Hán nôm

VỀ HAI BỘ ĐĂNG KHOA LỤC CỔ NHẤT HIỆN CÒN


15-10-2020
Tác giả: NGUYỄN THÚY NGA

Đỗ đạt trong các thi không chỉ là thủ tục để được tuyển chọn ra làm quan, thực hiện lý tưởng đem tài năng cống hiến cho đất nước mà còn là sự hiển rạng của bản thân, gia đình, dòng họ của Nho sĩ. Việc lưu danh những người đỗ đạt qua các đời, do đó cũng không đơn thuần chỉ là hồ sơ hành chính mà còn có ý nghĩa biểu dương, cổ vũ. Sự ra đời của các thư tịch đăng khoa lục chính là để đáp ứng yêu cầu lưu danh có tính truyền thống đó.

Do nhiều nguyên nhân lịch sử, nền văn hóa nước ta đã có quan hệ tiếp xúc lâu đời với nền văn hóa Nho giáo của nước Trung Hoa cổ đại. Từ thời Lý - Trần - Hồ, và nhất là từ đời Lê, các triều vua nước ta đều lấy việc mở mang giáo dục, đào tạo nhân tài làm quốc sách. Đi đôi với việc đề cao Nho học, vai trò của khoa cử không chỉ bó hẹp trong phạm vi chính sự của triều đình mà còn thu hút sự quan tâm lớn lao của toàn xã hội. Đỗ đạt trong các thi không chỉ là thủ tục để được tuyển chọn ra làm quan, thực hiện lý tưởng đem tài năng cống hiến cho đất nước mà còn là sự hiển rạng của bản thân, gia đình, dòng họ của Nho sĩ. Việc lưu danh những người đỗ đạt qua các đời, do đó cũng không đơn thuần chỉ là hồ sơ hành chính mà còn có ý nghĩa biểu dương, cổ vũ. Sự ra đời của các thư tịch đăng khoa lục chính là để đáp ứng yêu cầu lưu danh có tính truyền thống đó.

Chính sử chép sự việc ngày 13 tháng Tư năm Giáp Thìn Hồng Đức 15 (1484) triều đình sai ban các sách Ngũ kinh, Tứ thư, Đăng khoa lục v.v… cho học sinh các phủ (Toàn thư, BK13, tờ 39a). Những sáchTứ thư, Ngũ kinh này là sách Trung Quốc khắc in ở nước ta, còn sách Đăng khoa lục nói đây thì hẳn phải là đăng khoa lục của nước ta thì mới có tác dụng thiết thực khích lệ các Nho sinh. Cũng liên quan đến việc này, Lê Quý Đôn viết: “Đến bản triều (Lê) mới có ghi chép, nên không những học trò hiển đạt, bầy tôi danh vọng truyền tụng ở bia miệng, mở sách ra có thể biết được, mà người không có tiếng tăm và sự nghiệp cũng được lưu tên tuổi đến đời sau. Do đấy, người ta có thể biết xã nào, huyện nào từng phát đạt người khoa bảng, để tự cố sức học tập”(1). Như vậy, cả tư liệu của Toàn thư cũng như ý kiến của Lê Quý Đôn trên đây đều nói về một bộ Đăng khoa lục đời Lê sơ. Sau này trong bài Tựa sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Nguyễn Hoãn cũng viết: “Những người trúng tuyển được quan bộ Công dựng đã để tên ở nhà Quốc học, mà Sử quân lại có ghi chép các khoa thành sách. Phàm họ tên, quê quán cùng hoạn nghiệp đều ghi đủ cả”(2).

Tuy hiện nay chưa tìm thấy bộ Đăng khoa lục đời Lê sơ đó, nhưng với các cứ liệu dẫn trên, chúng ta có cơ sở để tin rằng bộ đăng khoa lục đầu tiên lưu danh các nhà khoa bảng của nước ta đã được biên soạn vào cuối TK XV, dưới thời Lê Thánh Tông.

