Hán nôm

MỘT VÀI SUY NGHĨ CHUNG QUANH VẤN ĐỀ ĐỌC NÔM PHIÊN NÔM (1)


15-10-2020
Tác giả: Nguyễn Tài Cẩn

Về việc đọc các văn bản Nôm để phiên ra Quốc ngữ, trước nay đã từng có nhiều trường hợp gây ra tranh luận, mỗi trường hợp như vậy thường có những nguyên nhân cụ thể và những hoàn cảnh riêng biệt của nó. Tuy nhiên, nếu khái quát lên thì cũng có thể quy tụ lại được thành một số vấn đề cơ bản, ít nhiều có liên quan đến các đặc điểm của chữ Nôm, xét về mặt loại hình văn tự cũng như về mặt bối cảnh lịch sử xã hội đã chi phối lối văn tự đó. Dưới đây chúng tôi xin thử chọn ra, bàn đến một đôi vấn đề có tấm quan trọng chung đó.

I) Vấn đề trước tiên cần làm sáng tỏ, theo ý chúng tôi, là vấn đề xác định mối quan hệ giữa một bên là việc đọc Nôm với một bên là việc phục nguyên các dạng ngữ âm cổ.

Chữ Nôm là một hệ thống văn tự đã được sáng tạo ra cách ta khoảng chừng bảy, tám thế kỷ, nhiều văn bản Nôm cũng đã được viết ra cách ta hàng mấy trăm năm. Do các lẽ đó, trong các văn bản Nôm thể nào cũng phải có những chữ còn lưu lại những vết tích chức âm cổ, thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau. Nhưng chữ Nôm là một nền văn tự thuộc loại hình khác xa những nền văn tự ghi theo từng âm, như chữ Quốc ngữ hiện nay. Chữ Nôm thuộc loại hình văn tự không bộc lộ rõ ràng và trực tiếp những diễn biến ngữ âm đã từng xẩy ra. Mở một cuốn từ điển quốc ngữ cổ như cuốn của A. de Rhodes in năm 1651 ta có thể thấy ngay những âm nào đã diễn biến, kể từ đó đến nay. Trái lại mở một văn bản Nôm viết vào cùng một giai đoạn đó, thì ta không dễ dàng gì có thể nêu ngay được những diến biến ngữ âm như vậy. Do tình hình như thế, các nhà nho của chúng ta trước đây hầu như không bao giờ để tâm đến những điều mà hiện nay chúng ta - lớp con cháu họ - lại rất băn khoăn. Mở truyện Kiều ra họ cứ tự nhiên theo thói quen mà đọc “Trăm năm trong cõi người ta”… hoàn toàn không lưu tâm gì đến việc TRĂM ghi bằng thanh phù (lăm), TRONG ghi bằng thanh phù (long). Cũng vậy, khi thấy GIà bằng (trà) SáU ghi rằng bằng (lão), họ vẫn cho đó là điều tự nhiên, không có gì đáng để đem ra bình luận. Thành thử, chỉ mãi đến gần đây, khi một số tri thức ngữ âm lịch sử được phổ biến thì những cách phiên quốc ngữ như blái (trái), blăng (=trăng) mới bắt đầu xuất hiện trong các văn bản in ra để phục vụ đông đảo bạn đọc.

