Văn học nước ngoài

VỀ MỘT VÀI KHÁI NIỆM CỦA CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI


15-10-2020

Trong khoảng một hai thập niên trở lại đây, thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại (tiếng Pháp: le postmodernisme, tiếng Anh: postmodernism) xuất hiện trên trường nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam. Có thể coi bài Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết hậu hiện đại của Antonio Blach, giáo sư văn học người Tây Ban Nha do dịch giả Nguyễn Trung Đức dịch, đăng trên tạp chí Văn học số 5/1991, là văn bản đầu tiên đưa khái niệm hậu hiện đại – chủ nghĩa hậu hiện đại vào nước ta. Khái niệm này được giới thiệu một cách hệ thống trong cuốn Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỉ XX của các tác giả I.P. Ilin và E.A.Tzurganova (do nhóm dịch giả Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội 2003), và gần đây còn có bản dịch Hoàn cảnh hậu hiện đại của tác giả J.P. Lyotard (Ngân Xuyên dịch, NXB Tri thức, Hà Nội, 2008), như là những tư liệu quan trọng để hiểu thêm về lĩnh vực này. Ngoài ra, cho đến nay cũng đã có thêm một vài đầu sách về vấn đề này, vừa của các nhà nghiên cứu ngoài nước vừa của các nhà nghiên cứu trong nước, góp phần vào việc nghiên cứu tìm hiểu một lĩnh vực mới mẻ, đầy mâu thuẫn nhưng cũng khá cuốn hút. Tuy nhiên, nội hàm của thuật ngữ vẫn đang là một vấn đề, cần nhiều minh giải. Bởi vì “mọi người đều thừa nhận rằng khái niệm Hậu hiện đại là hết sức mù mờ, thậm chí không chính xác xét về mặt ngữ nghĩa. Nhưng cái mà khái niệm này có ý nghĩa đã là một hiện tượng được cả thế giới thừa nhận. Đó là cuộc khủng hoảng sâu sắc trong lòng xã hội hậu công nghiệp phương Tây, cuộc khủng hoảng của những nguyên lí lớn từng khuấy động và điều hành sự ổn định của nền văn hóa, của tất cả những gì được gọi là Hiện đại1.

