Khoa học về kí hiệu và các hệ thống kí hiệu đã đưa ra những khám phá, góc nhìn, kết luận mới trong nghiên cứu văn học. Con đường đi từ ngôn ngữ tự nhiên đến kí hiệu văn chương là hành trình biến chuyển của ngôn ngữ. Quá trình thay đổi hàm chứa nhiều yếu tố văn hóa cần khơi mở, nhiều quan niệm cần làm sáng tỏ, nhiều tư tưởng cần được khẳng định. Tìm hiểu vai trò của hình thể chữ Hán tác thành kí hiệu văn chương, với dẫn liệu là thơ chữ Hán Việt Nam, chúng tôi hy vọng đem đến một ý thức mới, thay đổi phần nào thực tế tiếp cận thơ chữ Hán Việt Nam. Hiện nay, tác phẩm thơ ca bằng chữ Hán thường được tiếp nhận qua bản phiên dịch mà bỏ qua nguyên văn tác phẩm, trong khi yếu tố hình thể văn tự Hán là một phần quan trọng tạo thành cái biểu đạt trong hệ thống kí hiệu của tác phẩm. Bài viết nhận định về vai trò hình thể chữ Hán trong kí hiệu văn học từ cấp độ hình thể văn tự đơn lập đến hệ thống hình thể văn tự.
1. Kí hiệu văn học và hình thể văn tự đơn lập
1.1. Kí hiệu văn học và hình thể văn tự đơn lập hiện tồn
Chữ Hán gắn kết chặt chẽ ba mặt hình thể, âm đọc, ý nghĩa. Trong đó, vai trò biểu đạt ý nghĩa qua hình thể văn tự hoặc thành tố biểu ý trong văn tự trở thành một đặc điểm nổi bật. Tính chất biểu ý của hệ thống chữ viết này có ý nghĩa trong tạo dựng kí hiệu văn học. Những cá thể văn tự vừa giữ vai trò độc lập trong tác phẩm vừa gắn kết chặt chẽ với cá thể khác để tổ thành tác phẩm. Hai chữ sơn và thủy trong thơ chữ Hán Việt Nam là một minh chứng. Trong văn học Phương Đông, nước và núi không chỉ là những hiện tượng tự nhiên của ngọn núi và dòng sông mà trở thành biểu tượng của con người. Khởi nguyên của quan niệm Nho gia thể hiện trong thiên Ung dã của Luận ngữ: 知 者 樂 水 仁 者 樂 山 (Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn - Kẻ trí thích nước, kẻ nhân thích núi). Thơ về núi non sông nước có thể được những người theo quan niệm Nho giáo xác lập trong hệ thống biểu tượng về người trọng lòng nhân hoặc bậc trí giả quyền biến. Quan niệm văn hóa mặc hiện trong tiềm thức được bộc lộ ở ngôn từ văn chương. Vậy hình thể văn tự như chữ sơn và chữ thủy góp phần tạo dựng kí hiệu văn học như thế nào? Chữ sơn trong bài thơ Phú giang trung thạch của Nguyễn Văn Siêu[1] với hình tượng ngọn núi biểu trưng cho nhân cách cao khiết, coi thường danh lợi của tác giả đã cho thấy khả năng kiến tạo biểu tượng thơ ca của hình thể văn tự: 卓 嶺 如 人 立 / 當 山 無 與 群 / 中 流 或 偃 蹇 / 傾 耳 洗 浮 雲 (Trác lĩnh như nhân lập / Đương sơn vô dữ quần / Trung lưu hoặc yển kiển / Khuynh nhĩ tẩy phù vân - Đỉnh núi như người đứng/ Trùng san không quây quần / Giữa dòng mà chót vót / Nghiêng tai rửa phù vân)[2]. Hứa Thận[3] giải thích chữ sơn: Sơn tuyên dã. Tuyên khí tán, sinh vạn vật. Hữu thạch nhi cao. Tượng hình. (山 宣 也. 宣 气 散, 生 萬 物. 有 石 而 高. 象 形. Sơn là chữ tượng hình đất đá nhô cao so với mặt đất. Địa hình núi non là nơi phát tán địa khí, tạo mây mưa, sinh vạn vật). Hình thể chữ sơn tượng hình ba ngọn núi liền nhau. Trước khi là bức họa bằng hình tượng, một phần tác phẩm là bức họa bằng văn tự. Hình tượng ngọn núi sừng sững trở thành biểu tượng nhân cách của tác giả do từ sơn được đặt trong mối tương quan với với các từ ngữ khác như yển kiển (kiêu ngạo), khuynh nhĩ (nghiêng tai, gợi nhớ đến chuyện hai ẩn sĩ Hứa Do và Sào Phủ), phù vân (mây nổi, tượng trưng cho quan niệm không màng danh lợi). Hình thức văn tự góp phần làm cho biểu tượng, kí hiệu văn học trở nên hữu hình, tác động trực tiếp đến thị giác của người đọc. “Thi ca là sự miêu tả bằng ngôn ngữ cuộc tự giao tiếp phi ngôn ngữ của chủ thể người thông qua kí hiệu ngoại giới được tổ chức bằng ngôn ngữ. Người ta giao tiếp bằng các hình ảnh được cảm nhận bằng tri giác, tình cảm, trực giác, chứ không bằng ngôn ngữ, ngôn ngữ chỉ là phương tiện sao lại, chép lại, tổ chức lại”[4]. Dù chỉ là phương tiện sao chép nhưng văn tự hình khối biểu ý (chữ Hán) vẫn là một phương diện tiếp cận giúp cho người đọc có thể cảm nhận về hình tượng một cách trực cảm hơn. Ngôn ngữ là cái biểu đạt của hình tượng, hình tượng là cái biểu đạt của tư tưởng, tình cảm. Trong tính tầng bậc này, hình thức của ngôn ngữ (hình thể văn tự hình khối biểu ý) trở thành những “viên gạch đầu tiên” của tòa tháp nghệ thuật để tác giả gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình.
