Bộ Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (LTĐK)(1) là một tài liệu khoa lục có tính chất bán quan phương, cung cấp nhiều thông tin cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu họ tên và tiểu sử các nhà khoa bảng Việt Nam. Nội dung học thuật của sách tuy đã được nhiều người đề cập đến(2), nhưng chưa có công trình nào thích hợp để đi sâu vào các vấn đề chuyên biệt. Trong bài viết này chúng tôi xin nêu lên kết quả nghiên cứu về những thông tin đăng khoa học đã được ghi trong Biệt lục và Bổ di của bộ Lịch triều đăng khoa lục.
LTĐK gồm 4 quyển (Q.Thủ và Q.1 - 3), dày 184 tờ. Qua cách trình bày, chúng ta có thể nhận thấy các soạn giả có dụng ý chia tách thành 2 phần: Phần thứ nhất là Q.Thủ (14 tờ), gồm Bài tựa và danh sách 75 vị thi đỗ trong các khoa thi dưới triều Lý - Trần - Hồ. Phần thứ hai từ Q.1 đến hết là họ tên các Tiến sĩ triều Lê (cả Lê sơ, Lê Trung hưng) và triều Mạc. Q.Thủ chỉ gồm 14 tờ giấy, nhưng nội dung có thể chia làm 3 phần: a/ Bài tựa, dưới có ghi đủ họ tên, học vị, chức tước của người hiệu chính và 3 vị đồng biên tập (tờ 1a - 3b). b/ Danh sách những người thi đỗ dưới các triều Lý - Trần - Hồ (đánh số lại từ 1a - 8b). c/ Biệt lục (8b - 10b) và Bổ di (11a - 11b): Danh sách bổ sung cho phần . Tuy các soạn giả LTĐK không thuyết minh lý do phân chia danh sách này làm hai loại, nhưng nghiên cứu kỹ nội dung có thể thấy: Biệt lục bổ sung những người có biết cụ thể khoa thi đỗ, Bổ di hầu hết là những trường hợp chỉ biết đại thể thi đỗ trong khoảng niên hiệu hoặc đời vua nào đó, - có những vị chỉ có họ tên và sơ lược hành trạng chứ không ghi thi đỗ hay không (như Hồ Tông Thốc 胡 宗 鷟 ... Chu Văn An 朱 文 安 ...và Phạm Sư Mạnh 范 師 孟 ... - tờ 11a).
Để tiện phân biệt với mục là danh sách của hai phần Biệt lục và Bổ di, chúng tôi tạm gọi danh sách của phần b/ là Chính lục. Số người có tên trong các phần như sau: Chính lục: 50 vị; Biệt lục, Bổ di: 25 vị ((3)).
Chúng ta đều biết danh sách những người thi đỗ từ đời Lê về sau được triều đình cho sao lục tinh xác để lưu giữ ở sảnh viện, đồng thời cho khắc vào bia đá để lưu truyền. Như vậy hệ thống bia Tiến sĩ ở Văn miếu Thăng Long và danh sách của Sử quán là nguồn tư liệu rất đáng tin cậy cho các nhà biên soạn ĐKL đời Lê. Còn các đời Lý - Trần - Hồ, Lê Quý Đôn đã ghi là “không ghi chép gì, vì thế tên người đỗ các khoa phần nhiều không khảo cứu được”(4). Vậy thì các soạn giả LTĐK đã căn cứ vào nguồn tài liệu nào để biên soạn danh sách các nhà khoa bảng đời Lý - Trần - Hồ nói chung và các phần Biệt lục, Bổ di nói riêng của sách này ?
a. Về danh sách ở phần Chính lục:
Gồm 50 vị (Lý 5: Lê Văn Thịnh 黎 文 盛 ... Mạc Hiển Tích 莫 顯 績 ... Đỗ Thế Diên 杜 世 延 ... Bùi Quốc Khái 裴 国 慨 ... Đặng Nghiêm 鄧 嚴 ... Trần 35; Hồ: 10). Đối soát giữ LTĐK với Toàn thư về từng khoa thi, chúng ta có thể thấy các soạn giả LTĐK đã căn cứ rất sát vào ghi chép của Toàn thư để khôi phục các khoa thi và danh sách người thi đỗ: 49 trong số 50 người ghi ở Chính lục nguyên đã đã có tên trong Toàn thư, chỉ chênh lệch 1 trường hợp do các soạn giả LTĐK bổ sung: Đó là trường hợp Đỗ Thế Diên 杜 世 延... (người làng Cổ Liêu huyện Đường Hào, nay thuộc xã Nghĩa Hiệp, huyện Mỹ Văn tỉnh Hải Hưng(5).
