Hán nôm

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ VIỆT NAM


15-10-2020
Tác giả: TRỊNH KHẮC MẠNH

Văn bia là hiện tượng văn hóa được nảy sinh từ đời sống xã hội như là nét đặc thù và là một trong những hình thức thông tin thời cổ và trung đại. Văn bia xuất hiện từ khá sớm, truyền thống sáng tạo văn bia ở các nước sử dụng chữ tượng hình (chữ khối vuông) bắt đầu từ Trung Quốc, sau đó được lan truyền sang các nước như Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.

Theo Chu Kiếm Tâm (朱 劍 心) trong cuốn Kim thạch học (金 石 學) thì nguyên tắc lập bia, được ghi chép trong Ngữ thạch (語石) phần Lập bi tổng lệ (立 碑 總 例 ) có 4 nguyên tắc chính(1):

- Một là: Thuật đức, tôn sùng bậc thánh nhân, ca ngợi kẻ hiền tài, biểu dương người trung thuận, nêu gương người hiếu nghĩa.

- Hai là: Ghi công, khắc vào đá ghi việc thánh thượng khi tuần du cho đến việc ghi công trạng của các tướng lĩnh.

- Ba là: Kỷ sự, ghi việc xây dựng đền đài lăng tẩm.

- Bốn là: Toản ngôn, từ công văn thư tín đến các sáng tác của văn nhân.

Về nội dung bài văn bia khắc vào đá, theo Cung Tự Trân () trong Thuyết khắc thạch ()có những chủ đề sau (2):

- Bậc đế vương đi tuần thú thì ghi lại để ca tụng công đức.

- Bậc đế vương đi săn bắn thì ghi lại nhân đó để ca tụng công đức.

- Có việc chinh phạt lớn thì ghi lại chủ yếu là để ca ngợi công lao.

- Có hiến lệnh lớn thì ghi lại để nói về pháp lệnh.

- Có việc cầu khấn lớn thì ghi lại là để tỏ lòng tin.

- Các việc đánh nhau giữ đất, vận chuyển quân lương, đều ghi lại là để nói về những điều hệ trọng.

- Vỡ đê ngập nước, hoặc xây dựng các công trình đê điều đều ghi lại là để nắm tình hình.

- Xây dựng các thành quách, lâu đài thì ghi lại để khảo xét.

- Thư tịch mất mát, học thuật nảy nở thì ghi lại để tìm hiểu.

Những nguyên tắc lập bia và những qui định về nội dung khi soạn bài văn, để khắc vào đá như nêu ở trên được Chu Kiếm Tâm nêu ra, theo chúng tôi chỉ có thể đúng với thời kì hình thành khai sáng ra thể văn bia mà thôi. Còn trên thực tế, trong quá trình phát triển, việc lập bia và soạn văn bia để khắc vào đá đã diễn ra hết sức phong phú và đa dạng, không chỉ ở chính nơi có truyền thống sáng tạo ra văn bia, mà ở cả các nước chịu ảnh của truyền thống này.

Nếu chúng ta đem đối chiếu giữa thực tế sáng tạo văn bia ở Việt Nam với những nguyên tắc lập bia và qui định chủ đề nội dung khi soạn văn bia mà Chu Kiếm Tâm nhắc lại ý của người đi trước ở Trung Quốc thì thấy có sự không đồng nhất. Phải nói rằng, những nguyên tắc lập bia và nội dung khi soạn văn bia ở nước ta được mở rộng, có những bia được lập không theo 4 nguyên tắc đã ghi chép trong Ngữ thạch phần Lập bi tổng lệ mà Chu Kiếm Tâm đã dẫn và có những bài văn bia được sáng tác để khắc vào đá cũng không theo những chủ đề mà Cung Tự Trân đã ghi chép trong Thuyết khắc thạch.

