Hán nôm

CHUYỆN BÀ PHẠM THỊ HOÀI THAI TRONG "THIÊN NAM NGỮ LỤC": SỰ GIAO HÒA CỦA PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN BẢN ĐỊA


15-10-2020
Tác giả: CHU QUANG TRỨ

Nguồn: http://hannom.org.vn/web/tchn/data/9601.htm

Chuyện bà Phạm Thị hoài thai được chép khá thống nhất trong các cuốn sử chính thức xưa, tất cả đều vắn tắt, đã tước bỏ những tình tiết lý thú. Nhân dân trên địa bàn châu Cổ Pháp xưa vẫn còn thuộc và kể rất sinh động nhưng không tránh khỏi những thêm bớt chủ quan ngày nay. Để tìm hiểu thực chất huyền thoại bà Phạm Thị hoài thai phải tìm đến văn hóa dân gian, mà trong tình hình thư tịch hiện nay thì tài liệu gốc chính là bộ diễn ca lịch sử viết từ thế kỷ XVII:Thiên Nam ngữ lục rất phong phú và tương đối khách quan.

Câu chuyện về bà Phạm Thị hoài thai được chép khá dài, chúng tôi xin lược trích và tóm tắt: Bà Phạm Thị “khó khăn goá bụa, tuổi vừa đôi mươi”, phải đi làm thuê, thậm chí phải đi ăn mày. Nghe đồn chùa ứng Đại (tên đầy đủ là ứng Đại Thiên Tâm) có một thiền sư “tu thân luyện tính, chuyển thần hoàn nguyên”, nàng tìm đến và được thiền sư cho phép ở lại để “quét chùa, gánh nước, tưới cây, giữ vườn”. Thế rồi

“Giữa ngày mồng tám là ngày Bụt sinh
Đêm khuya thầy dạy tụng kinh,
Nàng dậy một mình ngồi bếp thổi xôi.
Ngậm ngùi nhớ sự khúc nhôi,
Lim dim ngủ mát, nằm ngoài táo môn.
Thấy lâu thầy mới hỏi dồn,
Tắt đèn vạc lửa, thầy liền bước qua.
Tự nhiên mới giấc hồn hoa,
Ngỡ ai đã đến giao hoà cùng ai,
Âm dương thăng giáng một hồi,
Thủy liêm mở động, ngọc lơi dề dề.
Máy trời cơ nhiệm ai hay,
Thác lấy khí thầy cho nàng chịu thai”.
(...)
“Hay tình thầy hỏi sự duyên,
Trước sau khúc trực, nàng bèn bày ngay:
Sáng ngày mùng chín ấy rầy,
Tôi nằm ngủ mát tối thầy chạm chân.
Thấy nên chuyển động tâm thần,
Có phân ngây ngất, có phân kinh lòng.
Tôi ngỡ ma quỷ hãi hùng,
Chẳng ngờ một tháng hay lòng có thai”.

Thế rồi để giữ tiếng cho thầy, nàng bèn rời khỏi chùa “một bị, một gậy” đi ăn xin. “Tuy rằng rách rưới lạc loài, song bề nhan sắc kém ai chút nào”, nên nhiều người hiếm muộn muốn hỏi nàng để nhận con, nhưng nàng đã từ chối” chi cho phàm khí lộn thai, lỗi đạo cùng trời, mất đạo cùng con”. Mười tháng sau, đến khi sắp sinh nở, nàng “đi xa lo nữa xảy chân, lần quất đến gần chùa kẻ Gia Châu”. Đêm đó trời nổi gió, rồng phun mưa, có 3 bà tiên cho thuốc, uống xong nàng “sinh ra được một con trai lạ dường” mặt mũi sáng sủa như trăng đêm rằm, như mặt trời giữa trưa. Nuôi con được 7 ngày thì ẵm đến chùa Cổ Pháp cho làm con nuôi thiền sư Lý Khánh Văn. Lên 7-8 tuổi được đưa sang chùa Lục Tổ theo học thiền sư Vạn Hạnh. Chính ở đây, Lý Công Uẩn được bồi dưỡng tài năng và chuẩn bị dư luận đầy đủ để khi có cơ hội sẽ nắm chính quền.

Còn bà Phạm Thị sau khi để lại con ở chùa Cổ Pháp, lại bị gậy đi hành khất. Một ngày kia đến đồi Mả Báng cây cối tốt xanh, là nơi xưa Cao Biền đã xác định có mạch đế vương, bỗng bị bạo bệnh mà mất, mối đùn thành mộ.

