Hán nôm

HIỆN TƯỢNG GHI ÂM MANG TÍNH CHẤT ĐỊA PHƯƠNG TRONG CHỮ NÔM


15-10-2020
Tác giả: NGUYỄN THỊ LÂM

Trong khi đọc các văn bản Nôm, chúng tôi thấy có một hiện tượng là: Có những vết tích của ngữ âm địa phương còn đọng lại trên văn bản qua các hình thức chữ Nôm. Chẳng hạn, có sự không phân biệt giữa các phụ âm đầu /l/ và /n/, /t'/ và /ch/, /r/ và /d/,... Tìm hiểu kỹ vấn đề này sẽ có tác dụng nhất định trong việc lý giải hoặc phiên âm các văn bản Nôm. ở phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin đi vào một trường hợp ít nhiều có tính chất tiêu biểu: mối quan hệ giữa: /l/ và /n/. Dưới đây là những biểu hiện cụ thể và nhận xét bước đầu.

1) Những chữ Nôm có phụ âm đầu đọc là /n/ được ghi âm bằng /l/.

Chữ Nôm Âm đọc Được ghi bằng
a) (= thổ + liêu) Niêu (cái niêu) liêu(1)
b) ( = thổ + lập) Nếu (nếp chùa) lập(2)
c) ( = khẩu + liệu) Nếu (nếu mà...) liễu(3)

Những trường hợp như trên, cách ghi âm có khác với cách ghi thông thường mà ta vẫn thấy trong nhiều văn bản: trường hợp a thường ghi "niêu" (= thổ + nao); trường hợp b thường ghi "nếp (= thổ + nhiếp); trường hợp c thường ghi "nếu" (= niểu). Nghĩa là khi ghi những chữ Nôm có phụ âm đầu là /n/ thì người ta mượn những chữ hoặc một bộ phận của chữ Hán có phụ âm đầu tương tự để ghi.

2) Những chữ Nôm có phụ âm đầu là /l/ được phiên bằng /n/

Ví dụ:

Chữ Nôm Âm đọc Được ghi bằng
a) (= nữ) lỡ (lỡ bước) (nữ)(4)
b) ( = mộc + na) la (la đà) (na)(5)
c) ( = niên + thành) lên (lên sởi) (niên)(6)

Ở đây tình hình cũng diễn biến tương tự như ở phần trên. Đáng lẽ có thể ghi chữ Nôm: "lỡ (= lã) hoặc (= tâm + lã) ở trường hợp a; hoặc ghi chữ "la" (= la) ở trường hợp b; hoặc ghi chữ "lên" (= thượng + liên) ở trường hợp c theo cách thông thường. Nghĩa là dùng chữ hoặc một bộ phận chữ Hán có phụ âm đầu là /l/ để ghi những chữ Nôm có phụ âm đầu tương tự. Nhưng ở đây thì ngược lại: /n/ được dùng để biểu âm /l/.

Sở dĩ có những trường hợp trên đây là vì có vấn đề ngữ âm địa phương.

Chúng ta biết rằng hiện tượng phát âm những âm tiết có phụ âm đầu /l/ thành /n/ hoặc ngược lại, vốn tồn tại từ lâu đời tại một số địa phương (như Nam Hà, Hải Dương, Hà Tây). Chữ Nôm là một thứ chữ ghi âm, nên nó cũng để lại dấu vết này. Các ví dụ trên chứng tỏ rằng, trong khi tạo chữ Nôm, người viết đã căn cứ vào tiếng địa phương của mình mà chọn âm phù cho thích hợp.

Trên đây, chúng tôi vừa đề cập đến một hiện tượng từng để lại những dấu ấn trên các văn bản Nôm. Song trong quá trình xem xét, chúng tôi cũng ghi nhận rằng: đây là những chữ Nôm thường chỉ xuất hiện ở những tác phẩm mang tính chất địa phương, phản ánh cách đọc, cách viết của của người địa phương.

