Hán nôm

SỰ ĐÓNG GÓP CỦA BẢN LIỄU VĂN ĐƯỜNG TRONG VIỆC TÌM RA NIÊN ĐẠI TRUYỆN KIỀU


15-10-2020
Tác giả: Nguyễn Tài Cẩn- Đào Thái Tôn

1/ Như chúng tôi đã có nhiều lần nói đến trong các bài viết, trong việc nghiên cứu các bản Kiều Nôm cổ thế kỉ XIX, cụ Hoàng Xuân Hãn đã có công lao đóng góp rất to lớn: Cụ đã gợi lên nhiều ý tưởng mới, Cụ cũng đã cất công sưu tầm, thu thập, thuê chép được rất nhiều bản chép tay có giá trị mặt này hay mặt khác; khoảng năm 1942-1943 Cụ lại phát hiện được một bản chép tay rất đặc sắc khiến Cụ phải chịu khó về đến tận Tiên Điền để tìm hỏi cụ Nghè Mai và để điều tra thêm trong dòng họ.

Tuy trong bài trả lời phỏng vấn trước khi qua đời, cụ Hoàng Xuân Hãn không hề nhắc tới tên văn bản mà cụ cho là rất quan trọng. Nhưng sau này, qua sự thuật lại trong hồi ức Nguyễn Văn Hoàn thì Cụ đã nói đến bản Duy Minh Thị (DMT). Nhà báo Thụy Khuờ cũng theo Nghiêm Xuân Hải mà cho biết: “trong 8 bản Kiều, Kiều tầm nguyên sẽ in một bản duy nhất, đó là bản DMT 1872 vì Hoàng Xuân Hãn đã đánh giá là nó gần bản gốc nhất (ngoài những chữ sai dễ chữa vì người khắc ván và người biên tập không thạo tiếng Việt”(1).

Chúng ta hiện chưa biết hết được mọi sự phát hiện của cụ Hoàng Xuân Hãn, bởi cuốn Kiều Tầm nguyên của Cụ chưa ra đời; bản mà Cụ hết lời ca ngợi là bản chép tay hay bản in DMT 1872 (?) vẫn là điều cần phải chờ đợi. Nhưng một điều chắc chắn là Cụ đã không ngớt lời ca tụng những cỏi quớ của một văn bản nào đó. Đó là bản cổ, chép lại từ một bản đời Gia Long; đó là một bản gần với lần sơ thảo đầu tiên vì có nhiều câu Cụ đang theo sát Thanh Tâm Tài Nhân, chưa kịp sửa chữa lại; đó là một bản có gia húy và có nhiều điều ăn khớp với các truyền thuyết thường nghe kể trong gia đình, làng xóm…Và khi so sánh với bản Kiều Oánh Mậu (KOM), cụ đã đặt bản DMT lên vị trí số 1, coi trọng hơn hẳn bản KOM.

Nhưng dù sao thì bài trả lời phỏng vấn của cụ Hoàng Xuân Hãn đã gợi ra một phương pháp nghiên cứu văn bản Truyện Kiều hoàn toàn mới. Thực tiễn nghiên cứu từ 1997 đến nay đã chứng tỏ điều đó. Dù vậy, chúng ta cũng không nên đi đến một thái độ cực đoan, coi thường các bản Kiều Nôm cổ còn lại. Ngay bản thân cụ Hoàng Xuân Hãn, Cụ cũng đã dùng đến 8 bản Kiều đời Tự Đức để so sánh, cân nhắc. Chúng tôi cũng có quan niệm như vậy. Trong cuốn Tư liệu Truyện Kiều - từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, chúng tôi cũng đã phân tích rõ: mỗi bản đều hoặc nhiều hoặc ít có phần đóng góp đáng quí của nó cả.

Để minh họa, dưới đây chúng tôi xin nêu lên những trường hợp bản DMT gần như thúc thủ mà bản Liễu Văn Đường (LVĐ) lại có công đóng góp được những vết tích kị húy Lê - Trịnh rất quí, góp phần làm sáng tỏ hẳn vấn đề niên đại của Truyện Kiều.