Một trong những thể văn được soạn thảo để khắc vào đá có thể coi là phá cách, đó là những văn bia khắc đá đề danh những người đỗ đạt, mà ta thường gọi là văn bia đề danh Tiến sĩ. Văn bia đề danh Tiến sĩ ở Việt Nam, lúc đầu thường do nhà vua và các quan lại cấp trung ương lập ở các văn miếu, nơi thờ tự Khổng Tử cấp quốc gia để ca ngợi nhà nước phong kiến, tôn sùng Nho học và khuyên răn kẻ sĩ; sau được lập tại các văn từ, văn chỉ ở địa phương, nơi thờ tự các bậc tiên hiền để nêu cao tinh thần tôn sư trọng đạo và khuyến khích học tập vùng quê mình.

Ở Trung Quốc lệ khắc bia đề danh Tiến sĩ có từ khá sớm (khoảng thế kỷ thứ VIII). Đó là những văn bia được khắc ở Nhạn tháp chùa Từ Ân kinh đô Trường An, rồi Quốc tử giám Nam Kinh và Quốc tử giám Bắc Kinh.

Ở Việt Nam việc lập bia đề danh được bắt đầu từ vua Lê Thánh Tông (năm 1484) tại Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội. Chủ trương của vua Lê Thánh Tông về việc lập văn bia đề danh Tiến sĩ là nhằm tôn vinh bậc tri thức Nho học đỗ đại khoa, chủ trương này đã được các vua đời sau nối tiếp và các quan lại tại các địa phương đời sau hưởng ứng, tạo nên một hệ thống văn bia đề danh Tiến sĩ trong cả nước. Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam thời kì phong kiến hiện còn tập trung ở 2 văn miếu cấp quốc gia: Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội (82 bia) và Văn miếu Huế (34 bia), 2 văn miếu cấp tỉnh: Văn miếu Bắc Ninh (11 bia) và Văn miếu Hưng Yên (9 bia); ngoài ra ở một số văn miếu, văn từ, văn chỉ ở nhiều địa phương từ cấp phủ trở xuống đến cấp thôn cũng có lập văn bia đề danh Tiến sĩ (sơ bộ thống kê cũng có đến vài chục bia).

Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam thời kỳ phong kiến đã được nhiều thế hệ Hán học nghiên cứu, dịch và công bố; nhưng hoàn toàn mang tính độc lập cho từng di tích văn hóa. Hầu như chúng ta chưa có được cái nhìn tổng quan, bao quát về thể tài văn bia đề danh Tiến sĩ này. ấy là chưa kể đến có những bản dịch còn khá nhiều thiếu sót, như phiên âm họ tên và quê quán người đỗ đạt sai, rồi thừa thiếu cũng có, v.v...

Trong bài viết này chúng tôi đề cập đến hệ thống văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam viết bằng chữ Hán hiện còn tập trung ở 2 văn miếu cấp quốc gia: Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội và Văn miếu Huế, 2 Văn miếu cấp tỉnh: Văn miếu Bắc Ninh và Văn miếu Hưng Yên. Đây là những nơi tập trung nhiều nhất hệ thống văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam thời kỳ phong kiến hiện còn ở nước ta. Còn văn bia đề danh Tiến sĩ ở các địa phương khác thì vấn đề văn bản hết sức phức tạp, chúng tôi sẽ đề cập vào một dịp khác.

a/ Văn miếu cấp quốc gia

1/ Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội

Văn miếu - Quốc tử giám ở kinh đô Thăng Long - Hà Nội được xây dựng từ năm 1070 thời vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072), qua bao thăng trầm của lịch sử, trải các triều Trần - Hồ - Lê sơ - Mạc - Lê Trung hưng - Tây Sơn - Nguyễn, Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội được tu bổ, mở rộng và tồn tại đến ngày nay. Hiện ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội còn lưu giữ được 82 văn bia đề danh Tiến sĩ, có niên đại trải dài hơn 300 năm với 82 khoa thi. Văn bia được khắc đầu tiên có niên đại Hồng Đức thứ 15 (1484) cho khoa thi Đại Bảo thứ 3 (1442) và văn bia khắc cuối cùng có niên đại Cảnh Hưng thứ 41 (1780) cho khoa thi Cảnh Hưng thứ 40 (1779). Số lượng văn bia được dựng theo thời gian như sau: thời Lê sơ có 13 văn bia, thời Mạc có 1 văn bia, thời Lê Trung hưng có 68 văn bia(3). Số người đỗ đại khoa được văn bia khắc họ tên, quê quán là 1304 vị Tiến sĩ Nho học (không kể 3 trường hợp đi thi 2 lần là Trịnh Thiết Trường, Nguyễn Nguyên Chẩn và Nguyễn Nhân Bị).

