Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống trên cơ sở học tập và nghiên cứu những tài liệu thư tịch Hán Nôm không phải cách thức duy nhất nhưng là con đường quan trọng, đáng tin cậy và có những ưu thế riêng biệt”(1). Con đường này có một rào cản chính là ngôn ngữ, đặc biệt đối với việc dạy và học thơ chữ Hán ở trường phổ thông. Tìm hiểu nguyên tác chữ Hán trong dạy và học văn là một trong những phương pháp trực tiếp để khám phá giá trị tác phẩm văn học. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một vài phương pháp tiếp cận nguyên tác chữ Hán trong việc dạy và học thơ chữ Hán ở trường Trung học phổ thông (THPT).
1.Cơ sở của quá trình tìm hiểu nguyên tác thơ chữ Hán trong dạy và học
Về phía người dạy: Khi học ở các trường Sư phạm, sinh viên Ngữ văn đã được trang bị kiến thức về chữ Hán (nguồn gốc, diễn biến hình thể, cấu tạo, từ ngữ, ngữ pháp…) và các văn bản cụ thể (văn bản Hán văn Việt Nam, văn bản Hán văn Trung Hoa). Môn học Hán Nôm còn liên quan mật thiết với môn học khác như Ngôn ngữ, Văn hóa học, Văn học Trung đại Việt Nam, Văn học Trung Hoa,… Vì vậy, giáo viên Ngữ văn đã nắm bắt được phương pháp trên cơ sở trực tiếp thực hành đọc hiểu, chú giải, bình giảng văn bản Hán văn từ nguyên tác.
Về phía người học: Học sinh THPT có nhiều lợi thế khi tiếp cận chữ Hán. Hiện nay, ở Việt Nam, chữ Hán được xem là tử ngữ (ngôn ngữ chết). Tuy nhiên, nhìn từ sự thống nhất ba mặt hình thể, âm đọc, ý nghĩa trong chữ Hán thì âm đọc và ý nghĩa của nhiều chữ đã gia nhập vào tiếng Việt trở thành từ Hán Việt. Cuốn Sách giáo viên Ngữ văn 7 cho biết, “trong 120 chữ được dùng ở bốn bài tuyệt cú (kể cả nhan đề bài thơ) có đến 104 chữ khi sang Việt Nam đã trở thành yếu tố Hán Việt”(2). Vậy nên, học sinh chắc hẳn sẽ hứng thú khi được tiếp cận với hình thể của các từ đã biết âm đọc và ý nghĩa. Đặc biệt, những chữ có ý nghĩa biểu đạt ngay trên hình thể sẽ tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Điều này góp phần giúp học sinh khám phá tác phẩm văn chương từ nguyên tác và hiểu sâu hơn về hệ thống từ Hán Việt.
Về tư liệu dạy và học: Sách giáo khoa, sách giáo viên, các giáo trình tham khảo đã đề cập đến vấn đề này. Về lí thuyết, trên cơ sở chỉ ra những khó khăn trong việc dạy và học thơ chữ Hán, những cuốn sách này đã đưa ra một số phương pháp cụ thể như cắt nghĩa từ, chú giải từ ngữ và điển cố, phân tích nhãn tự,… Một số tư liệu tham khảo cũng phân tích giá trị tác phẩm từ nguyên văn chữ Hán như cuốn Bình Giảng thơ Đường của tác giả Nguyễn Thị Bích Hải, cuốn Giảng văn chọn lọc Văn học Việt Nam do GS.TS.Trần Đình Sử tuyển chọn… Những tư liệu này là cơ sở thiết yếu để quá trình tiếp cận nguyên tác thơ chữ Hán đạt được những kết quả khả quan.