Đến triều Lê Trung hưng, từ năm Thuận Bình 6 (1554) về sau đã tổ chức khoa thi để chọn nhân tài, tất cả gòm 73 khoa, lấy đỗ 772 Tiến sĩ, nhưng cho đến tận nửa đầu TK XVII cũng chưa có sách đăng khoa lục ghi chép về những người đỗ đạt. Vì vậy trong Nghệ văn chí,Lê Quý Đôn đã không nói tới một bộ đăng khoa lục nào. Đến Văn Tịch chí, Phan Huy Chú mới nghi bổ sung hai đơn vị cho loại hình thư tịch này: “ Đăng khoa lục, 3 quyển, triều thần đời Cảnh Hưng là Nguyễn Hoãn… biên soạn, ấn hành” và “Liệt huyện đăng khoa khảo,6 quyển, Tiến sĩ ở Hoan Châu là Phan Huy Ôn soạn…”

Tuy vậy, trong di sản thư tịch Hán Nôm hiện còn, ngoài các văn bản của 2 bộ sách nói trên, trong kho sách của Viện Hán Nôm còn có 5 tập đăng khoa lục chép tay khác. Đó là các bộ: Đăng khoa lục sao bản, Lịch đại đại khoa lục, Lịch đại đăng khoa lục Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục và Thiên Nam lịch triều Tiến sĩ đăng khoa lục.

Như vậy, về loại hình thư tịch đăng khoa lục đại khoa triều Lê, chúng ta hiện còn 7 đơn vị, - tức 7 bộ sách, bao gồm 18 văn bản khác nhau. Nhưng qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, chúng tôi xác định chỉ có 02 bộ: Đăng khoa lục sao bản  Lịch đại đại khoa lục là có niên đại khá sớm. Sau đây chúng tôi xin lần lượt trình bày về vấn đề văn bản của từng bộ:

Đăng khoa lục sao bản 登 科 錄 抄 本 (A.785):

Sách dày 80 tờ, viết theo hàng dọc mỗi trang 10 dòng nghi họ tên hai người, Sách mất một số tờ đầu và cuối, dòng trên sách ở trang 1 có lẽ do người sưu tập sách ở Thư viện Viễn đông bác cổ mới ghi thêm vào để tiện đăng ký chứ không phải là tên sách vốn có từ trước. Tờ đầu hiện còn ghi tên Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên khoa Hưng Long 12 (1304) đời Trần. Tờ cuối ghi dở dang về khoa Quý Dậu niên hiệu Chính Hòa 4 (1683). Như vậy nội dung sách ghi được 96 khoa thi với họ tên của 1888 người.

Đặc điểm rõ nhất của Đăng khoa lục sao bản là ở mục ghi về từng khoa thi đều có dòng chữ “…đề danh ký…題 名 記 ” Các trình bày làm cho chúng ta liên tưởng đến tên các tấm bìa Tiến sĩ ở Văn Miếu,- có thể hình dung người biên soạn đã trực tiếp căn cứ theo các tấm bìa mà nghi chép lại. Tuy nhiên, vấn đề không hẳn chỉ có thể, bởi vì ngay cả các khoa thi triều Mạc vốn không có bìa như ở phần nghi chép, soạn giả vẫn dùng dòng chữ đó. Trước đây nhà thư tịch học Trần Văn Giáp đã mô tả tập sách này tương đối kỹ, chú ý đến của nó là: (1) có phần ghi riêng về người thì đỗ dưới triều Mạc (không ghi xen với các khoa thi của triều Lê Trung hưng), (2) có ghi những chi tiết liên quan đến các khoa thi và chép theo lối chữ “hoa” đời Lê, từ đó ông nhận định: “ Sách có thể chép theo đời Lê”4 (Xin xem kiểu chữ ở phụ lục 1)

Để khẳng định thêm nhận xét của Trần Văn Giáp, trong khi nghiên cứu văn bản, chúng tôi đặc biệt chú ý so sánh khảo sát để tìm thêm cứ liệu nội chứng.Kết quả đã phát hiện được 2 cứ liệu đáng chú ý:

- Trong cả tập sách chỉ có một chữ duy nhất được viết theo dạng kiếng huý là chữ đề…提 tất cả 21 lần, đều là từ chỉ chức quan Đề điệu 調 (các tò 5a, 6b, 8b, 10a, 12a, v.v…). Các văn bản đời Lê Trung hưng thường ít khi viết kiêng huý, hoặc chỉ kiêng huý một hai chữ. Tập Đăng khoa lục sao bản này chỉ viết kiêng huý một chữ Đề trong từ Đề điệu là một đặc điểm cho thấy có thể nó là văn bản đời Lê5.

