Tự điển là gì? Tự điển là loại sách công cụ ngữ văn thường dùng hàng ngày. Mỗi khi mọi người gặp một số chữ Hán mình không biết hoặc không hiểu, sẽ mở tự điển ra để tra cứu, trong đó sẽ có âm đọc, ý nghĩa và cách dùng... của chữ đó.
Vậy lai lịch của hai chữ “Tự điển” ra sao ? Từ năm 1716 về trước, Trung Quốc vẫn chưa có “Tự điển” này. Vậy trong xã hội cổ đại kéo dài, lẽ nào Trung Quốc lại không có lấy một bộ thư tịch nào, để có thể tra cứu âm đọc và ý nghĩa của chữ Hán ? Đương nhiên là có, nhưng nó chưa được gọi là “Tự điển”.
Loại thư tịch mà Trung Quốc thời cổ đại có thể dùng để tra cứu âm đọc và ý nghĩa của chữ Hán, gồm hai loại lớn. Loại thứ nhất gọi là “Tự thư”, bộ ra đời sớm nhất là Thuyết văn giải tự, thành sách vào năm Đông Hán Hòa Đế Vĩnh Nguyên thứ 12 (Công nguyên 100), tác giả là Hứa Thận. Một loại gọi là Vận thư, bộ sớm nhất hiện còn giữ được là Thiết vận, thành sách vào năm Tùy Văn Đế Nhân Thọ nguyên niên (Công nguyên 601), tác giả là Lục Pháp Ngôn. Bộ trước là sắp xếp theo bộ thủ, tương đương với loại tự điển bộ thủ hiện nay; bộ sau sắp xếp theo vận bộ, tương đương với tự điển âm tự (thứ tự âm) ngày nay. Điều khác nhau là bộ thủ hiện đại chỉ có trên 200 bộ, còn thời cổ đại lại thường có trên 500 bộ. Âm tự của hiện đại sắp xếp theo A, B, C, D, còn cổ đại lại thường dùng vận bộ (tương đương với vận mẫu) để sắp xếp.
Lần đầu tiên dùng hai chữ “Tự điển” để gọi một bộ sách công cụ ngữ văn, chính là bộ Khang Hi tự điển, hoàn thành năm 1716.
Vậy tại sao vua Khang Hi phải cho biên soạn bộ Tự điển này ?
Khang Hi là Hoàng đế đời thứ hai của triều Thanh. Hoàng đế đời thứ nhất của triều Thanh là Thuận Trị, thời gian tại vị không dài, đại quyền luôn nằm trong tay thúc phụ là Đa Nhĩ Cổn. Mà lúc đó thời cục còn chưa định, chiến tranh liên miên, không có điều kiện để biên soạn loại sách công cụ về phương diện ngữ văn. Trách nhiệm nặng nề này, rõ ràng là đặt lên vai Khang Hi.
Khang Hi là vị vua có thời gian tại vị dài nhất Trung Quốc lúc đó, và cả thế giới nữa, những 61 năm. Lúc ông làm Hoàng đế năm thứ 49, thời cục đã thái bình từ lâu, thế là liền nẩy ra ý nghĩ biên soạn một bộ sách công cụ ngữ văn cỡ lớn.
Ở Trung Quốc, từ thời Tây Chu trở đi, mỗi khi kiến lập một triều đại mới, những người thống trị tối cao đều phải làm ba việc trọng đại, gọi là “Tam trọng”. Cái gọi là “Tam trọng”, chính là “Nghị lễ, chế độ, khảo văn”. Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc đã thi hành “xa đồng quỹ, thư đồng văn, hành đồng luân”. “Xa đồng quỹ” chính là sự thống nhất về chế độ, “Thư đồng văn” là khảo đính văn tự, làm cho nó thống nhất, “Hành đồng luân” là tiêu chuẩn hành vi của toàn quốc - nghị lễ, cũng phải nhất trí lại.
Triều Thanh sau khi kiến lập, văn tự đương nhiên cũng cần phải có một tiêu chuẩn thống nhất: sự thống nhất về hình thể chữ viết, thống nhất về âm đọc, thống nhất về giải thích. Mà trước tác quyền uy đánh dấu sự thống nhất đó, chính là bộ Khang Hi tự điển.