Trong hoàn cảnh thực tế, giáo viên có lẽ chỉ nên lựa chọn một vài chữ Hán trong mỗi bài thơ chữ để giới thiệu, giảng dạy cho học sinh. Những chữ được lựa chọn cũng cần có tiêu chí cụ thể như: những chữ Hán này dễ tiếp thu với học sinh khi phân tích sự thống nhất ba mặt hình thể, âm đọc, ý nghĩa; chúng giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm; chúng đồng thời là những từ Hán Việt thông dụng để học sinh thêm am tường vốn từ của mình… Trong dạy học đọc hiểu văn bản, tiếp cận nguyên tác chữ Hán là một quá trình được kết hợp bởi nhiều kĩ năng của người dạy và người học. Ở đây, chúng tôi xin bàn đến ba phương pháp tìm hiểu nguyên tác thơ chữ Hán gồm phân tích hình thể chữ, so sánh từ cận nghĩa, khai thác tính hệ thống của từ trong tác phẩm.
2. Một vài phương pháp tìm hiểu nguyên tác thơ chữ Hán trong dạy và học
2.1. Phân tích hình thể chữ
Chữ Hán thuộc loại hình v¨n tù h×nh khèi biÓu ý. Vì vậy, phân tích tác phẩm văn chương từ hình thể chữ là một trong những phương pháp trực tiếp để khám phá nguyên tác văn bản. Giáo viên có thể nhấn mạnh vào những chữ biểu ý (gồm tượng hình, chỉ sự, hội ý) hoặc là thành phần biểu ý (ý phù) trong những chữ hình thanh. Trong các bài thơ của chương trình THPT, chúng ta có thể lựa chọn phân tích một số chữ như: hoài (懷), thu (秋) trong Thuật hoài; quốc (國), tộ (祚), đằng lạc (藤絡) trong Quốc tộ; xuân (春), tàn (殘), mai (梅) trong Cáo tật thị chúng; lão (老), bần (貧), hảo (好) trong Quy hứng; nhật (日), mộ (暮), yên (煙), ba (波), giang (江) trong Hoàng Hạc lâu; giang (江), ba (波), lãng (浪), dũng (湧) trong Thu hứng… Dưới đây chúng tôi xin phân tích chữ Quốc trong bài Quốc tộ và chữ Hoài trong bài Thuật hoài.
Chữ quốc (國) trong bài Quốc tộ: Theo Thuyết văn giải tự: “Quốc chỉ bang quốc, là khu vực được phong của vương hầu. Đây là chữ hội ý gồm bộ thủ vi (囗) biểu thị phạm vi và chữ vực (或) biểu thị cương vực cũng là thanh phù. (Chữ或thường dùng với âm đọc là hoặc, tính chất là hư từ - NTTC). Trong Giáp cốt văn và Kim văn giai đoạn đầu, chữ quốc chỉ viết或, là chữ hội ý dùng vũ khí bảo vệ con người. Về sau, chữ quốc chỉ viết 或 được giả tá làm hư từ nên chữ quốc được thêm bộ 囗vi thành chữ 國. Từ thời Tống, tục dùng chữ 囯, nay giản thể là chữ 国”(3). Cuốn Tìm về cội nguồn chữ Hán cũng cho biết: “Quốc nguyên viết là 或 (có âm đọc là vực). Hình chữ giống như lấy vũ khí bảo vệ thành ấp. Sau đó xung quanh thêm khung vuông (tức bộ vi 囗) chỉ cương vực tạo thành chữ quốc 國. Chữ giản thể国có nguồn từ Thảo thư, đầu tiên xuất hiện trong bia khắc thời Nam Bắc triều. Cũng có dị thể 囯phổ biến xuất hiện ít nhất từ thời nhà Hán”(4). Cách giải thích của các tác giả có thể khác nhau, nhưng từ hình thể chữ quốc國có thể nhận thấy ý nghĩa biểu thị một giới hạn không gian (bộ nhị二), trong đó có con người tồn tại (bộ khẩu口) được bảo vệ bằng vũ khí (bộ qua戈) và quan trọng nhất là sự cố định, toàn vẹn, bất khả xâm phạm về cương giới, lãnh thổ (bộ vi囗). Quốc mang ý nghĩa nội hàm khác biệt khi so với hàng loạt chữ biểu thị đơn vị đất đai như bang (邦), châu (州), quận (郡), huyện (縣), vực (域), phương (方), gia (家),… Bởi vậy, từ quốc khi được sử dụng sẽ nhấn mạnh ý thức về lãnh thổ và chủ quyền. Bài Quốc tộ thuộc Thiền uyển tập anh Ngữ lục do Thiền sư Đỗ Pháp Thuận ứng khẩu và không nhan đề. Nhan đề Quốc tộ (vận mệnh của đất nước) có lẽ được lấy từ hai chữ đầu tiên cũng là chủ đề bài thơ. Vua Lê Đại Hành hỏi và được Pháp sư Đỗ Pháp Thuận trả lời về vận mệnh của đất nước có chủ quyền và khẳng định ý thức gìn giữ chủ quyền.
