Hán nôm

MẤY SUY NGHĨ VỀ VIỆC PHIÊN ÂM CHÚ GIẢI TỪ CỔ TRONG VĂN BẢN NÔM


15-10-2020
Tác giả: Nguyễn Tá Nhí

Văn bản Nôm là nơi giữ lại được khá nhiều từ cổ mà ngày nay không thấy hoặc ít thấy sử dụng. Đọc đúng âm, hiểu đúng nghĩa những từ này là việc làm rất cần thiết. Nó không chỉ giúp cho người đọc hiểu chính xác nội dung của những tác phẩm văn học cổ điển, mà còn cung cấp nhiều cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Từ nhiều năm nay, các nhà khảo cứu, phiên âm, chú giải, họ đã dụng công tìm tòi tra cứu các loại từ điển, đối chiếu so sánh với các văn bản Nôm khác, tham khảo tư liệu trong tiếng địa phương hoặc tiếng dân tộc ít người. Có trường hợp đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu ở các bộ môn khoa học khác nhau, chẳng hạn như việc xác định âm đọc và nghĩa của các từ: song viết, la đá, thon von, nghĩ, mỗ, ốc, cóc v.v…(1)

Tất cả những công trình nghiên cứu thuộc loại này, từ các góc độ khác nhau, đã nêu ra một số phương hướng chung, biện pháp chung để giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả hơn. Và đã có tác dụng tích cực, giúp cho các bản phiên âm, chú giải văn bản Nôm gần đây đạt được kết quả đáng kể. Thế nhưng đây đó, trong một số bản phiên âm vẫn thấy có trường hợp xử lý chưa thoả đáng, âm đọc và ý nghĩa của từ chưa được xác định chuẩn xác. Tại sao còn có hiện tượng này? Sau khi tham khảo một số bản phiên âm(2), chúng tôi suy nghĩ và thử phân tích một số nguyên nhân đã làm hạn chế kết quả phiên âm đó.

I – Thay thế từ cổ bằng một từ mới.

Những từ cổ này hầu như hoàn toàn vắng mặt trong kho từ vựng tiếng Việt hiện đại. Nhiều trường hợp ngay cả trong một số phương ngữ còn bảo tồn được nhiều từ cổ, cũng khó lần ra dấu vết của nó. Do vậy, khi thấy nó xuất hiện trong văn bản Nôm, người ta thường lầm lẫn nó với một từ đang được thông dụng. Chẳng hạn như:

1) Lung lăng

Ví có anh hùng duyên định mấy
Thì chi Đông Hán dám lung lăng
Hồng Đức Quốc âm thi tập(3) – Triệu ẩu

Từ “lung lăng” trong văn bản Nôm viết là 籠  . Bản Hồng Đức lại phiên âm là “hung hăng”.

Xét về ý nghĩa câu thơ, thì từ “hung hăng” quả cũng phù hợp với tính cách của bọn giặc Đông Hán. Thế nhưng tìm hiểu cấu tạo chữ Nôm, chúng tôi thấy hai chữ Nôm trên phiên âm là “hung hăng” chưa thật thoả đáng. Trong chữ Nôm thường thấy dùng từ Hán Việt có phụ âm đầu L để ghi từ Nôm có phụ âm đầu I, r, s…, không thấy ghi phụ âm h. Do vậy, trường hợp này nên đọc là “lung lăng”. Trong một số cuốn Từ điển cổ còn ghi được từ này, chẳng hạn Từ điển Việt Pháp của Génibrel giải thích từ “lung lăng” với nghĩa là “dữ tợn, bừa bãi”

Riêng từ “lung” lại có khả năng kết hợp với từ khác mà vẫn biểu thị nghĩa “dữ tợn, bừa bãi”, ví dụ các từ “kiêu lung”, “lung dữ”.

Lưu rằng chim lưới cá chài
Bài quân chi tướng còn lời kiêu lung
Truyện lưu nữ tướng

Lung dữ giết người hơn người Dương Tể nhà Đường
Truyền kỳ mạn lục giải âm

Do vậy, hiểu “lung lăng” là một từ cổ với nghĩa là “dữ tợn, bừa bãi” vừa đúng với mặt Nôm, vừa kết hợp với nghĩa của câu thơ hơn.