Ngôn ngữ hình tượng không trừu tượng mà luôn luôn cụ thể, “có khả năng truyền đạt thông tin đến tận các giác quan, kích thích những phản ứng cảm xúc, tình cảm, nhiều khi vô thức, khêu gợi sự tưởng tượng, liên tưởng, có sức lan tỏa thấm sâu đến người nhận. Hình tượng có sức đánh thức những kinh nghiệm tiềm ẩn trong vô thức mà ngôn ngữ tự nhiên không sánh kịp”[5]. Cảm nghiệm mang tính trực giác mà hình tượng văn học mang đến cho độc giả một phần dựa trên sự ẩn chứa yếu tố văn hóa trong ngôn ngữ. Đặc biệt, văn tự Hán gồm chữ có kết cấu đơn giản và chữ có kết cấu phức tạp đều có nguồn gốc hình vẽ. Bởi vậy, những dấu tích của những yếu tố hình họa, yếu tố biểu thị ý nghĩa trong chữ Hán, vẫn giữ một vai trò quan trọng giúp người đọc tìm hiểu tác phẩm, nhất là đối với thơ ca chữ Hán. Bỏ qua hình thể văn tự là chối từ một phần thú vị tác thành cái biểu đạt của kí hiệu, chối từ một thành tố tác thành tác phẩm văn chương.
Trong thơ chữ Hán, hình tượng quê hương đất nước không chỉ hiện lên qua cái biểu đạt như người mẹ, mái tranh, dòng sông, ngọn núi, lá cờ, con trâu, cánh đồng… mà hiển hiện trên hình thể chữ quốc. Khi bắt đầu xuất hiện, chữ quốc chỉ gồm hai nét ngang 二 và bộ khẩu 口. Hai nét ngang tượng trưng cho trời và đất còn bộ khẩu tượng trưng cho con người, hàm nghĩa trong một không gian nhất định có những con người tạo thành quốc gia. Sau đó, chữ quốc được gia thêm bộ qua 戈 hàm nghĩa dùng vũ khí bảo vệ con người. Tiếp đến chữ quốc được gia thêm bộ vi 囗 hàm nghĩa chủ quyền về lãnh thổ. Như vậy, trên hình thể chữ quốc 國 đã mang theo quan niệm về quốc gia có giới hạn cương vực (bộ nhị 二), có con người tồn tại (bộ khẩu 口), được bảo vệ bằng vũ khí (bộ qua 戈) và đảm bảo sự toàn vẹn, bất khả xâm phạm về cương giới, lãnh thổ (bộ vi 囗). Chữ quốc với đầy đủ những quan niệm này được cha ông ta khẳng định trong thơ ca từ thế kỉ X khi giàng được độc lập tự chủ: 國 祚 如 藤 絡/ 南 天 裏 太 平 / 無 為 居 殿 閣 / 處 處 息 刀 兵 (Quốc tộ như đằng lạc[6] / Nam thiên lí thái bình / Vô vi cư điện các / Xứ xứ tức đao binh - Vận nước như đằng lạc / Trời nam cõi thái bình / Vô vi[7] nơi điện các / Xứ xứ dứt đao binh)[8]. Thiền sư Đỗ Pháp Thuận[9] trả lời vua Lê Đại Hành về vận mệnh của đất nước có chủ quyền và khẳng định ý thức gìn giữ chủ quyền. Bài Nam quốc sơn hà ra đời vào thời Tiền Lê trong cuộc kháng chiến chống quân Tống của Lê Hoàn cũng cho thấy ý thức khẳng định chủ quyền mạnh mẽ của dân tộc. Hình thể chữ quốc với tất cả hàm nghĩa hội ý trong văn tự đã góp phần khẳng định vị thế của một quốc gia. Ý thức thực trân quý khi dữ liệu lịch sử còn ghi: Kể từ khi Ngô Vương Quyền giành lại độc lập năm 938, mãi 236 năm sau – năm 1174, người Trung Hoa mới công nhận nước ta là một quốc[10], còn trước đấy, người Trung Hoa chỉ coi Việt Nam là quận huyện của họ. Từ Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1009 đến Lí Anh Tông đều bị hoàng đến Trung Hoa gọi là An Nam quận vương [安 南 郡 王]. Chỉ một năm trước khi qua đời – năm 1774, Lí Anh Tông mới được Trung Hoa thừa nhận là An Nam quốc vương [安 南 國 王][11]. Tác phẩm văn học mang tính lịch sử, những kí hiệu văn học mang tính lịch sử, cái biểu đạt trong những kí hiệu văn học cũng mang tính lịch sử. Phải đặt những cái biểu đạt này vào hoàn cảnh ra đời của những cái được biểu đạt mới thấy hết tầm vóc và ý nghĩa của chúng.