Hệ thống văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội được nhà nước phong kiến các thời kỳ tổ chức dựng bia, khắc đá, đề danh khá cẩn thận và chu đáo, từ việc chọn đá, tuyển người soạn bài văn bia, người nhuận sắc, người khắc, hình thức trang trí, v.v... Một đặc điểm dễ nhận thấy là, 82 văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội đều đề tên người soạn văn bia và bài văn bia thường được kết cấu theo một khuôn mẫu: phần mở đầu là ca ngợi công đức của các triều vua trị vì, ca ngợi đạo Nho và bậc thánh nhân quân tử; phần tiếp theo nói về việc mở khoa thi và liệt kê họ, tên, quê quán những người thi đỗ đại khoa; phần cuối là những lời bình về ý nghĩa của việc dựng bia, vai trò trách nhiệm và nghĩa vụ của những người thi đỗ trước giang sơn đất nước. Một đặc điểm khác cũng dễ nhận thấy là 82 văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội đều khắc hoa văn trang trí rất cầu kỳ, mang tính cách điệu cao, là những tư liệu có giá trị khi nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc nước ta thời kì từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội thực sự là những tài liệu hết sức có giá trị khi nghiên cứu truyền thống giáo dục, chế độ khoa cử và nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ - Lê Trung hưng.

Nhưng văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội cũng có những đặc điểm liên quan đến vấn đề văn bản học mà chúng ta phải lưu ý khi sử dụng chúng. Đó là việc triều vua Minh Mệnh (1820-1840) thời Nguyễn cho đục những dòng chữ liên quan đến các chúa Trịnh trên 68 văn bia (các bia dựng từ năm 1653 đến năm 1779), hoặc việc 14 văn bia được xác định là khắc lại(4) đã làm mất đi tính minh xác của văn bia, một loại tài liệu được đánh giá cao về tính chính xác của văn bản.

82 văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội đã được làm thác bản từ những năm đầu của thế kỷ XX do Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (tại Hà Nội) thực hiện và những năm cuối của thế kỷ XX do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện, các thác bản hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 82 văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội đã được dịch và công bố nhiều lần(5).

2/ Văn miếu Huế (Thừa Thiên - Huế)

Từ thời các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi xuống phương Nam, cũng đã cho xây dựng Văn miếu, nhưng rất tiếc, hiện chưa rõ địa điểm và năm xây dựng. Còn theo sử sách ghi chép thì: năm Nhâm Thân (1692), chúa Nguyễn Phúc Chu cho tu sửa Văn miếu ở Triều Sơn; đến năm Canh Dần (1770), Định Vương Nguyễn Phúc Thuần cho di chuyển Văn miếu về Long Hồ. Tới năm Gia Long thứ 7 (năm 1808), Văn miếu Huế chính thức của triều Nguyễn mới được xây dựng quy mô trên khu đất thuộc làng An Ninh (tức địa phận di tích ngày nay thuộc xã Hương Long, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Trải dòng lịch sử, Văn miếu Huế đã được nhiều lần trùng tu và sửa chữa, như: năm Kỷ Sửu (1829) triều vua Minh Mệnh, năm Quí Mão (1843) triều vua Thiệu Trị, năm Kỷ Dậu (1849) dưới triều Tự Đức, triều Thành Thái tu sử 2 lần, rồi triều Bảo Đại và hiện nay Văn miếu Huế đang được nhà nước đầu tư tu sửa nhằm khôi phục phần nào diện mạo của Văn miếu Huế thời Nguyễn.