Năm 1710, vua Khang Hi cho gọi hai vị đại thần, từng thay nhau đảm nhiệm trọng trách Tể tướng - Văn Hoa điện Đại học sĩ, kiêm Lại bộ Thượng thư Trương Ngọc Thư và Văn Uyên các Đại học sĩ, kiêm Lại bộ Thượng thư Trần Đình Kính đến, lệnh cho họ lãnh đạo 30 vị chuyên gia ngữ văn, biên soạn bộ sách công cụ cỡ lớn, mang tính điển phạm. Vua Khang Hi còn lệnh rằng, bộ sách cự phách này nhất thiết phải vượt qua tất cả các bộ tự thư và vận thư trước đây, những chữ được thu thập phải đầy đủ nhất, chú âm phải chuẩn xác nhất, giải thích phải hoàn bị nhất. Điều đó có nghĩa là, bộ sách phải bao la vạn trượng, đưa vào toàn bộ cái hay trong các loại tự thư và vận thư cổ đại.
Trương Ngọc Thư và Trần Đình Kính sau khi nhận mệnh lệnh đã dồn hết tinh lực, ngày đêm lao tâm khổ tứ, ròng rã suốt 6 năm trời, cuối cùng, vào năm Khang Hi thứ 55 (1716) đã soạn xong bộ sách cự phách này. Vua Khang Hi sau khi xem xong vô cùng sung sướng, đích thân viết lời tựa cho bộ sách. Ông cho rằng, bộ sách này “vừa mở ra là hiểu ngay, không nghĩa nào không rõ, không âm nào không hoàn bị”. Thế là, ông liền đặt tên cho bộ sách, gọi là “Tự điển”, nghĩa là điển phạm của các loại tự thư xưa nay.
Từ đó, Trung Quốc đã sản sinh ra danh từ “Tự điển”. Nhưng, nó là một danh từ chuyên dụng, chỉ để nói về một bộ sách - Khang Hi tự điển. Chính vì danh từ này do Hoàng đế khâm định, cho nên, trong suốt 200 năm đời Thanh, hàm nghĩa của hai chữ “Tự điển” chỉ có một, đó là Khang Hi tự điển. Mãi đến năm 1914, hai ông Lục Phí Quỳ và Âu Dương Phổ Tồn chủ biên, cho ra mắt cuốn Trung Hoa đại tự điển, hai chữ “Tự điển” mới từ danh từ chuyên dụng chuyển thành danh từ phổ thông, có thể dùng để phiếm chỉ toàn bộ các sách công cụ ngữ văn.
Khang Hi tự điển tổng cộng đã thu thập được 47.035 chữ Hán, là bộ sách có số lượng chữ Hán nhiều nhất trong các tự thư xuất bản trước thế kỷ XVIII. Toàn bộ sách chia làm 214 bộ, tức dùng 214 bộ thủ để sắp xếp chữ Hán. Phương pháp này dùng mãi đến ngày nay, trở thành phương pháp thông dụng nhất hiện nay. Phương pháp chú âm vừa có “phản thiết” (dùng hai chữ để chú âm cho một chữ), lại có “trực âm” (dùng chữ đồng âm để chú âm), có thể thích hợp với những người có trình độ văn hóa khác nhau sử dụng. Sự giải thích về nghĩa của chữ lại tiếp nhận rộng rãi các kiểu nói, nên rất hoàn bị. Về cơ bản, đã đạt được yêu cầu đặt ra của Hoàng đế Khang Hi.
Chẳng hạn chữ “冲” (xung). Trước tiên dùng phản thiết chú âm: “昌 中 切”(xương trung thiết). Thanh mẫu của chữ “昌” là ch, vận mẫu của chữ “中” là ong, thanh điệu là âm bình, cho nên chữ “沖” đọc là chōng. Tiếp theo, lại dùng chữ đồng âm (trực âm) để chú âm: “音 充” (âm sung), nói rõ âm đọc của chữ “沖” và chữ “充” giống nhau. Tiếp đến, lại chú rõ chữ dị thể của nó: “同 沖” đồng xung) cho biết chữ “冲” lại có thể viết thành “沖”. Sau đó là giải thích nghĩa chữ. Tác giả đã dẫn dụng các loại ghi chép trong cổ tịch, nói rõ chữ “沖” có các nghĩa: “和” (hòa), “深” (thâm), “稚” (trĩ), “幼” (ấu)..., có thể nói rất phong phú và chặt chẽ.
Khang Hi tự điển không chỉ chú rõ âm đọc, ý nghĩa và hình thể chữ của chữ đơn, mà còn chú rõ cả ý nghĩa của các điệp tự. Chẳng hạn như chữ: “冲” (xung), điệp tự của nó là “冲 冲” (xung xung) có hai giải thích: tiếng đục băng, dáng rủ xuống (nghĩa trước là từ tượng thanh, nghĩa sau là hình dung từ). “Tự điển” đều làm khảo chứng. Đặc biệt là, trong Đạo giáo, chữ “冲” (xung) đọc thành âm “長” (cháng), giống âm đọc của vùng hẻo lánh rất hiếm thấy. Khang Hi tự điển đều thu thập đầy đủ. Qua đó đủ thấy, các soạn giả của bộ Khang Hi tự điển đã tiến hành thu thập trên diện rất rộng và đã dồn toàn bộ tinh lực vào công việc.
