Theo sử sách ghi chép, chữ Hán du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II trước công nguyên. Người Việt đã chấp nhận và trải qua hàng chục thế kỷ đã sử dụng chữ Hán, sau đó là chữ Nôm - một loại hình văn tự do người Việt sáng tạo làm công cụ chính để ghi chép, biểu đạt tư duy. Cho đến nay chữ Hán chữ Nôm đã trở thành tử ngữ nhưng những thành quả lao động về mặt tinh thần của người xưa vẫn còn được lưu giữ tại các thư viện lớn của Trung ương và các địa phương trên cả nước.
1. Sự cần thiết của việc dạy và học chữ Hán, chữ Nôm
Theo sử sách ghi chép, chữ Hán du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II trước công nguyên. Người Việt đã chấp nhận và trải qua hàng chục thế kỷ đã sử dụng chữ Hán, sau đó là chữ Nôm - một loại hình văn tự do người Việt sáng tạo làm công cụ chính để ghi chép, biểu đạt tư duy. Cho đến nay chữ Hán chữ Nôm đã trở thành tử ngữ nhưng những thành quả lao động về mặt tinh thần của người xưa vẫn còn được lưu giữ tại các thư viện lớn của Trung ương và các địa phương trên cả nước. Theo kết quả điều tra bước đầu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong 6 năm (1998-2003), Viện đã thành lập các đoàn đi sưu tầm tại các địa phương của đồng bằng Bắc bộ như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc... đã sao chép 18.000 đôi câu đối, 20.000 bức hoành phi, in dập được 14.000 thác bản văn bia, biển gỗ, 1.500 thác bản chuông, khánh... Số liệu này chắc chắn chưa phản ánh hết trữ lượng di văn Hán Nôm hiện đang được lưu giữ tại địa phương bởi vì có nơi đoàn chưa đến, có gia đình còn lưu giữ sách nhưng đoàn vẫn chưa tiếp cận được hoặc do phương tiện kỹ thuật thiếu mà toàn bộ mảng sắc phong, thần tích hiện đang lưu giữ tại các di tích, đoàn cũng chưa thống kê được, nhưng từ số liệu đã nêu, chúng ta cũng thấy được mảng di sản văn hoá thành văn viết bằng chữ Hán, chữ Nôm của người xưa dẫu có bị hỏng nát do khí hậu hay chiến tranh hiện còn một phần vẫn được bảo vệ cẩn thận. Tuy nhiên để hiểu được nội dung mảng di văn này không phải là chuyện dễ dàng cho mọi người dân, các nhà quản lý và nghiên cứu. Thực hiện định hướng xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc như nghị quyết của Đảng và nhà nước đã đề ra, chúng ta không thể không quan tâm khai thác giá trị mảng di sản văn hoá thành văn này. Một trong những phương thức khai thác có hiệu quả nhất là đầu tư vào việc dạy và học môn Hán Nôm, một môn học rất cần thiết cho các ngành khoa học xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay.
2. Minh giải văn bản một khâu quan trọng nhất của việc học chữ Hán chữ Nôm của người xưa
Ngay từ khi chữ Hán du nhập vào Việt Nam, người Việt đã được học chữ Hán qua trường lớp. Sử sách còn ghi chép thái thú Nhâm Diên, Tích Quang, sau đó là Sĩ Nhiếp khi đến cai trị đất Việt đã lập trường học, dạy chữ Hán và kinh điển Nho gia cho người Việt. Người học chữ Hán đều bắt đầu từ khâu học viết chữ, học chấm câu và lý giải ngữ nghĩa chữ, câu trong văn bản... Việc học chữ Hán đã diễn ra suốt nghìn năm Bắc thuộc.
