Hán nôm

CHU DỊCH VỚI VẤN ĐỀ LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC


15-10-2020
Tác giả: Lê Văn Quán

Đạo đức là những nguyên lý, quy tắc chuẩn mực điều tiết hành vi của con người trong quan hệ với xã hội và cộng đồng. Nó là một hình thái ý thức xã hội, nó phản ánh sự tồn tại xã hội. Nội dung đạo đức quyết định bởi điều kiện lịch sử xã hội, sự tồn tại của xã hội. Nó không thể thoát ly điều kiện lịch sử nhất định của xã hội mà tồn tại độc lập. Quan điểm niềm tin đạo đức và cảm tình đạo đức khác nhau đã tạo thành ý thức đạo đức khác nhau. Quan niệm đạo đức lại được biểu hiện bằng những nguyên tắc đạo đức và những quy phạm hành vi nhất định. Trong xã hội giai cấp, hành vi con người và đặc biệt là những quy phạm hành vi được coi là hạt nhân của đạo đức. Nó biểu hiện vì quan hệ của con người với xã hội và mối quan hệ giai cấp nhất định. Quan hệ đó là sản phẩm của quan hệ kinh tế xã hội nhất định, quyết định bởi cơ sở kinh tế xã hội và phục vụ xã hội. Ăng - ghen nói: “Mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế của xã hội lúc bấy giờ. Và vì cho tới nay xã hội vận động trong những sự đối lập giai cấp, cho nên đạo đức cũng luôn luôn là đạo đức của giai cấp: hoặc là nó biện hộ cho sự thống trị và lợi oích của giai cấp thống trị hoặc là khi giai cấp bị trị trở nên khá mạnh nó biểu hiện cho sự nổi dậy chống lại sự thống trị nói trên và cho lợi ích tương lai của những người bị áp bức”(1).

Điều này tức là nói, nguyên tắc đạo đức trìu tượng siêu lịch sử, siêu thế giới là điều không thể tồn tại. Khi xã hội loài người tiến vào xã hội nô lệ chế độ tư hữu thì sẽ nảy sinh vấn đề thái độ và quan hệ cá nhân đối với đất nước, đối với tập đoàn và cả đối với của cải, quyền lực chính trị... Do đó, cũng nảy sinh những quan niệm đạo đức, quy phạm hành vi phải, trái, tốt, xấu thích ứng với yêu cầu ở chế độ nô lệ.

Ở Kinh Dịch cũng đã phản ánh mầm mống quan niệm đạo đức và những quy phạm về hành vi thích ứng với chế độ nô lệ. Trong chế độ nô lệ, đánh giết, mua bán nô lệ không bị coi là trái với quy định hành vi đạo đức. Kinh Dịch đã cung cấp cho chúng ta tình hình mua bán nô lệ ở cuối đời Ân đầu đời Chu, không bị coi là trái đạo đức:

“Lữ tức thứ, hoài kỳ tử, đắc đồng bộc, trinh”.
 (Lữ, cửu nhị)

(Khách đến quán trọ, giữ được của cải, tiền bạc, được đầy tớ, tốt (chính bền).) (Quẻ Lữ, hào 2, dương)

“Lữ phàn kỳ thứ, táng kỳ đồng bộc, trinh lệ”.
 (Lữ, cửu tam)

(Khách đốt quán trọ, mất đầy tớ, dù chính đáng cũng nguy hiểm)
(quẻ Lữ, hào 3, dương)

Với con mắt chủ nô lệ thì việc được (mua) nô lệ là tốt, là phù hợp với hành vi đạo đức. Và nô lệ chạy trốn tức là biểu thị nô lệ phản kháng, là nguy hiểm, là không phù hợp với hành vi đạo đức.

Trong chế độ nô lệ, chiến tranh cướp đoạt được coi là phù hợp với hành vi đạo đức. Mục đích của cuộc chiến tranh này là, cướp đoạt đất đai, của cải và nô lệ. Dưới con mắt của giai cấp chủ nô lệ thì chiến tranh cướp đoạt chẳng những không bị dư luận xã hội lên án, mà còn được coi là hành vi quang vinh và dũng cảm. Kinh Dịch đã ghi lại:

“Hữu phù luyên như, vô cữu” 
 (Trung phu, cửu ngũ)

(Bắt được tù binh trói lại, không có lỗi).
(Quẻ Trung phu, hào 5, dương)

“Bất phú dĩ kỳ lân, lợi dụng xâm phạm, vô bất lợi.” 
 (Khiêm, lục ngũ)

(Không giàu, cho nên thu phục nước láng giềng, lợi dụng lấn đánh, không gì là không có lợi).
(Quẻ Khiêm, hào 5, dương)

Đạo đức chủ nô lệ yêu cầu, trong chiến tranh cướp đoạt, giành được của cải và nô lệ càng nhiều, chẳng những được coi là trung thành với nhà nước chế độ nô lệ, mà còn được coi là một đạo đức tốt đẹp, dũng cảm.

