Văn học nước ngoài

Người chiến binh trong Iliade và Odyssé của Homère


15-10-2020
Tác giả: PGS. TS Lê Nguyên Cẩn

Các chiến binh bất tử hiện hình trong các sử thi của Homère, trước hết là các tướng lĩnh, là những người đứng đầu các bộ lạc, thị tộc, dưới tên gọi thủ lĩnh các thành bang. Họ là A-ga-mem-nông, A-sin, Uy-lit-xơ, Mê-nê-lát, A-jac…của người Hi Lạp; là Héc-tor, Pa-rít, Xac-pê-đông… của người Troa…Mỗi người được miêu tả dưới những góc nhìn rất riêng, đều toát lên vẻ đẹp riêng trong vẻ đẹp chung của các đấng bậc anh hùng. Những chiến binh đó đã tạo ra thời đại anh hùng trong lịch sử Hi lạp, thời đại mà các nghệ nhân hát rong (các aèdes) ca tụng trong các bài ca trên mọi nẻo đường rong ruổi kiếm sống của họ và là chất liệu để Homère thiên tài thiêu kết thành những thỏi vàng cô đúc trong hai sử thi của mình.

 

 

Thần thoại Hi Lạp kể rằng khi Zeus trở thành người đứng đầu thế giới thần linh bất tử, thống lĩnh vạn vật trên trời dưới đất, khi mọi thứ đã đi vào ổn định hài hòa, thì Ares, con trai của Zeus và Hera, được giao phụ trách lĩnh vực chiến tranh (la guerre). Nhưng Ares là vị thần tai tiếng nhất trong thế giới thần linh bất tử trên đỉnh Olempơ như chính lời phàn nàn của Zeus, là một kẻ điên không biết pháp luật là gì như nhận xét của Hera; là một kẻ khùng hiện thân của cái ác, là một cái đầu rỗng tuếch như đánh giá của Athena. Một vị thần- con đẻ của Zeus và Hera- lại bị chính cha khinh mẹ ghét, bị anh em một nhà coi thường, mà oái oăm thay những nhận xét đánh giá của những người ấy, - của cha của mẹ, của những người thân thích - lại cho thấy bản chất đích thực của cái được gọi là chiến tranh. Sự xuất hiện của vị thần phụ trách lĩnh vực chiến tranh đánh dấu thời điểm sang trang của lịch sử nhân loại mà tại thời điểm đó, chiến tranh – như một phạm vi hoạt động của ý thức và thực tiễn của con người - xuất hiện, mặc dù trước đó trong thế giới thần thoại không phải không có những cuộc giao tranh hay hỗn chiến dữ dội như đã từng xảy ra giữa Kronos và Uranos; giữa Zeus và Kronos…nhưng những cuộc giao tranh hay hỗn chiến này chỉ là bước nhảy tiến hóa theo hình thức phủ nhận vượt trội trong lịch sử tiến hóa của loài người mà không phải là chiến tranh hay không thể gọi là chiến tranh như cách hiểu hiện nay. 

 

Các đánh giá của Zeus, Hera hay Athena về Ares cho thấy tính chất của chiến tranh, được hiểu như là một hình thức xung đột đặc biệt xảy ra khi các mối liên hệ cộng đồng bị đứt gãy hay bị xâm phạm, khi những quy ước cộng đồng bị phá vỡ hay bị chà đạp…. Theo thời gian, chiến tranh trở thành hình ảnh biểu đạt tính thảm họa đi kèm mọi khả năng hủy diệt thế giới, nhưng chiến tranh không phải là một tất yếu luôn luôn phải có của lịch sử. “Chủ nghĩa Mác-Lênin coi chiến tranh hoàn toàn không phải là một hiện tượng tự nhiên và tất yếu trong sinh hoạt của các dân tộc và các Nhà nước, mà là một sự biến lịch sử xuất hiện khi xã hội loài người đã phát triển đến một trình độ nhất định, và gắn liền với những điều kiện nhất định của sinh hoạt xã hội”(1). 

