Mấy năm lại đây trên các tạp chí của cơ quan Trung ương và văn bản Nôm Tày - một loại văn bản mà trước kia ít được quan tâm tới. Gần đây Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã phát hiện và sưu tầm được một số văn bản đáng chú ý. Đó là những văn bản không chỉ làm tài liệu phục vụ trực tiếp việc nghiên cứu một thành phần hữu cơ trong cơ cấu nền văn học Việt Nam đa dân tộc, mà còn là nguồn tư liệu giúp vào việc tìm hiểu các vấn đề ngôn ngữ học, văn bản học và dân tộc học. Để có thể đi sâu khai thác các di sản văn hóa thuộc loại này, hàng loạt vấn đề cần phải được đặt ra: hiện trạng văn bản ra sao ? Nội dung có những vấn đề gì? Nơi lưu trữ văn bản? v.v… Qua các chuyến đi thực tế với những kết quả thu được, chúng tôi thấy công việc tìm kiếm, lượm nhặt, bảo quản các di sản văn hóa còn phải tiếp tục làm trong nhiều năm tới đang mở ra những triển vọng tốt đẹp. Dưới đây là một vài thông tin và suy nghĩ của chúng tôi về loại văn bản đáng được quan tâm ấy.
Trước hết cũng cần nói rằng dân tộc Tày có một nền văn học thành văn khá sớm, vì trước khi có chữ Tày hiện hành, người Tày đã ghi lại các sáng tác bằng chữ Nôm của mình trên cơ sở cấu tạo chữ Hán và chữ Nôm Kinh. Các văn bản Nôm Tày còn lại với chúng ta ngày này chủ yếu là các văn bản chép tay(1). Tuy chưa thấy văn bản nào ghi năm sáng tác và tác giả của nó, nhưng một số văn bản lại có dòng lạc khoản cho ta thấy văn bản được sao chép cách chúng ta đã khá xa(2). Hơn nữa, cũng như dân tộc Kinh, dân tộc Tày có một nền văn học dân gian khá phong phú bao gồm nhiều thể loại: tục ngữ, ca dao, dân ca, phuối phác, phong slư, hát then, hát lượn; nhiều loại hình tự sự như truyện thần thoại, truyện cổ tích; và đặc biệt phổ biến là truyện thơ. Văn bản Nôm Tày là sản phẩm trực tiếp của xã hội Tày, vì vậy cũng phản ánh khá rõ tính đa dạng của xã hội ấy. Tuy nhiên, do chung sống trong một quốc gia thống nhất, do nền văn hóa Thăng Long có những ảnh hưởng nhất định đến các tộc người chung quanh mà văn bản Nôm Tày có những điểm giống văn bản Nôm Kinh cả về hình thức lẫn nội dung. Văn bản Nôm Tày cũng thường được đóng thành từng quyển mà ta vẫn quen gọi là sách. Mỗi quyển như vậy có bìa bằng giấy bản phất cậy màu xỉn nâu hoặc xỉn đen và được khâu bằng sợi se to theo lối khâu ba hoặc bốn nút. Trừ một số thể loại như phong slư thường thấy viết trên vải, các văn bản Nôm Tày dùng giấy bản là phổ biến, đóng kiểu tờ gấp, chất liệu giấy thô, với nhiều khuôn khổ khác nhau. Ví như văn bản Toọng Tương khổ 27 x 13; Tống Tân 26 x 16, nhưng văn bản Kim Quế lại có khổ 19 x 18(3) v.v… Trên giấy bản, đó là hệ thống thông tin văn Nôm viết bằng mực đen theo chiều dọc từ phải sang trái, có chấm câu và cách đoạn rõ ràng. ở mỗi văn bản lại có những kiểu viết chữ khác nhau, có lối viết chân hoặc chân bán thảo; có lối viết đơn hoặc viết kép; có lối viết phồn thể hoặc giản thể v.v… Đôi khi ở chỗ này chỗ kia lại có trường hợp cùng âm cùng nghĩa nhưng mà chữ thì khác nhau. Ví dụ âm nàng (nghĩa là nàng) có các mã ; 娘; âmnoọng (nghĩa là em) có các mã ; ; âm Rườn (nghĩa là nhà) có các mã ; . Đặc biệt âm thanh địa phương được phản ánh khá rõ nét trong văn bản. Chẳng hạn cùng từ “nói”, có nơi dùng âm chang,mã chữ là ; có nơi dùng âm phuối, mã chữ lại là . Điều này cũng gây ít nhiều khó khăn trong việc phiên âm, nhưng cũng có thể sẽ đưa lại cho ta những điều thú vị trong việc tìm đến quê hương và thẩm định lí lịch của văn bản. Dựa vào đặc điểm này, phải chăng chúng ta có thể vạch ra những tiêu chí trên con đường tìm hiểu, phân loại và khoanh vùng văn bản. Một đặc điểm có tính phổ biến trong các văn bản Nôm Tày là trong kết cấu, nội dung được trình bày theo lối chương đoạn và mở đầu mỗi đoạn bằng các chữ “lại ca đoạn” (吏 段) nghĩa là: lại nói về đoạn. Xét về nội dung thông tin thì như trên đã nói, các văn bản Nôm Tày đã phản ánh khá nhiều mặt về con người. Ở đấy ta có thể thấy những tâm tư tình cảm của con người, những triết lý sống, những kinh nghiệm sản xuất miền núi, những thuần phong mỹ tục v.v…, đặc biệt là cuộc đấu tranh gay go quyết liệt chống bọn bành trướng xâm lược phương bắc cùng được phản ánh khá đậm nét. Có thể nói văn bản Nôm Tày đã ghi được một cách sinh động những vấn đề của thời đại, của lịch sử xã hội Tày. Trong việc khai thác văn hoá văn minh của dân tộc, chúng ta quý trọng giá trị các văn bản ấy biết chừng nào.