Trước hết, khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại – le postmodernisme – bao hàm trong nó tính thời gian, qua tiền tố post–hậu, nói cách khác, có thể diễn đạt quá trình phát triển của văn học phương Tây nói riêng, của văn hóa phương Tây nói chung trong khoảng hai thế kỉ trở lại đây thành tiến trình thời gian: tiền hiện đại – hiện đại – hậu hiện đại. Từ đây, khái niệm này có cơ sở để tồn tại, trước hết, không phải nó được ngẫu nhiên sinh ra mà, chủ nghĩa hậu hiện đại là một giai đoạn tiếp nối thời kì hiện đại trong đời sống tinh thần châu Âu, cũng như cách mà thời kì hiện đại kế thừa các thành quả trước đó. Vì thế, để có màu sắc riêng, chủ nghĩa hậu hiện đại, một mặt, kế thừa các truyền thống hiện đại; mặt khác, cũng sẽ đề xuất những tiền đề mới để tạo nên tính riêng của nó. Việc kế thừa có thể là kế thừa hoàn toàn có thể là kế thừa từng phần, có thể là kế thừa kiểu mô phỏng nguyên xi, có thể là kế thừa như một hình thức phê phán loại bỏ. Chủ nghĩa hậu hiện đại kế thừa chủ nghĩa hiện đại, kế thừa thời kì được minh định trong tư tưởng châu Âu bắt đầu từ chủ nghĩa Khai sáng, bắt đầu từ thời kì châu Âu bước sang giai đoạn công nghiệp, theo cách thức cuối cùng, vì thế nó trở nên ồn ào, trở nên khiêu khích bởi chính tính chất của kiểu kế thừa loại bỏ này. Tất nhiên, nếu hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ là một lát cắt thời gian thì quá ư đơn giản và cũng chẳng có gì để nói, bởi vì dù muốn hay không muốn thì thời kì hậu hiện đại cũng là thời kì tiếp nối không đảo ngược được với thời kì hiện đại nhưng đây là lát cắt đặc biệt, lát cắt tạo ra sự đứt gãy của tiến trình lịch sử tư tưởng phương Tây, gắn liền với “cuộc khủng hoảng của những nguyên lí lớn từng khuấy động và điều hành sự ổn định của nền văn hóa, của tất cả những gì được gọi là Hiện đại” như Antonio Blach đã nói ở trên; dẫn tới các quan điểm và đánh giá rất khác biệt: “Irving Howe2và Harry Levin3khám phá ra trong chủ nghĩa hậu hiện đại hiện tượng xuống cấp của văn hóa. Trái lại, đối với Susan Sontag4, Leslie Fiedler5hay Ihab Hassan6 chủ nghĩa hậu hiện đại đánh dấu một quá trình phát triển; Susan Sontag hân hoan chào đón sự ra đời của “cảm giác mới”, khúc xạ từ “nhu cầu lí tính đối với nội dung, ý nghĩa và trật tự cấu trúc”7. Đến lượt mình, Leslie Fiedler miêu tả hiện tượng hậu hiện đại như là hiện tượng “hậu – văn hóa”; công lao chủ yếu của ông là tái hiện sự từ bỏ các giá trị truyền thống (chủ nghĩa Tin Lành, chủ nghĩa Victoria, chủ nghĩa lí tính và chủ nghĩa nhân đạo), đồng thời chối bỏ sự khác biệt giữa “nghệ thuật cao quý” và “văn hóa đại chúng”. Còn Ihab Hassan lại chỉ ra “ba phương thức đổi mới nghệ thuật”, đặc thù của một trăm năm trở lại đây, đó là “chủ nghĩa tiền phong, chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại”. Ihab Hassan nhận ra, trong chủ nghĩa hậu hiện đại, những đường hướng phát triển chung, dựa trên ba sự phối hợp: “chống chủ nghĩa hình thức, tinh thần vô chính phủ và giải sáng tạo”8. Dấu hiệu của “cuộc tranh luận lớn xung quanh vấn đề về chủ nghĩa hậu hiện đại đã được đưa ra như vậy”9.

Một điều quan trọng nữa là lát cắt này sẽ xác lập các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trước hết là khái niệm đại tự sự: “Nói một cách thật đơn giản “hậu hiện đại” là sự hoài nghi đối với các siêu tự sự”10. Vậy đại tự sự là gì? Thuật ngữ đại tự sự (grands récits) mà J.F. Lyotard đưa ra, nhìn chung được các nhà nghiên cứu phương Tây quy về ba phương diện: đó là đại tự sự về huyền thoại duy lí tính, về nhận thức luận và về sự giải phóng con người; cả ba đã chi phối và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sáng tạo của phương Tây trong hai thế kỉ qua; hay dưới một góc độ khác là đại tự sự về khả năng vô hạn của phép biện chứng tinh thần (liên quan đến huyền thoại Hégel), huyền thoại về Giải thích học (hay Thông diễn học) về nghĩa và sự giải phóng chủ thể lí tính và chủ thể lao động.

Chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ đặt ra sự nghi vấn một cách triệt để về ba huyền thoại –ba đại tự sự này. Tuy nhiên, vấn đề nghi ngờ về tính tuyệt đối của ba huyền thoại đã có mầm mống, và hơn cả mầm mống, đã trở thành thành những phản ứng khá mạnh mẽ ở phương Tây trong suốt quá trình phát triển lịch sử của nó. Chẳng hạn, sự hoài nghi về huyền thoại sức mạnh duy lí tính đã dẫn tới sự nghi ngờ mà đỉnh cao là “thượng đế đã chết” của Nietzsche. Cũng như vậy với huyền thoại về khả năng giải phóng con người: “Theo nhiều quan điểm, chủ nghĩa hậu hiện đại là sự giải thể chủ nghĩa nhân đạo truyền thống; chủ nghĩa nhân đạo truyền thống này phải chịu thao tác giải cấu trúc các thực thể giá trị của nó: trước hết, là sự tôn thờ lí tính (như lí tính đã từng lên ngôi ở thời đại ánh sáng), và lí thuyết về cogito siêu nghiệm (được Descartes vinh danh trong thế kỉ cổ điển và được lấy lại sau đó bởi Kant, và muộn hơn, với Husserl)…”11. Hai đại tự sự được J.F.Lyotard đưa ra trong Báo cáo (1979) là tự sự “giải tỏa (l’émanicipation)”, và tự sự “toàn thư (encyclopédique)”, dẫn tới khái niệm “giải hợp thức hóa (la délégitimation)” nhận thức, xuất phát từ “sự xói mòn”niềm tin vào các đại tự sự. J.F. Lyotard nhận thấy “các hạt mầm (les germes)” giải hợp thức hóa nằm ngay trong “các đại tự sự của thế kỉ XIX”, trong những hạt mầm “cố hữu (l’inhérent)”12 của các đại tự sự này. Liên quan đến đại tự sự “toàn thư” là quan niệm tháo rời (le démembrement), nghĩa là chức năng của đại tự sự này hợp nhất các bộ phận nghiên cứu khác nhau thành một “mạng toàn thư” rộng lớn và phức hợp, khi tự giải tỏa sẽ đạt được một chuẩn mực độc lập nhất định trong kỉ nguyên hậu hiện đại. Sự tan rã của các đại tự sự hợp thức hóa của nhận thức, sự kết thúc của ưu thế về một “siêu ngôn ngữ phổ quát” này trong chủ nghĩa hậu hiện đại, dẫn tới áp đặt trực tiếp tính đa trị (la pluralité) vô hạn của ngôn từ. Chủ nghĩa hậu hiện đại là sự tiếp nối điển hình xu hướng tính phân mảnh (le fragmentisme), đối lập với khuynh hướng tổng thể gắn liền với thời kì hiện đại… Như vậy, có thể dễ dàng nhận ra hình thức đặc thù của chủ nghĩa hậu hiện đại, đó là “giải” ở các cấp độ và phương diện khác nhau.

Với đại tự sự sẽ có giải đại tự sự, nghĩa là tạo ra các tiểu tự sự, bởi vì theo J.F. Lyotard thì “ngày nay “chúng ta là nhân chứng chứng kiến sự đập vụn, xé lẻ “những lịch sử lớn” và sự xuất hiện vô vàn những “câu chuyện lịch sử manh mún”, đơn giản, cục bộ; ý nghĩa của những thiên trần thuật có bản chất “cực kì nghịch lí” ấy không phải là hợp thức hóa tri thức, mà là “kịch tính hóa sự hiểu biết của chúng ta về khủng hoảng”13. Đối với quyết định luận khoa học, học thuyết triết luận–lịch sử quan trọng tạo nên thành công của nhiều tác phẩm lớn ở thế kỉ XIX cũng lâm vào hoàn cảnh giải quyết định luận tương tự. Nếu quyết định luận gắn liền với duy lí tính Descartes, với triết học duy vật thế kỉ XVIII và với phép biện chứng của Hégel, với thực chứng luận của Auguste Comte thì sang thế kỉ XX, khi xuất hiện lí thuyết tương đối của A. Einstein, khi con người biết được một thực tế hiển nhiên những hết sức phũ phàng là tia sáng mà con người nhìn thấy trên mặt đất đã ra đời trước đó tám phút, thì quyết định luận rơi vào giải quyết định luận, duy lí tính rơi vào giải duy lí tính. Nhận thức luận mang tính thỏa ước vốn là điều kiện tạo dựng niềm tin vào tri thức, trở thành: “Quan điểm thỏa thuận đã trở thành một giá trị cũ kĩ đáng ngờ”14… Sự đối lập giữa chủ nghĩa hậu hiện đại với thời kì trước đó, như vậy, diễn ra đặc biệt sôi nổi từ những năm năm mươi của thế kỉ XX, đạt tới đỉnh cao với giải cấu trúc và lan tỏa rộng vào thập niên tám mươi của thế kỉ trước.

