Người con giá viên đại uý, một trong số những tác phẩm hoàn mĩ và sâu sắc nhất của Pushkin...
Người con giá viên đại uý, một trong số những tác phẩm hoàn mĩ và sâu sắc nhất của Pushkin, đã nhiều lần trở thành đối tượng quan tâm của giới nghiên cứu. Trong thư mục đồ sộ về vấn đề này, cần đặc biệt chú ý tới hàng loạt công trình nghiên cứu của Iu.G. Oksman[1] và một chương trong cuốn sách của G.A. Gukovski[2]. Các phát hiện thuộc về lưu trữ, những tư liệu được công bố, cùng sự phân tích tinh tế trên nền tư tưởng quảng bác thường thấy trong các công trình của Iu.G. Oksman dành cho nội dung tư tưởng của thiên truyện và việc nghiên cứu bản chất nghệ thuật của tác phẩm, vị trí của nó trong lịch sử hình thành chủ nghĩa hiện thực của Pushkin trong cuốn sách của G.A. Gukovski là những thành tựu cao nhất của nền nghiên cứu văn học xô viết thuộc lĩnh vực này. Và nếu như một số luận điểm cụ thể nào đó của các công trình ấy có thể trở thành đối tượng tranh luận khoa học, thì điều đó vẫn không thể làm giảm giá trị của chúng như là cơ sở dành cho mọi ý đồ tiếp tục đào sâu phân tích thiên truyện của Pushkin. Các nhà nghiên cứu sẽ còn tìm thấy hàng loạt phát hiện sâu sắc trong những công trình của B.V. Tomashevski, V.B. Shklovski, D.P. Jakubinski, E.N. Kuprejanova, N.K. Pishanov, D.D. Blagoi… Nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề Người con gái viên đại úy đã hoàn toàn sáng tỏ và đã được vắt cạn kiệt. Chẳng những thế, nhiều vấn đề quan trọng nhất về quan điểm của Pushkin trong Người con giái viên đại úy vẫn đang là các vấn đề gây tranh cãi. Chẳng hạn, việc lí giải những lời nổi tiếng về “cuộc nổi loạn của người Nga” là vấn đề như vậy. Nếu Iu.G. Oksman xem đó là cống phẩm độc đáo dành cho hoàn cảnh kiểm duyệt, là sự tái hiện quan điểm thủ cựu (giống như quan điểm của Daskova và Karamzin) bị toàn bộ tiến trình trần thuật lật tẩy, gợi dậy ở người đọc sự đồng cảm với Pugachёv, thì B.V. Tomashevski, một chuyên gia sành sỏi khác về sáng tác của Pushkin, lại viết: “Châm ngôn để lại trong văn bản tiểu thuyết tuyệt nhiên không nảy sinh nhu cầu nhất thiết phải diễn giải các sự kiện. Về quan điểm của Grinhёv như là nhân vật của tiểu thuyết đối với Pugachёv và phong trào khởi nghĩa nông dân, Pushkin đã nhận xét tuyệt vời ở những lời lẽ khác rõ ràng hơn và ở bản thân tiến trình hành động. Nếu ông giữ lại câu văn ấy thì lí do là vì nó phù hợp với hệ thống quan điểm riêng của Pushkin về cách mạng nông dân. Không có thái độ khinh miệt giai cấp nông nô Nga, không có sự hoài nghi sức mạnh của nhân dân, hay bất kì một tư tưởng thủ cựu nào được che dấu phía sau câu ấy. Câu ấy nói lên rằng, Pushkin không tin vào thắng lợi cuối cùng của khởi nghĩa nông dân trong hoàn cảnh mà ông đang sống”[3].
Đó không phải là vấn đề duy nhất đang gây tranh cãi liên quan tới Người con gái viên đại uý. Phải tìm lời giải đáp cho những câu hỏi ấy bằng cách phân tích tác phẩm như một chỉnh thể tư tưởng – nghệ thuật. Hành trình tư tưởng của Pushkin từ Dubrovski đến những ý tưởng về Svanvich và Basharin (song song với việc nghiên cứu Lịch sử Pugachёv) và, cuối cùng, tới Người con gái viên đại uý đã được nghiên cứu kĩ lưỡng trong các công trình của Iu.G. Oksman[4] và hàng loạt học giả khác[5]. Có thể khái quát các tư liệu ấy như sau: vào đầu những năm 1830, xuất phát từ khái niệm tự do với nội dung chính trị thuần tuý, Pushkin đã tiến tới những quan niệm rất tiêu biểu cho những người kế tục tư tưởng tháng Chạp[6]. Tự do được hiểu như là sự độc lập của cá nhân, là có đầy đủ mọi quyền hạn chính trị cần thiết ở mức độ ngang nhau cho cả nhân dân, lẫn trí thức quí tộc không còn đặc quyền phong kiến phản nhân dân, nhưng vẫn rèn đúc truyền thống yêu tự do trong cuộc đấu tranh đời đời với chế độ chuyên chế. Cuộc đấu tranh đòi kẻ chuyên chế phải tôn trọng các quyền của người quí tộc là hình thức đấu tranh vì nhân quyền. Từ quan điểm như thế, nhân dân và giới trí thức quí tộc hiện ra như là liên minh tự nhiên trong cuộc đấu tranh vì tự do. Kẻ thù của họ là chế độ chuyên chế dựa vào tầng lớp quan lại và tầng lớp nguỵ quí tộc, “quí tộc mới” được sinh ra bởi sự chuyên quyền của chế độ chuyên chế. Trong lĩnh vực loại hình học nghệ thuật, hướng tiếp cận như vậy muốn nói tới cấu trúc độc đáo của hình tượng: cái quyết định trong con người không phải là tồn tại xã hội vốn là điểm chung giữa Dubrovski và Troekurov (dĩ nhiên, Pushkin xa lạ với sự đối lập theo kiểu xã hội học dung tục: “tiểu quí tộc địa phương – quí tộc lớn), mà là bản tính thuộc về một phạm vi tư tưởng, một loại hình tâm lí – văn hoá nào đấy. Phải xuất phát từ quan điểm như thế mới có thể thừa nhận, rằng lối sống quí tộc, giống với Onhegin, không đụng chạm gì tới nề nếp đạo đức mang tính nhân dân của Tachiana, và Dubrovski có thể chuyển sang phía nhân dân mà vẫn cứ là nhà quí tộc. Ông mất hết tài sản, nhưng không trải qua bước ngoặt tinh thần đòi hỏi một người, ví như Nhekhlidov, phải trải nghiệm khi chuyển sang hàng ngũ của nhân dân. Dubrovski trong hàng ngũ nông dân, về mặt đạo đức, cũng chính là Dubrovski như ông vẫn vậy trước bước ngoặt định mệnh trong số phận của mình. Ông không xem cuộc sống đã qua của một sĩ quan và một trang chủ là tội lỗi và xấu xa, mà cũng không xem cuộc sống mới là là sự phục sinh tinh thần. Là một quí tộc bẩm sinh, người thừa hưởng truyền thống ngàn đời chống lại chế độ chuyên chế, ông là đồng minh tự nhiên của nhân dân. Với tư cách là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa, ông duy trì quyền lực gia trưởng đối với nông nô của mình. Đội quân của ông đúng là giống với “đội” du kích năm 1812 do một viên sĩ quan kiểu như Vanski Denhisov, hay Nhikolai Rostov cầm đầu (mà các kị sĩ vẫn gọi là “bá tước của chúng ta”), hơn là đám nông dân tự do người Nga dám vác rừu bổ vào đầu ông chủ.
“Những phát hiện chung” mà Pushkin cung cấp thêm vào Lịch sử Pugachёv dành cho Nhicolas đệ Nhất chứng minh bước ngoặt sâu sắc diễn ra trong quan điểm của ông từ quá trình nghiên cứu tư liệu về cuộc chiến tranh nông dân dưới sự lãnh đạo của Pugachёv. Pushkin viết: “Toàn bộ dân đen đã theo Pugachёv. Giới tăng lữ có thiện cảm với họ. <…> Chỉ mình giai cấp quí tộc công khai đứng về phía triều đình. Pugachёv và đồng bọn lúc đầu muốn khuyến dụ giới quí tộc đứng về phía mình, nhưng lợi ích của họ quá đối lập với nhau” (IX, 1, 375). Như Pushkin nghĩ lúc ấy, chính thực tế “lợi ích” là cơ sở hành vi của con người đã cho phép hợp nhất toàn bộ giới quí tộc không phân biệt trình độ tri thức-tư tưởng, mức độ yêu tự do hay là thói nô lệ vào một phe chung với triều đình, đối lập với “dân đen”. Điển hình hoá hình tượng nghệ thuật đã có màu sắc xã hội học rõ rệt. Đến lượt mình, điều đó in dấu ấn lên toàn bộ cấu trúc tư tưởng – nghệ thuật của thiên truyện.
