Hán nôm

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP NGỮ VĂN HÁN NÔM TRONG NHÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG SƯ PHẠM


15-10-2020
Tác giả: TS Nguyễn Xuân Diện

Chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, khi nền khoa khoa cử chữ Hán chấm dứt từ một trăm năm trước. Chữ Hán Nôm thành tử ngữ và nhanh chóng đi vào dĩ vãng. Nhưng cũng từ đây, càng rời xa cái năm 1919, yêu cầu đòi hỏi tìm hiểu về quá khứ của dân tộc càng ngày một cấp thiết, trong đó Hán Nôm học là một chìa khoá vô cùng quan trọng, vì chữ Hán Nôm đã gắn bó sâu sắc với lịch sử và văn hóa Việt Nam và mang chở những thông điệp của quá khứ cha ông cho muôn đời con cháu.

Chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, khi nền khoa khoa cử chữ Hán chấm dứt từ một trăm năm trước. Chữ Hán Nôm thành tử ngữ và nhanh chóng đi vào dĩ vãng. Nhưng cũng từ đây, càng rời xa cái năm 1919, yêu cầu đòi hỏi tìm hiểu về quá khứ của dân tộc càng ngày một cấp thiết, trong đó Hán Nôm học là một chìa khoá vô cùng quan trọng, vì chữ Hán Nôm đã gắn bó sâu sắc với lịch sử và văn hóa Việt Nam và mang chở những thông điệp của quá khứ cha ông cho muôn đời con cháu.

Nhân hội thảo về nghiên cứu và giảng dạy, học tập ngữ văn Hán Nôm trong các nhà trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm tôi xin phát biểu những suy nghĩ của mình về ba cụm vấn đề đã được gợi ý trong thư mời và thông báo số 1, do Ban tổ chức gửi đến.

1. Biên soạn một chương trình giảng dạy - nghiên cứu - học tập chú trọng đến mục tiêu xã hội hóa công tác Hán Nôm

Giảng dạy ngữ văn Hán Nôm là giảng giải về các văn bản, văn kiện mang tính lịch sử được sáng tạo ra trong những thời điểm lịch sử cụ thể, do vậy  nên ngoài chuyện nắm chắc tinh thần nguyên bản, sinh viên cũng cần được quan tâm nhiều đến việc đi điền dã tại các địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hoá. Đây là một vấn đề quan trọng, vì nó góp phần đào tạo ra các chuyên gia về Hán Nôm trong các địa phương (Hiện nay, đội ngũ này rất thiếu, theo chúng tôi biết thường mỗi tỉnh chí có một cán bộ chuyên về Hán Nôm, mỗi làng thường chỉ có một người còn biết Hán Nôm).

Các cuộc điền dã có ý nghĩa tăng cường lòng yêu cổ văn và lịch sử văn hóa dân tộc. Tại các điểm di tích này, sinh viên sẽ nghe thuyết minh, ghi chép, tập thuyết minh, viết báo cáo thu hoạch, tập thuyết trình tại địa phương. Điều này tăng cường khả năng và phương pháp tiếp cận văn bản Hán Nôm và các sử liệu liên quan, học với hành kết hợp, góp phần xã hội hóa di sản Hán Nôm. Từ đó, chúng ta có thể nghĩ đến việc giảng dạy, đào tạo làm sao để mỗi sinh viên Văn, Sử là một hạt nhân văn hóa cơ sở sau khi ra trường tại địa phương nơi họ công tác: tham gia viết sử địa phương, nghiên cứu sử và văn hóa địa phương, là cộng tác viên của ngành văn hóa và báo chí địa phương, là thuyết minh hướng dẫn viên du lịch cho địa phương, góp phần phát hiện và bảo tồn các di sản Hán Nôm ở địa phương. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu Hán Nôm ở các địa phương đã làm được rất nhiều góp phần vào công cuộc xã hội hóa di sản Hán Nôm và Hán Nôm học. Họ là các giáo viên dạy Văn và dạy Sử ở các trường phổ thông tại các địa phương, hoặc đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu nhưng nhiệt huyết và đóng góp của họ thật bền bỉ. ở đây xin được kể tên một số nhà giáo tiêu biểu tại Hà Nội (Nguyễn Vinh Phúc, Phạm Quang Đại), Hà Tây (Đặng Thiêm, Nguyễn Xuân Tham), Nam Định (Bùi Văn Tam), Ninh Bình (Lã Đăng Bật), ...

Chúng ta có thể tổ chức cho sinh viên đi từng nhóm đến các di tích, không phải là để tham quan mà là làm việc có tổ chức và khoa học. Giáo viên sẽ phân công các sinh viên, mỗi người một phần việc và luôn hướng dẫn kiểm tra để các em hoàn thành tốt công việc của mình. Tài liệu thu thập được là các bản chép hoành phi, câu đối, các thần tích, thần phả, các ghi chép về thơ ca dân gian và truyền thuyết địa phương, thực hiện các hồ sơ di tích dưới các góc độ khác nhau (hồ sơ tư liệu văn bản, hồ sơ di tích kiến trúc, hồ sơ văn hóa dân gian). Cuối đợt điền dã, giáo viên hướng dẫn ngoài việc chỉnh sửa hoàn toàn các hồ sơ nghiên cứu, là tổ chức cho sinh viên báo cáo các phần việc của mình.