Có thể chia thành hai nhóm trên những đường hướng lớn liên quan đến vấn đề “giải” mà chủ nghĩa hậu hiện đại tiếp cận và đề xuất. Nhóm thứ nhất với các khái niệm then chốt: giải trung tâm hóa (hay phi trung tâm hóa – la décentralisation), giải cấu trúc (hay giải kết cấu – la déconstruction), phân rã (hay phát tán – la dispersion), phân mảnh (hay mảnh vỡ – le fragmentisme, còn gọi là giải tụ giải khối – la dé-massification), tính đa trị (le pluralisme)… với những đại diện nổi tiếng như Ihab Hassan, J.F. Lyotard, J. Baudrillard… Nhóm thứ hai, với các khái niệm cơ bản: đa trung tâm (le pluricentrisme); chiết trung (l’électicisme), khoan dung (la tolérence), sống chung (la cohabitation)… với các đại diện như John Barth, U. Eco, G. Vattimo, G. Durand… Có thể coi nhóm thứ hai là giải thích học mới (hay thông diễn học mới – le néo–hermétisme). Cơ sở xuất phát của các khái niệm này trước hết đều dựa trên nguyên tắc phản–mô phỏng, tức là chống lại quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng–bắt chước của Aristote; bởi lẽ sự việc sự kiện ở thế kỉ XX và cho đến nay diễn ra hết sức nhanh chóng, với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm” hay hơn thế, hơn nữa hiện thực không phải chỉ là những cái nghe được nhìn được mà hiện thực còn là những cái cảm nhận được, là những cái không nghe không thấy những vẫn tồn tại đích thực, còn là hiện thực của giấc mơ, của tiềm thức, vô thức. Cơ sở xuất phát còn là sự chống lại quan niệm về cái tổng thể (la totalité) coi xã hội như một tổng thể không thể chia tách, gắn với mô hình sản xuất tập trung trong các nhà máy, công xưởng của thế kỉ trước, trong khi mà vào cuối thế kỉ XX, với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực truyền thông, của công nghệ thông tin đã dẫn tới hình thức sản xuất phi tập trung, tính tổng thể chỉ còn là tổng thể của vùng miền của những phạm vi hẹp…

Cơ sở xuất phát còn gắn với các luận đề của chủ nghĩa cấu trúc, của chủ nghĩa hậu cấu trúc đặc biệt phát triển mạnh mẽ xung quanh những năm bảy mươi của thế kỉ XX. “Từ những năm 1970, hoàn toàn ngẫu nhiên, cuộc tranh luận xung quanh hiện tượng hậu hiện đại vượt khỏi giai đoạn này bằng sự rời bỏ cụ thể dần dần các cơ sở hình thành hệ thống lí thuyết hậu hiện đại chủ nghĩa đích thực: công lao nổi bật của khuynh hướng này thuộc về những cá nhân tầm cỡ hàng đầu thế giới: Roland Barthes, Michel Foucault, Gilles Deleuze và Félix Guattari, Jacques Derrida, Jean Baudrillard, Jean-FrançoisLyotard, Ihab Hassan, Fredric Jameson...”15

Hai nhóm này tồn tại đối lập nhưng không phủ định nhau. Quan niệm phân mảnh (cũng đồng nghĩa với giải tích hợp – la désintégration) của trường phái hậu cấu trúc đối lập với quan niệm tái tích hợp (la réintégration) của giải thích học mới. Các nhà hậu cấu trúc dùng cách diễn giải phá hủy (destructif), chẳng hạn, J. Derrida thay tư tưởng về một trung tâm bằng sự phi trung tâm hóa, chỉ ra khả năng không thể tích hợp lại của sự vật hiện tượng, trong khi đó các nhà giải thích học đưa ra cách giải thích xây dựng (constructif), tạo ra đa trung tâm (le pluricentrisme) nghĩa là các trung tâm đều tồn tại đồng thời, không loại trừ nhau. Đối với các nhà hậu cấu trúc thì việc giải tích hợp sẽ là tất yếu, còn đối với các nhà giải thích học thì hiển nhiên sẽ là tái tích hợp. Giải tích hợp của hậu cấu trúc gắn liền với ý niệm về tính tổng thể (le totalitaire) và tính hoang tưởng (le paranoїque), còn đối với các nhà giải thích học sẽ là các khái niệm giải liên hợp (dissociatif) và tâm thần phân liệt (schizophrénique). Chủ nghĩa hậu hiện đại tiếp nối sửa chữa các “khiếm khuyết” bằng các đặc điểm trái ngược, mà đầu tiên là quan niệm về giải trung tâm hóa mà không phải là giải cấu trúc hóa.