2) Bá

Tri chỉ đành hay quân tử chí
Gương trong chẳng bá chút trần xâm
Lịch triều tạp kỷ

Chữ Nôm ở nguyên bản viết là 播, sách Lịch triều tạp kỷ(4) phiên âm là “bợn”.

Xét về cấu tạo chữ Nôm, từ Nôm có vần “ơn”, thường được mượn từ Hán Việt có vần an, ân để ghi. Do vậy, đây có lẽ là một từ Việt cổ, từ này được sử dụng nhiều trong các văn bản Nôm khác, ví dụ:

Bụi đen chẳng bá chín giang sơn ấy.
Truyền kỳ mạn lục giải âm <

Con ngựa thì chín danh là mã,

Lị sang nhân chớ bá lâng lâng.
Thực vật bản thảo

Thạch yến nay vốn dòng cá đá, 
Khí phong lam nảo bá chút phân.
Thực vật bản thảo

Trong Thực vật bản thảo, từ “bá” dùng để gieo vần với các từ “mã”, “đá”, cho ta thấy nó không thể đọc là “bợn” được.

Ngoài ra, “bá” còn kết hợp với từ khác tạo từ ra mới, vẫn mang theo nghĩa này. Ví dụ như từ “bá men”:

Quen hiềm dan díu điều làm bạn,
Lặng kẻo lân la nổi bá men.
Bạch vân quốc ngữ thi(5), Bài 5.

Vậy nên non nước cùng thì, 
Mảy đường danh lợi chẳng hề há men.
Sô nghiêu đối thoại.

Vậy chúng ta cố gắng tìm tòi thêm để hiểu nghĩa vốn có của từ Việt cổ này là gì, nhưng có lẽ không phải là “bợn” như Lịch triều tạp kỷđã phiên âm.

II - ảnh hưởng của chữ Hán mượn làm chữ nôm:

Có khi do hoàn cảnh ngôn ngữ khó xác định chuẩn xác ý nghĩa của từ, người đọc lại dựa ngay vào chính từ Hán Việt đó để xác định ý nghĩa. Ví dụ như:

1) Kham hạ

Kham hạ Nghiêm Quang từ chẳng đến 
Đồng Giang được nấn một đài câu.
Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập(6) Bài 153.

Kham hạ Trương Lương chăng chứng ở,
Tìm tiên để nạp ấn phong hầu.
Nguyễn Trãi QÂ TT, Bài 162.

Bản Nguyễn Trãi I giải thích là “đánh khâm phục, đáng khen”. Bản Nguyễn Trãi II giải thích là “chịu ở dưới, chịu thua”. Bản Nguyễn Trãi III, giải thích là “chịu ở dưới, chịu ở địa vị thấp kém”.

Kham hạ điều canh còn để đợi
Kẻo còn đào mận những thày lay
Hồng Đức QÂTT, Tảo Mai

Phong quang dường ấy vui dường ấy,
Kham hạ Nghiêm Quang nức tiếng khen
Hồng Đức QÂTT, Hoa viên cảnh

Bản Hồng Đức giải thích là “cũng như nói, chả trách nào, hay: xứng đáng là”.

Kham hạ hiền xưa từ Hán lộc,
Cốc thành náu ẩn Xích Tùng chơi.
BVQNT, Bài 21.

Kham hạ thế lời còn để,
Khéo thì khó nhọc vụng phong lưu.
BVQNT, Bài 125.

Kham hạ thánh nhân còn dõi để,
Xảo ngôn hai chữ chép dòng dòng.
BVQNT, Bài 127.

Kham hạ Nghiêm Quang từ tước Hán,
Tam cong khứng đổi một cần câu.
BVQNT, Bài 166.

Bản Bạch Vân giải thích là “chịu thua”. Xét nghĩa của từ Hán Việt “kham hạ”, chúng tôi thấy, từ “kham” mang nghĩa là “có thể”, từ “hạ” mang nghĩa là “dưới”. Do vậy, có thể thấy được các cách giải thích là “chịu ở dưới”m “chịu thua”, “chịu ở địa vị thấp kém”, đều là không vượt ra khỏi sự ràng buộc của nghĩa Hán Việt của từ đó.

