Văn học nước ngoài

Nhận diện “thân thể sáng tác” trong văn học đương đại Trung Quốc


15-10-2020
Tác giả: Nguyễn Văn Nguyên

1. Xông vào nơi cấm địa, phá bỏ những e dè của thẩm mỹ truyền thống, bắt mạch những khoái lạc thường thị, mượn những yếu tố tính dục làm thuốc mê, giả trang giá trị của những “thư kí thời đại” là những thứ vũ khí lợi hại mà Cuộc sống cá nhân, Ôm mãi chuyện xưa của Trần Nhiễm[i]Cuộc chiến của một con người, Lời trong phòng của Lâm Bạch[ii] tấn công vào những pháo đài đạo đức già cỗi trong nền văn học đương đại Trung Quốc. Những tác phẩm này được coi là khởi thủy cho kiểu truyện sinh lý và nữ tính (khi đó được gọi là Tiểu thuyết thể nghiệm nữ tính) mà sau này còn có tên là kiểu truyện “thân thể sáng tác”. Sau đó không lâu, với nhiều phong cách, hàng loạt các tác phẩm của các tác giả nữ Trung Quốc khác đã lôi kéo sự chú ý không chỉ của độc giả trong nước mà còn cả của các độc giả trên thế giới mà  có thể kể đến Tiếng rên của bươm bướm (Vệ Tuệ)[iii]Đường, Người tình muối và axit (Miên Miên)[iv]… với type truyện tự sự về cuộc sống thầm kín cá nhân của các thiếu nữ trong cuộc sống thành thị phát triển ở Trung Quốc đương đại.

Là “đứa con sinh ngược” của văn học Trung Quốc, trong hoàn cảnh các nhà phê bình tẩy chay, nhà xuất bản đóng cửa, văn đàn từ chối bình luận, học giả coi nó không tồn tại, nhưng tiểu thuyết thể nghiệm nữ tính đó không chết. Dưới sự trợ giúp của internet, của Anh ngữ, những tự truyện, nhật kí mở (blog) mà đáng chú ý nhất là cuốn Di tình thư của Mộc Tử Mỹ[v] (2003) và được sự chú ý đặc biệt bởi các học giả nước ngoài đã khiến các nhà phê bình và các học giả Trung Quốc không còn quay lưng được nữa. Năm 2004, một hội thảo Thân thể sáng tác với thời đại tiêu dùng với qui mô toàn quốc được tổ chức tại Viện Văn học của trường Đại học Sư phạm Thủ đô (Trung Quốc) với ý tưởng “bắt bệnh” cho dòng văn học “lấy thân thể  làm chất liệu sáng tác”[vi] này.

2. Cát Hồng Binh là người đầu tiên đặt ra cái tên “thân thể sáng tác”. Năm 1996, trong bài Thời đại văn hóa cá nhân và các tác giả viết về thân thể trên tạp chí Sơn Hoa, ông cho rằng “các tác giả trong thời đại mới là sản phẩm của một xã hội tập thể trong quá khứ, và muốn khác thế hệ cũ, họ đã cố gắng ghi dấu khác biệt ở điểm “tinh thần”, và hơn nữa, là thân thể. Những sáng tác đó của họ là một dạng thân thể sáng tác…” Kể từ đó, “thân thể sáng tác” hay còn một khái niệm tương đương là “tu từ học thân thể”[vii] đã trở thành một thuật ngữ được sử dụng phổ biến.