1.2. Kí hiệu văn học và hình thể văn tự đơn lập tầm nguyên
Phương thức căn cứ vào kết cấu hình thể của chữ Hán để truy tìm ý nghĩa xa xưa của văn tự là hướng nghiên cứu xuất hiện hàng ngàn năm, không chỉ xuất hiện ở các nước đồng văn một thời như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… mà còn được đề cao ở các nhà Hán học khác[12]. Trong tiến trình phát triển văn tự Hán, có những hình thể văn tự hầu như không thay đổi nhưng có những hình thể văn tự thay đổi đến mức không nhận ra tự dạng ban đầu. Trong một tác phẩm thơ ca, không phải tất cả các chữ Hán đều cần và đều có thể đi sâu phân tích nghĩa lý khởi nguyên, tiến trình diễn biến hình thể. Nhưng nhìn chung, phân tích hình thể văn tự Hán sẽ đạt tới đích hiểu rõ hơn nghĩa của chữ, nhất là một số văn tự nếu không tầm nguyên sẽ không thấy được nghĩa lí hàm ẩn của ngôn từ. Tác phẩm Tư quy[13] của Nguyễn Trung Ngạn[14] vời vợi nỗi nhớ quê của người xa quê: 百 歲 能 堪 幾 別 離 / 異 鄉 久 客 未 成 歸 / 春 深 庭 院 槐 陰 合 / 日 暖 池 塘 絮柳 飛/ 萬 斛 鄉 愁 難 當 酒 / 三 分 病 骨 不 勝 衣 / 黃 塵 無 限 都 門 外 / 早 趁 南 薰 賦 式 微 (Bách tuế năng kham kỉ biệt li / Dị hương cửu khách vị thành quy / Xuân thâm đình viện hoè âm hợp / Nhật noãn trì đường nhứ liễu phi / Vạn hộc hương sầu nan đáng tửu / Tam phần bệnh cốt bất thăng y / Hoàng trần vô hạn đô môn ngoại / Tảo sấn Nam huân phú Thức vi – Bách tuế mấy lần nỗi biệt ly / Quê người làm khách chẳng hồi quy / Xuân lâu đình viện hòe xòa bóng / Trời ấm ao hồ liễu xanh ti / Vạn hộc hương sầu không nhấp chén / Ba phần bệnh tật chẳng nhung y / Bụi vàng vô hạn ngoài đô hội / Sớm khúc Nam huân[15], viết Thức vi[16]). Quê nhà hiển hiện qua cái biểu đạt như sân nhà (đình viện), hòe tỏa bóng mát (hòe âm hợp), ao chuôm (trì đường), tơ liễu bay (nhứ liễu phi)… Những cái biểu đạt này thấm đượm hình ảnh quê hương thân thương, ruột thịt và yên bình. Hình ảnh quê hương lại gửi gắm nỗi nhớ quê da diết đến độ muốn hát khúc Thức vi mà quay về. Hình thể văn tự góp phần làm sâu sắc hơn nỗi nhớ quê hương, trước hết ở nhan đề của tác phẩm với hai chữ Tư quy. Hiện tại, trong nhan đề bài thơ có bộ tâm (心 tượng hình trái tim, tượng trưng cho nỗi nhớ) trong chữ tư 思 và bộ chỉ (止 tượng hình chân người, hàm nghĩa bước chân trở về). Ý nghĩa đó thấm thía hơn khi tìm về hình thể cổ xưa của chữ tư. Bởi vì, chữ tư là chữ hội ý gồm bộ điền 田 và bộ tâm 心, mang nghĩa con người dốc tâm vào ruộng vườn, là kết quả sau quá trình diễn biến hình thể. Chữ tư thời xa xưa là chữ hội ý gồm tín 囟 khối óc và tâm 心 trái tim. Như vậy, nhan đề tác phẩm được tầm nguyên gồm bộ tín 囟 trí óc, bộ tâm 心 trái tim, bộ chỉ 止 bước chân đã thực sự trọn vẹn cho cuộc trở về. Hình thể chữ Hán là một phần cái biểu đạt giàu cho những cái được biểu đạt là quê hương đất nước và tình yêu quê hương đất nước. “Con đường đúng đắn để tìm hiểu ngôn từ văn học phải xuất phát từ sự thống nhất không tách rời giữa ngôn từ và ý thức xã hội”[17]. Thiết nghĩ, hành trình đi tìm ngôn ngữ ở thời điểm ra đời của văn tự như đãi cát tìm vàng, dù cái đạt được có thể không như kì vọng nhưng cũng đủ nuôi dưỡng niềm tin con đường kiếm tìm này mang đến giá trị có ý nghĩa.