Toàn bộ mạng lưới nghệ thuật của Người con gái viên đại uý bị tách ra một cách rõ rệt thành hai lớp tư tưởng – phong cách phục vụ cho việc mô tả hai thế giới: quí tộc và nông dân. Sẽ là sự đơn giản hoá không thể chấp nhận, cản trở việc thâm nhập vào vào ý đồ đích thực của Pushkin, nếu cho rằng, trong thiên truyện, thế giới quí tộc chỉ được phản ánh theo kiểu trào phúng, còn thế giới nông dân chỉ được phản ánh với sự đồng cảm, cũng như khẳng định, rằng theo ý kiến của Pushkin, toàn bộ chất thơ trong phe quí tộc không thuộc về nhân tố quí tộc nói riêng, mà thuộc về nhân tố dân tộc phổ quát[7]. Mỗi thế giới được Pushkin phản ánh có nếp sinh hoạt phảng phất một chất thơ độc đáo, có nếp tư duy và lí tưởng thẩm mĩ riêng của mình. Cuộc sống thường nhật của Grinhёv, sự giáo dục của nhân vật được mô tả thông qua lăng kính liên tưởng tới lối sinh hoạt của các nhân vật trong sáng tác của Fonvizin[8]. Nhưng tính trào phúng gay gắt ở các hình tượng của Fonvizin đã được làm mềm mỏng hơn. Trước mắt chúng ta là truyện kể của một nhân vật khơi gợi sự đồng cảm của độc giả về thời thơ ấu của mình. Tiếng vọng từ sáng tác của Fonvizin được tiếp nhận không phải là sự mô tả thực trạng què quặt của đời sống gàn dở ở những tên điền chủ xấu xa theo kiểu trào phúng, mà là sự tái hiện nét đặc thù trong sinh hoạt thường nhật của giới quí tộc thế kỉ XVIII. Nếp sống của viên quí tộc tỉnh lẻ Grinhёv, giống như trong sáng tác của Fonvizin, không đối lập với những đỉnh cao của văn hoá quí tộc, mà hoà trộn với nó thành một khối. Đời sống theo kiểu “Prostakova” của những Grinhёv không xoá bỏ mối liên hệ giữa họ với các truyền thống ưu việt của văn hoá Nga thế kỉ XVIII và con đẻ của nó: ý thức nghĩa vụ, dạnh dự và phẩm giá con người. Không phải ngẫu nhiên, lớp “quí tộc” của thiên truyện thấm đẫm âm hưởng và sự liên tưởng làm sống dậy không khí văn học quí tộc Nga thế kỉ XVIII với sự tôn thờ nghĩa vụ, danh dự và nhân tính. Hỗ trợ cho mục đích này là các tiêu đề, đề từ, một phần được vay mượn chính xác từ các nhà thơ thế kỉ XVIII, một phần được phong cách hoá theo sáng tác của họ. Điều quan trọng với Pushkin là làm thế nào để tên của Sumarokov, Knhiajin, Kheraskov được ghi dưới các tiêu đề chương nhằm định hướng cho độc giả theo một cách nào đó. Cũng như Mitrofan, thời thơ ấu, Grinhёv “đuổi bắt bồ câu, sống như gã nghờ nghệch” (VIII, 1, 280), nhưng khi lớn, y không hoá thành Skotinhin, mà thành một sĩ quan trung thực, một nhà thơ, thơ của chàng “với thời ấy là rất khá, và mấy năm sau, Alecsandr Petrovich Sumarokov khen hết lời” (như trên, tr. 300). Hệt như vậy, “theo kiểu gia đình”, được đan dệt vào mạch trần thuật còn có cả tên của Trediakovski, bậc sư biểu của Svabrin (như trên). Grinhёv – người kế tục chủ nghĩa duy lí theo phái Voltaire Nga – không thể kể về giấc mơ bí hiểm của mình mà không bẽn lẽn rào đón về chuyện “con người vội vã đắm chìm trong sự mê tín dị đoan, dù cực kì khinh bỉ các định kiến” (như trên, tr. 289). Theo tinh thần của các luật gia Nga ở thế kỉ XVIII, Grinhёv chống lại nhục hình (“Người ta nghĩ rằng, sự thừa nhận của cá nhân tội phạm là đủ để tố giác nó trọn vẹn, – ý nghĩa đó chẳng những thiếu cơ sở, mà thậm chí còn phản lại tư tưởng pháp lí đúng đắn” (như trên, tr. 317)[9].
Nếp sống nông dân phảng phất thi ca: dân ca, truyện cổ, huyền thoại tắm đẫm toàn bộ không khí trần thuật về nhân dân. Tục ngữ, nơi kết tinh độc đáo tư tưởng của nhân dân, có một vị trí đặc biệt. Các nhà nghiên cứu nhiều lần chú ý tới tục ngữ và câu đố trong việc khắc hoạ hình tượng Pugachёv. Nhưng các nhân vật khác xuất thân từ nhân dân cũng nói bằng tục ngữ. Savelich viết trong thư trả lời ông chủ: “Sự thật với người giỏi giang, không phải là sự trách cứ: ngựa những bốn chân còn vấp nữa là”[10] (như trên; tr. 312). Pushkin nhấn mạnh rằng, lời ăn tiếng nói của Pugachёv hấp thụ toàn bộ sự độc đáo của ngôn ngữ nhân dân, nhà quí tộc không hiểu được: “Lúc ấy, thứ ngôn ngữ trộm cắp này, ta chẳng hiểu tí gì”, – Grinhёv viết (như trên; tr. 290). Hơn nữa, điều đặc biệt là, thứ ngôn ngữ “trộm cắp” bí hiểm mà Pugachёv và chủ “ấp” sử dụng không phải là tiếng lóng, biệt ngữ, chỉ các thành viên của băng đảng mới hiểu được, mà là ngôn ngữ câu đố, tục ngữ, kết tinh toàn bộ phẩm chất dân tộc – độc đáo của ngôn ngữ. Ý nghĩa lời nói mà Grinhёv không hiểu, thì người đọc lại hiểu rất rõ. Hai thế giới quí tộc và nông dân khác nhau về cách sống, lợi ích, lí tưởng đạo đức và cảm hứng thi ca có những quan niệm khác nhau về quyền lực quốc gia. Pushkin gạt bỏ kiểu phân chia quyền lực thành loại “hợp pháp” và “phi pháp”. Ngay trong thời gian đi thăm thú khắp vùng Ural, ông nhận ra rằng, nhân dân chia quyền lực thành hai loại: của quí tộc và loại của nông dân, tuy phục tùng quyền lực của quí tộc, họ xem quyền lực của nông dân là loại hợp pháp. Trong Bình luận về cuộc nổi loạn, Pushkin viết: “Kể ta nghe xem nào,- tôi nói với D. Pijanov, làm thế nào mà Pugachёv lại là cha đỡ đầu của ông? Với cậu, ngài chỉ là Pugachёv,- lão già giận dữ trả lời tôi, còn với ta, ngài là đức vua Peter Fedorovich vĩ đại” (IX, 1, 373). Và cả triều đình – quyền lực quí tộc – cũng tỏ thái độ khác nhau với cái “của mình”, thậm chí nếu họ là “những kẻ phản bội”, và “của người khác”. Triều đình không thực hiện luật pháp, mà tiến hành trấn áp giai cấp. “Đáng chú ý là sự khác nhau do triều đình vạch ra giữa tầng lớp quí tộc cá nhân và tầng lớp quí tộc gia tộc. Thiếu uý Minheev và một số sĩ quan khác phải chạy quanh hàng quân và bị đánh đòn bằng roi vọt, còn thiếu uý A. Svanvich chỉ bị làm nhục bằng cách chiếu hình một thanh gươm trên đầu” (như trên, 334). Sử liệu học quí tộc nghiên cứu nhà nước chuyên chế như là hình thức quyền lực duy nhất có thể có. Trong quan niệm của nó, phong trào nhân dân chỉ có thể dẫn tới hỗn loạn và sự tiêu vong của nhà nước. Không chỉ các nhà tư tưởng phản động, mà cả các nhà tư tưởng tự do chủ nghĩa ở thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX cho rằng, khởi nghĩa quần chúng tạo ra sự hỗn loạn xã hội. Quan điểm khai sáng, nhất là xu hướng dân chủ – theo tinh thần Rousseau, hoặc Radisev – lại xuất phát từ quan niệm về chủ quyền của nhân dân và quyền khởi nghĩa của những người bị áp bức. Tuy xuất phát từ những quan điểm khác với quan điểm của các nhà tư tưởng quý tộc, chủ nghĩa khai sáng vẫn mang tính quy phạm. Nó chia các hệ thống nhà nước thành hai khả năng: chính đính và không chính đính; với mỗi dân dậc, ở một thời điểm lịch sử cụ thể chỉ có thể tồn tại một khả năng mà thôi.