3. Cho dù nội hàm cũng như ngoại diên của khái niệm cũng còn nhiều điều đáng bàn, nhưng các học giả khi “bắt bệnh” thường thấy chung các “biểu hiện”:

a. Những tự sự cuồng hoan

Tình dục luôn được coi như sự đối lập với chiến tranh. Nó đại diện cho hai mặt của cuộc sống, sinh sản và hủy diệt. Chỉ có thể cảm nhận và thèm khát nhất sự sống khi bên bờ vực của cái chết, và khi đó, sinh tồn là tất cả. Cũng những cảnh sex nóng bỏng, nhưng những miêu tả trong các tác phẩm “sáng tác thân thể” lại không phải là những xác thân trần trụi kiếm tìm khoái cảm mà là những nỗ lực kiếm tìm những khả năng biểu đạt một cách “trung thực” nhất những góc khuất của tâm hồn hay còn gọi là những “tự sự thân thể”. Các tác giả thường mượn lời người kể chuyện để phơi bày những bí mật của thân thể, vốn là những thứ cấm kị trong thẩm mỹ văn chương.

Để miêu tả một cách sống động thân thể nữ giới một cách chân thực, dường như chiếc gương là một phương tiện quan trọng để đảm nhiệm vai trò. Chiếc gương đã giúp họ khám phá những ngóc ngách bản thân mà không phải qua những con mắt nhìn của con mắt thứ hai. Họ hy vọng tìm kiếm được sự chân thực, hay những góc khuất chưa được khám phá lâu nay hay cũng có thể là sự phản ánh ngược với diện mạo bên ngoài qua chiếc gương. Trần Nhiễm trong Cuộc sống cá nhân đã để Nghê Ảo Ảo đứng trước gương để “làm một việc đối với chính mình”; Lâm Bạch trong Cuộc chiến tranh của một con người lại khiến Đa Mễ có một hành vi sung sướng nhất là “một gương trong tay, chuyên soi vào những chỗ bí mật”; còn Vệ Tuệ trong Tiếng rên của bươm bướm thì “tôi mặc rất ít quần áo, dẫm chân trần lên một tấm gương lớn…. một chút chếnh choáng cướp lấy thân thể mình”. Những ảnh ảo của thân thể được phản chiếu trong gương đã toát lên những khao khát của tinh thần, khơi gợi các độc giả từ khoảng phóng túng của ngôn từ để cảm nhận những bí mật cơ thể của nhân vật tự yêu bản thân mà không chút kiêng dè. Hơn nữa, những phô bày “cố ý” đó không hẳn nói về sự giải phóng và tự do tuyệt đối cho tinh thần, mà còn biểu hiện cho niềm khoái cảm khi “bị” nhìn cũng chính là một cái đẹp được trình diễn trong tinh thần của người kể chuyện.

Có thể thấy, tiểu thuyết “tự sự thân thể” luôn hướng đến những cảm nhận đối với cơ thể, bằng ham muốn, hình thể, cảm giác, tưởng tượng, coi nữ tính là đối tượng sáng tác và cũng là một phương pháp của tu từ, đã biểu đạt một cách thẳng thắn những trải nghiệm nữ tính vốn luôn bị áp chế trong tiềm thức. Các tác phẩm Cuộc chiến của một con ngườiBay lượn đến chết của Lâm Bạch, Cuộc sống riêng tư của Trần Nhiễm, Chòm Song ngư của Từ Tiểu Bân cho đến Lời nói thẳngNhững người tình của tôi của Hải Nam đều là những tác phẩm như thế. Những cảm giác và trải nghiệm thẩm mỹ đã hướng đến sự trải nghiệm về cảm giác thân thể cùng những thứ liên quan tới thân thể - vốn là những vùng “cấm” của tự sự nhưng đã được các tác giả nữ này mạnh dạn thử nghiệm trên các tác phẩm. Lâm Bạch viết: “Những sáng tác của tôi đầu tiên là được xuất bản trên da thịt, từ những năm 80. Chúng mềm mại như gấm lụa, nhưng cũng sắc nhọn như đinh”,[viii]

b. Hình thể “nóng”