Thời Nguyễn (1802-1942), từ đời Minh Mệnh, triều đình mở lại các khoa thi Đình, nên văn bia đề danh Tiến sĩ cũng được dựng lại. Từ năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822), đến khoa cuối cùng là khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919), có cả thảy 43 khoa thi. Tuy nhiên chỉ có 32 văn bia đề danh Tiến sĩ được dựng (trong đó có 3 văn bia khắc 3 khoa thi, 2 văn bia khắc 2 khoa thi) và 2 văn bia đề danh các Tiến sĩ võ (trong đó có 1 văn bia khắc 2 khoa thi) đã được dựng ở Văn miếu Huế.

Bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Huế nhỏ hơn và không đẹp bằng những bia đề danh Tiến sĩ ở Quốc tử giám Hà Nội. Nội dung văn bia cũng giản đơn hơn rất nhiều, không có bài ký mở đầu, chỉ ghi tên tuổi, quê quán của các vị Tiến sĩ mà thôi. Hình thức trang trí bia cũng giản đơn không cầu kỳ tỷ mỷ như những bia đề danh Tiến sĩ ở Quốc tử giám Hà Nội. Tuy vậy, 34 tấm bia này vẫn có giá trị nghiên cứu khoa cử thời Nguyễn nói chung và tên tuổi, quê quán của 303 vị Tiến sĩ văn võ thời Nguyễn nói riêng. Về phương diện mỹ thuật, bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Huế cũng là những tài liệu góp phần nghiên cứu phong cách mỹ thuật Việt Nam thời Nguyễn.

34 văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Huế đã được làm thác bản từ những năm đầu của thế kỷ XX do Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (tại Hà Nội) thực hiện, các thác bản này hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 34 văn bia này đã được dịch và công bố năm 2000(6).

B/ Văn miếu cấp địa phương

1/ Văn miếu Bắc Ninh

Về thời điểm xây dụng Văn miếu tỉnh Bắc Ninh, hiện chưa tìm thấy các tài liệu thư tịch ghi chép một cách chính xác. Có một số ý kiến cho rằng, Văn miếu Bắc Ninh được xây dựng vào thời Lê sơ (7), nhưng theo chúng tôi là chưa đủ tin cậy. Các tài liệu, thư tịch Hán Nôm ghi chép về Văn miếu Bắc Ninh hiện còn tìm thấy đều thuộc về thời Nguyễn và chỉ ghi việc trùng tu, sửa chữa Văn miếu mà thôi, không ghi chính xác thời điểm xây dựng Văn miếu. Theo văn biaTrùng tu Bắc Ninh bi đình ký thì: Văn miếu Bắc Ninh xưa dựng ở sơn phận Thị Cầu, huyện Võ Giàng; năm Thành Thái thứ 5 (1893) được chuyển về núi Nác, thôn Phúc Đức, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng(8) (tức địa phận xã Đại Phúc thị xã Bắc Ninh hiện nay). SáchĐại Nam nhất thống chí cho biết: Năm Gia Long thứ 1 (1802) tu sửa Văn miếu, đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) phải làm lại(9). Như vậy Văn miếu Bắc Ninh theo sự ghi chép của các tài liệu, thư tịch Hán Nôm thì các đợt di chuyển và trùng tu đều diễn ra vào các năm muộn sau này mà thôi (năm 1893, năm 1896, năm 1912 và năm 1928). Vấn đề thời điểm xây dựng Văn miếu Bắc Ninh cần được tiếp tục khảo cứu cẩn trọng, nhưng dẫu sao thì Văn miếu Bắc Ninh cũng có một vị trí nhất định khi nghiên cứu giá trị lịch sử văn hóa địa phương nói riêng và lịch sử văn hóa dân tộc nói chung.

