Hán nôm

VÀI SUY NGHĨ VỀ TÁC PHẨM QUAN ÂM DIỆU THIỆN


15-10-2020
Tác giả: Nguyễn Văn Sâm

Chúng ta có thể chia tác phẩm viết bằng chữ Nôm liên quan đến Phật Bà Quan Âm ra làm hai loại: Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Diệu Thiện. Gọi là Quan Âm Thị Kính là theo cách nói bình dân lâu đời. Gọi là Quan Âm Diệu Thiện là theo cách gọi tên nhân vật chính, vì nhân vật thành Phật Bà Quan Âm ở đây là công chúa Diệu Thiện con của vua Diệu Trang Vương, nước Hưng Lâm.

Bản Nôm Quan Âm Thị Kính có nhiều, bộ thư tịch về sách Hán và Nôm của người Việt Nam mới nhất là Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Hà Nội 1993, quyển 2, số thứ tự 2776 nhắc đến 9 bản in. Ta có thể chia những bản này ra làm hai thoại, thoại nhiều tính văn chương bác học và thoại ít tính bác học hơn. Loại trước nhiều hơn mà quan trọng nhất là Quan Âm chú giải tân truyện 觀 音 注 解 新 傳, in năm Tự Đức Mậu Thìn (1868) và Mậu Dần (1878), do Thịnh Văn Đường tàng bản ấn hành 盛 文 堂 藏 版 (quyển trước có tại Thư viện Viện Hán Nôm Việt Nam và quyển sau tàng trữ tại Trường Sinh ngữ Đông phương Pháp, bản Microfilm có phổ biến ở Việt Nam). Thoại này đã được phiên âm ra quốc ngữ nhiều lần, tuy rằng người phiên âm không khai thác trên phần chú giải. Có giá trị nhất là bản phiên âm của Thiều Chửu.

Cũng đề tài Quan Âm Thị Kính nhưng thuộc thoại khác là Quan Âm diễn ca toàn truyện 觀 音 演 歌 全 傳 (bản hiệu đính do Minh Chương Thị 明 張 氏 ấn hành năm Bính Thân (1896), Bảo Hoa Các tàng bản 寶 花 閣 藏 版. Bản này chưa từng được phiên âm và bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam cũng không thấy nhắc đến bản này.

Truyện Quan Âm Thị Kính nói chung, thoại nào văn chương cũng lưu loát, từ ngữ ít hay nhiều cao diệu, điển tích chính xác, tạo được sự khoan khoái cho người đọc khi thưởng thức văn chương bởi tính cách hàm súc ít lời nhiều ý. Có thể nói đây là truyện Nôm trong dòng bác học, ảnh hưởng nhiều trong dân Việt bao nhiêu năm nay.

Loại truyện Quan Âm thứ hai mà tôi gọi là Quan Âm Diệu Thiện.Loại này ảnh hưởng ít hơn, nhất là ở miền Nam không nhiều người biết đến. Loại này gồm có:

1. Quan âm tế độ diễn nghĩa kinh 觀 音 演 渡 濟 演 義 經 . Đây là bản Nôm bình dân nhất và dài nhất trong loại Quan Âm, hơn 4000 câu, in năm Quang Tự thập tứ niên Mậu Thân 1908), do hai tín nữ Nguyễn Từ Nguyên và Huỳnh Diệu Trúc bỏ tiền ra lo việc khắc ván. Chữ Nôm khắc đẹp rõ theo giọng miền Nam trong câu văn và nhiều chữ viết theo cách Nam với những sai lầm chính tả như n/ng, c/t hoặc mượn âm mà không lưu ý đến ngữ nghĩa. Tính chất Kinh (nói nhiều về đạo đức ở đời, về niềm tin tôn giáo, về sự trả phước lại khi làm theo điều giảng dạy) là nhiều nhất trong tất cả các tác phẩm liên quan tới ý niệm Quan Âm. Bản này dài, nhiều trùng lặp. Các chuyện đi xuống địa ngục với những mô tả hình phạt nơi âm giới là những ý niệm ta thường thấy trong các truyện Nôm bìmh dân thế kỷ 19 làPhạm Công Cúc Hoa và Mục Liên Thanh Đề. Sự kiện giống nhau này do sự ảnh hưởng từ nguồn kinh sách thời Mãn Thanh với khái niệm trừng phạt kẻ ác đức không lo tu niệm, xâm nhập vào nước ta thời đó, mà “Hồi dương nhơn quả” là một thí dụ cụ thể. Bộ Di sản Hán Nôm... cũng không thấy nhắc đến quyển Quan Âm tế độ diễn nghĩa kinh 觀 音 演 渡 濟 演 義 經 này.