2/ Trong việc tìm tòi các vết tích kị húy may mắn còn sót lại được từ thời Lê -Trịnh, có thể chia thành 3 trường hợp chính:

- Trường hợp bản LVĐ có vai trò tương đương như bản DMT, hai bên bổ sung cho nhau;

- Trường hợp bản DMT có phần đóng góp nhiều hơn;

- Và trường hợp bản LVD có giá trị cao hơn hẳn, không có nó thì bản DMT thiếu hẳn tư liệu, hoặc có tư liệu nhưng tư liệu không đủ sức thuyết phục.

Trước hết xin điểm sơ qua một số dẫn chứng thuộc trường hợp đầu:

a) Về chữ NINH 寧 tên húy vua Lê Trang Tông (1533-1548), ông vua mở đầu giai đoạn Trung hưng, bản DMT đã chọn cách viết có bộ KHẨU ở câu 2789 để có tự dạng khác đi; ở câu 450 bản LVĐ cũng dùng biện pháp tương tự: viết thêm bộ NHÂN để kị húy;

b) Về chữ KIM 金, trùng âm với tên húy của Nguyễn Kim (1533-1545) ông tổ họ ngoại các chúa Trịnh, bản DMT 2 lần dùng chữ khác (chữ CHÂM 針 viết đá thảo ở câu 3175, chữ KINH 經 ở câu 2024); thì bản LVĐ cũng 3 lần đổi KIM thành CHÂM, ở câu 769, câu 1507 và câu 3175 .

c) Về 2 tên húy của chúa Minh Đô Vương Trịnh Doanh 楹 (1740-1767) bản DMT cũng như bản LVĐ đều dùng một biện pháp chính là thay bộ MỘC bằng bộ THẢO trong chữ DOANH (như ở câu 1885); ngoài ra đều còn dùng biện pháp phụ là viết bỏ bởt nét ở chữ MINH 明: như ở câu 1510 trong bản LVD / 1866 và trong 4 câu của bản DMT. Biện pháp phụ ở bản DMT có nhiều hơn, nhưng điều đó không quan trọng bằng biện pháp chính. Thay bộ MỘC bằng bộ THẢO để kị húy chữ DOANH là dùng biện pháp hoàn toàn giống như trường hợp thay bộ HÒA 種 bằng bộ THỦ để kị húy chữ GIỐNG / CHỦNG dưới triều Nguyễn.

3/ Trường hợp bản DMT cung cấp nhiều cứ liệu quí hơn cũng có, như trường hợp kị húy tên Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (1623-1657 ) hay trường hợp kị húy tên Uy Đô Vương Trịnh Giang (1729-1740): việc dùng chữ THANH 声 (với nghĩa là “tiếng”) thay cho chữ THANH 清 (với nghĩa là “trong”) ở câu 2209, cũng như việc viết bỏ bớt một nét trong chữ UY 威 ở câu 1821 đều là những đóng góp đáng quí của riêng bản DMT.

Theo vận thư xưa, THANH 声 (= tiếng) vừa khác tự dạng vừa không đồng âm với chữ THANH 清 (= trong). Hiện nay người Hán vẫn đọc hai chữ khác nhau.

Nhưng công bằng mà nói thì chính bản LVĐ mới là bản có giá trị cao hơn hẳn, trong việc góp phần làm sáng tỏ vấn đề niên đại Truyện Kiều. Đây là một điều bất ngờ, bất ngờ ngay cả đối với chúng tôi, nhưng đó quả đúng là một sự thực.

a) Về việc kị húy tên ông chúa mở đầu dòng họ Trịnh - chúa Trịnh Tùng (1570-1623) - bản DMT không lưu lại được một vết tích gì. Nhưng hệ thống 4 bản Kiều Nôm miền Bắc lại bổ sung được cho sự khiếm khuyết đó: ở câu 398 bản LVĐ và bản VNb.60(2) đều khắc rõ rành rành một chữ TÙNG 松 có tự dạng khác: bản LVĐ bỏ bộ MỘC và thay bằng bộ THỦ ; bản VNb.60 lại bỏ bộ MỘC và thay bằng bộ HÒA .