 

Nhưng tại sao người Hi Lạp nói riêng, các dân tộc khác nói chung đều phải đặt ra phạm trù chiến tranh ? Phải chăng nó cần thiết cho loài người hay nó còn mang theo một ý nghĩa nào khác ? Từ góc độ biểu tượng, cách kiến giải của Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới cho ta thấy: “Xét từ giác độ lí tưởng, chiến tranh nhằm mục đích loại trừ cái ác, vãn hồi hòa bình, công lí, sự hòa hợp trong vũ trụ và xã hội – điều này thể hiện đặc biệt rõ nét ở Trung Hoa cổ đại – cũng như trong lĩnh vực tinh thần; nó là biểu hiện tự vệ của sự sống. Chiến tranh là chức phận của các Kshatriya. Thế nhưng trong cuộc chiến đấu ở Kurukshôtra, như nó được Bhagavad-Gitâ miêu tả, một bên không ai giết, bên kia không ai bị giết, là cuộc đấu tranh để thống nhất sự sống. Krishna là một Kshatriya, nhưng Đức Phật cũng thế. Trong đạo Hồi cũng không khác, ở đây sự chuyển bước từ chiến tranh thần thánh nhỏ sang chiến tranh thần thánh lớn là sự chuyển bước từ cân bằng vũ trụ sang cân bằng nội tâm”. “Theo nghĩa thần bí, cũng như nghĩa vũ trụ của từ ngữ, chiến tranh là cuộc tranh đấu giữa ánh sáng và bóng tối”. “Ngay đạo Phật, mà tinh thần hòa bình chủ nghĩa của nó mọi người đều biết, cũng sử dụng rộng rãi những biểu trưng của chiến tranh: người chiến sĩ sáng loáng trong tấm áo giáp, Dhammapâda (Kinh Pháp Cú) nói như thế về Đức Phật. Avalokiteshvara xâm nhập thế giới của các asura dưới hình dạng một chiến binh: đây là sự chiếm lấy bằng bạo lực những thành quả của tri thức. Nếu vương quốc trên Trời thuộc về những người dũng mãnh, thì bạo lực Phật giáo không còn là sở hữu riêng của phái Nichiren: Chiến sĩ, tên chúng ta là những chiến sĩ, ta đọc trong Anguttara-nikâya. Chúng ta chiến đấu cho đức hạnh cao cả, cho nỗ lực cao siêu, cho sự anh minh siêu việt; cho nên chúng ta gọi nhau là Chiến sĩ. Sự chiến thắng cái ngã đã bị chế ngự; vinh dự của cái chết trong chiến đấu gợi nhớ dũng cảm của một Kshatriya, nhưng cũng của một samouraï Nhật Bản hay một quân nhân người Sioux. Đức Phật là một Jina. Đó cũng là danh hiệu của người sáng lập giáo phái Jina. Chiến tranh nội tâm nhằm đưa thế giới của sự phân tán, thế giới của hiện tượng và ảo tưởng về thế giới của sự tập trung, của một hiện thực duy nhất; đưa cái đa về cái đơn, cái vô trật tự về trật tự” (2). 

 

Như vậy, chiến tranh được hiểu trong nghĩa nguyên thủy của nó như là sự tự vượt mình, tự mình vượt lên trên bản ngã của mình để hoàn thiện mình, mà nói theo ngôn ngữ hiện nay là sự tự vấn lương tâm, hay sự tự phê bình. Tuy nhiên theo chiều hướng phát triển hướng ngoại của tư duy, những cảm niệm về chiến tranh, vốn chỉ gắn với bản ngã con người, đã đi vào thế giới bên ngoài và hiện thân thành một phạm trù mang tính lịch sử, chiến tranh lúc này mang theo nhiều hàm nghĩa mới, nảy sinh nhiều tính chất mới, đương nhiên là phù hợp hay tương thích với sự vận động của bản thân cái thế giới mà ở đó thuật ngữ này xuất hiện. Chiến tranh trở thành sự xung đột giữa các cộng đồng người trong các thời kì lịch sử khác nhau, mang những tính chất khác nhau mà tính chất giao thời hiện hình rõ nét trong các sử thi Hi Lạp, tiêu biểu qua Iliade và Odyssé của Homère. Gắn với chiến tranh là sự xuất hiện của các chiến binh (les guerriers), những người tham gia chiến tranh, những người tạo ra chiến tranh.

 

Cuộc chiến mà Homère miêu tả, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, trong hai sử thi, là cuộc xung đột giữa người Hi Lạp và người Troa, vốn là các bộ lạc Hi Lạp thời cổ đại. Đây chính là sự va chạm giữa các nền văn minh và cũng chính là sự xung đột giữa các trình độ văn minh hay trình độ sống, gắn với thời điểm khi việc chiếm đoạt hay cướp bóc bộ lạc khác đang được coi là một phương thức sản xuất. Cho nên xét về bản chất, các cuộc xung đột hay chiến tranh bộ lạc – thị tộc ấy là cuộc chiến tranh giữa bộ lạc chúng ta với bộ lạc chúng nó, giữa những cộng đồng cùng chung huyết thống, ngôn ngữ. Tính chất này rất quan trọng bởi nó quy định phẩm chất đặc trưng của sử thi cổ đại: không thể phân định cuộc chiến tranh giữa các cộng đồng ấy là chính nghĩa hay phi nghĩa. Điều này chỉ có trong sử thi cổ đại, còn trong sử thi hiện đại, trong các thời kì lịch sử sau này thì mọi cuộc chiến tranh đều được phân định trên tiêu chí chính nghĩa hay phi nghĩa. Nhưng đã là chiến tranh thì tất nhiên có sự khốc liệt của nó mà sự khốc liệt này sẽ dẫn tới sự tồn vong, mất còn của nhiều bộ lạc, thị tộc khác nhau, diễn ra theo cách thức đồng hóa từng phần hay toàn bộ một hay nhiều bộ lạc, thị tộc khác. Nguyên nhân của sự xung đột dữ dằn ấy bắt nguồn từ các nguyên cớ hết sức giản đơn: có thể là sự tranh chiếm người đẹp (như ở sử thi Hi Lạp hay trường ca Đăm San), có thể là việc tranh chấp đất đai (như trong các sử thi Ấn Độ). Vì thế, sử thi cổ đại là hình thức văn học đặc thù bao trọn trong nó kí ức lịch sử bi hùng và bi tráng, là cảm thức hoài niệm về một quá khứ tuyệt đối đã vĩnh viễn lùi vào dĩ vãng nhưng âm hưởng hào hùng, khí thế hoành tráng của quá khứ ấy vẫn còn bừng dậy trong máu thịt con cháu những người chiến binh bất tử của thời đại sử thi kì vĩ ấy.

 

Các chiến binh bất tử hiện hình trong các sử thi của Homère, trước hết là các tướng lĩnh, là những người đứng đầu các bộ lạc, thị tộc, dưới tên gọi thủ lĩnh các thành bang. Họ là A-ga-mem-nông, A-sin, Uy-lit-xơ, Mê-nê-lát, A-jac…của người Hi Lạp; là Héc-tor, Pa-rít, Xac-pê-đông… của người Troa…Mỗi người được miêu tả dưới những góc nhìn rất riêng, đều toát lên vẻ đẹp riêng trong vẻ đẹp chung của các đấng bậc anh hùng. Những chiến binh đó đã tạo ra thời đại anh hùng trong lịch sử Hi lạp, thời đại mà các nghệ nhân hát rong (các aèdes) ca tụng trong các bài ca trên mọi nẻo đường rong ruổi kiếm sống của họ và là chất liệu để Homère thiên tài thiêu kết thành những thỏi vàng cô đúc trong hai sử thi của mình. 

