Hán nôm

LƯỢC KHẢO VỀ THƯ TỊCH CỔ VIỆT NAM DU NHẬP VÀO TRUNG QUỐC


15-10-2020
Tác giả: Hà Thiên Niên

Trong quá trình giao lưu văn hóa Trung - Việt, không chỉ riêng thư tịch Trung Quốc du nhập vào Việt Nam mà cũng đã có một số tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam ra đời và lưu truyền ở Trung Quốc. Tứ khố tổng mục có ghi chép một số sách Việt Nam như An Nam chí lược của Lê Trắc, Nam Ông mộng lục của Lê Trừng, song chỉ có duy nhất một cuốn sách vốn thuộc về Việt Nam nhưng về sau du nhập vào Trung Quốc. Đó là Việt sử lược. Bài viết này nhằm tìm hiểu về một số thư tịch cổ từ Việt Nam du nhập vào Trung Quốc, nếu có điều gì thiếu sót, kính mong độc giả chỉ giáo. Niên đại các thư tịch cổ ở đây phần lớn giới hạn từ đời Thanh trở về trước.

Thời Tống, chỉ có cuốn An Nam biểu trạng của Lý Thiên Tộ tức vua Anh Tông triều Lý (ở ngôi từ 1138 - 1175) có thể được coi là có nguồn gốc từ Việt Nam. Trong Q.7 sách Trực Trai thư lục giải đề của Trần Chấn Tôn có viết: “Sách An Nam biểu trạng là do Lý Thiên Tộ tiến cống năm Thiệu Hưng thứ 25. [Sự giao thiệp hai bên] kể từ năm Tĩnh Khang thứ 2 đến bấy giờ mới bắt đầu thông suốt”. An Nam biểu trạng còn được Mã Đoan Lâm nhắc đến trong Văn hiến thông khảo. Năm Thiệu Hưng thứ 25, tức là năm Đại Định thứ 16 (1155) triều Lý. ở quyển 3 sách Đại Việt sử ký toàn thư (dưới đây gọi tắt là Đại Việt sử ký), năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 (1126) (niên hiệu Tĩnh Khang thứ nhất đời vua Khâm Tông) có đoạn: “Tháng (11) nhuận, sai Lệnh thư gia Nghiêm Thường, Ngự khố thư gia Tứ Diên đem 10 con voi thuần và vàng bạc, sừng tê sang biếu nhà Tống để tạ ơn việc bắt Mạc Hiền”. Chuyến đi tiến cống này gặp đúng lúc người Kim sang xâm chiếm, cuối cùng sứ giả đem lễ vật trở về nước, chưa được vào chầu. Việt sử lược thì ghi chép: “Năm Quý Mão niên hiệu Thiên Thuận thứ nhất (đúng ra phải là năm Mậu Thân, 1128), (Lý Thần Tông) sai người đem thư sang Tống, báo tin việc tang vua Nhân Tông và việc vua lên ngôi. Lúc bấy giờ vua Tống Cao Tông chạy loạn người Kim, đã sang sông, đóng đô ở Lâm An”. Nếu vậy thì từ niên hiệu Kiến Viêm trở đi, nước Việt vẫn có sứ sang Trung Quốc chứ không phải như Trực Trai thư lục đề giải nói rằng đến năm Thiệu Hưng thứ 25 mới bắt đầu thông sứ. Về chuyến triều cống năm Thiệu Hưng thứ 25, Tống sử cũng có ghi chép khái quát. Giao Chỉ truyện chép: Năm Thiệu Hưng thứ 25, (vua) ra chiếu chỉ cho sứ giả An Nam trọ ở dịch trạm Hoài Viễn để tỏ rõ ân sủng đối với người dị tộc. Lịch sử Việt Nam không thấy ghi chép về nguyên do của chuyến đi đó. Trong khi đó, Việt sử lược lại chép về một lần tiến cống khác: “Năm ất Hợi niên hiệu Đại Định thứ 16 (thời vua Lý Anh Tông, tức năm Thiệu Hưng thứ 25), Tống Cao Tông phong vua làm Nam Bình vương. Bấy giờ vua bèn sai Ngoại lang Nguyễn Quốc đem đồ lễ vật sang Tống. Tống Cao Tông ban cho vua áo, đai, yên, ngựa”. Nhưng đây không phải là chuyến triều cống nhà Tống cùng năm đó mà trên đây đã đề cập, bởi vì Tống sử. Giao Chỉ truyện chép: Năm Thiệu Hưng thứ 25, “tháng 8, Thiên Tộ sai bọn Lý Quốc (tức Nguyễn Quốc) đem vàng bạc châu báu, trầm hương, lông chim trả, ngựa tốt, voi thuần sang cống”. Nếu vậy thì Nguyễn Quốc phải xuất phát từ năm Đại Định thứ 16 thời Lý Anh Tông, lúc bấy giờ là năm Thiệu Hưng thứ 26 triều Tống, và trở về nước vào năm Đại Định thứ 19 (tức năm Thiệu Hưng thứ 28). Việt sử lược và Đại Việt sử ký đều có ghi chép việc này với lời lẽ khá giống nhau.

