Hán nôm

LỜI THÌ THẦM CỦA NGUYỄN DU VỚI CHÚNG TA QUA ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH


15-10-2020
Tác giả: Nguyễn Thạch Giang

Đoạn trường tân thanh là một kiệt tác, “một khúc nam âm tuyệt xướng. Lời lẽ xinh xắn mà văn hoa, âm điệu ngân vang mà tròn trịa. Nói tình thì vẽ được hình trạng, hợp ly, cam khổ, mà tình không rời cảnh; tả cảnh thì bày hết thú vị tuyết nguyệt phong hoa, mà cảnh thì tự vướng tình, khiến người cười, khiến người khóc, khiến người giở đi giở lại ngàn lần, càng đọc thuộc, lại càng không biết chán” (Đào Nguyên Phổ), từ hàng vua quan, khoa bảng đến người dân đều nhiệt liệt ca ngợi.

Cuộc đời Thúy Kiều đã trải qua hầu hết những khổ đau của con người trần thế, nên chi ai cũng có thể tìm thấy một phần đời của mình trong những cảnh ngộ khác nhau của thân phận Thúy Kiều, khi yêu đương trông ngóng, hy vọng, đợi chờ, khi hoạn nạn bị chà đạp phũ phàng.

Từ khi Mộng Liên Đường chủ nhân viết lời tựa Đoạn trường tân thanh: “Có tài mà không gặp được tài, có tình mà không hả được tình. Trong một tập thủy chung lấy bốn chữ “Tạo vật đố tài” tóm cả một đời Thúy Kiều. Vui, buồn, tan hợp mười mấy năm trời, trong một cuốn văn tả ra như hệt, không khác gì một bức tranh vậy”. Từ đó bao nhiêu thơ văn viết về Đoạn trường tân thanh đều dựa dẫm than thở cho cái tài, cái tình theo thói quen trực giác của những tâm hồn vốn đa sầu đa cảm đó.

Chúng ta bị cuốn hút vào từng đoạn văn Kiều. Ta bị thôi miên mà không thấy được toàn cục Truyện Kiều, không tự hỏi cụ Nguyễn Du tả một cô Kiều hay như vậy để làm gì ? Cũng như chúng ta, cụ Nguyễn Du cũng tìm được mình trong những mảnh đời của Kiều, gửi được tâm sự mình vào đó ! Nhưng Cụ là tác giả, Cụ phải có ý đồ cao xa thiết kế cuốn truyện của Cụ, không chỉ có để gửi gắm tâm sự, bộc bạch lý do cân đai áo mũ phụng sự tân triều của mình.

Các tác gia Trung Hoa, kể từ Thiên Hoa Tàng chủ nhân đề bài tựa cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, cũng chỉ loanh quanh trong cái tình và cái tài “cảm vì tình nàng, tạm viết vài hàng, thay lời ngưỡng mộ. Nếu lấy tình của thế tục nói rằng hành vi nàng là đê tiện nhơ nhuốc con người, thì tôi đây sẽ vì nàng mà khóc lóc thảm thiết trong ngàn xưa vậy”. Và cả bài từ đầu cuốn truyện cũng chỉ thở than riêng cho số phận giai nhân đeo mệnh bạc, hồng nhan gặp sự không may, chẳng qua là tạo hóa ghét sự hoàn toàn, hơn điều nọ tất phải kém điều kia.

Các tác gia Việt Nam cũng theo điệu đó mà than thở cho tài, tình của thân phận Thúy Kiều, và hầu như Đoạn trường tân thanh được viết ra là để minh họa cho chủ đề đó. Từ Phạm Quý Thích cho rằng:

“Đoạn trường mộng tính căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân thanh đáo để vị thùy thương”.

Trước đó, Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân cũng đã có ý ấy:

“Xem đến chỗ giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy mà căn nguyên vẫn gỡ chưa rồi, khúc đàn bạc mệnh gảy xong, mà oán hận vẫn còn chưa hả ”.

Cứ cho các cụ viết đúng như thế thì các cụ cũng chỉ nhìn thấy từng mảnh đời Thúy Kiều, xét toàn cục Truyện Kiều mà viết như vậy là không thỏa đáng. Theo Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, thì từ sau khi trẫm mình, đời Thúy Kiều đã khác:

“Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi,
……
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau…”
Và tiếng đàn cũng vậy, đã khác xưa:
“Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy,
……
Tẻ vui cũng bởi lòng này
Hay là khổ tận đến ngày cam lai.

