Văn học nước ngoài

TÁC PHẨM CỦA FRANZ KAFKA VÀ NỀN VĂN HOÁ ĐẠI CHÚNG – MỘT VÀI PHÁC THẢO


15-10-2020
Tác giả: Lê Minh Kha

Lê Minh Kha

Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

1. Mối quan hệ giữa văn học và văn hoá vốn không phải là điều mới mẻ. Tính chất tương hỗ của mối quan hệ này đã được ghi nhận từ lâu trong suốt quá trình nghiên cứu  văn hoá, văn học. Tuy nhiên, chỉ khi vấn đề nhận thức văn hoá như một động lực phát triển được đẩy mạnh, mối quan hệ ấy mới được chú ý đúng mức, đi kèm theo đấy là một cách nhìn nhận, một quan niệm mới, xem văn hoá thực sự “ là nhân tố chi phối văn học” (1).

    Nghiên cứu về Franz Kafka ( 1883 – 1924 ) và tác phẩm của ông dưới góc độ văn hoá nói chung, văn hoá đại chúng nói riêng, là công việc đã được tiến hành trong nhiều năm qua. Theo trang web Hội Kafka của nước Mỹ ( Kafka Society of America), vào tháng 12 năm 2007, ở Chicago, đã có một cuộc hội thảo với chủ đề Kafka và nền văn hoá đại chúng ( Kafka and popular culture) do giáo sư Judith Ryan thuộc Đại học Harvard chủ trì. Cuộc hội thảo này đã quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, bàn về những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Kafka và văn hoá đại chúng,  như  giữa Kafka và trang web chia sẻ video trực tuyến You Tube, rồi những chuyển thể gần đây của tác phẩm Kafka trên sân khấu và trên màn ảnh... (2). Lùi về xa hơn, Sách tham khảo của Cambridge về Kafka ( The Cambridge Companion to Kafka), xuất bản lần đầu vào năm 2002, có hẳn một bài viết của Iris Bruce với tiêu đề Kafka và nền văn hoá đại chúng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong bài viết ấy, Iris Bruce đã không giới thuyết về văn hoá đại chúng. Đồng thời, bài viết cũng chưa lý giải được sức hấp dẫn của Kafka đối với nền văn hoá ấy, nguyên nhân khiến tác phẩm của ông trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt sản phẩm văn hoá gắn với các phương tiện truyền thông thời nay.

     Tham luận này, với mục đích đưa ra vài nét phác thảo nhằm làm rõ thêm về mối quan hệ giữa tác phẩm của Franz Kafka  và nền văn hoá đại chúng ( popular culture ), sẽ không đi sâu tìm hiểu các yếu tố văn hoá đã tác động như thế nào đối với tác phẩm Kafka. Dĩ nhiên, đây cũng không phải là một tham luận lấy nền văn hoá đại chúng hay tác phẩm của nhà văn vĩ đại người Tiệp Khắc làm đối tượng khảo sát chủ yếu. Điều chúng tôi quan tâm chính là sự tái sinh của những tác phẩm này trong nền văn hoá đại chúng, nói cách khác, là sự tiếp biến của nền văn hoá đại chúng đối với các tác phẩm của Kafka trong bối cảnh  hiện đại và hậu hiện đại.

      Để làm được điều đó, chúng tôi tiến hành theo ba bước. Bước thứ nhất, chúng tôi thử tìm một cách hiểu khả dĩ về nền văn hoá đại chúng. Bước thứ hai, xem xét tác phẩm của Kafka – một hiện tượng văn học nổi bật trên văn đàn thế giới thế kỷ XX đã được tiếp biến như thế nào trong nền văn hoá đó. Bước thứ ba, thử đưa ra một vài lý giải về sức hấp dẫn của Kafka với nền văn hoá đại chúng, và dấu ấn của nền văn hoá đại chúng trong việc đề xuất thêm một cách “ đọc”, cách giải mã thế giới nghệ thuật của Kafka. 

      Dĩ nhiên, tất cả chỉ là những nhận định ban đầu, nên mỗi phần trình bày, chỉ mang dáng hình của những phác thảo, tập trung vào một vài nét, theo chúng tôi là cần thiết cho việc tìm hiểu vấn đề này.