Quan điểm của Pushkin hoàn toàn khác. Nhìn thấy sự phân liệt xã hội thành hai lực lượng xung đột, đấu tranh với nhau, ông nhận ra nguyên nhân của sự chia rẽ ấy không phải ở ác ý của ai đấy, cũng không phải ở đặc điểm đạo đức thấp kém của bên này hay bên kia, mà ở các tiến trình xã hội sâu sắc không phụ thuộc vào ý chí và tư tưởng của con người. Vì thế, Pushkin xa lạ với hướng tiếp cận lịch sử theo kiểu giáo huấn – phiến diện. Ông nhìn thấy ở các bên tranh đấu với nhau không phải là những người đại diện cho trật tự hay sự hỗn loạn, những chiến binh bảo vệ xã hội khế ước “tự nhiên” và những kẻ phá hoại các quyền đã có từ lâu đời của con người. Ông thấy, rằng mỗi bên đều có “sự thật” riêng cắm rễ sâu vào lịch sử và xã hội, với nó, sự thật ấy loại trừ khả năng thấu hiểu lí lẽ của phe đối lập. Đã thế, cả quí tộc, lẫn nông dân đều có quan điểm riêng về chính quyền hợp pháp và các đại diện của chính quyền ấy, những đại diện mà mỗi bên đều có đầy đủ cơ sở như nhau để xem là hợp pháp. Ekaterina là nữ hoàng quí tộc hợp pháp, và sự cai trị của bà phù hợp với lí tưởng pháp quyền của giai cấp quí tộc. Trong mắt của nhà quí tộc, bản thân tính hợp pháp của những nguyên tắc quyền lực của Ekaterina đã biến vấn đề về nhược điểm trong tính cách của bà, về kẻ đồng hành hiển nhiên của chế độ chuyên chế, thành vấn đề thứ yếu. Chính ông già Grinhёv mà Pushkin đã cố ý dấu đi những nét phản loạn trên diện mạo của lão, người nâng cao những nguyên tắc ấy từ cái bệ của quan điểm chính trị độc lập lên tới cấp độ giới hạn đặc thù của con người thời đại, đã dạy con trai: “Tuyên thệ với ai, phải trung thành với người ấy” (VIII, 1, 282). Theo quan điểm của các nhân vật – quí tộc, Pugachёv là “ác nhân”. Ivan Kuzmich nói với Pugachёv: “Ngươi không phải là vua của ta”, còn Ivan Ignatich thì nhắc lại: “Ngươi không phải là vua của chúng ta” (như trên, 324-325). Về phía mình, những người nông dân trong thiên truyện, giống như nhân vật đàm đạo với Pushkin, D. Pijanov, xem Pugachёv là chủ nhân hợp pháp, còn đám quí tộc là “lũ chống lệnh nhà nước”. Trong thời gian chuẩn bị tư liệu viết Lịch sử Pugachёv, Pushkin ghi lại, rằng những người Cô dắc vùng Jaisk “hô lớn: khi chúng ta chưa có Chủ nhân, các ngươi không thể bắt được chúng ta; còn bây giờ, Cha ta đã tới với chúng ta, các người không thể bắt được ta đâu; lũ ngu xuẩn các ngươi còn hầu hạ đàn bà đến bao giờ; đã đến lúc hồi tâm chuyển ý mà phụng sự đức vua” (IX, 2, 766-767). Grinhёv không thể thừa nhận Pugachёv là vua: “Ta là quí tộc bẩm sinh, ta đã tuyên thệ với nữ hoàng đế, ta không thể phụng sự ngươi” (VIII, 1, 332). Pushkin nhìn thấy rõ, dù “vua nông dân” vay mượn các dấu hiệu bề ngoài của nhà nước quí tộc, nhưng nội dung của nó thì hoàn toàn khác. Chính quyền nông dân mang tính gia trưởng nhiều hơn, gắn bó mật thiết hơn với dân chúng do nó cai trị nhiều hơn, nó loại bỏ quan lại và có màu sắc của chế độ dân chủ gia đình. Ở hội đồng quân sự mà với Grinhёv là rất “lạ lùng”, “tất cả đối xử với nhau như bằng hữu, không có chút thiên vị đặc biệt nào dành cho thủ lĩnh của mình” (như trên, tr. 330). Với ý nghĩa như thế, những giải băng quân công trên áo choàng nông dân của các chiến hữu Pugachёv, túp lều nông dân dán giấy vàng với chậu rửa buộc dây, chiếc khăn mặt vắt trên đinh, gậy nướng lò trong góc và một lò nướng lớn bên trên đặt nhiều nồi niêu, chậu lọ, – “triều đình” của Pugachёv – có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Nhưng chính cái bản chất nông dân ấy của quyền lực chính trị biến ông vừa trở thành tên trộm và kẻ tiếm danh với giới quí tộc, vừa là đức vua vĩ đại của nhân dân. Chính Pugachёv nói với Grinhёv, rằng “anh em của ngươi” gọi ông là “kẻ khát máu” (như trên, tr. 352), còn Grinhёv– cha, cũng như toàn bộ giới quí tộc, biết rằng, mục đích của “cuộc nổi loạn xấu xa” là “lật đổ ngai vàng và thủ tiêu dòng giống quí tộc” (như trên, 369).
Việc nhận thức rõ, rằng giữa các bên, không thể có sự thoả hiệp xã hội, rằng trong cuộc đấu tranh đầy thảm kịch, cả hai phía đều có sự thật giai cấp của mình, đã giúp Pushkin khám phá theo kiểu mới vấn đề từ lâu ông trăn trở về sự tàn nhẫn như là kẻ đồng hành hiển nhiên của đấu tranh xã hội. Vào năm 1831, căng thẳng chờ đợi “lũ Pugachёv” mới, Pushkin hồi hộp quan sát những biểu hiện tàn bạo của dân chúng khởi nghĩa. Ngày 3 tháng Tám năm 183, ông viết cho Viajemski: “Anh đã nghe chính xác về sự nổi giận của dân Novgorod và Cựu Nga chưa? Thật khủng khiếp! Hơn một trăm tướng, đại tá và sĩ quan bị cắt cổ ở các làng Novgorod với tất cả cái tinh vi của sự hung ác. Phiến quân đánh đập họ, tát tai, nhục mạ họ, cướp phá nhà cửa, cưỡng hiếp phụ nữ: 15 người đầy tớ bị giết <…> Bạo loạn ở Cựu Nga vẫn chưa chấm dứt. Quan quân không dám ló mặt ra đường. Ở đó người ta phanh thây một vị tướng, chôn sống… Đám đàn ông mà các trung đoàn đã giao nộp thủ lĩnh cho họ đã làm thế. Tệ quá, thưa quí ông!” (XIV, 204-205)[11]. Ấn tượng của Pushkin ở thời kì này rõ ràng trùng với tư tưởng của phóng viên đã chứng kiến sự kiện gần đó, N.M. Konsin, người từng viết cho Pushkin: “Dân Nga nhân hậu, khi nổi giận, mới hung dữ làm sao! Người ta thương xót và tra tấn” (như trên.- Tr. 216). Khi ấy, Pushkin đã thử phản ánh bản chất hai mặt của tâm hồn Nga – nhân hậu, nhưng tàn nhẫn – trong hình tượng Arkhip, kẻ từng giết chết nhiều quan quân[12]và cứu một con mèo thoát chết.
Đến khi sáng tác Người con gái viên đại uý, quan điểm của Pushkin thay đổi: tư tưởng về bản chất tàn ác của nông dân được thay bằng quan niệm về sự tàn ác mang tính tất yếu, như là định mệnh của cả hai phía thù địch với nhau. Ông bắt đầu ghi chép cẩn thận những vụ tàn sát đẫm máu do những kẻ đứng về phía triều đình gây ra. Trong Những nhận xét về cuộc bạo loạn, ông viết: “Những vụ xử tử do viên tướng công tước Urusov thi hành không thể tưởng tượng được. Khoảng 130 người thiệt mạng với đủ mọi kiểu đau đớn”[13]. “Có hàng nghìn người được thả (Rưchkov viết), sau khi họ bị xẻo tai, cắt mũi” (IX, 1, 373). Bên cạnh câu chuyện về vụ phiến quân Pugachёv xử bắn Kharlova và cậu em bảy tuổi, hai chị em trước khi chết còn “lết lại gần nhau và ôm nhau – rồi chết như thế”, Pushkin còn ghi vào nhật kí đi đường bức tranh miêu tả cảnh quân đội triều đình tàn sát man rợ đám tàn binh phiến quân Pugachёv: “Khi Pugachёv bị đánh tan gần pháo đài Tatiseva, đám tàn quân Jaisk bị kị binh dồn đuổi đến vùng Hồ ,- kẻ mất chân tay, kẻ đầu rơi máu chảy. Còn quân khinh kị Galitsina và Horvati cứ thế hoành hành man rợ dọc theo các tuyến phố và băm chém thịt xương của họ” (IX, 2, 496-497; chữ in nghiêng do Pushki nhấn mạnh.- Iu. L).
Pushkin bắt gặp hiện tượng khiến ông hết sức ngạc nhiên: sự tàn ác thái quá của cả hai phía thù địch với nhau thường xuất phát không phải từ sự khát máu của nhân vật nào đó, mà do sự xung đột của hai quan niệm xã hội không thể thoả hiệp. Viên đại uý nhân hậu Mironov không nghĩ mình sẽ dùng nhục hình tra tấn; những người nông dân nhân hậu treo cổ Grinhёv vô tội, dù không thấy có chút tư thù nào với anh ta: “Người ta kéo tôi tới giá treo cổ. “Đừng sợ, đừng sợ”,- những kẻ giết người nhắc tôi, có thể, họ thực sự muốn khích lệ tôi” (VIII, 1, 325). Câu chuyện của Krưlov, theo đó, ngay cả “trò chơi Pugachёv” cũng có thể gợi dậy ở lũ trẻ con sự tàn ác như thế nào, đã khiến Pushkin tin rằng, không thể giải thích sự tàn ác bằng những lí do ngẫu nhiên, hoặc tính cách của các cá nhân riêng lẻ: “Trẻ con chia làm hai phe: phe vệ binh và phe nổi loạn, những cuộc ẩu đả diễn ra thật ra trò <…> giữa đám bạn bè, mà chúng cũng đã lớn, xẩy ra chuyện điên khùng tới mức, người ta buộc phải cấm chơi. Một Anchapov nào đó (giờ vẫn còn sống) suýt nữa thành nạn nhân của trò chơi ấy. Mertvago bắt được nó trong một lần thám thính, dùng thắt lưng treo nó lên cây.- May mà một người lính qua đường đã tháo ra cho nó” (IX, 2, 492).