 

Trước hết, Iliade là bản anh hùng ca chiến trận, ca ngợi những người anh hùng chiến trận. Cuộc chiến giữa người Hi Lạp và người Troa theo truyền thuyết kéo dài mười năm, mà nguyên nhân của nó được qui về nhiều đầu mối: người thì cho đó là nguyên nhân bắt nguồn từ người đẹp Hélène (ca khúc III, câu thơ 158), người thì cho là do Pa-rít vì anh ta đã xúc phạm đến phong tục mến khách của người Hi Lạp (III, 351), còn Zeus thì cho đó là do Ares :.. “Trong hết thảy các vị thần sống trên đỉnh Olempơ, đối với ta, mi là ghê tởm nhất! bao giờ cũng vậy, niềm vui thú của mi chỉ là chuyện xô xát, chiến tranh và những trận giao đấu” (V.888), nhưng chung qui lại ý  kiến coi nguyên nhân của cuộc chiến đó xuất phát từ ý muốn của thần linh là tiêu biểu nhất. Nhà vua Priam nói: “Zeus đã bắt chúng ta phải chịu đựng một số phận nghiệt ngã để sau này người đời ca tụng chúng ta…”(VI,357). Như vậy, bản chất của cuộc xung đột giữa bộ lạc chúng ta và bộ lạc chúng nó, giữa người Hi Lạp và người Troa, đã được nhìn qua lăng kính thần thoại và góc nhìn này tạo ra phẩm chất nghệ thuật đầy biến ảo dị thường mà tâm điểm của các phẩm chất ấy là tính chất luân lí cộng đồng, là đạo đức bộ lạc, là danh dự và vinh quang của tập thể. Cuộc xung đột ấy được nhìn từ góc độ luân lí đạo đức, một mặt nhằm bảo vệ truyền thống kết nối các thành viên của cộng đồng, mặt khác tôn tạo các giá trị về lòng tự trọng, tự hào để gìn giữ các chuẩn mực cộng đồng. Vì thế nét đẹp chung của những người chiến binh cả hai phía là lí tưởng xả thân vì cộng đồng, là khát vọng mang vinh quang và chiến thắng về cho cộng đồng. Các anh hùng của hai phe đều hiện lên từ vẻ đẹp anh hùng dũng cảm, từ lí tưởng tập thể gắn với trách nhiệm cộng đồng của họ. Có thể thấy điều đó qua viễn cảnh mà Hec-to phác họa ra cho vợ là Ăng-đrô-mác, khi từ biệt nàng để ra chiến chiến trường: “Và rồi một ngày nào đó, thấy nàng than khóc người ta sẽ bảo: “Vợ của Hec-to đấy! Hồi còn đánh nhau ở thành I-li-ông anh ta là người chiến sĩ lẫy lừng nhất trong những người Troa luyện thuần ngựa cái đấy” (VI.440)... Hay cũng chính suy nghĩ của Hec-to khi chấp nhận đương đầu với A-sin : “…Nhưng tại sao ta lại nghĩ như vậy nhỉ ? Ta không nên van xin hắn (tức A-sin-LNC), hắn sẽ không thương xót ta mà cũng chẳng kính nể gì ta. Nếu ta rời bỏ khí giới thì hắn sẽ giết ta như giết một mụ đàn bà. Bây giờ không phải là lúc nói với hắn những chuyện đời xửa đời xưa, từ đời cây sồi và hòn đá như các chàng trai và cô gái trò chuyện với nhau- như các chàng trai và cô gái trò chuyện với nhau. Tốt hơn hết là hãy thanh toán cuộc xung đột này bằng cách mau gặp nhau đọ sức…”(XXII, 120-129). 

 