Xét theo góc độ ngày nay, thu thập chữ nhiều và khảo chứng tường tận, vẫn là hai ưu điểm lớn của bộ Khang Hi tự điển. Xin cử một ví dụ: trong tiểu thuyết nổi tiếng của Lỗ Tấn “Khổng Ất Kỷ”, nhân vật chính Khổng Ất Kỷ, do muốn khoe khoang học vấn uyên bác của mình, nên rất hay hỏi người khác: “chữ 回 (Hồi) có 4 cách viết, bạn đã biết chưa?” Bởi vì trong các bộ tự thư phổ thông, chữ “回” chỉ có 3 cách viết: 回, , . Chỉ có trong Khang Hi tự điển mới có cách viết thứ 4 là . Đương nhiên, Khổng Ất Kỷ chỉ muốn khoe mẽ. Song qua đó cho thấy, số lượng chữ Hán mà bộ Khang Hi tự điển thu thập nhiều biết bao.
Chẳng hạn chữ “戊” (mậu), hiện nay đọc là wu nhưng xét theo chữ hình thanh, chữ “戊” là thanh phù của chữ “茂” (mậu), nên đọc là mao. Thế nghĩa là sao ? Khang Hi tự điển đã khảo chứng rất rõ ràng. Chữ đó trong chú âm của chữ “戊” nói là “音 茂” (âm mao), nói rõ cổ âm đọc là “茂” (mao). Phía sau lại thêm phần án ngữ (lời chú), theo Ngũ đại sử, vào năm Lương Khai Bình nguyên niên (907) do kỵ húy, Hoàng đế quyết định, sửa âm đọc của chữ “戊” thành âm đọc giống như chữ “武” (vũ), đọc là wu. Như vậy, quá trình cải biến âm đọc của chữ “戊” đã được khảo chứng rất tường tận.
Đương nhiên, một bộ sách công cụ ngữ văn đồ sộ như vậy, 30 người hoàn thành trong khoảng thời gian chưa đầy 6 năm, thì sai sót khó mà tránh khỏi. Nhưng do bộ sách này được Hoàng đế Khang Hi đánh giá là “Tự thư đích điển phạm”, người khác rất khó mà sửa được chỗ sai của nó. Thời Càn Long, có một người tên là Vương Tích Hậu đã biên soạn bộ “Tự quán”, trong đó có vài chỗ phê những sai sót trong bộ Khang Hi tự điển, kết quả đã bị Hoàng đế Càn Long khép vào tội “Đại nghịch bất đạo”, cả gia đình nhà Vương Tích Hậu đều bị giết, toàn bộ sách bị thiêu hủy, trở thành vụ án văn tự cực kỳ tàn khốc. Từ đó, không còn ai dám sửa chỗ sai trong Khang Hi tự điển nữa.
Mãi đến năm Đạo Quang 7 (1827), Hoàng đế Mân Ninh mới lệnh cho nhà ngữ văn học Vương Dẫn Chi sửa chữa những chỗ sai trong bộ Khang Hi tự điển. Sau nhiều năm nỗ lực, ông đã tìm được 2588 chỗ sai trong bộ Khang Hi tự điển. Song ông không dám nói là “sửa sai”, chỉ nói là “khảo chứng”. Từ đó về sau, phía sau bộ Khang Hi tự điển đã phụ thêm phần “Tự điển khảo chứng” của Vương Dẫn Chi, coi như đã bổ khuyết được những chỗ sai sót của bộ sách cự phách này.
Ngày nay, ở Trung Quốc nhiều bộ tự điển ưu tú đã ra đời, như các bộ: Trung Hoa đại tự điển, Từ nguyên, Từ hải, Hán ngữ đại tự điển, Hán ngữ đại từ điển ... Nội dung đều vượt qua Khang Hi tự điển. Nhưng truy về cội nguồn, chúng đều chịu ảnh hưởng của Khang Hi tự điển. Công tích lịch sử của bộ sách cự phách này sẽ còn mãi.
Trần Sơn dịch
(Theo Năm ngàn năm văn hóa Trung Quốc, Nxb. Thiếu niên Nhi đồng, 1992).
http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0401.htm