- Qua khảo sát các tên làng xã quê quán người thi đỗ, chúng tôi thấyĐăng khoa lục sao bản sử dụng hệ thống địa danh đời Lê Trung hưng,- tức là địa danh ở thời kỳ sách được biên soạn. Một cứ liệu đáng tin cậy, có thể coi như một mã hiệu để phân biệt văn bản đời Lê/ Nguyễn là địa danh Kỳ chủng 奇 種 , tên xã thuộc huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Do lệnh kiêng huý chữ Chủng 種 là tên huý của vua Gia Long, xã này đến đầu đời Nguyễn đổi tên là xã Kỳ Trọng 奇 重 , do đó truyền bản đời Nguyễn của các tập đăng khoa lục khác đều chép tên xã này theo địa danh đã thay đổi đó (như Đại Việt lịch triều đăng khoa lục),nhưng ở văn bản Đăng khoa lục sao bản chúng tôi phát hiện tên xã này vẫn được chép là Kỳ Chủng 奇 種 (tờ 58b), chưa bị biến động theo lệ kiêng huý triều Nguyễn.

Đáng tiếc là sách bị mất một số tờ đầu (và có thể cả cuối ?), không còn những ghi chép liên quan cho biết tên soạn giả và hiện đại biên soạn chính xác. Tuy vậy, trong văn bản vẫn còn có dấu vết để có thể xác định được niên đại tương đối của tác phẩm: trước tờ ghi khoa Bính Thình niên hiệu Vĩnh Trị 1 (1676) có 4 chữ: Kim thượng hoàng đế …今 上 皇 帝 (Vua hiện nay). Vua “hiện nay” tức là vua Lê Huy Tông (1676-1704). Cứ liệu này khá đáng tin cậy để cho phép đoán định Đăng khoa lục sao bản được biên soạn trong đời Lê Huy Tông. Và vì tờ cuối cùng của sách còn có đến khoa Quý Dậu Chính Hoà 4 (1683)nên có thể xác định sách được biên soạn trong khoảng đầu niên hiệu Chính Hoà (1680- 1704).

Với cứ liệu kiểu chữ viết của cả tập, đặc điểm kiêng huý, cứ liệu địa danh và dòng chữ “kim thượng hoàng đế…今 上 皇 帝 ” vừa dẫn trên chúng ta có thể xác định cuốn Đăng khoa lục sao bản mang tính ký hiệu A.1785 là một văn bản ra đời trong niên hiệu Chính Hoà.

Lịch đại đại khoa lục 歷 代 大 科 錄 (A.2119):

Sách chếp tay,giấy bản rất cũ, rách nát do bị mối mọt,dày 163 tờ, khổ 27x19cm. Mỗi trang 8 dòng, dòng 19 chữ viết trên giấy kẻ dọc, có lẽ đây là bản chép để đem khắc ván in.Tờ trên sách vốn bị rách, tên hiệu dùng có lẽ cũng do nhân viên Viễn đông Bác cổ đặt ra để tiện đăng ký hiệu. Từ tờ đầu đến tờ 159 cùng một kiểu chữ khác, kiểu chữ thảo, chép thêm khoa Chính Hoà 15 (1694) và 18 (1697) là hết nội dung đăng khoa lục. Cũng nét chữ thảo đó chép thêm mấy trang đầu của bản diễn ca Thiên Nam ngữ lục. chữ viết của tập này là lối viết khá đặc thù thường thấy trên các văn bản đời Lê Trung hưng. Đặc điểm này trước đây cụ Trần Văn Giáp đã nhận thấy và cho đó là kiểu “ Tống tự”6. (Xin xem kiểu chữ ở phụ lục 2).

Nội dung ghi từ khoa thi Hán học đầu tiên là khoa Thái Ninh 4 (1075) đến Chính Hoà 18 (1697), gôm 115 khoa vớ họ tên của 1982 nhà khoa bảng, mỗi dòng ghi họ tên một người và cũng sắp xếp riêng người đỗ các khoa đời Mạc và đời Lê.

Toàn bộ văn bản không có chữ viết kiêng huý. Không chỉ các chữ huý của triều Lê Trung hưng mà cả các chữ huý đầu triều Nguyễn cũng không hiện diện trong văn bản.

Cũng như Đăng khoa lục sao bản, chúng tôi thấy Lịch đại đại khoa lục sử dụng hệ thống địa danh đời Lê Trung hưng. Cứ liệu đáng kể là xác tạc mà chúng tôi như một mã hiệu để nhận diện văn bản đời Lê của Đăng khoa lục sao bản địa danh Kỳ Chủng 奇 種 , thì lịch ở đại khoa lục, tên xã này cũng được ghi là Kỳ Chủng (tờ 122b) chưa đổi là Kỳ Trọng.