2. Kí hiệu văn học được tạo nên từ hệ thống hình thể văn tự
2.1. Kí hiệu văn học được tạo nên từ những chữ Hán có hình thể tương đồng
Xem xét phương diện cấu tạo văn tự, chữ Hán có thể chia thành ba loại. Chữ biểu ý biểu đạt ý nghĩa trên hình thể của chữ, gồm chữ tượng hình, chữ chỉ sự và chữ hội ý. Chữ biểu âm là chữ biểu đạt âm đọc, không biểu đạt ý nghĩa trên hình thể của chữ, còn gọi chữ giả tá. Chữ biểu ý xen lẫn biểu âm gồm phần biểu thị âm đọc và phần biểu thị ý nghĩa trên hình thể của chữ viết, tên khác là chữ hình thanh. Trong hệ thống chữ Hán, chữ có yếu tố biểu đạt ý nghĩa trên hình thể chiếm một số lượng lớn, khoảng trên 90% chữ Hán[18]. Dưới góc độ kí hiệu học, những cái biểu đạt trong những kí hiệu này trở thành một hệ thống liên kết chặt chẽ, không tách rời. Chữ Hán có thành phần biểu nghĩa cùng một trường nghĩa cũng tăng thêm giá trị biểu đạt cho tác phẩm.
Trong thơ ca chữ Hán, mối quan hệ của hệ thống cái biểu đạt trong tác phẩm tường minh trên hình thể văn tự. Những bộ thủ tượng hình thuộc về con người như bộ tâm 心 (trái tim), ngôn 言 (lời nói), mục 目 (con mắt), khẩu 口 (miệng), túc 足 (chân), thủ (手 tay) cùng xuất hiện trong bài Hà Nội Văn Miếu hữu cảm của Nguyễn Khuyến[19] đã góp phần phác họa chân dung con người bất lực trước thời cuộc: 十 載 空 躋 舊 監 門/ 悠 悠 心 事 向 誰 論 / 奎 樓 未 斷 宵 鐘 響 / 碧 水 猶 招 夜月 魂 / 拭 目 沾 巾 吾 道 厄/ 拂 碑 看 字 古 人 存 / 往 來 時 有 村 墟 叟 / 巷 外 扶 筇 默 不 言 (Thập tải không tê cựu Giám Môn / Du du tâm sự hướng thuỳ luân (luận) / Khuê lâu vị đoạn tiêu chung hưởng / Bích thủy do chiêu dạ nguyệt hồn / Thức mục triêm cân ngô đạo ách / Phất bi khán tự cổ nhân tồn / Vãng lai thời hữu thôn khư tẩu / Hạng ngoại phù cung mặc bất ngôn – Thập tải bâng khuâng trước Giám Môn / Ngổn ngang trăm mối biết ai cùng / Lầu Khuê chưa dứt tiếng chuông muộn / Nước biếc còn vời hồn trăng trong / Lau mắt đẫm khăn, nay đạo khốn / Phủi bia xem chữ, cổ nhân còn / Xóm xa ông lão hằng qua lại / Ngõ nhỏ gậy khua, trầm mặc không) [20]. Bài thơ như một tiếng thở dài u uất của bậc Tam Nguyên đau đời mà không cứu được đời. Văn Miếu xây dựng năm 1070 dưới thời Lí Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử cùng các bậc hiền triết của Nho gia và Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An, người thầy đạo cao đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Quốc Tử Giám hoàn thành năm 1076 dưới triều Lí Nhân Tông, là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Nguyễn Khuyến đứng trước Văn Miếu Quốc Tử Giám là đối diện với quá khứ huy hoàng của dân tộc. Bậc Tam Nguyên cảm thán: ngô đạo khốn (đạo ta khốn ách). Triều Nguyễn tôn sùng Nho giáo nhằm giữ quốc gia thống nhất và củng cố chuyên chế. Nho giáo thời Nguyễn phát triển hơn nhưng cũng bảo thủ hơn. Khi Pháp xâm lược, nhà Nho đã dựa vào tư tưởng Nho giáo như cường thường, trung nghĩa… để chống ngoại xâm. Trong suốt quá trình thực dân Pháp chiếm lãnh thổ và chính quyền, phong trào yêu nước, cuộc vận động giành độc lập luôn song hành cùng cuộc vận động dân chủ, cải cách văn hóa. Vì thế, việc học khoa cử và bản thân nhà Nho dần bị đả kích, châm biếm. Một xu thế thay đổi giáo dục, nhất là thay đổi mục tiêu đào tạo con người khiến Nho giáo lâm vào cảnh suy thoái như Nguyễn Khuyến đã viết. Cảm xúc, nỗi niềm hoài cổ sâu lắng trong câu chữ với hàng loạt những chữ Hán mang bộ thủ thuộc về con người. Tâm sự ngồn ngang của nhà thơ hiển hiện trong bộ tâm 心 với từ du du (悠 悠 nỗi niềm dằng dặc); khát vọng đối thoại bày tỏ trong bộ ngôn 言, bộ khẩu 口 với các từ như thùy 誰 người nào, luận 論 bàn bạc, cổ 古 chuyện xưa; nỗi bâng khuâng, niềm hoài cổ hiển hiện qua các hành động như nhìn (目 mục), bước lên (躋 tê), vời gọi (招 chiêu), phủi (拭 phất), vịn vào (扶 phù)… Như vậy, hình thể văn tự chữ Hán cùng trường nghĩa là một phần cái biểu đạt của kí hiệu trong thơ ca chữ Hán, góp phần làm phong phú cái được biểu đạt trong tác phẩm văn chương.
