Hán nôm

THƠ CA NGUYỄN BẢO – VĂN BẢN VÀ TÁC PHẨM


15-10-2020
Tác giả: Hà Minh - Vũ Anh Tuấn Khoa Ngữ văn – Trường ĐHSP Hà Nội

Tóm tắt: Nguyễn Bảo, nhà thơ - danh nhân văn hóa Việt Nam, là một trong những nhân vật trọng yếu trên nhiều lĩnh vực hoạt động ở thế kỉ XV. Thơ ca của Nguyễn Bảo có nhiều đặc sắc riêng về nội dung và nghệ thuật cần được nghiên cứu, giới thiệu. Bài viết này khái quát, xác lập văn bản thơ ca của Nguyễn Bảo trong các thư tịch Hán Nôm, trên cơ sở đó khẳng định vị trí quan trọng của ông trong lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại. Từ khóa: Nguyễn Bảo, văn bản, Hán Nôm, khảo sát, trung đại

1. Nguyễn Bảo 阮保 (1452 - 1502) hiệu Châu Khê, người làng Phương Lai, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam (nay là làng Tri Lai, Thành phố Thái Bình). Lúc mới 20 tuổi, ông đậu Tiến sĩ khoa Nhâm thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472) triều Lê Thánh Tông, được đặc cách cử làm Học sĩ tòa Đông các chuyên dạy các hoàng tử. Năm 1490, ông được cử làm Tả Tư giảng, giảng dạy cho Thái tử ở Tả Xuân đường. Ít lâu sau, ông ra làm Tham nghị ở Hải Dương. Năm 1495, Nguyễn Bảo lại về triều làm Tả thuyết thư, tiếp tục giảng dạy cho Thái tử. Có thể nói, ông đã dành hết tâm sức để dạy dỗ Thái tử Tranh (vua Lê Hiến Tông sau này), cũng vì thế, ông được Lê Thánh Tông rất sủng ái. Hiến Tông lên ngôi, ông được cử làm Lễ bộ Thượng thư (năm 1501), kiêm chức Thị độc Hàn lâm viện. Vào thời gian này, ông vâng sắc soạn bài minh để khắc vào bia ở am Hiển Thụy núi Phật Tích. Ông được trí sĩ sau đó và sống cuộc sống giản dị ở quê nhà, sau vài năm thì mất. Khi mất được truy tặng tước Thiếu Bảo.

Với sự nghiệp và trước tác đa dạng, phong phú để lại, Nguyễn Bảo được ghi nhận là một nhà chính trị, một nhà khoa bảng, một nhà giáo, một nhà sử học, một nhà văn, một nhà thơ, một nhà biên khảo… tiêu biểu ở thế kỉ XV. Với mỗi tư cách, ông đều có những cống hiến to lớn cho lịch sử dân tộc, xứng đáng là danh nhân văn hóa tiêu biểu của nước Việt văn hiến. Thơ ca Nguyễn Bảo là kết tinh giá trị thơ ca thời trung đại ở nhiều phương diện. Tuy thế, nghiên cứu - giới thiệu về Nguyễn Bảo còn chưa có hệ thống. Bên cạnh những đánh giá khái quát về thơ Nguyễn Bảo trong một số từ điển, giáo trình lịch sử văn học, hiện mới chỉ có một tiểu luận [1] trình bày những luận điểm khái quát về cuộc đời, sự nghiệp văn chương đồng thời dịch chú một phần nhỏ thơ ca của ông. Trong đó, vấn đề văn bản thơ Nguyễn Bảo cũng chưa từng được tổng hợp, khảo luận. Một tác giả văn học có vị trí quan trọng như Nguyễn Bảo, chắc chắn cần được quan tâm nghiên cứu sâu rộng hơn.

2. Một số khía cạnh văn bản và tác phẩm thơ ca của Nguyễn Bảo

2.1. Vài nét về văn bản thơ ca của Nguyễn Bảo

Theo các tài liệu hiện còn khảo chứng được, về thơ ca, ngoài bài minh khắc trong văn bia am Hiển Thuỵ như nói trên [2], Nguyễn Bảo có Châu Khê tập gồm 8 quyển, do học trò là Tiến sĩ Trần Củng Uyên sưu tầm, biên tập và viết tựa. Tập thơ này nay đã thất truyền, nhưng may mắn đã được Lê Quý Đôn tuyển hơn 160 bài vào Toàn Việt thi lục. Các thi tuyển đời sau ghi chép thơ Nguyễn Bảo, như Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích chẳng hạn, hẳn đều dựa vào bộ sách của Lê Quý Đôn cả.