Thời Minh, bộ Việt sử lược gồm 2 sách du nhập từ Việt Nam vào Trung Quốc. Bộ thư mục sớm nhất có ghi chép về bộ sách này là Văn Uyên các thư mục của Dương Sỹ Kỳ. Phần trước của cuốn thư mục có đề: “Ngày 26 tháng 6 năm Chính Thống thứ 6 (1441), trong sách Việt sử lược có câu: Đinh Sửu niên hiệu Xương Phù thứ nhất đời vua ta hiện nay” Xương Phù (1377 - 1388)(1) là niên hiệu của vua Trần Phế Đế, cho nên sách này du nhập vào Trung Quốc sau khoảng 50 năm. Sau đó, có khá nhiều cuốn sách khác đề cập đến bộ sách này; chẳng hạn Bức Tống lâu tàng tư chí, Bão Kinh lâu tàng thư chí, Thiết Cầm Đồng Kiếm lâu tàng thư mục lục, Trù Tĩnh Trai tàng thư kỷ yếu ...

Thư tịch Việt Nam nhiều lần đề cập đến việc người Minh tìm cướp các trước tác của Việt Nam trong thời kỳ mà họ chiếm đóng. Theo Đại Việt sử ký, tháng 7 mùa thu Mậu Tuất thời vua Lê Thái Tổ (tức năm Vĩnh Lạc thứ 16 thời Minh - 1418) “nhà Minh sai Hành nhân Hạ Thanh, Tiến sĩ Hạ Thì sang thu lấy các loại sách ghi chép về sự tích xưa nay của nước ta mang về Kim Lăng”. Trong Lời tựa phần Văn tịch chí sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Cuối thời Trần bị nạn giặc Minh, sách vở đã bị mất mát nhiều hơn trước...” và chú rằng “nhà nhuận Hồ thất thủ, lúc bấy giờ tướng nhà Minh là Trương Phụ thu lấy cả sách vở kim cổ đưa về Kim Lăng”. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (sau đây gọi tắt là Việt sử thông giám ) phần Chính biên quyển 13, năm Bình Định Vương thứ 2 (tức năm Vĩnh Lạc 17 (1419) có phần chú và mục lục các sách vở bị cướp mất, tổng cộng hơn 30 loại(2). Trong các thuyết kể trên thì Đại Việt sử ký ra đời sớm nhất còn Lịch triều hiến chương loại chí - Văn tịch chí ra đời muộn hơn. Nay chúng tôi tiến hành khảo cứu Minh Thanh Tiến sĩ đề danh bi ký thì quả là có người tên Hạ Thì, đỗ Đệ nhị giáp năm Vĩnh Lạc thứ 16 thời Minh. Về việc lấy đỗ Tiến sĩ đó, sách Minh sử, Thành Tổ kỷ chép: “Tháng 3 mùa xuân năm Giáp Dần (niên hiệu Vĩnh Lạc) thứ 16, ban cho bọn Lý Kỳ đỗ Tiến sĩ cập đệ, xuất thân khác nhau”; còn sách Minh Thái Tông thực lục có đoạn: “năm Vĩnh Lạc thứ 16, (tháng 3) năm Bính Dần, bọn Trương Minh cất nhắc Đệ nhất giáp Tiến sĩ Lý Kỳ làm Tu soạn Viện Hàn lâm, bọn Trương Minh 5 người làm Hành nhân”. Có lẽ Hạ Thì được tuyển làm Hành nhân, nếu thế thì điều mà Đại Việt sử ký chép là có căn cứ.