Hứa Thận định nghĩa chữ tượng hình: 畫 成 其 物, 隨 體 詰 詘 (Họa thành kì vật, tùy thể cật truất). Nghĩa là: Dựa vào hình thể bên ngoài của sự vật mà họa lại, có khi miêu tả chỉnh thể, có khi miêu tả cục bộ, có khi miêu tả chính diện, có khi miêu tả mặt nghiêng. Đặc tính tượng hình của hình thể các chữ Hán, nhất là những chữ có các bộ thủ cùng trường nghĩa như cây cối, núi non, mưa gió, con người, tính chất… hội thành thông điệp, cái biểu đạt đáng lưu tâm trong thơ chữ Hán. Không gian thiên nhiên với hình hài, đường nét, hương sắc của cỏ cây hoa lá, sông hồ núi non, tịch dương nắng xế, gió mát trăng thanh ùa vào thơ: 水月 橋 邊 弄 夕 暉 / 荷 花 荷 葉 靜 相 依/ 魚 浮 古 沼 龍 何 在 / 雲 滿 空 山 鶴 不 歸 / 老 桂 隨 風 香 石 路 / 嫩 苔 著 水 沒 松 扉/ 寸 心 殊 未 如 灰 土 / 聞 說 先 皇 淚 暗 揮 (Thuỷ nguyệt kiều biên lộng tịch huy / Hà hoa hà diệp tĩnh tương y / Ngư phù cổ chiểu long hà tại / Vân mãn không sơn hạc bất quy / Lão quế tuỳ phong hương thạch lộ / Nộn đài trước thuỷ một tùng phi / Thốn tâm thù vị như hôi thổ / Văn thuyết tiên hoàng lệ ám huy - Trăng nước bên cầu đùa ánh tà / Sen hồ tĩnh lặng lá xen hoa / Ao xưa cá nổi, rồng vô định / Mây phủ núi mờ, hạc vẫn xa / Theo gió quế già thơm thạch lộ / Đẫm sương rêu nhạt lấp song hoa / Lòng son đâu đã như tro bụi / Nghe nói tiên hoàng, gạt lệ sa)[21]. Bài thơ Miết trì là của Chu Văn An[22] hiển hiện bức tranh thiên nhiên sinh động qua những chữ Hán thuộc bộ thủ tượng hình như bộ thảo 艹 tượng hình cho mầm cỏ với các từ hà (荷 sen), hoa (花 hoa), diệp (葉 lá), đài (苔 rêu); bộ mộc 木 tượng hình cây với các từ kiều (橋 cầu), quế (桂 cây quế), tùng (松 cây tùng); bộ thủy 水 tượng hình dòng nước trong các từ phù (浮 nổi), chiểu (沼 ao), một (沒 chìm lấp), mãn (滿 nước tràn đầy); bộ nhật 日 tượng hình mặt trời trong từ huy (暉 ánh sáng), ám (暗 mờ tối); bộ điểu 鳥 tượng hình chim trong trong từ hạc 鶴; bộ hỏa 火 tượng hình ngọn lửa trong từ hôi (灰 tro bụi); bộ phong 風 hàm nghĩa gió khiến côn trùng sinh sôi; bộ nguyệt 月 tượng hình vầng trăng khuyết; bộ tịch 夕 tượng hình trăng non; ngư 魚 tượng hình con cá; long 龍 tượng hình con rồng; vân 雲 là hơi nước bốc thành mây; bộ sơn 山 tượng hình ngọn núi; bộ thạch 石 tượng hình đá bên sườn núi…
Như vậy, tự thân hình thể chữ Hán với tính chất tượng hình đã tác thành bức tranh sinh động góp phần làm cho cái biểu đạt trong tác phẩm văn chương có nhiều tầng vỉa văn hóa cần được khám phá, tìm tòi, suy ngẫm. Phân tích kĩ hơn về tính biểu ý của văn tự Hán cho thấy những chữ tượng hình hoặc yếu tố tượng hình đã trải qua quá trình biến đổi lâu dài. Quá trình biến đổi đã loại bỏ gần hết những yếu tố đồ họa rườm rà, loại bỏ gần hết dấu tích hình vẽ nhưng chữ Hán biểu ý cơ bản vẫn là những kí hiệu có hình thể cố định mang tính tượng hình. Tính tượng hình này quan hệ mật thiết với các yếu tố khác trong toàn tác phẩm văn chương.