b) Trong chữ Nôm, ĐẦM thường phải ghi bằng chữ ĐÀM 潭 (xin xem các tự điển như Huúnh TÞnh Của, Nguyễn Quang Xĩ vµ Vũ Văn Kính…). Nhưng ĐÀM lại là tên húy của vua Lê Thế Tông (1573-1600)! Vậy có thời đã phải né tránh chữ ĐÀM. Hiện nay ở câu 82, việc né tránh đó đã được xóa bỏ: ĐẦM vẫn ghi bằng ĐÀM. Nhưng ở 2 câu vết tích kị húy cũ vẫn còn. Ở câu 3199:

“Khúc đâu đầm ấm dương hòa”

Bản DMT thay ĐÀM / ĐẦM bằng một chữ PHIÊU 漂 có thể dùng như trong PHIÊU DIÊU (= tiếng trong mà dài), hoặc có thể đọc Nôm thành VEO, XIÊU, XEO… Rõ ràng bản DMT có ý đồ kị húy, nhưng cách kị húy không rõ ràng: không hiểu người sao chép muốn bỏ bớt nét chữ ĐÀM để né tránh tự dạng cũ rồi vô tình tạo ra chữ PHIÊU, hay là người chép muốn thay hẳn bằng chữ PHIÊU, VEO, XIÊU, XEO? Bản LVĐ và cả hệ thống 4 bản miền Bắc thì cung cấp cứ liệu kị húy vừa phong phú vừa dễ nhận diện hơn nhiều. Ở câu 784 bản LVĐ nói riêng, cả 4 bản miền Bắc nói chung đều thay ĐÀM /ĐẦM bằng DÂM /DẦM 淫:

“Dàu dàu ngọn cỏ DẦM DẦM cành sương”

Mà đọc ĐẦM ĐẦM CÀNH SƯƠNG thì cũng được vì đúng cả qui tắc ngữ âm, cả qui tắc kị húy! Còn ở câu 3199 thì lại còn thêm một cách kị húy nữa là đổi chữ ĐÀM thành chữ 淡: ĐÀM đọc thành ĐẦM được thì ĐẠM cũng đọc thành ĐẦM được, vì trong chữ Nôm, dấu nặng rất dễ chuyển thành dấu huyền, so sánh với: NGHỊ - NGHÌ, NGHỆ - NGHỀ, MUỘN - BUỒN, CẬN - GẦN v.v. Việc dùng 2 chữ DẦM, ĐẠM ở đây để né tránh tên ĐÀM của vua Lê Thế Tông thiết nghĩ cũng không khác gì việc dùng ở сâu 2067 hai chữ THỰC 寔 (ở KOM) và THIỆT 舌 (ở L©m Näa Phu - LNP) ®ể né tránh chữ THẬT 實, tên húy của mẹ vua Thiệu Trị.

c) Tên húy Tây vương Trịnh Tạc (1657-1682) là chữ TÂY 西. Bản DMT chỉ có một biện pháp kị húy duy nhất là thêm bớt nét để thay đổi tự dạng vốn có. Biện pháp đó triều đại nào cũng thường dùng, nhưng đó là một biện pháp có nhược điểm rất lớn: qua sao chép, qua in ấn việc thay đổi một nét là việc rất dễ xảy ra làm cho việc kị húy hay không kị húy nhiều khi rất dễ lẫn lộn. Bản LVĐ nói riêng, các bản miền Bắc nói chung, đã đi theo một hướng khác, bảo đảm hơn nhiều: ở câu 583 cả 4 bản đều gia thêm một bộ THỦ, biến chữ TÂY thành chữ TAY 壦 ! Với chữ TAY, vừa tránh được cả âm, cả nghĩa vừa tránh được cả tự dạng, ai nhìn vào thì cũng biết ngay đây là biện pháp kị húy. Chỉ xin thử đọc câu 583 xem sao:

“Đồ tế nhuyễn, của RIÊNG TAY ( < RIÊNG TÂY)
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”