Ở chế độ nô lệ, coi thường phụ nữ và giữ trinh tiết được coi là quy phạm hợp đạo đức. Trong xã hội đẳng cấp của chế độ nô lệ, phụ nữ bị coi thường. Chế độ một vợ một chồng chỉ là sự trói buộc người phụ nữ, còn nam giới thực tế lại không có sự ràng buộc ấy. Chẳng hạn, người con gái lấy chồng, không sinh đẻ, chẳng những bị xã hội coi khinh mà có lý do để người chồng ruồng bỏ:

“Đắc thiếp, dĩ kỳ tử, vô cữu” 
 (Đỉnh, sơ lục)

(Gặp được nàng hầu, để sinh con với mình, không có lỗi).
(Quẻ Đỉnh, hào 1, âm).

Vì vợ không có con mà người chồng ly hôn hoặc lấy vợ lẽ, đều coi là hành vi hợp đạo đức. Ở chế độ nô lệ tư hữu, điều đó có liên quan đến việc kế thừa tài sản. Nhưng trên cơ sở chế độ tư hữu, chế độ một vợ một chồng chỉ đối với phụ nữ. Thông dâm đã từng coi là hành vi xấu cũng chỉ đối với phụ nữ. Phụ nữ phá hoại trinh tiết phải đền bằng sinh mạng hoặc bị bán làm nô lệ. Tình hình đó, ở Kinh Dịch cũng phản ánh:

“Hằng kỳ đức, trinh, phụ nhân cát, phu tử hung”
 (Hằng, lục ngũ)

(Giữ được lâu dài đức của mình, bền và chính, đàn bà tốt, đàn ông xấu) 
 (Quẻ Hằng, hào 5, âm)

“Phu chinh bất phục, phụ dựng bất dục, hung”
(Tiệm, cửu tam)

(Chồng đi xa (ra trận) không về, vợ có mang không nuôi, xấu.) 
(Quẻ Tiệm, hào 3, dương).

Lời hào thứ 5, âm, quẻ Hằng nói, người phụ nữ cần giữ trinh tiết thì được coi là hành vi tốt đẹp. Trái lại, nếu như người phụ nữ không giữ được trinh tiết thì sẽ bị khiển trách và bị coi thường. Lời hào thứ 3, dương, quẻ Tiệm nói, chồng đi chiến trận chưa trở về, vợ ở nhà lại có mang, Kinh Dịch coi điều này là xấu. Nhưng con trai không cần phải “chung thủy” với vợ mình, không tuân theo chế độ một vợ một chồng, cho nên con trai giữ trinh tiết lại coi là hành vi xấu. (lời hào thứ 5, âm, quẻ Hằng).

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, và có tác dụng duy trì trật tự xã hội và lợi ích công cộng. Cái lợi ích công cộng mà ở đây đề cập đến, không phải là lợi ích chung của giai cấp thống trị và giai cấp bị thống trị mà là lợi ích của nhà nước thể hiện ý chí của giai cấp thống trị. Nhưng để điều chỉnh quy phạm đạo đức trong quan hệ giữa người và người, giữa cá nhân và tập thể xã hội, thì nó lập lờ trong quan hệ lợi ích nhà nước. Nó không phải thực hiện bằng sức mạnh cuỡng chế của pháp luật nhà nước, nhưng nó đối với hành vi của con người lại có tác dụng trói buộc rất lớn. Ở Kinh Dịch đã ghi lại những quy phạm hành vi và quan niệm đạo đức để duy trì trật tự xã hội và lợi ích công cộng lúc bầy giờ.