Sau khi nước nhà giành được độc lập, bắt đầu từ thời Lý (1009-1225), triều đình coi trọng việc giảng dạy chữ Hán và tôn sùng đạo Nho. Vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) lập Văn Miếu năm 1070. Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) lập Quốc Tử Giám mở đầu cho nền Hán học ở Việt Nam. Năm 1075 nhà vua mở khoa thi Minh kinh bác học. Minh kinh tức là thông hiểu kinh sách. Cho đến nay chưa thấy tài liệu nào ghi chép về các bộ kinh sách mà nhà Lý đã sử dụng trong việc giảng dạy và học tập cũng như cách thức dạy và học ở đời Lý, nhưng qua tên gọi của khoa thi đầu tiên, chúng ta cũng thấy nhà Lý rất coi trọng việc thông hiểu văn bản chữ nghĩa. Các triều đại về sau đều kế nối tinh thần chuộng Hán học của triều trước. Khảo cứu các kỳ thi, thì kỳ thi đầu tiên bao giờ thí sinh cũng phải làm một đề thi lý giải về nghĩa lý trong kinh sách. Sử sách còn chép về các khoa thi thời Lý- Trần- Lê, Nguyễn:
- Thời Lý, năm Trinh Phù thứ 10 (1185) đời vua Lý Cao Tông thi học trò trong nước từ 15 tuổi trở lên, lấy người thông hiểu thi thư vào hầu vua học.
- Thời Trần, năm Thiên Ứng Chính Bình 16 (1247), vua Trần cho thi thông tam giáo.
- Năm Hưng Long 13 (1304) vua Anh Tông cho thi kinh nghĩa.
- Năm Thiệu Phong thứ 5 (1345) vua Trần Dụ Tông cho thi kinh nghĩa.
- Năm Quang Thái 6 (1393) vua Trần Thuận Tông cho thi kinh nghĩa.
- Thời Lê, năm Thiên Thuận 2 (1429) vua Lê Lợi xuống chiếu cho ai hiểu kinh sử đều được tới công đường dự thi.
- Năm Thiệu Bình thứ 1 (1434), định phép thi thủ sỹ: kỳ thứ nhất thi kinh nghĩa 1 bài.
- Năm Quang Thuận thứ 3 (1462), định phép thi: kỳ thứ nhất thi kinh nghĩa và nghĩa lý Tứ thư
- Năm Hồng Đức thứ 3 (1472) kỳ thứ nhất thi Tứ thư, Ngũ kinh.....
Đến đời Nguyễn, bắt đầu từ năm Gia Long thứ 6 (1807) triều đình mở khoa thi đã quy định mỗi khoa thi có 4 kỳ, kỳ thứ nhất bao giờ cũng thi kinh nghĩa. Căn cứ vào các khoa thi thì thấy các triều đại phong kiến đều coi việc thông hiểu chữ nghĩa và luôn đặt nhiệm vụ này lên hàng đầu để tuyển chọn người tài.
3. Minh giải văn bản một khâu quan trọng trong việc giảng dạy chữ Hán chữ Nôm hiện nay
Minh giải văn bản, hàm nghĩa của cụm từ này đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết là làm thế nào để người học sau một thời gian học tập có thể thực hiện được nhiệm vụ minh giải văn bản. Có thể có nhiều phương thức, nhưng theo chúng tôi, có một khâu quan trọng nhất, đó là việc giảng dạy Hán Nôm.
Chúng ta biết rằng để thực hiện nhiệm vụ minh giải văn bản, yêu cầu đầu tiên đối với người thực hiện nhiệm vụ công việc là phải thông hiểu chữ nghĩa. Có một sự thật là khi tiếp cận với văn bản Hán Nôm, chữ viết trên các văn bản khắc in hoặc viết tay (chưa kể chữ viết lối đá thảo hoặc chữ thảo) của người Việt xưa khác xa với lối chữ viết mà người học ngày nay đã được tiếp cận. Chữ Hán, chữ Nôm của người Việt được thể hiện trên văn bản phần nhiều dưới dạng phồn thể, hoặc giản thể. Cùng một chữ xuất hiện trên văn bản, nhưng có chỗ viết dưới dạng phồn thể, có chỗ lại viết giản thể, không theo một quy luật nào. Không phải tất cả các chữ viết trên các văn bản Hán Nôm đều khó nhận diện. Nhưng trong một văn bản, chỉ một hoặc hai chữ không nhận diện được ví dụ chữ “tiền” 錢 trong văn khắc trên chuông thường được viết dị thể, hoặc đọc sai như “tác” 作 đọc thành “tộ” 祚 , “ngộ” 遇 thành “quá” 過 thì việc minh giải văn bản đã khó chuẩn xác.