Câu lục đặt theo thế chia thành 2 vế: có đối ĐỒ với CỦA; có đối TẾ NHUYỄN với RIÊNG TÂY thì mới hợp! Rõ ràng cách viết RIÊNG TAY chỉ là cách viết né tránh hai chữ RIÊNG TÂY mà thôi. Không phải ngẫu nhiên mà từ trước đến nay chưa một nhà biên khảo nào chịu chấp nhận 3 chữ CỦA RIÊNG TAY, đưa in vào sách.

d) Trong các trường thi xưa có chức danh ĐỀ ĐIỆU chỉ vị quan thay mặt vua. Vì lí do đó chữ ĐIỆU ở Truyện Kiều cũng được kị húy như tên các vua Lê, chúa Trịnh. Có điều vết tích kị húy chữ ĐIỆU ở bản DMT thì đang quá sơ sài: chỉ thay bộ NGÔN 調 bằng bộ SÁCH , mà thay chỉ ở một câu 638. Nếu có người khó tính, họ có thể nghi ngờ và cho đây chỉ là một chuyện sơ suất, do in ấn, sao chép nên nhầm bộ này thành bộ kia mà thôi. Nhưng nếu nhìn sang các vết tích hiện còn lưu lại ở bản LVĐ nói riêng, ở 4 bản miền Bắc nói chung, thì ai cũng phải nhất trí, tin rằng quả có dấu vết kị húy thực. Có 2 cơ sở để tin như vậy:

- Ở câu 1134 cả 4 bản đều thay chữ ĐIỆU bình thường (NGÔN + CHU 調 ) bằng một chữ ĐIỆU đặc biệt (THỦ + TRÁC 掉 ). Chữ ĐIỆU đặc biệt này ở tiếng Hán dùng phổ biến hơn ở Việt Nam (không có trong mục ĐIỆU của Đào Duy Anh!) lại có cả khả năng đọc thành TRẠO! Thật là tìm được một chữ kị húy tuyệt vời! Hoàn toàn không thua gì trường hợp ở câu 2157 LNP dùng chữ HỒNG 紅 với nghĩa là “đỏ” để né tránh chữ HỒNG 洪 với nghĩa là “lớn” khi kị húy Tự Đức: bên nào chữ viết cũng khác nhau, né tránh được tự dạng, và khi cần kị húy về mặt âm thì HỒNG có thể đọc HƯỜNG, ĐIỆU có thể đọc TRẠO !

- Cơ sở thứ 2 là ở câu 638:

“Nét buồn như cúc, ĐIỆU [調] gầy như mai”

Cả 4 bản miền Bắc đều đổi thành: “Nét buồn như cúc, MÌNH [命] gầy như mai”. Đó là một cách đổi chữ kém hơn, trước nay chưa được ai đồng tình về mặt thưởng thức văn học! Nhưng sao lại phải đổi? Rõ ràng đổi chỉ là để tránh húy! Nghĩa là phải đổi như kiểu triều Nguyễn bắt đổi THIẾP LAN ĐÌNH thành THIẾP HƯƠNG ĐÌNH hay đổi LÀN THU THỦY thành HƯƠNG THU THỦY vậy!

4/ Về thời gian sáng tác Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, hiện đang có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp một cách nhất trí:

- Cụ sáng tác sau khi đi sứ về hay Cụ đã sáng tác trước đó?

- Nếu Cụ đã sáng tác trước đó, thì Cụ sáng tác đầu đời Gia Long hay trước đời Gia Long?

Về câu hỏi đầu có một cứ liệu lịch sử có thể soi sáng: Theo bản KOM và bản LNP, một trong hai vị đã có lời bình về Truyện Kiều là ông “nguyên Thiên Trường Tri phủ… Châu Sơn Tiều Lữ Nguyễn Lượng”. Theo Đại Nam thực lục chính biên, tháng 11 năm 1807 giặc nổi lên ở Sơn Nam hạ, Tri phủ Nguyễn Lượng cùng Cai đội Nguyễn Văn Đại đều bị tử trận. Thế thì rõ ràng Truyện Kiều đã phải được viết trước khi cụ Nguyễn Du đi sứ.