Thứ nhất là, đức “Khiêm” được tác giả Kinh Dịch cho là đạo đức đẹp:

“Khiêm, hanh, quân tử hữu chung”. 
 (Khiêm, quái từ)

(Quẻ Khiêm, hanh thông, người quân tử (giữ trọn vẹn tới cùng)
 (Khiêm, hào 1, âm)

"Khiêm, khiêm, quân tử dụng thiệp đại xuyên, cát".
 (Khiêm, sơ lục)

(Khiêm nhường, nhún nhường, người quân tử dùng đức ấy để qua sông lớn, tốt).
 (Khiêm, hào 1, âm)

Thứ hai là, “tiết” cũng được tác giả Kinh Dịch cho là đức tốt đẹp. Chẳng hạn:

“An tiết, hanh”
 (Tiết, lục tứ)

(Yên với sự tiết kiệm, hanh thông). 
(Quẻ Tiết, hào 4, âm)

“Cam tiết, cát, vãng hữu thượng”
(Tiết, cửu ngũ)

(Vui với tiết chế, tốt, cứ thế mà đi thì được khen)
(Quẻ Tiết, hào 5, dương)

Ở đây, thái độ của tác giả Kinh Dịch rất rõ ràng. Tác giả ca ngợi đức khiêm, ca ngợi sự tiết kiệm là những đạo đức tốt đẹp. Đặc biệt tác giả Kinh Dịch khuyên răn mọi người :

“Bất tiết nhược, tắc ta nhược, vô cữu” 
 (Tiết, cửu tam)

(Không tiết kiệm mà than vãn, không đổ lỗi cho ai được)
 (Quẻ Tiết, hào 3, dương)

Đạo đức quý trọng tiết kiệm, hiển nhiên là phản ánh sự tồn tại trong xã hội lúc bấy giờ. Bọn thống trị chủ nô lệ đời Thương răn dạy giai cấp chủ nô lệ không nên xa xỉ hoang dâm. Vua ban hành lệnh quý trọng tiết kiệm:

“Trẫm bất kiên hiếu hóa, cảm cung sinh sinh cúc nhân, mưu nhân chi bảo cư, tự, khâm”.
 (Thượng thư - Bàn Canh hạ)

(Ta không dùng những người chỉ ham tiền của. Hi mà kính cẩn, có lòng vì dân, lo cho dân được an cư, thì ta kén dùng và khâm phục.)

Bọn thống trị coi tiết kiệm là hành vi mẫu mực của đạo đức, là phương pháp quan trọng duy trì sự thống trị lâu dài:

“Thận nãi kiệm đức, duy trì Vĩnh đổ” 
 (Thượng Thư, Thái giáp thượng)

(Cẩn thận giữ lấy đức kiệm, nghĩ đến việc lâu dài về sau).

Thứ ba là đức “kính” cũng được tác giả Kinh Dịch coi là đạo đức tốt đẹp. Kinh Dịch đã ghi:

“Hữu bất tốc chi khách tam nhân lai, kính chi, chung cát.”
 (Nhu, thượng lục)

(Có ba người khách thủng thẳng tới, kính trọng họ thì sau tốt lành.) 
 (Quẻ Nhu, hào 6, âm)

“Lý thác nhiên, kính chi, vô cữu”
(Ly, sơ cữu)

(Xéo bừa bãi, kính trọng họ thì không có lỗi).
( Quẻ Ly, hào 1, dương)

Tư tưởng Kinh Dịch quí trọng “đức” có liên hệ với tư tưởng “kính đức bảo dân” (kính trọng đức, bảo hộ dân) ở đầu đời Chu. Chu Tông xuất phát từ lợi ích quí tộc chủ nô lệ của nhà Chu, cho nên ông nói, nhà Thương bị diệt vong, nhà Chu hưng thịnh đều là do mệnh trời, chỉ có “bảo hưởng vu dân” (giúp dân no ấm) thì mới có “hưởng thiên chi mệnh” (tọa hưởng mệnh trời)(2)

Vì nhà Thương không “kính đức bảo dân”, cho nên trời trao mệnh cho nhà Chu thống trị thiên hạ. Chu Tông coi “mệnh trời”là chủ tề chi phối tất cả.

Nếu nói Kinh dịch đã phán ánh tư tưởng đạo đức của giai cấp chủ nô lệ chiếm địa vị thống trị trong xã hội nô lệ, thì dịch truyện phản ánh tư tưởng đạo đức của giai cấp địa chủ từ thời kỳ chế độ nô lệ chuyển biến sang chế độ phong kiến. Đương nhiên, tư tưởng luân lí đạo đức phong kiến vẫn là kế thừa và phát triển luân lý đạo đức xã hội nô lệ.