2.  Câu hỏi đầu tiên cần được nhắc đến ở đây : Văn hoá đại chúng là gì ? hoá ra là câu hỏi không dễ trả lời. Vì bản thân thuật ngữ này vốn rất phức tạp, đa diện, lại được vận dụng theo những quan niệm riêng tuỳ trường hợp, dẫn đến sự không thống nhất trong cách hiểu của nhiều nhà nghiên cứu.

2.1.  John Storey trong Lý thuyết văn hoá và văn hoá đại chúng (Cultural Theory and Popular Culture) đưa ra 6 định nghĩa khác nhau về văn hoá đại chúng. Trong số đó, nếu xác định bằng cách đối sánh với nền văn hoá cao cấp ( high culture) , văn hoá đại chúng được xem là những gì “ sót lại” ( left over ) sau khi đã xác định đâu là văn hoá cao cấp; nếu nhìn từ quan điểm Tây Âu, văn hoá đại chúng là nền văn hoá mang tính thương mại “ sản xuất đại trà cho tiêu thụ đại trà”, gắn liền với văn hoá Mỹ; quan điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại xem văn hoá đại chúng như một phản ứng, không thừa nhận ranh giới, sự khác biệt giữa văn hoá cao cấp và văn hoá bình dân... (3). Học giả Jim Cullen, qua lời giới thiệu cho cuốn Bách khoa thư văn hoá đại chúng của St.James ( St.James Encyclopedia of Popular Culture )  đã gọi văn hoá đại chúng là “ nghệ thuật của đời sống thường nhật” ( The Art of Everyday Life ). Cũng trong lời giới thiệu này, ông dẫn lời của nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Lawrence Levine, xem văn hoá đại chúng là “ nền văn hoá dân gian của xã hội công nghiệp” ( the folklore of industrial society ) (4)

       Khi đi tìm cách hiểu cho thuật ngữ  văn hoá đại chúng, Gordon Lynch trong Tìm hiểu thần học và văn hoá đại chúng (Understand Theology and Popular Culture ) cũng cho rằng “ Văn hoá đại chúng là một thuật ngữ được sử dụng hoàn toàn khác nhau bởi những tác giả khác nhau dựa trên hướng nghiên cứu riêng mà họ được giao phó” (5). Trước khó khăn như vậy, Gordon Lynch đã đề xuất việc tìm hiểu nội hàm văn hoá đại chúng bằng cách đặt dạng thức văn hoá này trong thế đối sánh với các dạng thức văn hoá khác như văn hoá cao cấp ( high culture ), văn hoá tiền vệ ( avant – garde ), văn hoá bình dân ( folk culture ), văn hoá chủ lưu ( dominant culture )... Dựa trên những điểm tương đồng và dị biệt của các dạng thức văn hoá được phân tích một cách cặn kẽ trong công trình nghiên cứu này, Gordon Lynch muốn hướng đến một cách hiểu hợp lý trong khả năng cho phép về thuật ngữ văn hoá đại chúng.

      2.2. Điểm qua một vài cách hiểu như vậy để thấy rằng : việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đã nêu Văn hoá đại chúng là gì ? vốn không đơn giản. Trong bài viết này, chúng tôi hiểu văn hoá đại chúng theo cách của nhà nghiên cứu nghệ thuật người Nga Kirill Razlogov, khi ông cho rằng “Văn hoá đại chúng thường được định nghĩa như là những sản phẩm văn hoá (theo nghĩa rộng nhất, bao gồm các tác phẩm nghệ thuật, hàng tiêu dùng và nghệ thuật ẩm thực) được các chuyên gia sáng tạo và phổ biến với quan điểm cho rằng trên nền tảng thương mại, đông đảo dân chúng không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, tuổi tác, quốc tịch, v.v... sẽ sử dụng nó. Văn hoá đại chúng khác với văn hoá dân gian (được dân chúng sáng tạo để tự sử dụng); hội tụ mà không hợp nhất với văn hoá bình dân (thứ văn hoá giành được sự hưởng ứng trong dân chúng ở một quốc gia hay ở một khu vực nào đó); và nó chuẩn bị cho thế giới tiếp nhận một nền văn hoá toàn cầu, tức một nền văn hoá sẽ bao quát toàn cầu ở cấp độ lý tưởng” (6).