Nhưng đến đây một vấn đề mới lại được đặt ra: lúc nào nên phiên là trái, trăng, lúc nào nên phiên là blái, blăng ?. Phiên trái, trăng là phiên theo cách đọc hiện nay, phiên blái, blăng là phiên theo cách đọc cổ. Cách đọc hiện nay là một cách đọc đang có mặt thực sự trong cuộc sống, một cách đọc ai cũng có thể kiểm tra nên không ai có thể dám hoài nghi; các cách đọc cổ trái lại, đều là những cách đọc đã mất. Hiện chỉ do giới ngữ âm lịch sử phục nguyên lại, tái lập lại, tính chính xác của chúng không bao giờ cũng có thể bảo đảm đúng một trăm phần trăm. Những lúc cần thiết, ngay giới ngữ âm lịch sử cũng phải dùng ký hiệu đặc biệt - ký hiệu cáo hình hoa thị - để báo hiệu cho người đọc biết rằng đây chỉ là những cách đọc giả định. Mặt khác, những cách đọc như trái, trăng, đều là những cách đọc đang nằm trong “bộ nhớ” của mọi người, nói chung đọc lên ai cũng hiểu được, những cách đọc như blái, blăng, trái lại đều là những cách đọc chỉ một số rất ít nhà nghiên cứu là có thể nhận diện được. Do những lẽ đó, khi phiên những bản Nôm cổ ra chữ Quốc ngữ để phục vụ đông đảo người đọc thì theo ý chúng tôi dứt khoát chỉ nên phiên theo âm hiện đại chứ không thể phiên theo những âm cổ do giới nghiên cứu tái lập. Làm ngược thế tức là bỏ đi những cách phiên chắc chắn, ai cũng hiểu được, đem thay bằng những cách phiên giả định ít ai hiểu được. Cứ thử tưởng tượng một câu như: “Tìm mai theo đạp bóng trăng” mà phiên nhất quán từ đầu đến cuối theo ngữ âm cổ, thành:

Xìm môi xeo tạp poóng blăng(2)

Thì người đọc sẽ phản ứng như thế nào ? cho nên không phải ngạc nhiên mà trước nay, thiên hướng chung bao giờ cũng là phiên theo hiện đại cả. ở Trung Quốc đối với chữ Hán trong các tác phẩm của quá khứ, người ta cũng làm như vậy: giới Hán ngữ học tuy đã có những thành tựu xuất sắc trong việc tái lập âm Hán trung cổ và thượng cổ, nhưng khi đứng trước Tứ thư, Ngũ kinh, Sở từ, Đường thi bao giờ người ta cũng đều đọc theo âm Bạch thoại cả. Tóm lại, những dạng như blái, blăng đều là những dạng cổ phục nguyên, được giới nghiên cứu đưa ra không phải để dùng trở lại vào trong cuộc sống hàng ngày, trong thưởng thức văn học, mà đưa ra chỉ để dùng trong địa hạt ngữ âm lịch sử, những khi bàn về các âm cổ Việt Nam, bàn về quá trình cấu tạo chữ Nôm, lịch sử diễn biến của chữ Nôm v.v…

Nhưng nói phải phiên theo âm hiện đại đó mới chỉ là nói về chủ trương chung. Đi vào chi tiết, ít nhất cũng cần phải tính đến mấy trường hợp cụ thể như sau:

- Trường hợp 1: một từ xưa có, nay còn giữ lại được và vẫn đọc như xưa.

- Trường hợp 2: một từ xưa có, nay còn giữ lại được, nhưng đã đọc khác xưa.

- Trường hợp 3: một từ xưa có, nay đã mất trong phạm vi ngôn ngữ toàn dân, nhưng còn giữ lại được ở một đôi thổ ngữ nào đấy .

- Trường hợp 4: một từ xưa có, nay đã mất hoàn toàn, không tìm được vết tích bất kỳ ở thổ ngữ nào.

Nếu đem tình hình trong cuốn từ điển A. de Rhodes in năm 1651 so với hiện nay, thì thuộc trường hợp 1 là những từ như một, hai, ngày, tháng, ăn,nói … thuộc trường hợp 2 là những từ như blăng (=trăng), blả (=trả), mlạt (=nhạt), mlời (=lời), tlon (= tron), tlước (=trước), bó ngựa (=vó ngựa) thuộc trường hợp 3 là những từ như khảm (=đủ, ở Bình Trị Thiên còn nói là khẳm); tláo (=nôi trẻ em, ở Vĩnh Phú còn nói là tróng, chóng); tlam (=hoa tai, ở Nghệ An còn nói là Trằm)…thuộc trường hợp 4 là những từ như Mắng (= nghe), nghỉ (=dễ, dễ dàng), cang la (= một loại thúng, giỏ) … tu rích (=một loại dao)…(3).