Qua khảo sát tư liệu, hiện còn biết được 164 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Bảo, trong đó có 5 bài cổ thể, 159 bài cận thể. Các tài liệu ghi chép thơ Nguyễn Bảo, ngoài Toàn Việt thi lục, còn có Hoàng Việt thi tuyển và một vài bộ sách khác sao chép lẻ tẻ một số bài. Nhưng các bài thơ này đều đã xuất hiện trong Toàn Việt thi lục. Vì thế, có thể nói, hiện tại, nghiên cứu các bản sao Toàn Việt thi lục sẽ giúp có được cái nhìn đầy đủ nhất về diện mạo di sản thơ ca của ông. Chúng tôi đã khảo sát 4 bản Toàn Việt thi lục được cho là tốt nhất hiện nay, gồm các bản: HM. 2139 (bản A); A. 1262 (bản B); A. 3200 (bản C); A. 132 (bản D), từ đó so sánh đối chiếu với một số thư tịch Hán Nôm liên quan để tổng kết, thống kê về thơ Nguyễn Bảo. Đây là con số (và danh mục) lần đầu tiên được công bố [3], góp phần cung cấp tư liệu để chính thức xác nhận vị trí quan trọng của Nguyễn Bảo trong lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại. Theo đó, có thể tổng hợp số liệu khảo sát như sau:

Số lượng bài thơ có trong cả 4 bản: 150; số bài thơ có trong 2 – 3 bản: 3; số bài thơ chỉ xuất hiện trong 1 bản (chủ yếu là bản D): 11. Tổng cộng là 164 bài (phần tiểu truyện tác giả thống kê là 150 bài, không đúng với thực tế). Như vậy, tính ổn định và xác thực về mặt văn bản trong việc ghi chép thơ ca của Nguyễn Bảo ở Toàn Việt thi lục khá cao. Tổng số lượt bài khuyết thiếu câu chữ ít, chỉ chưa đến 5 bài, nhưng những câu chữ khuyết thiếu này đều được được bù đắp qua khảo dị, so sánh với các bản khác. Trong các thư tịch có ghi chép thơ ca Nguyễn Bảo, số lượng và thứ tự các bài thơ (chắc chắn và chủ yếu thuộc Châu Khê thi tập của ông) có sự xuất nhập, trồi sụt nhất định. Nên cần thiết phải có sự kê cứu, thẩm định chặt chẽ.

Trong 4 bản Toàn Việt thi lục được lựa chọn để khảo sát, so sánh đối chiếu văn bản, chúng tôi nhận thấy, trong việc ghi chép thơ Nguyễn Bảo, ngoài những đặc điểm chung, mỗi bản đều có những đặc sắc riêng: Tất cả các bản đều ghi chép được tiểu truyện về tác giả, là cơ sở tư liệu tin cậy để nghiên cứu về tiểu sử, sự nghiệp, thơ ca của Nguyễn Bảo. Các bản A và B có số lượng bài thơ, trình tự ghi chép các bài thơ theo sát nhau, chữ viết ít sai sót hơn. Đây là các bản sao đời Lê (hoặc cùng có nguồn gốc là một bản sao đời Lê), vì thế nên có độ tin cậy cao hơn. Bản D, có số lượng tác phẩm nhiều hơn cả, nhiều hơn đến 10 bài so với các bản còn lại. Đây lại là một bản sao mới do Viện Viễn Đông bác cổ thuê sao, do thế có thể làm nảy sinh những nghi ngờ về tính trung thực của nó. May mắn là, qua đối chiếu văn bản, những bài chỉ có ở bản D này, hiện không tìm thấy trong bất cứ một tài liệu nào khác, thành thử khó có cơ sở để phủ nhận độ tin cậy trong việc ghi chép (thơ Nguyễn Bảo) của nó... Một mặt khác, kết quả so sánh các văn bản cho thấy, dị văn trong thơ của ông xuất hiện khá nhiều. Chúng tôi thống kê được trên 100 lượt dị văn / 164 bài thơ, phần lớn các dị văn này (không tính các trường hợp sai sót, nhầm lẫn tự dạng) đều có thể lí giải được, điều này cho phép tiến hành các nghiên cứu tiếp theo trong xác lập văn bản quy phạm của phần thơ ca Nguyễn Bảo.