Và Hec-to đã chấp nhận cuộc đọ sức ấy, cuộc đọ sức giữa một bên là Hec-to, con người hoàn hảo của một đô thành phát triển, một bên là A-sin, một bán thần mà cũng có thể hiểu là con người thuộc trình độ chưa phát triển, cuộc đọ sức giữa hai trình độ văn minh-hai trình độ sống mà lịch sử đã cho thấy trong những cuộc xung đột như vậy, thường có hiện tượng là các trình độ văn hóa văn minh kém phát triển hơn lại chiến thắng hay đè bẹp những nền văn hóa phát triển hơn. Có thể thấy điều đó qua lịch sử Trung Hoa với các triều đại nhà Nguyên, Thanh. Trong cuộc đọ sức với A-sin, Hec-to đã chấp nhận “cái chết vinh quang trước cổng thành” trước sự chứng kiến của quân đội hai bên và của những người dân đô thành Troa. Tính chất chưa phát triển của cộng đồng Hi Lạp trong tương quan so sánh với cộng đồng Troa  được thể hiện ở hành vi trả thù của A-sin đối với thi thể của Hec-to. A-sin đã buộc thi hài của Hec-to vào một cỗ xe và kéo ba vòng xung quanh thành Troa. Đây là hành động dã man gắn liền với một thời kì dã man mà ta gặp rất nhiều khi đọc các bộ Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc hay Thủy hử… trong văn học Trung Hoa. Tính chất dã man đó không có quyền bước vào xã hội văn minh, vì thế hành động của A-sin bị người dân đô thành Troa phản đối, bị Zeus và chư thần Olempơ phản đối. Nhưng A-sin vẫn là hiện thân của “một tổng thể những sức mạnh ưu tú của nhân dân” Hi Lạp như nhận xét của Bi-ê-lin-xki, bởi A-sin đã thực hiện những gì mà lí tưởng cộng đồng hay chuẩn mực đạo lí Hi Lạp đòi hỏi. Đối với Hec-to, tính chất tương tự cũng xuất hiện. Hec-to là người anh hùng-người chiến binh lỗi lạc quả cảm của người Troa. Chính Hec-to chứ không phải ai khác đã làm cho dân tộc Troa trở thành bất tử. Đó chính là giá trị nhân bản của người chiến binh trong các sử thi Hi Lạp: họ đã tạo ra sự bất tử cho dân tộc mình, tạo ra một dấu ấn chạm khắc đặc biệt của dân tộc mình trên hành trình đi lên của nhân loại, một dấu ấn mà các dân tộc khác khi nhìn vào đó phải cúi đầu ngưỡng mộ.

 

Cuộc đọ sức hay xung đột bộ lạc giữa Hi Lạp và Troa đã diễn ra vào buổi bình minh của lịch sử nhân loại, khi nhân loại chuyển từ mông muội, dã man sang thời đại văn minh. Vì thế, “Sự đối lập giữa A-sin và Hec-to không chỉ ở tính nết con người mà còn ở hai trình độ phát triển của nhân loại. Chiều kích cao cả của A-sin được soi sáng bằng ánh lửa của một thời đại đang bốc cháy và nó dường như đang phải mai một đi, cái thời đại A-kê-en, thời đại của chiến tranh cướp phá đó. Nhưng cái thời đại này đã chết hẳn hay chưa và nó có hồi sinh trong thời đại chúng ta không ? Hec-to báo trước cho thời đại của những thành bang, những cộng đồng bảo vệ đất đại và quyền lực của mình. Chàng là đầu óc khôn ngoan của những hiệp ước, chàng là tình cảm yêu thương gia đình báo trước cho một tình hữu nghị rộng lớn giữa con người…”(3)

 

Nói cách khác, nếu kết hợp với cách hiểu chiến tranh như kiến giải của Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới với những gì mà Homère miêu tả trong Iliade, ta sẽ thấy có nét chung đó là sự tự nguyện chấp nhận đọ sức – chấp nhận xung đột, để hoàn thiện bản thân thông qua việc thực hiện trách nhiệm thiêng liêng và cao cả mà cộng đồng giao phó. Phải chăng, cũng vì thế mà Ares-thần Chiến tranh- sau khi hoàn kết mọi sứ mệnh, chế ngự được sự bồng bột quá khích, dập tắt được những đam mê hung bạo của mình lại trở thành vị thần mà người Hi Lạp xưng tụng trong bài tụng ca nổi tiếng thường được qui cho Homère : “Ares tráng kiện siêu việt…trái tim dũng mãnh…người cha của chiến thắng, kết thúc hạnh phúc của các cuộc đao binh, chỗ dựa của Công lí, người chế ngự kẻ thù và dẫn đường cho những người chính trực…người ban phát tuổi xuân đầy dũng khí, hãy nghe thấy lời cầu nguyện của con ! Từ trên cao hãy tỏa ánh sáng dịu hiền xuống cõi đời chúng con, và cả sức mạnh chiến đấu của thần, để cho con có thể xua khỏi đầu sự hèn nhát bại hoại; hãy kìm chế trong con sự bồng bột thiêu đốt tâm hồn và củng cố nhiệt huyết sắc bén của trái tim đủ sức cổ vũ con xông vào trận chiến ghê sợ lạnh người ! Hỡi vị thần chân phúc, hãy cho con sự gan dạ và ban thưởng cho con cuộc sống trong pháp luật hòa bình không thể vi phạm, không phải chiến đấu với quân thù và chịu một cái chết bất đắc kì tử !”(4). Người La Mã sau này đã biến thần Ares của Hi Lạp thành thần Mars- Martius- thần Chiến tranh hay Hỏa tinh của dân tộc mình.

