Đỗ Phủ là nhà thơ nổi tiếng đời Trung Đường Trung Quốc. Ông sinh năm 712 mất năm 770, người huyện Củng (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay). Người đời xưng tụng ông là Thi Thánh cùng với đỉnh cao Thi Tiên Lý Bạch. Tài năng thơ ca của Đỗ Phủ được hình thành từ trước cuộc bạo loạn An – Sử (755) và liên tục phát triển trong mấy chục năm sau đó, trong thời đại suy tàn của nhà Đường. Tiếng khóc than vang lên muôn nơi vì áp bức khổ đau nay lại thêm chiến tranh động loạn liên miên. Máu và nước mắt của nhân dân Trung Quốc lại tuôn chảy trên đất nước mênh mông. Thơ ca Đỗ Phủ là nước mắt là tiếng lòng bi ai của nhà thơ về một thời đại đẫm máu và nước mắt này. Những giọt nước mắt ấy vẫn tuôn chảy tới ngày nay, chừng nào trên quê hương ông và nhiều nơi trên hành tinh này vẫn còn áp bức bất công vẫn còn chiến tranh loạn lạc.
1. Nước mắt tự thân trải nghiệm
Sinh ra trong gia đình quyền thế nhiều đời làm quan, Đỗ Phủ tự hào về gia thế và tin tưởng mình sẽ tiếp nối truyền thống làm quan theo quan niệm Nho giáo. Nhưng thực tế cuộc sống đã làm tráng chí và khát vọng trên con đường hoạn lộ của nhà thơ bị thui chột. Các lần ứng thí mong một chức quan đều bị bọn Lý Lâm Phủ ngăn trở. Mười năm sống lang thang đầy khó khăn ở Trường An, để có thể sống được, Đỗ Phủ đã phải chịu nhiều tủi nhục đắng cay của một kẻ sĩ, phải theo sau ngựa của bọn quan lại làm thơ kiếm miếng cơm thừa chả nguội qua ngày và mong họ tiến cử làm một chức quan nhỏ. Nhưng nhà vua chỉ quan tâm đến chiến tranh mở rộng bờ cõi, say mê vui hưởng lạc thú để gian thần lộng hành làm cho nền chính trị hết sức đen tối. Nhiền lần Đỗ Phủ dâng phú lên Đường Huyền Tông mong nhà vua thấy tài năng của mình. Cuối cùng cũng được nhà vua phong cho chức quan nhỏ: Hữu vệ soái phủ tào tham quân (quan coi kho vũ khí) vào năm 755.
Năm sau, loạn An-Sử nổ ra. Đỗ Phủ trôi dạt điêu linh trong chiến tranh loạn lạc, trải qua nhiều gian khổ hiểm nguy và cũng tận mắt chứng kiến cái chết của hàng triệu người dân. Thật ra Đỗ Phủ cũng có ba năm làm quan, nhưng hạnh vận không mỉm cười lâu với ông. Khi làm quan, ông cũng không nuôi nổi gia đình, để con trai chết đói. Với nền chính trị đen tối, những lời can gián ngay thẳng của ông cũng chỉ mang đến tai họa. Cuối cùng ông vẫn phải gạt lệ ra khỏi cung đình. Có điều những năm tháng ấy càng làm Đổ Phủ thấy rõ bộ mặt thật của giai cấp phong kiến thống trị. Nỗi đau từ nghèo đói, bệnh tật, sự thống khổ từ loạn lạc ly tán, chiến tranh chết chóc luôn đeo bám nhà thơ cho đến tận cuối đời.
Những trải nghiệm về sự thống khổ của đời người và người đời khiến trái tim nhà thơ thổn thức khôn ngôi, khiến nước mắt nhà thơ ướt đầm khăn áo. Thơ Đỗ Phủ phần lớn nói về nỗi đau buồn, hiếm thấy tiếng hoan ca hồn nhiên. Hoàn cảnh thời đại và trải nghiệm cảnh ngộ bản thân nhà thơ có quan hệ máu thịt. Là con người mẫn cảm với thời thế và nỗi đau con người, Đỗ Phủ đã sáng tác những tác phẩm đầy sắc thái bi kịch, những tác phẩm thấm đẫm lòng yêu nước thương dân. Chính máu và nước mắt của người dân Trung Quốc đã làm cho thơ ca Đỗ Phủ thấm đẫm chất bi thương, lay động lòng người tới cả ngàn năm sau.
