Văn học nước ngoài

Văn học Anh trong nhà trường phổ thông


15-10-2020
Tác giả: TS. Nguyễn Linh Chi

Việc đưa các tác phẩm văn học nước ngoài, trong đó có văn học Anh, vào giảng dạy trong nhà trường là việc làm cần thiết để góp phần mở rộng tầm nhìn cho học sinh, tạo điều kiện để các em có thể tiếp xúc với những tinh hoa văn hoá cuả nhân loại. Giảng dạy văn học nước ngoài trong nhà trường là một kênh tiếp nhận đặc biệt, bên cạnh kênh tiếp nhận theo con đường nghiên cứu, phê bình và dịch thuật.

 

Lâu nay, trong nhà trường ở nước ta, bộ phận văn học nước ngoài thường được chia thành ba mảng: Văn học Châu Á, Văn học Nga – Xô viết và Văn học phương Tây. Phạm vi của Văn học Châu Á được xác định rõ ràng bao gồm nền văn học của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á gần với Việt Nam như Lào và Campuchia. Khái niệm văn học Nga – Xô viết càng đơn giản hơn bởi chỉ bao gồm văn học các nước thuộc Liên Xô trước đây mà trọng tâm cũng chỉ là văn học Nga. Phức tạp hơn cả là khái niệm Văn học phương Tây vì phương Tây không chỉ bao hàm yếu tố về địa lý mà còn bao hàm cả yếu tố về kinh tế, đôi khi còn cả về chính trị nữa. Tuy vậy, trong phạm vi của khái niệm Văn học phương Tây trong nhà trường, chúng ta hiểu nó bao gồm chủ yếu là văn học các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Đức, Italia và văn học Bắc Mỹ mà tập trung vào mỗi văn học Mỹ.
Việc đưa các tác phẩm văn học nước ngoài, trong đó có văn học Anh, vào giảng dạy trong nhà trường là việc làm cần thiết để góp phần mở rộng tầm nhìn cho học sinh, tạo điều kiện để các em có thể tiếp xúc với những tinh hoa văn hoá cuả nhân loại. Giảng dạy văn học nước ngoài trong nhà trường là một kênh tiếp nhận đặc biệt, bên cạnh kênh tiếp nhận theo con đường nghiên cứu, phê bình và dịch thuật. Đặc biệt, trước hết, bởi đối tượng tiếp nhận trong nhà trường phổ thông là các em ở lứa tuổi học sinh. Hơn nữa, bởi những đối tượng tiếp nhận này cần có sự hỗ trợ của giáo viên, người truyền đạt kiến thức văn học tới các em. Người giáo viên có thể được xem như cây cầu nối giúp cho học sinh tiếp nhận tác phẩm được dễ dàng hơn. 
Dẫu vậy, thì đối tượng tiếp nhận cần quan tâm ở đây là học sinh. Họ được xem như một kiểu người đọc đặc biệt. “Với ảnh hưởng của tư duy triết học hiện tượng học, lí luận văn học hiện đại đã tiếp cận bản chất của sự đọc và hiểu văn bản, vận động từ mĩ học sáng tạo sang mĩ học tiếp nhận”[ Lộc Phương Thuỷ (chủ biên), Lí luận – Phê bình văn học thế giới Thế kỷ XX, NXB Giáo dục – 2007, tr. 11.]. Lý thuyết tiếp nhận hiện đại đã khẳng định vai trò quan trọng của người đọc, tới mức cho rằng ý nghĩa của văn bản văn học “nằm trong ý thức người tiếp nhận”[ Hoàng Phong Tuấn, Một số quan điểm chính trong lý thuyết tiếp nhận của Wolfgang Iser, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012.]. Như vậy, văn bản văn học thực sự có ý nghĩa khi nó được người tiếp nhận (người đọc) cụ thể hoá bằng những trải nghiệm của cá nhân trong môi trường lịch sử và xã hội. Ý kiến đó của Wolfgang Iser phần nào tương đồng với Tzvetan Todorov. Khi đưa ra quan niệm “đọc như là một hành vi kiến tạo”, Todorov đã chú ý tới vai trò đa chức năng của người đọc. Và với hoạt động kiến tạo trong hành trình khám phá văn bản, người đọc sẽ “sáng tạo ra một thế giới gần như tương đồng với thế giới hiện thực tồn tại trong văn bản”[ Michel J. Hoffman and Patrick D. Murphy, Essentials of the Theory of Fiction, Duke University Press, Durham and London, 1988, p. 403.]. Hoạt động “đồng sáng tạo” sẽ tồn tại ở nhiều cấp độ với những đối tượng người đọc khác nhau. Việc tiếp nhận văn học nước ngoài của đối tượng người đọc là học sinh phổ thông sẽ gắn bó mật thiết với chương trình giảng dạy bộ môn này trong nhà trường.
*

