tạo ra trong thời Đồ đá cũ hậu kì, có thể được coi như là hình thái khảo cổ-tâm thần học (archéo-psychique) cuối cùng phục dựng lại theo cái đã có từ trước, do luật lệ của sự trưởng thành thời tiền sử ấu thơ. Các hình thái tiếp theo của ngôn ngữ và ý thức mà chúng ta có thể gọi là tâm thần học đá cũ (paléopsychique) không còn phụ thuộc vào tiến hóa mang tính sinh học-xã hội, mà đang ở những bước đi đầu tiên của lịch sử mang tính xã hội, và vì thế nó tự bảo tồn, không phải trong kí ức sinh vật học dựa trên nền tảng tồn dư các vòng khâu biện chứng phát sinh loài trong lập trình trưởng thành của trẻ em, mà là trong kí ức mang tính xã hội dựa trên các tư liệu lịch sử. Do đó, những hình thái này phải được phục dựng căn bản bằng giáo dục, sự giáo dục trung gian hóa việc cấu thành tâm thần luận mới (néopsychisme)”16.

Phần cuối cùng của Nghiên cứu thứ ba có tiêu đề Từ Oedipe néanderthal đến Oedipe ấu thơ . Ở đây Trần Đức Thảo nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chỉ ra rằng tất cả mọi hình thái tâm thần gắn liền với phức cảm Oedipe, tiếp nối liên tục theo trật tự tiền xác định từ tuổi thứ ba tới tuổi thứ sáu của trẻ em, mà ta có thể gọi tên “hình thái Oedipe” trong hợp thể của chúng, chẳng hạn ảo ảnh người phụ nữ đeo sinh thực khí, Oedipe nam tính, phức cảm thiến hoạn và Oedipe nữ tính, chúng không phải là cái gì khác mà đều là những hình thức ngữ nghĩa được sản sinh ra từ cội nguồn Tiền sử của nhân loại bằng vận động mang tính vật chất của cái biểu đạt nói-làm được khuôn theo biện chứng pháp sinh học-xã hội của quá trình phát sinh loài. Và cũng như tất cả mọi thời đại này đều được đặc trưng bằng tiến hóa gia tăng của não bộ, hợp thể các hình thức biểu đạt này được bao gộp trong cấu trúc vỏ não, được chuyển vào kho lưu trữ di truyền. Do đó, theo cách hình thái Oedipe tự phát triển, các thành tố bị vượt qua của nó rời bỏ sân chơi xã hội, và chính nó cũng biến mất hoàn toàn trong hiện thực lịch sử khi thiết lập chế độ ngoại hôn, bởi vì, mọi thành tố biểu đạt được bao gộp vào các cấu trúc hoàn toàn khác, vẫn tiếp tục sống, chẳng hạn việc cắt bao qui đầu, các “hình thức Oedipe” được giữ lại bằng di truyền, chuyển qua trạng thái lặn, trầm tích hóa trong đời sống trẻ thơ, và trỗi dậy tùy cơ hội ở tuổi trưởng thành trong giấc mơ của người bình thường cũng như trong các ảo giác và ám ảnh của người suy nhược thần kinh”17.

 Luận điểm này của tác giả Trần Đức Thảo hoàn tất bức tranh về lịch sử tiến hóa của nhân loại đi từ tiến hóa sinh học-xã hội sang lịch sử mang tính xã hội, chuyển từ tự nhiên sang văn hóa, hoàn tất quá trình phát triển từ vượn thành người, từ loài linh trưởng sang loài người-loài sinh vật có đặc trưng phát triển hoàn thiện nhất. 