Tính chất không thể thoả hiệp của các phía thù địch và tính tất yếu của một cuộc nội chiến huỷ diệt đẫm máu phơi bày trước Pushkin trong toàn bộ tấn bi kịch định mệnh của nó. Điều này được tô đậm bởi khi trình bày sự kiện qua đôi mắt của người quan sát – quí tộc, Pushkin đã chỉ ra tính hạn hẹp và sự thiếu khách quan ở điểm nhìn của người trần thuật. Grinhёv viết: “Băng phỉ xuất quân từ pháo đài rất trật tự” (VIII, 1, 336); phép nghịch dụ “Băng phỉ xuất quân” với chi tiết về cách hành động “rất trật tự” đã chỉ ra bức tranh khách quan về cuộc hành quân của đoàn quân nông dân và việc người quan sát là nhà quí tộc không thể nhìn ra điều gì khác ở đoàn quân ấy, ngoài việc thấy đó chỉ là “băng phỉ”. Toàn bộ mạng lưới trần thuật đã được tổ chức như vậy. Từ đó, hoàn toàn có thể nhận xét rằng, những châm ngôn của người trần thuật từng tạo ra nhiều cuộc tranh luật kéo dài không thuộc về Pushkin. Nhưng từ đó, cũng chưa thể kết luận, rằng Pushkin không tán thành quan điểm của người trần thuật.
Việc xác định thái độ của tác giả đối với các phe phái được ông mô tả là vấn đề cốt lõi của hệ vấn đề trongNgười con giái viên đại uý. Cuộc tranh luận về việc cần gán câu châm ngôn nào đó trong văn bản cho ai không giúp giải quyết đúng đắn vấn đề ấy, bởi vì bản thân phương thức biến các nhân vật lịch sử thành cái loa phát ngôn cho tư tưởng tác giả hoàn toàn xa lạ với Pushkin. Điều quan trọng hơn là cần theo dõi xem những nhân vật nào và trong hoàn cảnh nào đã gợi dậy được thiện cảm của tác giả. Trước kia, khi sáng tác đoản ca Tự do, Pushkin xem luật pháp là hiện thân của công lí, là sức mạnh cao hơn nhân dân và triều đình. Giờ đây, ông phát hiện ra, rằng con người sống trong xã hội phân rẽ tất yếu chịu sự chi phối của một trong hai quan niệm về công lí và pháp luật, do đó, cái hợp pháp từ quan điểm của lực lượng xã hội này sẽ là cái phi pháp từ quan điểm của lực lượng xã hội khác. Tín niệm này tạo ra chủ nghĩa hiện thực lịch sử cao độ, khiến sáng tác của Pushkin trở nên phong phú hơn, giúp ông nhận ra trong tiến trình lịch sử luôn tồn tại xung đột giữa hai lực lượng giai cấp hiện hữu và dẫn tới việc sáng tạo những tác phẩm chứa đựng sự phân tích xã hội sâu sắc, ví như Những cảnh tượng từ các thời đại hiệp sĩ[14]. Nhưng sự thâm nhập này vào các quy luật lịch sử lại đặt ra theo kiểu mới trước Pushkin vấn đề khiến ông trăn trở từ lâu về tương quan giữa nhân tính và cái tất yếu lịch sử. Tư tưởng cho rằng, tiến bộ lịch sử không tách rời nhân tính thường xuyên hiện hữu dưới một hình thức nào đó trong ý thức của Pushkin.
Từ năm 1826, Pushkin đã trăn trở về phép biện chứng giữa quyền năng của qui luật lịch sử và quyền năng của cá nhân con người. Nhưng giờ đây, lịch sử hiện ra như là sự đấu tranh nội tại, chứ không phải là một phong trào duy nhất nào đó[15], và Pushkin đứng trước vấn đề về mối quan hệ giữa đấu tranh xã hội và tiêu chí đạo đức của tinh thần nhân đạo. Pushkin phát hiện ra những mâu thuẫn phức tạp xuất hiện trong những xung đột chính trị và luân lí ở số phận các nhân vật của ông. Cái công lí từ quan điểm luật pháp của nhà nước quí tộc hoá ra là cái vô nhân đạo, phi nhân tính. Nhưng sẽ là sự đơn giản hoá không thể chấp nhận nếu không thừa nhận rằng, luân lí của khởi nghĩa nông dân ở thế kỉ XVIII đã lộ rõ trước Pushkin không chỉ ở công lí lịch sử của nó, mà còn ở cả những đặc điểm mà nhà thơ không thể chấp nhận. Sự phức tạp trong tư tưởng của Pushkin được bộc lộ qua cấu trúc đặc biệt buộc các nhân vật mở rộng tầm nhìn đạo đức bằng cách vượt ra ngoài những quan niệm giai cấp vốn có của họ. Kết cấu của tiểu thuyết được tổ chức hết sức cân đối[16]. Thoạt đầu, Masha gặp phải tai hoạ: luật lệ khắt khe của cách mạng nông dân đã phá hoại gia đình và đe doạ hạnh phúc của cô. Grinhёv tìm gặp vua nông dân để cứu vợ chưa cưới của mình. Sau đó, Grinhёv lại lâm nạn, mà nguyên nhân lần này lại là ở luật pháp của nhà nước quý tộc. Masha tìm gặp hoàng đế quí tộc để cứu vị hôn phu. Chúng ta sẽ xem xét các đầu mối cơ bản của truyện kể.
Cho tới tận chương chín, hành động vẫn tuân theo sự đào sâu xung đột giữa thế giới quí tộc và thế giới nông dân. Nhân vật bị giáo dục, lời tuyên thệ và lợi ích cá nhân buộc đứng về phía nhà nước quí tộc vẫn tin vào sự công minh ở luật pháp của họ. Nhưng đến lúc ở trong thành Orenburrg bị vây hãm, chàng được biết về mối nguy hiểm đang đe doạ Misha Mironova[17]. Là một quí tộc và một sĩ quan, chàng tìm tới thủ trưởng cùng đơn vị nhờ giúp đỡ, đáp lại, chàng chỉ được nghe một bài giảng về các chỉ thị của qui chế quân sự:
“ – Thưa tướng quân, hãy ra lệnh lấy cho tôi một đại đội lính, khoảng 50 cô dắc và hãy để tôi dọn sạch pháo đài Belogorsk. Viên tướng nhìn tôi chăm chú, có lẽ ông nghĩ tôi đã hoá điên (về chuyện này, ông không nhầm).
- Thế là thế nào? Dọn sạch pháo đài Belogorsk ấy à? – cuối cùng, ông ta nói.
- Tôi cam đoan với ngài là sẽ thắng,- tôi trả lời sốt sắng.- Chỉ cần cho tôi đi.
- Không được anh bạn ạ,- ông lắc đầu, nói.- Với khoảng cách lớn như thế, kẻ địch dễ dàng tách cậu ra khỏi tuyến giao thông nối với trạm chiến lược trọng yếu và sẽ chiến thắng cậu một cách hoàn hảo. Đường giao thông đã bị cắt đứt…
Tôi sợ hãi khi thấy ông bị cuốn vào chuyện luận bàn quân sự” (VIII, 1, 343).