Với một thời lượng dành cho môn văn học nước ngoài nói chung, văn học phương Tây nói riêng rất hạn chế nên một điều hiển nhiên là chương trình văn học trong nhà trường không thể bao quát hết văn học của các nước trong cả bốn khu vực Tây Âu, Đông Âu, Bắc Âu và Nam Âu. Các nhà hoạch định chương trình đã tập trung vào hai khu vực Tây và Nam Âu với các nền văn học lớn của Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha…và một đại diện của khu vực Bắc Âu là Đan Mạch. Văn học Anh tuy số lượng được giảng dạy trong nhà trường không nhiều nhưng lại có mặt trong chương trình ngay từ những ngày đầu tiên sau hoà bình lập lại năm 1954 và liên tục cho đến nay.
Trong chương trình sách giáo khoa trung học phổ thông thực hiện từ 1956, được chỉnh lý năm 1979, phần văn học nước ngoài có tổng số 8 tác giả. Văn học châu Á có duy nhất một đại diện là Lỗ Tấn. Văn học châu Mỹ không có gương mặt nào. Số lượng các tác giả thuộc bộ phận văn học châu Âu chiếm đa số, 7 tác giả của 4 nước Hy Lạp, Anh, Pháp, Nga. Đại diện cho nền văn học Anh là kịch tác gia vĩ đại của thời Phục hưng, William Shakespeare (1564 – 1616).
Tác phẩm của Shakespeare được lựa chọn để giảng dạy là vở bi kịch nổi tiếng Hamlet. Đây là một lựa chọn hợp lí vì bộ phận bi kịch thể hiện “tầm cao của thiên tài” Shakespeare. Trong “bốn vở bi kịch đứng ở vị trí hàng đầu là Hamlet, Macbeth, Vua Lear và Othello” của Shakespeare thì “Hamlet là vở bi kịch vĩ đại nhất”[ D.C. Browning, Skakespeare’s Tragedies, London J. M. Dent & Sons Ltd, New York E. P. Dutton & Co Inc, 1956, p. v.], thể hiện rõ nhất tài năng sáng tạo của ông. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, Hamlet không phải là một vở kịch dễ tiếp nhận đối với đối tượng là các em học sinh lớp 10, mới 15 tuổi. Cái khó của văn học nước ngoài là đặt người học vào một bối cảnh hoàn toàn xa lạ với những kinh nghiệm sống và thị hiếu thẩm mỹ của họ. Để tiếp cận được cái hay cái đẹp của một tác phẩm văn học nước ngoài, người học/ người đọc cần phải lấp đầy khoảng trống ngăn cách đó. Bối cảnh rộng lớn của kịch Shakespeare là không gian nước Anh xa xôi cách chúng ta hơn bốn thế kỷ. Bối cảnh hẹp trong vở bi kịch Hamlet lại diễn ra ở đất nước Đan Mạch. Không gian xa lạ ấy đã được nhà soạn kịch vĩ đại làm trở nên gần gụi và dễ hình dung bởi nghệ thuật sử dụng ngôn từ tài hoa. Sân khấu của thế kỷ XVI cực kỳ sơ sài, không màn không cảnh, không bài trí trang hoàng. Shakespeare bằng ngòi bút của mình đã vẽ nên những bức tranh hoàn hảo có sự phối hợp tuyệt vời giữa người và cảnh. Hàng bao thế kỷ đã trôi qua nhưng những người say mê kịch Shakespeare sẽ không bao giờ quên cái ban công nhỏ tràn ngập ánh trăng, nơi nàng Juliet xinh đẹp đứng mơ màng còn ở dưới là khu vườn đêm yên tĩnh có chàng trai Romeo si tình đang ngóng đợi; hay hình ảnh sân thượng toà lâu đài Elsinore trong một đêm tĩnh mịch khi hồn ma vua cha Hamlet hiện ra. 
Vậy là người giáo viên khi giảng trích đoạn trong một vở kịch nếu bỏ qua phần tái hiện lại không gian hoàn cảnh của sự kiện xem như đã để mất cơ hội giúp học sinh thêm hiểu hơn về nội dung tác phẩm. Lời thoại cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong một tác phẩm sân khấu. Đoạn trích giảng chứa đựng chủ yếu những lời độc thoại nội tâm của nhân vật Hamlet. Những độc thoại nội tâm đó lại mang tính triết lí và chứa đựng chiều sâu tư tưởng nên cũng không phải dễ cảm với đối tượng học sinh lớp 10. Hamlet được viết bằng thơ xen lẫn văn xuôi. Dịch văn xuôi đã khó, dịch thơ lại càng khó hơn bởi vần điệu và nhịp điệu của câu thơ chắc chắn sẽ không còn nguyên vẹn khi bị chuyển ngữ. Có thể nói, với trích đoạn kịch Hamlet, rất khó để chuyển tải đến người học vẻ đẹp diệu kỳ của ngôn từ thông qua bản dịch. Người giáo viên cố gắng để học sinh nắm được những giá trị nội dung của đoạn trích, làm sao để các em hiểu bên cạnh những trăn trở, băn khoăn, hoài nghi trong tâm hồn Hamlet là cuộc đấu tranh nội tâm vô cùng gay gắt để có thể biến nhận thức thành hành động của hình tượng nghệ thuật này. Đạt được kết quả đó cũng cần phải nỗ lực rất nhiều từ cả hai phía, người dạy và người học.
Thực tế cho thấy, học sinh khi học về Shakespeare đều bị cuốn hút bởi vở bi kịch Romeo và Juliet. Đây là câu chuyện tình yêu của đôi trai gái thuộc hai dòng họ có mối thù truyền kiếp từ bao đời. Tình cảm chân thành của Romeo và Juliet đã xoá bỏ được thù hận của hai dòng họ. Vượt qua mọi không gian và thời gian, vượt qua mọi thù hận, vượt qua cả bi kịch của cái chết, tình yêu đã bất tử. Sân khấu học đường đã trở thành nơi cho biết bao cảm xúc tuổi học trò thăng hoa từ tác phẩm nổi tiếng này của Shakespeare. 
*
Giáo dục Việt Nam đã trải qua nhiều đợt cải cách. Mỗi lần đều có thay đổi chương trình đào tạo, dù ít dù nhiều. Phần văn học phương Tây trong chương trình văn học nước ngoài ở trường phổ thông, cho đến thời điểm trước cải cách giáo dục cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, thực sự nghiêng về văn học Pháp với hai tác gia tiêu biểu của thế kỷ XIX là Hugo và Balzac. Từ những năm 1989 – 1990 chúng ta bắt đầu tiến hành đợt cải cách chương trình trung học với quy mô sâu rộng hơn. Môn văn học, trong đó có bộ phận văn học nước ngoài đã có những thay đổi đáng kể. 