      Nhìn chung, có thể nói rằng, văn hoá đại chúng là nền văn hoá hình thành dựa trên những điều kiện : sự phát triển của quá trình sản xuất và tiêu thụ theo cơ chế thị trường, sự xoá nhoà không gian bởi những tiến bộ về các phương tiện truyền thông, quá trình đô thị hoá và đời sống chính trị dân chủ... Đối tượng thụ hưởng chủ yếu của nền văn hoá này là đại bộ phận dân chúng; cách thức truyền bá những giá trị văn hoá ấy gắn liền với những phương tiện truyền thông như sách báo, truyền hình, internet... Nền văn hoá đại chúng ấy không phải là phát minh của riêng người Mỹ, nhưng Jim Cullen cho rằng : Văn hoá đại chúng Mỹ là một trường hợp hết sức đặc biệt với sự phát triển của nền công nghiệp và xã hội tiêu thụ, tính chất dân chủ về mặt chính trị. Nơi đó có những biểu tượng Mỹ mang tính chất toàn cầu như đồ ăn MacDonald’s, những truyện kể miền viễn Tây, chương trình truyền hình của Oprah Winfrey...

      Dựa trên cách hiểu của Kirill Razlogov về văn hoá đại chúng, Nguyễn Văn Dân  đưa ra nhận xét : văn hoá đại chúng có hai đặc tính nổi bật là tính thương mại và tính giải trí. Điều này bắt nguồn từ việc nền văn hoá đại chúng phải đáp ứng hai tiêu chí cơ bản “ hiệu quả tiêu thụ của sản phẩm văn hoá” và “thị hiếu của đại chúng toàn cầu” (7).

3. Trên cơ sở những đặc trưng của nền văn hoá đại chúng như đã nói, chúng tôi thấy rằng : Tác phẩm của Franz Kafka có một sự tái sinh vô cùng mạnh mẽ trong nền văn hoá này, nó được tiếp biến dưới nhiều dạng thức, nhiều góc độ, trong những sản phẩm văn hoá được lan toả rộng khắp bởi các phương tiện truyền thông. Những tác phẩm của ông có một hấp lực kỳ lạ với nhiều nghệ sĩ  ở mọi lĩnh vực, như Iris Bruce đã nhận xét “ Kafka đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ trong hoạt động sáng tạo của họ : trong thơ, văn xuôi, kịch, phim, hội hoạ và thậm chí là âm nhạc”(8)

 3.1  Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin điểm qua một số sản phẩm thuộc nền văn hoá đại chúng mang đậm dấu ấn, chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Kafka. Những sản phẩm văn hoá ấy tập trung chủ yếu ở một số thể loại : phim, truyện tranh, trò chơi điện tử ( video game)... và được trình bày thông qua vài dẫn chứng cụ thể.  Ở đây, chúng tôi có sử dụng lại một số tư liệu mà Iris Bruce đã cung cấp trong bài viết của mình.

     Trước hết là về lĩnh vực phim ảnh. Thật khó có một nhà văn nào ở thế kỷ 20 mà tác phẩm lại được dựng thành phim nhiều như Kafka.Trong Tuyển tập tác phẩm Franz Kafka, có danh sách một loạt các bộ phim được chuyển thể từ các sáng tác của nhà văn vĩ đại này. Có thể kể đến phim Trại lao cải do Raul Riux làm đạo diễn ( Pháp – 1971), phim Lâu đài của đạo diễn Dato Djanelidze ( Gruzia – 1993), phim Vụ án của đạo diễn David John ( Anh – Séc hợp tác sản xuất – 1992), phim Cuộc đời tuyệt diệu của Franz Kafka ( đạo diễn Peter Capaldi , Anh – 1995 ) và rất nhiều bộ phim khác (9). Danh sách ấy sẽ còn kéo dài mãi nếu tính đến các bộ phim dựa trên nền tảng những motif, những ấn tượng, cảm giác mà tác phẩm của Kafka gợi dẫn.