Chữ 懷hoài trong bài Thuật hoài: Thuyết văn giải tự viết: “Hoài, niệm tư dã - Hoài là nhớ vậy”(5). Vương Lực cũng cho rằng hoài là nhớ, ôm ấp trong lòng. Lí Lạc Nghị đã tìm về cội nguồn chữ hoài: “Hoài trong cổ văn vốn được tạo thành bởi chữ 衣 (y - trang phục) và chữ 涕 (thế - nước mắt). Hoài vốn là chữ hội ý, biểu thị trong lòng dấu kín một nỗi khổ đau. Kinh Thi: Ta ngã hoài nhân (Than ôi, ta nhớ người)”(6). Như vậy, động từ hoài có thể mang tân ngữ là chuyện buồn, chuyện đau lòng, chuyện khiến người ta phải rơi nước mắt. Trong nhan đề bài thơ Thuật hoài, hoài là danh từ, chỉ điều ấp ủ trong lòng. Ở đây, tác giả không dùng từ chí (志), có lẽ vì chí thiên về nhận thức lí tính, ý chí. Vậy là, nỗi thẹn mà tác giả viết cuối bài thơ hoàn toàn không phải nói cho sang. Nam nhi vị liễu công danh trái, tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu (Nam nhi chưa trả xong nợ công danh, thấy thẹn khi nghe nhân gian nói chuyện Vũ Hầu). Phạm Ngũ Lão bày tỏ những điều tâm niệm mà ông chưa thể làm cho chủ tướng và đất nước giang sơn.
Chữ Hán là văn tự hình khối biểu ý với rất nhiều ý nghĩa được biểu thị ngay trong hình thể văn tự. Bài giảng văn sẽ sâu sắc, hấp dẫn, thuyết phục hơn nếu giáo viên giúp học sinh thấu hiểu căn cội ngôn từ. Tận dụng những kiến thức đã được trang bị và phương tiện tra cứu hiện đại, người dạy có thể chủ động trong lựa chọn và giảng dạy những chữ Hán cho phù hợp với đối tượng và chương trình. Đó là một cách thức tiếp cận nguyên tác thơ chữ Hán trong giảng văn.
2.2. So sánh với từ cận nghĩa
Thi nhân thường lao tâm khổ tứ trong dùng từ như chuyện của Hàn Dũ, Giả Đảo, Trịnh Cốc, Tề Kỉ, Vương Thạch Anh... Đỗ Phủ viết: 語 不 驚 人 死 不 休 (Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu - Lời không làm kinh động lòng người thì chết không yên). So sánh với những từ cận nghĩa, cùng trường nghĩa cũng là một cách thức để phát hiện giá trị nghệ thuật của ngôn từ. Trong các bài thơ chữ Hán thuộc chương trình THPT, có thể so sánh từ tu (羞) trong Thuật hoài với quý (愧), tàm (慚), sỉ (恥), nhục (辱); từ thu (秋) trong Thuật hoài với niên (年), tuế (歲), chu (周), tải (載). Từ uyển (苑) trong Độc Tiểu Thanh kí với viên (園), hựu (囿), phố (圃); từ nam tử (男子) trong Xuất dương lưu biệt với sĩ tử (士子), trượng phu (丈夫), quân tử(君子); từ càn khôn (乾坤) trong Xuất dương lưu biệt với thiên địa (天地), vũ trụ (宇宙); từ không (空) trong Điểu minh giản với tịch (寂), mịch (寞), liêu (寥), hoang (荒) ; từ oán (怨) trong Khuê oán với từ hận (恨), tích (惜), hám (憾) … Dưới đây chúng tôi xin phân tích từ liên và từ Tố Như trong Độc Tiểu Thanh kí.