Còn trong văn bản của các tác giả nổi tiếng, có thể nói phần lớn chữ Nôm có phụ âm đầu là /l/ và /n/ vẫn phản ánh đúng cách phát âm của đại đa số người Việt. Chúng ta hãy tạm hình dung qua sơ bộ khải sát 1.190 đơn vị ngôn ngữ có phụ âm như trên (thuộc "Bảng tra chữ Nôm" của Viện ngôn ngữ), trong bảng dưới đây:

Phụ âm toàn chữ Phụ âm của bộ phận biểu âm
C D Đ H K L N NG NH Q T TH TR V
L 7 2 8 775 1 1 3 2
Tỉ lệ % 0,5 0,2 0,6 65 0,08 0,08 0,25 0,2
N 1 5 9 8 353 1 7 3 2 1
Tỉ lệ % 0,08 0,4 0,76 0,6 30 0,08 0,5 0,25 0,2 0,08

Kết quả trên cho thấy: khi ghi âm một chữ Nôm có phụ âm đầu là /l/ hay /n/ thì thông thường người ta dùng một chữ hoặc một bộ phận chữ Hán có phụ âm đầu tương tự để làm bộ phận biểu âm. Do đó ta nhận thấy trường hợp này chiếm tỉ lệ cao nhất. Còn ở những trường hợp khác thì hoặc ít nhiều mang tính chất ngữ âm lịch sử hoặc mang tính chất ngữ âm địa phương, như hiện tượng vừa kể trên. Tuy chúng chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng đó lại là tài liệu có ý nghĩa đối với những người nghiên cứu lịch sử tiếng Việt và văn tự Nôm. Cũng cần lưu ý thêm, đối với loại chữ Nôm mang tính chất ghi âm địa phương người đọc nhiều khi phải đoán định, đặt vào trong văn cảnh để tìm ra âm đọc cho đúng. Ví dụ trong một vế câu đối:

"Quả phúc dựng nên chùa một nếp"(7)

Nếu căn cứ vào bộ phận biểu âm của chữ "nếp"?????? thì có thể phiên là "lấp", hoặc "lớp" nhưng khi đem gắn vào mạch câu thì không có ý nghĩa gì cả. ở đây phải được phiên là "nếp" thì mới đúng với ý nghĩa "một nếp chùa".

Tác giả của bộ phận biểu âm có phần giảm đi, tuy nhiên nó vẫn có ý nghĩa nhất định đối với người địa phương, vì nó vẫn phản ánh đúng cách phát âm của họ.

Cuối cùng, có thể nghĩ rằng, nếu hiểu được bản chất của loại chữ này thì cũng ít nhiều giúp ích cho những người đang làm công tác phiên âm các văn bản Nôm, nhất là đối với loại văn bản mang tính chất địa phương.

CHÚ THÍCH

(1) (4) Bảng tra chữ Nôm, Nxb KHXH, 1976, tr. 13, 278.

(2) Câu đối ở chàu Hưng Ký, làng Hoàng Mai, Hà Nội.

(3) Luận ngữ thích nghĩa ca, Ký hiệu AB. 186, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. tr. 1.

(5) Trong một tác phẩm Nôm có ghi chép về ca dao địa phương Thanh Trì, Hà Nội.

(6) Nhật dụng thượng đàm, Ký hiệu AB. 511, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. tr.43.

(7) Xem chú thích 4.

TB

CHỮ "CHỚ" TRONG QUỐC ÂM THI TẬPCỦA NGUYỄN TRÃI

CAO HỮU LẠNG

Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có khoảng 20 chữ "chớ" mang mã 渚(1). Chữ "chớ" này, nghĩa thông thường là đừng. Như ở các câu: "Chớ cậy sang mà ép nề" (44.1) "Bầu bạn cùng ta nghĩa chớ vong" (178.3) thì giảng là "đừng" là thoả đáng. Song ở một vài bài khác, nếu cũng giảng chữ "chớ" theo nghĩa đó thì hình như không thông. Như câu "Dứt vàng chăng chớ câu Hy Dịch", chữ "chớ ở đây nếu hiểu là đừng thì câu thơ không có nghĩa.