     Những motif, ấn tượng, cảm giác ấy đã góp phần tạo nên bầu khí quyển cho những bộ phim của nền văn hoá đại chúng. Tác phẩm Kafka thường xoay quanh một nỗi ám ảnh, nhân vật như cái bóng nhạt mờ của những ý niệm, tư tưởng. Họ đi lại, hít thở và nghĩ suy trong những mê cung, giữa cơn ác mộng đang bủa vây tứ bề. Sự phi lý, nỗi lo âu và tha hoá là những chiếc chìa khoá mở cánh cửa bước vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm Kafka, giờ đây, lại được tái hiện trong một dạng thức mới, bằng ngôn ngữ điện ảnh, để chạm đến bao nỗi niềm của con người hiện đại.

     Bộ phim hài Zelig, ra đời vào năm 1983 của đạo diễn Woody Allen gắn với motif biến dạng và nỗi lo âu tha hoá trong tác phẩm của Kafka, đặc biệt là ở kiệt tác Hoá thân. Câu đầu tiên của tác phẩm này “ Một sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một côn trùng khổng lồ” (10) có sức mạnh chuyển hoá thực tại, đưa nhân vật nhập vào cơn ác mộng. Cái cảm thức ấy, giờ đây cũng bủa vây trong bộ phim Zelig. Bộ phim được đặt trong bối cảnh giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Anh chàng Leonard Zelig – nhân vật chính trong phim, sau những thử nghiệm y học, trở thành “ người tắc kè”, có thể biến thành bất kỳ ai mà anh ta gặp gỡ. Zelig trở thành một kẻ làm trò, một công cụ cho những cuộc trình diễn, công chúng tò mò phát điên lên vì anh, có cả một bộ phim về anh với tên “ Người chuyển dạng”. Sự biến dạng của cả Gregor Samsa lẫn Leonard Zelig đều gắn với tình trạng phi nhân tính của xã hội những năm đầu thế kỷ XX, khi nền kỹ trị và nỗi ám ảnh chiến tranh khiến con người luôn lo sợ đánh mất bản thể của mình. Bộ phim Zelig của Woody Allen hấp dẫn người xem ở chỗ khai thác được yếu tố kỳ ảo, tính chất hài hước đen ( dark humour), nhưng trên hết,  nó đã khám phá được nỗi sợ hãi có tính nguyên thuỷ của con người thông qua motif hoá thân, biến dạng. Đó là nỗi sợ của con người trong bất kỳ thời đại nào và ở bất kỳ nơi đâu. Nhưng chỉ trong một xã hội phi nhân và ngập tràn những nghịch lý, nỗi sợ ấy mới trở thành một niềm ám ảnh khôn nguôi.

      Tính chất hiện thực huyền ảo mà Kafka góp phần khai mở trong những tác phẩm của mình, luôn đem lại những thích thú, hồi hộp cho người xem, khi chúng được gieo mầm vào những sản phẩm của nghệ thuật thứ bảy. Trạng thái huyền ảo trong tác phẩm của Kafka chủ yếu được tạo nên bởi sự cảm nhận của con người chứ không phải bởi những yếu tố huyền ảo, nó thuộc về khoảnh khắc cái phi lý được xem như có lý và cả nhân vật lẫn người đọc dần dần thích nghi với điều ấy . Nói như Tzevan Todorov, Kafka đã đưa ra một lý thuyết về cái kỳ ảo, trong đó, đối tượng kỳ ảo không còn là những sinh thể đị thường mà chính là con người. Đấy là một cái kỳ ảo “ được phổ biến hoá : toàn bộ thế giới của cuốn sách và bản thân người đọc đều ở bên trong cái kỳ ảo đó”(11) .Trạng thái kỳ ảo này trong tác phẩm Kafka được vận dụng vào phim với những sáng tạo riêng. Bộ phim khoa học viễn tưởng Thành phố tăm tối  ( The Dark City) của đạo diễn người Úc Alex Proyas kết hợp cả cái kỳ ảo trong những chi tiết dị thường và lẫn sự cảm nhận của con người. Phim kể về anh chàng John Murdoch thức dậy trong một bồn tắm của khách sạn, đột nhiên quên hết mình là ai, nhận được cú điện thoại báo rằng có ba người đàn ông mặc áo đen thuộc nhóm “ Những người xa lạ” ( The Strangers) đang tìm cách bắt anh, giống như trạng huống của nhân vật Joseph K trong tiểu thuyết Vụ án. Đồng thời, anh bị viên thám tử  Frank Bumstead truy đuổi bởi có liên quan đến hàng loạt vụ giết người mà anh không thể nhớ nổi.  Dần dần, Murdoch phát hiện ra mình có một năng lực siêu nhiên, và như thế, cuộc phiêu lưu của nhân vật Murdoch trong phim diễn tiến hết sức lạ thường, trải qua rất nhiều hiểm nguy, để chống lại Cái Ác, giải cứu cho cả thành phố, để phục hồi lại những ký ức và tìm ra câu trả lời “ Ta là ai ?”.