Về khoa Ất Tị Trinh Phù 10 (1185), Toàn thư chép: “Lấy đỗ bọn Bùi Quốc Khái, Đặng Nghiêm 30 người” (Bản kỷ IV, tờ 20a). Trong khi đó Chính lục ghi rõ Đỗ Thế Diên đỗ đầu, xếp trước Bùi Quốc Khái và Đặng Nghiêm. Về Đỗ Thế Diên, chúng ta thấy soạn giả LTĐK có tư liệu điều tra riêng về quê quán, hành trạng, khá cụ thể so với những người khác. Lê Quí Đôn cũng ghi về khoa này: “Sử chép 3 người thi đỗ là Bùi Quốc Khái, Đỗ Thế Diên và Đặng Nghiêm” (Kiến văn tiểu lục KVTL, Bd, tr.91), chỉ có khác là ghi ông đỗ thứ hai sau Bùi Quốc Khái. Còn Cương mục và Khoa mục chí (KMC) căn cứ theo Toàn thư nên cũng không ghi Đỗ Thế Diên.
B. Vấn đề của Biệt lục, Bổ di:
1. Về các khoa thi:
a. Khoa Văn học tuấn tú: Bổ di ghi một người tên là Lý Dụng Quang 李用 光 ... (không rõ quê quán) đỗ đầu khoa thi Văn học tuấn tú đời Lý Thánh Tông (1054-1072). Nếu theo tư liệu này thì đó là khoa thi Nho học đầu tiên của nước ta mà nhà khoa bảng đầu tiên là Lý Dụng Quang chứ không phải là Lê Văn Thịnh (đỗ khoa ất Mão năm Thái Ninh 4 đời Lý Nhân Tông 1075). Tuy vậy Toàn thư cũng như các sử sách khác đều không có tài liệu nào nói đến danh tính Lý Dụng Quang cũng như khoa thi này. Vì vậy các tài liệu đăng khoa lục khác (cả trước và sau LTĐK) đều căn cứ theo chính sử nên không có thông tin trên của LTĐK.
b. Về khoa thi niên hiệu Trinh Khánh: một trong những vấn đề gây nghi ngại nhiều nhất của phần Biệt lục: có 5 người được ghi là thi đỗ khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn niên hiệu Trinh Khánh 3 đời Huệ hoàng triều Lý (Phạm Công Bình 范 公 平 ..., Nguyễn Viết Chất 阮 文 質 ..., Vương Văn Hiệu 王 文 校 ... , Dương Chính 楊 政 ..., Phạm Tử Hư 范 子 虛 ... Đoạn ghi chép này vấp phải ít nhất 3 vấn đề mâu thuẫn: <1> Huệ hoàng triều Lý 李 朝 惠 皇 帝 ... chỉ có thể hiểu là triều vua Lý Huệ Tông (1211-1224). Nhưng theo chính sử thì đời vua này chỉ có một niên hiệu Kiến Gia 建 嘉 mà không có niên hiệu Trinh Khánh 貞 慶 ... <2> Đời Lý Huệ Tông cũng không có năm Mậu Thìn (năm Mậu Thìn gần nhất là năm 1208 còn thuộc đời Lý Cao Tông, nhưng đời Cao Tông có niên hiệu Trinh Phù 貞 符 ... chứ không phải Trinh Khánh. <3> Về triều Lý không thấy chính sử ghi việc phân chia người thi đỗ làm 3 giáp. Từ khoa thi Nhâm Thìn năm Kiến Trung 8 (1232) đời Trần Thái Tông sử mới ghi việc này (BK V, 7b).
