Hán nôm

TRI THỨC VĂN HÓA TRONG VĂN BẢN HÁN CỔ VỚI CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI NGÀY NAY


15-10-2020
Tác giả: TS Nguyễn Thanh Hà

Văn hóa cổ đại là sản phẩm của sự kết tinh trí tuệ của các dân tộc từ hàng ngàn năm nay. Các điển tịch văn hóa cổ đại không chỉ là tài sản tinh thần quý giá của một dân tộc, mà còn là một bộ phận quan trọng trong kho tàng văn hóa của nhân loại.

Đất nước Việt Nam của chúng ta, do điều kiện địa lí và lịch sử, đã có sự gắn bó rất chặt chẽ với nền văn minh Trung Quốc cổ đại. Người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều của văn hóa Trung Quốc, mà một bộ phận quan trọng trong đó chính là các văn bản Hán cổ Trung Quốc. Cho đến nay,việc học, đọc hiểu các văn bản cổ vẫn có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống hiện đại, nhất là trong công cuộc xây dựng cuộc sống văn minh tinh thần XHCN của chúng ta hiện nay.

Đọc hiểu được các văn bản cổ văn Trung Quốc sẽ giúp chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu được giá trị của văn hóa truyền thống Trung Quốc và hơn thế nữa, kế thừa và phát huy nó trong các lĩnh vực đời sống xã hội ngày nay.

Xuất phát từ các nhu cầu thực tiễn trong thời đại kinh tế thị trường ngày nay, các học giả Trung Quốc đã xem xét lại tất cả các văn hóa hình thành trong lịch sử Trung Quốc, tìm kiếm ở đó những bộ phận tinh hoa có lợi cho việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội đương thời. Theo quan điểm của một số học giả Trung Quốc, trong thời đại ngày nay, để thúc đẩy xã hội tiến triển, xã hội loài người chúng ta đang phải đối mặt với 5 vấn đề quan trọng là:

Một, sự phá hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái tự nhiên do sự mất cân bằng giữa con người và thiên nhiên gây ra.

Hai, nguy cơ của sự phát triển khoa học (đặc biệt là Vật lý) do hạn chế của phương thức tư duy theo kiểu Descartes và Newton cùng với thuyết cấu tạo nguyên tử của phương Tây tạo ra.

Ba, sự mất cân bằng trong quan hệ giữa người và người do chủ nghĩa hưởng lạc và chủ nghĩa ích kỷ cá nhân cực đoan tạo nên.

Bốn, do sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế phương Đông và sự thách thức của nó đối với mô hình quản lý của phương Tây tạo nên nhu cầu bức thiết phải xây dựng một hệ thống tư tưởng quản lý theo kiểu phương Đông để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Năm, sự đổ vỡ trong hệ thống giá trị đạo đức xã hội, trở ngại tâm lý và sự bất an trong xã hội do sự mất cân bằng giữa cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần của con người tạo nên.

Để khắc phục những nguy cơ kể trên mà con người sẽ gặp phải trong cuộc sống xã hội ngày nay, để đáp lại lời kêu gọi và những thách thức của thời đại, việc lựa chọn những giá trị nổi bật trong văn hóa truyền thống có liên quan đến sự sống để nghiên cứu, áp dụng vào trong cuộc sống ngày hôm nay, từ đó đưa ra những sự gợi mở có ích, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội ngày hôm nay là một việc rất nên làm và đáng được khuyến khích. Nhất là đối với sinh viên ngành sư phạm ở các cấp – những người thầy, những nhà giáo dục đóng vai trò chủ đạo và tích cực trong sự nghiệp giáo dục của đất nước hiện tại và trong tương lai.

Hiện nay, văn hóa truyền thống đã được các học giả Trung Quốc nghiên cứu và khai thác sử dụng trên rất nhiều phương diện như: bảo vệ môi trường, vật lý cận đại, thiên văn học, kiến trúc học, khoa học nông nghiệp, y học hiện đại, khí công, dưỡng sinh, quản lý xí nghiệp, giá trị nhân cách, đạo Hiếu trong gia đình và lý tưởng nhân sinh...