Như vậy làm gì có chuyện: “Đoạn trường mộng tỉnh, căn nguyên vẫn gỡ chưa rồi, khúc đàn bạc mệnh gảy xong mà oán hận vẫn còn chưa hả…

Trở nên là cách nhìn của nhà Nho vốn quen tư duy trực giác, chỉ thấy cái trước mắt không thấy cái chủ ý muốn nhắn gửi của tác giả đằng sau những từ ngữ hay cái ý ngoài lời của nó.

Ta thử xét lại tài và tình của Thúy Kiều. Tài thì có tài thơ và tài đàn. Nói về tài thơ của Kiều, theo những bài đã chép trong Kim Vân Kiều truyện, chỉ trừ một số rất ít bài có ý tưởng riêng, còn lại hầu hết là thơ câu lạc bộ, tài đàn cũng vậy, chắc là cũng “u, liu, xế, cồng, liu”. Và cả hai tài đều mang trạng thái tâm hồn sầu thảm, não ruột bi thương. Một cô gái mới lớn mà đã “đoạn trường, tạo vật đố tài, nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa…”. Bấy nhiêu điều đều phải được nảy mầm từ những hạt giống gia đình mấy đời trước truyền lại, như Kiều đã nói:

“Nhớ từ năm hãy thơ ngây
Có người tướng sĩ đoán ngay một lời.
Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa…

Tài, sắc như vậy mà thời trước chỉ đến với một anh thư sinh Kim Trọng, nên chi thực tế thì tài sắc ấy cũng chỉ ở mức khiêm tốn.

Quả thực, Đoạn trường tân thanh được viết ra để minh họa cho “tài mệnh tương đố, tạo vật đố tài” như quan niệm thông tục dân gian qua một cô Kiều khổ đau, đày đọa; một vấn đề tầm thường như vậy thì không làm nên được một cái gì cả. Đằng này Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du hẳn phải có một cái gì đó sâu rộng hơn mới làm nên một kiệt tác.

Trời xanh, tạo vật đố tài trong Thúy Kiều, thực chất là xã hội, là những con người bằng da bằng thịt, vì ghen tỵ mà làm khổ nhau, mà chà đạp Kiều… Nguyễn Du nhiều lần nói đến ý tưởng:

Phúc họa đạo trời
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra…

Trong tất cả các khổ nạn của Kiều đều có phần của con người, của Kiều tạo ra. Nguyễn Du nhấn mạnh đến ý này nhiều lần mà trongKim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân không có. “Ở lòng người mà ra”, Nguyễn Du muốn nói cụ thể rõ ràng về việc Kiều tự gây ra khổ nạn cho đời mình trong những lần Kiều nương cửa Phật.

Lần đầu, Kiều ở Quan Âm Các:

Phật tiền thảm lấp sầu vùi
Ngày pho thủ tự đêm nhồi tâm hương

Quan phòng then nhặt lưới mau
Nói lời trước mặt rơi châu vắng người
Gác kinh viện sách đôi nơi
Trong gang tấc lại gấp mười quan san.

Rõ ràng khổ đau gây ra cho mình từ sau lần đi tu ở Quan Âm Các là do Kiều tu mà chưa thực tâm tu, còn vướng víu quá nặng nề trần lụy. Thảm sầu phải được tu học để tự chuyển hóa chứ không phải lấp vùi. Lấp vùi thì thảm sầu vẫn còn nguyên đó. Nói lời trước mặt khi gặp người khác nhưng khi một mình đối diện với mình thì lại “rơi châu”, nghĩa là còn thấy mình bị tủi nhục, vẫn còn mong muốn gặp người yêu cũ Thúc Sinh. Đau khổ của Kiều sinh ra từ đó. Giá như Kiều dứt hẳn, cự tuyệt tình yêu đó thì Kiều vẫn được an toàn, yên vui ở Quan Âm Các.

Lần thứ hai ở Chiêu ẩn Am: Nếu Kiều ở đây “gửi thân được chốn am mây” mà không có chuyện phạm giới “chuông vàng, khánh bạc”, thì làm gì có chuyện bị lừa đảo bởi Bạc Bà, Bạc Hạnh ?