Tại đây, nhân dân địa phương còn lưu giữ được 14 tấm bia đá, trong đó có 11 tấm có tên là Bắc Ninh lịch triều đại khoa bi ký (Văn bia ghi những người đỗ đại khoa ở các triều đại tỉnh Bắc Ninh), văn bia ghi chép về khoa thi, họ tên, quê quán, học vị, chức tước của 678 vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Tiến sĩ của tỉnh Bắc Ninh thời phong kiến (bao gồm cả tỉnh Bắc Giang và các huyện Gia Lâm, Văn Giang, Đông Anh ngày nay) từ thời Lý như Trạng nguyên Lê Văn Thịnh đỗ đầu kỳ thi Minh kinh bác sĩ khoa ất Mão niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) đến thời Nguyễn như Nguyễn Duy Thiện đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901). Trong số 678 Tiến sĩ được khắc tên trong 11 tấm bia tại Văn miếu Bắc Ninh, có 367 trường hợp đã được khắc tên trong bia ở Văn miếu-Quốc tử giám Hà Nội và Văn miếu Huế; còn 311 trường hợp chưa được khắc tên trong bia ở Văn miếu-Quốc tử giám Hà Nội và Văn miếu Huế. 311 Tiến sĩ này chủ yếu thi đỗ vào thời Mạc và một số khoa thời Lê chưa lập bia, nên đây là những tư liệu quan trọng khi nghiên cứu về các nhà khoa bảng nước ta thời kỳ phong kiến.

Về hình thức văn bia, 11 tấm bia Bắc Ninh lịch triều đại khoa bi kýkhông khắc hoa văn trang trí, không đề tác giả, và niên đại khắc bia; điều này sẽ gây không ít những khó khăn cho chúng ta khi nghiên cứu về đời sống văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh nói chung và văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Bắc Ninh nói riêng.

11 văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Bắc Ninh đã được làm thác bản từ những năm đầu của thế kỷ XX do Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (tại Hà Nội) thực hiện và những năm cuối của thế kỷ XX do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện, các thác bản hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 11 văn bia này đã được Nguyễn Quang Khải dịch và công bố năm 2000(10).

2/ Văn miếu Hưng Yên

Văn miếu Hưng Yên nay thuộc địa phận xã Xích Đằng phường Lam Sơn thị xã Hưng Yên tỉnh Hưng Yên, nhân dân ở địa phương thường gọi là Văn miếu xứ Đằng. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Văn miếu ở phía tây bắc tỉnh thành, thuộc địa phận xã Xích Đằng, dựng năm Minh Mệnh thứ 20 (1839)”(11). Nhưng theo tư liệu hiện có ở Văn miếu, như chiếc khánh Văn miếu ngọc khánh có niên đại vào năm Gia Long thứ 2 (1803), hay chuông Văn miếu kim chungcó niên đại vào năm Gia Long thứ 3 (1804) thì Văn miếu Hưng Yên có thể được xây dựng từ những năm đầu thời Nguyễn. Như vậy, về thời điểm tạo dựng Văn miếu Hưng Yên ở thị xã Hưng Yên (hay còn gọi là Phố Hiến), nơi từng là trung tâm buôn bán sầm uất thứ nhì vùng châu thổ sông Hồng “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” cần được tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu.

Văn miếu Hưng Yên trải theo thời gian cũng bao lần trùng tu sửa chữa, thời Nguyễn vào đời Thiệu Trị (năm 1820), đời Đồng Khánh (1886-1888), đời Bảo Đại (1941) và những năm gần đây Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm tu sửa nên Văn miếu ngày càng khang trang đẹp đẽ.

Văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Hưng Yên ghi chép 162 vị khoa bảng (chúng tôi dùng từ khoa bảng vì văn bia ở đây khắc cả những người đỗ Phó bảng), từ thời Trần là Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn đến thời Nguyễn là Tiến sĩ Đào Danh Văn. Trong số 162 Tiến sĩ được khắc tên trong 9 tấm bia tại Văn miếu Bắc Ninh, có 88 trường hợp đã được khắc tên trong bia ở Văn miếu-Quốc tử giám Hà Nội và Văn miếu Huế, 68 trường hợp chưa được khắc tên trong bia ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội và Văn miếu Huế, 1 trường hợp được xác định là nhân vật truyền thuyết (như Trạng nguyên Tống Trân), còn lại 5 trường hợp chưa rõ nguồn gốc.