      Những yếu tố kỳ ảo trong phim Thành phố tăm tối , chẳng hạn như các khả năng kỳ lạ của con người, chi tiết cư dân thành phố bị lấy đi ý thức mỗi khi đêm về, rồi việc thay đổi cảnh quang thành phố của nhóm “ Những người xa lạ”... được kết hợp với những cảm nhận rất thật của con người. Đó là vấn đề nhận thức bản thể trong vũ trụ khôn cùng này. Đó còn là mặc cảm tội lỗi và lưu vong giữa cõi đời, khi con người, từ khi sinh ra đã phải gánh lãnh cái án lưu đày như định mệnh. Tiểu thuyết Vụ án của Kafka gắn với nhân vật Joseph K trong hành trình  “người bị kết tội đi tìm tội lỗi” theo cách nói của Milan Kundera. Hay như bóng ma của nhân vật K. giữa miền tuyết trắng trong Lâu đài. Tác phẩm của Kafka có nhiều nhân vật khao khát kiếm tìm nhưng không gặp, K. không vào được Lâu đài , nhân vật Joseph K. chẳng biết đâu là toà pháp viện tối cao giữa mê cung của cuộc đời và tâm hồn mình. Họ như một kiếp người ngắn ngủi, vô lý hiện tồn giữa cõi trần ai. Đấy là sự phóng chiếu tâm hồn ngập tràn những mâu thuẫn của “ người nằm mơ bừng tỉnh” Franz Kafka. Những trạng thái ấy đã được đạo diễn Alex Proyas nắm bắt và thể hiện tinh tế trong một bộ phim hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Chất trinh thám như một vụ án, những yếu tố kỳ dị, chút phiêu lưu, hành động và trên hết là bầu không khí của cơn ác mộng, khiến bộ phim tạo được những hiệu ứng xúc cảm mạnh mẽ nơi khán giả.

       Ở thể loại truyện tranh – một dạng sản phẩm văn hoá hết sức phổ biến trong nền văn hoá đại chúng, sự tiếp nhận Kafka lại diễn ra theo một dạng thức khác. Thông qua việc khảo sát, chúng tôi cho rằng, những ấn phẩm dạng này đều gắn với mục đích làm “ mềm hoá” tác phẩm của Kafka, khiến cho những tác phẩm vốn dĩ rất khó đọc của nhà văn này trở nên dễ tiếp nhận hơn với đông đảo công chúng bạn đọc, giúp những người chưa từng đọc tác phẩm Kafka có thể biết về ông và những tác phẩm – dĩ nhiên, thông qua tấm gương biến hình của truyện tranh. Khoan nói đến những hệ luỵ của nó, chúng tôi cho rằng điều này cũng hết sức thú vị, chứng tỏ được sức sống của tác phẩm Kafka trong thời đại mà thị hiếu của con người dễ đổi thay, văn hoá đọc có dấu hiệu suy thoái như  nhà nghiên cứu J.Hillis Miller đã nhận xét trong Bàn về văn chương ( On literature) : “Sự kết thúc của văn chương ở gần ngay trước mắt. Thời đại của văn chương hầu như đã trôi qua. Đây là kỷ nguyên, một kỷ nguyên khác của những phương tiện truyền thông...” (12).