Với sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tập thể các nhà khoa học của hai cơ sở giáo dục có uy tín trên cả nước là trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Hội nghiên cứu và giảng dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh đã biên soạn song song hai bộ sách giáo khoa. Hai bộ sách giáo khoa này chỉ phải thống nhất với nhau về việc lựa chọn các tác gia và tác phẩm cho chương trình còn hoàn toàn có thể chọn những đoạn trích giảng khác nhau. Chương trình cải cách này sau khi thử nghiệm đã được đem ra ứng dụng đại trà ở giáo dục phổ thông trung học trong khoảng mười năm. Khoảng thời gian đó đủ để các nhà biên soạn chương trình rút ra những ưu và nhược điểm của việc dùng hai bộ sách cho một hệ đào tạo. Đến năm 2000 thì sách giáo khoa môn văn ở cấp trung học phổ thông lại được hợp thành một bộ duy nhất dùng chung trong cả nước. 
So với chương trình cũ, mảng văn học nước ngoài ở đây phát triển tăng mạnh. Tổng số lượng các nhà văn tăng xấp xỉ 2,3 lần (từ 8 tăng lên 19). Khu vực châu Á tăng gấp 6 lần (từ 1 tăng lên 6), châu Âu tăng xấp xỉ 1,6 lần (từ 7 tăng lên 11) và lần đầu tiên văn học của khu vực châu Mỹ được đưa vào giảng dạy. Học sinh được mở rộng kiến thức văn chương khi tiếp xúc với các nền văn học khác nhau trên thế giới, từ Đông sang Tây. Việc tăng mạnh về số lượng các nhà văn cũng kèm theo sự phong phú của các thể loại. Bên cạnh các thể loại đã quen thuộc từ trước như sử thi, kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết thì giờ đây học sinh được làm quen với thơ, một thể loại không mới nhưng tương đối khó cảm thụ vì học qua bản chuyển ngữ. Văn học thế kỷ XX cũng lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình phổ thông và chiếm trọn vẹn khung chương trình của năm học lớp 12. Bức tranh văn học thế giới thực sự trở nên đa dạng và phong phú hơn rất nhiều cả ở bề rộng và chiều sâu. 
Bộ sách giáo khoa hợp nhất đã đáp ứng tiêu chí lựa chọn hàng đầu của các nhà biên soạn. Các tác gia đều là những đại diện tiêu biểu cho những nền văn học rực rỡ của nhân loại. Việc mở rộng các khu vực văn học từ Đông sang Tây cho thấy các nhà biên soạn thực sự đã quan tâm đến các nền văn học có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến văn học Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Việc chọn lọc các tác phẩm hay các trích đoạn để giảng dạy cũng phải đáp ứng tiêu chí làm sao cho những tác phẩm hay trích đoạn đó phải thể hiện rõ nhất đặc trưng nghệ thuật hay cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Với môn học đặc trưng là văn học nước ngoài thì việc chọn lựa một bản dịch tốt cũng là ưu tiên số một. Trong điều kiện giảng dạy không qua nguyên ngữ thì giáo viên và học sinh rất cần một bản dịch đảm nhiệm vai trò tương đương như nguyên bản để giúp họ cảm nhận được cái hay cái đẹp của nguyên tác. 
Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh về sự phát triển theo chiều hướng gia tăng mạnh của mảng văn học nước ngoài đó, văn học Anh vẫn giữ vị trí khiêm tốn ban đầu, như cách đó hàng chục năm vẫn vậy. Trong khi văn học Pháp có 3 đại diện là Hugo, Balzac và Aragon; văn học Nga có 5 đại diện là Pushkin, Lev Tolstoi, Gorky, Esenin và Sholokhov, thì văn học Anh vẫn chỉ có duy nhất một mình Shakespeare. Tác giả thì vẫn vậy nhưng tác phẩm thì có khác. Lần này, Romeo và Juliet được lựa chọn để giảng dạy trong chương trình lớp 10. 
Bên cạnh chương trình được ứng dụng đại trà, thời gian này Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu thí điểm chương trình phân ban tại một số trường và địa phương. Theo khung chương trình phân ban, môn văn học ở ban Khoa học xã hội sẽ tăng lên đồng thời môn văn học ở ban Khoa học tự nhiên sẽ giảm thiểu đến mức tối đa. Với ban Khoa học tự nhiên, môn văn học chỉ được học trong hai năm lớp 10 và 11, lớp 12 dành hoàn toàn để tập trung vào các môn khoa học tự nhiên nhằm giúp các em đối đầu với kỳ thi đại học (các em học ban này chủ yếu thi khối A, B). Bộ phận văn học phương Tây được rút gọn lại chỉ còn hai tác gia là Shakespeare (văn học Anh) và Hugo (hoặc Balzac – văn học Pháp). Chương trình thí điểm nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội. Sau năm năm thực hiện thí điểm, chương trình kết thúc.
*
Chương trình thí điểm phân ban kết thúc, chương trình hợp nhất ra đời. Các bộ sách giáo khoa được chỉnh lí năm 1995 cho thấy sự quan tâm đến mảng văn học nước ngoài nói chung, văn học phương Tây nói riêng ở cả cấp trung học cơ sở. Bốn năm từ lớp 6 đến lớp 9, học sinh được học tổng cộng hai mươi sáu bài Văn học nước ngoài. Văn học phương Tây chiếm đến hơn 50% trên tổng số ấy: 14 bài với 11 tác giả không kể đến những truyện khuyết danh. Sự phân bố cũng trải rộng đều ra nhiều nước ở khu vực này: từ Pháp, Anh, Đức đến Mĩ, Đan Mạch, Tây Ban Nha...
Tính cho đến thời điểm hiện tại thì bộ phận Văn học nước ngoài ở cấp trung học cơ sở được phân bổ như sau:

