Đối thoại là một thành phần chủ yếu của các phạm trù lời nói trong tác phẩm tự sự, cơ bản là lời nhân vật trong mối quan hệ tương tác với lời người kể. Các thành phần lời nói này thực hiện chức năng thẩm mỹ, tạo nên tính chỉnh thể của cấu trúc văn bản nghệ thuật, không chỉ biểu hiện ở phương diện xây dựng hình tượng nghệ thuật mà còn hướng tới sự tương tác với các thành phần lời nói khác để bộc lộ đặc trưng phong cách của tác phẩm tự sự, biểu hiện quan niệm nghệ thuật của tác giả.
M.Bakhtin đã nhấn mạnh tính hình tượng, tính đa thanh của lời đối thoại trong tiểu thuyết (1). G.N.Pospelov cũng bàn về bản chất, cơ sở hiện thực của đối thoại trong tác phẩm tự sự (2). Theo V.V.Odincov có 2 dạng đối thoại: đó là đối thoại thông tin (chức năng miêu tả hoặc nêu luận cứ) và đối thoại thể loại (chức năng nhấn mạnh đặc điểm tâm lý). Đối thoại thông tin là kiểu đối thoại mang tính tuyến tính rõ rệt và nội dung của nó là tổng nghĩa các cuộc lời thoại (3).
Đối thoại thể loại là kiểu đối thoại mang chức năng thẩm mỹ, nghĩa là ngôn ngữ mang tính hình tượng, các thành tố của đối thoại chủ yếu bộc lộ tâm lý, tính cách, số phận nhân vật, phong cách của thể loại, của tác phẩm, tác giả (4).
Ngôn ngữ đối thoại trong văn học Nga trước TK XVII thường mang tính sách vở mà không chú ý tới sự cá thể hóa. Đó là ngôn ngữ ước lệ, sang trọng. Sự phát triển của văn học gắn với sự thay đổi trong những quan niệm, tư tưởng nghệ thuật, thúc đẩy những biến đổi của ngôn ngữ trong tất cả các thể loại, đặc biệt là văn xuôi. Các yếu tố của vốn ngôn ngữ xã hội: phương ngữ, biệt ngữ, tiếng lóng, ngôn từ hội thoại hằng ngày dần dần xâm nhập, thẩm thấu vào văn xuôi nghệ thuật. Các thành phần lời nói trong tác phẩm văn xuôi nghệ thuật (tiểu thuyết, truyện ngắn) dần bớt đi tính ước lệ, tính cách biệt với các lớp ngôn từ xã hội, trở nên sống động hơn, mang tính cá thể hóa cao hơn. Puskin là người đầu tiên cải tạo ngôn ngữ Nga, đưa nó tới gần với cuộc sống hiện thực, đa dạng, phong phú và thuần Nga.
Văn xuôi Puskin là một thành công về khắc họa tính cách nhân vật bằng chính lời nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật của Puskin không chỉ là công cụ, phương tiện của sự miêu tả mà đã trở thành đối tượng miêu tả.