Giải cấu trúc hóa (la déconstruction) với tư cách là một quan điểm triết học được hiểu là sự giải cấu trúc của cái siêu hình học, giải cấu trúc về các quan điểm siêu hình liên quan đến các loại chủ nghĩa (isme) khác nhau mà J. Derrida gọi là ngôn từ nam tính trung tâm luận (le phallologoscentrisme) và khi chuyển sang lĩnh vực văn học thì giải cấu trúc hóa trở thành khoa học của sự ghi chép về việc viết, trở thành chiến lược của văn pháp nghiên cứu (la grammatologie). Giải cấu trúc đi vào đối thoại với ngôn ngữ học, ngữ dụng học, phân tâm học, kí hiệu học, nhân chúng học, hiện tượng luận và với các triết học khác kể cả thần học.

Giải cấu trúc không phải là phá hủy mà chỉ ra, phân biệt, khu biệt hay làm cho khác đi; chính là thao tác về sự sai biệt mà J. Derrida đã nói. “Theo Derrida16, điểm nhìn chung nhất của khuynh hướng này được phát triển từ một số giả định siêu hình vừa đủ để mở rộng những gì ông miêu tả dạng thức siêu hình về “sự hiện diện (la présence)”. Sự hiện diện này, nói chung, cho thấy các khoa học cổ điển đều xuất phát từ tiền đề về sự hiện diện tiên quyết của các đồ vật trước khi chúng được định danh; vai trò của các danh xưng không phải “để giữ chỗ” hay để “tái hiện” một số đồ vật trong sự vắng mặt tạm thời của chúng. Do đó, trong khuôn khổ cổ điển, kí hiệu học nắm giữ một tính chất kép, kí hiệu xuất hiện đồng thời vừa như là cái phụ trợ (le secondaire) vừa như cái tạm thời (le provisoire): phụ trợ, trong tiềm năng quan hệ của kí hiệu với sự hiện diện ngay từ đầu, sự hiện diện để được tồn tại trước; tạm thời trong viễn cảnh thực tại hóa cuối cùng của chính các đồ vật, vì vậy sự hiện diện này chỉ là một sự hoãn lại (từ đây thuật ngữ différence – sự hoãn lại, đình lại, được giải thích trong quan hệ chặt chẽ với động từ differer – hoãn lại, đình lại”): “Kí hiệu tái hiện sự hiện diện vắng mặt của nó. Nó đổi vị trí. Khi chúng ta không thể lấy ra hoặc chỉ ra đồ vật để nói về sự hiện diện, về thực thể hiện diện, khi sự hiện diện không tự nó thực hiện sự hiện diện, lúc đó chúng ta tạo nghĩa, chúng ta phương tiện hóa kí hiệu. Chúng ta lấy ra hay đưa ra kí hiệu. Chúng ta làm ra kí hiệu. Cho nên, kí hiệu là sự hiện diện bị đình hoãn. Dù đề cập đến kí hiệu của nói (lời) hay viết (chữ), đến kí hiệu đồng tiền, đến đoàn cử tri hay biểu tượng chính trị, sự vận động của các kí hiệu làm chậm lại thời điểm chúng ta có thể gặp chính đồ vật, có thể làm chủ đồ vật, có thể tiêu thụ hay trả tiền cho đồ vật, có thể chạm vào chúng, nhìn chúng, hay trực cảm được sự hiện diện của chúng. Những gì tôi miêu tả ở đây, với các đặc điểm tầm thường của chúng, để đi tới định nghĩa của việc tạo nghĩa như là sự đình hoãn được thời gian hóa, chính là cấu trúc cổ điển của kí hiệu: nó giả định kí hiệu, khi đình hoãn sự hiện diện, thì chỉ có thể nghĩ tới thời điểm xuất phát của sự hiện diện mà kí hiệu đình hoãn và trong cái nhìn của sự hiện diện bị đình hoãn, cái chúng ta mong muốn tiếp cận”17.