2. Nước mắt của nỗi đau khổ về áp bức bóc lột và chiến tranh
Đỗ Phủ trải lòng với nỗi đau của con người trong xã hội đen tối và thời đại chiến loạn. Vì vậy thơ ca của ông đã tập trung miêu tả chính xác nỗi đau này, phê phán cuộc sống sa hoa hủ bại của gia cấp thống trị, chia xẻ nỗi đau với người dân, thể hiện sự lo lắng đến vận mệnh quốc gia dân tộc.
Bài thơ Binh xa hành đã đánh dấu bước tiến triển mới của nội dung thơ ca Đỗ Phủ. Bài thơ miêu tả cuộc bắt lính đi xâm lược mở mang bờ cõi, mang đậm tinh thần phản chiến đáng quý của nhà thơ. Mở đầu bài thơ là cảnh đưa tiễn náo loạn vì âm thanh xe ngựa và tiếng khóc vang thấu chín tầng trời:
Gia nương thê tử tẩu tương tống,
Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều
Khiên y đốn túc lạn đạo khốc
Khốc thanh trực thượng ư vân tiêu
Dịch thơ
Cha mẹ vợ con chạy theo tiễn
Bụi mù chẳng thấy cầu Hàm Dương
Níu áo giậm chân chặn đường khóc
Tiếng khóc xông lên thẳng chin tầng.
Nguyên nhân của nỗi đau kia chính là tham vọng bá quyền, thúc đẩy chiến tranh xâm lược của Đường Huyền Tông, Đỗ Phủ đã trực tiếp chất vấn:
Biên đình lưu huyết thành hải thủy
Võ hoàng khai biên ý vị dĩ!
Dịch thơ:
Ngoài biên máu chảy thành biển đỏ
Mở cõi nhà vua ý chưa bỏ
Hậu quả của chiến tranh được nhà thơ miêu tả, từ sản xuất đình đốn, đến cả quan niệm vững chắc vốn ăn sâu trong tâm thức người dân: mong sinh con trai, nay cũng phải thay đổi. Cuối cùng hệ quả mạnh mẽ nhất của chiến tranh là cái chết. Cái chết được hiện hình bởi những tiếng khóc của ma mới và ma cũ trong không khí ảm đạm thế lương nơi bãi chiến trường:
Quân bất kiến Thanh Hải đầu
Cổ lai bạch cốt vô nhân thâu
Tân quỷ phiền oan cựu quỷ khốc
Thiên âm vũ thấp thanh thu thu
Dịch thơ:
Há chẳng thấy miền Thanh Hải kia sao?
Xưa nay xương trắng ai nhặt đâu
Ma mới kêu oan ma cũ khóc
Trời âm mưa thấm tiếng hu hu!
Nhà thơ đã đưa ra câu hỏi như một lời chất vấn tham vọng bá quyền của giai cấp thống trị trên đất nước Trung Quốc rộng lớn và khái quát mạnh mẽ về hậu quả khốc liệt của chiến tranh từ xưa tới nay. Bài thơ có sự hô ứng giữa tiếng khóc của người sống lúc đưa tiễn và tiếng khóc của hồn ma lúc kết thúc, lại càng thể hiện cao độ tinh thần phê phán chiến tranh của nhà thơ.
Cùng với việc tố cáo chiến tranh loạn lạc, Đỗ Phủ còn tố cáo áp bức bóc lột về kinh tế của giai cấp thống trị:
Nghèo đến xương còn lo thuế khóa
Lệ đầm khăn những tủi can qua.