2.2.Kí hiệu văn học được tạo nên từ những chữ Hán có hình thể khu biệt
Là một phần cấu thành nên cái biểu đạt trong tác phẩm văn chương, hình thể chữ Hán cũng có sự tương đồng và khác biệt. Sự khu biệt của hình thể văn tự trở thành một cơ sở để hiểu cái được biểu đạt trong tác phẩm. Đến đây, bài viết trở lại khái niệm bộ thủ trong chữ Hán. Dựa vào kết cấu và mối quan hệ giữa ba mặt hình thể, âm đọc, ý nghĩa của văn tự Hán, Hứa Thận (58 -147, Trung Quốc) đã chia 9353 chữ Hán thành 540 đơn vị tập hợp gọi là bộ. Các chữ trong mỗi bộ liên quan chặt chẽ với nhau, đặc biệt về mặt ý nghĩa. Trong mỗi bộ, Hứa Thận chọn một chữ tiêu biểu cho cả đơn vị tập hợp gọi là bộ thủ. Đến đời Minh (Trung Quốc), Mai Ưng Tộ đã sắp xếp lại các bộ chữ Hán của Hứa Thận và chỉ giữ lại 214 bộ. Phần lớn các bộ thủ đều là chữ tượng hình và được dùng làm kí hiệu chỉ ý của chữ hình thanh. Bộ thủ trở thành cơ sở để hệ thống hóa kho chữ Hán đồ sộ và phức tạp. Khi tìm hiểu các kí hiệu trong tác phẩm thơ ca chữ Hán, bộ thủ chữ Hán là một nhân tố quan trọng để nhận diện và khu biệt hình thể văn tự Hán.
Bộ thủy tượng hình cho dòng nước chảy như Thuyết văn giải tự viết: Thủy chuẩn dã. Bắc phương chi hành. Tượng chúng thủy tịnh lưu, trung hữu vi dương chi khí dã. (水 准 也. 北 方 之 行. 象 眾 水 並 流, 中 有 微 陽 之 气 也. Nước mang đặc tính bằng phẳng. Theo thuyết Ngũ hành, thủy thuộc phương Bắc. Chữ thủy tượng hình những dòng nước chảy về một chỗ, ở giữa có dương khí nhưng mờ nhạt). Thuyết văn giải tự viết về bộ tâm như sau: Tâm nhân tâm, thổ tạng, tại thân chi trung. Tượng hình. Bác sĩ thuyết dĩ vi hỏa tạng. (心 人 心, 土 藏, 在 身 之 中. 象 形. 博 士 說 以 為 火 藏. Tâm là chữ tượng hình quả tim. Theo thuyết Ngũ hành, tâm thuộc hành Thổ vì ở giữa cơ thể con người). Trong Hoành Sơn vọng hải ca của Cao Bá Quát[23] xuất hiện của những chữ Hán thuộc bộ thủy 水 và những chữ Hán thuộc bộ tâm 心: 君 不 見: 海 上 白 波 如 白 頭/ 怒 風 撼 破 萬 斛 舟/ 雷 驅 電 搏 慘人 目/ 中 有 點 點 浮 輕 鷗 / 海 氣 捲 山 山 似 指/ 山 北 山 南 千 萬 里/ 功 名 一 路 幾 人閑 / 冠 蓋 紛 紛 我 行 矣 (Quân bất kiến: Hải thượng bạch ba như bạch đầu/ Nộ phong hám phá vạn hộc châu / Lôi khu điện bác thảm nhân mục / Trung hữu điểm điểm phù khinh âu / Hải khí quyển sơn, sơn tự chỉ / Sơn bắc sơn nam thiên vạn lí / Công danh nhất lộ kỉ nhân nhàn / Quán cái phân phân ngã hành hĩ - Ngài không thấy: Trên biển ba đào tựa mái đầu / Tung hoành gào thép thuyền chìm sâu / Sấm vang chớp giật nhân tâm hãi / Vô định phù trầm đàn chim âu / Khí biển trùm non, non vút cao / Bắc nam thăm thẳm, đường xa xôi / Công danh một nẻo, ai nhàn hạ / Hoạn lộ thăng trầm, ta đi thôi) [24]. Bài thơ có ba chữ Hán thuộc bộ thủy gồm hải (海 biển), ba (波 sóng), phù (浮 nổi) và hai chữ Hán thuộc bộ tâm gồm nộ (怒 tức giận) và thảm (慘 thảm thương). Chữ Hán thuộc bộ thủy biểu đạt về thiên nhiên, chữ Hán thuộc bộ tâm liên quan đến trạng thái tinh thần của con người. Thiên nhiên mênh mông, dữ dội khiến cho mọi thứ đều trở nên bé nhỏ, trầm phù. Biển khơi cuộn sóng chẳng khác gì cơn ba đào của thời cuộc. Con người nhỏ nhoi vô cùng trước biển, tâm trạng chất chứa uất hận. Họ phản ứng ra sao trước hoàn cảnh? Bất lực và đầu hàng hay tiếp bước và chiến đấu? Sự khác nhau của các cá thể, quan niệm nhân sinh, khả năng tự cường quyết định sự chọn lựa và cách giải quyết mối mâu thuẫn này. Cao Bá Quát đã chọn một con đường riêng và trở thành một biểu tượng đáng ngưỡng vọng của thời đại. Những hình thể văn tự tương đồng từ yếu tố biểu ý của văn tự đã tạo thành hệ thống liên kết chặt chẽ giữa ngôn từ và hình tượng, giữa hình tượng và tư tưởng tình cảm mà tác giả kí thác trong tác phẩm.