 

Lớp

Tác giả

Châu Á

Châu Âu

Châu Mỹ

Thế kỷ

Thể loại

6

A.Daudet

Trung Quốc

Nga

Pháp

 

XIX

Cổ tích

Cổ tích

Tr.ngắn

7

Lí Bạch

Đỗ Phủ

Hạ Tri Chương

Trương Kế

Trung Quốc

Trung Quốc

Trung Quốc

Trung Quốc

   

VIII

VIII

VIII

VIII

Thơ

Thơ

Thơ

Thơ

8

Molière

Cervantes

Andersen

O’Henry

Aitmatov

Rousseau

 

Pháp

T.BNha

Đ.Mạch

Kyrgyzstan

Pháp

XVII

XVI

XIX

XIX

XX

XVIII

Kịch

T.thuyết

Truyện

T.ngắn

T.ngắn

nghị luận

9

Tagore

Defoe

Maupassant

London

Gorky

Lỗ Tấn

Chu Quang Tiềm

Ấn Độ

Trung Quốc

Trung Quốc

Anh

Pháp

Nga

XX

XVIII

XIX

XX

XX

XX

XX

Thơ

T.thuyết

T.ngắn

T.thuyết

T.thuyết

T.ngắn

Nghị luận

Bảng thống kê trên cho thấy có sự thay đổi trong việc sắp xếp chương trình. Bên cạnh các thể loại quen thuộc như thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, có thêm thể loại mới là nghị luận. Sự phân bố không nhất thiết phải tuân theo trật tự thời gian mà nghiêng theo thể loại. Chính vì thế các bài không dàn đều ra cả bốn khối lớp. Năm đầu cấp các em chủ yếu làm quen với thể loại quen thuộc và đơn giản, dễ tiếp nhận là cổ tích. Toàn bộ phần thơ Đường được xếp vào chương trình lớp 7. Khối lớp 8 và 9 được tiếp xúc với đa dạng các thể loại hơn nhưng chủ yếu thiên về truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong số 9 tác gia thuộc khu vực văn học phương Tây, có một tác giả của văn học Anh, Daniel Defoe (1660 – 1731).
Trong số 18 tác gia trên thì chỉ có 3 tác gia tái xuất hiện trong chương trình Văn học nước ngoài ở cấp trung học phổ thông là Lí Bạch, Đỗ Phủ và Lỗ Tấn. Cả ba tác giả đều thuộc nền văn học châu Á, cụ thể là Trung Quốc. Tác gia cũ nhưng bài tuyển chọn giảng thì đương nhiên là mới. Lí Bạch với Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng), Đỗ Phủ với Cảm xúc mùa thu (Thu hứng) và Lỗ Tấn với Thuốc. 
Nét khác biệt của chương trình trung học phổ thông hiện nay là có chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Chương trình chuẩn được phân bổ như sau, tính cả bài học chính và đọc thêm:

 

Lớp

Tác giả

Châu Á

Châu Âu

Châu Mỹ

Thế kỷ

Thể loại

10

Homère

Valmiki

Vương Xương Linh

Thôi Hiệu

Lí Bạch

Đỗ Phủ

Bạch Cư Dị

Vương Duy

Basho

Buson

La Quán Trung

Ấn Độ

Trung Quốc

Trung Quốc

Trung Quốc

Trung Quốc

Trung Quốc

Trung Quốc

Nhật Bản

Nhật Bản

Trung Quốc

Hy Lạp

 

Cổ đại

Cổ đại

VIII

VIII

VIII

VIII

VIII

VIII

XVII

XVIII

XIV

Sử thi

Sử thi

Thơ

Thơ

Thơ

Thơ

Thơ

Thơ

Thơ

Thơ

T.thuyết

11

Puskin

Tagore

Shakespeare

Hugo

Chekhov

Engels

Ấn Độ

Nga

Anh

Pháp

Nga

Đức

 

XIX

XX

XVI

XIX

XIX

XIX

Thơ

Thơ

Kịch

T.thuyết

T.ngắn

nghị luận

12

Éluard

Sholokhov

Lỗ Tấn

Hemingway

Zweig

Trung Quốc

Pháp

Nga

Áo

XX

XX

XX

XX

XX

Thơ

T.thuyết

T.ngắn

T.thuyết

nghị luận

Chương trình được biên soạn rất linh hoạt cho từng khối lớp. Nhìn vào bảng thống kê, chúng ta thấy, ở khối lớp 10, trật tự thời gian nhường chỗ cho việc sắp xếp theo khu vực và thể loại. Khối lớp 11 nghiêng về văn học của khu vực châu Âu. Khối lớp 12 tuân thủ chặt chẽ trật tự thời gian và đảm bảo sự đa dạng của các thể loại và văn học các nước trên thế giới. Bộ phận văn học phương Tây giảm đi rõ rệt. Chỉ có 7 trên tổng số 22 tác giả được lựa chọn là của khu vực văn học phương Tây, chiếm tỉ lệ chưa đầy 1/3. Đại diện duy nhất của nền văn học Anh vẫn là Shakespeare.
Chương trình nâng cao được bổ sung thêm một số bài văn học nước ngoài nữa, tập trung vào lớp 11 và 12. Lớp 11 có đoạn trích “Đám tang lão Goriot” trong tiểu thuyết Lão Goriot của Balzac, nhà văn Pháp thế kỷ XIX. Lớp 12 có trích đoạn “Chất thơ của đời sống” của nhà phê bình Nga Belinsky, truyện ngắn Một con người ra đời của nhà văn Nga Gorky và đoạn trích “Mải mê chinh chiến và yêu đương” trong tiểu thuyết Tom Sawyer của nhà văn Mĩ Mark Twain. 