 

Nếu A-sin là biểu tượng sức mạnh thể chất của người Hi Lạp thì Uy-lit-xơ là biểu tượng sức mạnh trí tuệ của người Hi Lạp. Cả hai kết hợp tạo thành vẻ đẹp viên mãn của cộng đồng Hi lạp. Ta sẽ không nói đến việc Uy-lit-xơ trí xảo và dũng mãnh trong Iliade mà ta sẽ nói đến một Uy-lit-xơ –chiến binh của thời bình- chiến binh của thời kì di dân mở đất của cộng đồng Hi Lạp. Trước hết, những hình ảnh và âm thanh như gươm khua ngựa hí, khói lửa mịt mù, trống rền sấm nổi… trong các cảnh chiến trận của Iliade không còn hiện ra trong sử thi Odyssé nữa, mặc dù trong cuộc sống thời bình không phải đã hoàn toàn bình yên êm ả. Người chiến binh trong sử thi này- tiêu biểu là Uy-lit-xơ – không phải là người được hưởng thụ hay chỉ hưởng thụ những gì mà những người tham chiến ở Troa được đền đáp. Thay vào đó, người chiến binh trở thành người dũng cảm đi đầu, chấp nhận phiêu lưu để khám phá, mở đất tìm đường, mở rộng địa bàn cư trú và giao lưu cho dân tộc. Lịch sử khoác lên vai người chiến binh một trọng trách mới - trọng trách tiên phong - không kém phần gian nan và nguy hiểm. Một lần nữa cách nhìn huyền thoại lại được mở ra gắn với hình thức miêu tả những miền đất xa lạ, xứ sở của các nàng tiên cá, của bà phù thủy Xiếc-xê…, những hiểm nguy như khi rơi vào hang của thần khổng lồ một mắt Xi-clốp… mà Uy-lit-xơ và đồng đội phải đương đầu. Trong mọi hoàn cảnh, phẩm chất người chiến binh- người anh hùng của Uy-lit-xơ đều được bộc lộ. Đó là dũng cảm chấp nhận hoàn cảnh bị đặt vào, đương đầu và vượt qua mọi thử thách mà hoàn cảnh đặt ra, để chiến thắng hoàn cảnh ấy. Nhưng sự dũng cảm ở đây không chỉ đơn thuần là cuộc thử sức về mặt thể chất mà còn là thước đo nghị lực và ý chí của con người mà động lực tạo nên sức mạnh cho niềm tin của ý chí và nghị lực ấy là khát vọng hiểu biết, và đây chính là cuộc đọ sức tinh thần. Đó là sự dũng cảm gắn liền với trí tuệ sáng tạo, là nghị lực dựa trên trí tuệ, là ý chí gắn liền với bản lĩnh kiên cường bất khuất của người chiến binh.

 