Tra cứu trong các văn bản Nôm khác, chúng tôi thấy từ “kham” còn có khả năng kết hợp với từ nghi ván “chị, nào’ để biểu thị ngữ nghi vấn khẳng định, nghĩa giống như các từ “hèn chi”, “hèn nào”. Ví dụ:

Cảnh tình nhìn vẻ khác thường,
Kham chi Lưu Nguyễn tưởng đường Thiên Thai.
Truyện Lưu nữ tướng.

Trăm nghìn thương nhớ nghìn phần tiếc.
Thục đế kham nào hoá tử qui.
Hồng Đức QÂTT, Thuyền vu thám thính.

Từ “kham” lại có thể kết hợp với từ “hèn”, tạo ra từ “kham hèn”, cũng vẫn biểu thị nghĩa “hèn nào”, ví dụ:

Kham hèn(7) luận ác, dâm vi thủ,
Ghỉn cho hay chẳng phải chơi.
BVQNT, Bài 155.

Từ điển Việt Pháp của Génibrel lại ghi được từ “kham hèn chi” với nghĩa là “Bởi đó cho nên” (C’est pourquoi).

Kham và hèn ngoài khả năng kết hợp với từ nghi vấn “chị, nào” để biểu thị ngữ khí nghi vấn khẳng định, còn có khả năng kết hợp với nhau tạo thành từ mới vẫn biểu thị ý nghĩa này. ở đây chúng tôi dự đoán là “kham hạ” có mối liên hệ mật thiết với các từ “kham hèn”, “kham chi”, “kham nào”, rất có thể là từ “kham hạ” xuất hiện sớm hơn.

Trở lại với các ví dụ nêu trên trong ba tác phẩm Nguyễn Trãi QÂTT, Hồng Đức QÂTT, BVQNT, chúng tôi thấy từ “kham hạ” được biểu hiện là “vì vậy, cho nên” rất phù hợp với nghĩa của các câu thợ. Qua đó có thể hình dung quá trình diễn biến của nhóm từ đó là: kham hạ, kham chi, kham nào, kham hèn, kham hèn chi, hèn chi, hèn nào …

2) Thon von

Văn này ngâm thể mỗ thon von,
Trương hải hay khao thiết thạch mòn.
Nguyễn Trãi QÂTT, Bài 49.

Nguyên bản chữ Nôm viết là thôn viên, Bản Nguyễn Trãi I phiên âm là “thôn viên”, giải thích là “người thôn quê,” nghĩa là giải thích bằng ngay nghĩa của từ Hán Việt đó.

Thực ra, như tôi đã từng chứng minh(8), đây là một từ cổ có âm đọc là “thon von”, được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm văn học từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, như Hồng Đức QÂ TT, BVQNT, Thiên nam ngữ lục, Tứ thư ước giải, Thi kinh giải âm, Chu dịch quốc âm ca, Truyện chàng Lýa, Lục Vân Tiên.

Trong các trường hợp này, “thon von” thường được dùng để miêu tả một xã hội, một chế độ hoặc thân phận của một con người đang suy thoái tàn lụi. Đặc biệt, trong Tứ thư ước giải và Thi kinh giải âm, “thon von” được dùng để giải thích từ Hán Việt “suy” (tàn lụi), và “vi” (yếu kém).

III. Có một số từ bản thân nó vẫn tồn tại, song phạm vi ngữ nghĩa ít nhiều có biến động.

Nghĩa là một trong những nghĩa thông dụng trước đây, ngày nay đã không được sử dụng hoặc ít được sử dụng. Gặp các trường hợp này người đọc thường dễ bỏ qua nghĩa cổ của nó, mà lại đi uốn nắn các từ xuất hiện ở gần nó cho phù hợp với nghĩa hiện tại của từ ấy. Ví dụ:

1) Then thuyền

Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then.
Nguyễn Trãi QÂ TT, Bài 69

Bản Nguyễn Trãi I, phiên âm là “với then”, giải thích là “đầy then thuyền, khoang thuyền”. Bản Nguyễn Trãi II, phiên âm là “vạy then”, giải thích “tức là chở nặng quá làm then thuyền vạy đi, oằn xuống”.