2. Nam Hải Quan Âm bản hạnh quốc ngữ diệu soạn trùng san 南 海 觀 音 本 行 國 語 妙 撰 重 刊 do Lê Mạnh Thát phiên âm trong bộChân Nguyên thiền sư, Vạn Hạnh Sài Gòn 1979, gọi đây là bản Vũ Tạo, vì vào năm 1850 ông bà Vũ Tạo đã đứng ra lo việc khắc in. Bản này dài, chữ dùng thuần Hán rất nhiều, lý luận về đạo Phật có tính cách vi diệu thâm sâu. Xen lẫn trong chuyện có nhiều đoạn không phải là thơ lục bát. Ta có thể nói đây là bản bác học của đề tài Quan Âm Diệu Thiện. Lê Mạnh Thát mách rằng bản Vũ Tạo có câu rất quan trọng là: “Trúc lâm Tuệ Đăng hòa thượng Chính Giác Chân Nguyên diệu soạn”. Căn cứ từ đây ông khẳng định rằng tác giả Nam Hải Quan Âm bản hạnh 南 海 觀 音 本 行 là Hòa thượng Chân Nguyên, thuộc Phật giáo phái Trúc Lâm.

3. Nam Hải Quan Âm Phật sự tích ca 南 海 觀 音 佛 跡 歌 . Cũng theo học giả Lê Mạnh Thát, bản này, bản này do chùa Vũ Thạch chứa bản gỗ, không đề ngày tháng khắc in, cũng không ghi ai là người soạn, người viết. Lê Mạnh Thát gọi đây là bản Vũ Thạch. Bản này chữ dùng đơn giản, từ thuần Việt nhiều hơn, nhiều câu được viết thật dễ hiểu. Các đoạn không phải thơ không cần thiết lắm, xen lẫn vào trong truyện như bản Vũ Tạo không nhiều. Những đoạn lý luận về Phật giáo không vi diệu và nhiều khi quá đơn giản. Có thể coi đây là bản bình dân của Nam Hải Quan Âm bản hạnh.

Sau khi so sánh sơ lược hai bản Nôm 2, 3 học giả Lê Mạnh Thát kết luận rằng bản Vũ Tạo có trước và sự khác biệt giữa hai bản là do người đời sau sửa đổi, đơn giản hóa, bình dân hóa để phù hợp với nhu cầu của quảng đại quần chúng trong việc hiểu đạo Phật. Ông cho rằng bản Vũ Thạch sinh ra do quá trình bình dân hóa tác phẩm của Hòa thượng Chân Nguyên.

Chúng tôi trong bài này chưa muốn đi sâu vào việc biện luận về tác giả và về văn bản, chỉ muốn nhân những bản Nôm mà mình có trước mắt, phân loại truyện lấy đề tài Phật Bà Quan Âm và nhận định sơ lược ý nghĩa truyện Nôm Nam Hải Quan Âm (Phật sự tích ca) mà thôi. Cũng cần nói thêm là truyện Nôm loại Quan Âm Diệu Thiệnhiện nay cũng còn rất nhiều. Di sản Hán Nôm số 2775 nhắc đến 7 bản in, 1 bản viết; số 2793 nhắc thêm 2 bản in và số 2794 nhắc thêm 1 bản in nữa. Hiện chúng tôi chỉ tham khảo được bản Vũ Thạch (trong Chân Nguyên toàn tập) và bản Nam Hải Quan Âm Phật sự tích ca, ký số Vietnamien B.23 của Thư viện quốc gia Pháp (số 2793 của Di sản). Bản này khắc in chung với Quan Thế Âm Thánh tượng 觀 世 音 聖 像 và Cao Vương Quan Thế Âm chân kinh 觀 世 音 真 經 , do hai tín nữ Văn Thị Tám, Nguyễn Thị Bảo san khắc tín cúng, ván khắc tại xã Liễu Chàng và sau đó lưu giữ tại chùa Diễn Khánh, Hà Nội. Chắc chắn rằng về văn bản, hai bản Vũ Thạch và Văn Thị Tám là một, chỉ khác nhau về thời gian khắc in mà cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy chứng tích rõ ràng về mặt vật chất.