Trên cơ sở nhận thức chung như vậy, có thể tạm kết luận rằng: Diện mạo thơ ca Nguyễn Bảo trong hệ thống thư tịch Hán Nôm, cụ thể là trong hệ thống bản sao của Toàn Việt thi lục, tuy chỉ còn một phần, nhưng được phản ánh khá trung thực. Chúng ta có thể tiến hành hiệu chỉnh, dịch thuật, khảo dị, công bố toàn bộ di sản thơ ca của Nguyễn Bảo, nhằm tiến tới xác lập vị trí quan trọng của ông trong lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại. Đây cũng là công việc nòng cốt và khó khăn nhất trong việc khảo cứu để xây dựng hồ sơ tác giả Hán Nôm Nguyễn Bảo.

2.2. Giá trị thơ ca của Nguyễn Bảo

Trong sự nghiệp trước tác của Nguyễn Bảo, thơ ca là bộ phận dặc sắc, thể hiện cống hiến quan trọng nhất của ông. Thơ ông có nội dung phong phú, bao gồm nhiều mảng đề tài lớn, như: đề tài viết về cảnh sắc những miền quê, đề tài viết về lịch sử - phong vật đất nước, đề tài viết về đời sống nông thôn... Điểm chung của các đề tài trên đó là đều thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống,  con người của tác giả. Những vần thơ thật đẹp, thật giản dị, chân chất nhưng sâu xa, là niềm thương nước, ưu dân… được lọc qua một tâm hồn đồng điệu, tinh tế.

Thể hiện niềm xúc động, tự hào sâu sắc về cảnh trí quê hương. Bài phú Hoàng giang phong thổ thị môn sinh (Vịnh phong thổ miền Hoàng giang [để gửi gắm tâm sự] với học trò) có thể coi là tác phẩm độc đáo nhất trong thơ Nguyễn bảo. GS. Bùi Duy Tân phân tích đại ý:  Hoàng giang là tên sông vùng hạ lưu sông Hồng, có nhiều chi lưu chảy xuyên sâu vào các vùng đất Thái Bình rồi đổ ra biển. Ba nhà thơ lớn nhất của nửa sau thế kỉ 15 đều có thơ đề vịnh con sông này. Lê Thánh tông có bài Hoàng giang điếu Vũ nương, Thái Thuận có bài Hoàng Giang tức cảnh. Bài của Nguyễn Bảo hơn 50 câu, được viết với những lời thơ hào sảng, những nét bút hoành tráng, cực tả vẻ bao la, hùng vĩ của một vùng sông nước. Với xúc động sâu xa về cảnh quan kì thổ, về truyền thống văn vật của quê hương, Nguyễn Bảo đã biến bài thơ thành một thiên sử thi nho nhỏ, trong đó có cảm xúc hào hùng, tưng bừng sống động của một vùng sông nước đất trời mênh mông kì vĩ: “Các anh thấy chăng, nguồn nước sông Hoàng, Từ trời rót xuống tràn khắp nước Nam. Cửa Long Vương ào ạt chảy tràn, Gò Đại Toàn nước dâng cuồn cuộn. Thế nước mênh mông ngang tầm biển lớn, Viền quanh đất Việt như dải gấm là, Dằng dặc muôn trùng sóng dậy ráng pha…”. Và niềm tự hào văn vật quê hương, một vùng địa linh nhân kiệt: “Đất phù du chung đúc khí thiêng, Các đời vẫn sinh sôi tuấn kiệt”… Nhà thơ vui mừng thấy mệnh mạch văn hóa của vùng đất Hoàng Giang không ngừng phát triển, nhiều bậc đại khoa tuấn kiệt bước tiếp cha anh: “Môn sinh ta lắm người giỏi, Sĩ tử ta đều thành danh. Đêm nghe tin vui thao thức thâu canh, Ngày từng ước mong bồi hồi trước cửa. Nguyện đem sự nghiệp nối chí người xưa, Dẫn dụ đàn em đường hoa bước tiếp…”. Bài phú này có phong cốt độc đáo, một áng văn thực sự hiếm quý trong dòng thơ Việt cổ, có thể xem là tuyệt tác đầu tiên ca ngợi văn hiến và cảnh thổ Thái Bình (Bùi Duy Tân, lược dẫn theo [4]). Gắn bó với những miền quê là gắn bó với con người, với tình bạn. Đây là những vần thơ nói lên tình cảm sâu thẳm tự đáy lòng khi tiễn bạn về quê của ông: “Lập công quân sự với bang giao, Rồi mới vinh quy thế mới hào. Trong quận nhân tâm càng tín phục, Trước thềm cổ thụ lại thêm cao. Mưa đêm thấy mộng về quê quán, Hiếu kính mong đền nghĩa lớn lao” (Tiễn cấp sự Vương Công hồi hương).