Về câu hỏi sau mãi đến gần đây vẫn chưa có chứng cứ gì có thể dùng để làm chỗ dựa. Thiên hướng chung của các nhà nghiên cứu như Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Trương Chính v.v. đều chỉ đưa ra những sự phỏng đoán, nghiêng về hướng cho rằng chắc Truyện Kiềuđã được hoàn thành trước đời Gia Long. Nhưng những sự phỏng đoán đó quả là những sự phỏng đoán tài tình vì hiện nay chúng tôi thấy vết tích kị húy thời Lê Trịnh hiện còn sót lại trong các bản Kiều Nôm cổ thế kỉ XIX nói chung, và nhất là trong bản DMT và trong 4 bản thuộc hệ thống LVĐ nói riêng, dường như đã cho phép chúng ta có chứng cứ để khẳng định Truyện Kiều được sáng tác trong đời Tây Sơn, chấm dứt hẳn được mọi sự ngờ vực trong các ý kiến còn dừng lại như những phỏng đoán trước đây.

5/ Các vết tích kị húy trên đây cho thấy cụ Nguyễn Du đã cơ bản hoàn thành Truyện Kiều trong không khí sáng tác của thời Lê - Trịnh. Nhưng Cụ hoàn thành cụ thể vào khoảng những năm nào ? Đứng trước câu hỏi này chúng ta lại phải quay trë lại bản DMT và 4 bản hệ thống LVĐ vì chỉ chúng mới có thể bổ sung được cho chúng ta những vết tích kị húy đặc biệt và hết sức cần thiết: kị hóy về vua Lê Chiêu Thống, kị húy về chúa Trịnh Bồng và kị húy trong gia đình về cái tên của ông chú Nguyễn Trọng.

a) Chữ tên vua Chiêu Thống và chúa Trịnh Bồng không có trongTruyện Kiều, nên chỉ kị húy về mặt âm. Chiêu Thống âm húy là KÌ 祈, trùng âm với âm húy của Lê Thần Tông (1619-1662) tuy 2 bên viết mặt chữ khác nhau.

Xin đọc 2 câu 3109, 3110 liên quan đến việc kị húy âm KÌ:

“Chàng dù nghĩ đến gần xa
Đem tình CẦM SẮT đổi ra CẦM CỜ”

Hai chữ CẦM CỜ ở cuối câu bát nên muốn gieo vần thế nào cũng được. Kể ra dùng kết cấu toàn Hán-Việt CẦM KÌ có lẽ còn hay hơn, vì chọi lại với CẦM SẮT ở trên. Nhưng phải chọn CẦM CỜ vì KÌ là tên húy của cả Lê Thần Tông cả Lê Chiêu Thống.

Việc kị húy theo âm này hiện lưu lại 3 kiểu vết tích:

- Chỉ kị húy bằng âm, ví dụ ở câu 2179, 2508;

- Đã kị húy bằng âm rồi nhưng thay đổi thêm cả tự dạng cho chắc (ví dụ đổi bộ MỘC thành bộ THỦ, bộ NHỤС, bộ TRÚC, như ở сáс сâu 1473, 3110, 3223, 1246 (DMT); và bộ NGỌC như ở câu 3110 (LVĐ, Quan V¨n ®­êng - QV§). Điều lệnh năm 1821 đời Thiệu Trị đã đúc kết kinh nghiệm: bộ THỊ rất dễ lầm với bộ MỘC, khi kiêng húy cần phải cẩn thận. Thay bộ MỘC của chữ KÌ 棋 (với nghĩa là “cờ tướng”) để khỏi nhầm với chữ KÌ bộ THỊ của Lê Thần Tông là chí phải.