Một điểm không thể chối cãi về nữ tính là hình thể. Cái đẹp hình thể khơi gợi tiềm thức về giới, là cái cớ tạo nên sự hấp dẫn của nữ tính. Nữ tính từ sự phân biệt mờ nhạt về giới đã chuyển sang chủ động tìm tòi cái đẹp nữ tính, với trang phục, trang điểm, tự thưởng thức mình với tinh thần vô cùng tự tin với hình thể của mình. Trong xã hội nam tính, những tính chất nữ tính ngay từ vô thức đã bị gọt dũa co kéo cho vừa những khuôn mẫu quan niệm thẩm mỹ nam tính mà tạo thành những hành vi và thẩm mĩ của mình. Tiểu thuyết “thân thể sáng tác” muốn tìm kiếm sự tồn tại của xác thịt nữ tính, được “nữ tính hóa” một cách cực đoan nhằm đập phá thế giới thẩm mỹ vốn chịu sự thống trị của nam tính. Họ cho rằng “thân thể sáng tác” đã dùng cơ thể làm ngọn nguồn khởi phát cho thế giới nội tâm của nữ tính. Tạo vật của tự nhiên - thân thể nữ - luôn mang một ánh hào quang thần thánh. Trong Thân xác, Hải Nam viết: “Ngón tay cô cảm thấy cơ thể trong đêm như loáng nước suối trong tuyết, bộ ngực trong khí lạnh tựa như trái chín trương nứt, ngấn mỡ tựa dầu đào thơm ngát, mùi mồ hôi dậy lên trận gió biển thanh tân, lớp lông mu tựa như những bóng cỏ huyên đang lay động, sinh thực khí như con sứa đang bốc lên làn gió tanh tanh của biển……”[ix] Những hình ảnh cơ thể tràn trề dục tính của nàng tiên cá trong thần thoại đã được tác giả sáng tạo nên như thế. Hải Nam đã đưa cơ thể nữ giới thành một đối tượng thẩm mỹ độc lập, sự hấp dẫn nghệ thuật này rõ ràng được tạo nên bởi quan điểm nữ tính và sức cảm thụ nghệ thuật của Hải Nam nói riêng và các tác giả nữ nói chung.

Thoát ly khỏi những ý nghĩa từ góc độ nam tính, những hình tượng cơ thể nữ dưới ngòi bút của các tác giả nữ bao gồm sự phát hiện, thưởng thức cái đẹp cơ thể của mình, sự giác ngộ về cái tôi trong ý thức, những nhân vật của họ vì thế mà trên ý nghĩa thuần túy đã hoàn thành sự tự giác về nữ tính. Lâm Bạch viết: “Tôi dùng con mắt của phụ nữ (ngay như máy ảnh của tôi cũng là một bộ máy nữ tính) để quan sát một nữ tính đẹp đẽ và hoàn mỹ khác. Tấm ảnh khỏa thân trên tay tôi nhất định không chút dục vọng nam tính mà hiển hiện một cái đẹp nữ tính chân chính.”[x] Hải Nam thì viết: “Cơ thể của tôi quá mẫn cảm, nó khiến bất cứ một thứ quần áo cực mỏng nào cũng làm tôi cảm thấy nặng nề và bị cản trở, cơ thể tôi phải được hiển hiện trong khí trời, mỗi chân lông là một con mắt, một vành tai, chúng phải được hiển hiện trong khí trời, được lắng nghe những thanh âm nhỏ nhoi bị giam hãm đã bị tầng tầng lớp thời gian chôn vùi trong những giấc mộng say sưa, những sâu thẳm của kí ức.”[xi] Có thể coi đó là tất thảy những cái nhìn của một cơ thể nữ tới một cơ thể nữ khác.