Nam Hải Quan Âm (tôi gọi bằng tên Quan Âm Diệu Thiện) chủ yếu trình bày về đường tu và hành thiện của một người con gái quyết chí đi đến cùng con đường hành đạo, tu tập của mình. Cảm ứng đạo ở đây là cảm ứng tự ngộ không qua sự thuyết giảng của bất kỳ một vị cao tăng nào đi trước. Giá trị ở chỗ đó, như một cảm nhận bẩm sinh về lẽ huyễn hóa, hư ảo của cõi đời, nên từ chối cuộc sống đời. Đạo gắn liền với con người của công chúa là không do thủ đắc, nên không thể mất vì bỏ cuộc phá giới; không do hoàn cảnh gia đình hay nghịch cảnh cá nhân thúc đẩy, nên sự ngộ đạo có tính cách gắn bó, thuần thành. Công chúa Diệu Thiện ngay từ thuở thanh xuân đã chọn lối đi đặc biệt cho mình không giống bất kỳ ai trong cùng hoàn cảnh. Được vua cha thương yêu và hứa sẽ cho phò mã - chồng tương lai của bà lên nối ngôi sau này, nhưng bà nhất định đi tu, không thực hiện chuyện hôn nhân, mặc dầu chịu áp lực vô vàn nặng nề từ phía vua cha. Bà lý luận rằng mình tu hành ngoài việc giải thoát cho mình, còn là trả được chữ hiếu, bằng cách độ vớt cho phụ mẫu thoát khỏi trầm luân trong vòng luân hồi ở những kiếp sau (Nhưng tôi khổ hạnh bây giờ, mai sau cha mẹ được nhờ độ siêu, kẻo e nghiệp chướng đã nhiều, chẳng tai bể khổ cũng nghèo sông mê/ Hiếu là độ được đấng thân).

Trả hiếu như vậy dĩ nhiên không phải trả cái hiếu theo quan điểm Khổng giáo, cũng không phải trả cái hiếu theo sự hiểu của con người Phật tại gia hay tu trì. Chữ hiếu quan niệm theo cách này là ngoài tầm tay của con người bình thường sống trong thế giới của cõi đời, trong xã hội và cả trong chùa chiền, vì nó cần đến sự thấu triệt nguyên lý tu Phật và sự dũng cảm xóa bỏ cuộc sống xã hội của chính cá nhân mình. Hiếu Khổng hóa hợp với tu Phật để trả công sinh thành sẽ vi diệu hơn, nhưng dễ bị chống đối bởi người bình thường trong xã hội mà lý tưởng cuộc đời là giữ khư khư những gì thuộc về mình. Đức vua Trang Vương điển hình về con người xã hội nói trên. Ông cấm đoán con gái mình không được xuất gia không phải là vì ghét đạo, sợ đạo như trường hợp vài vua nhà Nguyễn trong lịch sử Việt. Mà bởi vì ông quá yêu chuộng cái giang sơn của mình. Không có người đàn ông liên hệ xa gần với mình lên kế vị ngôi vua giữ nước cho mình thì giang sơn mình sẽ vào tay kẻ khác, dòng họ khác. Ông sẽ mất tất cả. Cấm đoán con mình đi tu chỉ là hình thái thấy được của ý thức muốn kéo dài cơ nghiệp của mình.