(Hựu trình Ngô lang)
Áp bức bóc lột về kinh tế và chiến tranh là hai tai họa lớn mà nhân dân Trung Quốc nói riêng và nhân loại nói chung phải gánh chịu hàng ngàn đời nay. Đỗ Phủ đã thức nhận được sự đối lập xã hội này và thẳng thắn vạch trần:
Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt
Dịch thơ
Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt
(Tự Kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự)
Và chính nhà thơ cũng đã từng trải nghiệm nỗi khổ cùng cực này của con người. Ông không còn đủ sức khóc nữa, đành lặng lẽ nuốt nước mắt rỉ máu vào trong:
Nằm đói cứ thế mười ngày rồi
Mặc tồi mà vẫn trăm mảnh chịt.
Hã chẳng thấy tường trơ chiều trắng xóa
Không tiếng, già này khóc rỏ huyết
(Gửi đến các ngài ở hai huyện Hàm Dương và Hoa Nguyên)
Tuy nhiên là nhà nho chân chính, Đỗ Phủ không chỉ trung thành với nhà vua như “hoa quỳ cứ hướng dương”, mà tấm lòng của nhà thơ còn đau đáu nỗi lo cho dân cho nước. “Ái quốc” và “ưu dân” vốn là hai mặt khó có thể dung hòa. Suốt cuộc đời đầy thăng trầm khổ nạn, song nhiệt tình chính trị của Đỗ Phủ chưa hề nguội tắt, chính vì vậy mới đầy mâu thuẫn. Một mặt là thái độ phục tùng nhà vua của một bầy tôi hết sức ngoan cố, mặt khác lại là một tinh thần đầy trách nhiệm của một trí thức phong kiến với tình hình đất nước chiến loạn, dân chúng đau thương. Cả hai mặt này đều được thể hiện sinh động trong ngôn ngữ và hình tượng thơ của Đỗ Phủ tiêu biểu là sáu bài thơ trong chùm thơ “Tam lại Tam biệt”. Nhà thơ phản đối quan lại triều đình tàn bạo trong đôn quân bắt lính, bất tài vô lực trong chiến đấu chống giặc, nhưng ông vẫn động viên vợ, con, già, trẻ từ những xóm nghèo ra chiến trường để chống lại An Lộc Sơn như một hành động yêu nước, bỏ lại hậu phương quê nhà tiêu điều sơ xác. Những giọt nước mắt khổ đau của người dân muôn nơi trên đất nước Trung Quốc rộng lớn, lại ngày đêm tuôn chảy vì chiến tranh và áp bức bóc lột, hôm nay ở thôn Thạch Hào là tiếng “khóc ấm ức”, ngày mai ở Đồng Quan là tiếng khóc thống thiết vì hàng vạn chiến binh biến thành cá; ngày kia ở huyện Tân An là “Tiếng khóc vang non xanh”; gia đình này là hành động gạt lệ của cô dâu vừa về nhà chồng, dù “thân phận chưa rõ ràng”, đã phải tiễn chồng đi lính (Tân hôn biệt), gia đình kia là bà lão chẳng còn nước mắt khóc con chết, cháu chết vì chiến tranh, nay lại làm mâm cơm, tiễn chồng chống gậy ra chiến trường (Thùy lão biệt) và khổ đau khôn cùng là người lính cô đơn, trải qua chiến tranh, thoát chết trở về làng, chỉ thấy đổ nát tiêu điều, chẳng còn lấy một người thân mà vẫn phải chia tay (Vô gia biệt)… Đỗ Phủ dù có trung quân ái quốc, nhưng đối mặt với hiện thực quá tàn khốc, ông sẵn sàng đứng về phía nhân dân. Ông không chỉ khóc cho sự thống khổ của người dân, mà còn tố cáo sự vô cảm nhẫn tâm của những viên lại, đại diện cho triều đình nhà Đường gây nên thảm cảnh này:
Dẫu cho khóc rũ xương
Trời đất vẫn vô tình.