- Trường hợp không kiêng đựợc âm thì phải gắng tìm được từ hợp văn cảnh, cùng gieo vần được, như thay KÌ bằng THÌ ở câu 2230 ba bản QVĐ, Thịnh Mỹ đường (TMĐ), VNb.60;

- Hoặc chí ít là gắng thay đổi tự dạng để báo tin có chuyện kị húy cho người ®ọc biết, giúp họ tự tìm ra cách ứng xử: như ở câu 2230: hai bản DMT, LVĐ thay KÌ 期 (= “thời hạn”) bằng chữ XÍ (= “cánh”), chữ XÍ này theo vận thư cổ cũng có khả năng đọc cả thành KÌ;

- Hoặc như ở câu 2407, bản QVĐ/ 1879 thay bộ phận bên trái của chữ KÌ (= “thời hạn”) bằng bộ BỐI .

b) Lại xin xem câu 2627 liên quan đến chúa Trịnh Bồng:

“Cửa BỒNG vội mở rèm châu”

BỒNG đồng âm với tên chúa nên cũng phải thay bằng những âm khác: bản LNP thay bằng BUỒNG, 4 bản hệ LVĐ thay bằng PHÒNG.

Riêng bản TMĐ ở câu 2937 còn thay đổi thêm cả tự dạng: thay bộ THẢO bằng một nét ngang.

c) Truyện Kiều kị húy Chiêu Thống, kị húy Trịnh Bồng nhất định phải là kị húy sau khi hai ông đã cầm quyền, tức năm 1786. Bản DMT dùng TRƯỢNG NGHĨA thay TRỌNG NGHĨA để kị húy tên TRỌNG của ông chú(3) nhất định cũng phải là thay sau năm ông chú qua đời, tức năm 1789. Theo PGS. Ngô Đức Thọ và chúng tôi, có thể phỏng đoán cái khoảng 4 năm 1787-1790 là cái khoảng cụ Nguyễn Du cơ bản hoàn thành bản phác thảo Truyện Kiều.

6. Đến đây hai câu hỏi có thể đặt ra:

- Đẩy lùi khoảng thời gian sáng tác xuống giai đoạn 1791-1795 hoặc giai đoạn 1796-1802 thì có được không ?

- Để tác giả sáng tác Truyện Kiều trong khoảng chỉ mới 20-25 tuổi, như vậy thì làm sao tác giả có đủ cái lịch lãm cần thiết để có thể có được cái bút lực “mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” như Mộng Liên đường chủ nhân đã từng ca tụng?

Theo ý chúng tôi, câu hỏi đầu đã được chính tiểu sử của cụ Nguyễn Du giải đáp:

a) Trong khoảng 1787-1790 cụ Nguyễn Du chỉ về quê vợ ở, không chạy theo Chiêu Thống, không tham gia các phong trào chống đối Tây Sơn, mà cũng không đi theo những người ra cộng tác với chính quyền mới. Hai lần 2 ông anh lên đường đi sứ cũng không thấy Cụ lên đưa tiễn hay làm thơ đưa tiễn. Rõ ràng trong 4 năm này Cụ đang để toàn tâm, toàn ý vào cái công việc chính Cụ ôm ấp suốt cả cuộc đời của Cụ: công việc hoàn thành về cơ bản toàn bản diễn âm của Truyện Kiều.

b) Sang hai giai đoạn sau thì chúng ta đã thấy khác: năm 1791, khi ông anh Nguyễn Nễ đi sứ về, đưa thơ bảo Cụ không có cái tài thiệp thế với đời, Cụ đã lên Thăng Long gặp anh ngay, cùng anh mở tiệc, tổ chức hát cô đầu, tổ chức tiễn đưa anh lên đường vào Phú Xuân nhận việc. Và khi ông anh vợ chuẩn bị vào kinh đô, héi họp bạn bè đưa tiễn, Cụ cũng tham gia họa thơ, rồi còn làm thơ riêng đưa ông anh rể và làm cả thơ cho cả ông anh ở tận Qui Nhơn. Theo cụ Hoàng Xuân Hãn, cũng chính giai đoạn này là giai đoạn Cụ bắt đầu có quan hệ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Thêm vào đó, năm 1793 Cụ còn dám làm cả một việc thật phi thường: dám cất công lên đường vào tận kinh đô Phú Xuân thăm anh.