Đối với những người nghiên cứu dù là ngày nay hay ngày xưa, một sử liệu quan trọng mà phạm phải đến 3 điều mâu thuẫn như đã kê trên thì phải nói là khó tin cậy. Tuy vậy, điều khiến người ta phải băn khoăn là ở chỗ: nhóm biên soạn LTĐK gồm 4 nhà sử học khá có danh tiếng thời bấy giờ, lẽ nào họ lại không chú ý đến những chi tiết mâu thuẫn đó, thậm chí cả vấn đề niên hiệu Trinh Khánh ? Hơn nữa có thể khẳng định đây không phải vấn đề lỗi của bản in, vì chính Lê Quý Đôn cũng đã từng nói “Có một tập khác chép rằng: năm Mậu Thìn niên hiệu Trinh Khánh đời Huệ Tông ...”(6). Điều này thật khó giải thích và có thể có những lý do nào đó đã khiến nhóm biên soạn vẫn đưa tư liệu đó vào phần Biệt lục. Vì vậy, các tài liệu đăng khoa lục phân chia làm 2 nhóm có cách thức xử lý khác nhau đối với tư liệu này:
Không ghi khoa Trinh Khánh: gồm các bản: Đăng khoa lục sao bản(A.1785), Lịch đại đại khoa A.2119), Thiên Nam Lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo (A.485) v.v...
Có ghi khoa Trinh Khánh: Lịch đại đăng khoa (VHv.652), Thiên Nam lịch triều tiến sĩ đăng khoa lục (VHv.289), Thiên Nam lịch triều tiến sĩ khoa thực lục (A.2040) v.v...
Đối trước vấn đề này, trong các thư tịch cổ người xưa đã từng có thái độ “dĩ nghi truyền nghi” là có ý thận trọng không gạt bỏ những vấn đề cần phải nghiên cứu tìm hiểu thêm. Do đó chúng tôi nghĩ rằng khoa Trinh Khánh tạm thời vẫn có thể ghi lại để bảo lưu thông tin của LTĐK, nhưng cần nêu rõ thông tin đó chưa được xác nhận.
c. Về khoa thi năm 1246 và năm 1274:
Theo Biệt lục, khoa thi năm Thiên ứng Chính Bình 15 (1246) lấy đỗ 3 người: Trạng nguyên Nguyễn Quan Quang 阮 觀 光... (Tam Sơn h. Đông Ngàn), Bảng nhãn Phạm Văn Tuấn 范 文 俊 ... (Nghĩa Lư h. Cẩm Giàng), Thám hoa Vương Hữu Phùng 王 有 逢 ... (h. Đan Phượng); khoa Bảo Phù 2 (1274): Lý Đạo Tái 李 道 載... (Vạn Tư h. Gia Định).
ở đây có vấn đề nghi ngại: cả 2 khoa kê trên đều sát trước 1 năm với hai khoa Thiên ứng Chính Bình 16 (1247) và Bảo Phù 3 (1275) ghi trong Toàn thư và cũng đã có trong Chính lục, phải chăng có sự nhầm lẫn khoa thi năm trước ghi vào năm sau (và ngược lại) ? Nhưng họ tên người thi đỗ trong các khoa thi ấy lại không giống nhau cho nên cũng không có cơ sở để bác bỏ thông tin ấy của Biệt lục.
Để tiện theo dõi chúng tôi đã lập bảng kê các khoa thi thời Lý - Trần - Hồ (xin xem Bảng kê ở cuối bài).