Ở trường hợp 1 và 2 thì khi phiên thành âm hiện đại không xẩy ra khó khăn gì. ở trường hợp 3 vấn đề chính là phải phát hiện cho ra phương ngữ hiện còn lưu giữ cách đọc ứng với chữ dùng trong văn bản Nôm cổ. Cách đọc đó là một cách đọc đáng tin cậy, vì đang được dùng trong một vùng, nhưng vì cách đọc đó khó hiểu đối với toàn dân, nên khi phiên ra Quốc ngữ cần có chú thích. Riêng ở trường hợp 4 thì chúng ta không tài nào có thể phiên ra âm hiện đại được bởi lẽ đây là trường hợp những từ đã chết, không truyền lại đến ngày nay. Cố nhiên, trường hợp này chúng ta không còn có con đường nào khác ngoài con đường cố gắng tìm cách phục nguyên lại âm đọc cổ thông qua việc vận dụng phương pháp lịch sử so sánh hay phương pháp văn bản học. Cách đọc tìm ra được không phải bao giờ cũng có độ đáng tin cậy như nhau. Nhưng dầu đáng tin cậy hay không đáng tin cậy, bao giờ những trường hợp này cũng đòi hỏi cần phải có chú thích.

II) Trong số các văn bản Nôm chúng ta hiện có, có văn bản thì được viết theo tiếng Bắc, cũng có văn bản thì lại được viết theo tiếng miền Trung hay miền Nam. Do đó khi phiên Nôm ra Quốc ngữ, cũng cần lưu ý đến vấn đề tiếng địa phương.

Căn cứ theo sự phân loại trong ngôn ngữ học, có thể chia thành hai trường hợp: trường hợp gọi là từ địa phương và trường hợp gọi là dạng phát âm địa phương, ví dụ về trường hợp từ địa phương: cươi(= sân) ở Nghệ An, mần (= làm) ở Huế, qua (= ta) ở Nam bộ; ví dụ về dạng phát âm địa phương, cũng đọc thành cụng ở Nghệ An, nhà đọc thành già ở Huế, sinh đọc thành sanh ở Nam bộ. ở chữ Nôm, những sự khác nhau này có khi được thể hiện ra ở chữ viết nhưng cũng có khi không. Thông thường tình hình chung là như sau:

Từ địa phương Dạng phát âm địa phương
Viết khác
Không viết khác
(1) có
(4) không
(2) có
(3) có

Điều này cũng dễ hiểu: sân và cươi, làm và mần, ta và qua đều là những cặp từ gồm hai từ không cùng nguồn gốc, có cách phát âm rất xa nhau, nên về mặt văn tự, chúng không thể không viết khác nhau, ở các cặp cũng - cụng, nhà - già, sinh - sanh thì trái lại: mỗi cặp vốn bắt nguồn từ một gốc chung. Sự xa cách trong mỗi cặp nhìn chung hiện vẫn chưa thật lớn. Do lẽ đó, ở chữ Nôm, các dạng phát âm địa phương thường viết chung một chữ: sanh ở miền Nam viết hoàn toàn như sinh ở miền Bắc, già ở Huế viết hoàn toàn như nhà ở Hà Nội… Nhưng chữ Nôm là một nền văn tự vốn chưa được điển chế hóa, ngay một từ trong cùng một địa phương, lắm khi cũng có rất nhiều cách viết khác nhau. Vì vậy cũng không ít trường hợp ta gặp những dạng phát âm địa phương viết khác hẳn dạng phát âm phổ thông. So sánh:

Từ phổ thông Cách ghi địa phương: Huế(4)
1 Đặt (như trong đặt bày) Đặc (như trong đặc biệt)
2 Bắc (như trong bắc thang) Bát (chữ nôm = thư + bát)
3 Lăn (như trong lăn lóc) Lăng (như trong xâm lăng)
4 Van (- than van) Vang (như trong hiển vang)
(vinh đọc thành vang)
5 Chăn (50 năm chẵn) Chẳng (Hán việt chửng, đọc Nôm chẳng)
6 Đáng (như trong đáng lễ) Đắn (như trong nguyên đán)
7 Kiêng (- kiêng sợ) Kiên (- kiên cường)
8 Sang (- sửa sang) San (nghĩa là dọn dẹp)
9 Từng (- từng trải) Tần (nghĩa là nhiều lần)
10 Dàng (- dễ dàng) Nhàn (như trong nhàn hạ)
11 Dàn (- dàn quân) Nhàn – nhàn hạ

Từ phổ thông Cách ghi địa phương: Nam Bộ(5)
1 Vùng (như trong vùng vẫy) Dùng (Hán Việt dụng đọc Nôm dùng)
2 Với ( - cùng với) Giới (như trong giới thiệu)
3 Cát (- bãi cát) Các (- những, các)
4 Mặc (- mặc áo) Mặt (- mặt mũi)
5 Càng (- càng …càng) Càn (- càn khôn)
6 Chính (- chính chuyên) Chín (- tám, chín)
7 Chun (- chunra) Chung (- chung kết)
8 Hay (nghĩa là biết) Hai (- một hai)
9 Tai (như trong tai mắt) Tay (- chân tay)
10 Sau (- sau trước) Sao (- sao vậy)
11 Chuyến (- chuyến đi) Chiến (- chiến đấu)

Có hiện tượng từ địa phương, dạng phát âm địa phương phản ảnh vào chữ viết như vậy, thì khi phiên ra Quốc ngữ, chúng ta nên phiên như thế nào? Đứng trước câu hỏi này, theo ý chúng tôi, trước hết cần phân tích sự khác nhau giữa ba trường hợp 1, 2, 3. Xét về mặt văn tự, như trên đã nói, 1, 2, đứng về một phía, đối lập hẳn với 8; đứng về mặt ngôn ngữ thì 2, 3 lại đứng về một phía, đối lập hẳn với 1. Khi phiên ra Quốc ngữ, chúng ta không thể không tôn trọng ý muốn của tác giả đã thể hiện ra ở chữ viết, chúng ta không có quyền làm người hiệu đính chữa các từ địa phương tác giả đã dùng ra thành từ phổ thông: ở trường hợp 1, dứt khoát chúng ta phải bám sát chữ viết để phiên. Nói một cách cụ thể, những từ như xuê, va, sui gia, Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng trong văn bản Nôm thì ta không thể không đưa vào trong bản Quốc ngữ. ở trường hợp 3 tình hình hoàn toàn ngược lại. Đứng trước câu:

Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le

Chúng tôi nghĩ cứ nên phiên “nhân” chứ không phiên “nhơn” theo cách đọc Nam bộ. Phiên như vậy không phải là không tôn trọng nguyên bản của tác giả, bởi lẽ ngay bản thân tác giả lắm khi cũg đã chấp nhận cách phát âm phổ thông. Ví dụ:

Lão tiền liền bước lại gần
Thiệt là một gã văn nhân mắc nần.