Để tiện trình bày, xin được dẫn bài thơ ra đây:

Bầu bạn cùng ta nghĩa chớ vong.
Người kia phú quí nỡ quên lòng 
Dứt vàng chăng chớ câu Hy Dịch
Khinh bạc màng ngâm thơ Cốc Phong.
Quân tử nước giao âu những lạt 
Hiền nhan rượu thét họ là nồng 
Một phen bạn đến còn đằm thắm.
Hai bữa mừng nhau một mặt không.

Đây là bài thứ 51 trong mục Bảo kính cảnh giới.

Bài thơ là những lời khuyên về tình bạn. Câu đầu, tác giả nêu lên đạo lý của tình bạn, nghĩa tương tự như câu chữ Hán "Bầu tiện chi giao bất khả vong". Thừa tiếp ý trên, câu 2, chê những kẻ khi giầu sang đã nỡ quên tình bạn. Câu 3, mượn câu Kinh dịch "nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim), nghĩa là: hai người đồng lòng, có sự sắc bén chặt được vàng, ý khuyên người ta phải biết kết bạn để làm những việc lớn. Xét về cấu trúc ngữ pháp thì chữ "chớ" ở câu này phải mang chức năng động từ, và có nghĩa là "trái" (đạo). Nghĩa câu thơ là: Chẳng (đừng) trái câu "dứt vàng" (đoạn kim) trong Hy Dịch. Như thế mới hợp với nghĩa câu sau: Đừng mong ngâm thơ khinh bạch trong Cốc Phong (khinh bạc màng ngâm thơ Cốc Phong)(2).

Cũng như thế, câu 7 trong bài Giới Sắc (Phu phụ đạo thường chăng được chớ" (190.7), chữ "chớ" này cũng phải hiểu là "trái". Toàn câu thơ có nghĩa là: "Không được trái đạo vợ chồng". Hiểu như thế câu thơ mới có nghĩa và mới liền mạch với câu thơ sau: "Bối tông hoạ phải một đôi khi".

Trường hợp nữa là "chớ" trong câu:
Cơm kẻ bất nhân ăn ấy chớ
Áo người vô nghĩa mặc chẳng thà...(3)
(Trần Tình, bài thứ 3)

Chữ "chớ" này cũng nên hiểu nghĩa là "trái" (đạo). Cả câu nghĩa là: "Ăn cơm của kẻ bất nhân là trái (đạo)" (chữ "ấy" có nghĩa như chữ "là"). Hiểu như vậy, vẫn bảo đảm được tinh thần bài thơ và giữ được vẻ trang nhã của câu thơ.

Thơ Nguyễn Trãi cổ điển, tinh nghiêm, từ ngữ bình dị nhưng chính xác, tập trung phục vụ cho chủ đề. Thơ Ông, chữ Hán cũng như Quốc âm, là những tứ cao diệu, tần, kỳ. Có điều thơ Quốc âm của Ông đến với chúng ta ngày nay qua một khoảng thời gian khá dài, nhiều từ ngữ đã mất đi lâu rồi mà các từ thư, từ điển không còn ghi lại được.

Việc tìm ra nghĩa của những từ cổ như chữ "chớ" sẽ làm giàu cho kho kiến thức từ ngữ Việt cổ, và giúp cho hiểu được những áng văn thơ cổ phong phú và chính xác.

CHÚ THÍCH

(1) Theo bản in Phúc Khê, năm 1868.

(2) Cốc phong: một thiên trong Kinh Thi, đại ý chê người đàn ông phụ bạc, có mới nới cũ.

(3) Câu sau: “áo người vô nghĩa mặc chẳng thà”, chẳng thà ở đây tương đương với nghĩa chẳng thèm

(4) Bài viết có tham khảo ý kiến cụ Nguyễn Si Lâm, xin ghi lời cảm ơn.

NGUỒN http://hannom.org.vn/web/tchn/data/8501.htm

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020