Từ góc độ luật định, mọi lời nói và hành động của vị tướng đều đúng đắn và xác đáng. Chúng thuận lí và hợp qui luật. Giao quân đội cho Grinhёv, ông vi phạm phép tắc của lí thuyết nhà binh, không trao quân đội cho Grinhёv, ông chỉ vi phạm chuẩn mực tình người. Bệnh quan liêu trong cách nói của vị tướng nhấn mạnh một bình diện mới trong quan niệm về pháp chế: nó xoay sở với nhân vật bằng bình diện hình thức, bất nhân của mình. Điều này thể hiện rất rõ, khi Grinhёv thổ lộ với viên tướng về nỗi lo cháy bỏng ruột gan của mình cho số phận của Masha Mironova. Grinhёv nghe câu trả lời: “Tội nghiệp chàng trai! Nhưng ta vẫn không thể nào trao cho cậu một đại đội và năm chục cô dắc. Đó là một cuộc thám thính đầy nông nổi; tôi không thể gánh trách nhiệm cho một cuộc thăm dò như thế” (như trên). Là một con người, viên tướng cảm thông với Grinhёv, nhưng ông hành động như một quan chức. Grinhёv đã tiến một bước hoàn toàn bất ngờ đối với một quí tộc và một sĩ quan thế kỉ XVIII (không phải ngẫu nhiên, chính chàng đã gọi ý tưởng của mình là “kì cục”): chàng vượt ra ngoài khuôn khổ hành động của luật pháp quí tộc và tìm kiếm sự trợ giúp của hoàng đế nông dân. Nhưng phe khởi nghĩa cũng có các phép tắc và quan điểm chính trị theo chuẩn mực riêng, có điều quan điểm và phép tắc ấy cũng hoàn toàn lãnh đạm với bi kịch của Grinhёv. Hơn nữa, là một quí tộc, Grinhёv có thái độ thù địch với nhân dân và luật lệ của cuộc khởi nghĩa, lợi ích chính trị của nông dân đòi hỏi phải tiêu diệt chàng, chứ không phải đem lại cho chàng sự trợ giúp. Hành động như thế không xuất phát từ sự tàn ác của một cá nhân nào đó, mà do sự áp dụng máy móc luật lệ chung vào một trường hợp cá biệt. Muốn nhận được sự trợ giúp của Pugachёv mà vẫn cứ là một quí tộc, Grinhёv rõ ràng thiếu nhất quán. Beloborodov, phụ tá của Pugachёv đã chỉ ra ngay điều đó. Y nói: “Cứ tra khảo ngài sĩ quan thật kĩ vào cũng chẳng tệ nào! Ân cần tiếp đón hắn làm gì? Nếu hắn không thừa nhận ngài là hoàng đế, thì công lí có đâu ở chỗ ngài mà tìm, còn nếu thừa nhận, thì vì sao cho đến giờ hắn vẫn ngồi trong thành Orenburg với kẻ thù của ngài? Ngài thử ra lệnh dẫn hắn hắn ra cho đám thủ hạ đốt lửa xem sao: tôi cam đoan, hắn được bọn chỉ huy ở Orenburg mật phái sang chỗ ta đấy” (như trên.- Tr. 348). Lời khuyên ấy không hề chứng tỏ ở tác giả có một sự tàn ác đặc biệt nào đó: tra tấn ở thế kỉ XVIII, như Pushkin đặc biệt nhấn mạnh trong hai cảnh song song và dòng suy ngẫm đặc biệt của Grinhёv, đã trở thành thực tiễn bình thường của nhà nước quí tộc. Bản chất của sự hoài nghi ở Beloborodov với Grinhёv có thể biện hộ bằng lợi ích giai cấp của cách mạng nông dân. Beloborodov không tin Grinhёv vì y nhìn thấy ở con người này một nhà quí tộc và một sĩ quan không thừa nhận chính quyền của hoàng đế nông dân, không phản bội lợi ích của thế giới các ông chủ. Y có mọi cơ sở để ngờ Grinhёv là gián điệp và, đứng trong phạm vi lợi ích của phe mình, y hoàn toàn đúng. Grinhёv không thể không thừa nhận điều đó: “Tôi thấy lí lẽ của lão ác nhân hoàn toàn thuyết phục. Một cơn ớn lạnh chạy khắp cơ thể…” (như trên. Tr. 348). Cần lưu ý, việc nhận xét Beloborodov như một ác nhân là sự hạ giá quan điểm xã hội của Grinhёv, người lấy tập tục thời đại để bào chữa cho việc dùng nhục hình của đại uý Mironov. Vậy thì cũng rõ, rằng ý đồ của “thống chế” quân Pugachёv muốn đồng nhất con người sống động với nhóm xã hội của nó, trút lên cá nhân của nó toàn bộ hận thù xã hội – chính đáng – của mình, đối xử với từng người đại diện của giai cấp thù địch theo phép tắc đối xử chính trị với giai cấp ấy sẽ lặp lại lô gíc của tất cả các nhân vật còn lại trong tác phẩm: những Mironov, những Zurin v.v… Một người bình thường ở thế giới của mình, ví như Zurin, kẻ hoàn toàn không phải là “ác nhân”, cũng hành xử đúng theo luật lệ như thế. Chỉ cần nói: “Cha đỡ đầu các hoàng đế cùng với bà chủ của mình”, tức là chỉ cần bằng chứng về sự dính líu của những người bị bắt với thế giới của quân khởi nghĩa thế là đã đủ để anh ta, chẳng cần suy nghĩ gì nữa, tống ngay Grinhёv vào trại tam giam và ra lệnh “dẫn ngay bà chủ tới cho mình” (như trên. Tr. 361). Nhưng đây là Grinhёv bị bắt, chàng bị dẫn tới toà án. Các quan toà của chàng – một “vị tướng đứng tuổi, vẻ mặt nghiêm nghị, lạnh lùng và một đại uý kị binh còn trẻ, chừng hai tám tuổi, diện mạo dễ ưa, ứng xử khéo léo, tự tin – cũng hành xử “theo pháp luật”. Họ chỉ thấy Grinhёv là một đối thủ chính trị có quan hệ với “quân phiến loạn”, chứ không thấy đó là một con người. Niềm tin của Grinhёv, rằng chàng sẽ bào chữa được cho mình, dựa trên trên những cơ sở hoàn toàn khác – trên ý thức về sự đúng đắn ở tình người của mình. Từ quan điểm pháp luật quí tộc, Grinhёv đúng là có tội và đáng bị khiển trách. Không phải ngẫu nhiên, kết tội Grinhёv, không chỉ mỗi mình toà án quí tộc, mà cả cha đẻ, người gọi chàng là “kẻ phản bội ô nhục”. Theo ý kiến của Grinhёv – cha, điều ô nhục ở đây không phải là án tử hình đáng xấu hổ đang chờ con trai, mà là sự phản bội đạo đức quí tộc. Với người quí tộc, án tử hình thậm chí sẽ nâng cao lên, nếu nó gắn với những ý đồ và công việc cao cả.
Khi Grinhёv hiểu ra rằng, các vị quan toà chẳng liên quan gì tới các hành vi ở bình diện tình người của chàng, chàng lập tức thôi ngay, không tự bảo vệ nữa, vì sợ sẽ lôi kéo Masha vào một quá trình thủ tục tố tụng đầy tính hình thức. Khắp mọi nơi, ở những chỗ số phận con người của Masha và Grinhёv tiếp cận với thứ luật pháp có thể biện minh từ bên trong hệ thống, nhưng thực chất, rất vô nhân đạo, đều lơ lửng một mối nguy hiểm chết người đe doạ hạnh phúc và cuộc sống của các nhân vật.
Nhưng các nhân vật không chết: lòng nhân đạo đã cứu họ. Pugachёv đã cứu Misha Mironova. Ông không có gì để bác bỏ lí lẽ của Beloborodov: lợi ích chính trị đòi hỏi phải thẳng tay trừng trị Grinhёv và không được thương xót người con gái viên đại uý Mironov. Nhưng dẫn dắt Pugachёv là một tình cảm nguyên sơ, được Khlopusha biểu hiện trực tiếp bằng lời trách cứ Beloborodov: “Cứ để cho anh ấy à, chỉ có treo cổ, chém đầu tuốt. <…> Chả lẽ máu chảy trong lương tâm anh còn ít lắm sao” (như trên. Tr. 349). Pugachёv hành xử theo mệnh lệnh của tình người, chứ không tuân theo mệnh lệnh của những toan tính chính trị. Ông khoan dung, nhân từ, tức là thiếu nhất quán, bởi ông đã làm trái những nguyên tắc được ông xem là công bằng. Nhưng sự thiếu nhất quán này lại có sức mạnh cứu rỗi, bởi vì tình người chứa đựng trong bản thân khả năng tạo ra những quan niệm lịch sử sâu sắc hơn nhiều so với “luật pháp” có thể biện minh về mặt xã hội, nhưng mang tính công thức, sơ đồ và tính chiết trung xã hội. Với ý nghĩa như thế, một điểm rất đáng chú ý là Pugachёv tỏ ý đồng tình với vợ cha đạo, người đàn bà đã đánh lừa nghĩa quân Pugachёv khi thả Masha: “Mụ ngồi lê đôi mách – vợ cha đạo làm tốt lắm” (như trên.- Tr. 356).
Số phận của Grinhёv, kẻ bị xét xử từ quan điểm luật pháp hình thức của nhà nước quí tộc, công bằng mà nói, nằm trong tay Ekaterina II. Là người đứng đầu nhà nước quí tộc, Ekaterina II phải thực thi công lí và, do đó, kết tội Grinhёv. Rất đáng chú ý đoạn đối thoại sau đây giữa bà và Misha Mironova: “Cô là cô nhi: chắc là cô khiếu nại vì thấy bất công và bị xúc phạm?” – Hoàn toàn không phải vậy, tôi đến để thỉnh cầu lòng khoan dung, chứ không phải là công lí” (như trên.- Tr. 372). Cặp đối lập khoan dung – công lí không thể tồn tại với cả các nhà khai sáng thế kỉ XVIII, lẫn các nhà tháng Chạp, nhưng với Pushkin nó có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc[18]. Công lí – sự tuân thủ pháp luật – kết tội tử hình, thoạt đầu cho Klavdio, sau đó, cả bản thân Andzelo, nhưng sự khoan dung đã cứu họ: “Và Duk đã tha thứ cho chàng”, Peter “hân hoan xá tội,/ Như chiến thắng kẻ thù” “cho kẻ nhận ra lỗi lầm/ khi tha thứ, đùa vui” (III, 1, 409). Chủ đề khoan dung trở thành một trong số những chủ đề cơ bản của Pushkin ở thời kì sau này. Việc Pushkin “Kêu gọi dành sự khoan dung cho những người sa ngã” được ông đưa vào Tượng đài như là một trong những công trạng tinh thần cao nhất cao mình. Với Pushkin, khoan dung tuyệt nhiên không phải là kì vọng đem miếng vá tự do vá vào chế độ chuyên chế. Vấn đề muốn nói hoàn toàn khác: Pushkin ước mơ về các hình thức nhà nước dựa trên những quan hệ nhân đạo đích thực. Nhà thơ phơi bày sự phá sản của những quan niệm chính trị đang dẫn dắt các nhân vật của ông bằng cách: ông buộc chúng phải chuyển quan điểm chính trị của mình từ phạm vi chung sang số phận của con người cá nhân sống động, nhìn thấy trong các nhân vật “những vị quí tộc” và “những tên phản loạn”, chứ không phải là Masha Mironova và Peter Grinhёv. Cơ sở làm nên quan điểm tác giả là kì vọng hướng tới nền chính trị nâng tinh thần nhân đạo thành nguyên tắc quốc gia, không lấy quan hệ chính trị thay cho quan hệ con người, mà biến chính trị thành tinh thần nhân đạo. Nhưng Pushkin là người có tư duy chính trị tỉnh táo. Ông không thể hiện trực tiếp ước mơ không tưởng về một cộng đồng hài hoà xã hội, mà thể hiện gián tiếp thông qua sự phủ định mọi hệ thống hiện thực ở mặt chính trị mà thực tiễn lịch sử đề ra cho nó: chuyên chế – phong kiến, tư sản – dân chủ (“nói suông, nói suông, nói suông…”). Vì thế, kì vọng của Pushkin nhằm đánh giá cao với những giây phút khi con người chính trị, ngược với quan niệm và “lợi ích luật pháp”, vươn lên tới những chuyển động tinh thần giản dị đầy tình người, hoàn toàn không phải là cống phẩm dành cho “sự thiển cận của chủ nghĩa tự do”, mà là cột mốc thú vị nhất trong lịch sử của chủ nghĩa không tưởng xã hội Nga – một giai đoạn tất yếu trên đường tiến tới trào lưu tư tưởng rộng lớn nhất của Nga ở thế kỉ XIX, bao gồm cả các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng, cả các nhà quân bình – không tưởng nông dân, cả toàn bộ dòng thác tìm kiếm tư tưởng mà theo lời V.I. Lenin, đã “chịu nhiều đau khổ”, chuẩn bị cho sự ra đời của chủ nghĩa Mác ở Nga.