*
Như vậy, so với chương trình chỉnh lí – hợp nhất năm 2000, thì chương trình trên đã có những thay đổi đáng kể. Nhận thấy rõ nhất là sự giảm đột biến số lượng mảng văn học phương Tây trong bộ phận văn học nước ngoài. Tuy nhiên, văn học Anh vẫn giữ được sự ổn định, không hề có xáo trộn. Tiếp nữa, đó là sự thay đổi về cách chọn thể loại, chọn tác giả, chọn bài. Bộ phận văn học Trung Quốc (thuộc khu vực văn học châu Á) với những tác gia Đỗ Phủ, Lí Bạch, Lỗ Tấn được giảng dạy xuyên suốt cả hai cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Mảng thơ Đường được tập trung hơn cả. Bộ phận văn học phương Tây được rải đều trên cơ sở lựa chọn khá linh hoạt và toàn diện. Ở cả hai cấp học, học sinh được làm quen với các đại diện của các nền văn học tiên tiến trên thế giới, với sự đa dạng của các thể loại, từ thơ, kịch đến truyện ngắn, tiểu thuyết và nghị luận, trải đều từ thời cổ đại cho đến thế kỷ XX. Không có sự lặp lại các tác gia đã học ở cấp phổ thông cơ sở trong chương trình của cấp phổ thông trung học với bộ phận văn học phương Tây. 
Trong những lần cải cách và thí điểm thì chương trình ngữ văn của cấp phổ thông trung học bị thay đổi nhiều hơn của cấp phổ thông cơ sở. Sự thay đổi lúc thì nằm ở việc đưa tác gia này thay thế cho tác gia khác, khi diễn ra ở khâu lựa chọn tác phẩm của cùng một tác giả.
Một trong những tác giả nước ngoài hiện diện ổn định và lâu dài nhất trong chương trình ngữ văn của nhà trường Việt Nam là Shakespeare, bên cạnh Hugo, đại diện xuất sắc của nền văn chương lãng mạn Pháp thế kỷ XIX. Tác phẩm của Shakespeare có mặt trong nhà trường phổ thông trung học từ ngay sau khi hoà bình lập lại năm 1954 và xuất hiện liên tục cho đến tận ngày hôm nay. Sự thay đổi chỉ diễn ra ở khâu lựa chọn tác phẩm nào trong di sản văn chương đồ sộ của ông để lại cho nhân loại. 
Trải qua các giai đoạn cải cách giáo dục với thời gian kéo dài gần ba mươi năm, từ năm 1961 cho đến 1989, tác phẩm được chọn đưa vào giảng dạy đều là trích đoạn Sống hay không sống trong bi kịch Hamlet. Từ năm 1989 đến 1999, các nhà biên soạn sách giáo khoa đưa thêm hài kịch Chàng thương nhân thành Venice với trích đoạn Sự lựa chọn của Bassanio để giáo viên có thể tuỳ chọn, trích đoạn Thề nguyền trong Romeo và Juliet được xếp vào phần đọc thêm. Thực tế giảng dạy đã cho thấy đa phần giáo viên và học sinh đều hứng thú với Chàng thương nhân thành Venice hơn Hamlet. Đơn giản bởi đây là một vở hài kịch, dễ dạy và dễ học hơn rất nhiều so với bi kịch Hamlet. Với lứa tuổi của các em, để hiểu được những trăn trở, dằn vặt “sống để cầm vũ khí đứng lên mà chống lại với sóng gió của bể khổ” hay không sống để “chịu đựng những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng” trong tâm tư của chàng Hamlet thì quả là khó khăn. Bởi để hiểu được những suy tư đau khổ đó chắc hẳn phải là một con người trưởng thành với những trải nghiệm sống tương đối. 
Từ sau chương trình chỉnh lí – hợp nhất năm 2000, trích đoạn Tình yêu và thù hận trong Romeo và Juliet trở thành bài học chính thức trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 11.  
*
Như vậy, sau hơn năm mươi năm với nhiều đợt cải cách giáo dục, nhiều lần thay đổi chương trình, nhiều tác giả mới xuất hiện thay thế cho tác giả cũ, Shakespeare và tác phẩm của ông vẫn hiện diện liên tục. Ngay cả ở lần thí điểm phân ban năm 2000, khi mà chương trình văn học nước ngoài bị thu hẹp lại chỉ còn có hai tác giả cho phân ban khoa học tự nhiên thì Shakespeare vẫn được lựa chọn bên cạnh Hugo (hoặc Balzac). Như vậy để thấy sự tồn tại bền bỉ của Shakespeare trong nhà trường Việt Nam.
Sự lựa chọn tác phẩm của ông để giảng dạy cũng diễn biến không có nhiều xáo trộn như với trường hợp tác giả Hugo của nền văn học Pháp. Cũng có lẽ bởi Hugo sáng tác nhiều thể loại và ở thể loại nào ông cũng đạt được những thành công vang dội nên đã gây khó khăn cho các nhà biên soạn sách giáo khoa chăng. Người ta băn khoăn giữa tiểu thuyết và thơ Hugo. Sự băn khoăn đó thể hiện trong những lần cải cách chương trình với sự thay đổi lựa chọn, lúc thì tiểu thuyết lúc thì thơ Hugo. Cuối cùng, tác phẩm được lựa chọn của Hugo là tiểu thuyết Những người khốn khổ. 
Không thể phủ nhận mỗi đợt cải cách giáo dục là một lần diễn ra những cuộc tranh luận nhằm hướng tới một nền giáo dục tiên tiến hơn. Việc thay đổi trong khâu lựa chọn thể loại thơ hay tiểu thuyết trong trường hợp Hugo chứng tỏ các nhà biên soạn sách giáo khoa qua từng đợt cải cách đã có rất nhiều băn khoăn trăn trở. Hugo là một người khổng lồ trên bầu trời văn chương lãng mạn Pháp. Ông sáng tác nhiều thể loại, thơ ca, kịch và tiểu thuyết. Ở bất cứ lĩnh vực nào ông cũng đạt được những thành công rực rỡ và giành được sự mến mộ của độc giả. Cuộc đời và những tác phẩm văn chương của ông chính là linh hồn của thời đại. Thế nhưng, vị chủ soái của Tao đàn lãng mạn vẫn ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn của bao nhà phê bình, bao nhà sáng tác và bạn đọc yêu văn chương toàn thế giới bằng tài năng thi ca trác tuyệt của mình. Và nói đến chủ nghĩa lãng mạn, trước hết không thể không nhắc đến thơ. Thơ Hugo chính là “tiếng vọng âm vang của thời đại”, chính là nơi ông gửi gắm tất cả tâm hồn của một người sống trọn vẹn cả một thế kỷ đầy biến động của nước Pháp đương thời, là sự nghiệp suốt đời của ông. Vậy nên, việc lựa chọn giảng thơ Hugo thay cho tiểu thuyết của ông không phải là không có lí.