Hơn nữa Nguyễn Đình Chiểu vốn viết bằng chữ Nôm. Mà trong văn bản Nôm, dầu có đọc nhơn, thì nhơn vẫn viết thống nhất như nhân trong toàn quốc: Vậy phiên nhân không có gì là sai trái. ở trường hợp 2 ta có tình hình trung gian giữa 1 và 3: bám sát chữ viết thì ta sẽ phiên như ở 1, tôn trọng ngôn ngữ thì ta sẽ phiên như ở 3, chúng tôi nghiêng về hướng thứ hai. Nghiêng về hướng này tuy không bám sát chữ viết (hiểu theo nghĩa hẹp) nhưng vẫn là tôn trọng nguyên tắc của nền văn tự Nôm, nói chung. ở nhiều văn bản khác, chúng ta đã chấp nhận có thể đọc bay khi có thanh phù bi cũng như khi có thanh phù bái, phi, thì ở đây cũng không có gì ngăn cản chúng ta, không cho phép chúng ta có thể đọc đặt khi có thanh phù đặc cũng như khi có thanh phù đạt, hoặc có thể đọc với khi có thành phù giới cũng như khi có thanh phù bối.

Chúng tôi không có ý định phổ thông hóa trong mọi trường hợp . Các tác giả sáng tác ở địa phương mà có sử dụng một số biến thể dạng phát âm địa phương, đó là một điều tự nhiên, dễ hiểu. Giữ lại một số dạng phát âm địa phương ở những chỗ thật cần thiết (như những chỗ cần cần gieo vần chẳng hạn), đó là một giải pháp đúng đắn, không ai chối cãi. Ví dụ:

Làm trai trong cõi người ta
Trước lo báo bổ sau là hiển vang
Tôn sư khi ấy luận bàn(6)

Giữ lại với một tỷ lệ như vậy cũng hay, vì đó cũng là một cách để giữ sắc thái địa phương cho tác phẩm. Nhưng nhìn chung, thì hai trường hợp 2, 3 đều nên phiên theo cách đọc toàn quốc cả. Chúng ta không nên quên rằng những tác giả như Nguyễn Đình Chiểu đều là những tác giả của toàn dân. Lục Vân Tiên là một tác phẩm của toàn dân. Giữ lại quá nhiều cách phát âm địa phương, giữ ở những chỗ hoàn toàn không cần thiết chỉ làm hại tác giả, tác phẩm, hạ thấp vai trò và tác dụng của tác giả, tác phẩm đối với toàn quốc. Đó là chưa kể một điều: quá trình thống nhất ngôn ngữ càng ngày càng cách lý mà càng ngày càng xích lại gần ngôn ngữ phổ thông của toàn quốc. Kiến nghị phiên trường hợp 2, 3 ra chữ Quốc ngữ theo hướng như trên chính cũng là đón trước cái xu thế chung đó của người đọc ở Huế và Nam bộ, và tích cực góp phần thúc đẩy cho cái xu thế đó.

III) Trên đây, ở mục I, khi bàn đến chủ trương phiên theo âm hiện đại, chúng tôi có đề cập đến hai trường hợp 3 và 4, trường hợp một từ xưa có, nay đã mất trong phạm vi ngôn ngữ toàn dân, chỉ may mắn còn được giữ lại ở một đôi thổ ngữ nào đấy và trường hợp này đã mất hoàn toàn không còn lưu lại vết tích gì trong tiếng Việt hiện đại. Hai trường hợp này chính là hai trường hợp thường gây ra nhiều khó khăn nhất khi đọc các văn bản Nôm cổ. Vì vậy cũng nên thảo luận thêm về hai trường hợp này, để tìm cách khắc phục dần các khó khăn.

Như trên đã nói, đây là trường hợp những từ cổ đã chết, chết hoàn toàn hoặc hầu như hoàn toàn. Những từ này dứt khoát không thể nào còn nằm ở trong bộ nhớ của tuyệt đại đa số hay của toàn thể cộng đồng người Việt chúng ta nữa. Đứng trước những từ như vậy mà cứ ngồi bóp trán suy nghĩ cố gắng tìm ra cho được một cách đọc sao cho có vẻ ổn thỏa, hiểu được - như trước nay nhiều người chúng ta quen làm - thì rõ ràng đó là làm một việc làm không thể nào đưa đến kết quả. Có kết quả làm sao được, khi cứ cố gắng đi tìm ở trong trí óc một cái vốn không còn có ở trong trí óc nữa; cho nên vấn đề của chúng ta ở đây phải là “biết mình không biết” để rồi cố gắng vạch ra được những bước đi chắn chắn, dẫn chúng ta dần dần tiến đến chỗ tìm ra được cái không biết đó. Theo ý chúng tôi có thể tạm chia thành ra ba bước, và ba bước đó như sau:

Bước 1: kiểm tra cách viết: Như mọi người đều biết, tình hình bảo quản văn bản thường có ảnh hưởng lớn đến việc đọc, việc phiên. Vì vậy, tốt nhất là nên mở đầu bằng việc kiểm tra, xét xem có chắc là ký hiệu văn tự được chép đúng, in đúng hay chép sai, in sai. Trong thực tế của công tác đọc Nôm, cả hai khả năng đó đều đã từng được gặp. Vì vậy, trên nguyên tắc, không thể gạt bỏ một khả năng nào. Nếu cho là đúng thì có thể bắt tay đi ngay vào việc khảo sát mặt âm, mặt nghĩa, mặt ngữ pháp. Nếu cho là sai, thì việc trước tiên lại phải cân nhắc biện luận, tìm mọi cách để quay trở lại cho được cái cách viết đúng đáng lý phải có… Cố nhiên, xét trên toàn bộ văn bản, thì xưa nay tỷ lệ những chữ viết đúng bao giờ cũng nhiều hơn hẳn tỷ lệ những chữ viết sai. Vì vậy, cũng nên tránh khuynh hướng sẽ gặp một trường hợp phức tạp, khó đọc nào là cũng đã vội nghĩ ngay đến chuyện chép sai, in sai.

Bước 2: Lập danh sách các khả năng đọc có thể chấp nhận được về mặt lý thuyết. Sau khi đã biết chắc chúng ta có trong tay những ký hiệu chép đúng, in đúng thì có thể bắt đầu ngay vào việc khảo sát mặt âm. Đi vào mặt này thì việc chủ yếu là phải nghiên cứu các thanh phù.

Dựa vào phụ âm đầu và vần của thanh phù trước hết nên vạch ra một sanh sách tối đa, gồm tất cả khả năng đọc của chữ. Ví dụ gặp một thanh phù như (liêu) chẳng hạn chúng ta thấy.

- Với phụ âm đầu “1”, có thể có 12 khả năng đọc L, R, TR, S, GI, CH, D, X, PH, T, TH, N.

- Với vần “iếu” có thể có 8 khả năng đọc: EO, EU, IEU, IU, AO, AU, ƯƠU:

- Như vậy tối đa chúng ta có đến 12 x 8 = 96 cách đọc để chọn lựa. Mà đó là chưa kể đến thanh điệu.

Danh sách tối đa tuy lớn, nhưng lại có thể chia thành nhiều loại có xác suất xuất hiện không đồng đều nhau. Chẳng hạn: Trong 12 khả năng đọc phụ âm đầu và 8 khả năng đọc bộ phận vần, trên đây ta thấy hay gặp nhất là các khả năng L, R, TR, S, EO, ÊU, IÊU, IU, còn ít có thể nhất là các khả năng T, TU, N, AU, ÂU, ƯƠU. Như vậy, có thể xếp LEO, LÊU, LIÊU, LIU, REO, RÊU, RIÊU, RIU; TREO, TRÊU, TRIÊU, TRIU, SEO, SÊU, SIÊU, SIU thành một loại, xếp TAU, TÂU, TƯƠI; THAU, THÂU, THƯƠU, NAU, NÂU, NƯƠU thành một loại thứ hai và xếp những trường hợp còn lại thành một loại thứ ba. Trong nghiên cứu không nên có định kiến trước, coi trọng một loại nào, vì lắm khi thực tế có thể đưa chúng ta đến những cái hết sức bất ngờ. Nhưng dầu sao, tiến hành được một sự sắp xếp các khả năng dọc theothứ tự, đi từ trường hợp có xác suất xuất hiện cao nhất đến trường hợp có xác suất xuất hiện thấp nhất cũng là một việc làm rất hữu ích(7).