Cũng như vậy, phi trung tâm hóa nghĩa là tạo ra nhiều trung tâm, mỗi nhân vật trong tác phẩm trở thành một trung tâm của một câu chuyện nào đó; giữa các câu chuyện này có thể hoặc không có mối liên hệ nào và không có khả năng kết hợp lại với nhau; tất cả tạo thành các mảnh vỡ được khớp nối theo sở thích của tác giả. Vì thế, khi đọc tác phẩm hậu hiện đại, người đọc sẽ phải phiêu lưu trôi dạt theo các mảnh vỡ mà không nắm bắt được câu chuyện vả lại cũng chẳng có một câu chuyện nào theo mô hình kể chuyện truyền thống được đưa ra ở đây cả. Người đọc sẽ rơi vào trạng thái bất định mà nguyên lí bất định trong toán học đã được E. Thom đưa ra. Trạng thái bất định đó cũng là hiện thực của cuộc sống đương diễn ra.

Mỗi mảnh vỡ trở thành một câu chuyện, có thể lôgic có thể không, tùy thuộc trạng thái của nhân vật người kể chuyện, trạng thái kể có ý thức hay vô thức. Cho nên, mỗi mảnh vỡ đều có giá trị tự thân, giá trị đó lớn hay nhỏ, tùy thuộc chuẩn đánh giá của người đọc mà không nằm trong ràng buộc với một chuẩn chung nào cả. Chuẩn chung chỉ xuất hiện khi xã hội là một tổng thể, còn ở chủ nghĩa hậu hiện đại, xã hội là giải kết hợp, là không thể liên kết được với nhau, là nằm trong trạng thái tâm thần phân lập. Tính đa trị được hiểu là như thế.

Việc loại bỏ18 tư tưởng “trung tâm” trực tiếp xác lập một cấu trúc có khả năng thoát khỏi mọi sự kiểm soát, hoặc, nói cách khác, là xác lập một trò chơi tự do của những cái biểu đạt. Luận đề trò chơi vô hạn của cấu trúc ngay từ đầu loại bỏ tư tưởng coi kết quả cuối cùng của trò chơi này là một cấu trúc hay một tổng thể; sự vắng mặt của mọi trung tâm được tạo dựng, cũng trở thành tiền đề cho “sự thay thế vô hạn”, do đó, sự thay thế này đương nhiên là “phi tổng thể”19.

Gắn liền với tính phân mảnh là sự thay đổi tính chất của trục kể. Theo truyền thống mô phỏng, trục kể thường là tuyến tính, tuân thủ quy luật nhân quả. Ở chủ nghĩa hậu hiện đại, khi tham gia vào việc giải duy lí tính thì đương nhiên việc tuân thủ quan hệ nhân quả sẽ không còn, việc “nghe lời” quyết định luận lịch sử sẽ không xảy ra, trật tự kể trở thành phi tuyến tính, câu chuyện bắt đầu bằng một ngẫu nhiên và cũng ngẫu nhiên kết thúc, có thể kéo dài không kết thúc kiểu Finnegans Wake với mở đầu không viết hoa và kết thúc là một câu bỏ lửng không có dấu chấm câu. “Lí thuyết về văn bản là một trong những biểu hiện vững bền nhất còn lại của chủ nghĩa hậu hiện đại”20. Việc loại bỏ quan niệm cấu trúc có tính trung tâm – được trung tâm hóa và đặt ra nguyên tắc trò chơi tự do xuất hiện trong lí thuyết văn bản. “Theo xu hướng này, khái niệm tác động đến sự phát triển của tiểu thuyết đương đại, của chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa cấu trúc về “tác phẩm” (hiểu theo nghĩa một “tổng thể”, một toàn thể có tổ chức, một công trình cấu trúc hóa bền vững đặt trong quan hệ với trung tâm) sẽ nhường chỗ cho khái niệm hậu cấu trúc, cho tính văn bản (la textualité – được hiểu là “tính vô hại của sự chuyển hóa – l’innocence de la transformation”, không bị bao kín hay bị che chắn bởi quy tắc nào, được rút ra trực tiếp từ biểu hiệu của ẩn dụ mê cung –la labyrinthe; tính văn bản – Frank Lentriccha nói – là “một quan niệm chính thống, thường được bình giải cuồng nhiệt của các đệ tử Derrida ở Hoa Kỳ, qua ẩn dụ mê cung”21)”22.