Tác giả Dịch truyện đã tiếp nhận quan niệm đạo đức trong quan hệ kinh tế đương thời. Do đó, họ đề xuất phạm trù đạo đức với nội dung: trung, hiếu, tiết, nghĩa, nhân, khiêm v.v... làm quy phạm đạo đức của giai cấp địa chủ phong kiến. “Trung” là chỉ quy phạm hành vi quan hệ giữa giai cấp bị thống trị là dân đối với giai cấp thống trị tối cao là vua. và cũng chỉ là quy phạm hành vi quan hệ trong nội bộ giai cấp thống trị bề tôi với vua. Tác giả Dịch truyện nói:

“Bất cập kỳ quân, thần bất khả quá dã” 
 (Tiểu quá, lục nhị, tượng truyện)

(Không được gặp vua, là vì bầy tôi không thể quá (phận) bề tôi)
 (Quẻ Tiểu quá, hào 2, âm, lời tượng)

“Quân bất mật tắc thất thần, thần thất mật tắc thất thân, cơ sự bất mật tắc hại thành. Thị cố quân tử thận mật nhi bất xuất dã”.
 (Hệ từ thượng)

(Vua không kín thì mất bề tôi, bề tôi không kín (miệng) thì thiệt thân mình, mưu cơ không giữ kín thì tai hại nảy sinh. Cho nên người quân tử cẩn mật và không tiết lộ).

Đó là nói, mục đích của người quân tử tu dưỡng đạo đức cần phải vua ra vua, bề tôi ra bề tôi. Bề tôi tôi phải trung với vua; vua đối với bề tôi phải kín miệng, nếu không thì mất bề tôi. Bề tôi phải trung với vua, đó là yêu cầu cơ bản của xã hội phong kiến đối với bề tôi và dân chúng, cũng là quy phạm vi của bề tôi và dân, nếu không thực hiện được điều đó là hành vi vô đạo đức.

Đạo “hiếu”, là chỉ quy phạm hành vi trong quan hệ con cái với cha mẹ. Tác giả Dịch truyện nói:

“Vương cách hữu miếu, chí hiếu hưởng dã” 
 (Tụy quái, Thoán truyện)

(Vua đến nhà miếu, để dâng lễ là rất hiếu)
(Quẻ Tụy, lời Thoán)

Con cái chẳng những phải “hiếu” với cha mẹ mình mà từ đó suy ra còn phải "hiếu" với tổ tiên mình. Trong xã hội phong kiến, gia đình, gia tộc là đơn vị cơ bản trong sản xuất và chính trị xã hội. Trong gia đình thực hiện “hiếu” tức là tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cha, không chống đối người tổ chức sản xuất và phân phối trong gia đình. Nếu trong gia đình thực hiện “hiếu” thì sẽ không xúc phạm cấp trên, không làm loạn. Đó là hợp với quy phạm hành vi đạo đức ở thời phong kiến.

Đức “Tiết” là chỉ quy phạm hành vi trong quan hệ vợ với chồng.Dịch truyện chép:

“Lão phụ sĩ phu, diệc khả xú dã”
(Đại quá, cửu ngũ, tượng truyện)

(Bà già lấy chồng trai tráng, cũng có thể là xấu)
(Đại quá, hào 5, dương, lời tượng).

Dịch cho đó là điều xấu, xét về mặt dư luận là không hợp đạo đức. Vì theo tác giả Dịch truyện, người phụ nữ trọn đời chỉ có một chồng. Khi chồng còn sống, mặc dù bị bạc đãi, nhưng người vợ vẫn không bỏ đi lấy chồng khác. Khi chồng chết người vợ vẫn không tái giá. Nếu người vợ không thực hiện được điều đó, tức là trái với đạo đức, bị dư luận xã hội lên án. Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết không đi lấy chồng khác, như vậy được gọi là “trinh tiết”, “thủ tiết”. Đó là sợi dây phong kiến trói buộc người phụ nữ.

Đạo “nghĩa”, chỉ là hành vi trong mối quan hệ người với người. Dịch truyện nói:

“Quân tử vu hành, nghĩa bất thực dã”,
(Minh Di, sơ cửu, tượng truyện)

(Người quân tử (biết thời cơ) thì bỏ đi ngay, là theo điều nghĩa mà không ăn (lộc)). 
(Minh Di, hào 1, dương, lợi tượng)

Đạo “nghĩa” cũng tức là một hành vi đạo đức trong mối quan hệ xử lý giữa con người với nhau. Cho nên Dịch truyện nói:

“Hòa thuận ư đạo đức nhi lý ư nghĩa”
 (Thuyết quái truyện)

(Hòa thuận ở đạo đức và xử lý ở điều nghĩa).

Trung, hiếu, tiết, nghĩa là hạt nhân của đạo đức phong kiến. Nhưng theo quan niệm của tác giả Dịch truyện, quan hệ đạo đức “nhân”, “nghĩa” cần phải kết hợp với điều lợi “Lợi” tức là “công lợi”.