(Tân An lại)
Nguyên văn câu thơ đầy bi phẫn trên là: “Nhãn khô tức kiến cốt, thiên địa chung vô tình” (lệ cạn sẽ thấy xương, trời đất vốn vô tình) đã thể hiện một sự thật bi thảm. Trong thiên hạ này, người dân bị dồn đến con đường cùng, khóc lóc đến cạn nước mắt cũng chẳng ai thấu hiểu. Hàng ngày họ cứ tiếp tục hy sinh cho đến người cuối cùng vì tham vọng bành trướng và bóc lột để thỏa mãn hưởng lạc của các vua chúa trong vương triều Đại Đường. Tuy nhiên nỗi đau khôn cùng ấy, thảm họa ấy vẫn diễn ra muôn nơi và rơi vào sự vô cảm, vô tình của đất trời và của con người.
3. Nước mắt của một trái tim yêu thương và một tâm hồn cao thượng
Điều đáng quý của bậc Thi Thánh Đỗ Phủ là ông không chỉ cảm nhận sâu sắc nỗi đau của con người vì bị áp bức bóc lột, bị đẩy vào chiến tranh loạn lạc mà là ông vượt lên nỗi đau của bản thân đến với nỗi đau đời. Tình cảm của ông không chỉ rộng lớn và sâu sắc mà còn hết sức tiến bộ và cao thượng.
Cuộc đời Đỗ Phủ luôn bị khổ sở vì binh đạo loạn lac, bôn tẩu vì cơm áo, bệnh tật dày vò, nên thơ ca của ông trước hết là những rung động sâu sắc vì những trải nghiệm đắng cay. Nhưng quan trọng hơn, đáng trân trọng hơn là ông đã vượt lên nỗi thống khổ của bản thân để đến với nỗi đau đời. Trái tim đau thương rỉ máu của ông luôn suy nghĩ vì quốc gia và nhân dân, suy tư về quá khứ và hướng tới tương lai của thế giới và nhân quần. Bài “Tự Kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự” đã thuật lại những điều mắt thấy (sở kiến hành), trên đường đi từ kinh đô Tràng An đến huyện Phụng Tiên. Mười năm trời chịu bao tủi nhục ở Trường An, tìm mọi cách dâng thơ phú lên vua, Đỗ Phủ mới nhận được một chức quan nhỏ. Ông về thăm gia đình ở Phụng Tiên. Những gì tận mắt nhà thơ chứng kiến là nỗi đau của người dân và cảnh sống sa hoa của bọn quý tộc, vừa về đến nhà đã nghe thấy tiếng gào khóc, mới biết con trai của ông vừa chết đói. Vượt lên nỗi lòng và trách nhiệm của người cha xót thương con trai, ông mở lòng đến với nỗi đau của dân chúng bằng cả trách nhiệm một người làm quan, được miễn sưu thuế, miễn đi phu đi lính, mà còn bị khốn khổ như vậy, thì dân thường khốn khổ tới mức không còn đường sống:
Việc sưu thuế một thời được rảnh
Tên đi phu, đi lính cũng không
Vậy mà còn chịu khốn cùng
Dân thường chả trách long đong trăm đường.
Tuy nhiên cuộc đời đẫm nước mắt của Đỗ Phủ không chỉ vì nỗi đau của bản thân và nhân quần, mà có cả những giọt nước mắt của niềm vui, cho dù hiếm hoi nhưng hết sức đáng trân trọng. Đó là lúc ông và gia đình bị trôi dạt vào Tứ Xuyên, nghe tin quê nhà Hà Nam được giải phóng. Nó là tiếng reo vui từ tấc lòng của ông già đối với quê hương được giải phóng, chấm dứt chiến tranh, là khát vọng một cuộc sống thanh bình. Niềm vui của ông bột phát mạnh mẽ đến “đầm đìa nước mắt” (thế lệ mãn y thường) và lan tỏa sang cả vợ con. Giọt nước mắt của ông không phải là những giọt nước mắt của nỗi đau mà là những giọt nước mắt vui:
Kiếm ngoại hốt truyền thu Kế Bắc
Sơ văn thế lệ mãn y thường
Khước khan thê tử sầu hà tại
Mạn quyển thi thư hỉ dục cuồng…
Dịch thơ:
Ngoài Kiếm bỗng truyền thu Kế Bắc
Thoạt nghe nước mắt ứa hai hàng
Vợ con đau khổ liền vui vẻ
Sách vở mừng điên gấp vội vàng…
(Văn quan quân thu phục Hà Nam Hà Bắc)
Những hành vi vượt quá chuẩn mực của một ông già bệnh tật vốn không được làm như hát nghêu ngao, uống rượu và mơ tưởng như bay về quê… đã thể hiện niềm vui tột độ này.
