Hán nôm

ẢNH HƯỞNG CỦA CHẾ ĐỘ KHOA CỬ TRUNG QUỐC TỚI VIỆT NAM(1)


15-10-2020
Tác giả: VƯƠNG GIỚI NĂM

Chế độ khoa cử là chế độ tuyển chọn nhân tài của xã hội phong kiến cổ đại Trung Quốc dựa trên việc tổ chức thi cử theo khoa mục. Việc thi tuyển khoa cử bắt đầu từ đời Tùy. Năm thứ 2 niên hiệu Đại Nghiệp đời Tùy Dạng Đế (606) bắt đầu dùng phép thi cử thay cho “chế độ cửu phẩm trung chính” áp dụng từ đời Ngụy Tấn về sau. Đây là sự mở đầu của chế độ khoa cử Trung Quốc. Nhà Đường theo chế độ nhà Tùy, thực hiện rộng rãi trong cả nước chế độ khoa cử lấy khoa Tiến sĩ làm khoa mục chủ yếu để chọn kẻ sĩ, chính thức hoàn thành bước quá độ từ “chế độ cửu phẩm trung chính” sang chế độ khoa cử. Đời Tống, nhằm tăng cường sự thống trị trung ương tập quyền, đã gia tăng số người được lấy đỗ, nâng cao những đãi ngộ sau khi thi đỗ, tăng cường hơn nữa chế độ khoa cử. Từ đây khoa cử trở thành vấn đề trọng tâm của chế độ giáo dục. Nền chính trị chuyên chế đời Minh phát triển cao độ, giai cấp thống trị càng coi trọng khoa cử hơn các thời đại trước, chế độ khoa cử hoàn thiện hơn, địa vị của khoa cử cũng được đề cao hơn trước, nhưng các khoa mục chọn kẻ sĩ được giảm bớt, chỉ đặt khoa Tiến sĩ. Đến đây, giáo dục thành ra phụ thuộc vào khoa cử. Đời Thanh về cơ bản vẫn theo chế độ khoa cử đời Minh. Cuối đời Thanh, khoa cử trở thành vật cản đối với sự phát triển của các trường học. Đến năm thứ 31 niên hiệu Quang Tự (1905) đã bãi bỏ chế độ khoa cử. Tính ra, từ đời Tùy đến cuối đời Thanh, chế độ khoa cử đã được thực hiện trong thời gian 1300 năm.

Chế độ khoa cử đã có tác dụng tích cực trong việc đào tạo, giáo dục nhân tài và làm phong phú, hoàn thiện nền giáo dục và chính trị văn hóa Trung Quốc. Dân tộc Trung Hoa phát minh ra chế độ khoa cử là một cống hiến to lớn cho văn hóa thế giới. Chế độ thi tuyển quan văn ở các nước Âu Mĩ và Nhật Bản, suy cho cùng đều phát triển bởi ảnh hưởng của chế độ khoa cử Trung Quốc. Chế độ khoa cử Trung Quốc càng có ảnh hưởng trực tiếp và rất sâu sắc đối với Việt Nam.

Năm đầu niên hiệu Điều Lộ đời Đường Cao Tông (679) đặt An Nam đô hộ phủ, chiếu dụ An Nam tiến cử kẻ sĩ về kinh sư. Năm thứ 5 niên hiệu Hội Xương đời Đường Vũ Tông (845) quy định cho An Nam cũng như các vùng Lĩnh Nam, Quế Phủ, Phúc Kiến mỗi năm có thể tuyển cử Tiến sĩ và Minh kinh lên làm quan ở trung ương. Để tuyển chọn nhân tài, đặt ra chức quan Nam tuyển sứ, chuyên đề bạt, cất nhắc người An Nam làm quan tại địa phương hay trong triều đình. Thời Đường Đức Tông, Khương Công Phụ, người huyện Quân Ninh, châu Ái (nay là huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) làm quan đến chức Gián nghị đại phu, là một trong những vị quan nổi tiếng đời Đường; Công Phục, em trai ông cũng vào làm quan Thái thú trong triều nhà Đường. Thời Đường Hiến Tông, Liêu Hữu Phương, thi nhân Giao Châu cũng đỗ Tiến sĩ. Từ đó, chế độ khoa cử tuyển chọn kẻ sĩ bắt đầu truyền vào An Nam. Lúc này, An Nam vẫn nằm trong cương giới nhà Đường.