So với nhiều nhà văn cùng thời, Puskin sử dụng đối thoại với mật độ đậm đặc hơn trong tác phẩm. Ngôn ngữ đối thoại của ông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cốt truyện phát triển, thể hiện rõ chủ đề của tác phẩm và đặc biệt khắc họa tính cách của nhân vật. Sau đây là kết quả khảo sát của chúng tôi về mức độ sử dụng đối thoại của Puskin:
Bảng thống kê
Tác phẩm
|
Số cuộc thoại
|
Số cuộc thoại dài từ 2 trang trở lên
|
Độc thoại và độc thoại nội tâm
|
Phát súng
|
8
|
2
|
1
|
Bão tuyết
|
8
|
1
|
1
|
Ông chủ hiệu đám ma
|
5
|
|
1
|
Người coi trạm
|
8
|
1
|
1
|
Cô tiểu thư nông dân
|
9
|
2
|
3
|
Con đầm pích
|
15
|
3
|
6
|
Người con gái viên đại úy
|
84
|
11
|
16
|
Có thể thấy rằng, trong văn xuôi của Puskin, ngôn ngữ đối thoại chiếm tỉ lệ cao hơn so với độc thoại và đội thoại nôi tâm. Đặc điểm này của cấu trúc lời nói trong văn xuôi của Puskin có liên quan chặt chẽ với đặc trưng thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. Để xây dựng nhân vật và phát triển cốt truyện, Puskin đã sử dụng rất nhiều cuộc đối thoại, trung tâm của truyện là các đối thoại dài. Nhân vật trong văn xuôi của Puskin xuất thân từ mọi tầng lớp: quý tộc, tiểu thủ công, nông dân, sĩ quan... mang những đặc điểm tính cách khác nhau. Không gian trong các tác phẩm là không gian xã hội, không gian tâm lý và không gian thiên nhiên như làng quê yên bình, trang trại, trạm giao thông, thành thị. Không gian đó luôn đối lập (tương phản) nhau làm nổi bật tích cách và tâm lý nhân vật của Puskin. Thời gian nghệ thuật trong văn xuôi thường là thời gian sinh hoạt của nhân nhân vật, thời gian sự kiện và thời gian tâm lý. Trong cái không gian và thời gian ấy, cuộc sống hiện thực và con người Nga TK XIX hiện lên một cách chân thực nhất.
1. Các tình huống đối thoại trong văn xuôi Puskin
Để xây dựng đối thoại, Puskin đưa ra những tình huống, hoàn cảnh làm nền cho đối thoại xuất hiện. Lời nói của nhân vật luôn tác động vào nhau đẩy xung đột của truyện phát triển, đồng thời bộc lộ bản chất, mục đích hành động của các nhân vật.
Tình huống nói dối
Đây là một thủ pháp xây dựng tình huống rất điển hình trong những tác phẩm hài, truyện cười. Puskin đã dùng triệt để đối thoại để xây dựng tình huống nói dối mang màu sắc hài nhẹ nhàng, nhưng rất lãng mạn nhằm tạo sự phát triển cốt truyện.
Trong Cô tiểu thư nông dân, Lida đã cải trang thành một cô thôn nữ và nói dối mình là con gái của bác thợ rèn vì tò mò muốn biết Alếchxây là người như thế nào. Sau khi sự thật được khám phá thì cũng là lúc Alếch xây và Lida yêu nhau.
Trong Người con gái viên đại úy, tình huống nói dối thể hiện rõ con bản chất con người. Đó là đoan đối thoại khá dài về Grinhốp nói dối Svabrin về tình yêu của mình với Maria, con gái của viên đồn trưởng. Khi bị Svabrin lật tẩy, để bảo vệ danh dự của mình Grinhốp đã đưa ra lời quyết đấu.
Tuy tình huống nói dối trong văn xuôi không nhiều nhưng nó trở thành yếu tố quan trọng trong phát triển cốt truyện cũng như tính cách của nhân vật.
Tình huống tạo lập, thực hiện, phá vỡ âm mưu
Puskin xây dựng kiểu tình huống mang tính kịch rất đậm kiểu này trong văn xuôi của mình để lột tả bản chất của con người. Tình huống này thể hiện rõ nhất trong Con đầm pích qua đoạn đối thoại giữa nhân vật chính Gherman và bà lão bá tước. Với âm mưu chiếm đoạt 3 quân bài, Gherman đã suy nghĩ rất nhiều và khi đối diện với bà bá tước, Gherman đã bộc lộ rõ con người của mình. Vì khát vọng giàu sang, Gherman đã quỳ xuống, van xin và làm mọi cách để đạt được mục đích của mình. Nhưng khi thấy rằng mọi cái đều là vô ích, anh ta đã nổi đóa và vô tình giết chết bà bá tước (5).
Hay đoạn đối thoại giữa bác Xavêlích và Pugatsốp trong Người con gái viên đại úy. Để cứu người chủ của mình khỏi bị treo cổ, Xavêlích đã nghĩ ra cách liệt kê những tài sản bị cướp mong rằng Pugatsốp thương tình (6).