Lần thứ ba ở am bên sông, tu với Giác Duyên, Thúy Kiều thuật lại:

Đã đem mình bỏ am mây
Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa
Mùi thiền đã bén muối dưa
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi.

Trùng sinh ân nặng bể trời
Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi.

Lần này, sau vụ tự trầm ở sông Tiền Đường “nạn xưa trút sạch lầu lầu”, Kiều thực sự tu học có kết quả, đã chuyển hóa được nghiệp của đời mình, tạo nên buổi đoàn viên. Theo Tam Hợp đạo cô, sở dĩ có như vậy là nhờ:

Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm
Lấy tình thâm trả nghĩa thâm
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời
Hại một người, cứu muôn người
Biết đường kính trọng, biết lời phải chăng
Thửa công đức ấy ai bằng
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.

Sau lần tu này, trong cuộc Kim - Kiều tái hợp, Nguyễn Du nhấn mạnh làm nổi rõ sự tu học có kết quả thực sự của Kiều:

1- Đêm “động phòng dìu dặt chén mồi”, Kiều cự tuyệt việc mây mưa mà Kim Trọng phải “một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm”. Trong nguyên truyện, Kiều nói quyết liệt hơn:

“Song riêng chuyện mây mưa non Vu đỉnh Giáp thì thân này đã như vật tàn tạ, nếu còn coi như đóa hải đường mơn mởn để ướm thử thì ấy là đã làm thẹn thiếp, làm nhục thiếp. Thiếp quyết không sao tuân mệnh được”.

“Vả, cái trinh của thiếp sau khi chịu nhục, chỉ còn lại một chút xíu này, nếu chàng cứ cố tình làm ô nhục nốt chỗ chút xíu ấy thì thiếp đành phải tan xương nát thịt, chứ không còn dám dự vào việc nâng khăn sửa túi nữa”.

Như vậy, Kiều không còn phải tu giữ giới nữa, mà giới vẫn được giữ nghiêm nhờ kết quả tu học, một lòng theo Phật.

2- Trong buổi “thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa”, tiếng đàn cô Kiều bây giờ khác hẳn, vì cái tâm đã được giác ngộ:

Chàng rằng: “Phổ ấy tay nào ?
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy !”
Trẻ vui bởi tại lòng này,
Hay là khổ tận đến ngày cam lai ?
3- Nguyễn Du nhấn mạnh ý không có trong nguyên truyện:
Nặng vi chút nghĩa bấy lâu,
Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai

Nguyễn Du muốn nói trong suốt phần đời còn lại, Kiều vẫn một lòng tu Phật:

4- Sau khi đàn lần cuối cho Kim Trọng nghe, Kim Trọng còn thòm thèm không quên được nghệ thuật cao siêu của Kiều, Kiều bèn nói:

“Chàng không quên thiếp thì thiếp xin trình bày nghệ thuật khác để đổi vị cho chàng. Bèn đề 10 bài thơ tặng Kim Trọng: “Đây là tình của thiếp, xin chuyển mối tình của chàng cho sát với tình của thiếp”.

Bài thứ 1:

“Nhớ xưa gặp quân tử
Không biết là có sống
Mới biết nhi nữ tính
Tức là nhi nữ tình”.
Và bài thứ 10, bài cuối:
“Ngày nay gặp lại chàng
Không biết là có chết
Xin chàng sớm định tình
Trước sau cho giống hệt”.

Từ bài 2 đến bài 9 trình bày lý do, thanh minh cho cách hành xử của mình trong từng cảnh ngộ.

Có thể nói đây là lời Kiều trình bày cả quá trình đau khổ từng trải qua của đời mình, mà bài đầu nói sự thật là sống theo dòng đời với những “hồng nhan bạc mệnh”, “tài mệnh tương đố” nghĩa là sống ngụp lặn theo thói tục mà không biết tự do, hạnh phúc, không biết có sống. Và bài cuối là nói cuộc sống sau khi tu học có kết quả, đã vượt khỏi sự sống chết, nghĩa là sống tự do, tự mình làm chủ cuộc đời của mình bằng cách tạo ra những thiện nghiệp, năng lực chuyển hóa mọi cái thành cái tốt.

Ta quen nhìn từng quãng đời Kiều nên chỉ thấy cuộc đời và triết lý Kiều có nhiều mâu thuẫn. Trong đoạn kết, Nguyễn Du viết:

Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Đó là thuyết định mệnh. Con người hoàn toàn là thứ đồ chơi trong tay tạo hóa, cho sao được vậy. Nhưng lại có cả nghiệp:

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Trong một đoạn kết mà mâu thuẫn đến kỳ lạ của hai khái niệm triết lý: định mệnh của nhà nho và nghiệp của nhà Phật.