Đối với lĩnh vực giáo dục, để có thể góp phần đào tạo nên những con người có kiến thức văn hóa tương đối toàn diện, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày một khắt khe hơn của cuộc sống trong xã hội hiện đại ngày hôm nay, bản thân những người thầy cần phải biết chắt lọc những tinh hoa từ trong văn hóa truyền thống – mà văn hóa cổ Trung Hoa qua sách vở cũng là một yếu tố rất quan trọng, để tự đào tạo, hoàn thiện nhân cách người thầy, để giáo dục nhân cách cho học trò một cách khoa học và có hiệu quả. Chính vì vậy mà chúng tôi đề cập đến vấn đề Tầm quan trọng của việc học, đọc hiểu các văn bản Hán cổ đối với sinh viên Sư phạm - những người thầy trong tương lai  trong bài viết tham gia Hội thảo Nghiên cứu, giảng dạy Ngữ văn Hán Nôm trong nhà trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm lần này.

Tuy vậy, cho đến ngày hôm nay, do nhiều lí do, việc học, đọc hiểu các văn bản Hán cổ vẫn là một khó khăn lớn đối với lớp người trẻ tuổi, bao gồm cả những sinh viên SP – những người thầy trong tương lai. Theo chúng tôi, trong rất nhiều lý do khiến người học, người đọc ngày nay “ngại” tiếp xúc với các văn bản cổ vănTrung Quốc, có thể kể ra ở đây hai lý do chủ yếu, rất dễ nhận thấy là:

Thứ nhất, cùng với sự phát triển với tốc độ rất nhanh của xã hội ngày nay, khoảng cách giữa các nền văn minh ngày một lớn. Việc bù đắp những sự thiếu hụt về kiến thức văn hóa để người đọc, người học có thể đọc hiểu được những câu chữ và nội dung trong các văn bản cổ là công việc không thể nói là dễ dàng và cũng không thể một sớm một chiều mà làm được. Vì vậy, việc nâng cao trình độ văn hóa cho học sinh một cách toàn diện đã trở thành vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn được nữa. Đó chính nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của chúng ta, nhưng đó cũng là một khó khăn rất lớn đối với ngành giáo dục, mà trước hết là với những người trực tiếp làm công tác giảng dạy Hán Nôm trong các nhà trường sư phạm.

Thứ hai, những người trẻ tuổi ngày nay đang được sống trong thời đại thông tin. So với với cha anh thuở trước, lượng thông tin mà hàng ngày họ được cập nhật nhiều hơn gấp bội phần, hơn nữa lại được đổi mới hàng ngày với tốc độ “chóng mặt”. Cho dù những người trẻ tuổi ngày nay có được tinh thần “khổ học” như cha anh thuở trước, thì với họ, việc học, đọc những tri thức cổ xưa kia phỏng có được bao nhiêu ích lợi, mà liệu những tri thức ấy liệu có thực sự quan trọng đối với cuộc sống hiện tại của họ hay không – trong khi cuộc sống hiện đại ngày nay còn có biết bao nhiêu sự hấp dẫn thu hút những người trẻ tuổi?

Đứng trước thực tế ấy, bất kể là ai –  nhà sư phạm, các bậc phụ huynh hay chính bản thân những người học sinh đều cảm thấy đây quả thật là một việc làm cần thiết nhưng vô cùng khó khăn.

Vì vậy, theo chúng tôi, việc tập trung trí lực của các nhà học giả, các bậc thầy trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy Ngữ văn Hán Nôm trong các nhà trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm để biên soạn một bộ sách Hán Nôm có hệ thống bao gồm cả tài liệu giảng dạy và tài liệu đọc thêm dành cho sinh viên là một biện pháp có thể góp phần giải quyết tốt nhu cầu dạy, học và đọc tác phẩm cổ văn Trung Quốc.

Thực ra, đây không phải là một phát kiến của chúng tôi. Việc làm này đã được các nhà xuất bản của Trung Quốc tiến hành từ hơn chục năm nay. Có thể kể ra ở đây các bộ sách như Văn học khố của Nxb Nhân dân Quảng Tây, Trung Quốc lịch đại danh trứ toàn dịch tòng thư của Nxb Nhân dân Quý Châu, Đại học sinh độc thư kế hoạch của Nxb Văn học Trung Quốc, Trung Quốc cổ điển danh trứ dịch chú tòng thư” của Nxb Quảng Châu ... Đây cũng là một công việc mà các nhà xuất bản ở Việt Nam cũng đã và đang làm, ví dụ như, Nxb Đồng Nai cũng đã cho ra mắt độc giả một bộ phận bao gồm các tác phẩm kinh điển trong nền văn hóa cổ Trung Quốc, và còn nhiều cuốn sách của các nhà xuất bản khác cũng cùng chung một đề tài này... Song, điều mà chúng tôi mong muốn là một bộ sách do Bộ GD & ĐT  và Nxb Giáo dục xuất bản để đáp ứng đúng nhu cầu như đã nêu ở trên là: dành cho người dạy và học trong các nhà trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm.