Từ răn đe, cấm đoán, ngăn trở, đến cô lập, đầy ải, giết chóc chỉ có một bước ngắn nhưng rất quan trọng, bước điều khiển do lòng tự ái và ích kỷ. Trong khi đó con gái của ông, công chúa Diệu Thiện quyết tâm đi cho đến cùng con đường mình đã vạch. Càng trở ngại bà càng kiên trì, càng nguy hiểm bà càng bền tâm. Không đủ năng lực để vượt qua thì đã có sự trợ giúp của Phật Tổ, của Ngọc Hoàng. Những huyền năng này có thể được hiểu như những thành công vĩ đại sau những khó khăn của sự cố gắng tột cùng. Bởi vậy mãnh hổ tha đi khỏi pháp trường khi lưỡi đao của người đao phủ vừa múa tới, hay đường xa ngàn dặm đã có mãnh hổ đưa lưng ra chở, rồi chim chóc, muông thú đến giúp đỡ này kia trong những lao động cực nhọc. Đó chỉ là những cách thức điễn tả từ lâu đời của quảng đại quần chúng về những tự lực tối đa của người tu hành để thoát hiểm trong nguy biến hay nghịch cảnh.

Dĩ nhiên con người càng thuộc về thời xa xưa càng có khuynh hướng tin tưởng thần quyền linh thiêng và mầu nhiệm. Tin tưởng những cứu trợ đó là do Phật Tổ thực hiện, vì bà chúa Ba rất sùng Phật pháp, vì bà là hóa thân của một vị Bồ tát, là những tin tưởng thuần thành. Đây không phải là sự đòi hỏi đáp ứng gì về công sức tu hành, đây chỉ là niềm tin để trợ duyên giúp người tu đầy đủ nghị lực bước ra khỏi những khốn cùng của nghịch cảnh. Cũng vậy, khi tin tưởng tu hành cần mẫn thì trí huệ sáng láng, có thể thấy trước các việc xảy ra, thì cắt mắt, cắt tay cũng sẽ hoàn lại, lành lại là những cách tin rất lâu đời và phổ biến của những niềm tin dân gian ở Á đông. Niềm tin đó giúp chiến thắng những chùn bước, giúp tinh tấn trên đường hành đạo, phát huy tính thiện và can đảm hành động theo lẽ phải. Truyện Nam Hải Quan Âm ở mặt này đã trở thành một loại kinh cứu khổ từ bao nhiêu năm nay.

Ta không lạ khi thấy trong nhiều bản chữ Nôm cũng như bản phiên âm quốc ngữ có in kèm theo cả kinh tụng Cao Vương Quan Thế Âm Chân kinh để cầu cứu khổ cứu nạn.

Tính chất văn chương nhiều thì chúng ta có “truyện”, niền tin tôn giáo và tín ngưỡng có nhiều thì chúng ta có “kinh”. Chỉ có dòng truyện Quan Âm Diệu Thiện được ở vị trí “kinh” mà thôi. Dòng truyện Quan Âm Thị Kính chưa được hân hạnh đó, vì chưa chứa đầy đủ niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng. Chưa ai coi truyện Nôm Quan Âm Thị Kính như một quyển kinh bao giờ.

Lý do khác là truyện hàm chứa một tinh thần cứu khổ vô biên. Sự đau đớn xót xa của bà Diệu Thiện khi du địa phủ, chứng kiến những tội nhân bị hành hạ vì mắc những tội lỗi trên trần thế cho thấy điều đó. Bà nhìn thấy trước mặt toàn những u hồn khổ nạn, đầy đọa, nhục hình. Bà không thấy những tội nhân làm quấy làm ác, tàn độc, điêu trá. Chỉ có khổ nạn hiện tại của chúng sinh là mới đáng kể, quá khứ của họ trở thành chuyện đã qua. Cho nên bà xin Diêm chúa tha thứ cho tất cả u hồn đang bị giam cầm nơi Địa ngục. Bà đại diện cho lòng từ bi, không đại diện cho tinh thần luật pháp, tha tất cả hình phạt, xóa tất cả tội lỗi. Cũng vậy bà xin cho hai yêu tinh sư tử xanh và voi trắng khỏi bị Phật Tổ gia hình, mặc dầu chúng trước đây đã mắc tội vô vàn với hai người chị của bà.