Năm 968, Việt Nam trở thành quốc gia phong kiến độc lập. Thời kì nhà Lí, nền chính trị phong kiến chuyên chế phát triển. Năm 1070, Hà Nội (đương thời là thành Thăng Long) xây dựng Văn Miếu, tôn sùng học thuyết Nho gia, thờ Khổng Tử. Về sau, Văn miếu phổ biến ra các tỉnh, thậm chí các vùng quê cũng có Tiên sư đường để thờ phụng Khổng Tử. Năm thứ 4 niên hiệu Thái Ninh đời Lí Nhân Tông (1075), lần đầu tiên mở khoa thi chọn kẻ sĩ, đặt ra chế độ 3 năm thi một lần nhằm tuyển chọn đề bạt người tài làm việc nội chính, ngoại giao. Năm sau xây dựng Quốc tử giám. Từ đó về sau, văn chương theo cách thức của Trung Quốc trở thành tiêu chuẩn hữu hiệu nhất được công nhận để tuyển chọn quan lại. Đồng thời với việc đặt ra chế độ 3 năm thi một lần, triết lí của Khổng Tử do Chu Hy chú giải trở thành lí luận chính thống, ngôn luận của các bậc tiên sư được ghi chép trong kinh sách trở thành phép tắc bất di bất dịch. “Những người đi học căn cứ vào đó để phát triển ý kiến của mình về lý luận, chính trị và triết học.”(2)

Triều Trần, ngay từ đầu đã qui định niên hạn cho kì Đại tỷ, củng cố chế độ khoa cử. Trong niên hiệu Hồng Vũ nhà Minh, hạ chiếu cho phép An Nam tiến cử 10 sĩ tử đến kinh sư tham gia khảo thí. Thời kì nhà Lê, chế độ khoa cử Việt Nam bước vào giai đoạn hưng thịnh, vua chúa các đời, không ai là không lấy việc mở khoa thi tuyển chọn kẻ sĩ làm công việc đầu tiên. Trong thời gian Lê Thánh Tông ở ngôi, khoa cử cực thịnh một thời. Năm thứ 4 niên hiệu Quang Thuận (1463), quy định 3 năm một lần Đại tỷ. Lê Thánh Tông tại vị 38 năm (1460 - 1497), mở hơn 12 khoa, lấy đỗ hơn 511 Tiến sĩ, số khoa thi và số người lấy đỗ đều hơn hẳn triều Lí, triều Trần, khoa cử hưng thịnh xưa nay chưa từng có. Sau đó, đế vương các đời cũng đều theo đó mở khoa thi chọn kẻ sĩ.

Số lần mở khoa thi và số người được lấy đỗ từ triều Lí đến triều Hậu Lê liệt kê ở bảng sau:

Triều đại Tên đế vương Số năm ở ngôi Số lần mở khoa thi Số người được lấy đỗ Phụ chú
Triều Lí Lí Nhân Tông (Càn Đức) 55 (1072-1127) 1 10
Lí Anh Tông (Thiên Tộ) 38 (1138-1175) 1 Không có con số cụ thể
Lí Cao Tông (Long Cán) 35 (1176-1210) 1 Không có con số cụ thể
Triều Trần Trần Thái Tông (Cảnh) 33 (1225-1258) 3 96 Bắt đầu lấy Tam giáp để phân biệt cao thấp và đặt ra học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
Trần Thánh Tông (Hoảng) 21 (1258-1278) 2 74
Trần Anh Tông (Thuyên) 21 (1293-1314) 1 44
Trần Duệ Tông (Kính) 4 (1373-1377) 1 30
Triều Lê Lê Thái Tổ (Lợi) 6 (1428-1433) Bắt đầu thi Điện và quy định 3 năm thi một lần.
Lê Thái Tông (Lân) 9 (1434-1442) 2 23
Lê Nhân Tông (Tuấn) 16 (1443-1459) 3 31
Lê Thánh Tông (Hạo) 38 (1460-1497) 12 511
Lê Hiển Tông (Huy) 6 (1498-1504) 2 116
Lê Uy Mục Đế (Nghi) 4 (1505-1509) 109
Lê Tương Dực (Oanh) 7 (1509-1516) 2 43
Lê Cung Hoàng (Xuân) 5 (1522-1527) 2 20
Triều Mạc Mạc Đăng Doanh 11 (1529-1540) 2 60
Mạc Phúc Hải 6 (không rõ) 1 17
Mạc Phúc Nguyên 15 (không rõ) 5 91
Mạc Mậu Hợp 30 (1562- 1592) 8 156
Triều Hậu
Lê Thế Tông (Duy Đàm) 27 (1573-1600) 7 30
Lê Kính Tông (Duy Tân) 19 (1600-1619) 7 47
Lê Thần Tông (Duy Kì) 29 (1619- 1643) 7 77
Lê Chân Tông (Duy Hựu) 6 (1643-1649) 1 17
Lê Thần Tông (Duy Kì) 14 (1649-1662) 5 53
Lê Huyền Tông (Duy Vũ) 9 (1663-1671) 4 48
Lê Gia Tông (Duy Cối) 4 (1672- 1675) 1 5

(Chú thích: Theo Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ.)

Các triều vua Việt Nam từ Lý Nhân Tông đến Lê Gia Tông, đều rất coi trọng khoa cử. Nói về triều đại, triều Lê là thời đại khoa cử hoàn bị nhất của Việt Nam, cũng là thời đại giáo dục phát triển nhất. Đại Việt sử kí ghi: “Lê Thái Tổ bình định thiên hạ, giáo dục anh tài. Hỏi tìm rộng rãi thì cầu người ẩn dật; thu chọn quy mô thì thi khảo học trò. Tuy tên khoa Tiến sĩ chưa đặt mà khí mạch tư văn ấy đã hoàn thành. Thái Tông dựng nền móng, bắt đầu mở khoa Nhâm Tuất, các bậc hiền tài quần tụ. Nhân Tông kế tiếp mở ba khoa, nhân văn càng rạng. Đến Thánh Tông trung hưng Quý Mùi, số người lấy đỗ còn nhiều hơn trước.”(3) Lại nói: thời Lê Thánh Tông, “Văn trị vũ công, chiếu rọi sau trước. Đến đây giáo hóa sâu đậm, nguyên khí được sùng trọng. Văn giáo bừng bừng như sóng dậy, nho phong lồng lộng tựa gió cuốn, cho nên nhân tài lớp lớp xuất hiện đông đúc”(4). Có thể thấy chế độ khoa cử đã có ảnh hưởng tích cực, to lớn đến sự phát triển văn hóa Việt Nam.

Chế độ khoa cử ở Việt Nam bị bãi bỏ thậm chí còn muộn hơn cả Trung Quốc. Cho dù vào năm 1885, sau khi toàn bộ bờ cõi Việt Nam đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, vương triều họ Nguyễn của Việt Nam đã trở thành bù nhìn nhưng vẫn mở khoa tuyển sĩ, chế độ khoa cử lúc ấy bê nguyên xi chế độ khoa cử của nhà Minh, Thanh, thi cử không những dùng chữ Hán mà còn dùng thể văn bát cổ. Thân phụ của chủ tịch Hồ Chí Minh người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính là Phó bảng Tiến sĩ xuất thân của triều Nguyễn cuối thế kỉ XIX. Mãi cho đến năm thứ 4 đời Khải Định Nguyễn Hoằng Tông (1919), cuối cùng mới bãi bỏ khoa cử(5). Năm 1919, là năm Việt Nam chấm dứt khoa cử, cũng là thời điểm kết thúc của chế độ khoa cử [thời kỳ phong kiến] trên phạm vi toàn thế giới. Thời điểm này, muộn hơn 14 năm so với thời điểm triều Thanh Trung Quốc bãi bỏ khoa cử.