Vạy then phong nguyệt mùa mùa đủ,
No miếng ngư hà bữa bữa thừa.
Hồng Đức QÂTT, Sở hành hồng liễu nhất ngữ chu.

Bản Hồng Đức phiên là “với then”, giải thích là ‘đầy thuyền”

Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then.
BVQNT, Bài 126

Bản Bạch Vân phiên âm là “với then”, giải thích là “nặng đầy khoang thuyền, then thuyền, chữ “với” ý nói đầy lên đến nóc khoang, cao hết then thuyền”.

Các bản phiên âm đều nói đến “then thuyền”, song không thấy giải thích rõ “then thuyền” là bộ phận nào của chiếc thuyền, nằm ở vị trí nào trong thuyền? Theo cách lý giải “với then” là “đầy thuyền”, “đầy khoang, thuyền cao hết then thuyền”, chúng ta có thể hình dung được dường như các văn bản phiên âm đều cho rằng “then thuyền” là bộ phận nằm ở trên cao ao với đáy thuyền, hàng hoá chất vào thuyền phải có số lượng nhiều mới “cao hết then thuyền được”.

Thực ra, then thuyền là thanh gỗ đặt ngang thân thuyền dùng để đỡ ván thuyền. Trong cuốn Từ điển tiếng Việt(9) có ghi từ này:

“Then: Tấm gỗ dài bắc ngang từ hông thuyền bên này sang hông thuyền bên kia”. Như vậy then thuyền là bộ phận nằm ngay ở đáy thuyền, lướt ván ngoài chắn nước, lướt ván trong đỡ hàng, đều ép vào then thuyền. Do đó hàng hoá chứa trong thuyền, bất kể nhiều hay ít đều đã chạm vào then thuyền không cần thiết phải nhiều lắm mới “với” tới then thuyền. Đây là lối nói cách điệu trong văn thơ cổ. Gió trăng (phong nguyệt) và ráng khói (yên hà) vốn không phải là thứ mà thuyền có thể đựng được, nhưng lại được các thi sĩ tưởng tượng là chứa vào đầy thuyền, nhiều đến nỗi làm cong cả then thuyền.

Hiểu then thuyền là “Tấm gỗ bắc ngang từ hông thuyền bên này sang hông thuyền bên kia”, rất phù hợp với nghĩa của câu thơ, song có điều là ngày nay để chỉ bộ phận này của con thuyền, người ta không dùng từ “then”, mà thay bằng từ “thanh dầm”, hoặc “thanh xà”.

2) Khỏi

Chúa đàn nẻo khỏi tan con nghé,
Hòn đất hầu lầm mất cái chim.
Nguyễn Trãi QÂTT, Bài 150

Bản Nguyễn Trãi I xếp vào mục tồn nghi, tạm đưa ra cách lý giải có liên quan đến thành ngữ ‘xảy đàn tan nghé”. Bản Nguyễn Trãi II cũng giải thích là lấy từ câu thành ngữ “xảy đàn tan nghé”.

Đúng là câu thơ này có liên quan đến thành ngữ “xảy đàn tan nghé”, nhưng từ “khỏi” ở đây phải hiểu như thế nào cho hợp với nghĩa này. Cuốn Từ điển tiếng Việt(10) ghi từ “khỏi” có ba nghĩa: “hết đau ốm; tránh được; không phải” Đem vận dụng ba nghĩa này vào câu thơ, thấy đều không thích hợp. Con trâu đầu đàn dù có “hết đau ốm”, có “tránh được” tai nạn gì, có “không phải’ làm việc gì, thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc con nghé phải tan đàn cả. Vấn đề ở đây là từ “khỏi” còn một nghĩa cổ, mà ngày nay không được sử dụng nữa, nên các bộ Từ điển mới không đưa vào. Đó là nghĩa “lìa xa, tách ra” chỉ thấy xuất hiện trong các văn bản Nôm cổ, ví dụ:

Đem về tam phủ đêm ngày,
Giấc nâng chốc chẳng khỏi tay mỗ giờ.
Thiên Nam ngữ lục

Đây là đoạn miêu tả vua Trần Dụ Tông say mê vợ người hát trò, không có phút nào có thể “lìa xa” được.