Theo tác giả Dịch truyện, quan hệ đạo đức “nhân”, “nghĩa” và “lợi” là:

“Lợi giả nghĩa chi hòa dã. Trinh giả sự chi cán dã. Quân tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân, gia hội túc dĩ hợp lễ, lợi vật túc dĩ hòa nghĩa, trinh cố túc dĩ cán sự, quân tử hành thử tứ đức giả, cố viết kiền, nguyên, hanh, lợi, trinh”. (Kiền, văn ngôn).

(Lợi là điều nghĩa hòa thuận. Trinh là gốc của sự việc. Quân tử thể theo điều nhân đủ để cầm đầu người ta, tập hợp tốt để để hợp với lễ, làm lợi cho người ta đủ để hòa hợp điều nghĩa, kiên trinh vững vàng đủ để chủ trì các việc. Đấng quân tử thực hành bốn đức tính ấy, cho nên gọi là: Kiền, nguyên, hanh, lợi, trinh).

Nghĩa của bốn từ: nguyên, hanh, lợi, trinh nói trong quẻ Kiền, Văn ngôn hoàn toàn khác với nghĩa gốc của nguyên, hanh, lợi, trinh trong Kinh Dịch . Văn ngôn coi nguyên, hanh, lợi, trinh là bốn loại quy phạm đạo đức mà người quân tử đã thực hiện, đó hoàn toàn là một giải thích mới xuất hiện ở Dịch truyện. Nó coi lợi là công lợi của giai cấp địa chủ, cầu mong “lợi vật”, lại đem “lợi vật” gắn với “hòa nghĩa” và coi đó là thể hiện “hòa nghĩa”.

Dịch truyện cũng đề cập đề đức “khiêm”. Dịch truyện cho rằng:

“Khiêm khiêm, quân tử, ty dĩ tự mạc dã” (Khiêm, sơ lục, tượng truyện).

(Khiêm tốn, khiêm tốn, bậc quân tử lấy sự thấp nhường để tự nuôi mình) 
(Khiêm, hào 1, âm, lời tượng)

Theo Dịch truyện, khiêm tốn chẳng những là đạo đức đẹp mà còn là điều tồn tại phổ biến trong trời đất. Khiêm tốn chẳng những là đạo trời đạo đất, mà còn là đạo người , đạo quỷ thần. Điều mà người ta nói đến “ích khiêm” (thêm vào khiêm), “lưu khiêm” (trôi vào chỗ khiêm), “phúc khiêm” (làm phúc cho khiên), “hiếu khiêm” (yêu thích khiêm), có nghĩa khiêm là điều tốt lành và coi tự mãn là điều tổn hại. Do đó, tác giả Dịch truyện gắn liền đức khiêm tốn với củng cố địa vị thống trị. Họ cho rằng có công lao mà khiêm tốn có thể khiến cho muôn dân phục tòng thống trị.

Đạo đức có tiêu chuẩn khách quan. Điều đó có lợi cho xã hội tiến bộ và xã hội phát triển, đạo đức tiến bộ hay không là do thực tiễn xã hội kiểm nghiệm. Bất cứ một loại đạo đức nào cũng đều quyết định bởi cơ sở kinh tế xã hội nhất định. Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, tư tưởng luân lý đạo đức Kinh Dịch cũng không vượt khỏi giới hạn đó. Nó chẳng những là duy tâm mà còn mang tính tôn giáo. Nó từ trong hình thức tôn giáo thần học mở rộng ra đạo đức, và hòng thoát khỏi hình thức tôn giáo thần học trở về xã hội hiện thực.

Dịch truyện ra đời sau Kinh Dịch khoảng 5, 6 thế kỷ, cho nên nó thường nói đến lý tưởng đạo đức của người quân tử, trên thực tế là trìu tượng nhân cách lý tưởng của giai cấp địa chủ mới nổi dậy. Nhưng lý tưởng đạo đức và quy phạm hành vi đạo đức mà bọn thống trị biểu hiện lại tách rời cuộc sống hiện thực. Bọn chúng bề ngoài nói đạo đức “nhân nghĩa” nhưng trong hành động luôn luôn làm khác. Đó là biểu hiện tính dối trá lý tưởng đạo đức của giai cấp thống trị, giai cấp bóc lột.

Hà Nội ngày 8- 1- 1997

CHÚ THÍCH

(1) C. Mác, F. Ăng - ghen tuyển tập, tập 5, tr.136, Nxb. Sự thật, H. 1983.

(2) Thượng Thư, Đa phương./

Tạp chí Hán Nôm

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020