Trở lên chúng tôi đã sơ bộ giới thiệu về diện mạo và nội dung văn bản Nôm Tày nói chung. Dưới đây chúng tôi xin điểm qua về tình hình các nguồn tư liệu mà qua điều tra chúng tôi được biết ở một số địa phương. Có thể nói ngoài những văn bản đã được lưu trữ ở kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm, còn không ít văn bản Nôm Tày đang lưu hành rải rác trên một địa bàn khá rộng. Một số cơ quan văn hóa và chính quyền địa phương đã xúc tiến việc thống kê thu thập, những văn bản Nôm Tày còn lưu trữ trong các gia đình tư nhân vẫn là chủ yếu. Nếu kể cả nguồn tư liệu sống là một số cụ biết chữ Nôm, thuộc lòng nhiều truyện, thì ở địa bàn nào có người Tày cư trú cũng có loại tư liệu sống này.
Ở các nơi như Ty văn hóa thông tin Thái Nguyên, Viện Bảo tàng, Trường Đại học Sư phạm có lưu trữ một số văn bản Nôm Tày. Đó là những văn bản sưu tầm từ nhiều địa phương và của gia đình các ông Bế Sĩ Uông. Triệu Văn Doanh, Nông Viết Toại, Hoàng Hựu. Chúng tôi được biết ông Bế Sĩ Uông có một số văn bản tốt với nội dung hay như Xuân Lan Tam Mởu Ngọ, Long Tôn, Long Lâu, Văn Thị v.v… Tuy nhiên, các văn bản ấy mới chỉ ở dạng tập hợp, còn việc bản quản khai thác nó, đúng như lời đồng chí giám đốc Viện Bảo tàng nói với chúng tôi, là phải chuyển về Viện Hán Nôm mới đúng chức năng, mới trở thành tài sản chung của quốc gia, mới có đủ phương tiện bảo quản lưu trữ. Đồng chí đó cũng đã nhận thấy rằng việc khai thác công bố các văn bản này không chỉ phục vụ riêng đồng bào Tày mà với một ý nghĩa lớn hơn là nó phải có một vị trí xứng đáng trong cái lâu đài văn hóa nguy nga của dân tộc. ý nghĩ đó đã vạch ra một phương hướng đúng cho công việc của chúng ta đang phải làm, vì mọi việc làm đúng chỉ có thể xuất phát từ cái nhìn đúng. ở huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Thái, Uỷ ban nhân dân huyện và phòng văn hóa thông tin huyện đã thông tư cho 21 xã trong huyện tổng kiểm kê toàn bộ sách Hán Nôm, kể cả sách mo then cúng bái. Kết quả bước đầu cho thấy Uỷ ban nhân dân các xã nắm tương đối chắc số văn bản Hán Nôm lưu hành trên địa bàn mình, đặc biệt là những kho sách tư nhân lưu trữ hàng chục văn bản, như gia đình các ông Nông Văn Ngọc, Vương Văn Ngấn, Nguyễn Tiến Ma (xã Đông Viên) giữ được các văn bản như Quang Vũ Nam – Kim Thị Đan, Toọng Tương, Slam Péc anh tài v.v…Gia đình các ông Lý Tiến, Nguyễn Đức Quảng, Vi Phát Nhúc, Liêu Đình Thanh (xã Rã Bản) còn giữ được các văn bản như: Kim Quế, Tần Chu, Tống Tân, Lưu Đài Hán Xuân, Thơ ca thời Đông Hán, Lượn cọi v.v… Gia đình các ông Hà Văn Cam, Hà Văn Tầm (xã Phương Viên) còn giữ được các văn bảnĐính Quân, Tần Chu v.v…. Đặc biệt trong số sách nhà ông Nguyễn Tiến Ma, có cuốn gia phổ ghi về họ Nguyễn Đức ở Nam Hà lên cư trú lâu đời với người bản xứ, nay đã trở thành người Tày. Có những văn bản nói về kinh nghiệm sản xuất, những ước mơ trong lao động: cầu phong được gió, cầu vũ được mưa, trồng khoai khoai tốt bằng đầu, trong nhà vạn đại thóc lúa đầy đa. Qua các địa phương chúng tôi được tới, tình hình cho thấy số văn bản Nôm Tày còn lưu hành khá phong phú. Chẳng hạn xã Đông Viên có 3 đơn vị hành chính là Khau Chủ, Nà Kẹt và Nà Vằn với 1.800 nhân khẩu, 38 hộ người Kinh, 138 hộ người Tày, trên một diện tích dài 4km mà có tới 5 kho sách tư nhân chứa hàng trăm văn bản (kể cả sách mo then cúng bái). Ngay trong số sách Tào Pụt mà Uỷ ban xã đã thu giữ cũng không hoàn toàn là nội dung mê tín, vì có những sách nội dung khuyên dạy con cái làm ăn lương thiện, cách cư xử trong gia đình ngoài xã hội và dạy cả kỹ thuật cày cấy theo thời vụ. Chẳng hạn bài sau đây:
Nằm nà cón ngoòng á
Khẩu chẳng quá ngài chiêng
Khẩu chẳng phiêng pác giảo
Nằm nà lăng ngoòng á
Khẩu bấu quá ngài chiêng
Khẩu bấu phiêng pác giảo.
Nghĩa là:
Cấy trước lúc ve kêu(4)
Thóc đủ ăn qua tháng giêng
Thóc đầy tràn miệng cót.
Điều đáng chú ý nữa là ngay trên một địa bàn cũng có những dị bản khác nhau cả về nội dung và hình thức. Khi Uỷ ban huyện và Phòng Văn hóa - Thông tin được biết tình hình này, đồng chí Chủ tịch huyện Đồng Phúc vẻ rất phấn khởi nói với chúng tôi nhiều vấn đề về khả năng tiềm tàng văn hóa của huyện, đồng thời cho chúng tôi biết về một bia đá có chữ Hán Nôm dựng ở ven sườn đồi xã Đồng Lạc và hiện nay cứ đến ngày tảo mộ, đồng bào vẫn thắp hương cũng vái. Đồng chí gợi ý cho chúng tôi thu thập tài liệu nghiên cứu thử xem Chợ Đồn có phải là cái nôi của văn học Tày hay không và đề nghị hợp tác chặt chẽ giữa Phòng Văn hóa huyện với viện Hán Nôm trong việc sưu tầm khai thác các di sản văn hóa của huyện.
Ở tỉnh Cao Bằng, tuy chưa có điều kiện tiến hành kiểm kê một cách có quy mô, nhưng theo điều tra sơ bộ của chúng tôi những năm trước đây thì văn bản Nôm lưu hành trong tỉnh cũng khá nhiều, chủ yếu tập trung trong các gia đình có truyền thống Hán học cũ. Tại xã Bế Triều huyện Hà An có gia đình ông Hoàng An Định, Hoàng Văn Liêm lưu giữ được một số văn bản Nôm, trong đó có những văn bản đã phiên ra tiếng Tày và công bố(5). Hàng loạt các văn bản có giá trị như Trương Hán Mộu Đơn, Thôi Văn Thuỵ, Slam péc anh Tài, Thạch Sanh, Chiêu Đức Kim Nữ, Thơ mừng năm mới, mừng đám cưới v.v…Ở bao gia đình bao địa phương chưa kể xiết. Là một tỉnh vùng cao, xa trung tâm văn hóa, nhưng lại là cố đô của nhà Mạc nên cũng có những truyền thuyết về nguồn gốc chữ Nôm Tày khá hấp dẫn(6). Đã có được một câu trả lời khoa học - Cao Bằng có phải là nơi sản sinh ra chữ Nôm Tày hay không - thì điều cần thiết là Uỷ ban tỉnh và Ty văn hóa Thông tin địa phương tiến hành việc tập hợp toàn bộ di sản bằng chữ Nôm Tày trong tỉnh, trên cơ sở đó chúng ta sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu. Nếu chỉ nghe truyền thuyết thôi thì có khác gì như “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” làm sao có thể đi đến một kết luận khoa học được.