Với Quan Âm Thị Kính, Thị Kính là người đàn bà chấp nhận hàm oan (vì chồng, vì một người đàn bà, vì một đứa trẻ) và đi tu vì một lẽ đời do nghịch cảnh của hàm oan với Quan Âm Diệu Thiện, Diệu Thiện là người đàn bà từ bi thương yêu khắp cả chúng sinh mọi loài, và đi tu vì lẽ đạo do một sự tự ngộ. Thị Kính đau khổ vì gia đình, vì những thối tha trong xã hội tác động lên bà. Nhìn chung bà chịu đựng đau khổ gây nên do những chuyện riêng tư của mình nhiều hơn. Diệu Thiện đau khổ vì lòng tín tu, vì tội nhân trong Địa ngục. Bà chịu đựng vì lẽ đạo và lòng từ bi nhiều hơn. Đau khổ nào cũng là đau khổ. Thị Kính hay Diệu Thiện cũng là những trường hợp người phụ nữ bị áp bức và thái độ chịu đựng của hai người đó đã được biết bao nhiêu thế hệ kính phục, chiêm ngưỡng, noi theo. Chỉ có cái nguyên ủy của tinh thần chịu đựng là khác.

Trong Quan Âm Diệu Thiện, người đàn bà cũng đáng thương không kém là chánh cung hoàng hậu, vợ của Trang Vương, mẹ của Diệu Thiện công chúa. Trước mặt bà luôn luôn là nỗi khổ. Sự xung khắc giữa chồng và con gái đưa đến những thua thiệt tận cùng của đứa con: tù tội, bị hành hạ, khổ sở, ly tan, chết chóc. Những điều này luôn luôn xảy ra trước mắt bà. Bà lăn khóc ngả nghiêng, bà hai hàng nước mắt tuôn rơi cũng chỉ vì thương con mà phải chứng kiến thảm cảnh không thể tưởng tượng được về con mình. Cái tay đó nằm trên mâm sẵn sàng để làm thuốc cho chồng bà. Bà biết rõ ràng đó là cánh tay con mình. Bà xác nhận bằng lý chứng mối tương cảm mẹ con,nốt ruối chính giữa hổ quan, thật con tôi đó còn bàn rằng ai. Bà cũng biết rõ rằng con mình vì thương cha mà chấp nhận chặt tay, khoét mắt. Cái đau xót thương con cộng thêm với sự nhận chân về sự khác biệt giữa hai cha con, làm cho nối khổ của bà tăng thêm gấp bội. Những chi tiết này nâng truyện Nam Hải Quan Âm về mặt nghệ thuật truyện ở phần tâm lý của người đàn bà Việt Nam trong gia đình.

Ông Phật Quan Âm nguyên thủy ấn Độ sang các nước á châu viễn đông đã chuyển sang nữ phái, Phật bà. Chuyển giới tính cũng chỉ là để đáp ứng vai trò từ bi dịu hiền của một đức Phật chuyên lo cứu vớt chúng sinh qua những khổ nạn trong cõi đời hiện tại. Giải thích sự chuyển giới tính đó ở cả hai Quan Âm Diệu Thiện  Quan Âm Thị Kính là đều vận dụng đến một tiền kiếp lỗi lầm, hoặc vì đã để cho người ác có cơ xuất hiện, hoặc vì đã lỡ lời hứa về một chuyện kiếp sau. Nam, nữ do vậy chỉ là hóa thân, hình thức. Đó không phải là một tình trạng đã hoàn thành, đó chỉ là một trong chuỗi dài nhiều kiếp, một tình trạng của giai đoạn thời gian.

Trong hoàn cảnh khó khăn tu tập của người Việt Nam ở khắp nơi, việc ôn tập để thấy rõ ràng công đức tu hành và hình ảnh trọn vẹn của công chúa Diệu Thiện quả là điều tối cần thiết. Cái tu khổ của bất cứ ai trong chúng ta hiện giờ đã thấm vào đâu ! Và cuộc sống khổ của chúng ta lại càng không đáng kể hơn nữa./.

Tạp chí Hán Nôm

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020