Ông chỉ rõ: “Khi giải thích phức cảm Oedipe bằng vận động thuần túy mang tính cá thể của các “xung năng” trẻ em trên “các đối tượng nguyên thủy” của nó, như bố mẹ nó, chủ nghĩa Freud thiết lập “cấu trúc phổ quát” về sự phát triển nhân loại mà trong thực tế, đây chỉ là một khối u được điều kiện hóa mang tính lịch sử và được lưu chuyển bằng di truyền. Cũng như vậy chủ nghĩa Freud tạo cho sự bất thường này một vai trò trung tâm, và làm cho nó tương hợp thành kiểu biện minh nghịch lí, ít ra là trên bình diện cá thể, bởi vì sự loại bỏ của nó chỉ được thực hiện bằng hành động tàn bạo của luật lệ trấn áp thuần túy. Kết quả dẫn tới sự tăng tiến bất ngờ, ở đó việc ghen tuông quái gở của đứa bé Oedipe nổi lên với phẩm cách của một nguyên mẫu phổ quát về sự ham muốn của nhân loại, ở đó nó vĩnh cửu hóa quan niệm tư sản về các quan hệ nhân tính. Người ta đã có thể muốn nói rằng phức cảm Oedipe, với tất cả mọi đặc điểm tiêu cực của nó, xác định đồng thời giai đoạn chuyển hóa của phát triển như là giai đoạn vượt trội và, tiếp đó, bị vượt qua một cách có hiệu lực. Nói cách khác, nhân cách con người được tạo thành, nếu ta muốn, như một “Oedipe bị cấm đoán”. Trong thực tế, ta biết rất rõ rằng hình thái đầu tiên của nhân cách, được đặc trưng bằng việc sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất xảy ra vào khoảng độ tuổi thứ ba, là hoàn toàn chính xác với chính thời điểm xuất hiện phức cảm Oedipe. Và dẫn đến kết quả lưỡng phân khá quen thuộc trong quan hệ với người cha. Một mặt, đứa trẻ Oedipe, trong chừng mực, nhìn nhận cha nó như một địch thủ cần phải loại bỏ, nhưng mặt khác, trong vận động theo đó, lần đầu tiên, nó tự nâng mình lên sự ý thức cá nhân về cái tôi của nó, nó lấy cha nó làm mô hình để tự đồng nhất với mô hình ấy”18.

Trần Đức Thảo tiếp tục trình bày mở rộng quan điểm của mình, liên quan đến việc minh giải và chính xác hóa đồng thời cũng chỉ ra nhưng sai lạc trong các quan niệm của Freud, vần trên lập trương duy vật chủ nghĩa: “Ở đây, chúng tôi đã phản ánh sự tiếp diễn và phát triển của quan hệ Oedipe, như là “sự đồng nhất hóa với bản chất dịu hiền của người cha, người không mang ý nghĩa của sự thù địch bên cạnh người mẹ”. Do đó, hình thái nhân cách không hề chuyển qua từ phức cảm Oedipe, sau đó, từ sự cấm đoán của nó. Trong thực tế, nó đề cập đến hai con đường song song, tương phản hoàn toàn với nhau, và theo đó con đường thứ nhất ở ngay trước con đường thứ hai: một mặt, là con đường đồng nhất hóa sự dịu hiền và không mang tính đối địch với cả cha và mẹ, bắt đầu với sự xuất hiện quan hệ khách thể khoảng tuổi thứ hai và được phát triển để tạo thành hình thức đầu tiên của nhân cách vào tuổi thứ ba; mặt khác, con đường mang tính Oedipe của dục vọng ghen tuông, chỉ xuất hiện ở tuổi thứ ba. Từ tuổi thứ ba, đứa trẻ cùng lúc đi trên hai con đường. Nhưng hiển nhiên, con đường thứ nhất là con đường duy nhất có một tương lai hiện thực và tương tự thực hiện một cách hiệu quả việc chuyển hóa thành người. Con đường thứ hai ngay từ đầu đã chỉ là một sự lệch hướng và là một ngõ cụt, vĩnh viễn đóng lại cùng với phức cảm thiến hoạn, cái đã buộc phức cảm Oedipe trở thành tồn tại ngầm ẩn của vô thức. Vô thức là một kiểu phổ quát của ngôn ngữ trầm tích hóa về các giai đoạn đã bị vượt qua trong sự phát triển của nhân loại. Từ quan điểm này, ta có thể nói rằng vô thức nâng đỡ ý thức (hữu thức) và chuẩn bị công việc cho ý thức. Nhưng vô thức trong nội dung mang tính Oedipe của nó, nói cách khác là vô thức kiểu Freud, không thể giữ vai trò này: bởi vì nó chỉ là phần cặn bã của một ngôn ngữ bị vặn xoắn từ cội nguồn, và là cái, đã một lần bị loại bỏ ra khỏi ý thức, tiếp tục quay đảo mù quáng trên chính nó trong cấu trúc quái thai của nó, để chỉ tái xuất hiện khi có cơ hội dưới các dạng ngụy trang ma quái của giấc mơ hay nhiễu loạn thần kinh”19. “Phức cảm Oedipe, do đó, không nằm ở bất cứ cấp độ nào của cội nguồn cái tôi của đứa trẻ: ngay từ đầu nó đối lập với cấu trúc hết sức sâu sắc của tồn tại cá thể, và mở ra con đường nhiễu loạn thần kinh vốn phá hủy cái tôi này. Nó là ngôn ngữ bị tha hóa, tự đóng lại một cách nhanh chóng từ sự bất lực của nó, để lặp đi lặp lại vô tận trong ngõ cụt dâm dục các giấc mơ và ác mộng, ám ảnh và ảo giác. Việc quay về thời tiền sử ấu thơ của nhân loại cho phép soi sáng bản chất bệnh lí này và về căn bản cách nói huyền hoặc mang tính chất Oedipe: ngôn ngữ là dâm loạn và trở thành mặc cảm Oedipe ngôn ngữ học”20..