      Trong những ấn phẩm truyện tranh có liên quan về Kafka, có thể kể đến cuốn Từ bỏ nó đi ! và những truyện ngắn khác (Give it up ! and other short stories) do Peter Kuper vẽ minh hoạ, nhà xuất bản NBM ấn hành, bao gồm 9 truyện ngắn có tính chất hiện thực huyền ảo theo kiểu Kafka. Tờ Publishers Weekly nhận xét về ấn phẩm này như sau “ Những nhân vật kiểu mẫu của Kafka được ban cho một đời sống mới trong phong cách hoạt hoạ chân thực, đầy ấn tượng của Kuper”. Cuốn Kafka do  Fantagraphics Books  xuất bản vào năm 2007 là một cuốn sách hướng dẫn dành cho những ai chưa từng tiếp xúc với Kafka, cuốn sách này có rất nhiều tranh minh hoạ của Robert Crumb, tóm tắt tiểu sử của Kafka và cốt truyện các tác phẩm.  Trước đó, vào năm 1993, Robert Crumb và David Mairowitz cũng đã cho in cuốn sách  Kafka dành cho người mới bắt đầu  (Kafka for Beginners), gồm những bài phê bình “ về xã hội tiêu thụ hiện đại, sự giải huyền thoại Kafka bởi trò bông đùa trong ngành kinh doanh Kafka” (13). Bằng sự hài hước, cuốn sách cho thấy một sự bùng nổ ngành kinh doanh về Kafka ở thành phố Prague – quê hương ông, ở đó, có các nhãn hiệu sản phẩm “ăn theo” như  : Áo thun Kafka, Bánh pizza Ghetto, Bánh Hamburger McKafka, Thẩm mỹ viện Metamorphosis...

       Trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử ( video game), tác phẩm Kafka cũng để lại những dấu ấn nhất định, truyền cảm hứng cho người viết chương trình lẫn người chơi. Không thể kể hết ra đây nhưng trò chơi lấy ý tưởng từ tác phẩm Kafka, chỉ xin nói về một game lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Lâu đài. Đấy là game Kurayami do Nhật sản xuất,  một game phiêu lưu, trong đó nhân vật do người chơi điều khiển lạc vào thị trấn kỳ lạ, người chơi phải điều khiển nhân vật khám phá miền đất và lâu đài để tìm ra lối thoát. Nhân vật được sử dụng một ngọn đuốc để soi đường và chống lại “ những nỗi kinh hoàng bất ngờ và không thể giải thích”. Game nhấn mạnh sự sợ hãi và nỗi cô đơn của con người.  Trong tiếng Nhật, “ kurayami” có nghĩa là “ bóng tối”.

3.2. Điểm qua một số sản phẩm thuộc nền văn hoá đại chúng để thấy được sự tái sinh của tác phẩm Kafka trong bối cảnh hiện đại và hậu hiện đại, trong một xã hội tiêu thụ “ sản xuất đại trà cho tiêu thụ đại trà”, chúng tôi thấy rằng : Đúng như Nguyễn Văn Dân đã nhận xét, hai đặc tính nổi bật của nền văn hoá đại chúng là “ tính thương mại” và “ tính giải trí”. Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày trong phần giới thuyết về văn hoá đại chúng, những sản phẩm văn hoá hiểu theo nghĩa rộng vẫn có những giá trị nghệ thuật nhất định. Đặc biệt là đối với những tác phẩm nghệ thuật trong nền văn hoá này, nó không đơn thuần chỉ hướng đến việc phục vụ nhu cầu giải trí và lợi nhuận, nó còn mang những giá trị nghệ thuật tự thân. Chẳng hạn, có rất nhiều bộ phim hay mang dấu ấn Kafka, vừa thành công về mặt thương mại, vừa có giá trị nghệ thuật cao như phim Zelig của Woody Allen, phim Con ruồi ( The Fly ) của David Cronenberg, phim Cuộc đời tuyệt diệu của Franz Kafka do Peter Capaldi đạo diễn đoạt giải Oscar 1995....

      Điều đó cho thấy, khi những sản phẩm thuộc nền văn hoá đại chúng được nâng lên một trình độ nghệ thuật nhất định, nó vẫn có khả năng gợi mở nhiều vấn đề của cuộc sống, vẫn làm thức dậy những xúc cảm trong tâm hồn con người. Nói cách khác, đấy là những tác phẩm nghệ thuật thực sự.  Chúng tôi nghĩ rằng, một số những sản phẩm văn hoá đại chúng mang dấu ấn  Kafka đã phần nào đạt được điều đó.