Câu chuyện bà Phạm Thị hoài thai có chung chủ để và kết cấu với chuyện Man Nương ở chùa Dâu, thậm chí có thể xem như dị bản của nhau. Tất nhiên về tình tiết có khác. Trên tập văn số 20 (năm 1991) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tôi đã có dịp trình bày mối “Giao lưu văn hóa Việt - ấn qua huyền thoại Man Nương”, chuyện Man Nương xảy ra ở thế kỷ II trong lúc văn hóa Việt cổ chịu ảnh hưởng cưỡng bức của văn hóa Hán với âm mưu đồng hóa, thì sự tiếp nhận hoà bình văn hóa ấn Độ phải được đặt ra như một sự gắn bó hữu cơ giữa 2 thành tố Việt - ấn để tạo nên một cơ thể mới đầy đủ tố chất Việt và cũng đủ sức hòa nhập cộng đồng văn hóa khu vực. Sau gần nghìn năm đấu tranh, nền độc lập dân tộc đã được xác định vững vàng, Phật giáo hồi bấy giờ đã trở thành một tôn giáo khá phổ cập ở nước Đại Việt và đang là chỗ dựa tinh thần của dân tộc, nhiều thiền sư đang là cố vấn cao cấp của nhà nước, chùa chiền đang là trường học đào tạo nhân tài, thì việc đặt ra lúc này là cần có sự hòa đồng giữa tín ngưỡng bản địa với Phật giáo, cũng tức là văn hóa dân tộc phải được kết hợp chặt chẽ với văn hóa Phật giáo trong khu vực.

Chỉ trong huyền thoại trên với các chùa được kể đến là ứng Đại Thiên Tâm, Gia Châu, Cổ Pháp và Lục Tổ... và với những thiền sư danh tiếng như Lý Khánh Văn, Lý Vạn Hạnh... thì rõ ràng vùng châu Cổ Pháp đang là một trung tâm Phật giáo lớn. ở đấy biểu hiện của văn hóa dân tộc không còn là cô gái phương Nam ngây thơ (Man Nương) nữa, mà đã là một cô gái của thế giới nhà Phật quyền năng: Phạm Thị (chứ không thể cô gái họ nào khác), là thế giới của Phạm Thiên và Đế Thích, là cái tâm theo Phạm hạnh, là vòng quay của Phạm luân, là sự kết đọng Phạm điển của kinh Phật, là giọng nói Phạm âm cao sang của đức Phật... Cô gái ấy nếu không sống ở chùa “quét chùa, gánh nước, tưới cây, giữ vườn” thì cũng “một bị, một gậy” đi hành khất như kiểu khất thực của các nhà sư theo mệnh thanh tịnh. Cô gái ấy nghèo khó, “song bề nhan sắc kém ai chút nào”, đoan chính bỏ ngoài tai mọi lời hoa nguyệt ngay khi khốn đốn nhất “rách rưới, lạc loài” vẫn từ chối “nhiều nơi danh giá hiền hào” để giữ trọn thân tiết không bị “lỗi đạo cùng trời, mất đạo cùng con”.

Còn hiện thân của văn hóa Phật giáo ở đây là sư trụ trì chùa ứng Đại [Thiên Tâm] mà tên chùa đã có ý như chỉ vị sứ giả thông báo những ứng biến lớn lao của lòng trời, có đủ thần lực “chuyển thần hoàn nguyên”. Con người ấy:

“Vui lòng đạo đức từ bi,
Ngày tháng gia trì lạc đạo thiền kinh.
Tanh ô chẳng bợ đến mình,
Cất không lòng tục quét thanh nẻo trần”.

Mối giao cảm của hai nền văn hóa dân gian và Phật giáo được biểu hiện thành cuộc hôn phối thực hư trong mộng: “Tự nhiên mới giấc hồn hoa, ngỡ ai đã đến giao hoà cùng ai”. Mộng đấy nhưng cái hành động ân ái lại rất cụ thể: “Âm - dương thăng giáng một hồi, Thủy liêm mở động, ngọc lơi dề dề”. Để rồi khi thấy rõ hiệu quả thì chính nhà sư cũng ngỡ ngàng về cuộc giao hoan mây mưa: “Ta thương góa bụa khó khăn, chẳng ngờ mộ vũ triêu vân đấy rày”. Dường như cuộc hôn phối văn hóa ấy là nằm ngoài ý muốn chủ quan của cả hai bên, nhưng lại lòng trời ứng báo, và như thế là tất yếu.

Cuộc giao hoan ấy diễn vào đêm khuya của “ngày mồng Tám là ngày Bụt sinh”, cũng tức là “rạng ngày mồng chín”. Vậy Lý Công Uẩn theo sử cũ sinh ngày 12 tháng Hai, nhưng chính thức được tụ khí ban đầu từ ngày Phật đản năm trước. Người mẹ sinh con vuông tròn, gửi chỗ nuôi chắc chắn để có cả họ và quê, thì hóa thân để âm phù cho người sống được sung sướng. Còn đứa bé phải được nuôi dưỡng bằng dòng sữa bác học của văn hóa Phật giáo, để rồi lớn lên có đủ trí tuệ và nghị lực làm rạng danh dân tộc và đất nước.

Nếu huyền thoại về sự hoài thai của Man Nương là sự giao hoan của văn hóa dân tộc với văn hóa Phật giáo còn đầy chất ấn Độ để đưa đến cuộc sống tâm linh thần bí; thì sự hoài thai của Phạm Thị cũng của văn hóa dân tộc nhưng ở trình độ dân gian với văn hóa Phật giáo đã mang tính bác học, lại đưa đến một sự phục hưng dân tộc ở cả chính trị và văn hóa để được đàng hoàng ngang hàng với mọi dân tộc, mọi quốc gia trong khu vực.

C.Q.T

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020