Ở tỉnh Lạng Sơn tình hình lại khác: Số văn bản là truyện thơ có vẻ thưa thớt, nhưng số văn bản sli lượn lại có nhiều. Bởi vì đồng bào Lạng Sơn có truyền thống hát sli lượn từ lâu và cho đến nay những ngày hội chợ, ngày tết vẫn được coi là những ngày của sli của lượn. “Ca sĩ” hát sli lượn là quần chúng lao động mà chủ yếu là nam nữ thanh niên. Với hình thức diễn xướng tự nhiên, dàn trải khắp khu vực tổ chức hội hè, có khi cả bên sườn đồi, ven núi, suốt ngày đêm, những giọng sli lượn trầm bổng không dứt. Trong loại hình này ta cũng thấy có nhiều loại như lượn cọi, lượn bươu, lượn tứ quý v.v…. Đồng chí Mã Thế Vinh, phó trưởng Ty Thông tin - Văn hóa đã sơ bộ giới thiệu với chúng tôi về tình hình văn bản Hán Nôm và phương hướng hợp tác sưu tầm khai thác trong những năm tới ở một tỉnh vùng biên giới.
Ở Hà Tuyên, Yên Bái tuy chưa có điều kiện điều tra trực tiếp, nhưng qua các nguồn tin, chúng tôi thấy rằng: văn bản Hán Nôm ở các địa phương này có nhiều loại tồn tại bằng nhiều hình thức khác nhau trong dân gian. Số phận các văn bản này đang chờ đợi một sự quan tâm nào đó để từ trong quá khứ nó được sống lại với cả hiện tại và tương lai.
Tóm lại, trên đây là đôi nét về tình hình văn bản Hán Nôm Tày ở những vùng mà chúng tôi được đến. Dĩ nhiên đó mới chỉ là bước đầu khái quát với những điểm nhỏ trên một diện rộng. Tuy nhiên chúng tôi thiết nghĩ đối với các bản Nôm Tày cần phải tiến hành điều tra sưu tầm gấp với một thái độ và tình cảm trân trọng những di sản văn hóa của dân tộc. Đồng bào Tày có tập quán làm nhiều hơn nói, nhưng chắc rằng sẽ là vàng cả những khi im lặng và những điều đã nói. Văn bản Nôm Tày là di sản văn hóa đã ra đời và tồn tại thầm lặng từ xưa, nhưng chính sự thầm lặng ấy đang trở thành điều mới trong cái xưa đầy thú vị mà chúng ta ngày nay đang phải ra công phủi bụi thời gian để tìm kiếm lượm nhặt. Trên con đường tìm hiểu nghiên cứu các di sản văn hóa này, việc điều tra sưu tầm tư liệu hẳn là điều cần thiết trước tiên và cũng như trong Hội nghị bàn về sưu tầm bảo quản trước đây do Viện Hán Nôm tổ chức, chúng tôi nghĩ rằng cùng với sự hợp tác của các địa phương, Viện Hán Nôm, cơ quan chức năng, phải tập hợp được các văn bản đó về một kho lưu trữ, bởi vì có như vậy, các di sản văn hóa của dân tộc Tày anh em mới có được một vị trí xứng đáng trong vườn hoa văn hóa muôn sắc ngàn hương của dân tộc.
CHÚ THÍCH
(1) Chúng tôi đã điều tra thống kê các văn bản lưu trữ ở kho sách Hán Nôm và một số văn bản ở các huyện Na Rì, Phú Lương, Chợ Đồn tỉnh Bắc Thái, các huyện Hoà An, Trùng Khánh, Quảng Hoà tỉnh Cao Bằng; Các huyện Cao Lộc, Bắc Sơn, Hữu Lùng tỉnh Lạng Sơn thì chưa có văn bản nào in và ghi tên tác giả, mà chỉ thấy văn bản chép tay khuyết danh hoặc có bút tích của người sao chép mà thôi.
(2) Ví dụ: Văn bản Tần Chư, Nv. 78, kho sách Hán Nôm, có ghi: Thành Thái thập niên ở trang cuối. Như vậy, văn bản này đã có từ năm 1893.
(3) Toọng Tương mang ký hiệu Nv. 90; Tống Tân Nv.86 Kim Quế Nv.89 kho sách Hán Nôm.
(4) Người Tày có kinh nghiệm cấy trước lúc ve kêu là đúng thời vụ, tức là vào khoảng từ trung tuần tháng 6 đến hết tháng 7. Khoảng 30-7 trở đi về bắt đầu kêu là muộn.
(5) Văn bản Chiêu Đức Kim Nữ đã xuất bản bằng tiếng Tày; Nxb. Việt Bắc, 1975, do Hoàng An Định và Hoàng Đức Khải phiên âm.
(6) Xem truyền thuyết về chữ Nôm Tày, báo cáo khoa học của Lã Văn Lô.
http://hannom.org.vn/web/tchn/data/8501.htm