4. Nhưng đến đây, một vấn đề đặt ra : Vậy điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của Kafka đối với nền văn hoá đại chúng ? Đâu là hấp lực mà các sáng tác của ông tạo nên, in dấu lên cả những tác phẩm nghệ thuật lẫn hàng tiêu dùng của chính nền văn hoá ấy ?

4.1. Theo chúng tôi, hấp lực của Kafka có thể được xác định bởi thuật ngữ tính chất Kafka ( Kafkaesque) – một thuật ngữ đã trở nên quen thuộc trong rất nhiều bộ từ điển văn học và văn hoá ở thế kỷ 20. Từ điển thuật ngữ và lý luận văn học Penguin ( The Penguin Dictionary of Literary terms and Literary theory), trong bản in lần thứ 4 có định nghĩa về Kafkaesque như sau “ Đặc điểm của phong cách, giọng và quan điểm trong lối viết của Franz Kafka, đặc biệt là bầu không khí ác mộng mà ông có tài tạo nên qua mối đe doạ toả khắp nơi nơi, những thế lực phi nhân, cảm giác về sự đánh mất bản thể, gợi nhớ về tội lỗi và nỗi sợ hãi, cùng cảm giác về điều ác thấm vào những lôgic vặn vẹo và phi lý của những quyền năng thống trị” ( 14 ).

      Tính chất Kafka, kiểu Kafka ấy, theo các nhà nghiên cứu, không chỉ là một giọng điệu mà còn trở thành một cách thế sống. Những trạng huống về cái phi lý của cuộc đời, nỗi lo âu về sự đánh mất bản thể, bầu không khí  ảo huyền của cơn ác mộng ban ngày là những vấn đề có tính phi thời. Nó không chỉ tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn trí tưởng tượng của con người mà còn giúp họ khám phá tâm hồn, nhận ra chính bản thân mình. Trong cuộc sống của xã hội hậu công nghiệp, khi con người đứng trước hàng loạt vấn đề mà bản thân không thể lý giải, khi những nỗi âu lo và băn khoăn của kiếp người mãi luôn tồn tại, tác phẩm của Kafka sẽ còn tính thời sự của nó. Chỉ nó điều, với nền văn hoá đại chúng, những tác phẩm ấy được tiếp biến theo một cách riêng như đã nói.

4.2. Một điểm nữa làm sức hút của Kafka với nền văn hoá đại chúng chính là “sự bão hoà của những biểu tượng” ( chữ dùng của Đặng Anh Đào), độ mở trong tác phẩm của nhà văn này. Trong tiểu luận Hy vọng và phi lý trong tác phẩm của Franz Kafka, Albert Camus cho rằng “Toàn bộ nghệ thuật của Kafka luôn hướng người đọc phải đọc lại. Những phần kết hay sự thiếu vắng của những phần kết, đề nghị nhiều cách giải thích. Tuy nhiên, điều ấy không được nói bằng thứ ngôn ngữ rõ ràng, trước khi chúng được xem là đúng, đòi hỏi câu chuyện phải được đọc lại theo một quan điểm khác” (15). Chính sự mơ hồ của những biểu tượng trong tác phẩm Kafka ( chẳng hạn, biểu tượng mê cung, biểu tượng vết thương, các biểu tượng liên quan đến tính dục...), cùng với rất nhiều cách hiểu về tác phẩm đã khiến cho các sáng tác của ông luôn là cánh cửa rộng mở với những diễn giải. Khai thác sự mơ hồ, huyền ảo này, các sản phẩm văn hoá đại chúng kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng của những người tiêu thụ sản phẩm lấy cảm hứng từ Kafka, qua đó, vừa đạt đến “ tính giải trí” vừa đạt được giá trị thương mại.

4.3. Và như thế, Kafka là người đã bắt nhịp cầu giữa văn hoá cao cấp và văn hoá đại chúng. Tác phẩm của ông đã rời khỏi các viện nghiên cứu, thư viện các trường đại học, những trang viết của giới hàn lâm để hoà vào dòng đời, để đến được với nhiều người hơn.