Nguyễn Bảo thường kết tri kỉ với những người đồng hương. Có lẽ tình cảm của những con người xa quê hương chính là sự đồng điệu gắn kết những con người lại với nhau. Những vần thơ giản dị nhưng chân tình: “Mắt dõi Hoan châu đất phía Nam, Đường về một vệt núi xanh lam. Mây sà ngoài biển buồm cô lướt, Nước nối trời sông sóng lớn tan” (Tiễn bạn về Nghệ An thăm đấng thân). Khi đọc những câu thơ này, có cảm giác phảng phất đâu đó hơi thơ Đường, với cảnh tiễn biệt trên sông Trường Giang, “Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu – Yên ba tam nguyệt há Dương Châu” [5]. Vẫn cảnh thiên nhiên hùng vĩ với trời mây, thậm chí còn rộng mở hơn với biển và sông, nhưng người đọc có cảm giác quen thuộc, sự vật được nhắc đến trong câu thơ đúng là cảnh nước Nam ta chứ không lạc lối trong dòng sông Trường Giang của phương Bắc. Vẫn là cảm giác buồn man mác khi tiễn bạn lên đường nhưng trong thơ Nguyễn Bảo, người ta thấy sự gần gũi, bình dị, mang một vẻ đẹp riêng, khác biệt với cảm giác tiễn đưa sầu li trong thơ của Lí Bạch.

Ngoài tình bạn thì tình cha mẹ cũng là một tình cảm đẹp khi nhà thơ viết về những miền quê. Tuy không trực tiếp nhắc đến cha mẹ, nhưng đan cài vào những bài thơ là tình cảm hiếu kính của một người con xa quê với cha mẹ đã khuất của mình. Tình cảm ấy đôi khi là sự mừng vui thay cho người bạn về quê thăm mẹ già: “Về quê nay được mừng hầu mẹ, Tóc bạc tươi cười đẹp phận con” (Tiễn bạn về Nghệ An thăm đấng thân). Có khi nhà thơ chia sẻ những suy nghĩ của mình về đạo hiếu: “Đốt lò, màu hương biếc, Màu be sắc rượu hồng. Người xưa khoe “trú cẩm”, Đạo hiếu giống ai không!”(Tiễn người về làng).

Nguyễn Bảo là nhà thơ gắn bó tha thiết với quê hương mình, tuy thân ở nơi quán các nhưng có lẽ không lúc nào nhà thơ nguôi nỗi nhớ quê. Trong tâm tư của tác giả, tình cảm dành cho quê hương không chỉ dành cho người quê mà còn dành cho cảnh quê. Cảnh quê hiện lên trong thơ Nguyễn Bảo với bức tranh thôn dã bình dị và lồng trong đó là sự gắn kết giữa nhà thơ và người làm ruộng, “Ngồi ôm đống sách nghe chim giục, Làm ruộng toan tìm hỏi lão nông” (Tức sự ngày xuân). Đọc thơ Nguyễn Bảo người ta sẽ thấy vô cùng thân thuộc, bởi nhà thơ không miêu tả những gì xa vời mà đơn giản chỉ là cảnh sinh hoạt nơi thôn dã của những người dân quê. Đây là bức tranh lao động bình dị của một gia đình dân cày: “Phân phất mưa phùn, xâm xẩm mày, Mặc manh áo ngắn giục trâu cày. Nàng dâu sớm đã gieo dưa đó, Bà lão chiều còn xới đậu đây. Mía cạnh giậu tre đang nảy ngọn, Khoai trong đám cỏ đã xanh cây. Điền viên nghĩ thật nguồn vui thú, Dẫu chẳng hành môn đói cũng khuây” (Cuối xuân ở thôn Trừng Mại). Một bức tranh thật đẹp với người chồng cày ruộng, người vợ gieo dưa và bà mẹ xới đậu. Gia đình ấy tuy vất vả với “manh áo ngắn”, “xâm xẩm mày” trong thời tiết “phân phất mưa phùn” nhưng người đọc thấy được sự gắn kết giữa những con người trong một gia đình. Bức tranh lao động thôn quê tuy cực nhọc vất vả, nhưng người đọc thấy một niềm vui lan tỏa, đầm ấm. Văn học trung đại thường mang tính quy phạm cao, ưa những hình ảnh ước lệ như trăng, mây, gió, tuyết… nhưng trong thơ Nguyễn Bảo, ta bắt gặp những hình ảnh đời thường mà mới lạ đến bất ngờ, tiếng gà trong những vần thơ này là một ví dụ: “Gà trời tiên ứng ở vầng dương, Hạ giới chờ khi gáy rộn rang. Vành lửa biển xanh vừa tỏa sáng, Đào đô cánh ấm vừa rền vang” (Gà trời). Vui với niềm vui của dân cày, tâm hồn “lão nông” Nguyễn Bảo hòa cùng nhịp sống của người canh tang, tứ thơ chân thật từ đó mà sinh thành: “Đầy trời mây ấm trĩu mờ trôi, Mưa móc vui nhìn sự nảy chồi. Lúa tựa che bê sau tháng chạp, Đất như bôi mỡ lúc mưa rơi”(Mưa xuân).