Tình huống bộc lộ cảm xúc thầm kín, bí mật
Tình huống này xuất hiện không nhiều nhưng thể hiện rất đúng tình yêu của những chàng trai cô gái Nga TK XIX. Cách bày bỏ tình yêu của Burmin và Maria trong Bão tuyết, của Lida và Alếchxây trong Cô tiểu thư nông dân, của Grinhôp với Maria trong Người con gái viên đại úy được xây dựng trong những khung cảnh lãng mạn (sau vườn, trong rừng) và trong những trường hợp đặc biệt (chăm sóc khi ốm đau). Tình cảm của họ thật trẻ trung và trong sáng. Lời tỏ tình của các nhân vật trong các tình huống thường không hề hoa mỹ mà bộc lộ bản chất thật của nhân vật (7).
Có thể thấy, đối thoại đóng vai trò quan trọng trọng việc xây dựng tình huống, đưa đến sự phát triển của cốt truyện và bộc lộ tính cách và tâm lý nhân vật.
2. Quan hệ tương tác giữa lời đối thoại và các phạm trù, các dạng lời nói
Trong tác phẩm, Puskin, rất hạn chế sử dụng độc thoại và độc thoại nội tâm để biểu hiện tâm lý, tính cách nhân vật. Thế giới tâm lỹ của nhân vật không được phanh trần, mổ xẻ bằng các yếu tố độc thoại hay độc thoại nội tâm mà phần nào được che giấu, bộc lộ một cách từ từ theo quá trình phát triển của truyện kể. Lời người kể và lời đối thoại tương tác với nhau một cách chặt chẽ trong quá trình thực hiện chức năng thẩm mỹ.
Chức năng biểu hiện tâm lý, tính cách nhân vật
Tâm lý, tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nét qua lời đối thoại. Puskin để cho các nhân vật của mình tự nói lên con người của mình qua đối thoại. Trong những tình huống như vậy, lời người kể là những lời dẫn dắt thể hiện cảm xúc, thái độ của nhân vật phù hợp với cuộc đối thoại (8).
Lời người kể chuyện còn đóng vai trò miêu tả, phân tích rõ hơn đặc trưng tâm lý của nhân vật phù hợp trong từng ngữ cảnh (9).
Sự tương tác giữa lời kể và lời nhân vật trong vai trò thể hiện tâm lý, tính cách nhân vật trong văn xuôi của Puskin có nhiều kiểu khác nhau, vì thế lời nói luôn đa dạng và hấp dẫn.
Chức năng bộc lộ tình huống truyện kể
Đối thoại có vai trò quan trọng trong việc xây dựng tình huống truyện, trong đó lời nhân vật là thành phần trực tiếp tham gia cốt truyện, còn lời người kể là nơi kết nối các sự kiện, các tình huống và sự kiện của truyện. Trong văn xuôi Puskin, lời người kể chỉ dẫn cho những thay đổi trong tình huống, sự phát triển của đối thoại, chẳng hạn đoạn hội thoại dài giữa Gherman và bà lão bá tước già (10). Muốn làm giàu một cách nhanh chóng, Gherman đã tìm đến bà lão để mong làm sao lấy được bí quyết ba quân bài. Trong đối thoại này, dường như chỉ có mỗi Gherman độc thoại với chính mình. Giọng điệu của Gherman cũng có sự thay đổi. Lúc đầu thì cầu xin, van lơn, nhưng cuối cùng thì giận dữ, quát nạt. Đây là cuộc thoại mang kịch tính cao, làm sáng rõ những tham vọng sâu thẳm trong con người Gherman.
Trong văn xuôi của Puskin, đối thoại thường có lời dẫn của người kể. Những lời dẫn dắt ngắn hay dài phụ thuộc vào trong mỗi cuộc hội thoại. Các cuộc đối thoại mang tính chất trao đổi thông tin thường lời dẫn dắt ngắn gọn (11).