Không chỉ chia sẻ với nỗi đau và niềm vui của nhân quần mà Đỗ Phủ còn có những hoài bão cao cả, những ước mơ mãnh liệt về một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc cho mọi người. Bài “Gió thu thổi tốc mái nhà” (Mao ốc vi thu phong sở phá ca) điển hình cho hoài bão và tình thương này. Nhà bị gió thu thổi tốc mái, cả nhà đang phải chống chọi với ướt và rét, nhưng nhà thơ vẫn có ước mơ thật nhân bản và cao cả:
An đắc quảng hạ thiên vạn gian
Đại tý thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan
(Sao được nhà rộng ngàn vạn gian để che cho kẻ sĩ nghèo trong thiên hạ mặt ai cũng được tươi vui). Cái ước mơ “an đắc” (sao được) ấy được Đỗ phủ chia sẻ không chỉ với kẻ sĩ nghèo, với nông dân:
An đắc chú giáp tác nông khí
(Sao được đem khí giới đúc thành nông cụ) (Bài ca “tằm lúa”)
Với đa số những người bị khổ nạn vì chiến tranh, áp bức và bóc lột về kinh tế trong thiên hạ này:
An đắc vụ nông tức chiến đấu
Phổ thiên vô lại hoành sách tiền
(Sao được chăm nghề nông, ngừng chiến đấu
Dưới trời không quan hạch sách tiền) (Mộng ngày)
Đây không phải là tình cảm yếu mềm bế tắc của nhà thơ Đỗ Phủ, cho dù những ước mơ ở đây có phần ảo tưởng, song không thể không thấy đó là phản ứng đối với xã hội đen tối, là khát vọng cháy bỏng, là tình cảm cao thượng mạnh mẽ của nhà thơ đại diện cho nhân quần, ngàn đời nay bị dày vò đau khổ, mơ ước về một xã hội đầy nhân tính, nhân tình, một xã hội không có chiến tranh, con người được bình đẳng tự do, không có cảnh người áp bức áp bức bóc lột người. Điều này làm thơ Đỗ Phủ mặc dù viết về hoàn cảnh bi kịch, phần lớn nói về nỗi buồn, về nước mắt và máu, song biểu hiện của ý cảnh vẫn đậm chất hồn hậu nhân văn.
4. Mấy lời kết
Quê hương và đất nước của thi hào Đỗ Phủ đã trải qua mười ba thế kỷ dài đằng đẵng. Biết bao thăng trầm đổi thay đã diễn ra trên đất nước và quê hương nhà thơ. Các triều đại và đời người vẫn diễn ra theo quy luật tuần tự của thịnh và suy như quy luật “mọi vật đều quay về với gốc” của Lão Tử, ai mà chống lại được.
Ngày hôm nay đất nước Trung Quốc đang “trỗi dậy hòa bình”. Nhân dân Trung Quốc đang được hưởng những thành tựu to lớn từ sự trỗi dậy này để ước mơ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới. Không ai có thể phủ nhận được đất nước Trung Quốc đã lột xác, chuyển mình cả về chính trị, kinh tế văn hóa xã hội, đến cả vị thế quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Những giọt nước mắt vui của nhà thơ họ Đỗ xưa, chắc cũng sẽ chung vui cho đất nước Trung Hoa hôm nay.