Nguyễn Bảo viết về những miền quê với một tấm lòng yêu quê tha thiết. Người ta thấy những bức tranh với đường nét, màu sắc, âm thanh, có lúc giống như tranh thủy mặc, có lúc lại rất sống động như chính cuộc sống đang hiện ra trước mắt. Tâm hồn nhà thơ lắng nghe những biến động tinh vi nhất của cuộc sống và tự nhiên. Chỉ một tiếng gà, một làn khói lúc tinh sương, một chút mưa, một chút sấm cũng đủ để nhà thơ rung động. Nhưng để biến những chất liệu cuộc sống ấy thành thơ thì người ta cần đến một cái tài. Từ niềm yêu mến quê hương một cách giản dị, thơ Nguyễn  Bảo đã phản ánh được phần nào những nét đặc trưng của văn hóa làng xã Việt Nam, của những vùng quê nghèo nhưng chứa chan tình người. Con người thực sự đẹp trong lao động. Đó là vẻ đẹp của sự khỏe khoắn, dẻo dai. Nhà nghiên cứu Mai Cao Chương đã khái quát: “Thơ Nguyễn Bảo thể hiện một phong cách bình dị. các chi tiết miêu tả đều cụ thể, sinh dộng, giữ nguyên vẻ chất phác hồn nhiên của đời sống. Cảnh vật và con người trong thơ ông mang đậm nét của hình ảnh nông thôn quen thuộc, tình cảm của thơ ông cũng là tình cảm của con người gắn bó với làng mạc, ruộng đồng” [6]. Còn GS.Nguyễn Huệ Chi nhìn phong cách thơ Nguyễn Bảo trong diễn trình vận động hướng vào đời sống của văn chương cổ Việt Nam với những đánh giá xác đáng: “Nguyễn Bảo là một trong những nhà thơ viết về sinh hoạt nông thôn sớm nhất trong lịch sử văn học Việt Nam” [7].

Viết về đề tài phong vật quê hương đất nước, Nguyễn Bảo lựa chọn yếu tố con người để tập trung miêu tả. Trước hết, nhà thơ ca ngợi những con người có khí tiết, đạo đức, những người “quân tử” theo quan niệm của Nho gia: “Ở triều phương Nam có bậc dị nhân, Lòng xưa mà hình dáng cũng xưa. Bình sinh từng trải, đường đời sâu sắc,Tiến hay dừng đều có tiết tháo vững bền. Phong độ thanh cao khiến cho kẻ hèn cũng lập được chí, Khí tiết cao cả vút lên vòm xanh” (Tiễn Thái tử Thiêm sự Võ tiên sinh người Khoái Châu về hưu).

Người ta coi trọng đất nước có “địa linh nhân kiệt”, nước Nam ta có cả hai yếu tố đó, nhưng Nguyễn Bảo lại đặt vấn đề “nhân kiệt” lên trên “địa linh”. Ông ca ngợi những bậc hiền tài của đất nước, đó là những con người luôn lo cho dân, lo cho nước, “vui sau niềm vui của thiên hạ, lo trước nỗi lo của thiên hạ”: “Quang nhạc hào hùng phô dáng đứng, Trăng sao rạng rỡ bút rồng bay. Vận tốt dân yêu, tài cán trội, Nguyện dâng tâm lực giúp đời nay” (Vua ban cho Tế tửu Thân Nhân Trung bức chân dung, làm thơ mừng). Ông tự hào vì đám học trò “lắm người giỏi”, về đồng hương “nhiều người nổi danh” “tiếng vang chín cõi”. Ông nêu cao tinh thần trách nhiệm của tương lai đất nước với lớp trẻ, với thế hệ mai sau. Tinh thần trọng người tài ấy thật hiếm và cũng thật đáng quý.