Nhưng, nếu chúng ta có thể tin tất cả những gì mà gia phả chép, thì còn một chuyện “động trời” nhất có lẽ là cái chuyện Cụ định làm năm 1796: trở lại hoạt động chính trị, định vượt biển vào tận Gia Định tham gia phong trào nổi dậy chống Tây Sơn cùng với Nguyễn Ánh(4). Rõ ràng công việc diễn âm Truyện Kiều có hoàn thành được một cách thật mĩ mãn hoặc thật cơ bản trong giai đoạn đầu, thời kì 4 năm Cụ ở quê vợ tại Thái Bình thì trong hai giai đoạn sau Cụ mới có được cái thời gian rảnh rang cần thiết, và mới có được cái lòng thảnh thơi để có thể tham gia vào các công việc của cuộc đời thường, kể cả những công việc rất gian nan, có thể nguy đến cả tính mệnh.

7/ Về câu nghi vấn thứ hai, thiết nghĩ cũng không nên nói lí luận dài dòng làm gì. Thông thường người ta quả hay nói rằng người già thì hay lịch lãm. Nhưng sự lịch lãm đâu có nhất thiết phải gắn với tuổi già! Đọc Vũ Trọng Phụng ai mà không tin rằng đó là một nhà văn am hiểu mọi tầng lớp xã hội đến tận từng kẽ tóc chân tơ, biết đủ mọi ngõ ngách, mọi mánh khoé, của cuộc đời… thế nhưng khi mất nhà văn vẫn chưa đến tuổi 30. Nhà văn Sô-lô-khốp của Liên Xô (trước đây) cũng vậy. Khi viết về vùng sông Đông, ông vừa ngoài 20 tuổi. Nhưng sự lịch lãm của ông, sự hiểu biết của ông thì phải nói là phi thường. Phi thường đến mức độ đã có những người ngờ vực ông, tưởng ông lấy tác phẩm của người khác rồi tự nhận làm của mình. May rằng sự việc trắng đen rồi cuối cùng cũng rõ, và ông đã được nhận giải thưởng Nobel!

Năm 1943, Đào Duy Anh và Hoàng Xuân Hãn là những người đầu tiên nghiên cứu thời điểm sáng tác Truyện Kiều. Từ chỗ tin vào gia phả, ban đầu các cụ đều cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc. Nhưng rồi thực tiễn nghiên cứu đã khiến các cụ tự phủ nhận ý kiến trước đây của mình:

- Năm 1958, Đào Duy Anh cho rằng Truyện Kiều được sáng tác khi Nguyễn Du đang làm quan ở chức Đông các nghĩa là trước khi đi sứ Trung Quốc.

- Năm 1951 Hoàng Xuân Hãn “đã tìm thấy chứng cứ khá chắc chắn chứng tỏ rằng tập sau Truyện Kiều viết “trước tập trước Mai đình mộng ký” tức trước 1809; và đến năm 1996, Cụ nói rõ hơn: “viết đời Tây Sơn chứ không phải đời Gia Long”.

- Ý kiến cuối cùng (1996) của Hoàng Xuân Hãn đã gặp ý năm 1963 của Trương Chính, khi ông cho rằng thời gian sáng tác Truyện Kiềulà vào khoảng những năm Nguyễn Du ở “dưới chân núi Hồng”.

Tại bài viết này, chúng tôi muốn qua các vết tích kị húy cũ thời Lê - Trịnh(5) mà các bản Kiều Nôm cổ còn may mắn lưu lại được mà tìm hiểu sâu hơn một vấn đề lưu cữu xưa nay của Truyện Kiều. Chúng tôi thấy các vết tích kị húy trên đây đó như phần nào giải quyết rõ hơn những vấn đề lưu cữu đó. Mà giải quyết có vẻ hợp lý và phần nào có vẻ ổn thỏa cả, nghĩa là Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều trong những năm đầu của giai đoạn “mười năm gió bụi”.