A-sin là người chiến binh trên chiến trường khói lửa, còn Uy-lit-xơ là người chiến binh trên mặt trận lao động thời bình. Uy-lit-xơ là con người của khát vọng khám phá và chinh phục những miền đất để mở rộng tầm hiểu biết bằng chính sự hiểu biết mà dân tộc Hi Lạp đã tạo ra. Uy-lit-xơ là con người dùng lí luận để khám phá thực tiễn và từ thực tiễn rút ra những lí luận cần thiết làm giàu cho vốn sống trải nghiệm của dân tộc mình và cho nhân loại. A-sin là người chiến binh hiện thân trong một lát cắt của lịch sử, còn Uy-lit-xơ là người chiến binh hóa thân thành sự vận động của lịch sử. A-sin nổi danh qua sự xuất thần dũng mãnh, qua khí thế tấn công áp đảo đối thủ, còn Uy-lit-xơ nổi lên trên cuộc chiến thầm lặng nhưng đầy cam go thử thách, bởi mỗi bước đi đều hàm chứa những hiểm nguy chưa biết đến. Vì thế, hình tượng A-sin là cột mốc đánh dấu bằng tượng đài chiến thắng một kì tích, còn Uy-lit-xơ là người mở ra con đường mới cho một dân tộc bắt đầu từ cột mốc chiến thắng ấy bằng những thỏa ước mới, thỏa ước của thời đại mà ở đó quyền tư hữu tài sản được xác lập. Và đây cũng là một động lực cần thiết thúc đẩy việc lên đường tìm kiếm hay dũng cảm xông pha của người chiến binh thời đại này. Xét từ góc độ chiến tranh, thì hoạt động lao động trong thời bình như những gì mà Homère miêu tả trong Odyssé cũng là một mặt trận mà ở đó con người phải vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là vượt qua chính bản thân mình, vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình trước sự rợn ngợp của thế giới tự nhiên xung quanh, để kiến tạo một cuộc sống mới, một tự nhiên mới. Để có được điều đó, Uy-lit-xơ đã phải chấp nhận, không chỉ đổ mồ hôi và sức lực mà còn phải đổ máu, phải hao tâm tổn trí nữa. Cuộc đoàn viên  của gia đình Uy-lit-xơ-Pê-nê-lốp khi tác phẩm kết thúc, một mặt là kết quả tất yếu của một nỗ lực lao động bền bỉ lâu dài, mặt khác như là một khát vọng về sự bình yên vĩnh hằng mà không chỉ dân tộc Hi Lạp mà cả các dân tộc khác trên trái đất đều mong mỏi.

 

 

Việc nhìn nhận các nhân vật anh hùng trong hai sử thi của Homère từ góc độ người chiến binh gắn với những thời kì văn hóa nhất định cho thấy vẻ đẹp của họ trong các vị thế lịch sử khác nhau, nhưng tất cả đều khẳng định vẻ đẹp của người chiến binh trong lịch sử cộng đồng Hi Lạp nói riêng và cộng đồng nhân loại nói chung. Họ là các anh hùng văn hóa (les héros culturels) tạo dựng khuôn hình văn hóa nhân loại. Cũng qua các hình tượng, chúng ta suy ngẫm thêm về vấn đề chiến tranh, tiếp nhận những hàm nghĩa mới của thuật ngữ, để qua đó làm sâu sắc hơn hiểu biết của chúng ta, đặc biệt trong thời kì hội nhập, khi mà chiến tranh trở thành hình thức đa dạng hơn bao giờ hết và mỗi người đều phải là một chiến binh trong vị thế xã hội, trong cộng đồng dân tộc của nó, khi mà tính cộng đồng dân tộc – cộng đồng của những người cùng trên một dải đất cha ông để lại, cùng trong một bọc “đồng bào”- đòi hỏi phải được củng cố và gắn kết hơn bao giờ hết. Trong hoàn cảnh mới, người chiến binh cần những hiểu biết mới, cần một mặt bằng dân trí mới bao gồm hiểu biết và pháp luật, bao gồm trí tuệ và nhân ái, bao gồm quyết liệt và bao dung, bao gồm bản sắc văn hóa Việt Nam và bản lĩnh Việt Nam./.

 

Tài liệu tham khảo:

1.M.Rodentan và P.Iu-đin (chủ biên):Từ điển triết học. Sự thật –Hà Nội.1976, trang 153.

2.Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. NXB Đà Nẵng- Trường viết văn Nguyễn Du-1997- trang 170-171.

3. André Bonnard: La civivilisation greque. Ed. de Clairefontaine, Lausanne, 1959, trang 60.

4. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. NXB Đà Nẵng- Trường viết văn Nguyễn Du-1997- trang 25.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020