Trong những bài thơ của Nguyễn Bảo có một số lượng không nhỏ thơ ca ngợi cảnh non sông đất nước. Đó là những thắng cảnh như núi Dục Thúy, động Lục Vân, núi Long Đọi, động Hồ Sơn…Thắng cảnh đất nước trải dài cùng trải nghiệm đời sống, trải nghiệm nhân sinh của tác giả, đây là núi Dục Thúy: “Non cao chùa tháp tựa bên sườn, Chỏm núi xanh xanh rợp tán vàng. Bốn phía quan hà hùng thế nước, Muôn năm bàn thạch vững lòng dân” (Phụng họa thơ vua đề núi Dục Thúy). Vẻ đẹp núi non sông biển trong mắt Nguyễn Bảo không chỉ là vẻ đẹp của sự hài hòa cảnh sắc, của “cảnh tiên rơi xuống cõi trần” (Nguyễn Trãi) mà còn là vẻ đẹp của tư thế giang san hùng kì lẫm liệt. Đó là hình ảnh uy nghi của núi Hổ Cứ: “Đầu nọ đuôi kia núi gác núi, Cúi làm cửa ải hiểm từ xưa. Hộ trì Bắc cực trời đăng khóa, Bảo vệ Nam biên biển lặng tờ” (Núi Hổ Cứ) hay là hình ảnh cửa khẩu Đại An một thời làm quân giặc sợ hãi: “Chiếc móng oai linh trơ miếu mạo, Lạc điền cày cấy bật chồi non. Ai hay Hưng Khánh xưa kì tích, Xác giặc chất chồng lụy vợ con” (Cửa bể Đại An). Yêu thiên nhiên, thiên nhiên thể đạt tâm hồn, nhân cách cao khiết của con người. Đây là cái đẹp vừa hùng vĩ vừa thanh tao của núi Long Đạt: “Ai đem tay lớn tách non cao, Biếc tía chia màu đá quý bao.Quạ trắng từ năm về động phủ, Khói mây che chở cảnh thanh tao” (Đề núi Long Đạt). Nhà thơ đắm say với tạo vật, lòng người và đất trời giao hòa làm một: “Vài cành sắc đẹp đượm xuân hồng, Chúm chím tươi cười trước gió đông. Lả lướt dáng khoe xua khói nhạt, Mượt mà vẻ lộ, sấy dương nồng. Dám hỏi hoa xuân tin bướm cũ, Cảm nhau không nói hiểu sâu lòng” (Hoa đào cười gió đông)

Thơ viết về thiên nhiên của Nguyễn Bảo ít nhiều chịu ảnh hưởng chung của văn chương thời Hồng Đức, nhưng đúng như nhiều nhà phê bình đã nhận xét, thơ Nguyễn Bảo “ít sáo”. Nó giản dị và mộc mạc. Nguồn cảm hứng thơ xuất phát từ tấm lòng yêu cuộc sống tha thiết. Phải là một người gần gũi gắn bó với những miền quê, với thiên nhiên đất nước, phải là một người tinh tế và nhạy cảm thì nhà thơ mới viết được những vần thơ đủ sức lay động tận đáy lòng người đọc như vậy. Gắn với cảm hứng chung của thời đại, giọng điệu lạc quan trong thơ Nguyễn Bảo thể hiện cách nhìn và cũng là khát vọng, mong mỏi một cuộc sống thái bình, ấm no, với “Chính sự tốt lành dân giàu đủ, Thầm nhuần giáo hóa thảy ghi biên” (Lại phụng họa bài thơ ban yến cho thị thần). Nhà thơ có cái nhìn gần giống với Nguyễn Trãi khi quan niệm rằng, cuộc sống thái bình thịnh trị đúng nghĩa là cuộc sống mà nhân dân được ấm no hạnh phúc, “Chín châu dân thỏa lòng mong ước” (Mưa xuân). Dân chính là gốc rễ của đất nước, vì thế trung quân là để ưu dân, chăm lo cho dân. Đó là triết lí “tín trung”.  Đề cao những chuẩn mực của một vị quân vương, Nguyễn Bảo chỉ ra cái “kế gốc sâu rễ bền” là ở chỗ thực thi lí tưởng an dân. Cho nên, những vần thơ của Nguyễn Bảo thoát hẳn khỏi ý vị thù tạc ngâm xướng để hướng thẳng vào mục đích giáo hóa. Đó là cái mà Lê Quý Đôn sau này gọi là “thi giáo” vậy: “Cấy cày thời vụ lo chăm sóc, Giáo dưỡng sinh thành kịp bảo ban. Hoan lạc thân vinh lòng chẳng lỡ, Lo âu dân vọng chí luôn bàn” (Xem xét việc cày cấy)