Về hình thức văn bia, 9 tấm bia đề danh Tiến sĩ này, đều có khắc hoa văn trang trí, nhưng rất đơn giản. Các yếu tố văn bản như: tác giả và niên đại khắc bia đều không ghi (riêng 2 bia bổ di là bia thứ 8 và thứ 9 có ghi tác giả và niên đại).

9 văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Hưng Yên đã được làm thác bản vào những năm cuối của thế kỷ XX do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện, các thác bản hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 9 văn bia này đã được Nguyễn Quang Đồng khảo sát lấy làm đề tài luận văn tốt nghiệp Cử nhân Hán Nôm khóa 44 năm 2003 (12).

Một vài nhận xét:

Như vậy, kể từ khi nước ta thoát khỏi sự thống trị của phong kiến phương Bắc (thế kỷ X), một nước Đại Việt độc lập tự cường ngày càng phát triển và đến đời vua Lý Thánh Tông lập Văn miếu ở kinh thành Thăng Long thờ Khổng Tử, Chu Công (Trung Quốc) và sau này thờ Chu Văn An (Việt Nam). Rồi việc vua Trần Nhân Tông cho lập Quốc tử giám cũng ở kinh thành Thăng Long để đào tạo nhân tài. Từ đó Nho học ở nước ta phát triển, suốt từ thời Lý đến thời Nguyễn, các bậc khoa bảng nối danh, xuất hiện nhiều bậc hiền lương quân tử, đạo cao đức trọng đáng nêu gương muôn đời cho hậu thế. Mở đầu cho chế độ khoa cử ở nước ta là kỳ thi Minh kinh bác sĩ khoa ất Mão niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) đời vua Lý Nhân Tông và kết thúc là kì thi Hội khoa Kỷ Mùi niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919). Nhưng nhiều lý do khác nhau, nên mãi đến đời vua Lê Thánh Tông mới có hình thức lập bia đề danh Tiến sĩ.

Khi tìm hiểu các văn bia đề danh Tiến sĩ, chúng ta thấy được các triều đại phong kiến Việt Nam đều quan tâm tới việc chiêu tập hiền tài, đào tạo nhân tài cho đất nước, luôn có những chính sách phù hợp để phát triển nền giáo dục khoa cử. Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) từng viết: “Ngay khi vũ công đại định, văn đức sửa sang, muốn chiêu tập hiền tài, canh tân chính trị. Bèn xuống chiếu cho các nơi trong nước dựng nhà học để đào tạo nhân tài. Tại kinh đô có Quốc tử giám, ngoài các phủ có trường học” và “Lấy việc trọng đạo Nho làm việc hàng đầu, coi kén chọn anh tài tôn trọng hiền sĩ làm mưu lược tốt. Nghĩ việc đặt khoa thi, kén kẻ sĩ là chính sự cần làm trước nhất. Tô điểm cơ đồ, khôi phục mở mang trị hóa chính là ở đây, mà sửa sang chính sự, sắp đặt công việc, giáo hóa dân phong mỹ tục cũng là ở đây, các bậc đế vương đời xưa làm nên trị bình đời nào cũng theo thế”. Như vậy, từ xưa các bậc đế vương đã coi việc chiêu nạp hiền tài và phát triển giáo dục là vấn đề rất quan trọng, vì giáo hóa chính trị là ở đây, và thuần phong mỹ tục cũng là ở đây. Chính vì thế, nhà nước phong kiến rất trọng dụng nhân tài, coi hiền tài là nguyên khí của quốc gia, thể hiện sự hưng thịnh của đất nước. Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) từng đề cập tới vấn đề này như sau: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 (1448) cũng viết: “Sự lớn lao của nền chính trị của bậc đế vương không gì quan trọng bằng việc trọng dụng nhân tài, ... Việc cai trị mà không lấy nhân tài làm gốc, ... thì đều phải coi là cẩu thả”. Xem thế mới biết, vấn đề chiêu hiền đãi sỹ, vấn đề đào tạo nguồn lực và nhân tài cho đất nước là một chính sách hàng đầu, cực kỳ quan trọng, đối với bất kỳ thời đại nào, chế độ nào, trong quá trình xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt

Tiếp đến, khi tìm hiểu các bài văn bia đề danh Tiến sĩ, chúng ta còn thấy toát lên một vấn đề cũng hết sức quan trọng, đó là ý nghĩa giáo dục của việc lập bia và khắc đá đề danh; nhằm răn dạy các nhà khoa bảng, phải sống sao cho có ích với xã tắc, phải làm sao cho xứng danh kẻ sĩ khi được hưởng ơn vua lộc nước, khi được người dân kỳ vọng. Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 (1448) viết: “Nay những người được đề tên vào tấm đá này, cho dù nay đã có nửa phần tuổi tác đã cao, nhưng con người trung chính hay tà ngụy thế nào, việc làm được mất nên hư thế nào, công luận nghiêm xét, ngàn đời khó trốn”. Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Quí Mùi, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 4 (1463) cũng viết: “Ngõ hầu trên không phụ thịnh ý của triều đình ban khen, dưới không phụ hoài bão lớn muốn phò vua giúp nước, để danh dự được lưu lại đời đời, danh thơm truyền mãi mãi, khiến cho người đời đến xem đọc tấm đá này, chỉ vào tên mà nói: đây là những người trung với nước, hiếu với dân, bàn nói ngay thẳng làm sáng thánh đạo, giữ vững đạo đức kiến lập công lao, được như thế là may mắn lắm. Nếu không được thế thì người xem đưa mắt bảo: kẻ này nhu nhược, kẻ này đức mỏng, kẻ này hèn nhát. Công luận còn đó, há chẳng nên cẩn thận lắm sao?”. Một bài văn bia khác, Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 18 (1487) cũng đề cập tới vấn đề này như sau: “Kẻ sĩ được khắc tên vào bia đá này, thật may mắn biết bao! Cho nên phải đem lòng trung nghĩa tự hẹn với mình, làm sao danh và thực hợp nhau, làm những việc hợp sở học để làm nên sự nghiệp to lớn quang minh, khiến thiên hạ đời sau phải nhón chân lên mà nhắc nhở thanh danh, mến mộ khí tiết. Ngõ hầu trên không phụ ơn triều đình dưỡng dục, dưới không phụ hoài bão thường ngày thì tấm đá khắc ra sẽ đời đời không mục vậy. Thảng hoặc có người ngoài có vẻ văn chương mà trong đức hạnh thiếu phần tu dưỡng, khiến cho điều mà người ta đọc được trên bia không giống như dư luận mà họ nghe biết, việc làm trái với sở học, làm huỷ hoại hạnh kiểm, điếm luỵ danh giáo thì là vết nhơ cho tấm đá này”. Như vậy, việc lập bia đề danh Tiến sĩ, ngoài ý nghĩa lịch sử văn hóa xã hội; còn mang giá trị giáo dục công dân, giáo dục lẽ sống ở đời.

Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam còn góp phần vào việc tìm hiểu thân thế sự nghiệp, quê quán các nhà khoa bảng Việt Nam, góp phần bổ sung cho tài liệu, thư tịch đăng khoa lục Hán Nôm. Trong tổng số 137 văn bia đề danh Tiến sĩ ở 4 khu di tích văn miếu, chúng tôi đã tiến hành thống kê được hồ sơ của 1.991 các vị khoa bảng, sau khi trừ đi số người đỗ đạt được khắc lại trong văn bia ở Văn miếu Bắc Ninh và Văn miếu Hưng Yên. Trong số 1.991 vị khoa bảng này, có 1.979 Tiến sĩ văn, 10 Tiến sĩ võ và 2 vị Phó bảng (ở Văn miếu Hưng Yên). So với số lượng 2.896 vị khoa bảng mà Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) do Ngô Đức Thọ chủ biên(13) giới thiệu, thì con số này thực sự không phải là nhỏ.