Theo phần đề ký của sách Văn Uyên các thư mục viết: “từ năm Vĩnh Lạc thứ 19 trở đi, các loại sách ngự chế của bản triều và sách kinh, sử, tử, tập cổ kim thu hồi về Nam Kinh đều cất giữ ở hành lang phía Bắc cửa Tả Thuận, chứ chưa có thư mục hoàn chỉnh”. Còn về sách Đại Việt sử lược, nếu xét về tên gọi thì có lẽ đây là bộ sách vốn chưa được người Trung Quốc chỉnh lý; nếu xét về thời gian(3) và địa điểm thì hình như nó có liên quan đến việc người Minh cướp bóc sách của người Việt về Kim Lăng như các sách sử Việt Nam từng đề cập. Tuy nhiên, ở đây còn tồn tại 2 điểm nghi vấn: Thứ nhất, các sách được liệt kê trong Việt sử thông giám không hề thấy xuất hiện trong Văn Uyên các thư mục, trong khi đó Đại Việt sử lược cũng không thấy có trong thư mục của Việt sử thông giám (4). Thứ hai, căn cứ vào các chiếu dụ từ năm Vĩnh Lạc thứ 4 đến thứ 5 được chép trong Việt kiệu thư thì có khá nhiều lần đề cập đến việc đốt sách, trong đó có một đạo sắc cho Trương Phụ đề ngày 21 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 5: “Trước đây (trẫm) từng nhiều lần chỉ dụ cho các khanh rằng phàm là văn tự sách vở của An Nam, từ những loại sách học vỡ lòng quê mùa vụn vặt như Thượng đại quan nhân, Khâu Ất Kỉ cho đến các loại bia khắc do họ tự lập hễ trông thấy là phá huỷ ngay lập tức, không được để lại. Nay trẫm nghe nói trong quân khi thu được văn tự sách vở đã không ra lệnh cho quân lính thiêu hủy ngay lập tức, mà để lại đọc qua sau đó mới đốt. Quân lính nhiều người không biết chữ, nếu duy trì lệnh đó tất sẽ để lại nhiều thiếu sót. Nay các ngươi phải nên thực thi theo sắc trước, ra lệnh trong quân hễ gặp bất cứ vật gì có văn tự thì lập tức thiêu huỷ ngay, không được lưu lại”. Như vậy thì các cuốn sách mà người Minh rất ghét như Trung hưng thực lục hay Binh gia yếu lược liệu có còn để mà chuyển về Kim Lăng chăng? Mà giả sử có mang về Kim Lăng thì tại sao trong các sách thư mục thời Minh như Văn Uyên các thư mục lại không hề thấy nói đến một cuốn sách nào khác của Việt Nam ngoài bộ Việt sử lược ? Từ mức độ tin cậy của các tư liệu sử học cho chúng ta thấy, các sách Văn Uyên các thư mục, Việt kiệu thư ra đời sớm hơn Việt sử thông giám và Lịch triều hiến chương loại chí (5).