Là một vị quan thanh liêm, ông thẳng thắn phê bình bọn quan lại lười nhác, giả dối, dốt nát, ham mê lợi lộc: “Lười nhác tầm thường sa cám dỗ, Thẹn thân nhục chí đáng chê cười” (Phẩm tước trời). Với lòng “ưu dân ái quốc”, Nguyễn Bảo đã tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước, vì thế có thể nói, mọi ý thơ sâu xa nhất của Nguyễn Bảo cũng đều chuyên chú vào cái lẽ thể hiện khát vọng vun bồi văn đức tốt tươi, tô điểm cho nền trị bình muôn thuở (diễn ý của Lê Quý Đôn khi bàn về cái gốc của thi ca: mậu chiêu văn đức, phấn sức trị bình).

Nguyễn Bảo là người trọng tình, trọng nghĩa, nên thơ của ông cũng vậy, “khoan hòa, đại lượng, giản dị, thận trọng” (Lê Quý Đôn). Tình nghĩa là đạo lí lớn ở đời. Chính vì thế mà triết lí về tình người, tình đời trong thơ Nguyễn Bảo luôn tự nhiên, bình dị. Những vần thơ ông dành tặng cho bạn hữu khi họ về quê thăm cha mẹ hay khi tiễn bạn về trí sĩ đều gửi gắm trải nghiệm nhân sinh một cách tự nhiên, chân thành: “Giúp anh tài ra cứu nước, Đến già theo lệ trở về quê. Bốn triều kì cựu đời tôn kính, Bảy chục khang cường sống thỏa thuê” (Tiễn Ngô tiên sinh quê ở Chúc Lý về hưu).

Nguyễn Bảo viết những dòng thơ trân trọng dành tặng những người bạn đi sứ. Kẻ rong ruổi yên ngựa phải gánh nặng trọng trách với đất nước, nhưng có ai thấu hiểu đằng sau bộn bề quốc sự là những nỗi niềm buồn thương xa quê hương. Nhà thơ đã thấu hiểu, đồng cảm với nỗi lòng của những người bạn đi sứ phải xa quê hương: “Đường sứ xa quê tới địa đầu, Dùng dằng xe ngựa buổi xa nhau. Công ơn cha mẹ thường ghi nhớ, Ngắm áng mây côi lúc tựa lầu” (Tiễn Quách tiên sinh đi sứ phương Bắc).

Ghi lại những giây phút đất trời li biệt, “Kim cổ từng trông hưng phế sự, Bắc Nam buồn cảnh biệt li tình” (Cỏ bến Nam), ông bồi hồi lưu luyến:“Cách năm ước hẹn bến sông Hà, Mấy dạo trông nhau mấy dạo xa; Trăng sáng bến Ngân hồn dễ dứt, Mây che cầu Thước mộng như nhòa” (Khiên Ngưu, Chức Nữ nhớ nhau). Có khi, một tiếng chày đập vải khắc khoải trên sông cũng khiến người ta day dứt: “Nhịp chày đập vải rộn trời thu, Đứt nối, nhặt khoan khéo gợi sầu. Thương thay đập vải đêm không ngớt, Biết rõ năm tàn rét sẽ đau” (Nện vải mùa thu).

Thơ Nguyễn Bảo nhuần nhị, thuần hồn. Hầu như khó tìm thấy câu thơ nào cầu kì chau chuốt. Thống kê ngôn ngữ (Hán) trong Châu Khê thi tập của ông, thấy trường tự vựng miêu tả đời sống thực tại chiếm ưu thế, giống với bút pháp ngôn ngữ phái điền viên trong Đường thi. Giọng thơ, phong cách thơ Nguyễn Bảo luôn mang sắc thái tự nhiên, hồn hậu, chân thành, gần như không có sự gượng gạo trong việc dùng Hán văn để thể hiện cuộc sống, tâm hồn Việt. Hồn thơ Nguyễn Bảo trải rộng trên nhiều khía cạnh đời sống tinh thần của con người. Nhưng dù ở khía cạnh nào người ta cũng thấy một tấm lòng đằm thắm, yêu cảnh, yêu người, yêu cuộc sống với một lối thơ mộc mạc, không ưa ước lệ. Thật là khác xa lối thơ điển phạm, hóc hiểm, đầy rẫy những điển tích điển cố trong thơ ca đương thời.