Để mang tính thuần khiết nhất của một cơ thể nữ với góc nhìn nữ tính nhất, các tác giả khai thác đến tận cùng những hình ảnh thiếu nữ trong lứa tuổi dậy thì. Những biến đổi của tuổi dậy thì nữ tính, sự phát hiện bản ngã từ thân thể cho tới hiện thực, tất cả bị chi phối từ mỹ cảm bột phát tự nhiên trao cho hình thức mỹ cảm của thân thể, từ thân thể nhằm phát hiện bản thân và họ hy vọng đó là con đường quan trọng để giải phóng cá tính. Nghê Ảo Ảo trong Cuộc sống riêng tư sửng sốt phát hiện ra sự thức dậy của cơ thể thiếu nữ sau giấc ngủ say: “Bộ ngực căng tròn, mềm mại, tựa như hai trái đào được chiếc váy ngủ trùm lên; phần bụng dưới bỗng trở thành một khoảnh phì nhiêu bằng phẳng, dường như nếu cấy những ngọn mạ vào đó có thể thành ngay những nhánh lúa xanh mướt ngào ngạt tỏa hương; mông tròn căng, chắc lẳn, vểnh lên một cách tự tin, liền với eo thành một đường cong, khó mà dính được vào mặt giường; hai chân dài như tiếng than kinh ngạc, to thẳng và mượt mà.”[xii]

c. Đàn ông ngốc ngếch, xấu xí và … nhạt nhẽo

Có một đặc điểm rất dễ nhận thấy trong các tác phẩm nữ quyền của các tác giả nữ là hệ thống nhân vật nam được xây dựng trên cơ sở bị coi thường, bị phủ định, bị phê phán. Những hình tượng nam tính chuẩn mực trong thẩm mỹ của lịch sử văn học hầu như vắng bóng trong tiểu thuyết “thân thể sáng tác”. Đại đa số những nhân vật nam trong tiểu thuyết “thân thể sáng tác” đều nhạt nhẽo, tầm thường, phẩm cách vô vị, thiếu những vận động bản thân cả từ bề mặt lẫn chiều sâu, chỉ tồn tại rải rác trong các tự sự của nữ giới, lẩn quất và mơ hồ, chỉ như những hiện vật để ngắm nghía, hay là đối tượng của tình dục hay  khá lắm là đảm nhiệm vai trò chất liệu tự sự.

Hải Nam trong Những người tình của tôi, xoay quanh trục hồi ức đã cấu trúc mối quan hệ nam nữ phản truyền thống, nữ tính trở thành nhân tố chủ đạo trong mối quan hệ giới. Mối quan hệ này được thể hiện một cách khéo léo để trong lời tự bạch người kể chuyện nữ, với câu chuyện về hơn mười gã đàn ông từng là người tình của cô đều hết sức mờ nhạt. Trong Chòm song ngư, những “gã đàn ông xinh đẹp” lôi cuốn Bốc Linh chỉ tồn tại dưới hình dạng một cơ thể sinh vật, những đặc trưng của giống đực “hai chân dài, bắp cơ cuồn cuộn trên bờ vai rộng, hai tay gân guốc”. Từ Tiểu Bân lại chỉ đề cập đến cái vóc dáng “tàn tật” lùn thấp, gã đàn ông hàng xóm trong Cạn chén với quá khứ cũng không ngoài một gã đàn ông trung niên có bắp chân to dài và cứng cáp, ông thầy T trong Cuộc sống riêng tư tựa như sự đối nghịch với gã hàng xóm. Đa Mễ còn cực đoan hơn khi “chưa từng cảm thấy cái đẹp cơ thể của đàn ông”, “cả cái thân thể của nam giới chả có chỗ nào đẹp. Từ xưa tới nay không thể hiểu nổi quan niệm cái đẹp cơ bắp. Cơ bắp đàn ông lại so được với báu vật ư? Cơ bắp mãi cũng chỉ là cơ bắp.”[xiii] Hình tượng đàn ông dưới ngòi bút của cô phần lớn là dung tục, nhu nhược yếu hèn, thậm chí những cái tên cụ thể của các nhân vật nam cũng không có, mà chỉ là “nhóc môi đỏ”, “ngài Yamura”, “N”, “gã hói” đã khiến hình mẫu đàn ông chân chính không hề tồn tại, cho dù, chỉ là những cái tên. Các tác giả nữ đã tận diệt những ý nghĩa nhỏ nhoi nhất về đàn ông nếu có thể phái sinh trong tâm thức độc giả cho dù chỉ là những danh từ riêng.