Từ liên trong Độc Tiểu Thanh kí: Có nhiều từ cận nghĩa với liên như 哀 (ai - thương xót), 矜 (căng - xót xa), 傷 (thương - cảm thương), 辛(tân - cảm thấy cay đắng)… Tuy nhiên chữ liên có một nét nghĩa khu biệt với những từ còn lại. Thuyết văn giải tự viết: “Liên là chữ hình thanh gồm tâm là hình phù và liên là thanh phù. Liên là thương xót, đồng cảm”(7). Từ này được sử dụng để bộc lộ lòng thương xót và mối đồng cảm sâu sắc. Nguyễn Du cảm thương người gảy đàn Long Thành: Khả liên đối diện bất tương tri (Đáng thương là gặp nhau mà không nhận ra nhau)(8). Khi gian nan trên đường vạn dặm, ông xót xa cho những người lính chết trận chỉ còn là những đống xương trắng trong gió lạnh: Khả liên vô số khứ lai nhân (Đáng thương là những người nhiều phen phải đến chốn này)(9). Bài Độc Tiểu Thanh kí có hai mạch cảm hứng lớn là thương người và thương mình. Chữ liên là bước chuyển giao tinh tế của hai mạch cảm xúc đó bởi đồng bệnh tương liên, trông người lại nghĩ đến ta, giật mình mình lại thương mình…
Tên tự Tố Như (素如) trong Độc Tiểu Thanh kí: Nguyễn Du (1766 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên (清 軒) và Hồng Sơn Liệp Hộ (鴻 山 獵 戶). Về tên hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, phần Tiểu truyện Nguyễn Du trong cuốn Tìm hiểu kho sách Hán Nôm có ghi: “ Năm Kỉ Dậu (1789), vua Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, ông đi theo không kịp, trốn về quê vợ ở nhà Đoàn Nguyễn Thục, có ý định tập hợp hào mục, mưu đồ báo nước nhưng việc không xong. Ông trở về quê nhà, lấy săn bắn, câu cá, xướng họa làm vui, tự hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ và Nam Hải Điếu Đồ”(10). Về tên hiệu Thanh Hiên, từ thanh (nước trong)(11) có quan hệ về nghĩa với từ du (dòng nước chảy)(12). Từ Hiên (loại xe có đòn tựa và mái che)(13) có lẽ gửi gắm ước vọng về những gì để lại sẽ giống như chiếc xe đưa con người đến nơi xa hơn, cao hơn về trí tuệ và nhân cách. Vậy tên tự Tố Như có ý nghĩa gì? Trong câu kết bài Độc Tiểu Thanh kí, nhiều từ có thể thay từ Tố Như như thi gia, thi nhân, lão ông, thử ông, thử nhân…, thậm chí là Nguyễn Du. Nhưng tác giả đã lựa chọn Tố Như. Về mặt kết cấu, tố như là từ ghép đẳng lập. Tố nguyên nghĩa chỉ lụa chưa nhuộm màu, lụa sống, lụa mộc. Tố được mở rộng nghĩa chỉ màu trắng, sự trong trắng, thanh bạch, người có phẩm hạnh cao khiết. Tố cũng chỉ sự thành tâm, chân tình, thực lòng nên được dùng thông với chữ tố (愫). Như là nguyên toàn chân tính, chưa nhiễm trần ai. Từ này là thuật ngữ của nhà Phật. “Các sự vật hiện tượng không có thực. Người ta căn cứ vào bên ngoài để phân biệt cái nọ với cái kia là lấy không làm thực. Không là thực tướng. Như cũng là thực tướng. Như thực tướng là cái cùng cực của sự chân thực…” (14). Như vậy, từ ghép Tố Như nhấn mạnh sự trong trắng, thanh bạch, cao khiết và sự thành thực, chân tình. Tấm lòng ấy luôn đồng cảm với những khổ đau và bao giờ cũng hy vọng một hồn đồng điệu. Đó là một thông điệp nghệ thuật!