Antonio đưa ra các nhận xét về đặc trưng của tiểu thuyết hậu hiện đại, trước hết là “một nhận thức mới” dẫn tới “các nghệ sĩ hậu hiện đại đã đứng vững trên lập trường hoài nghi và vô tư chân thành, và bằng cách đó họ đã chối bỏ hoàn toàn cái khuynh hướng giải thích và trình bày thế giới bằng hình thức siêu truyện. Họ đã hào hứng đi tới sự biểu hiện thế giới có tính phức tạp và phiến đoạn như họ đã trải nghiệm”. Đặc trưng thứ hai là “khuynh hướng tự ngắm vuốt mình”, “một khi các cây cầu nối liền trí tuệ của nhà văn với hiện thực cụ thể nào đó bị cắt đứt thì chúng ta không thể ngạc nhiên khi xem xét sự trở về chính mình của nhà văn trong một quá trình hướng kép. Thực tế nổi bật lên ý thức mới về sự tự tan rã của chủ đề mà các tác giả tiểu thuyết mới đã làm nổi bật theo như nhận thức của chính họ về nguồn gốc của hiện sinh. Ngược lại, ngày hôm nay sự lìa xa của chủ đề sẽ phải phụ thuộc vào cảm quan mới trước việc bắt gặp mình đang trèo trên một sợi xích nhiều tầng ý nghĩa mà chẳng cần phải dựa vào cái đã dựa vào. Từ đó, dẫn tới sự quan sát ngạc nhiên này về cái tôi vắng mặt – “cái tôi đang có mặt ở nơi khác; những mối quan hệ từ cái tôi đến cái tôi ngữ pháp trong văn bản, luôn luôn được nhân lên khiến chúng ta nghĩ tới sự tìm kiếm thường xuyên các trạng thái tâm hồn rất đa dạng và mâu thuẫn từng đưa tới sự khúc xạ có tính phiến đoạn của một Narcisse nghìn mắt”. Đặc trưng thứ ba là “một ngôn ngữ tự ám thị”, theo đó “văn bản trở thành một thực tại có ý nghĩa đầy đủ trong chính nó”. Đặc trưng thứ tư là “một thái độ khôi hài”. “Người nghệ sĩ hậu hiện đại không mơ ước một xã hội tiến bộ hơn mà họ chỉ tham gia vào sự sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật song song với thế giới hiện thực mà ở đó với tiếng cười ha hả họ quan chiêm những hình ảnh được thai nghén từ một thế giới nguyên mẫu trong đó những ấu trĩ của tính hiện đại vẫn được vận dụng một cách nghiêm chỉnh”. Đặc trưng cuối cùng là “một thứ văn chương đầy sinh lực và khát vọng”, theo đó “Tác phẩm nghệ thuật sẽ được quan chiêm nếu ở mức độ thấp thì như là một sự trình bày các trạng thái xác định của sự vật, nếu ở mức độ cao thì là một trường hợp thuận lợi cho sự sinh ra và lan tỏa những tồn lưu của sinh lực nhân loại vốn bị chèn ép từ rất lâu trong nền văn hóa của chúng ta. Với sự chối bỏ hoàn toàn các hình thức phục tùng cơ chế, các nhà văn đã làm đảo lộn ngôn ngữ của chính mình: đoạn tuyệt với ngữ pháp, không thừa nhận giá trị ý nghĩa nội tại của ẩn dụ và của tượng trưng. Họ từ bỏ khuôn mẫu, và trong trường hợp này họ đề xướng sự thái quá và sự vi phạm nguyên tắc. Nhờ hình thức này, khát vọng biến thành chủ nhân. Những đam mê, những mơ tưởng của bản năng và các hình ảnh đau đớn nhất của vô thức đã đan bện lấy nhau tạo ra những văn bản đậm đặc đủ sức chuyển tải những trạng thái căng thẳng sâu sắc của con người, chuyển tải cuộc đấu tranh giữa bản năng của sự sống và bản năng của cái chết”23. Đây là một góc nhìn khá tinh tế của nhà nghiên cứu Tây Ban Nha được rút ra từ thực tiễn tiếp cận chủ nghĩa hậu hiện đại ở phương Tây.