Liên quan tới những chuyện đã nói, chúng tôi buộc phải kiên quyết cự tuyệt cả sự đơn giản hoá, lẫn một quan niệm phổ biến cho rằng, hình tượng Ekaterina II được mô tả trong thiên truyện giống như hình tượng phủ định, bị hạ thấp một cách cố ý. Để chứng minh luận điểm này, các nhà nghiên cứu buộc phải cưỡng bức thô thiển văn bản của Pushkin. Xin dẫn một ví dụ. Trong cuốn sách có nhiều phát hiện tinh tếTài nghệ của Pushkin, D.D. Blagoi dẫn ra một đoạn trích rất dài từ cảnh nổi tiếng miêu tả cuộc gặp gỡ giữa Masha Mironova với nữ hoàng trong công viên hoàng gia và dừng lại ở đoạn: “Dối trá quá đi mất!” – người đàn bà phản đối, toàn thân giận giữ”, và bình luận: “Như chúng ta thấy, chẳng còn chút dấu vết nào ‘từ sự kiều diễm không thể diễn tả” trên dung mạo của người đàn bà xa lạ. Trước mắt chúng ta không phải là người đàn bà lúc nào cũng mỉm cười đon đả, mà là một nữ hoàng quyền uy, giận dữ, sẽ hoài công khi chờ đợi lòng khoan dung, thương xót ở người đàn bà như thế. So sánh với cảnh ấy ta càng thấy hiện lên thật rõ tình người sâu sắc của Pugachёv trong thái độ đối với Grinhёv và vị hôn thê của chàng”[19].
Nhưng Người con gái viên đại uý là tác phẩm phẩm nổi tiếng tới mức, ngay một độc giả không có chuyên môn cũng biết: trong thiên truyện của Pushkin, Ekaterina II có lòng khoan dung với Grinhev giống hệt như lòng khoan dung của Pugachёv dành cho Misha và chàng Grinhёv ấy. Lời nhận xét “hoài công khi chờ đợi lòng khoan dung, thương xót ở người đàn bà như thế” liệu có ý nghĩa gì sau sự thực như vậy. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra vô cùng tinh tế mối liên hệ giữa hình ảnh nữ hoàng trong thiên truyện với bức chân dung nổi tiếng của Borobikovski. Nhưng tuyệt nhiên không thể tán thành ý kiến cho rằng, cái thường ngày, cái “nhân tính”, chứ không phải hình tượng tụng ca – ước lệ của Ekaterina gắn với ý đồ hạ thấp hình ảnh của bà, hay thậm chí “tố cáo” bà như một nhà cầm quyền không xứng đáng với sứ mệnh quốc gia của mình. Quan niệm cho rằng, sự giản dị của con người là nền tảng tạo nên sự vĩ đại là quan điểm nổi bật của Pushkin trong những năm ấy (chẳng hạn, Thống soái).
Trong tiểu thuyết của Pushkin, chính vì ở con người Ekaterina, bên cạnh nữ hoàng, còn có người đàn bà đứng tuổi dắt chó dạo chơi trong công viên, đã cho phép bà thể hiện tình người. “Nữ hoàng không thể tha tội cho y” – Ekaterina nói với Masha Mironova. Nhưng bà không chỉ là nữ hoàng, mà còn là con người, và điều đó đã cứu nhân vật, chứ không để cho người đọc khách quan lĩnh hội hình tượng như là hình tượng phủ định, một chiều.
Đặt ra vấn đề: giữa hai phe đấu tranh với nhau, Pushkin đứng về phía nào? – cũng tức là không hiểu cấu trúc tư tưởng của thiên truyện. Pushkin nhìn thấy tính tất yếu đầy bất hạnh của cuộc đấu tranh, ông hiểu được lí lẽ của cuộc khởi nghĩa nông dân, không chấp nhận xem các thủ lĩnh của nó là những “ác nhân”. Nhưng Pushkin không nhìn thấy con đường có thể dẫn dắt tư tưởng và hành động của mỗi phe đang tranh đấu với nhau đến với xã hội của tình người, tình anh em và sự hào hứng mà những đường nét mơ hồ của nó đã xuất hiện trong ý thức của ông.
Đề tài: quan hệ giữa Pushkin với các học thuyết xã hội – không tưởng Tây Âu vào những năm 1820 – 1830 và sự phát triển của chủ nghĩa không tưởng Nga[20] chẳng những chưa được nghiên cứu, mà thậm chí, còn chưa được đặt ra.
Những tư tưởng không tưởng giai đoạn 1820 – 1830, – trong toàn bộ sự đa dạng của nó, – có một số nét chung: bức tranh của chủ nghĩa tư bản như một hệ thống kinh tế, nền dân chủ tư sản như một hệ thống chính trị, sự thất vọng trong đấu tranh chính trị mà người ta thường cào bằng với mánh khoé chính trị tư sản, sự thất vọng trong cách mạng bạo lực như là cách mạng dẫn tới chế độ tư sản. Sự thất vọng với các hình thức nghị trường của đời sống chính trị kết hợp với sự thiếu vắng một ý niệm rõ ràng về những con đường lịch sử có khả năng dẫn tới xã hội công bằng trong tương lai đã làm nảy sinh ở một bộ phận các nhà không tưởng nào đó niềm hi vọng có phần phóng đại vào chính phủ, nhất là vào quyền lực cá nhân dường như có khả năng vươn lên bên trên xã hội đương thời. Về mặt này, rất đáng chú ý phép biện chứng phức tạp của mối quan hệ giữa Belinski với chính phủ vào cuối những năm 1840.
Quan hệ giữa Puskin – tác giả Người con gái viên đại uý, với vấn đề này cũng hết sức thú vị.
Ở giai đoạn viết Poltava, là nhà thơ thừa biết, có một điều đã được phát hiện: tính quy luật là đặc điểm cơ bản của lịch sử nhân loại, Pushkin thiên về phía xem nhà hoạt động lịch sử vĩ đại phải là người chiến thắng trong bản thân mọi cái ngẫu nhiên, cá nhân, nhân tình, hoà tan toàn bộ “tôi” của mình vào sự phát triển tiến bộ của lịch sử. Nhưng từ bài thơ Anh hùng, với nhu cầu để lại trái tim cho nhân vật, tư tưởng ngày càng được đưa lên phía trước là quan niệm mà theo đó sự tiến bộ của nhà hoạt động lịch sử sẽ được đo bằng mức độ nhân tính của họ. Vấn đề này có hai bình diện. Đầu những năm 1830 là thời thời kì dâng cao tinh thần phản chuyên chế ở Pushkin. Trong những tác phẩm thuộc loại Gia phả của tôi vàDubrovski, triều đình dựa vào tầng lớp nguỵ quí tộc và quan lại là kẻ thù chính. Hoàng đế là mẫu mực của nhà nước, là thượng đỉnh của guồng máy của nó. Ý đồ không tưởng: tách cá nhân hoàng đế ra khỏi guồng máy nhà nước là đặc điểm của Pushkin ở nửa sau những năm 1830. Tách hoàng đế – con người sống động – ra khỏi cỗ máy quan liêu vô hồn, Pushkin hi vọng sự trợ giúp của con người đứng đầu nhà nước vào công việc cải tạo xã hội trên nền tảng của tinh thần nhân đạo, sáng tạo ra một xã hội có thể biến tình người và lòng nhân hậu từ thuộc tính cá nhân thành nguyên tắc nhà nước, dù tự bản thân, ông nhận ra tính ảo tưởng ở niềm hi vọng đó (năm 1834, ông viết trong nhật kí về sự vô đạo đức ở những thói quen chính trị của Nhilolai I: “Xin đừng bảo, thành độc tài là khó”). Duk trong Anzelo, Peter trong Bữa dạ yến của Peter đệ Nhất là hoàng đế như vậy. Với ý nghĩa như thế, điều thú vị là, và Iu.G. Oksman đã chỉ ra điều này, so với Lịch sử Pugachёv, trong Người con gái viên đại uý, Pushkin nhấn mạnh vai trò của Pugachёv như nhà lãnh đạo của nhà nước nhân dân. Trong Lịch sử Pugachёv,, Pushkin chủ yếu nhìn thấy ở Pugachёv một con người quả cảm, nhưng là trò chơi trong tay các đầu lĩnh cô dắc. Chẳng hạn, Pushkin hết sức quan tâm tới một “tin riêng” nói rằng, hình như khi bị bắt, Pugachёv đã “vạch tội” các chiến hữu là “có đến mấy ngày, họ vật nài ông (trong một số bản khác, dùng động từ gợi cảm hơn: họ “yêu cầu”) nhận tên gọi của một vị hoàng đế đã quá cố và trở thành thủ lĩnh của họ, Pugachёv không nhận điều đó rất lâu, rồi cuối cùng, mặc dù đồng ý, nhưng toàn phải làm theo sở thích và ý muốn của họ, còn họ thì lúc chống, lúc không chống lại ông” (IX, 2, 771-772). Trong số những kiến giải như thế, Pushkin rất chú ý tới câu chuyện về cái chết của Karnhiski, một sủng thần của Pugachёv: “Cánh cô dắc vùng Ural ở pháo đài Tatiseva, vì ghen tị đã nhét y vào cái bao và dìm xuống nước.- Karnhiski đâu rồi,- Pugachёv hỏi.- Về với mẹ ở Jaisk rồi.- họ đáp, Pugachёv phẩy ta, chẳng nói gì.- Sở thích của cánh cô dắc vùng Jaisk là như thế” (như trên.- Tr. 496).