Trong Bay lượn tới chết, Lâm Bạch đã xây dựng một cách khá tài tình về một mối quan hệ thuần túy về sự trao đổi, là sự mặc cả giữa giới tính và quyền lực. Bắc Nặc dưới ngòi bút của Lâm Bạch trong “chiếc quần soóc đen trên đôi chân dài” và “chiếc sơmi trắng”, khiến “tôi” (Lý Oa) “liên tưởng đến chiếc đàn dương cầm mới tinh được mở ra, và dòng âm nhạc bắt đầu lên tiếng trên sàn diễn…”, trong khi đó đối trọng đổi chác chỉ là một thứ xấu xí kệch cỡm - gã hói - với “tấm thân già nua ngu ngốc”, tình cảm dặt dẹo, yếu ớt. Toàn bộ hình ảnh của gã chỉ gói gọn trong việc mô tả cái đỉnh đầu: “Tóc một bên tai gã dài tới tận vai, nhưng được chải lật qua cái đỉnh đầu che cái khoảnh không chút cỏ lác. Nếu có cơn gió ngược hướng, ắt ta sẽ thấy một kì quan, cái đỉnh đầu như đâm vào mắt chọc vào tim, mấy cọng tóc bên kia phơ phất rủ xuống vai.”[xiv]

d. Thân thể là hàng hóa

Sùng bái thân thể nữ, nâng cao địa vị của cơ thể nữ ngang tầm với hình bóng của những mô tả thân thể nam trong lịch sử văn học với hoài vọng thiết lập một hệ ngôn ngữ nữ quyền là một trong những lý do mà các nhà văn nữ quyền cố công tạo dựng và chiến đấu qua các tác phẩm “thân thể sáng tác”. Tuy nhiên, dưới sự thống trị của đồng tiền, thân phận nữ tính lại trở thành một món hàng tiêu dùng, bị tranh đoạt, “bị đắp điếm và chi phối để lại trở thành một số phận nữ tính mới.”[xv]

Chọn một ngành nghề đặc trưng để xây dựng ý tưởng thân thể là hàng hóa, Hải Nam đã đắp dựng một cô người mẫu xinh đẹp Chinh Lệ cùng những toan tính đổi chác trong cuộc sống được lượng hóa bằng tiền trong Lời nói thẳng. Dưới hình thức là tập hợp tự thuật về cuộc sống của những người mẫu, bằng ý đồ định sẵn, Hải Nam nhấn mạnh yếu tố coi sự tồn tại cơ thể dưới phương thức là một món hàng qua bốn phương thức hư cấu. Câu chuyện được kể bởi một ông chủ công ty thời trang. Ông luôn “nói đi nói lại cô ấy là món hàng, vì chính bản thân cô là một món hàng quan trọng, cho nên, tôi không thể coi cô ấy là một người đàn bà, mà phải là một món hàng”. Luôn phải cố gắng kiềm chế những ham muốn tình dục của bản thân, nhưng rồi khi không thể chịu nổi áp lực là vai trò của người chiêm ngưỡng nữa, ông chủ hãng thời trang Lưu Côn vốn yêu tiền hơn yêu tình, coi tình dục là một thứ xa xỉ để trở thành người si mê điên cuồng cô người mẫu “gà đẻ trứng vàng”, thậm chí còn nảy ý đồ giết hại cô trên đường bỏ trốn để cô mãi mãi là của ông. Xe lộn xuống vực, Chinh Lệ thoát chết, nhưng ông ta lại bị liệt. Mối quan hệ của hai người lúc này lại quay lại tình trạng ban đầu. Trong cuộc đổi chác đó, Lưu Côn luôn coi sự trao đổi “ngang” giá trị giữa tấm thân vạm vỡ và một cơ thể tràn trề tình dục, trong khi đối với Chinh Lệ, thực sự cô không muốn chỉ là một món hàng vô tri. Nhưng khi tấm thân - món hàng bắt đầu có sự thay đổi về giá trị, cuộc sống lại trở nên hỗn loạn, chao đảo, để rồi lại quay về điểm xuất phát là một món hàng.