Nhìn chung, thao tác so sánh thường làm nổi bật được giá trị ngôn từ thơ ca. Cách thức này không mới và không khó. Không mới vì phân tích thơ ca bao giờ cũng cần so sánh. Không khó bởi vốn từ Hán Việt thì cả người dạy và người học đều sẵn có. Quan trọng là người dạy sử dụng nó một cách hợp lí để gợi mở cho học sinh biết khám phá cái đẹp trong tác phẩm văn chương và trau dồi vốn từ của mình.
2.3. Khai thác tính hệ thống của từ trong tác phẩm
Thơ chữ Hán ở Trung Quốc cũng như Việt Nam có những quy chuẩn về khuôn mẫu. Tính giới hạn làm cho các từ càng quan hệ mật thiết hơn. Sự kết nối này tạo ra mạch vận động ngầm của ý tứ. Chúng ta có thể lựa chọn những từ cùng trường nghĩa, tương đồng, tương phản…Ví dụ như xuân (春), lão (老), tàn (殘), mai (梅) trong Cáo tật thị chúng; oán (怨), sầu (愁), hối (悔) trong Khuê oán; nhàn (閒), tĩnh (靜), không (空) và lạc (落), xuất (出), kinh (驚), minh (鳴) trong Điểu minh giản… Dưới đây, chúng tôi xin phân tích một vài từ trong Cáo tật thị chúng và Khuê oán.
Quy luật hóa sinh của tự nhiên, niềm tin bất diệt vào sự sống được thể hiện ở hình tượng một cành mai, cách sắp xếp xuân khứ trước xuân đáo, hoa lạc trước hoa khai... Nhưng quy luật và niềm tin ấy còn hiển hiện ngay trong hình thể văn tự của bài thơ theo trật tự xuân (春) – sức sống mãnh liệt, lão (老) – sự già nua, tàn (殘) – cái chết tang thương, mai (梅) – quá trình hồi sinh. Theo cuốn Tìm về cội nguồn chữ Hán: “Chữ xuân (春) vốn gồm ba bộ phận: nhật (日), thảo (艸), đồn (屯). Đồn là cách viết sớm nhất của chữ xuân, Lời bói trong giáp cốt văn có chỗ đã viết: Đồn này thêm một tuổi (Xuân này thêm một tuổi). Hình chữ giống như mần non vươn lên khỏi mặt đất. Sau đó thêm mặt trời và cỏ, càng làm cho người ta hiểu mùa xuân đã đến”(15). Chữ lão (老) mô phỏng hình ảnh cụ già lưng còng, trên đầu có một ít tóc, đi bộ chống gậy. Từ lão (nhiều tuổi) còn mang nghĩa bóng chỉ thời gian lâu dài, sự cũ kĩ,... Chữ tàn (殘) vốn gồm hai bộ qua (戔), một loại vũ khí thời cổ, có cán dài, phía trên có lưỡi dao để ngang, có thể dùng đánh ngang và móc. Thời nhà Thương và Chiến Quốc dùng nhiều loại vũ khí này. Vậy nên, từ tàn có nghĩa chỉ sự sát hại, làm tổn thương người khác. Ý nghĩa của từ này rõ hơn khi được thêm bộ thủ ngạt (歹). Bộ ngạt mô phỏng một phần hài cốt của con người. Thuyết văn cho biết ngạt chỉ hài cốt không hoàn chỉnh. Các chữ có bộ ngạt thường liên quan đến tử vong, hư hỏng như 死 (tử - chết), 殘 (tàn - khiếm khyết), 殆 (đãi - nguy hiểm), 歿 (một - chết), 殃 (ương - nạn), 殊 (thù - giết)… Chữ tượng hình mộc mô phỏng hình ảnh một thân cây có lá, cành, thân, rễ... Cây cối vẫn được xem là biểu tượng của sự sống. Bộ thủ biểu thị sự sống này đã trở thành hình phù của chữ 枝 (chi – cành cây), chữ 梅 (mai – cây mai), hai chữ cuối trong Cáo tật thị chúng. Vậy là, vòng luân hồi vô thường và khát vọng sống mãnh liệt được thể hiện ngay trong hình thể văn tự của bài thơ: xuân (春), lão (老), tàn (殘), mai (梅).