Khoa mục thi ở Việt Nam cũng giống với Trung Quốc. Khoa mục do nhà Đường đặt ra có 6 khoa gồm: Tú tài, Minh kinh, Tiến sĩ, Minh pháp, Minh thư, Minh toán, trong đó coi khoa Tiến sĩ là quan trọng nhất. Nhà Tống kế thừa chế độ nhà Đường, cũng chú trọng khoa Tiến sĩ. Đến nhà Minh, chỉ đặt khoa Tiến sĩ. Vào năm thứ 4 niên hiệu Thái Ninh đời Lí Nhân Tông Việt Nam (1075), lần đầu mở khoa thi, khoa mục cũng là khoa Tiến sĩ. Lúc này, Việt Nam vẫn chưa có tên gọi “Tiến sĩ” mà gọi chung là “Thái học sinh”. Năm thứ 8 niên hiệu Kiến Trung đời vua Thái Tông nhà Trần (1232) thi Thái học sinh. Năm thứ 2 niên hiệu Long Khánh đời Trần Duệ Tông (1374) bắt đầu thay cách gọi “Thái học sinh” bằng “Tiến sĩ”. Năm đầu niên hiệu Thiệu Bình triều Lê Thái Tông, chính thức đặt khoa Tiến sĩ, từ đó về sau, chế độ 3 năm thi một lần trở thành định lệ lâu dài.

Trình tự tiến hành của khoa cử Việt Nam giống như Trung Quốc. Đời Đường, khoa cử chia làm hai cấp: cấp thứ nhất là thi Hương, tổ chức ở châu huyện địa phương; cấp thứ hai là thi tỉnh, tổ chức ở kinh đô. Thời Võ Tắc Thiên thêm kì thi Điện. Bắt đầu từ năm thứ 6 niên hiệu Khai Bảo đời Tống Thái Tổ (973) trở đi, thi Điện trở thành chế độ. Đời Minh đặt khoa cử thành 4 cấp: một là thi Khoa, tổ chức ở huyện, thi đỗ là Tú tài; hai là thi Hương, tổ chức ở tỉnh hội, thi đỗ là Cử nhân; ba là thi Hội, tổ chức ở kinh sư, thi đỗ là Cống sĩ; bốn là thi Điện, Cống sĩ tham gia, do Hoàng đế tự chủ trì, thi đỗ gọi là Tiến sĩ. Đời Minh quy định năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu thi Hương; năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi Hội. Thi Hương vào tháng 8, thi Hội tổ chức tháng 2. Việt Nam mô phỏng phép tắc đời Tống, Minh cũng phân cấp thi cử. Nguyên lúc đầu phân làm hai cấp: thi Hội và thi Điện. Năm thứ 17 niên hiệu Hồng Đức đời Lê Thánh Tông (1486) quy định, tất cả những người tham gia thi Hội trước tiên phải tham gia kì thi Hương. Từ đó về sau, định kì tổ chức thi Hương. Người đỗ kì thi Hội mới được tham gia thi Điện. Từ năm thứ 6 niên hiệu Thái Hòa đời Lê Nhân Tông (1448) trở đi, thi Điện trở thành chế độ. Bắt đầu từ năm thứ 7 niên hiệu Quang Thuận đời Lê Thánh Tông (1466), thực hiện cứ 3 năm một khoa. Lúc đó, thi Hội vào tháng 2. Những cách làm này cơ bản giống với cách của đời Minh Trung Quốc.