Không giống với trường hợp Hugo của văn học Pháp, văn học Anh có được sự ổn định lâu dài. Hai tác giả được giảng dạy trong nhà trường phổ thông là Defoe (lớp 8) và Shakespeare (lớp 11) luôn hiện diện xuyên suốt, liên tục. Với Defoe thì không hề có sự xáo trộn nào từ khi tác phẩm của ông được đưa vào chương trình. Cũng bởi, Defoe viết không nhiều và Robinson Crusoe là tác phẩm vĩ đại nhất của ông, nơi kết tinh mọi tài năng sáng tạo và khiến tên tuổi ông trở nên vinh quang trên toàn thế giới. Việc chọn Robinson Crusoe là đương nhiên, không phải bàn cãi. 
Shakespeare sáng tác nhiều thể loại: thơ, truyện thơ và kịch. Di sản văn chương của ông để lại cho nhân loại trong đó có đến 154 bài thơ sone ( thể thơ ba khổ bốn câu và hai câu kết). Nhưng bối cảnh nước Anh đương thời đang trên đường phát triển tư bản chủ nghĩa, với đặc điểm nổi bật là “tính mâu thuẫn, tính đối kháng gay gắt của cuộc đấu tranh giai cấp” đã “chi phối sự phát triển của văn học nghệ thuật Anh”[ Nhiều tác giả, Văn học phương Tây, NXB Giáo dục – 1999, tr. 191.]. Nên, với một nền văn học vốn có truyền thống lâu đời về thể loại kịch, để phản ánh những đối lập và mâu thuẫn đó của xã hội Anh đương thời, loại hình nghệ thuật kịch đã giữ vị trí chủ đạo. Và tên tuổi của Shakespeare đã làm rạng rỡ nền kịch trường Anh và thế giới. Việc chọn kịch của ông để giảng dạy, vì vậy là đương nhiên. Vấn đề chỉ còn là chọn bi kịch, thể loại thể hiện được “tầm cao của một thiên tài” hay là hài kịch, nơi mà mọi men say của tình yêu và tuổi trẻ là tất cả hạnh phúc của thế gian. 
Lựa chọn đầu tiên là bi kịch nổi tiếng Hamlet. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, trích đoạn Hamlet quyết tâm hành động với những độc thoại nội tâm thể hiện những trăn trở, dằn vặt, suy tư dữ dội của Hamlet trước khi đi đến quyết định cuối cùng thật không dễ đối với cả người dạy và người học. Khi học sinh đã không có được những điều kiện cần và đủ để cảm thụ tác phẩm này thì đó cũng chính là cái khó của người giáo viên. Với một thời gian có hạn, lại với đặc thù riêng của việc dạy và học một văn bản nước ngoài mang những màu sắc về văn hoá và ngôn ngữ xa lạ với học sinh, thì giáo viên sẽ rất khó để giúp học sinh nắm bắt được tác phẩm hay đơn giản chỉ là hiểu được tâm trạng của nhân vật Hamlet bộc lộ qua những dằn vặt nội tâm đó.
Có lẽ chính vì thực tế giảng dạy đó nên trong lần cải cách sau, các nhà biên soạn sách đã chọn Chàng thương nhân thành Venice, vở hài kịch ngợi ca những giá trị nhân văn cao cả của thời đại Phục hưng. Tiếng cười vui vẻ của tình yêu và tình bạn vang lên thay cho những giọt nước mắt đau khổ âm thầm trước những phản trắc và lọc lừa. Cuối cùng, một lựa chọn hoàn hảo hơn cả, theo chúng tôi, chính là Romeo và Juliet, vở bi kịch đầu tiên ra đời giữa lúc Shakespeare còn đang trong hào quang của thành công với những hài kịch và kịch lịch sử. Ở đây, vẫn còn hương nồng của tình yêu trong trẻo với không khí rạo rực chất men vui vẻ, yêu đời, đồng thời bắt đầu nhuốm màu của mất mát và khổ đau. Romeo và Juliet đã trở thành bản tình ca say đắm của mọi thời đại, vượt qua không gian và thời gian, vượt qua những bất đồng về sắc tộc và ngôn ngữ. Bản thân tình yêu nam nữ thôi không đủ sức làm nên điều kỳ diệu ấy. Tình yêu ở đây không chỉ có say đắm, thuỷ chung. Tình yêu ở đây còn phải dũng cảm vượt qua mọi ngăn cản của lễ giáo phong kiến của thời đại và hận thù truyền kiếp của hai dòng họ để khẳng định quyền tự do yêu đương và hạnh phúc. 
Trích đoạn Tình yêu và thù hận trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 11 nằm ở cảnh I hồi II, khi Romeo sau đêm dạ hội, bị trúng tiếng sét ái tình, quay lại trèo tường vào nhà Capiulet, nấp dưới lùm cây nhìn lên cửa sổ phòng Juliet; còn Juliet thì đang đứng trên bao lơn ngó xuống. Không gian đêm trăng huyền diệu là chứng tích cho những lời tỏ bầy và thề nguyền của đôi tình nhân. Diễn biến trích đoạn không đề cập trực tiếp đến thù hận. Đây là một trong những khung cảnh đẹp nhất về tình yêu trên sân khấu kịch trường của thế giới suốt bao thế kỷ qua. Vở kịch kết thúc bằng cái chết của đôi trai gái nhưng lại không hề gợi cảm giác bi luỵ. Thù hận đã theo những giọt nước mắt khóc con của hai dòng họ mà tan loãng. Tình yêu trở thành bất tử. 