Yêu cầu thứ hai đối với người thực hiện nhiệm vụ minh giải văn bản là lý giải ngữ nghĩa của một chữ hoặc một cụm từ khó. Để thực hiện công việc này có thể có nhiều hướng tiếp cận và cách lý giải khác nhau. Trong kho tàng di sản văn hoá thành văn của chúng ta có nhiều loại hình văn bản: thơ, phú, câu đối, hoành phi, văn bia, chuông, khánh, thần phả, sắc phong..., mỗi loại có những cấu trúc riêng. Chẳng hạn như loại văn bản hoành phi trong di tích. Chữ viết trên loại này chỉ từ 2 đến 4 chữ, chữ không khó đọc. Có một bức hoành phi đề 興 寺 福 Theo cách đọc thông thường thì phải đọc từ phải qua trái, thì bức hoành này sẽ đọc là “Phúc tự hưng”, và nếu đọc như vậy thì người đọc chắc chắn sẽ không lý giải được ngữ nghĩa của bức hoành này là gì. Trong thực tế, cách đọc này không đúng với cách đọc của người dân . Chữ “tự” 寺 đặt giữa hai chữ “hưng” 興 và “phúc” 福 chỉ là một cách bài trí chữ viết trên bức hoành phi của người Việt xưa. Tuy sắp đặt như vậy, nhưng người dân vẫn đọc là “Phúc Hưng tự” , nghĩa là “chùa Phúc Hưng”. Điều này không được ghi trong sách vở, nhưng thực tế đã tồn tại một loại cấu trúc rất đáng lưu ý.
Chúng tôi nghĩ rằng trong quá trình giảng dạy phần Hán văn Việt Nam nên cho người học tiếp cận ngay với các loại chữ Hán, Nôm do người xưa viết trên giấy hoặc văn bản khắc in để người học không bỡ ngỡ khi tiếp cận với các loại văn bản đã được lưu hành trong xã hội, đồng thời cũng nên hướng việc giảng dạy Hán Nôm theo cấu trúc của từng loại văn bản.
Mỗi loại văn bản có những cấu trúc riêng. Chẳng hạn trong kho tàng di sản Hán Nôm có một loại Sắc phong. Sắc phong là một loại văn bản của triều đình phong kiến Việt Nam ghi nhận công lao của các vị thần (nhân thần và thiên thần) do vua thay mặt triều đình ban cho dân để dân thờ cúng. Sắc phong là nguồn sử liệu quý giá góp phần nghiên cứu lịch sử địa phương, lịch sử xây dựng, trùng tu mở rộng di tích, nghiên cứu tâm linh người dân ở nơi tôn thờ các vị thần.
Cho đến nay, trong các di tích trên đất nước Việt Nam còn lưu giữ hàng ngàn đơn vị sắc phong. Độ dài ngắn của mỗi đạo có khác nhau. Đạo sắc dài cũng gần một nghìn chữ, đạo ngắn cũng gần một trăm chữ. Căn cứ vào ngày tháng niên hiệu ghi trên sắc phong có dấu son đỏ đóng kèm theo thì có thể thấy các đạo sắc mà các địa phương còn lưu giữ được chủ yếu là các đạo sắc thời Lê- Tây Sơn - Nguyễn.
Căn cứ vào nội dung sắc phong chúng ta có thể nhận thấy sắc phong có 2 loại cấu trúc chính: cấu trúc sắc phong thời Lê - Tây Sơn và cấu trúc sắc phong thời Nguyễn.
Sắc phong thời Lê - Tây Sơn đều có chung một cấu trúc. Căn cứ vào mã chữ ghi tước (đại vương hay công chúa...) của vị thần thì thấy một đạo sắc thời Lê - Tây Sơn có 4 phần chính :
- Phần mở đầu: sau chữ “sắc” 敕 là dòng ghi mĩ tự của vị thần và kết thúc phần mở đầu của đạo sắc là mã chữ 大 王 đại vương) , hay 公 主 công chúa). Đây tước của vị thần trước khi được vua phong sắc.