Các khái niệm mà chủ nghĩa hậu hiện đại đưa ra đều được hiểu từ nhiều góc độ khác nhau. Mỗi cách hiểu như vậy góp phần tường minh khái niệm, để khả dĩ có được cách hiểu ít “mù mờ” nhất. Những ý kiến trên đây của chúng tôi cũng nhằm mục đích như vậy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Antonio Blach, Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết hậu hiện đại, Nguyễn Trung Đức dịch, đăng trên tạp chí Văn học số 5/1991, trang 64-69.

2.    Irving Howe, Xã hội đại chúng và sáng tạo hậu hiện đại (Mass Society and Posmoderne Fiction), trong Sự cáo chung của cái Mới (Declins of the New)- New York, Horizon, 1970.

3.    Harry Levin, Chủ nghĩa hiện đại là gì (What Was Modernism), trong Các khúc xạ (Refractions), New York, Oxford University Press, 1966.

4.    Susan Sontag, Chống diễn giải (Against Interpretation), New York, Deli, 1966.

5.    Leslie Fiedler, Tuyển tập các tiểu luận củaLeslie Fiedler (The collected Essayes of Leslie Fiedler), vol.II, New YorkNgôi sao ban ngày (Stein in Day), 1971.

6.    Ihab Hassan, Sự tật nguyền của Orpheus: Về loại văn học hậu hiện đại (The Dismenberment of Orpheus: Toward a Posmodern Literature) Madison University of Wisconsin Press, 1971.

7.    Steven Best and Douglas Kellner,Lí thuyết hậu hiện đại. Những nghi vấn phê bình (Posmoderne Theory. Critical Interrogations), New York, The Guilford Press, 1971, p.10.

8.    Ihab Hassan, Về Quan niệm của chủ nghĩa hậu hiện đại (Toward a Concept of Posmodernism, 1971), trong Bước ngoặt hậu hiện đại. Các tiểu luận ( The Posmoderne Turn. Essays) trong Lí thuyết và văn hóa hậu hiện đại (Postmoderne Theory and Culture), Ohio, State University Press-1987, p.88-89.

9.    Liviu Petrescu,Thi pháp chủ nghĩahậu hiện đại. Bản tiếng Rumani. Trang 5

10.  J.F.Lyotard,Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, NXB Tri thức, Hà Nội, 2008, trang 54.

11.  Liviu Petrescu: Sách đã dẫn trang, 132

12.  Sách trên trang 38.

13.  Dẫn theo I.P. Ilin và E.A.Tzurganova,Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỉ XX, Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003, 409-410.

14.  I.P. Ilin và E.A.Tzurganova, sách đã dẫn trang 410.

15.  Liviu Petrescu, sách đã dẫn, trang 7.

16.  Liviu Petrescu, sách đã dẫn, trang 108.

17.  Jacsques Derrida,La Différance in Tel Quel. Théorie d’ensemble… (Paris, Editions de Seuil, 1968) trang 47-48.

18.  Liviu Petrescu, sách đã dẫn, trang 92.

19.  Jacques Derrida, Sđd, trang 289.

20.  Liviu Petrescu, sách đã dẫn, trang 96.

21.  Frank Lentricchia, Sđd, trang 179.

22.  Liviu Petrescu, sách đã dẫn, trang 93.

23.  89Antonio Blach, Bài báo đã dẫn, trang 65-68.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020