Trong Người con gái viên đại uý, Pugachёv có đủ quyền lực để tự mình cứu cả Grinhёv, lẫn Misha Mỉonova, ngược với ý của các chiến hữu của mình. Pushkin bắt đầu coi trọng ở nhà hoạt động lịch sử khả năng bộc lộ sự độc lập của nhân tính, không tan biến trong guồng máy quan liêu nhà nước, trong luật pháp, trong trò chơi chính trị. Cách thỉnh cầu trực tiếp, không qua các khâu trung gian của Masha với Ekaterina II, sự dễ gần và lòng nhân hậu của Duk, người không đặt cái giả tạo khô cứng của luật pháp vào giữa bản thân và đời sống, sự độc lập của Pugachёv với ý kiến của “đám sâu rượu” của mình, những kẻ “chắc chẳng bao giờ tha chết cho cô gái đáng thương” (VIII, 1, 356), đảm bảo tạo ra cái kết thúc có hậu cho nhiều số phận con người.
Sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng, nhìn thấy hạn chế (nhưng có cả sự biện minh lịch sử) của cả hai phe – quí tộc và nông dân, Pushkin đã đánh đồng họ với nhau về phương diện đạo đức. Phe nông dân và những lãnh tụ của nó có sức hấp dẫn đối với Pushkin bởi chất thơ mà ông không thấy ở cả vị tư lệnh thành Orenburg, lẫn trong triều đình của Ekaterina. Với Pushkin, chất thơ không chỉ gắn với sắc màu của những cá nhân có lòng nhân từ rạng rỡ, mà còn gắn với chính bản chất “quyền lực” của nhân dân, loại quyền lực xa lạ với thói quan liêu và chủ nghĩa hình thức chết cứng.
Pushkin không thoả mãn vơi xã hội Nga cuối thế kỉ XVIII, cũng như xã hội đương thời của ông. Ông không thấy bất kì một lực lượng chính trị – xã hội nào có đủ tầm nhân đạo. Với ý nghĩa như thế, rất đáng lưu ý quan hệ giữa Grinhёv và Svabrin. Không thể đồng ý với ý kiến cho rằng, hình tượng Grinhёv là thấp kém, đần độn, kiểu như Belkin trong Lịch sử làng Goriukhin, cũng không thể đồng ý với ý kiến cho rằng, chỉ vì lí do kiểm duyệt, Pushkin đã thay thế nhân vật trung tâm kiểu Dubrovski – Svanvich[21].
Grinhёv không phải là cái loa phát ngôn cho tư tưởng của Pushkin. Chàng là một quí tộc Nga, là con người của thế kỉ XVIII, mang trên mình dấu ấn của thời đại. Nhưng nhân vật này cũng có những nét gì đó thu hút cảm tình của tác giả và độc giả: chàng không bị đóng chặt trong cái khuôn đạo đức quí tộc của thời đại mình, về mặt này, chàng là người cực kì nhân hậu. Chàng không bị tan biến vào bất kì phe phái nào ở thời đại chàng. Có thể nhận ra rất rõ, ở chàng có những nét của một tổ chức nhân tình cao hơn, nhân ái hơn, vượt ra ngoài giới hạn của thời đại chàng. Tia sáng phản chiếu ước mơ của Pushkin về những quan hệ xã hội nhân đạo chân chính đổ hẳn vào Grinhёv. Chính ở đây có sự khác biệt sâu sắc giữa Grinhёv với Svabrin, con người được đặt khuýp vào trò chơi của các lực lượng xã hội ở thời đại mình. Trong tay nghĩa binh Pugachёv, Grinhёv bị ngờ là quí tộc và kẻ bênh vực con gái kẻ thù của họ, trong tay triều đình, chàng bị ngờ là bạn của Pugachёv. Chàng không “hợp” với bất kì phe nào, Svabrin thì hợp với cả hai: một quí tộc mang trong mình tất cả những thiên kiến quí tộc (đấu súng), kì thị đẳng cấp với phẩm giá của người khác, rồi y trở thành đầy tớ của Pugachёv. Về mặt đạo đức, Svabrin đê tiện hơn Zurin, một quí tộc bình thường, người được giáo dục trong khuôn khổ các quan niệm đẳng cấp, tuy không nhận ra sự vô nhân đạo của các quan niệm ấy, nhưng sẵn sàng phụng sự những gì chàng tin vào sự công chính của nó. Trong Người con gái viên đại uý, với Pushkin, con đường đúng đắn không phải là con đường làm thế nào để chuyển từ một phe của thời đại sang với phe khác, mà là làm thế nào để vượt lên cao hơn “thế kỉ tàn ác”, gìn giữ trong bản thân lòng nhân ái, phẩm giá của con người và sự kính trọng đối với cuộc đời sống động của người khác. Với ông, đó là con đường chân chính đến với nhân dân.
Người dịch: Lã Nguyên
Nguồn: Ю.М. Лотман.- В школе поэтического слова: Пушкин. Лермонтов. Гоголь. М.: Просвещение, 1988. – С.107-124
[1] Các công trình nghiên cứu của Iu.G. Oksman về Người con giá viên đại uý xuất bản vào giữa những năm 1934 và 1955. Về sau, những công trình ấy được nhập vào cuốn Từ Người con gái viên đại uý của A.S. Pushkin đến Bút kí người đi săn của I.S. Turgheniev (Saratov, 1959). Trong cuốn sách, ở các trang 101-102, 105, 110-111 và 131, có phần tổng quan tư liệu về vấn đề trên.
Tư liệu về Người con giái viên đại úy sau khi tác phẩm xuất bản lần đầu có sử dụng trong chương này đã được chỉ ra trong cuốn: M.I. Gillensol, I.B. Musina.- Truyện “Người con gái viên đại” úy của Pushkin: Chú giải: Tài liệu dành cho giáo viên. L., 1977, tr. 186-191. Ở đây, cần đặc biệt chú ý tới các công trình của G.P. Makogonhenko, N.N. Petrunhina, L.S. Sidiakov và I.M. Toibin.
[2] G.A. Gukovski.- Pushkin và những vấn đề của phong cách hiện thực chủ nghĩa. M., 1957.
[3] B.V. Tomashevski.- Pushkin.- M.;L., 1961, Q. II, tr. 189.
[4] Xem: Iu.G. Oksman.- Từ Người con gái viên đại uý của A.S. Pushkin đến Bút kí người đi săn của I.S. Turgheniev. Tr. 5-36.
[5] Xem, ví dụ: V. Skhlovski.- Mấy ghi chú về văn xuôi Pushkin, M., 1937; N.I. Fokin.- Về lịch sử sáng tác Người con gái viên đại uý//Kỉ yếu khoa học. ĐH Sư phạm Ural.- 1957.
[6] So sánh đối chiếu quan điểm kinh tế của Pushkin và M. Orlov trong công trình: S.Ja. Borova.- Về quan điểm kinh tế của pushkin vào đầu những năm 1830// Pushkin và thời đại ông.- L., 1962. Q. 1`.
[7] Với ý nghĩa như thế, rất đáng lưu ý xu hướng thường gặp của các nhà nghiên cứu muốn chuyển Mironov “xuề xoà” từ phe quí tộc sang phe nhân dân. Trong Người con gái viên đại uý, quan điểm của Pushkin nặng tính xã hội hơn rất nhiều so với, ví như, Tolstoi trong Chiến tranh và hoà bình, nơi gia đình Rostov quả là cùng với nhân dân đối lập với thế giới của Kuraghin. Không phải ngẫu nhiên, Pushkin không đưa các nhân vật thuộc dạng Troekurov – những vị đại thần của thế kỉ XVIII, phần tử đối kháng của những Grinhev và Mironov vào mạch trần thuật.