Đoạn kết Đoạn trường tân thanh chúng ta phải hiểu rằng: “Thế mới biết, người đời thường cho rằng: “muôn sự tại trời…” là không đúng. Do chỉ thấy những trường hợp cá biệt biểu hiện ra bên ngoài. Con người tự tạo ra nghiệp, chứ không ai khác, nghĩa là chính mình là tác giả của đời mình, tự tâm ta cả. Thiện căn ở tại lòng ta, phúc họa đạo trời, cội nguồn cũng ở trong lòng mà ra cả. Đó là lời dạy của Phật: Mỗi chúng ta là một vị Phật sắp thành. Phải trở về với chính ta, không cầu một cái gì ngoài ta.

Như vậy, viết Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du muốn trao gửi cho hậu thế sự tu học, tâm đắc của mình: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Thực tâm theo Phật, bản thân ta được bảo vệ an toàn trong mọi hoàn cảnh.

Văn Kiều quá hay, cuốn hút chúng ta nên chỉ thấy văn chương mà quên tìm hiểu cái hiện tượng được phô diễn ngọt ngào ra đó mục đích để nói cái gì. Văn nghệ Đông phương vốn gợi ý, chứ không khúc chiết. Đọc văn phải lĩnh hội cái ý… được gửi gắm của tác giả ở đằng sau những từ ngữ mỹ miều đó. Cái ý quán xuyến mà Nguyễn Du muốn trao gửi cho chúng ta là: Muốn có tự do và hạnh phúc thực sự, chỉ có một con đường duy nhất là tu Phật, vì chỉ có đạo Phật mới dạy ta chuyển hóa những cái không tốt ở ta thành những cái tốt, tự ta làm chủ cuộc đời của ta, không một thế lực bên ngoài nào khác làm thay ta.

Lấy một đời Kiều ra mà xét thì một phần đời trước, Kiều chỉ sống theo thói tục ngụp lặn trong vòng tài mệnh tương đố, hồng nhan bạc mệnh, bị những thế lực xã hội đày đọa. Phần đời sau là phần đời đã tu học có kết quả, thành tâm đi theo Phật mà được sống tự do, hạnh phúc, làm chủ lấy cuộc đời của mình.

Đoạn trường là nói nỗi đau khổ do cả hai nguyên nhân (xã hội, tu mà không thực tâm tu) làm đày đọa Kiều; còn Tân thanh là tiếng mới, là lời giải thích mới, là sự quán chiếu về cái nguyên nhân chứ không phải Trời mệnh như dân gian thông tục. Cả hai nguyên nhân, Thanh Tâm Tài nhân và Nguyễn Du đều có, song thi phẩm Tố Như cả hai đều được khắc họa sắc nét, đậm đà hơn và riêng Nguyễn Du ý đồ sáng tác Đoạn trường tân thanh để nói cái nguyên nhân Tu là rõ rệt, sâu sắc như một điều tâm đắc của cả đời tu học của mình.

Qua Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du đã thì thầm chân lý vĩ đại đó với chúng ta, Nguyễn Du thì thầm để chúng ta thêm thấm thía lời dạy mà chính Cụ đã thể hội sâu sắc qua cuộc đời phong trần của Cụ trong hoàn cảnh đất nước cần nhà Nho xây dựng, kiến thiết, trong một môi trường xem Phật gia thoát ly cuộc đời, trốn tránh trách nhiệm xã hội mà lánh vào cửa Thiền, không biết rằng Phật gia vì đời mà đi tu theo Phật nhập thế.

Lý tưởng thẩm mỹ Phật giáo đóng vai trò chủ đạo trong khi diễn tácĐoạn trường tân thanh. Và, như vậy chính Nguyễn Du đã tu học đời mình theo Nho, theo Đạo, theo Thiền tổng hợp trong cái gọi là Đạo học (neoconfucianisme), nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật của những nghệ sỹ lớn phương Đông.

Tôi tin bấy nhiêu điều mầu nhiệm như khi trầm ngâm lĩnh hội cái đẹp trí tuệ của câu thơ Kiều:

“Trời còn để có hôm nay…”

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020