Với lứa tuổi học sinh lớp 11, các em hoàn toàn có thể cảm thụ được nội dung ý nghĩa nhân văn và tư tưởng của vở kịch này. Hơn nữa, một đề tài về tình yêu chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn với lứa tuổi đang háo hức khám phá thế giới rộng mở xung quanh. Với đặc trưng của thể loại, giáo viên còn có thể giúp các em cảm thụ sâu sắc hơn những giá trị nội dung và nghệ thuật của vở kịch bằng việc sân khấu hoá đoạn trích giảng. Không chỉ vậy, tái hiện lại không khí của thời đại Phục hưng thông qua câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp sẽ tạo hứng thú cho học sinh, thay đổi không khí vốn nghiêm trang của giờ học, tăng hiệu quả tiếp thu và cảm thụ văn chương, kéo gần lại khoảng cách giữa bục giảng và thực tại cuộc sống. 
*
Như vậy, chương trình ở các cấp phổ thông đã có nhiều thay đổi qua các đợt cải cách giáo dục từ năm 1990 đến nay. Tuy diễn biến có sự khác nhau cả về lượng và chất nhưng đều cho thấy sự băn khoăn của các nhà làm chương trình. Với một thời lượng có hạn làm sao để có thể giới thiệu cho học sinh làm quen với những gương mặt đại diện xuất sắc của các nền văn học trên thế giới qua các thời kỳ lịch sử là điều bất khả. Chương trình đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra của ban biên soạn sách giáo khoa. Các tác giả được đưa vào chương trình giảng dạy đều là đại diện xuất sắc của các nền văn học trên thế giới, đặc biệt là các nền văn học có ảnh hưởng sâu rộng tới văn học Việt Nam. Việc tiếp xúc với tinh hoa của văn học thế giới sẽ giúp học sinh hiểu được lịch sử tâm hồn của mỗi dân tộc, làm đầy thêm hành trang văn hoá cho các em trước khi bước vào đường đời rộng mở. 
Việc tên tuổi của Shakespeare hiện diện liên tục trong chương trình phổ thông suốt bao năm qua, từ sau hoà bình lập lại năm 1954 đến hiện nay, đã cho thấy sự trân trọng của các thế hệ biên soạn đối với di sản văn học Anh. Sự thay đổi trong việc lựa chọn tác phẩm nào của đại diện nền văn học Anh để giảng dạy trong nhà trường phổ thông cho thấy những trăn trở và nhiệt huyết của những nhà soạn thảo chương trình. 
Việc lựa chọn tác phẩm Romeo và Juliet để giảng dạy đã cho thấy các nhà làm sách rất coi trọng đối tượng tiếp nhận. Nếu theo lý thuyết tiếp nhận lấy người đọc làm trung tâm thì ý nghĩa của văn bản nghệ thuật “nằm trong ý thức người tiếp nhận” (Iser). Chúng tôi hiểu rằng, người đọc không thể là quan trọng số một và duy nhất, nhưng cũng không thể xem nhẹ vai trò của họ trong hành trình tiếp nhận tác phẩm. Tác phẩm là một văn bản mang nghĩa, và người đọc có nhiệm vụ giải mã nó thông qua cảm quan nghệ thuật của mình. Tiếp nhận văn học trong nhà trường cần, rất cần quan tâm chú ý đến đối tượng tiếp nhận. Việc lựa chọn được một tác phẩm vừa có những giá trị to lớn về nội dung và nghệ thuật vừa hợp lý với đối tượng tiếp nhận sẽ biến những giờ giảng văn không còn khô khan và nhàm chán, sẽ tạo điều kiện để những cảm xúc thăng hoa.  
*
Sự ổn định là cần thiết và những giá trị của nó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc cập nhật những diễn biến trong tiến trình lịch sử của văn chương nhân loại cũng không kém phần quan trọng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi thế giới trở nên “hẹp” hơn nhờ hội nhập và toàn cầu hoá. Hơn nữa, một trong những nguyên nhân để môn văn trở nên nhàm chán trong nhà trường không thể không kể đến sự thiếu vắng tính thời sự. 
Lần cải cách giáo dục gần đây nhất đã có những thay đổi đáng kể, chỉ nói riêng trong biên soạn chương trình môn ngữ văn của phổ thông trung học. Học sinh được làm quen với các nền văn học hiện đại Pháp, Mỹ, Áo thế kỷ XX. Riêng văn học Anh vẫn kiên trì dừng lại ở thế kỷ XVI. Sự đổi mới, theo chúng tôi, lúc này là cần thiết, nhất là với đề án đổi mới mà Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa đưa ra.
Với định hướng phát triển bền vững, chương trình và sách giáo khoa cũng cần phải thay đổi. Nếu chúng ta chỉ chú ý tới việc trang bị kiến thức chuyên môn cho học sinh mà không chú trọng tới việc rèn luyện kỹ năng, phương pháp tự học, kỹ năng thích ứng với mọi tình huống của cuộc đời thì học sinh không thể phát triển được năng lực. Kiến thức là vô hạn, dạy biết thế nào cho đủ, trong khi thời gian ngồi trên ghế nhà trường chỉ có hạn. Chính vì thế, nhà trường không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn phải hướng dẫn học sinh tự khai thác những kiến thức để hình thành năng lực phát triển nhân cách và tư duy. 
Bộ phận văn học Anh từ những năm năm mươi của thế kỷ trước đến nay vẫn hoàn toàn không có gì thay đổi. Sự ổn định, lúc này, liệu có thể xem như lạc hậu. Nên chăng, các nhà biên soạn có thể lựa chọn những gương mặt mới đại diện cho văn học Anh để đưa vào giảng dạy nhằm hiện đại hoá chương trình. Thế kỷ XIX, có thể là George Byron, Charles Dickens hay William Thackerey...Thế kỷ XX, có thể là Bernard Shaw, George Orwell, James Joyce, Virginia Woolf và Graham Greene... 