Minh Thái Tông thực lục viết: Tháng 6 năm thứ 16, (vua) xuống chiếu toản tu các sách quận chí, huyện chí trong thiên hạ, lệnh cho Thượng thư Bộ Hộ Hạ Nguyên Cát, Học sĩ Hàn lâm viện kiêm Hữu thứ tử phường Hữu Xuân Dương Vinh, Học sĩ Hàn lâm viện kiêm Hữu dụ đức phường Hữu Xuân Kim ấu Đôn đảm trách, lại lệnh cho bộ Lễ sai các quan đến khắp các quận huyện thu thập sự tích và sách vở cũ”. Thời bấy giờ, Giao Chỉ chỉ là quận huyện của Trung Quốc, cho nên việc “đến khắp các quận huyện” chắc chắn bao gồm cả Giao Chỉ. Sách Văn Uyên các thư mục quyển 4 có ghi chép khá nhiều sách tổng chí Giao Chỉ và địa phương chí Giao Chỉ, chẳng hạn: Giao Chỉ thông chí, Lạng Giang phủ chí ... Từ đó chúng ta có thể suy luận rằng việc Hạ Thanh, Hạ Thì sang nước Việt thu thập sách vở vào tháng 7 như Đại Việt sử ký đã đề cập chẳng qua là vì phải thực hiện nhiệm vụ toản tu sách địa chí. Có thể vì thế mà sau này các ông như Phan Huy Chú hiểu nhầm câu nói đó mà cho rằng người Minh sang cướp bóc thư tịch của Việt Nam khiến văn tịch của Việt Nam bị hủy diệt, chứ các ông không biết rằng người Minh đã chấp hành chính sách hủy hoại thư tịch ở Việt Nam một cách tàn bạo(). Ngoài điều đó ra, rất có thể sách Việt sử lược không phải là do Hạ Thanh mang về Trung Quốc trong chuyến đi đó, bởi vì nếu muốn hoàn thành công việc biên tu sách địa chí thì các sách thu thập về phải lưu giữ ở Bắc Kinh mới phải, chứ không thể để ở Kim Lăng được. Phần Ngự chế tự sách Minh nhất thống chí đề năm Thiên Thuận thứ 5 viết: “(Thái Tông Văn Hoàng đế) sai sứ đi thu thập thư tịch và bản đồ khắp các quận huyện trong thiên hạ, đặc mệnh cho các nho thần đại phu tu soạn, làm thành sách... Trẫm nghĩ cái chí của tổ tông chưa thành, những mong kế nối. Bèn sai các đại thần giỏi văn học biên tập thêm, phải thêm bớt, lấy bỏ cho thỏa đáng”. Việc Minh nhất thống chí của Lý Hiền kế thừa các tài liệu thời Vĩnh Lạc thì không có gì đáng bàn. Nhưng quyển 90 của sách này, phần viết về An Nam lại khác xa so với những gì viết trong Việt sử lược, tuyệt nhiên không thấy dấu vết của việc sử dụng hay tham khảo Việt sử lược. Như vậy, người Minh tuy có sang Việt Nam thu thập sách vở, nhưng có thể cuốn sách này cũng như các cuốn sách khác của Việt Nam đã vào Trung Quốc theo con đường dân gian.