Chẳng nỡ một chóc khỏi nhau
(Nguyên bản chữ Hán: Bất nhẫn tạm xả)
Truyền kỳ mạn lục giải âm

Từ “khỏi” được dùng để giải nghĩa từ Hán Việt “xả” (lìa xa)

Rõ ràng là từ “khỏi” còn có một nghĩa là “lìa xa, tách ra”, chỉ một vật thể này xa cách một vật thể khác với một khoảng cách về không gian, rất có thể đây là nghĩa gốc của nó. Trở lại với câu thơ trong Nguyễn Trãi QÂTT, nếu hiểu “khỏi’ với nghĩa là “lìa xa, tách ra’, thì câu thơ trở nên rất dễ hiểu. Một khi con trâu đầu đàn lìa xa, thì câu thơ trở nên rất dễ hiểu. Một khi con trâu đầu đàn lìa xa thì đàn nghé mất chỗ dựa nên phải tan tác.

Trên đây là một vài suy nghĩ, tìm hiểu, phân tích nguyên nhân đưa đến việc xác định chưa chuẩn xác âm đọc của một số từ cổ. Phiên âm, chú giải từ cổ là một việc làm khó khăn phức tạp, những ý kiến trên đây chưa chắc đã thoả đáng, chúng tôi mong được các bạn đồng nghiệp trao đổi thêm.

CHÚ THÍCH

(1) Xem thêm Đỗ Văn Hỷ: Góp phần giải quyết những tồn nghi trong Quóc âm thi tập, Tạp chí Văn học, số 6, 1967; Nguyễn Tài Cẩn: Thử tìm hiểu cách đọc Nôm hai chữ song viết, Tạp chí Văn học, số 2, 1974; Đinh Gia Khánh: Tìm hiểu về từ “nghĩ” trong ngôn ngữ cổ, Ngôn ngữ , số 4, 1978...

(2) Các bản phiên âm là:

- Nguyễn Trãi quốc âm thi tập, Trần Văn Giáp và Phạm Trong Điều phiên âm chú giải, Nxb Văn Sử Địa, 1956, gọi tắt là: Bản Nguyễn Trãi I;

- Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh phiên âm chú giải phần thơ Nôm, Nxb KHXH, 1976, gọi tắt là: Bản nguyễn Trãi II;

Thơ văn Nguyễn Trãi (tuyển) Lê Hiệu và Kiều Thu Hoạch phiên chú thơ Nôm, Nxb Văn học, 1982, gọi tắt là Bản Nguyễn Trãi III;

- Hồng Đức Quốc âm thi tập, Phạm Trọng Điềm và Bùi Văn Nguyên phiên chú, Nxb Văn học, 1982, gọi tắt: Bản Hồng Đức;

Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Như Sơn phiên chú phần thơ Nôm, Nxb Văn học, 1983, gọi tắt: Bản Bạch Vân.

(3) Từ đây trở xuống xin viết tắt là Hồng Đức QÂ TT.

(4) Lịch triều tạp kỷ, Bản dịch của Hoa Bằng, Nxb KHXH, Hà Nội, 1975.

(5) Từ đây trở xuống xin viết tắt là: BVQNT

(6) Từ đây trở xuống xin viết tắt là: Nguyễn Trãi QÂ TT.

(7) Nội dung bài thơ khuyên răn người ta không nên đam mê sắc dục, và đi đến kết luận: “vì thế nên khi luận tội, thì tội dâm dục đáng xếp hàng đầu”. Trường hợp này, Bản Bạch Vân phiên âm là “kham hiền”, giải thích là “đáng khen là hiền”. Đây cũng là trường hợp khi giải thích nghĩa từ, người chú giải còn bị ảnh hưởng bởi nghĩa chữ Hán được mượn làm chữ Nôm.

(8) Xem bài viết của Nguyễn Tá Nhí: Trả lại cho Nguyễn Đình Chiểu nghĩa đúng của từ “thon von”, Kỷ yếu hội nghị Nguyễn Đình Chiểu,Ty Văn hóa Bến Tre, 1984.

(9) Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Nxb KHXH, 1977.

(10) Từ điển tiếng Việt, Sách đã dẫn.

NGHIÊN CỨU HÁN NÔM SỐ 1 NĂM 1985

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020