- Lý do phong sắc: sau các mã chữ 大 王 đại vương) , hay 公 主 công chúa) là hai câu văn tứ lục nêu xuất xứ, công lao, sự linh ứng của thần và lý do phong sắc của triều đình.
- Nội dung chính của đạo sắc phong: sau mã chữ ứng gia phong khả gia phong” 應 加 封 可 加 封 là phần mĩ tự đã ghi ở phần đầu đạo sắc và ghi những cặp mĩ tự (thường là từ 1 đến 3 cặp mĩ tự) được triều đình phong tặng lần này.
- Niên đại của đạo sắc: ngày tháng nhà vua phong sắc cho thần.
Căn cứ vào cấu trúc này, chúng ta có thể thấy một năm vị thần đã được nhà vua phong cho mấy cặp mĩ tự. Ví dụ đạo sắc đầu tiên phong cho Vũ Phục vị thần được dân vùng Bưởi tôn thờ mà chúng ta biết được mang niên hiệu Vĩnh Thọ 3 (1660) có 16 cặp mĩ tự, đạo sắc phong cho thần Vũ Phục mang niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670) có 19 cặp mĩ tự. Như vậy, ta biết từ năm 1660 đến năm 1670, thần Vũ Phục được phong một đạo sắc. Đạo sắc mang niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670) ghi thêm 3 cặp mĩ tự.
Sắc phong thời Nguyễn có sự thay đổi về cách thức. Căn cứ vào dòng chữ đầu tiên của đạo sắc thì thấy các sắc phong thời Nguyễn có hai cấu trúc chính: sắc phong cho thần và sắc phong cho dân.
* Cấu trúc các đạo sắc phong cho thần như sau :
- Phần mở đầu: ngay sau mã chữ “sắc” 敕 là mĩ tự của thần, kết thúc phần mở đầu là mã chữ “thần” 神 .
- Lý do phong sắc cho thần
- Nội dung sắc phong: cuối phần nội dung có dòng chữ “Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân” 神 其 相 侑 保 我 黎 民 (Thần hãy cố gắng che chở cho dân lành).
- Niên đại của đạo sắc
* Cấu trúc các đạo sắc phong cho dân như sau :
- Phần mở đầu: ngay sau mã chữ “sắc” 敕 là dòng chữ ghi địa danh nơi vị thần được thờ cúng.
- Lý do phong sắc cho thần
- Nội dung sắc phong: cuối phần nội dung có dòng chữ chuẩn hứa y cựu phụng sự” 準 許 依 舊 奉 事 (cho phép [dân xã] được thờ cúng như cũ) và dòng chữ “dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển” 用 摯 國 慶 而 伸 祀 典 (để ghi nhớ ngày lễ lớn mà mở mang việc thờ cúng).
- Niên đại của đạo sắc
Nắm chắc cấu trúc sắc phong thời Lê- Tây Sơn –Nguyễn, người học có thể vận dụng kiến thức đã học để lý giải tất cả các văn bản sắc phong hiện đang được lưu giữ trên đất nước Việt Nam.
Trên đây là cấu trúc chủ yếu của một loại văn bản sắc phong. Việc giảng dạy Hán Nôm theo cấu trúc của từng loại như văn bản bia, chuông, khánh, gia phả, thần phả, hương ước, tấu, biểu, thơ, phú... không chỉ giúp cho người học nắm chắc các cấu trúc của từng loại văn bản mà còn giúp cho người học vận dụng các kiến thức đã học để minh giải các văn bản có cùng cấu trúc.
Tài liệu tham khảo
1. Đại Việt sử ký toàn thư. Bản Chính Hoà thứ 18 (1697). Nxb.KHXH, H, 1998.
2. Di sản Hán Nôm Việt Nam. Thư mục đề yếu. Nxb.KHXH, H, 1993.
3. Quốc triều hương khoa lục. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993
4. Báo cáo tổng kết công tác sưu tầm. Bản đánh máy. Viện Hán Nôm.