Trong khi đưa các sinh viên đi điền dã, giảng viên sẽ phát hiện về khả năng và hứng thú cũng như định hướng nghiên cứu cho từng sinh viên. Giảng viên có thể hướng dẫn cho sinh viên chọn ngay đề tài khoá luận tốt nghiệp hoặc tiểu luận khoa học cho các sinh viên là các vấn đề được phát hiện trong khi đi điền dã.

2. Giáo trình và hệ thống tư liệu ngày càng cập nhật và đa dạng khơi dậy lòng ham mê văn hoá cổ truyền và kích thích tư duy sáng tạo của người học bằng tính liên ngành

Di sản Hán Nôm của cha ông chúng ta để lại rất phong phú về trữ lượng và mang nhiều giá trị, phản ánh tâm hồn và tri thức người xưa. Ngoài Viện Nghiên cứu Hán Nôm là tàng thư lớn nhất Việt Nam về sách Hán Nôm, thì di sản Hán Nôm nằm trong các thư viện, bảo tàng của các tỉnh; các di tích lịch sử văn hóa; các gia đình, dòng họ trong phạm vi cả nước. Do vậy, lực lượng sinh viên các nhà trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm sẽ có góp phần nhất định trong việc tiếp cận, khai thác, nghiên cứu và giới thiệu những di sản này. Muốn vậy, hệ thống sách tra cứu ở các thư viện Khoa và Bộ môn phải thực sự phong phú, cập nhật và tiện ích. Các sách công cụ như: Từ điển, Tự điển, giáo trình, các công trình nghiên cứu tiêu biểu, sách chuyên ngành không thể không có trong thư viện Khoa Ngữ văn.

Ngoài các cách tra cứu theo truyền thống, thư viện của Khoa cũng sẽ triển khai việc tra cứu trên máy, cũng như các ứng dụng công nghệ thông tin vào việc nghiên cứu, học tập, giảng dạy, phố biến kiến thức Hán Nôm. Chúng ta sẽ có các bài giảng sinh động như: hướng dẫn cài đặt các phần mềm chữ Hán Nôm vào máy tính cá nhân, cách tạo chữ Nôm trên máy tính, giới thiệu các website về văn hoá Việt Nam và Hán Nôm.

Ngoài ra, để các bài giảng thêm phần sinh động có thể giới thiệu thêm với các sinh viên về cuốn sách Tìm về cội nguồn chữ Hán (Lý Lạc Nghị), về 7 mẫu ký tự Hán làm cốt lõi cho các tác phẩm điêu khắc và hội hoạ của Điềm Phùng Thị, về các truyện dân gian, các bài thơ dân gian giễu thầy đồ trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam, thơ Hồ Xuân Hương, ... Loại tham khảo này rất cần làm tham khảo cho các khối ngành Tâm lý giáo dục, Giáo dục tiểu học, Ngữ văn.

Vấn đề rèn luyện kỹ năng về Hán Nôm học như chép chữ Hán Nôm, cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu, cách tổ chức điền dã, tổ chức báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, cách trao đổi học thuật, tập thư pháp Hán Nôm, trình diễn và giao lưu trình diễn nghệ thuật thư pháp (giữa Đại học KHXH & NV với Đại học Sư Phạm, giữa sinh viên Hà Nội với Huế, tp Hồ Chí Minh, giữa sinh viên với các nhà sư) để khơi lại một sinh hoạt tao nhã, cổ kính của văn hóa truyền thống...

Về phương pháp và đổi mới phương pháp giảng dạy thì theo tôi, quan trọng nhất là dạy cho sinh viên cách tiếp cận liên ngành trong học tập. Đối với Hán Nôm học điều này lại càng quan trọng, vì nếu không có kiến thức liên ngành, như là một phông văn hóa đủ rộng thì không thể hiểu được thông tin do văn bản mang lại. Điều đầu tiên mà các học viên trước hết cần được dạy là kỹ năng học tập, nghiên cứu. Các kỹ năng ở đây là kỹ năng sử dụng sách công cụ tra cứu (các loại từ điển, tự điển, các thư mục), kỹ năng đọc và ghi chép, điền dã, báo cáo...