Các cuộc thoại dài, khi phát triển lên cao, Puskin lược bỏ hoàn toàn những lời dẫn thoại. Điều đó tạo cho đối thoại trỏ thành trung tâm của cốt truyện.
3. Tính chất của các yếu tố ngôn từ vận dụng trong đối thoại
Ngôn ngữ đời thường bình dị
Là người đầu tiên dặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực Nga, Puskin rất chú trọng đến việc xây dựng cốt truyện, đặc biệt là ngôn ngữ trong sáng tác. Khác với những nhà thơ, nhà văn TK XVIII như Giucốpxki, Đécgiavin, Caramdin, Puskin đưa vào trong tác phẩm ngôn ngữ đời thường của cuộc sống hiện thực Nga những năm 20 TK XIX.
Ví dụ đối thoại giữa Vladimir và ông lão trên đường đi qua. Puskin đã sử dụng khẩu ngữ và đặc biệt là ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ người dân sử dụng hàng ngày vào trong tác phẩm. Trong cuộc đối thoại, tâm trạng Vladimir rất sốt ruột, bồn chồn, lo lắng vì lạc đường và không kịp đến nhà thờ làm lễ (12).
Hoặc trong đoạn đối thoại giữa bác Ađrian và cô người hầu ở cuối tác phẩmÔng chủ hiêu đám ma. Đoạn thoại cuối cùng cho chúng ta thấy lần đầu tiên trên khuôn mặt của bác Adrian lại xuất hiện nụ cười sau những bon chen về cơm áo gạo tiền, một cuộc sống mới với niềm tin mới (13).
Đối thoại thể hiện cuộc sống của mọi tầng lớp, đặc biệt là sự nhàn rỗi của lớp sĩ quan, chỉ ăn và chơi bài thâu đêm suốt sáng (14).
Thế giới nhân vật trong văn xuôi Puskin đa dạng, phong phú. Ngôn ngữ của con người thể hiện đầy đủ tính cách, địa vị xã hội của con người đó.
Chẳng hạn đối thoại giữa bác Xamxơn Vưrin và đại úy Minxki (15). Bác Xamxơn Vưrin, người coi trạm sống cùng cô con gái yêu quý, chỗ dựa tinh thần duy nhất trong cuộc sống đầy khốn khổ về cả vật chất lẫn tinh thần. Bỗng một ngày bác bị xã hội quý tộc cướp đi nốt chỗ dựa ấy. Nhưng đứng trước kẻ cướp ấy, bác vẫn phải quỵ lụy mong làm sao đưa được đứa con gái trở về. Ngôn ngữ thưa bẩm cùng thái độ run rẩy của bác đẫ khắc họa rõ nét thân phận con người bé trong xã hội Nga TK XIX: bé nhỏ trong tính cách cũng như trong tinh thần.
Trong văn xuôi của mình, Puskin có đưa vào, tuy không nhiều, ngôn ngữ ngoại lai - đó là tiếng Pháp, một cái mốt của giới quý tộc Nga trong TK XIX (16).
Puskin đưa vào trong những cuộc hội thoại những thành ngữ, tục ngữ làm sinh động thêm ngôn ngữ nhân vật (17).
Sử dụng ngôn ngữ hàng ngày trong tác phẩm tạo nên tính chân thực của cuộc sống. Với những đối thoại bình dị, tự nhiên Puskin đã miêu tả hiện thực cuộc sống của con người Nga TK XIX.
Đối thoại tâm lý hóa
Có những cuộc đối thoại dài chứa những cuộc thoại ngắn, đóng vai trò quan trọng việc xây dựng nhân vật và mang chủ đề của tác phẩm. Đó là những đoạn hội thoại đan xen qua khứ của nhân vật. Đọc Phát súng, chúng tôi thống kê được 3 cuộc đối thoại, trong đó 2/3 cuộc đối thoại đều rất dài và nội dung chính của tác phẩm tập trung vào các cuộc thoại đó. Cuộc đối thoại thứ nhất thực chất là câu chuyện của Xinviô kể cho nhân vật tôi nghe về cuộc đời của mình trước khi chuyển đến sống ở thị trấn X và nguyên nhân nào đã đưa Xinviô về sống tại thị trấn này. Cuộc đời bí ẩn của Xinviô dần dần đựơc hé mở.