Bắc Nặc là một nhân vật nhận được sự ưu ái của nữ tác giả Lâm Bạch. Để làm rõ hơn sự cam tâm tình nguyện của vai nữ trong thế giới toàn trị của đàn ông, kết quả chỉ là sự khổ đau, sự tủi hổ, sự xót xa và cuối cùng là sự nổi giận cho chính bản thân mình khi phải chấp nhận làm một “đồ vật” cho hợp mắt đàn ông. Trong câu truyện, để vừa lòng gã đàn ông đồng ý “mua” mình, Bắc Nặc vứt bỏ những đặc trưng nữ tính một cách chủ động, tự chỉnh lại mình bằng góc nhìn của nam tính. Đó là ý đồ tạo dựng thành một “món hàng thực sự” ngay từ đầu của tác giả đối với Bắc Nặc. Ở đây cũng nên chú ý một chút, Bắc Nặc không chỉ cố ý trang điểm, hơn nữa là còn mua thêm bộ lót tơ màu đen - một bộ lót tơ tằm rất sexy. Ban đầu, cô chỉ nghĩ rằng cuộc trao đổi này là trên cơ sở trao đổi của nhu cầu sinh lý, nhưng không ngờ lại trở thành đối tượng của một trò chơi, liên tục bị vờn đuổi bằng những hành vi lừa phỉnh và bỡn cợt của gã đàn ông. Bắc Nặc từ quan điểm thương phẩm giới tính lại bị bóp méo nắn vặn. Cơ thể lúc này chỉ tồn tại với tư cách là một món thương phẩm hạ giá, một món đồ chơi hay một trò giải trí trong thế giới giá trị nam quyền.

4. Trong lịch sử văn học Trung Quốc, có thể thấy quyền lực nam tính hoàn toàn khống chế dòng tự sự chủ lưu và lập nên một hệ thống chặt chẽ những quy tắc phạm trù và những giá trị đạo đức, xã hội, văn hóa nghệ thuật,… thậm chí ngay đối với những cơ thể nữ giới cũng chỉ coi đó là một đối tượng để thưởng thức, còn những tự sự về cơ thể nữ tính thì đại đa số chịu ánh xạ qua những hiểu biết “hữu hạn” của nam giới. Trong Những sáng tác của họ[xvi], Lý Khiết Phi coi “thân thể sáng tác” là một dạng sách lược sáng tác của chủ nghĩa nữ quyền, một dạng thức tự sự của chủ nghĩa nữ quyền.

Các nữ tác gia nữ Trung Quốc đã vô cùng hào hứng với mục tiêu “biến cơ thể mình thành những biểu tượng” cho dù những biểu tượng đó trên một cơ sở ý nghĩa nào đó như “những giấc mộng giữa ban ngày, hay còn là toàn bộ những mê ngữ của thân thể”.[xvii] Những nữ tác gia nữ quyền hy vọng qua các tác phẩm sẽ giải thiêng những góc độ thẩm mỹ nam tính, thực hiện ý thức chủ thể nữ tính được chuyển từ góc nhìn bị động trở thành thẩm mỹ tự giác chủ động. Người kể chuyện từ góc độ nữ tính dần xuất hiện, dần ảnh hưởng tới người khác. Những dục vọng nữ tính trở thành đầu mối của tự sự, được thúc đẩy và phát triển, những biểu tượng cơ thể từ tác giả “đã gắn kết sức cảm nhận và tư tưởng lý tính, trở thành một “vật năng sản”,[xviii] từ đó mà cung cấp tính đa nghĩa tương đương cho cơ thể. Họ hồn nhiên xây dựng nên những biểu tượng cơ thể đầy sức sống, dùng hệ thống cảm quan trẻ trung xây dựng lại hệ thống trật tự mới cho một thế giới đang “mất trật tự”. Sự phân vân đa dạng trong con mắt tính nữ trải qua những tín hiệu thần kinh cảm giác được giải mã và chuyển dịch, quy cách trong những văn bản cá tính hóa của tự sự nữ tính, thế giới vốn của “anh ta” đã trở thành thế giới của “chính ta”, những đặc trưng mẫn cảm của phụ nữ cũng theo thế mà rộng khắp, khi đó thế giới mới được sinh ra.