Như vậy, với gần một trăm trang sách Trần Đức Thảo đã minh xác một cách đầy thuyết phục về phức cảm Oedipe - luận điểm quan trọng trong phân tâm học Freud, chỉ ra cội nguồn phát sinh và phát triển của phức cảm này. Ông không phủ nhận phức cảm Oedipe, nhưng cũng không đẩy nó đi tới cực đoan như A.Green hay của chính Freud. Ông nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, bình tĩnh, tháo gỡ lần lượt các nút thắt trong màn che bí ẩn của hiện tượng tâm lí-tâm thần này, đưa nó ra trước ánh sáng của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Nghiên cứu thứ ba này của ông là một bổ khuyết quan trọng cho phân tâm học, mang lại cho nó tính khoa học thực sự và cần thiết, bởi lẽ, các kết luận của Freud chỉ dựa vào các quan sát và nghiên cứu các trường hợp bệnh lí. Việc nghiên cứu này đóng vai trò phát hiện, nhưng để nâng lên thành một hệ thống giải thì khoa học thì việc nghiên cứu của Freud chưa đạt tới kết quả mĩ mãn bởi tác giả-nhà nghiên cứu này thiếu đi cách nhìn duy vật biện chứng lịch sử, mặc dù những gì mà Freud mang lại cũng đủ làm sôi động cả một thế kỉ và chắc chắn hiệu quả của nó cũng chưa dừng lại.

Cũng tương tự như vậy, việc nghiên cứu phức cảm Oedipe thể hiện trong văn học các thời đại, đương nhiên cũng không phải rơi vào kết luận kiểu Robert Marthe coi “tiểu thuyết chỉ là thể loại “mang tính Oedipe” từ cuốn này sang cuốn khác”. Văn học trong chức thể hiện và tái hiện cuộc đời và số phận con người – hiện thực xã hội con người ở mức độ phổ quát – đã phản ánh lại những dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại, trong đó có “hình thái Oedipe, trong sự phục hồi trở lại ở trẻ em, phải đương đầu với một tình huống mới. Trên thực tế, trẻ em trong một gia đình có những việc phải làm với bố mẹ thực của nó chứ không phải đơn giản với những bố mẹ có tính xã hội như “Oedipe” néanderthale. Do đó, chính là với bố mẹ thực của nó, những người mà đứa trẻ áp dụng các ý nghĩa bị vặn xoắn tạo thành từ cội nguồn về “cha” và “mẹ” mang tính xã hội thời Moustérie, đó đương nhiên là cái vẫn còn đa bội hóa các âm hưởng chấn thương tinh thần của chúng. Tương tự, theo nghĩa cổ điển, đứa trẻ trở thành Oedipe một cách nghịch lí. Và chính trong hình thức quái đản này mà sự vặn tréo ngữ nghĩa và cảm xúc thừa hưởng từ Người néanderthale (Homo néanderthalentis) sẽ trở về ám ảnh các giấc mơ của Người Thông thái (Homo sapiens), và khi được đan cài vào các biến tấu quanh co của cuộc đấu tranh giữa các giai tầng trong những nền văn minh đầu tiên, nó che giấu mâu thuẫn hiện thực dưới những nhân vật huyền thoại ám ảnh, mà nhân vật nổi tiếng được sử dụng lại trong bi kịch Hi Lạp, sẽ đẩy các đặc điểm đau lòng xé ruột nhất này đến cực điểm”21.