Nội dung khoa cử của Việt Nam cũng giống Trung Quốc. Nội dung chủ yếu của khoa thi Tiến sĩ thời Đường là thi, phú, thời vụ sách. Nội dung thi cử đời Tống là kinh nghĩa, thi, phú, luận sách. Nội dung thi cử đời Minh là Thi, Dịch, Thư, Lễ kí, dùng thể văn biền ngẫu, còn gọi là văn bát cổ. Nội dung thi cử thời kì nhà Lê Việt Nam đại thể cũng giống với nội dung đã nói ở trên. Năm đầu niên hiệu Thiệu Bình đời Lê Thái Tông (1434) tổ chức thi Hội, nội dung thi là kinh nghĩa, Tứ thư, thi, phú và sách vấn. Năm thứ 3 niên hiệu Hồng Đức (1472) nội dung thi Hội là Ngũ kinh, Luận ngữ, Mạnh tử và thơ, phú, sách vấn. Thơ dùng luật Đường, phú dùng thể Lí Bạch.

Về yêu cầu tư cách thí sinh của Việt Nam cũng giống Trung Quốc. Từ đời Đường trở về sau, các triều đại đòi hỏi thí sinh nói chung phải có cả đức lẫn tài. Ngoài ra, còn có những quy định khắt khe, cụ thể khác. Đời Nguyên, quy định về tư cách thí sinh càng khắt khe hơn: “Những người là con nhà hát xướng hay tật nguyền, những kẻ gian tà phạm vào mười tội ác, không được dự thi” (Nguyên sử, Tuyển cử chí). Đời Minh thậm chí còn qui định: “Con cái nhà quan lại bị bãi chức, nhà hát xướng và người đang chịu tang cha mẹ, đều không được dự thi” (Minh sử, Tuyển cử nhị). Khoa cử của Việt Nam cũng có quy định tương tự. Năm thứ 3 niên hiệu Quang Thuận đời Lê Thánh(6) Tông (1462), qui định tư cách thí sinh tham gia thi Hội: “Người thực sự có đức hạnh, mới được đưa vào danh sách dự thi. Loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, kẻ điêu toa, tuy có học vấn, văn thơ hay cũng không cho vào thi. Thứ đến là con cái nhà hát xướng, cùng kẻ nghịch đảng ngụy quan, kẻ có tiếng xấu thì bản thân và con cháu đều không được dự thi”(7)

Võ cử Việt Nam cũng giống như Trung Quốc. Sau khi Võ Tắc Thiên nhà Đường trông coi triều chính, vào năm thứ 2 niên hiệu Trường An (702) bắt đầu đặt võ cử. Võ cử đời Đường khơi nguồn cho sự hưng khởi của võ học đời Tống. Đầu đời Minh, cũng thành lập võ học, đặt võ cử. Đời Thanh bắt đầu từ niên hiệu Thuận Trị, võ khoa tổ chức thi Hương, thi Hội như văn khoa. Đỗ kì thi Hương gọi là võ Cử nhân, đỗ kì thi Hội gọi là võ Tiến sĩ. Năm thứ 5 niên hiệu Bảo Thái đời vua Dụ Tông triều Hậu Lê Việt Nam (1724) bắt đầu thi võ cử, 3 năm thi một lần. Nội dung thi: trước tiên thi ghìm ngựa, múa đao; thứ đến thi bắn cung, đánh kiếm, cưỡi ngựa phi lao; sau nữa thi văn sách hỏi về phương lược trong Võ kinh thất thư. Năm thứ 41 đời vua Hiển Tông nhà Hậu Lê (1780), quy định lại cách thức thi. Nội dung thi định ra bốn trường: trường thứ nhất thi múa đao, bắn cung; trường thứ hai thi chạy bộ bắn cung, bắn pháo; trường thứ ba trước tiên thi phi ngựa bắn cung, sau đó là đi bộ đấu đao, bên đánh bên đỡ, cưỡi ngựa phi lao, đánh kiếm dài; trường thứ tư, thi làm một bài văn sách.