Mục đích sáng tác của chủ nghĩa nữ quyền, gốc rễ là những phát hiện, những nhận thức bản thân trên nền tảng giá trị, tâm lý và thẩm mỹ, tiến đến khai trừ tất thảy những hệ thống kí hiệu thuộc về nam quyền. Chất liệu dễ dàng nhất cho việc đó là một cơ thể khỏa thân tự nhiên của nữ tính. Đó là khi Trần Nhiễm viết về cuộc tình đồng tính trong Cuộc sống riêng tư, như Lâm Bạch viết về nhân vật nữ chính thủ dâm trong Cuộc chiến của một con người. Chúng là những biểu tượng tự sự của chủ nghĩa nữ quyền, vũ khí bí mật không thể thất bại, và là phương thức tu từ ngôn ngữ để đối kháng với nam quyền. Nhưng nếu cho việc chăm chú ngắm nhìn cơ thể mình là điểm bắt đầu của chủ nghĩa nữ quyền đang tìm kiếm phương thức tự sự cho mình, thì cách nhìn đó chưa đưa ra những chủ đề phản kháng đầy mới mẻ và dũng cảm, và cũng chưa có được một hệ thống khuynh hướng nghệ thuật tự sự.

Tuy nhiên, cũng phải xét đến những góc tối hơn khác trong các tác phẩm “sáng tác thân thể”. Đó là việc lạm dụng cơ thể để giải thích những hành vi trong khuê phòng, những trường đoạn trên giường, những trơ trẽn của gái điếm hay tật thủ dâm,… ngoài những khía cạnh mang tính “cách mạng” cũng có thể thấy đó là những sai lầm đối với cảm thức về thân thể. Mỹ học cơ thể đã bị giản lược hóa một cách thô bạo, đến mức cơ thể chỉ được hiểu là đại danh từ của giới tính và dục vọng. Nếu chỉ có vậy, “thân thể sáng tác” đã bị lợi dụng thành sự mở đường cho giới tính và dục vọng xác thịt, mà nguyên nhân sâu xa là bởi những miệt thị cơ thể trong văn học truyền thống. Hơn nữa, nếu cơ thể chỉ là xác thịt, để rồi vì thế mà chà đạp lên cơ thể thì đó lại là một sai lầm không thể thanh minh. Hãy trả lại những giá trị đích thực của nhục thể. Nó không chỉ là xác thịt, dục vọng, mà còn là cái “tôi” sinh lý tính. “Cơ thể không chỉ là xác thịt. Nó còn có linh hồn, luân lý và sự tôn nghiêm.”[xix]

 

NVN

 


[i] Trần Nhiễm, sinh tại Bắc Kinh, học 4 năm khoa Văn ở Đại học Bắc Kinh, sau công tác tại nhà xuất bản Tác gia. Tác phẩm: Trần Nhiễm văn tập (6 quyển) và được nhiều nhà xuất bản trên thế giới như Anh, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan và Hồng Kông.