Khuê oán là một thi phẩm phản đối chiến tranh phi nghĩa, một đề tài thường gặp trong thơ. Bài thơ độc đáo bởi sự chuyển biến trong ý thức và tâm trạng người thiếu phụ. Sự vận động này thể hiện rõ qua ba từ oán (怨), sầu (愁), hối (悔). Ba từ này đều thuộc bộ tâm, bộ thủ có liên quan đến đời sống tinh thần, tình cảm. Oán gồm tâm là hình phù và uyển là thanh phù. Sầu gồm tâm là hình phù và thu là thanh phù. Hối gồm tâm là hình phù và mỗi là thanh phù. Bộ phận thanh phù của chữ sầu cũng biểu ý vì mùa thu thường buồn. Nỗi buồn do thế giới ngoại cảnh tác động đến tâm trạng con người. Lời thơ viết thiếu phụ bất tri sầu nhưng câu thơ đã gợi buồn bởi lầu biếc, ngày xuân mà người đẹp chỉ một mình. Tứ thơ khởi đầu là nỗi buồn, kết thúc bằng sự ân hận, còn lại nỗi oán hờn. Trong cuốn Từ thường dùng trong Hán văn cổ, GS. Phan Văn Các cho biết: “Thời cổ, hận không có nghĩa thù hận căm hờn. Hận nông mà oán sâu. Oán mới chính là hờn oán, thù hằn, căm hờn”(16). Vậy nên, mỗi khi nói về nỗi niềm của thiếu phụ chốn khuê phòng, người ta thường nhớ đến Khuê oán.
Phân tích hình thể chữ, so sánh từ cận nghĩa, Khai thác tính hệ thống của từ trong tác phẩm là một vài phương pháp tìm hiểu nguyên tác thơ chữ Hán trong dạy và học ở trường THPT. Những cách thức này phù hợp với trình độ Hán ngữ cổ của người dạy và khả năng tiếp thu của người học. Đồng thời, đây cũng là con đường để giáo viên và học sinh khám phá giá trị nội dung nghệ thuật của tác phẩm, hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học từ Hán Việt ở phần Tiếng Việt. Trong tình hình thực tế, giảng dạy toàn văn tác phẩm thơ ca bằng chữ Hán cho học sinh vẫn bất khả thi bởi nhiều nguyên do. Vì vậy, người dạy và người học nên chủ động, linh hoạt trong quá trình dạy học đọc hiểu văn bản thơ chữ Hán của các tác gia Việt Nam và Trung Hoa. Những kết quả mà giáo viên và học sinh đạt được trong quá trình này sẽ góp phần quan trọng để việc dạy và học chữ Hán, chữ Nôm ở các trường Sư phạm có thêm những ý nghĩa thực tiễn.
Hà Nội, tháng 09 năm 2011
Chú thích
1. Đặng Đức Siêu, “ Suy nghĩ bước đầu xung quanh vấn đề truyền đạt và tiếp nhận di sản Hán Nôm trong nhà trường”, Hán Nôm học trong nhà trường, Nxb KHXH, Hà Nội, 2008, tr.26.