Nghi thức yết bảng và chế độ đãi ngộ người thi đỗ của khoa cử Việt Nam cũng giống như Trung Quốc. Đời Đường, người đỗ Tiến sĩ được tới dự yến ở vườn hạnh, gọi là “Thám hoa yến” (tiệc thăm hoa). Còn mở tiệc lớn ở đầm Khúc Giang mạn đông nam Trường An, gọi là “Khúc Giang hội”. Các Tiến sĩ còn được đến tháp Đại Nhạn chùa Từ Ân, đề tên lưu niệm, gọi là “Đề danh tịch” (tiệc đề tên). Đời Tống, Hoàng đế thết đãi các Tiến sĩ thi đỗ kì thi Điện. Năm thứ 4 niên hiệu Hồng Võ đầu đời Minh (1371), Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã tự hỏi thi 120 vị đỗ kì thi Điện tại điện Phụng Thiên. “Sau đó, treo bảng vàng ngoài cửa Ngọ Môn, tuyên chiếu ở điện Phụng Thiên, ban tiệc thết đãi người thi đỗ.” Triều Lê Việt Nam rất ưu đãi người thi đỗ. Năm thứ 3 niên hiệu Đại Bảo(8) triều Lê Thái Tông (1442), lấy đỗ bọn Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên 23 người, ngoài việc ban cho học hàm, còn sai soạn văn đề danh, dựng bia đá kỉ niệm. Việc dựng bia Tiến sĩ bắt đầu từ đây. Năm thứ 4 niên hiệu Quang Thuận triều Lê Thánh Tông (1463), sau kì thi Điện, lệnh quan ở bộ Lễ quan yết bảng vàng ngoài cửa Đông Hoa.

Khoa cử ở Việt Nam và học vị trao tặng cho người đỗ cũng giống Trung Quốc. Học vị khoa cử Việt Nam hoàn toàn mô phỏng chế độ Trung Quốc, đỗ Đệ nhất giáp nhất, nhị, tam danh, gọi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa; gọi chung là Tiến sĩ cập đệ; những người đỗ Đệ nhị giáp, gọi chung là Tiến sĩ xuất thân, những người đỗ Đệ tam giáp, gọi chung là Đồng tiến sĩ xuất thân.

Toàn bộ chế độ khoa cử được thực thi ở Việt Nam đều mô phỏng chế độ khoa cử của các đời Đường, Tống, Minh (Trung Quốc). Chế độ khoa cử Trung Quốc truyền vào Việt Nam có tác dụng tích cực đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài của Việt Nam(9):

1) Thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển. Sau khoa thi đầu tiên vào năm 1075, năm sau (1076) Việt Nam mô phỏng chế độ giáo dục Đường Tống, xây dựng Quốc tử giám, tuyển chọn các quan văn biết chữ vào Quốc tử giám học tập. Sau khi lên ngôi, Lê Thái Tông càng coi trọng xây dựng nền giáo dục, đào tạo nhân tài, ở trung ương có Quốc tử giám dưới địa phương có Phủ học. Trong những năm niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông, mở rộng thêm qui mô Quốc tử giám, mô phỏng chế độ hành chính và quản lí dạy học của Quốc tử giám đời Đường, Tống, đặt chức Tế tửu (chức quan hành chính giáo dục cao nhất), Tư nghiệp (trợ giúp Tế tửu công việc quản lí) quản lí việc hành chính của trường; mời các trực giảng bác sĩ, giáo thụ đến dạy học. Sau đó, vào năm đầu niên hiệu Vạn Khánh đời vua Lí Thần Tông (1662), trùng tu nhà Thái học, mở rộng quy mô Quốc tử giám.

2) Nhằm thúc đẩy truyền bá rộng rãi văn hóa Hán ở Việt Nam. Năm 1075, Lí Nhân Tông lần đầu tiên thi Nho học; năm thứ 3 niên hiệu Kiến Trung đời Trần Thái Tông (1127) thi Tam giáo (Nho, Phật, Đạo). Các lần thi sau đều thi Tứ thư, Ngũ kinh và thơ phú. Do sùng Nho trọng Đạo, khuyến khích Hán học, cho nên Nho phong mạnh mẽ. Từ đó, văn hóa Trung Quốc truyền bá rộng rãi khắp Nam Bắc Việt Nam, thơ Hán trở thành hình thức văn học chủ yếu của văn học Việt Nam. Không ít tác phẩm của người Việt Nam triều Hậu Lê có thể sánh ngang với thơ ca cổ điển của Trung Quốc.