Ngoài ra, văn bia dề danh Tiến sĩ Việt Nam còn là những tư liệu rất có giá trị góp phần nghiên cứu lịch sử khoa cử Việt Nam, như: chế độ thi cử (việc qui định niên khoá thi, thể lệ thi,v.v..), tên gọi các khoa thi (Minh kinh bác sĩ, Thái học sinh, Hương, Hội, Đình, v.v..), cách gọi các thứ bậc những người đỗ đại khoa của từng thời kỳ lịch sử (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Nhất giáp, Nhị giáp, Tam giáp, v.v.). Về phương diện địa lý, các địa danh liên quan đến quê quán những người đỗ đạt được khắc trong các văn bia đề danh sẽ giúp chúng ta xác định quá trình thay đổi tên gọi các địa phương trong lịch sử, góp phần nghiên cứu địa chí Việt Nam, ví dụ như: quê của Nguyễn Như Đổ (1424-1525) ở huyện Thanh Trì, đời Lê sơ gọi là huyện Thanh Đàm (清潭) thuộc phủ Thường Tín, đời Lê Trung hưng do kiêng chữ “Đàm” (tên huý Lê Duy Đàm) nên đổi là Thanh Trì (清池); sau lại kiêng chữ “thanh 清, nghĩa là trong” (tên tước của Thanh vương Trịnh Tráng) nên đổi là “thanh 青 nghĩa là xanh” khi viết Thanh Trì (青 池) . Các văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam còn là những tư liệu hết sức có giá trị cho các ngành khoa học xã hội, như: văn học, sử học, pháp luật, dân tộc, tôn giáo, hội họa, kiến trúc, v.v...

Với những giá trị nêu trên, rõ ràng là, văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam đáng được quan tâm nghiên cứu và giới thiệu một cách có hệ thống. Nên chăng cần có một bộ sưu tập về thể tài văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam và trong điều kiện kỹ thuật hiện nay sẽ in kèm ảnh các thác bản văn bia, để các nhà nghiên cứu và giảng dạy về khoa học xã hội có điều kiện nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quát về thể tài văn bia này.

T.K.M

CHÚ THÍCH

(1), (2) Theo Chu Kiếm Tâm: Kim thạch học, Thượng Hải, 1955, tr.171-173.

(3) Văn miếu Quốc tử giám và 82 bia Tiến sĩ, Ngô Đức Thọ chủ biên, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu Quốc tử giám, H. 2002, tr.56.

(4) Nguyễn Thúy Nga: Việc khắc lại 12 bia Tiến sĩ ở Văn miếu - Hà Nội, Tạp chí Hán Nôm số 2/2002 và theo ý kiến của Nguyễn Hữu Mùi.

(5) Đỗ Văn Ninh: Văn bia Quốc tử giám Hà Nội, Nxb. VH-TT, H. 2000 và Văn miếu Quốc tử giám và 82 bia Tiến sĩ (Ngô Đức Thọ chủ biên), Sđd.

(6) Xem Đỗ Văn Ninh: Bia đề tên Tiến sĩ triều Nguyễn, Nghiên cứu Lịch sử số 5/1995 - 1/1996 và Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn (Phạm Đức Thành Dũng - Vĩnh Cao đồng chủ biên), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000.

(7) Văn miếu Bắc Ninh, UBND thị xã Bắc Ninh - Sở VH - TT Bắc Ninh, 1999.

(8) Ký hiệu No. 16.737, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(9) Đại Nam nhất thống chí (Bản dịch Viện Sử học), Nxb. Thuận Hóa, Huế 1992.

(10) Văn bia Văn miếu Bắc Ninh, Nguyễn Quang Khải dịch và chú giải, Nxb. Văn hóa Dân tộc, H. 2000.

(11) Đại Nam nhất thống chí, Sđd.

(12) Nguyễn Quang Đồng: Di sản Hán Nôm ở Văn miếu Hưng Yên,Đại học KHXH & NV (ĐHQG. Hà Nội), Luận văn Cử nhân Hán Nôm khóa 44, năm 2003.

(13) Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919), Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020