Cách lí giải của Trần Đức Thảo về phức cảm Oedipe, do đó, tạo ra một cách tiếp cận khoa có chiều sâu, cho phép tường minh các hiện tượng đặc biệt mà văn học đã phản ánh, để làm nổi bật hành trình đi từ bóng tối ra ánh sáng của nhân loại, chỉ ra quá trình đi từ cái con đến cái người, để tái hiện con đường đầy máu và nước mắt mà nhân loại đã trải qua, để qua đó trân trọng hơn con người, trân trọng hơn quá trình con người vượt lên bản ngã của nó để tự hoàn thiện mình, để xứng đáng mang tầm vóc chủ nhân thế giới. Cách lí giải của ông cũng chỉ ra những đóng góp của Freud và các nhà khoa học khác, đồng thời, một mặt ông vừa tiếp thu những thành tựu của những người đi trước, mặt khác cũng chỉ ra những khiếm khuyết mà không phải chỉ giản đơn tiếp nhận một chiều. Chúng ta cũng thấy rõ thêm vai trò dẫn đường chỉ lối của các luận điểm mà Engels hay Lénine đưa ra mà Trần Đức Thảo đã dựa vào để triển khai nghiên cứu. Đây cũng là bài học quan trọng về phương pháp luận nghiên cứu, đặc biệt là đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Nhìn lại một công trình liên quan tới một vấn đề hóc búa và phức tạp, chúng ta càng cảm phục ông, con người dũng cảm một mình đơn chiếc trong một lĩnh vực đang còn xa lạ và chưa được quan tâm nhiều ở chúng ta, đã bằng nỗ lực và năng lực trí tuệ của mình đưa lại những kiến giải đầy sức thuyết phục, kèm theo những minh chứng khoa học, giúp chúng ta hiểu sâu hơn, nắm vững hơn về phân tâm học, về vô thức, về thế giới tâm lí-tâm thần vốn đang được nghiên cứu ở nhiều nước. Công trình của ông là một đóng góp mang tính chất Việt Nam, mang đặc thù Việt Nam để khẳng định Việt Nam cho lĩnh vực khoa học đầy hấp dẫn và cuốn hút này ./.

Tài liệu tham khảo:

1. Tran Duc Thao: Recherches sur l’origine du langage et de la conscience. Éditions sociales, Paris,1973. Các trích dẫn liên quan đến quan điểm của tác giả Trần Đức Thảo trong bài viết của chúng tôi đều được lấy trực tiếp từ bản tiếng Pháp và do chúng tôi chuyển dịch sang tiếng Việt.

2. Dẫn theo Lời hậu bạt của nhà nghiên cứu Vasile Dem. Zamfirescu trong cuốn Driek Van Der Sternen: Phân tâm học văn học: Oedipe vua (De Lotgevallen van Koning Oedipus). Bản tiếng Rumani. Người dịch sang tiếng Rumani: Georgeta Mitrea. Editura Trei. București, 1996. Trang 139.

3. Marthe Robert: Romanul începuturilor și începuturile romanului. Bản tiếng Rumani. Người dịch sang tiếng Rumani: Paula Voicu-Dohotaru. Editura Univers, București, 1983, trang 86.

4. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 248

5. Albert Jaquart: Con người và gen (Les hommes et leurs genes). Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Ngọc Thuần. Nhà xuất bản Tri Thức. Hà Nội, 2010, trang 3.

6. Vasile Dem. Zamfirescu: Lời hậu bạt. Sách trên, trang 138.

7. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 253 và các trang tiếp theo.

8. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 258 và các trang tiếp theo

9. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 263

10. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 296

11. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 302

12. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 307

13. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 308

14. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 309

15. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 314-315

16. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 316

17. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 329

18. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 336

19. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 337

20. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 340

21. Trần Đức Thảo: Sách đã dẫn, trang 330

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020