Những tác phẩm của những tác giả trên hoàn toàn có thể đưa vào giảng dạy ở bậc phổ thông trung học bởi chúng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các nhà biên soạn chương trình sách giáo khoa, cả về mặt nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật sáng tác. Nếu không thể có được một bài giảng trọn vẹn về một tác giả, theo chúng tôi, cũng nên có một bài khái quát để chương trình hiện đại hơn. Byron là nhà thơ tiến bộ Anh với di sản vĩ đại mà những giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đến nay còn nguyên giá trị. Ông là người chiến sĩ suốt đời ca ngợi và chiến đấu cho tự do, là một nghệ sĩ không ngại dấn thân và nhập cuộc. Ngay cả khi sức khoẻ của ông không cho phép ông tiếp tục ở lại Hy lạp chiến đấu vì tự do, ông vẫn kiên quyết không rời đi. Câu nói bất hủ của ông giống như một tuyên ngôn của người nghệ sĩ – chiến sĩ: “...thà chết trong khi đang hành động còn hơn là không làm gì cả”. Cái chết của ông là một mất mát vô cùng to lớn cho nền văn học Anh. William Hazlitt(1778-1830), hoạ sĩ, nhà phê bình, nhà báo người Anh đã thốt lên: “Lord Byron đã không còn nữa, ông hy sinh như một người tử vì đạo cho lòng nhiệt huyết đấu tranh vì tự do, và trên hết, cho những niềm hy vọng tuyệt diệu nhất của con người”[ Annette T. Rubinstein, The Great Tradition in English Literature from Shakespeare to Shaw, The Citadel Press, New York, 1953, p. 515.]. Những tác phẩm của Byron hoàn toàn phù hợp để giảng dạy trong nhà trường bởi chúng hàm chứa những lý tưởng cách mạng cao đẹp và tinh thần đấu tranh không mệt mỏi cho tự do của những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới
Cùng với Byron là Dickens và Thackeray, những tên tuổi vĩ đại của dòng văn học hiện thực Anh thế kỷ XIX. Những giá trị nhân văn trong tác phẩm của Dickens đã làm lay động biết bao trái tim của độc giả mọi thế hệ yêu văn chương. Tác phẩm của Dickens còn rất phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông. Theo điều tra khảo sát của Sherard Vines, giáo sư thỉnh giảng của Đại học Hull (University of Hull), thì cùng với tác phẩm của Kingsley và Kipling, tác phẩm của Dickens rất phổ biến với các thiếu niên lứa tuổi từ 12 đến 15. Và “trong danh sách các bạn đọc là trẻ em gái chưa trưởng thành, lứa tuổi trên 12, thì tác phẩm của Dickens đạt được số điểm là 54”[ Sherard Vines, A Hundred Years of English Literature, Collier Books, New York, 1962, p. 265.], số điểm cao nhất trong bảng khảo sát các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Oliver Twist và David Copperfield thực sự là những trang cổ tích thời hiện đại, thổi vào tâm hồn trẻ thơ những khát khao hướng thiện và niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Còn Thackeray, với nụ cười hóm hỉnh xen lẫn châm biếm chua cay của mình, đã vạch mặt cái vỏ đạo đức giả của xã hội tư sản đương thời, cho chúng ta thấy một “tấn trò đời” với đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. 
Mỗi gương mặt của nhà văn thế kỷ XX đều cho chúng ta thấy được diện mạo của cuộc cách mạng văn chương của thời đại. Shaw, nhà soạn kịch lỗi lạc nhất của Anh sau khi Shakespeare qua đời,  đóng góp cho sân khấu thế giới bằng việc khai sinh ra một thể loại kịch mới, hài kịch ý niệm. Tiểu thuyết của Orwell nổi tiếng với những quan điểm chống áp bức và cường quyền. Với Joyce và Woolf, chúng ta được chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự trong đổi mới kỹ thuật tiểu thuyết qua lối viết dòng ý thức. Green là tên tuổi vô cùng quen thuộc với độc giả Việt Nam bởi cuốn tiểu thuyết ông viết về cuộc chiến tranh ở đất nước chúng ta. Cuốn sách của ông đã giúp bạn đọc trên thế giới hiểu thêm về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống kẻ ngoại xâm từ bên kia bờ đại dương. 
*
Giá trị của những tác phẩm văn chương kinh điển đã trở thành di sản văn hoá của toàn nhân loại chứ không chỉ còn là di sản của một quốc gia nào. Chính vì thế, chương trình giảng dạy môn văn trong nhà trường nói chung và bộ phận văn học nước ngoài nói riêng, trong đó có văn học Anh, nên chăng cũng cần phải theo kịp với xu thế phát triển của thời đại. Học sinh phổ thông, các công dân của thế kỷ XXI, cũng cần nắm bắt được đời sống văn chương hiện đại và đương đại, dù chỉ là vài nét sơ lược. Và từ tâm thế của con người hiện đại với hành trang kiến thức đầy đủ, họ sẽ nhìn lại di sản quá khứ để hiểu hơn và trân trọng hơn.

 

Lộc Phương Thuỷ (chủ biên), Lí luận – Phê bình văn học thế giới Thế kỷ XX, NXB Giáo dục – 2007, tr. 11.

 Hoàng Phong Tuấn, Một số quan điểm chính trong lý thuyết tiếp nhận của Wolfgang Iser, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012.
 Michel J. Hoffman and Patrick D. Murphy, Essentials of the Theory of Fiction, Duke University Press, Durham and London, 1988, p. 403.
 D.C. Browning, Skakespeare’s Tragedies, London J. M. Dent & Sons Ltd, New York E. P. Dutton & Co Inc, 1956, p. v.
 Nhiều tác giả, Văn học phương Tây, NXB Giáo dục – 1999, tr. 191.
 Annette T. Rubinstein, The Great Tradition in English Literature from Shakespeare to Shaw, The Citadel Press, New York, 1953, p. 515.
 Sherard Vines, A Hundred Years of English Literature, Collier Books, New York, 1962, p. 265.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020