2. Ngữ văn 7 – Sách giáo viên, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010, tr.120.
3. Lí Ân Giang – Giả Ngọc Dân (chủ biên), Thuyết văn giải tự, Trung Nguyên Nông dân xuất bản xã, Hà Nam, 2000, tr. 550
4. Lí Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1997, tr.546.
5. Lí Ân Giang – Giả Ngọc Dân (chủ biên), Thuyết văn giải tự, Sđd, tr.962.
6. Lí Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Sđd, tr.277.
7. Lí Ân Giang – Giả Ngọc Dân (chủ biên), Thuyết văn giải tự, Sđd, tr.985.
8. Bài Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du.
9. Bài Quỷ môn quan của Nguyễn Du.
10. Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb KHXH, Hà Nội, 1997, tr.147.
1[1]. Từ nguyên, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1987, tr.1813. Giải thích nghĩa từ thanh: Thủy trừng triệt, dữ trọc tương đối. Mạnh Tử, Ly Lâu thượng:“Hữu Nho tử ca viết: Thương lang chi thủy thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh. Thương lang chi thủy trọc hề, khả dĩ trạc ngã túc (Nước trong vắt, đối nghĩa với đục. Sách Mạnh Tử phần Ly Lâu thượng viết: Có Nho sinh hát rằng: Nước sông Thương Lang trong hề, có thể giặt dải mũ của ta. Nước sông Thương Lang đục hề, có thể rửa chân cho ta).
12. Từ nguyên, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1987, tr.1336. Giải thích nghĩa của từ du : Thủy lưu mạo (vẻ nước chảy).
[1]3. Vương Lực, Cổ Hán ngữ tự điển, Trung Hoa thư cục xuất bản xã, Bắc Kinh, 2000, tr.1388. Giải thích: Hiên vốn là một loại xe uốn hình cong, hai bên có mái che. Lễ ngày xưa từ quan đại phu trở lên mới được đi xe ấy. Phiếm chỉ những xe có vẻ cao quý, lộng lẫy. Hiên cũng chỉ vật bảo vệ cho xe, giống như là lan can. Hiên còn mang nghĩa dương cao, tung lên cao, tả dáng vẻ bay lượn trên cao.
14. Từ điển Phật học Hán Việt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học xuất bản, Hà Nội, 1992, tr.1064. (Lược trích)
15. Lí Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Sđd, tr. 892.
16. Phan Văn Các, Từ thường dùng trong Hán văn cổ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, tr.98.
Tư liệu tham khảo chính
1. Phan Văn Các, Từ thường dùng trong Hán văn cổ, Nxb KHXH, Hà Nội, 1999.
2. Hán Nôm học trong nhà trường, Nxb KHXH, Hà Nội, 2008.
3. Nguyễn Thị Bích Hải, Bình Giảng thơ Đường, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005.
4. Nguyễn Thị Thanh Hương, Để dạy và học tốt tác phẩm văn chương (phần Trung đại) ở trường phổ thông, Nxb ĐHSPHN, Hà Nội, 2007.
5. Trịnh Khắc Mạnh, Tên tự tên hiệu của các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội, 2007.
6. Lý Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1997.
7. Ngữ văn 10 tập I, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010.
8. Ngữ văn 10 tập I - Sách giáo viên, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010.
9. Ngữ văn 11 tập II, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010.
10. Ngữ văn 11 tập II- Sách giáo viên, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010.
11. Trần Đình Sử, Giảng văn chọn lọc Văn học Việt Nam, Nxb ĐHQGHN, Hà Nội, 2006.
12. Lã Nhâm Thìn, Phân tích tác phẩm văn học Trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009.
13. 王 力, 古 漢 語 字 典 , 中 華 書 局 出 版 社, 北 京, 2000.
14. 康 熙 字 典 , 張 玉 書 等 編 選 - 王 引 之 等 校 訂, 上 海 古 籍 出 版 社, 1996.
15. 說 文 解 字, 李 恩 江 - 賈 玉 民 主 編, 中 原 農 民 出 版 社, 河 南, 2000.
16. 辭 源 , 商 務 印 書 館, 北 京, 1999.
17. 辭 海 , 中 華 書 局 發 行 所 , 北 京, 1999.