Như vậy, thơ ca chữ Hán Việt Nam là một phần di sản trong văn hóa thành văn của dân tộc. Tác phẩm cổ nhân để lại được tìm hiểu một cách trọn vẹn nếu tất cả những yếu tố cấu thành tác phẩm được khám phá, tìm tòi. Cái biểu đạt được ý thức đầy đủ thì những cái được biểu đạt ắt được cảm nghiệm, giải mã, phân tích thấu đáo. Hình thể chữ Hán xứng đáng trở thành một yếu tố không thể bỏ qua khi nghiên cứu tác phẩm thơ ca chữ Hán Việt Nam, đặc biệt là nghiên cứu bằng phương pháp kí hiệu học. Với hệ thống dẫn liệu của bài viết là tác phẩm của những tác giả lớn trong văn học Việt Nam, trong đó có tác giả được chọn lựa trong nhà trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, chúng tôi hy vọng bước đầu gợi mở đối với quá trình dạy học thi ca chữ Hán, hy vọng giáo viên sẽ từng bước giúp học sinh nhận thức về một phần cấu thành nên kí hiệu văn học, mang thông điệp về giá trị văn chương.
Tư liệu tham khảo chính
1. IU.M.Lotman (Người dịch: Lã Nguyên, Đỗ Hải Phong, Trần Đình Sử), Kí hiệu học văn hóa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2016.
2. Trần Đình Sử, Trên đường biên của lí luận văn học,Nxb. Văn học, H., 2014.
3. Nguyễn Đăng Na, Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, NXB. Giáo dục, H., 2005.
4. Đặng Đức Siêu – Nguyễn Ngọc San, Ngữ văn Hán Nôm, Nxb. Giáo dục, 1995.
5. 許 慎, 說 文 解 字, 上 海 古 書 出 版 社, 上 海, 2011.
[1] Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872): vốn tên là Nguyễn Văn Định, tự là Tốn Ban 遜 班, hiệu là Phương Đình và Thọ Xương cư sĩ, thụy là Chí Đạo. Các tác phẩm của ông gồm Phương Đình thi loại, Phương Đình văn loại, Phương Đình tùy bút lục, Đại Việt địa dư toàn biên…
[2] Văn bản bài thơ thuộc Phương Đình thi loại, kí hiệu VHv.838/1-4 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN).
[3] Hứa Thận, tự Thúc Trọng, người đất Thiếu Lăng, giữ chức Thái úy tế tửu thời Đông Hán. Ông học rộng, biết nhiều, nổi tiếng một thời. Bộ Thuyết văn giải tự được ông biên soạn công phu trong 22 năm, gồm 30 cuốn với số chữ được giải thích là 9353 chữ. Trong tác phẩm của mình, Hứa Thận đã nghiên cứu, chỉnh lý và tổng kết những thành quả quan trọng của nhiều nhà kinh học (chuyên nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Nho gia), huấn hỗ học (chuyên giải thích từ ngữ thiên chương trong các tác phẩm kinh điển đó) và văn tự học (chuyên nghiên cứu về văn tự Hán). Ông đã giải thích khá tường tận về hình thể, âm đọc, ý nghĩa của phần lớn những từ chủ yếu trong từ vựng Hán ngữ đương thời.
[4] Trần Đình Sử, Trên đường biên của lí luận văn học,Nxb. Văn học, H., 2014, tr.143.
[5] Trần Đình Sử, Trên đường biên của lí luận văn học,Nxb. Văn học, H., 2014, tr.155.
[6] đằng lạc: loài cây nương cổ thụ, lá và ngọn vươn thẳng, tượng trưng cho thư pháp, văn chương, khí thế thịnh vượng.