Tương tự như Đăng khoa lục sao bản, tập này trước khi ghi các khoa: Chính Hoà 6 (1685), ở tờ 158a và Chính Hoà 12 (1691), tờ 158b cũng có dòng ghi về vua đương triều, những chữ ghi có hơi khác: “Hoàng thượng sac tứ 皇 上 敕 賜 Hoàng thượng sac ban). Hoàng thượng nói đây cũng chính là vua Lê Hy Tông (1676-1704). Cứ liệu này cũng khá đáng tin cậy cho phép chúng tôi đoán địnhLịch đại đại khoa lục được biên soạn trong đời Lê Huy Tông.

Từ những đặc điểm về chữ viết, về địa danh không kiêng các chữ huý đầu triều Nguyễn, dòng niên đại tương đối trên văn bản, có thể xác định sách này cũng là một tài liệu đăng khoa lục ra đời trong niên hiệu Chính Hoà (1860-1704) triều Lê, thời điểm biên soạn cũng xấp xỉ vào khoảng thời gian xuất hiện của Đăng khoa lục sao bản.Điều đó khiến chúng tôi phải xét khả năng: Phải chăng lịch đại đại khoa lục sao bản  Đăng khoa lục sao bản chỉ là hai truyền bản khác nhau của cùng bộ đăng khoa lục ? Tuy nhiên, qua đối chiếu, so sánh chúng tôi thấy hai tập sách tuy cơ bản giống nhau, nhưng cũng có nhiều chi tiết tỏ ra chúng được biên soạn độc lập với nhau.

Về sự giống nhau, có thể nêu những dẫn chứng như sau:

Hình thức: Cả hai tập sách đều ghi riêng các khoa thi đời Mạc và đời Lê, chia thành “Lê kỷ”, “Mạc kỷ”.

Nội dung:

1/ Cả hai tài liệu đều ghi việc năm Thiện Thành 1 (1401) đời Hồ Hán Thương lấy Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi. đoạn ghi này tựa như về sự kiện mà không trực tiếp liên quan đến khoa lục (các tài liệu đăng khoa lục khác, chẳng hạn Lịch triều đăng khoa của nhóm Nguyễn Hoãn thì ghi Nguyễn Phi Khanh đỗ Thái học sinh năm Hưng Long 12 “1304”đời Trần Anh Tông).

2/ Cả ĐLSB và LĐĐK đều chép nhầm niên hiệu Thánh Nguyên 聖 元 đời hồ thành Nguyên Thánh 元 聖 .

3/ Về các nhà khoa bảng cũng có những trường hợp Đăng khoa lục sao bản và Lịch đại đại khoa lục ghi họ tên giống nhau (những điều khác với các tài liệu khác), như Trượng phóng 張 放 , cả hai bản đều ghi là Nguyễn Phóng 阮 放 (Hưng Long 12).

Những người đỗ các khoa đầu triều Lê sơ, cả 2 tập điều chỉ ghi được họ tên 6 người (Triệu thái趙 泰 , Nguyễn Thiên Tích 阮 天 錫 , Trình Thành 程 清 , Đào Công Soạn 陶 公 僎 , Trình Thuấn Du 程 舜 俞 , Phan Phu Tiên 潘 孚 先 , và cùng ghi nhần tất cả đổ khoa Thuận Thiên7 v.v…

Ngoài phần giống nhau đó, giữa Đăng khoa lục sao bản và Lịch đại đại khoa lục có một số dị biệt.

Về họ tên, xin nêu một số trường hợp như sau:

TT ĐKSB LĐĐK Năm Đỗ
1 Đoàn Hối 段 晦 Đoàn Xuân Lôi 段 春 雷 Xương Phù 5
2 Vũ Mộng Nguyên 武 夢 原 Vũ Mộng Tuân 武 夢 恂 Thanh Nguyên 1
3 Lưu Nam Tuấn 劉 南 俊 Đào Nam Kiệt 陶 南 桀 Hồng Đức 3
4 Nguyễn Văn Lan 阮 文 闌 Phạm Văn lan 范 文 蘭 Quang Hưng 3
5 Nguyễn Khải 阮 啟 Nguyễn Nhân Trừng 阮 仁 澄 Vĩnh Tộ 5

v.v…

Về quê quán nhà khoa bảng, xin nêu một số ví dụ sau:

TT TÊN NGƯỜI ĐKSB LĐĐK
1 Nguyễn Tông (Quang Thuận 4) O ghi x. Văn xá 文 舍
2 Đỗ Thanh Đào (Hồng Đức 15) x. Đồng Nẫm 同 稔 x. Đồng Dư 同 余
3 Phạm Cẩn Trực (Hồng Đức 15) h. Gia Lâm 嘉 林 x. Gia phúc 嘉 福
4 Trần Thước (Hồng Đức 27) x. An Việt 安 越 x. An Lạc 安 樂
5 Nguyễn Hiếu Trung (Đoan Khánh 1) x. An Ngọ 安 午 x. An Trung 安 忠
6 Nguyễn Trừng (Đoan khánh 4) h. Sơn Minh 山 明 h. Tân Minh 新 明
7 Đào Khắc Cẩn (Hồng Thuận 3) x. Hải Động 海 洞 O ghi
8 Bùi Văn Tảo (Đại Chính 9) x. Cổ Trà 古 茶 x. Cổ tế 古 齊
9 Nguyễn Hữu Dực (Quảng Hoà 4) x.Cung Xuyên 宮 川 x.Chân Xuyên 真 川

v.v…

Từ những cứ liệu trên, chúg tôi cho rằng Đăng khoa lục sao bản vàLịch đại đại khoa lục có thể đã được biên soạn trên cơ sở tham khảo cùng một tài liệu góc và thời gian gần nhau (Cùng trong niên hiệu Chính Hoà). Nhưng Trong quá trình thực hiện, mỗi soạn giã đều có thêm những tài liệu tham khảo khác, kết quả như chúng ta thấy là giữa Đăng khoa lục sao bản và Lịch đại đại khoa lục có nhưng thông tin độc lập với nhau.

Việc xác định nguồn gốc đời Lê của Đăng khoa lục sao bản và Lịch đại đại khoa lục sẽ giúp các nhà nghiên cứu lưu ý về sự hiện diện của hai công trình đăng khoa lục cách này khoảng ba trăm năm mà người ta vẫn nghĩ rằng lịch sử thư tịch nước ta trong giai đoạn đó dường như không có hoạt động biên soạn đăng khoa lục cách này khoảng ba trăm năm mà người ta vẫn nghĩ rằng lịch sử thư tịch nước ta trong giai đoạn đó dường như không có hoạt động biên soạn đăng khoa lục. Rất có thể các soạn giả bắt đầu việc biên soạn từ chỗ không có hoặc thiếu tài liệu tham khảo nên hai bộ sách trên không tránh khởi những nhần lẫn về họ tên, quê quán của một số nhà khoa bản. Ngoài trừ một số điểm cần nghiên cứu chỉnh lý đó, có thể nóiĐăng khoa lục sao bản và Lịch đại đại khoa lục là hai tập đăng khoa lục cổ nhất mà truyền bản còn giữ được đến nay.

Chú thích:

1. Xem Lê Quý Đôn. Kiến văn tiểu lục, Phan Trọng Điểm Dịch, Nxb. Sử học, H. 1962, tr117.

2. Lịch triều đăng khoa lục, Tựa, nguyên bản chữ Hán, tờ 1b.

3. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí Văn tích chí, T.3, Tr.171, 175.

4. Xem Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, T.1, Nxb. Văn hoá, H. 1984, tr.286.

5. Các tài liệu chữ huý được dẫn dụng, chúng tôi căn cứ theo các kết quả nghiên cứu của PTS. Ngô Đức Thọ. Xin Xem: Nghiên cứu chữ huý trên văn bản Hán Nôm, Luận án PTS khoa học Ngữ văn, 1995.

6. Xem: Trần Văn Giáp, Sđd, tr.291

7. Sau nay, trong sách Lịch triều đăng khoa, nhóm soạn giả Nguyễn Hoãn đã có tư liệu để bổ sung họ tên 12 người đỗ trong các khoa thi đầu đời Lê sơ và ghi rõ năm đỗ của 6 vị này như sau: Đào Công Soạn đỗ Giáp đẳng khoa Bính Ngọ niên hiệu Thiên Khánh 1 (1429); Triệu Thái, Trình Thuấn Du, Phan Phu Thiên 2 (1429); Trình Thanh, Nguyễn Thiên Tích đỗ khoa Hoành từ năm Tân Hợi niên hiệu Thuận Thiên 4 (1431).

tap chi hán nôm

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020