Với đối tượng độc giả là người Việt Nam như chúng ta, việc phiên âm, chú giải văn bản các tác phẩm cổ văn Trung Quốc cũng là điều rất cần thiết, nó không những giúp người đọc có thể tiếp thu được nội dung của cuốn sách mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn và làm phong phú hơn lên vốn từ Hán Việt – một yếu tố rất quan trọng trong ngôn ngữ của người Việt chúng ta.

Ngoài ra, tri thức văn hóa - ngôn ngữ trong các tác phẩm cổ văn Trung Quốc cũng rất quan trọng đối với người Việt chúng ta. Cho đến tận ngày nay, vẫn còn có những từ gốc Hán mà trong nhiều trường hợp không thể hoặc không nên thay đổi. Vì vậy, việc thông qua các văn bản cổ văn Trung Quốc để  nắm vững các tri thức văn hóa ngôn ngữ cổ là một trong những nhiệm vụ tương đối quan trọng của các sinh viên sư phạm, nhất là sinh viên ngành Ngữ văn.

Chúng ta đã bước vào thiên niên kỷ mới. Cùng với việc theo đuổi những kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại, việc xây dựng cuộc sống văn hóa tinh thần đã và đang trở nên hết sức quan trọng. Thực tế đã chứng minh rằng, một nhà khoa học chân chính cần phải có một vốn tri thức văn hóa phong phú và một nhân cách hoàn thiện. Mà, cội nguồn của đời sống văn hóa tinh thần của mỗi một con người, một dân tộc chính là văn hóa truyền thống. Văn hóa truyền thống của người Việt gắn bó và chịu ảnh hưởng của văn hóa truyền thống Trung Quốc từ hàng ngàn năm nay, vì vậy, muốn tìm hiểu, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của cha ông, việc đọc hiểu các tác phẩm Hán cổ Trung Quốc là việc nên làm và rất có ích, nhất là đối với sinh viên các trường Cao đẳng và Đại học Sư phạm – những người thầy trong tương lai.

Ngoài ra, còn một yếu tố mới mang tính thời đại nữa là: trong xu thế hòa nhập trên toàn thế giới, mỗi một chúng ta đều phải có ý thức vươn lên nắm bắt tri thức văn hóa của nhân loại, để góp phần tự hoàn thiện bản thân mình, thích nghi với thời đại. Văn học cổ Trung Quốc vừa là tinh hoa của dân tộc Trung Hoa, lại vừa là tinh hoa của nhân loại. Cách đây 16 năm (năm 1989), 75 nhà bác học đoạt giải No-ben đã gặp nhau trong một hội nghị được tổ chức ở thủ đô Pa-ri (Pháp), trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, có một câu rất đáng để chúng ta phải lưu tâm là: “Nếu như nhân loại còn tiếp tục tồn tại ở thế kỷ 21, tất phải quay đầu lại 2500 năm trước để tiếp thu trí tuệ của Khổng tử”.

Nhân loại đang hướng sự chú ý của mình về nền văn hóa phương Đông mà trong đó văn hóa cổ Trung Quốc là một bộ phận cấu thành quan trọng. Là một thành viên của nền văn hóa đó, những người trẻ tuổi, những học sinh sinh viên trong ngành sư phạm, trước hết phải học, phải đọc hiểu và phát huy được những tri thức văn hóa trong các văn bản Hán cổ Trung Quốc trong cuộc sống ngày hôm nay.

Đây cũng là suy nghĩ của chúng tôi từ góc độ của người trực tiếp làm công tác giảng dạy bộ môn Văn học Trung Quốc cổ đại khi đến tham dự hội thảo này.                                           

Tài liệu tham khảo

1.       .  中 国 文 学 出 版 社 , 1999年 .

2.      . 广 西 人 民 出 版 社 , 2000 年

3.          . 中 国 三 峡 出 版 社, 1996 年

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020