Hi vọng rằng các cứ liệu khác hiện đang còn lại, nhất là đang còn lại trong các bản nổi tiếng như bản DMT, hoặc như bản LVĐ sẽ được lần lượt khai thác tiếp. Có đi vào các văn bản cổ nhất, quan trọng nhất và đi thật chi li vào cả các bản cổ khác nữa thì ngành Kiều học mới mong có khả năng mở nhanh sang những trang mới được.

N.T.C - Đ.T.T

CHÚ THÍCH:

(1) Xin xem:

* Nguyễn Văn Hoàn: Trên đường đi tìm nguyên tác Truyện Kiều in trong Văn bản Truyện Kiều nghiên cứu và thảo luận, Hội Nhà văn, H. 2001.

** Thụy Khuê: Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn & Tạ Trọng Hiệp, Văn nghệ, California - Hoa kỳ, 2002.

*** Đào Thái Tôn: Một băn khoăn về bản Duy Minh Thị, Tạp chí Hán Nôm số 4 (2004), cho rằng trong bài trả lời phỏng vấn, cụ Hoàng Xuân Hãn đã nói đến bản chép tay.

(2) Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.

(3) Tất cả các bản: “Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao”. Riêng bản 1872 không khắc trọng nghĩa 重 義 mà khắc trượng nghĩa 仗義。 Cụ Hoàng Xuân Hãn cho biết, theo cụ Nghè Mai, thì trượng là tên húy ông chú Nguyễn Du - Nguyễn Trọng. Nhưng PGS. Phan Văn Các cho biết, trong chữ Hán đã có sẵn từ 仗 義: 南 史 梁 武 帝 紀: “太 白 出 西 方, 仗 義 而 動, 天 時 人 謀, 有 何 不 利” (憑 仗 義 理 為 行 動 之 根 倨 也). Vì thế, chúng tôi ngờ rằng chữ trượng hoặc là do một bản chép tay ở Huế, hoặc do Duy Minh Thị chữa - ĐTT).

(4) Gia phả chép: “Năm Kỷ Dậu (1789) vua Lê chạy sang Bắc quốc, ông theo vua, song không kịp phải chạy về quê vợ ở nhờ nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn. Ông tập hợp hào mục để tính việc phục quốc, nhưng chí không thành ông trở về quê nhà, lấy cảnh núi sông làm vui, tự gọi mình là Hồng Sơn liệp hộ (phường săn núi Hồng… Năm Bính Thìn (1796) mùa đông ông toan vào Gia Định (giúp Nguyễn ánh), việc tiết lộ bị tướng Tây Sơn là Quận công Thận bắt giam. Quận Công Thận là bạn thân với người anh ruột cùng mẹ với ông là Nguyễn Nễ, vả lại cũng tiếc tài của ông, cho nên chỉ giam ông mấy tháng rồi tha”.

Gia phả không cho biết đến năm nào thì Nguyễn Du “trở về quê nhà”. Nhưng sau khi nghiên cứu đời sống và tâm sự của nhà thơ trong Thanh Hiên thi tập, theo Lê Thước và Trương Chính thì tập thơ này được sáng tác trong ba giai đoạn:

1. Giai đoạn “Mười năm gió bụi”, từ năm 1786, năm Tây Sơn bắt đầu đưa quân ra Bắc Hà, cho đến năm Nguyễn Du trở về quê nhà ở Hồng Lĩnh, khoảng cuối năm 1795 đầu năm 1796.

2. Giai đoạn “Dưới chân núi Hồng”, từ năm 1796 đến năm 1802.

3. Giai đoạn “Ra làm quan ở Bắc Hà”, từ năm 1802 đến cuối năm 1802 (trong giai đoạn này có lần nhà thơ được cử đi nghênh tiếp sứ thần nhà Thanh sang phong sắc cho Gia Long) - ĐTT.

(5) Kị húy là một hiện tượng có khi lưu vết tích rất rõ, nhưng cũng có khi lưu vết tích rất khó đoán định. Chúng tôi đã cố gắng tra cứu nhiều sách, rút kinh nghiệm từ rất nhiều tiền lệ để giải quyết, nhưng cũng không dám loại trừ khả năng có thể có những trường hợp bạn đọc chưa thật hài lòng - Nguyễn Tài Cẩn./.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020