[7] vô vi: Theo Đạo giáo, vô vi chỉ việc thuận theo tự nhiên. Theo Phật giáo, vô vi (từ Asamskarta trong tiếng Phạn) diễn tả sự hình thành không do nhân duyên tương hợp, vượt lên hiện tượng sinh diệt biến hóa. Khái niệm vô vi cũng được Nho gia chỉ phương sách đức trị. Trong Quốc tộ, vô vi chủ yếu theo tinh thần Nho giáo và có dung hòa với tư tưởng khác.
[8] Văn bản tác phẩm thuộc Thiền uyển tập anh quyển hạ, kí hiệu VHv.1267 tại VNCHN.
[9] Đỗ Pháp Thuận (915 - 990): không rõ tên thật và quê quán, thuộc thế hệ thứ mười dòng thiền Nam phương do Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) sáng lập sau khi truyền đạo vào nước ta năm 580. Đỗ Pháp Thuận xuất gia từ nhỏ, học rộng có tài, thấu hiểu thời thế. Ông phò tá nhà Lê (980 -1009) lên thay nhà Đinh (968 – 980), được Lê Đại Hành kính trọng và giao phó nhiều việc trọng đại của quốc gia.
[10] Đại Việt sử lược, NXB. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1960, tr.151. Đại Việt sử kí toàn thư, T.1, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1972 (in lần 2) ghi 1164.
[11] Nguyễn Đăng Na, Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, NXB. Giáo dục, H., 2005, tr.84.
[12] P.Wieger , Caractères Chinois, Peskin, 1899; I.X.Lixêvích, Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc, Trần Đình Sử dịch, Nxb. Giáo dục, 2000.
[13] Văn bản bài thơ thuộc Giới Hiên thi tập, kí hiệu A.601 tại VNCHN.
[14] Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, sinh tại làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, lộ Khoái Châu (nay thuộc Hưng Yên). Tác phẩm của ông gồm Hoàng triều đại điển và Hình thư (soạn chung với Trương Hán Siêu, hiện đang thất lạc), Giới Hiên thi tập, Ma nhai kỷ công văn...
[15] Nam huân: khúc Nam phong, sáng tác của Ngu Thuấn. Trong đó có viết: Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngã dân chi uấn hề (南 風 之 薰 兮,可 以 解 吾 民 之 愠 兮. Gió Nam thơm có thể giải bỏ nỗi uất hận của dân ta).
[16] Thức vi: phần Bội phong trong Kinh thi viết: Thức vi, thức vi, hồ bất quy? (式 微 式 微, 胡 不 歸? Suy vi, suy vi, sao không trở về?). Thức là ngữ khí từ, vi hàm nghĩa suy vi. Thức vi hàm nghĩa tư tưởng suy thoái, xã hội tha hóa, vạn vật tàn lụi.
[17] Trần Đình Sử, Trên đường biên của lí luận văn học,Nxb. Văn học, H., 2014, tr.168.
[18] Ngữ văn Hán Nôm, Đặng Đức Siêu – Nguyễn Ngọc San, Nxb. Giáo dục, H., 1995, tr.117.
[19] Nguyễn Khuyến (1835 - 1909): vốn tên là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, nguyên quán tại làng Và, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Tác phẩm của ông gồm Quế Sơn Tam Nguyên thi tập, Tam Nguyên Yên Đổ thi ca, Yên Đổ Tiến sĩ thi văn …
[20] Văn bản bài thơ thuộc Quế Sơn Tam Nguyên thi tập, kí hiệu VHv.2154 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
[21] Văn bản bài thơ thuộc Toàn Việt thi lục, Quyển 3, kí hiệu A.132 tại VNCHN.
[22] Chu Văn An (1292 - 1370) tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn và Khang Tiết Tiên sinh, thụy là Văn Trinh, nguyên quán tại thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Ðàm (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội). . Tác phẩm của ông gồm: Thất trảm sớ (hiện đang thất lạc), Tiều Ẩn thi tập (hiện đang thất lạc), Tiều Ẩn quốc ngữ thi tập (hiện đang thất lạc), Tứ thư thuyết ước (hiện đang thất lạc), Thanh Trì Quang Liệt Chu thị di thư (đang tồn nghi về tác giả) và một số bài thơ trong các sách Toàn Việt thi lục, Chu Văn An hành trạng, Phượng Sơn từ chí lược.
[23] Cao Bá Quát (1808 - 1855): tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường và Mẫn Hiên, sinh tại Phú Thị, Gia Lâm (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội). Ông sáng tác cả chữ Hán và chữ Nôm gồm Cao Bá Quát thi tập, Cao Chu Thần di cảo, Cao Chu Thần thi tập, Mẫn Hiên thi tập, Mẫn Hiên thi văn tập, Tài tử đa cùng phú …
[24] Văn bản bài thơ thuộc Cao Chu Thần thi tập, kí hiệu A.299 tại VNCHN. Các bản dịch thơ dẫn liệu trong bài viết này do người viết dịch.