    Có thể có những quan ngại về điều này, về việc xem nền văn hoá đại chúng chỉ là thứ “ dung tục và tầm thường”, thứ văn hoá bên lề, rồi việc “ đại chúng hóa” các tác phẩm kinh điển thông qua những sản phẩm văn hoá thứ cấp có thể ảnh hưởng đến vấn đề tiếp nhận tác phẩm. Quả thật, mọi vấn đề đều có tính hai mặt, chẳng hạn, việc quá lạm dụng tính chất huyền ảo trong tác phẩm Kafka, đẩy nó đến mức kinh dị như một số trường hợp mà Iris Bruce phân tích, đã tạo nên những sản phẩm văn hoá hết sức dung tục.

     Nhưng theo chúng tôi, việc tác phẩm của Kafka được tái sinh trong nền văn hoá đại chúng đã góp thêm một cách đọc tác phẩm Kafka. Đấy là cách đọc, cách cảm nhận riêng của con người trong bối cảnh hiện đại và hậu hiện đại, với những phương tiện truyền thông đang ngày càng chi phối đời sống. Việc soi chiếu tác phẩm Kafka dưới ánh sáng Thần học, Phân tâm học, Chủ nghĩa hiện sinh, Chủ nghĩa biểu hiện, Phê bình mácxit... giờ đây có thêm một cách tiếp cận mới : cách tiếp cận từ góc độ văn hoá đại chúng.

     Với tác phẩm Kafka, rất có thể, vấn đề tiếp nhận sẽ còn nhiều đổi thay trong tương lai. Vì tác phẩm của ông luôn luôn giàu sức gợi và mới mẻ sau mỗi lần đọc lại, đúng như  Ritchie Robertson đã nói : “  Tác phẩm của Kafka tuân theo lôgich của trí tưởng tượng, gắn kết cả tư duy lẫn xúc cảm nơi người đọc. Có lẽ đây là nguồn gốc của sự hấp dẫn, là lý do khiến cho những tác phẩm hư cấu của Kafka luôn khó hiểu, trí tuệ mà không khô khan, hãy còn nói mãi với nhiều thế hệ người đọc qua bao thập niên” ( 16).

 

Tư liệu tham khảo

 

[1]  Đỗ Lai Thuý, “ Mốí quan hệ văn hoá - văn học nhìn từ lý thuyết hệ thống”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, Viện Văn họcxem trên trang mạng  http://www.vienvanhoc.org.vn

[2] Xem chi tiết trên trang web của Kafka Society of America http://www.kafkasocietyofamerica.org/programs/index.html

[3]  Xem chi tiết mục từ “ popular culture” của Từ điển trực tuyến wikipedia, http://en.wikipedia.org/wiki/Popular_culture

[4]  Tom Pendergast & Sara Pendergast (ed), St.James Encyclopedia of Popular Culture, Vol.1, St. James press, New York – London – Munich, 2000, p.xi

[5]  Gordon Lynch, Understand Theology and Popular Culture, Blackwell Publishing, Malden, 2005, p.3 – 19

      [6], [7]  Nguyễn Văn Dân, “ Toàn cầu hoá văn hoá và đa dạng văn hoá” xem            

      trên trang mạng  http://www.vanhoahoc.com

      [8],[13]    Julian Preece (ed), The Cambridge Companion to Kafka, Cambridge University  press, United Kingdom, 2002, p.242, 244

      [9],[10]  Franz Kafka, Tuyển tập tác phẩm , Nxb Hội nhà văn – Trung tâm Văn hoá &ngôn ngữ   Đông Tây, H., 2003, tr. 984 – 986, tr.15

      [11]Tzevan Todorov, Dẫn luận về văn chương kỳ ảo, Đặng Anh Đào & Lê Hồng Sâm dịch, Nxb Đại học Sư phạm, H., 2008, tr.209

      [12] J.Hillis Miller, On literature, Routledge, London and New York, 2002,   p.1

      [14] J.A.Cuddon, The Penguin Dictionary of Literary terms and Literary Theory, 4th Edition, Penguin Books, Middlesex, 1999, p. 441

      [15]  Albert Camus,  The Myth of Sisyphus and other essays, Translated  from the French by Justin O’Brien, Vintage International, New York, 1955.

      [16]  Ritchie Robertson, Kafka : A very short introduction, Oxford University    press, Oxford – New York, 2004, p. 125.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020