Ngoài Việt sử lược ra lẻ tẻ trong các sách thư mục khác, chúng ta còn có thể bắt gặp một số thư tịch khác có nguồn gốc từ Việt Nam như: Quyển 6 sách Khai Hữu ích Trai độc thư chí của Chu Tự Tằng có ghi: “Việt Nam thi tuyển, Bùi Bích biên, bản in”. Tên gọi vốn có bộ sách này đã bị thay đổi, nó phải là Hoàng Việt thi tuyển mới đúng. Bùi Bích tức Bùi Huy Bích (1744 - 1818), hiệu là Tồn Am, học trò của Lê Quý Đôn. Bài tựa viết vào năm Mậu Thân (1788), còn có lời tựa khác của Đốc học trấn Sơn Nam Nguyễn Tập viết vào năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), Hy Văn đường ấn hành. Phần tiểu dẫn cho biết, sách này vốn được biên tập lại dựa trên Hoàng Việt thi lục của Lê Quý Đôn. Sách này thu thập thơ của các thi nhân 3 triều Lý, Trần, Lê của Việt Nam, gồm 193 tác giả, tổng cộng 526 bài thơ. Cuốn Hoàng Việt thi tuyển mà Chu Tự Tằng được đọc đã bị thất lạc ở đâu không rõ, nhưng hiện Viện Nghiên cứu Hán Nôm của Việt Nam còn 11 bản in. Quyển 4 sách Gia Nghiệp đường tàng thư chí ghi chép về Trích diễm tập, 6 quyển, Hoàng Đức Lương biên, bản chép tay, phần giải đề do Mậu Thuyên Tôn viết. Sách có bài tự viết vào năm Hồng Đức 28 (1497) thời Lê Thánh Tông. Hoàng Đức Lương, người làng Ngọ Kiều, huyện Gia Lâm, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức, Toàn Việt thi lục khen ông là: “Khốc hiếu thi học, củ bộ hữu Đường, từ chương thanh lệ, tình cảnh kiêm đáo” (Nghĩa là: (ông) rất thích làm thơ, quy tắc theo Đường, văn chương sáng đẹp, tình, cảnh kiêm toàn). Tác phẩm được chọn vào sách này đều là những bài thơ thể tuyệt cú của các danh gia thời Trần và thời Lê sơ, gồm 15 quyển. Cuốn Trích diễm tập mà Mậu Thuyên Tôn được đọc là bản chép tay có lời bạt của Lê Quý Đôn, nhưng hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ còn lại bản sao do Ngô Ngọc Can hiệu đính, gồm 6 quyển, không có lời bạt của Lê Quý Đôn.

Quyển 7 sách Phán thư ngẫu ký chép: Hoàng Việt dư chí, 2 quyển, họ Tôn viết, không ghi rõ tên người soạn, Việt Đông Phật Sơn Kim Ngọc lâu in khoảng năm Nhâm Thân niên hiệu Đồng Trị 11 (1872). Sách này ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm có khá nhiều bản. Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu (6), thư viện Quốc gia Paris có lưu trữ bản in năm 1883 (Quang Tự thứ 9) do Kim Ngọc lâu in.

Theo Bắc Kinh Sư phạm đại học đồ thư quán Trung văn cổ tịch thư mục thì Thư viện này có lưu trữ bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản in thì do Sơn đường ở Nhật Bản in năm Minh Trị 17 (1884), gồm 10 quyển.

Trung Quốc khoa học viện đồ thư quán tăng thiện bản thư mục ghi chép về Nam chi tập, tác giả là Nguyễn Thượng Hiền(7), một nhà yêu nước chống Pháp nổi tiếng của Việt Nam thời cận đại, nhưng niên đại sách này khá muộn, có lời tựa của Chương Bích Lân năm 1913.

HOÀNG PHƯƠNG MAI dịch
(Theo Tạp chí Văn hiến số 2, năm 2003, tr.257-261).

CHÚ THÍCH:

(1) Nguyên văn bài viết là Xương Phù (1477-1487).

(2) Tham khảo Việt Nam thông sử, Trần Trọng Kim trứ, Đới Khả Lai dịch, Thương vụ ấn thư quán, 1992, tr.145.

(3) Tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) bình định An Nam, bố cáo thiên hạ, đến năm Tuyên Đức 2 (1427) Vương Thông rời khỏi An Nam).

(4) Trần Trọng Kim nói: “Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần Văn tịch chí, điển tịch An Nam bị mang sang Trung Quốc gồm...” là không chính xác. Lịch triều hiến chương loại chí, Văn tịch chí, không thấy nói rõ những điển tịch này bị người Minh mang đi.

(5) Việt sử thông giám, soạn từ năm Tự Đức thứ 9 (1856), hoàn thành năm Tự Đức thứ 34 (1881), Lịch triều hiến chương loại chí, soạn năm Minh Mệnh 2 (1821) triều Nguyễn.

(6) Nxb. KHXH, H. 1993, tr.846 (Trong bài viết, tác giả viết là Việt Nam Hán Nôm di sản mục lục đề yếu - ND).

(7) Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.311 (Nguyên văn bài viết là Nguyễn Trung Hiền - ND).

( ) Xét theo logic, có lẽ nguyên văn câu này bị sót một đoạn - ND)./.

http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0401.htm

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020