3. Hán Nôm trong nhà trường

Những năm gần đây, Hán Nôm trong nhà trường là một vấn đề được quan tâm nhiều. Một số tờ báo có chuyên mục Hán Nôm trong nhà trường để trao đổi các vấn đề liên quan. Nhưng, theo tôi các nhà sư phạm trong lĩnh vực Hán Nôm còn quan tâm đến vấn đề cập nhật các thông tin trên báo, tạp chí về những nghiên cứu, phát biểu mới nhất về các tác phẩm Hán Nôm được giảng dạy trong chương trình Hán Nôm nói riêng và sách giáo khoa nói chung. Chúng ta phải cập nhật các thông tin như: Bài Nam quốc sơn hà có phải là của Lý Thường Kiệt như bấy lâu chúng ta ghi trong sách; Binh thư yếu lược còn lại đến hôm nay có phải là của Trần Quốc Tuấn hay không; Văn bản - Truyền bản - Bản dịch Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn có mấy người dịch sang chữ Nôm và họ là ai ;Tình hình văn bản và nghiên cứu văn bản học Truyện Kiều như thế nào; Bản Truyện Kiều có niên đại sớm nhất là bản có niên đại năm bao nhiêu; Các cách hiểu khác nhau về bài Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du; ... Muốn có được các thông tin này phải đặt mua đều đặn nhiều loại báo chí, và thực hiện nghiêm túc việc trích báo để đưa vào các sưu tập (công việc có thể mời các sinh viên tham gia). Những thông tin này, cần được cập nhật để phục vụ công tác giảng dạy và học tập trong chương trình của Khoa Ngữ văn như: đưa vào bài giảng trên lớp, bổ sung vào giáo trình, sửa chữa cập nhật trong sách giáo khoa văn học từ phổ thông đến đại học.

Những bộ sách giáo trình Hán Nôm của Đại học Sư phạm đã được biên soạn rất công phu, bao quát nhiều vấn đề của Hán Nôm học. Song nếu có dịp biên soạn bổ sung, cũng nên thêm các bài về tổng quan thư tịch Hán Nôm Việt Nam, bài về các thể loại văn học còn chưa thấy đề cập trước đây (Hát nói, Kịch bản chèo tuồng, Luật pháp phong kiến, thơ giáng bút), có  thêm chuyên đề về chữ Nôm Tày, chữ Nôm Dao và thư tịch của các dân tộc it người  này... Trong các phần viết này, các giáo trình cũng sẽ đưa ra các dấu mốc đặc biệt quan trọng trong văn hiến nước nhà như: tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm đầu tiên của người Việt, các từ điển cổ của Việt Nam, tác phẩm văn học dịch đầu tiên, cứ liệu sớm nhất về chữ Nôm, về thơ lục bát, song thất lục bát.

Việc biên soạn giáo khoa về Hán Nôm nên chú trọng đến việc tham khảo thêm ở các giáo trình, giáo khoa Hán Nôm và cổ văn được biên soạn dưới thời thuộc Pháp. Chẳng hạn sách Quốc văn giáo khoa thư đã chọn các tác phẩm Hán Nôm rất giản dị dễ hiểu và mẫu mực cả về văn phạm lẫn đạo đức để làm bài học cho học sinh. Cách đặt vấn đề và yêu cầu đối với học sinh ở các giáo khoa này rất đáng để chúng ta nghiên cứu và tiếp thu. Thực ra về vấn đề này, chúng tôi từ lâu đã hy vọng có một công trình nghiên cứu (cá nhân hoặc tập thể) tất cả mọi vấn đề xung quanh chương trình giảng dạy chữ Hán Nôm trong các trường công và tư thời trước, mà trọng tâm là các trường dưới thời thuộc Pháp, từ giáo trình, giáo án, đến các yêu cầu đối với học sinh và giáo viên, để rút ra những điều khả thủ trong việc dạy và học chữ Hán hiện nay.    

Vài lời tạm kết

Ngày nay, chúng ta dạy ngữ văn Hán Nôm là chuẩn bị tốt nhất cho xã hội chúng ta “đến hiện đại từ truyền thống”. Ngữ văn Hán Nôm là bộ môn rất khó, để dạy cho thật hay, thật hiệu quả lại càng khó hơn. Thực tế cho thấy rằng sinh viên các trường đại học và cao đẳng lúc đầu thường rất hào hứng học những giờ Hán Nôm, nhưng sau đó là sự chán chường đã ập đến, kéo các em ra khỏi những giờ học môn này, vì chữ Hán Nôm khó học, khó nhớ, khô khan và rắc rối quá.

Tôi nghĩ rằng trong việc nghiên cứu để có một chương trình nghiên cứu, giảng dạy ngữ văn Hán Nôm thật hấp dẫn, thật hiệu quả thì trước hết là phải hướng tới mục tiêu xã hội hoá công tác Hán Nôm, đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó quan trọng nhất là hướng tới việc dạy cho sinh viên cách tiếp cận liên ngành trong học tập. Tất cả những điều này thể hiện bằng một hệ thống giáo trình và tư liệu tham khảo ngày càng cập nhật và đa dạngkhơi dậy lòng ham mê văn hoá cổ truyền và kích thích tư duy sáng tạo của người học

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020