3) Đào tạo được hàng loạt nhân tài ưu tú. Trong vòng 598 năm kể từ năm thứ 4 niên hiệu Thái Ninh đời vua Lí Nhân Tông (1075) bắt đầu thực hiện chế độ khoa cử cho đến năm thứ 2 niên hiệu Dương Đức đời vua Lê Gia Tông (1673), Việt Nam tổ chức được 81 lần thi, lấy đỗ 1706 vị Tiến sĩ. Nhờ đẩy mạnh chế độ khoa cử, cho nên xuất hiện nhiều nhân tài, không ít người là bậc nhân tài kiệt xuất, rạng rỡ muôn đời. Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn trong niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình đời Trần Thái Tông soạn bộ Đại Việt sử kí, Ngô Sĩ Liên đỗ Tiến sĩ niên hiệu Đại Bảo đời Lê Thái Tông soạn bộ Đại Việt sử kí toàn thư, đây là một bộ sử Việt Nam khá hoàn thiện; Lê Quý Đôn đỗ Bảng nhãn niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê Hiển Tông, là một bậc học giả lỗi lạc, những sách ông soạn như Lê triều thông sử và Phủ biên tạp lục đều có giá trị học thuật cao, ông còn là một nhà ngoại giao nổi tiếng. Năm thứ 26 đời vua Càn Long nhà Thanh (1761) Lê Quý Đôn từng sang Trung Quốc cầu phong, tuế cống. Các vị xuất thân từ khoa cử thời Nguyễn như Trịnh Hoài Đức, Phan Thanh Giản, đều có vị trí quan trọng trong lịch sử Việt Nam.

Chế độ khoa cử Trung Quốc truyền vào Việt Nam, đã có ảnh hưởng to lớn tích cực đến sự phát triển chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam.

NGUYỄN TÔ LAN dịch

CHÚ THÍCH

(1) Dịch từ nguyên bản Trung văn: Trung Quốc khoa cử chế độ dữ Việt Nam đích ảnh hưởng, Trung Hoa văn hóa thông chí, Trung ngoại văn hóa giao lưu điển, (tập 10) Trung Quốc dữ Đông Nam Á văn hóa giao lưu chí, Thượng Hải nhân dân xuất bản xã xuất bản, 1998, tr.197- 204.

(2) [Việt] Đặng Thai Mai, Việt Nam văn học phát triển khái thuật,Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Phân viện Trung Nam, Viện Khoa học Trung Quốc: Tư liệu nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, 1964.

(3) Đại Việt sử kí toàn thư, Lê kỉ tam [Bài văn bia Tiến sĩ đề danh bi kí của Đàm Văn Lễ, Đại Việt sử kí toàn thư, Bản kỉ thực lục, Q.12, tr.23a, 23b - ND].

(4) Đào Cử: Quang Thuận tứ niên Quý Mùi khoa Tiến sĩ đề danh bi kí, Hoàng Việt văn tuyển, quyển 2, tr.11-12.

(5) Kim Tranh: Khoa cử chế độ dữ Trung Quốc văn hóa, Thượng Hải Nhân dân xuất bản xã xuất bản, 1990, tr. 238- 239.

(6) Thánh: nguyên văn ghi là Thuận - ND

(7) Đại Việt sử kí toàn thư, Lê kỉ tứ.

(8) Đại: nguyên văn ghi là Thái - ND

(9) Tham khảo Hoàng Quốc An: Trung Quốc khoa cử chế độ đối Việt Nam đích ảnh hưởng, Ấn Độ Chi Na, số 3, 1996./.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020