[ii] Lâm Bạch tên thật là Lâm Bạch Vi. Sống tại Bắc Kinh, tốt nghiệp Khoa Thư viện trường Đại học Vũ Hán, từng làm thủ thư, đóng phim, làm báo, hiện là nhà văn tự do. Tác phẩm chính: Cuộc chiến của một con người, Nói đi, nói giữa phòng, Con bọ bằng pha lê, Vạn vật khai hoa…cùng tập tùy bút Lâm Bạch tản văn. Lâm Bạch được coi là một nhân vật tiêu biểu của sáng tác cá nhân hóa và sáng tác nữ tính. Năm 1997 xuất bản 4 quyển Lâm Bạch văn tập, trong đó có nhiều phần đã được dịch ra năm thứ tiếng để xuất bản ra ngoài.

[iii] Vệ Tuệ được gọi là Nữ tác giả đời cuối, Nhân loại mới. Sinh ở Dư Diêu tỉnh Chiết Giang, khi nhỏ từng được sống tại núi Phổ Đà, đảo Đào Hoa, năm 1990 được huấn luyện một năm ở học viện Lục quân Nam Xương, năm 1995 tốt nghiệp khoa Văn trường đại học Phúc Đán, Thượng Hải và từng làm qua nhiều nghề. Tác phẩm chính: Tiếng gào của bươm bướm, Ngải Hạ, Ấm mềm đêm đen, Cuộc sống con người, Điên cuồng như Vệ Tuệ, Gái trinh trong nước, Bảo bối Thượng Hải, Thiền của tôi, Người cha chó,… các tác phẩm của chị đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

[iv] Miên Miên sinh năm 1970, được coi là tác gia thời đại mới của Trung Quốc. Tác phẩm chính: Đường đã được hơn mười quốc gia dịch và xuất bản.

[v] Mộc Tử Mỹ đã công khai nhật kí ghi chép cuộc sống tình ái của mình trên blog, sau được tập hợp và in thành cuốn Di tình thư.

[vi] Từ đây chúng tôi xin viết tắt là “thân thể sáng tác” (NVN)

[vii] Nam Phàm, Tu từ học cơ thể : chân dung và giới, Nhà sách Tam Liên Thượng Hải, 1988. Theo tác giả, tu từ học thân thể được hiểu như là “sự sáng tạo” và được giải thích là “sự sáng tạo và lý giải những hình tượng xã hội cơ thể được tiến hành dưới sự chi phối bởi một hệ thống mã. Hệ thống mã này cùng chia cắt sự thống trị về không gian và của thị vực công cộng. Theo hệ thống ý nghĩa đó, những mã này sẽ bồi đắp nên những hình tượng cơ thể nhân vật tương ứng, đó là tu từ học thân thể”.

[viii] Lâm Bạch, Một người vô cùng nhiệt tình của những năm 90, Tạp chí Văn đàn phương Nam, số 6.1999.

[ix] Hải Nam, Thân xác, xem Lâm Thạch biên soạn, Sống vì đàn bà, Nxb Hoa thành, 2001.

[x] Lâm Bạch, Cuộc chiến của một con người, Tạp chí Hoa thành, No.2.1994.

[xi] Hải Nam, Không cô đơn không thể viết, Mời đàn ông cạn chén, Nxb Văn nghệ An Huy, 2000

[xii] Trần Nhiễm, Cuộc sống riêng tư,

[xiii] Lâm Bạch, Cuộc chiến của một con người, Đã dẫn.

[xiv] Lâm Bạch, Bay lượn đến chết, Đã dẫn.

[xv] La Tứ Linh, Học giả bắt bệnh “thân thể sáng tác”, Đã dẫn

[xvi] Lý Khiết Phi, Bàn về thể loại tiểu thuyết đương đại Trung Quốc, chương 6, Nxb. Giáo dục Thiểm Tây, 2002.

[xvii] Maurice Merleau-Ponty, Nhìn thấy và không nhìn thấy, Tôi nghe lỏm chính tôi.

[xviii] Terry Eagleton, Mỹ học hình thái ý thức, Nxb Đại học sư phạm Quảng Tây, 1997.

[xix] Trung Quốc niên độ văn luận tuyển, Bạch Việp biên tập, Nxb Li Giang, 2003. tr. 378-402.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020