|
Bảng lược trình cho thấy trong số 30 cuốn tiểu thuyết cổ Việt Nam thuộc diện khảo sát, có 23 tác phẩm vừa là chuyển ngữ vừa là chuyển thể, 9 tác phẩm cải biên, 6 tác phẩm mô phỏng. Điều này nói lên những gì về cách tiếp nhận văn học nước ngoài của người nước ta thời xưa trên lĩnh vực tiểu thuyết ?
1. Về mặt đề tài, tiểu thuyết cổ Trung Quốc như ta được biết, bao quát một phạm vi rất rộng: linh quái (chuyện linh dị, yêu quái), yên phấn (chuyện tình, trai tài gái sắc, tài tử giai nhân), truyền kỳ (chuyện lạ ít thấy), công án (chuyện phá án hoặc xử lại những vụ án oan), pha đao (chuyện dao rựa chém giết), hãn bổng (chuyện roi gậy võ hiệp), yêu thuật (chuyện bùa chú phép thuật), thần tiên (chuyện tu tiên luyện đan, trường sinh bất tử), giảng sử (kể chuyện lịch sử), phúng dụ (chuyện khuyến thiện trừng ác), du ký (chuyện dạo chơi đây đó) v.v. Nhưng Việt Nam ta chủ yếu tiếp thu hai loại: truyền kỳ và yên phấn. Loại đề tài công án, du ký, giảng sử không phải không có, nhưng rất ít. Tiểu thuyết Hán Nôm của ta còn khai thác cả loại “bảo quyển” của Phật giáo và “hí khúc” thuộc kịch nghệ, tuy không nhiều.
Vì sao các tác giả Việt Nam lại chăm chú khai thác loại tiểu thuyết truyền kỳ và yên phấn ? Có lẽ bởi hai loại tác phẩm này dễ đọc, dễ vào đối với người Việt Nam ta hơn là các loại tác phẩm khác khi chúng tồn tại dưới dạng những văn bản ngoại ngữ.
2. Về mặt văn thể (thể chữ và thể văn), trừ một số lượng nhỏ tiểu thuyết (7 tác phẩm) vẫn dùng văn xuôi chữ Hán như bản nguồn, số còn lại (23 tác phẩm) đều được chuyển thành thơ Nôm Đường luật hoặc thơ Nôm lục bát, những phương thức diễn đạt hằng được số đông độc giả Việt Nam ưa thích.
3. Về mặt nội dung (cốt truyện, nhân vật, cấu trúc, tình tiết), do phải chuyển ngữ và chuyển thể, các tác giả Việt Nam không tránh khỏi việc cắt xén chỗ này, thêm thắt chỗ kia, nhào nặn lại nguyên tác cho phù hợp với quy cách của thể văn được sử dụng, cùng lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán của độc giả bản địa. Và như vậy, dù muốn hay không, văn bản chuyển ngữ cũng như chuyển thể trong chừng mực khác nhau, đều hàm chứa một độ chênh về nội dung so với văn bản gốc. Cái quyết định trước hết ở đây chưa phải là có hay không có sự sáng tạo, mà là việc chuyển ngữ và chuyển thể thành công hay không thành công, có “tiêu hóa” được cái ngoại lai hay không sau khi lựa chọn.
4. Bên cạnh số tác phẩm chuyển ngữ và chuyển thể, ta còn thấy có cả những tác phẩm cải biên (như Nam Hải Quan Âm bản hạnh quốc ngữ, Phương Hoa truyện v.v.) hay mô phỏng (như Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục v.v.). ở loại tiểu thuyết này, hầu hết tên người, tên đất, khung cảnh, sự kiện... của Trung Quốc đều được thay bằng tên người, tên đất, khung cảnh, sự kiện... của Việt Nam, đánh dấu cái ngoại lai đã được “đồng hóa” và chuyển vào diện “tiếp biến” theo quy luật chung của tiểu thuyết bản địa (khoảng 60 tác phẩm cả Hán lẫn Nôm) đang phát triển song song với tiểu thuyết du nhập.
*
**
Tóm lại, qua việc tìm hiểu những tiểu thuyết Hán Nôm được chuyển ngữ, chuyển thể, cải biên, mô phỏng từ tiểu thuyết cổ Trung Quốc, ta có thể hình dung một cách thức tiếp nhận văn học nước ngoài của cha ông : lựa chọn cái gì hữu ích và phù hợp với truyền thống văn hóa, văn học của dân tộc để tiếp thu, và điều quan trọng là làm sao để tiêu hóa, đồng hóa được chúng, cấp cho chúng một sức sống bản địa, biến chúng thành chất liệu góp phần đưa nền văn học Việt Nam đi lên phía trước.
T.N
SÁCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Xem Trần Nghĩa: Tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, danh mục và phân loại, Tạp chí Hán Nôm, số 3 - 1997.
2. Trần Nghĩa: Lược đồ quan hệ tiểu thuyết Hán Nôm Việt Nam và tiểu thuyết cổ các nước trong khu vực, Tạp chí Hán Nôm, số 2 - 1998.
3. Hàn Vĩ: Trung Quốc cổ điển tiểu thuyết đích phân loại, Song nguyệt san Văn Sử Triết, Đại học Sơn Đông, Trung Quốc.
4. Sách đăng ký (Hán Nôm) của Học viện Viễn đông Bác cổ (Pháp) tại Hà Nội, phần mang ký hiệu AB và VN.
5. Trần Quang Huy: Việt Nam Nôm truyện dữ Trung Quốc tiểu thuyết quan hệ chi nghiên cứu, Luận án Tiến sĩ, bảo vệ tại Đài Loan năm 1972.
6. Hà vị tỉ giảo văn học, Hoàng Tuệ Trân và Vương Đạo Nam dịch. Thượng Hải Xã hội khoa học viện xuất bản xã, 1991./.
|