2. Về danh sách người thi đỗ:
Ngoài phần Chính lục mà xuất xứ tư liệu hầu hết (49/50 trường hợp) đều được kiểm chứng ở Toàn thư, 2 phần Biệt lục và Bổ di còn ghi thêm 25 người thi đỗ trong các khoa đời Lý - Trần - Hồ (Biệt lục: 15,Bổ di: 10). tiếp tục truy tìm cứ liệu, chúng tôi thấy:
a. Những người đã được ghi trong sử: 4 người. Cùng một năm Thiên ứng Chính Bình 16 (1247) có 2 khoa thi, một khoa vào tháng 2 đã lấy Trạng nguyên Nguyễn Hiền 阮 賢..., Bảng nhãn Lê Văn Hưu 黎 文 休 v.v..., còn một khoa khác tổ chức vào tháng 8 (9-1247) gọi là khoa thi Thông tam giáo, lấy đỗ 4 người: Ngô Tần 吳 瀕 ... (người Trà Lộ) đỗ Giáp khoa, Đào Diễn 陶 演 ... (Thanh Hóa), Hoàng Hoan 黃 歡 ... (Thanh Hóa) và Vũ Vị Phủ 武 謂 父 ... (người Hồng Châu) đỗ ất khoa (Toàn thư, BD V, 15a-b). Ở Chính lục đã ghi khoa thi tháng 2, nhưng không ghi người đỗ ở khoa thi tháng 8. Điều đó có thể được hiểu là các soạn giả LTĐK không coi thi Tam giáo là khoa thi chính thức như thi Nho học, nên đưa danh sách 4 người kê trên xuống phần Biệt lục.
b. Do các soạn giả LTĐK bổ sung: 21 người. Trong số này có 8 vị sau đây: Nguyễn Phi Khanh 阮 飛 卿 ... (Biệt lục); Trần Đạo Tái 陳 道 載 ..., Chu Văn An 朱 文 安 ... , Phạm Sư Mạnh 范 師孟 ..., Hồ Tông Thốc 胡 宗 鷟 .... Triệu Thái 趙 泰 ..., Phan Phù Tiên 潘 孚 先 ..., Nguyễn Thiên Túng 阮 天 縱 ... (Bổ di ) là những nhân vật có danh tiếng trong lịch sử. Tuy vậy, cũng chỉ có một số trường hợp có tư liệu trong thư tịch cổ cho biết họ thi đỗ đại khoa, như: Hồ Tông Thốc:“Tuổi trẻ đỗ cao, rất có tài danh” (Toàn thư, BK VIII, 9b; Nam ông mộng lục). Phạm Sư Mạnh: “Học trò [của Chu An] nhiều người đỗ đạt cao, vào chính phủ..., như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát 黎 伯 适 ...” (Toàn thư BK VII, 44a). Nguyễn Phi Khanh (tức Nguyễn Ứng Long) dạy học ở nhà Tư đồ Trần Nguyên Đán, về sau thi đỗ (Toàn thư BK, VIII 8b). Việc các soạn giả LTĐK bổ sung họ vào danh sáchBiệt lục và Bổ di có thể xem là có cơ sở. Đặc biệt trong Bổ di có những tư liệu rất quý mà các sử sách khác không có, chẳng hạn: theo tư liệu trong Bổ di, Triệu Thái 趙 泰 (người Hoàng Chung, Lập Thạch - nay là thôn Hoàng Chung, xã Đồng ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú) trong thời thuộc Minh sống ở Trung Quốc (có thể hiểu ông là một trong số những người nước ta bị bắt hoặc theo gia đình sang đó), khoảng niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1425) đã thi đỗ Tiến sĩ của triều Minh, làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ. Sau nghe tin trong nước có cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi, ông mượn cớ về thăm quê nhà rồi đăng tên dự thi và trúng tuyển khoa Minh kinh năm Thuận Thiên 2 đời Lê Thái Tổ (1429), - trong LTĐK tên ông được ghi đầu tiên. Sau ông làm quan nhà Lê đến chức Thị ngự sử, điều này Toàn thư đã chép (BK XI, 56b). Bổ di còn cho biết ông là người san định sách Quốc triều điều luật 國 朝 條 律 ... tư liệu này chưa có sử sách nào ghi chép.
Tuy vậy cách xử lý tư liệu của các soạn giả LTĐK cũng có chỗ còn chưa nhất quán. Chẳng hạn cùng một tư liệu đã dẫn trên nhưng Bổ di chỉ ghi Phạm Sư Mạnh mà không ghi Lê Bá Quát. Hoặc Toàn thưghi chung cả sự việc về Nguyễn ứng Long và Nguyễn Hán Anh 阮漢英... và cho biết: “về sau cả hai đều thi đỗ” (BK VIII, 8b), nhưng cảBiệt lục và Bổ di đều không ghi tên Nguyễn Hán Anh.