[8] Cha của Grinhev “lấy cô Abdochie Vasilievna Iu…, con gái viên quí tộc nghèo làm trong ngành thuế quan. Chúng tôi có chín anh em. Tất cả anh em trai và chị em gái của tôi đề chết trẻ” (VIII, 1, 279). Đoạn văn này chắc chắn gợi lại trong trí nhớ độc giả lời thoại của Prostakova (nữ nhân vật trong vở kịch Gã ngờ nghệch của D.I. Fonvizin.- ND) và làm sống dậy không khí đời sống giới điền chủ thế kỉ XVIII: “Cha tôi đã quá cố kết hôn với mẹ tôi đã quá cố. Tên bà là Priplodina, chúng tôi có cả thảy mười tám anh em, mà trừ tôi và chú em, tất cả đều đã chết vì đói” (Gã ngờ nghệch, Hồi III, cảnh 5). Pushkin chỉ lấy từ cảnh này lời thoại đặt bên cạnh làm tiêu đề cho chương “Pháo đài”: “Những người cổ xưa, cha tôi” (Gã ngờ nghệch). Salevich được khắc hoạ tính cách bằng đoạn trích từ Thư gửi cho đầy tớ của tôi của Fonvizin: “Và người sốt sắng với tiền bạc, với quần áo, với công việc của tôi” (Như trên, tr. 284).
[9] Tất nhiên, Grinhёv có nhiều lời nói về “cuộc nổi loạn Nga” gợi dậy vô số cuộc tranh luận. Iu.G. Oksman đã đối chiếu lí lẽ của Grinhёv từ ghi chép của Daskova và các tác phẩm của Karamzin. Có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ như vậy. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh, trong bối cảnh đời sống tư tưởng Nga cuối thế kỉ XVIII – Puskin hiểu rất rõ điều đó – những phát ngôn tương tự không có tính chất thủ cựu, mà chỉ có tinh thần quí tộc – tự do. Nhưng cuộc tranh luận về ý nghĩa ở các lời nói của Grinhev rõ ràng đã bị phóng đại quá mức, làm mờ sự phân tích thiên truyện như nó vốn có. Từ sự bàn luận xung quanh ý kiến của Grinhёv về “cuộc nổi loạn Nga” không thể tự động rút ra bất kì kết luận nào về quan điểm của Puskin. Cần xác định toàn bộ ý tưởng trong chỉnh thể của nó.
[10] Tục ngữ, tiếng Nga: “Быль молодцу не укора: конь и о четырех ногах, да спотыкается” – nghĩa chính: cái gì đã qua, thì đã qua, không nên tránh cứ người ta vì những chuyện đã xẩy ra rồi.- ND.
[11] Có thể xem cách lí giải ý nghĩa của đoạn trích này đối với lịch sử hình thành ý đồ của Người con gái viên đại uý trong cuốn: Iu.G. Oksman.- Tài liệu đã dẫn. Tr. 24.
[12] Về quan niệm của Pushkin ở nửa đầu những năm 1830, cần lưu ý, rằng nạn nhân của nhân dân khởi nghĩa chính là quan chức – tôi tớ của chế độ chuyên chế và kèm với nó là tầng lớp nguỵ quí tộc, chứ không phải trang chủ “của mình”. Những cuộc nổi dậy trong các khu phát vãng quân sự dường như khẳng định tín niệm: họ tập trung chống lại đám quan quân tuân lệnh triều đình.
[13] Trong bản thảo, Pushkin loan báo điểm này: “Rưchkov viết, người ta căng thây đám này trên cọc, treo cổ lũ kia trên móc sắt, một số khác thì bị xé xác” (IX, 1, 447).
[14] Vở kịch chưa hoàn thành, viết về phong trào khởi nghĩa nông dân cuối thời trung đại. Từ mùa thu 1833, sau Người con gái viên đại uý và Người kị sĩ đồng, Pushkin có dự định sáng tác hàng loạt tác phẩm lớn. Những cảnh tượng từ các thời đại hiệp sĩ được khởi thảo vào mùa hè 1835. Ở dạng bản thảo, tác phẩm chưa có nhan đề. Vở kịch được in lần đầu trên tạp chí Người đương thời, năm 1837, sau khi Pushkin qua đời, nhan đề do ban biên tập tạp chí đặt.- ND.
[15] Trong Poltava, là cuộc đấu tranh giữa Peter và những kẻ ích kỉ, những kẻ háo danh và các hiệp sĩ giang hồ đứng ngoài lịch sử (Mazepa, Karl XVII), trong Người con gái viên đại uý, Pugachev và Ekaterina II là hai cực của Nga thế kỉ XVIII.
[16] Về vấn đề này xin xem: D.D. Blagoi.- Tài nghệ của Pushkin.- M., 1955.
[17] Chúng tôi muốn nói tới phiên bản đầu tiên, chứ không phải phiên bản sau này, đã bị kiểm duyệt.
“ – Thưa tướng quân, hãy ra lệnh lấy cho tôi một đại đội lính, khoảng 50 cô dắc và hãy để tôi làm cỏ pháo đài Belogorsk. Viên tướng nhìn tôi chăm chú, có lẽ ông nghĩ tôi đã hoá điên (về chuyện này, ông không nhầm).
- Thế là thế nào? Làm cỏ pháo đài Belogorsk ấy à? – cuối cùng, ông ta nói.
- Tôi cam đoan với ngài là sẽ thắng,- tôi trả lời sốt sắng.- Chỉ cần cho tôi đi.
- Không được anh bạn ạ,- ông lắc đầu, nói.- Với khoảng cách lớn như thế, kẻ địch dễ dàng tách cậu ra khỏi tuyến giao thông nối với trạm chiến lược trọng yếu và sẽ chiến thắng cậu một cách hoàn hảo. Đường giao thống đã bị cắt đứt…
Tôi sợ hãi khi nhìn thấy ông bị cuốn vào những toan tính quân sự” (VIII, 1, 343).
[18] G.P. Makogonhenko cho rằng, trong quan hệ với nhà nước quí tộc, Grinhev không thực hiện hành vi phạm tội theo luật định, mà chỉ là nạn nhân của lời vu khống thiếu trung thực của Svabrin và, do đó, trong thiên truyện, Ekaterina không rơi vào tình thế khó lựa chọn giữa công lí và khoan dung. Nếu chấp nhận ý kiến như vậy, thì những lời của Masha Mironova về việc nàng “tìm sự khoan dung, chứ không tìm công lí” sẽ không còn ý nghĩa. Nếu quả Grinhev không nói với toà án tất cả sự thật hoàn toàn có thể minh oan cho chàng vì sợ lôi kéo Masha vào đó, thì bản thân nàng sẽ không thể có động cơ như thế trong cuộc trò chuyện với nữ hoàng, và, do đó, công lí chẳng đáng để nàng phải khôi phục, nếu như nó đã bị xoá bỏ. G.P. Makogonhenko hoàn toàn coi thường sự thật, rằng văn bản chương XI (“Làng nổi loạn”) đã được Pushkin sửa chữa trong bản thảo viết sạch, theo ý kiến của Makogonhenko, “rõ ràng là để có thể thoả mãn tối đa yêu cầu của kiểm duyệt” (A.S. Pushkin.- Toàn tập: Bộ 10 tập. L., 1978.- T. IV.- Tr. 537). Từ đó, việc mô tả số phận sau này sẽ trở nên mù mờ. Theo bản thảo viết sạch của chương, trong thời gian hoạt động quân sự, Grinhev đã tự ý rời bỏ chức vụ và tự nguyện chạy sang phe địch (“Tôi nhắm đường tới làng Berd, nơi đồn trú của Pugachev”, VIII, I, tr. 345), chứ không phải bị quân Pugachev bắt giữ bằng vũ lực trong khi cố gắng đột nhập vào pháo đài Belogorsk. Theo quan điểm của toà án binh, điều này hiển nhiên là một trọng tội. Chỉ cần hình dung, trong thời kì chiến tranh, bất kì một sĩ quan nào của quân đội nào có hành vi tương tự như thế, dùng ngôn ngữ của toà án binh để gọi, thì đó là sự đào ngũ và giao tiếp với quân địch, cũng đủ để ta thấy, mọi lí lẽ về sự vô tội trước pháp luật của Grinhev tự nó đều chẳng có ý nghĩa gì. Điều đáng lưu ý là, cho tận 60 năm trôi qua, một truyện kể như thế đã không có hy vọng qua mặt được kiểm duyệt. Nhưng chính truyện kể ấy phản ánh ý đồ đích thực của Pushkin, và chỉ có nó mới giải thích đầy đủ sự phát triển tiếp theo của các sự kiện. Quan niệm cho rằng, mọi chuyện đều do sự vu cáo của Svabrin là hạ thấp kịch tính của hoàn cảnh và biến một vấn đề có ý nghĩa luân lí – xã hội sâu sắc thành vấn đề xung đột thông thường ở bình diện truyện phiêu lưu thuần tuý.
[19] D. Blagoi.- Tài nghệ của Pushkin.- Tr. 264.
[20] Ở đây, “chủ nghĩa không tưởng” được nhắc tới như một khái niệm rất rộng. Xem: Iu. Lotman. Các nguồn mạch của “xu hướng Tolstoi” trong văn học Nga những năm 1830//Kỉ yếu khoa học. Đại học Tổng hợp Tartu.- Tartu, 1962.- Q. 119. Những công trình nghiên cứu ngữ văn học Nga và Slavơ. – V.
[21] Để đảm bào cho Người con gái viên đại uý có thể xuất bản thuận lợi, Pushkin đã phải chia tách hình tượng quí tộc – trí thức. Những nét tích cực của Svanvich được gán cho Grinhёv, còn những nét tiêu cực được hán cho Svabrin (Iu.G. Oksman.- Tài liệu đã dẫn.- Tr. 76).