Puskin đã để cho nhân vật tự kể với cái nhìn khách quan về cuộc sống của những chàng sĩ quan Nga đầu TK XIX. Chính vì tính ngông cuồng và sự sùng bái cá nhân nên Xinviô đã đấu súng với một sĩ quan trẻ tuổi, thông minh, đẹp trai, vui tính, giàu có và rất đào hoa. Trong cuộc đấu súng đó, chàng sĩ quan đã bắn trượt, còn Xinviô thì xin hoãn lần bắn của mình khi thấy rằng chàng sĩ quan kia cũng không thiết gì mạng sống của mình.
Cuộc đối thoại lần hai là cuộc đối thoại giữa nhân vật tôi với bá tước, người mà Xinviô đã kể trong cuộc đấu súng. Bá tước kể cho nhân vật tôi phần tiếp cuộc đấu súng giữa Xinviô và ông. Cuộc đối thoại này kéo dài, chủ yếu là bá tước kể lại cuộc gặp mặt với Xinviô. Một con người đẹp trai, thông minh, không thiết gì đến mạng sống của mình đã thay bằng một con người biết suy nghĩ đến số phận cuộc đời mình. Đứng trước cuộc đấu súng với Xinviô, trước người vợ mới cưới, bá tước đã sợ hãi.
Trong hai cuộc đối thoại, Puskin đã khắc họa tâm trạng của 2 nhân vật : Xinviô và bá tước. Hai nhân vật được đặt trong những tình huống đối lập và tương phản. Không còn một Xinviô ngổ ngáo mà là một Xinviô chín chắn. Không còn chàng sĩ quan xưa kia vừa bắn vừa ăn quả anh đào và nhổ hạt phì phì trước mặt mọi người nữa, mà thay vào đó là một con người đã biết suy nghĩ trước khi hành động (18).
Trong Người coi trạm, Puskin đã xây dựng hình tượng con người nhỏ bé thông qua nhân vật Xamxôn Vưrin. Tác phẩm chỉ dài 12 trang nhưng có 7 cuộc đối thoại và trong đó có một cuộc thoại dài chứa 4 cuộc đối thoại con. Puskin miêu tả tâm lý nhân vật bằng đối thoại, làm sáng tỏ nội tâm bên trong của nhân vật. Đối thọai giữa bác Xamxơn Vưrin và nhân vật tôi kéo dài 6 trang, và đó là nội dung chính của tác phẩm. Bác Xamxơn Vưrin đã kể cho nhân vật tôi nghe về đứa con gái đã bị chàng sĩ quan giàu có đưa đi và nỗi khổ tâm của người bố khi đi tìm lại con gái mình, mong cho nó trở về nhà.
Với hình thức truyện lồng trong truyện, đối thoại lồng trong đối thoại, Puskin đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về số phận cuộc đời con người TK XIX.
Với cách xây dựng lời nói nhân vật, đặc biệt là lời đối thoại như một phạm trù lời nói thực hiện chức năng thẩm mỹ trong mối quan hệ chặt chẽ với các thành phần lời nói khác, Puskin thực sự đã tạo nên một bước phát triển đáng kể trong ngôn ngữ văn xuôi Nga TK XIX. Có thể xem đây chính là bước khởi đầu tạo nên những cuộc cách tân vĩ đại trong văn xuôi Nga giai đoạn tiếp theo với tên tuổi của Gogol, Đôxtôiepxki, Sêkhốp...
TS Thành Đức Hồng Hà
_______________
1. M.Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992.
2. G.N.Pospelốp, Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1955.
3...18. A.X.Puskin, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Cầu vồng, M, 1985.