Tuy nhiên, lẽ ra sự trỗi dậy này phải là niềm vui của nhiều cộng đồng khác trong khu vực và trên thế giới. Song sự trỗi dậy này lại làm các cộng đồng khác phải giật mình, ít ra cũng có nhiều lo lắng hơn.
Sự trỗi dậy của nước Trung Quốc này, cũng phải trải qua sự lựa chọn khắc nghiệt của lịch sử. Sự lựa chọn nào cũng có giá của nó. Trải qua những năm tháng đẫm máu và nước mắt của nhân dân Trung Quốc, sự độc quyền lãnh đạo của những kẻ thống trị, của giai cấp cầm quyền vẫn luôn được xác lập và bảo lưu, để áp bức bóc lột người lao động không chỉ ở chính quốc mà còn được mở rộng ở nhiều nơi trên thế giới. Tham vọng bành trướng của vua chúa phong kiến xa xưa vẫn còn đó. Nó ngấm vào máu thịt của những kẻ thống trị ngàn năm sau, nhất là khi chủ nghĩa dân tộc cực đoạn được cổ vũ. Nếu như Đỗ Phủ đã chứng kiến loạn An-Sử kéo dài mười năm đưa đến cái chết của 27 triệu người trên tổng số 51 triệu người, thì những cuộc chiến tranh Quốc-Cộng, chiến tranh Trung-Nhật, chiến tranh Trung-Ấn, chiến tranh Trung-Việt… những cuộc chiến tranh nhằm mở rộng bờ cõi, chiến tranh biên giới… kéo dài hàng chục năm cũng đã làm hàng triệu người dân Trung Quốc và nhân dân các nước láng giềng bị xâm lược phải ngã xuống. Cuộc đại nhảy vọt ảo tưởng tiến lên chủ nghĩa xã hội, đã làm vài chục triệu dân Trung Quốc chết đói. Nhớ lại loạn An-Sử thời Đỗ Phủ cũng gây ra thảm cảnh chết đói, đến nỗi người ta phải đổi con cho nhau để ăn thịt hòng sống qua ngày. Cũng trong cuộc chiến này, hai viên tướng Trương Tuấn và Hứa Viễn tử thủ thành Tuy Dương, do hết lương thực đã phải ăn thịt người để sống, được các nhà sử học phong kiến và các văn nhân chính thống tán dương đã là minh chứng sinh động cho việc người Trung Quốc ăn thịt người với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cuộc cách mạng văn hóa long trời lở đất do Mao Trạch Đông phát động cũng dẫn đến cái chết của hàng chục triệu người. Máu của sinh viên trí thức, tương lai của dân tộc Trung Hoa cũng tưới đầy quảng trường Thiên An Môn năm 1989 do Đặng Tiểu Bình ra lệnh. Máu của những hội viên pháp luân công, của những nhà sư Tây Tạng muốn tự do tôn giáo, của hàng ngàn nông dân ở khắp nơi biểu tình đòi tài sản đất cát… hàng ngày vẫn chảy.
Những giọt nước mắt đau thương của nhà thơ Đỗ Phủ một ngàn ba trăm năm trước, đã hòa chung với những giọt nước mắt đau thương của người dân Trung Hoa, chảy dài theo lịch sử tìm kiếm hòa bình, tự do và hạnh phúc cho dân tộc Trung Hoa và cho nhân quần, cũng như cho muôn đời con cháu mai sau.
Tài liệu tham khảo chính
1. Trần Lê Bảo. Giáo trình Văn học châu Á 1 (Văn học Trung Quốc) NxbGD 2008
2. Trần Lê Bảo. Giải mã văn học từ mã văn hóa. NXB ĐHQGHN 2011
3. Chương Bồi Hoàn – Lạc Ngọc Minh (Phạm Công Đạt dịch) Nxb Phụ Nữ 2002
4. Nguyễn Khắc Phi – Trương Chính Văn học Trung Quốc T1 Nxb GD 1987.
5. Tiêu Điều Phi – Trình Thiên Phàm – Mã Mậu Nguyên… Đường Thi giám thưởng từ điển. Thượng Hải từ thư xuất bản xã 1983.