3. Tạm kết

Không chỉ có huân lao, phẩm giá, đức độ vinh hiển hàng đầu trong số sĩ đại phu đời Hồng Đức, thơ ca của Nguyễn Bảo còn xứng đáng được đánh giá là một trong những thi phẩm hay nhất trên văn đàn đương thời. Trong tiểu luận nghiên cứu về Nguyễn Bảo, Bùi Duy Tân tổng hợp đánh giá của các nhà về ông, xin lược dẫn lại: Lê Quý Đôn khen thơ Nguyễn Bảo “thanh tao, uyển chuyển, được một thời suy phục”. Phan Huy Chú nhận xét, thơ ông “giản dị, đầy đặn, có khí cốt”. Các nhà phê bình đời sau như Nguyễn Đổng Chi trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (1958) bình luận, “văn chương của Nguyễn Bảo bình dị, ít sáo, đạm bạc, dí dỏm”; Đinh Gia Khánh trong Văn học cổ Việt Nam (Tập 1, 1963) khái quát: “Thơ Nguyễn Bảo thể hiện một phong cách bình dị, có màu sắc dân tộc đậm đà, ít thấy ở các tác giả khác cùng thời”. Từ điển văn học(1984) ghi nhận “Thơ Nguyễn Bảo ít sa vào công thức ước lệ nên ngòi bút phóng khoáng hơn hẳn nhiều nhà thơ trong hội Tao đàn”… Đức tài được nhiều thế hệ khẳng định, Nguyễn Bảo là tác gia đáng chú ý của văn học dân tộc, là tác giả lớn và cũng là đỉnh cao của văn học trung đại thế kỉ XV.

Tài liệu tham khảo và chú thích:

[1]. Bùi Duy Tân, Nguyễn Bảo - Nhà thơ, Danh nhân văn hoá, NXB VHTT, 1991. Một số trích dẫn thơ Nguyễn Bảo trong bài xin phép dẫn lại hoặc hiệu chỉnh từ sách này.

[2] Hiển Thuỵ am bi: Văn bia Am Hiển Thuỵ, khắc trên vách động Hiển Thụy (Sài Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) do Nguyễn Bảo phụng sắc biên soạn. Thác bản mang kí hiệu N01223, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tác phẩm được sao lục trong nhiều tư liệu khác, chẳng hạn: Sài Sơn Thi Lục 柴山詩錄 A. 3033, VHv. 2358.

[3]. Vũ Anh Tuấn – Hà Minh, Khảo sát, xác lập văn bản thơ ca Nguyễn Bảo – tác giả văn học tiêu biểu thế kỉ XV, Tham luận tại Hội thảo khoa học Đổi mới nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 2016.

[4]. Nhiều tác giả, Địa chí Thái Bình, NXB VHTT, H.2010.

[5] Lý Bạch, Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng lăng.

[6]. Nhiều tác giả, Văn học Việt Nam từ thế kỉ X – Nửa đầu thế kỉ XVIII, Tập 1, NXB ĐH&THCN, H. 1978.

[7]. Từ điển văn học, Tập 2, NXB KHXH. H. 1984.

[8]. Lê Quý Đôn: Toàn Việt thi lục, Vân đài loại ngữ (các bản chữ Hán).

[9]. Phan Huy ChúLịch triều hiến chương loại chí (Tập I, phần Nhân vật chí) và Tập III (phần Văn tịch chí). NXB KHXH, 1992.

[10]. Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (mục từ "Nguyễn Bảo"). NXB KHXH, 1992.

[11]. Trần Thị Băng Thanh (chủ biên), Văn học thế kỷ XV-XVII (mục từ Nguyễn Bảo). NXB KHXH, 2004.

[12]. Bùi Huy Bích, Hoàng Việt thi tuyển, NXB Văn học, 2007

[13].BCH Đảng bộ Thị xã Thái Bình, Lịch sử Đảng Bộ Thị xã Thái Bình.

[14]. Ngô Đức Thọ (chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam, NXB Văn học. H. 2006

 

 

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020