Về 2 trường hợp Phạm Tử Hư 范 子 虛 ... và Dư Nhuận Chi 余 潤 之... chính sử không nói đến, chỉ thấy chép trong Truyền kỳ mạn lục(TKML/ Phạm Tử Hư du Thiên tào lục, Túy Tiêu truyện). Nhưng vì TKML của tác giả Nguyễn Dữ là người TK XVI, lại là tác phẩm văn học thuộc thể loại truyền kỳ nên ít sức thuyết phục về tính xác thực của tư liệu. Vì thế Lê Quý Đôn đã viết: “... có người được trúng tuyển tên là Phạm Tử Hư, việc này có lẽ căn cứ vào truyện Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ mà vay mượn khiên cưỡng, không thể tin được”. Cả trường hợp của Dư Nhuận Chi thực ra cũng tương tự, chỉ có điều trong Truyện Tuý Tiêu họ Dư được ghi đỗ cụ thể vào năm Đại Trị thứ 7 đời Trần Dụ Tông.
Về Lý Đạo Tái (tức Thiền sư Huyền Quang): chúng ta có thể biết soạn giả LTĐK đã sử dụng tư liệu của Tam tổ thực lục (in 1765). Đối với những vấn đề về lịch sử Phật giáo Việt Nam thì sách này cũng như một số sách khác tàng bản ở chùa Long Động (Yên Tử) là những tài liệu đáng tin cậy. Tuy vậy việc ghi Huyền Quang đỗ Trạng nguyên trước khi xuất gia (Bảo Phù 2; 1274) lại là nội dung thuộc vấn đề lịch sử khoa cử Nho giáo, cho nên vẫn cần được xác minh thêm.
10 trường hợp còn lại: Lý Dụng Quang 李 用 光 ..., Phạm Công Bình范 公 平... , Nguyễn Viết Chất, 阮 曰 質... Vương Văn Hiệu 王 文 校..., Dương Chính 楊 政 ..., Nguyễn Quan Quang 阮 觀 光 ... , Phạm Văn Tuấn 范 文 俊 ..., Vương Hữu Phùng 王 有 逢 ... , Trần Đạo Tái陳 道 載 ..., Nguyễn Hy Chu 阮 希 周 ... , - có thể nói trước LTĐK không tài liệu nào nói đến.
*
**
Nói tóm lại: Do vị trí hai phần Biệt lục và Bổ di của Lịch triều đăng khoa liên quan đến việc nghiên cứu giai đoạn đầu tiên quan trọng trong lịch sử khoa cử của nước ta, cho nên chúng tôi đã cố gắng đối kiểm các nguồn tài liệu nhằm tìm hiểu căn cứ của những thông tin khoa lục do nó cung cấp. Kết quả cho thấy các soạn giả LTĐK một phần đã sử dụng sử liệu của Toàn thư để lập danh sách. Trong Biệt lục và Bổ di, một mặt có những thông tin có giá trị (như về Triệu Thái đã nói ở trên), nhưng mặt khác cũng thấy soạn giả có phần quá rộng rãi trong việc thu lượm tư liệu, lấy cả những nhân vật trong truyện truyền kỳ như Lê Quý Đôn đã phê phán. Cả ở Chính lụccũng như Biệt lục và Bổ di, nếu được các soạn giả thuyết minh dù chỉ chút ít về xuất xứ cứ liệu thì giá trị khoa học sẽ được tăng thêm rất nhiều. Hiển nhiên những vấn đề như khoa thi niên hiệu Trinh Khánh là không thể giải thích được bằng những niên hiệu mà chúng ta đã biết. Nhưng đây là vấn đề của thư tịch cổ ghi sự kiện cách nay đã ngót nghìn năm, theo chúng tôi, tất cũng có những lý do nào đó mà các soạn giả là những nhà sử học danh tiếng đã lưu lại để chờ xác minh, chúng ta nên sử dụng thận trọng chứ không gạt bỏ.
BẢNG TỞNG HỢP THÔNG TIN VỀ CÁC KHOA THI THỜI LÝ – TRẦN – HỒ
|