Bước 3: Phân tích văn cảnh để chọn cách đọc tối ưu. Xuất phát từ danh sách tối đa trên đây, nhiệm vụ của chúng ta là phải đi đến chõ cuối cùng chỉ cọn lấy một cách đọc, và chỉ một mà thôi. Cách đọc tối ưu đó phải là cách đọc phù hợp nhất so với mọi yêu cầu của văn cảnh.

- Yêu cầu về mặt bằng trắc, về mặt vần, nếu đó là từ nằm ở vị trí có đối, có gieo vần.

- Yêu cầu về mặt ngữ pháp, về mặt từ loại, về mặt chức vụ cú pháp, về mặt khả năng kết hợp…

- Cũng như yêu cầu về mặt ngữ nghĩa, về mặt văn phong.

Công việc chủ yếu trong bước 3, như đã thấy là công việc khảo sát các yêu cầu này. Nhưng đây lại là một việc làm hàng ngày, rất quen thuộc đối với giới nghiên cứu chữ Nôm, cho nên thiết nghĩ cũng không có gì cần phải bình luận nhiều. Đáng nhắc lại chăng, theo ý chúng tôi, chỉ là mấy điểm nhỏ sau đây được rút ra từ kinh nghiệm của nhiều cuộc tranh luận.

Điểm 1: Không nên chia một cách quá tách bạch các mặt ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Tạm chia ra ba mặt chỉ là để tiện cho việc trình bày. Thực ra, trong quá trình đọc Nôm, phiên Nôm, các mặt đó thường xoắn xuýt lấy nhau, khi nghĩ đến mặt này cũng không thể nào hoàn toàn tách rời hẳn với việc nghĩ đến mặt kia.Một lần, đọc bia Sùng thiện bi ký đời Trần (1331) chính trong quá trình phân tích ngữ pháp, xét đặc điểm cấu tạo tên riêng người Việt, thấy tên Phạm thị Ma Lôi quá khác với các tên Phạm Thị Ban, Nguyễn Thị Mão gần đó nên chúng tôi đã đi đến giả thuyết coi Ma Lôi chỉ là một âm tiết có ML ở đầu. Như vậy, là kiến nghị về ngữ âm nhưng lại xuất phát từ ngữ pháp.

Điểm 2: Bước khảo sát ngữ pháp, ngữ nghĩa, nên đặc biệt coi trọng việc tra cứu các tài liệu cổ: từ điển A. de Rhodes, cách dịch trong Truyền kỳ mạn lục giải âm, các tài liệu Quốc ngữ thế kỷ 17. Nhiều sai sót đáng tiếc trước đây như việc không biết nghĩa của từ mắng(=nghe) và đọc lầm thành mảng (trong tượng mảng, mảng nghe); việc không biết nghĩa cổ của từ nghĩ (=dễ) và giải thích sai bốn câu trong bài tựa cuốn Chỉ nam ngọc âm.

Vốn xưa làm Nôm xe chữ kép
Người mới học khôn biết khôn xem
Bây giờ Nôm dạy chữ đơn
Cho người mới học nghĩ xem nghỉ nhuần

hoặc không biết xưa từ đá có dạng song tiết là đá (= hòn đá) nên giải thích sai câu thơ Nguyễn Trãi:

Dẫu người đi là đá mòn

v.v…đều bắt nguồn từ chỗ không tra cứu các từ điển cổ cả…

Điểm 3: Nói đến việc nghiên cứu văn cảnh, không nên chỉ bó hẹp trong việc khảo sát các mặt chỉ liên quan đơn thuần đến cấu trúc bên trong của ngôn ngữ. Phải nghĩ đến cả nhiều mặt khác, có thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sự ra đời của văn bản hay đến các đặc điểm thì không thể nhận diện được những trường hợp nhưthuấn nhà đa (=sunyât)(8), viết vô (= vít vô). y.ca lê gia (= église)… Không nghĩ đến xuất xứ của tác phẩm (tác phẩm viết ở Nam Bộ) thì cũng khó lòng đọc ngay được những từ như vùng (ghi bằng chữdụng) với (ghi bằng chữ giới) hoặc chun/ra/ (ghi bằng chữ chung)… có một số chữ, trong những trường hợp đặc biệt, có thể cho phép chúng ta đọc hai cách hầu như tương đương, đọc vụ hay đọc mùa, đọc phòng hay đọc buồng… Không nghĩ đến phong cách chung chi phối toàn văn bản (phong cách hơi bác học hay phong cách hơi dân dã) thì những trường hợp này cũng khó lòng đoán định được nên ngả về cách đọc nào…


**

Trên đây là một số suy nghĩ của chúng tôi, xung quanh vấn đề phương hướng đọc Nôm, phiên Nôm, rút ra từ thực tế một số cuộc tranh luận. Nhưng đó cũng chỉ mới là một số suy nghĩa bước đầu. Công tác đọc Nôm, phiên Nôm là một công tác hết sức phức tạp, nhất là khi đi sâu vào chi tiết của từng trường hợp cụ thể. Nhiều vấn đề mới đang được đặt ra. Nhiều vấn đề cũ đang còn treo lại chưa được giải quyết ngã ngũ. Đứng trước tình hình đó, theo ý chúng tôi, chỉ có dựa vào trí tuệ tập thể, mỗi người theo dõi, suy nghĩ về một vài khía cạnh, thì mới mong một ngày gần đây, có thể dần dần đúc kết lại được, đề lên thành một số bài học kinh nghiệm về phương hướng và phương pháp.

CHÚ THÍCH

(1) Công tác đọc các văn bản Nôm cổ để tìm hiểu nội dung của chung.

(2) Xìm môi xeo tạp poóng plăng là cách phục nguyên của ông Nguyễn Bạt Tuỵ

(3) Về những phát hiện như nghỉ, cang la, tu rích, xin xem thêm Trần Xuân Ngọc Lan - Sơ bộ khảo sát quyển từ điển Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, tóm tắt luận án phó tiến sĩ, Hà Nội. 1982.

(4) Những dẫn chứng về chữ Nôm ở Huế này đều rút từ cuốn Việt sử diễn nghĩa. Xin xem bài “Việt sử diễn nghĩa một bộ diễn ca dáng chú ý’ của Phan Hứa Thuỵ, Tạp chí Văn học số 4, 1983.

(5) Những dẫn chứng về chữ Nôm Nam bộ này đều do cụ Vũ Văn Kính trình bày trong bản báo cáo khoa học “Sơ lược về chữ Nôm Nam bộ”

(6) Xin xem thêm bài: Một số ý kiến về vấn đề sắc thái ngôn ngữ địa phương và văn bản Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu (Hoàng Dũng, tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1982).

(7) Việc tính toán số lượng khả năng đọc và xác suất xuất hiện của mỗi khả năng đọc “phải được đặt cơ sở trên số liệu thống kê các tiền lệ đã phát hiện được”. Những con số chúng tôi nêu trên đây đều căn cứ vào kết quả thống kê hiện có.

(8) Trường hợp thuấn nhã đa (=sunyata) nêu trên đây chúng tôi đã được trong một bản báo cáo khoa học có nhan đề là “Nguyễn Trãi và những âm phù của phụ âm đầu kép trong chữ Nôm” của ông Lê Hữu Mục. Tác giả đã có nhã ý gửi cho chúng tôi xem. Nhân đây chúng tôi xin thành thực cảm ơn tác giả.

NGHIÊN CỨU HÁN NÔM SỐ 1 NĂM 1985

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020