Hán nôm

NỘI TÂM TÂM LINH CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ PHƯƠNG ĐÔNG VỚI VẤN ĐỀ THƯ PHÁP HÁN NÔM


15-10-2020
Tác giả: Bùi Thanh Hùng

Nghệ thuật thư pháp Hán Nôm chính là phương thức, là cách viết chữ Hán chữ Nôm một cách có nghệ thuật. Các bậc trí thức tiền bối của nước ta rất coi trọng loại hình nghệ thuật này. Chúng ta tự hào về những nét bút tài hoa của cha ông chúng ta qua những văn bản như văn bia, sắc, chiếu, biểu, chỉ, dụ, hoành phi, câu đối... Rất nhiều danh nhân đất Việt như Thiền sư Mãn Giác Mạc Đĩnh Chi, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến... đã dùng cái tinh diệu của nét bút để truyền đạt những tình cảm thâm trầm mà hào phóng, sâu sắc mà cao đẹp, kín đáo mà bay bổng của tâm hồn người Việt Nam.

Nghệ thuật thư pháp Hán Nôm chính là phương thức, là cách viết chữ Hán chữ Nôm một cách có nghệ thuật. Các bậc trí thức tiền bối của nước ta rất coi trọng loại hình nghệ thuật này. Chúng ta tự hào về những nét bút tài hoa của cha ông chúng ta qua những văn bản như văn bia, sắc, chiếu, biểu, chỉ, dụ, hoành phi, câu đối... Rất nhiều danh nhân đất Việt như Thiền sư Mãn Giác Mạc Đĩnh Chi, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến... đã dùng cái tinh diệu của nét bút để truyền đạt những tình cảm thâm trầm mà hào phóng, sâu sắc mà cao đẹp, kín đáo mà bay bổng của tâm hồn người Việt Nam. Những tác phẩm của các ông đã trở thành những di sản văn hoá vô cùng quý báu của dân tộc. Nói đến nghệ thuật thư pháp chúng tôi muốn nhấn mạnh đến chất trí tuệ, giá trị nhân văn với bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ thư pháp Hán Nôm. Hay nói một cách khác muốn có một văn bản thư pháp Hán Nôm cho đẹp, cho nghệ thuật, cho có hồn thì không phải chỉ dựa vào sự khéo léo của bàn tay tài hoa trong việc điều khiển ngọn bút lông mà còn phải dựa vào chính tâm hồn của người viết cùng với bề dầy tri thức về văn tự Hán, văn tự Nôm và những tri thức về thẩm mĩ tồn tại một cách khách quan đối với loại hình văn tự này mà nhà thư pháp tích luỹ được.

Văn tự Hán là văn tự tượng hình và là một trong ba loại hình văn tự có mặt sớm nhất trên hành tinh này. Văn tự cổ Ai Cập ở lưu vực sông Nin và văn tự Mai – a ở miền Trung Mỹ đã mai một và thay vào đó là hàng loạt các văn tự ghi âm có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới. Có thể nói rằng văn tự Hán sau nhiều nghìn năm phát triển nó vẫn giữ nguyên chất tượng hình biểu ý vốn có của nó. Một số nhà nghiên cứu văn tự phương tây đã có những đánh giá thiếu chuẩn xác, thiếu khoa học về loại hình văn tự này. Họ cho rằng Hán tự là một hiện tượng không bình thường, sự phát triển lệch tuyến của nó đã làm hỏng sự chuyển hoá của một văn tự cổ. Trái ngược lại nhiều nhà ngôn ngữ học nổi tiếng trên thế giới lại có cách nhìn nhận khác, Họ đã chứng minh một cách khoa học rằng: Văn tự Hán là đặc sản của dân tộc Hán, nó đã vượt xa các loại hình văn tự biểu ý khác, có thể duy trì lâu dài, truyền bá rộng rãi và nay còn thích nghi rất tốt với việc diễn đạt tư tưởng hiện đại và khoa học. Chữ Hán đã phát triển một cách lô gíc từ “văn” sang “tự” và từ “tự” này sang “tự” khác. Văn tự Hán là loại hình văn tự có kết cấu mang tính khoa học cao; nhiều nhà khoa học cho rằng chỉ có cách đi vào ngôn ngữ văn tự Hán mới tránh được cách nhìn phiến diện và giúp ngữ văn học thế giới bước ra khỏi ngõ cụt. Với lối tư duy khái quát, với lối quan sát và đánh giá sự vật trong tổng thể, người Hán đã tạo ra chữ Hán với những yếu tố có quan hệ với nhau hết sức biện chứng. Tính lô gíc trong kết cấu ngôn ngữ văn tự Hán cũng rất chặt chẽ. Một nhà nghiên cứu người Anh đã khẳng định rằng: “Đã có thể chứng minh kết cấu của tiếng Hán thể hiện một cách hoàn thiện lô gíc hình thức hơn bất cứ thứ ngôn ngữ Ấn Âu nào.” An Tử Giới gọi con đường phát triển của chữ Hán là con đường phát triển của quan niệm hoá, triết học hoá. Cao Xuân Hạo trong bài viết Chữ Tây và chữ Hán thứ chữ nào hơn?  đăng trong bán nguyệt san Kiến thức ngày nay, số 141 năm 1994 đã có những dòng thật táo bạo: “… đã thấy rõ những ưu điểm lớn lao của chữ Hán. Có người còn tiên đoán rằng chỉ vài ba mươi năm nữa cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc…”. Đi vào bản chất của chữ Hán chúng ta càng thấy rõ tính khoa học trong kết cấu của nó. Mỗi chữ Hán có ba yếu tố: Hình (hình dạng), Âm (âm đọc) và Ý (ý nghĩa). Âm là đối tượng của ngành Âm vận học. Ý là đối tượng của ngành Huấn hỗ học, còn hình là yếu tố mà Thư pháp học quan tâm. Hình có vai trò quan trọng đối với người viết chữ Hán vì trước khi đọc người ta còn phải ngắm chữ, chẳng vậy mà những chữ đồng âm vốn không thể gieo vần được với nhau nhưng vì chúng có cách viết khác nhau nên vẫn được các nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ sử dụng. Thư pháp quan tâm đến hình dạng các nét, đến không gian giữa các chữ, các nét có được sắp xếp hợp lý không? Có ma lực làm siêu lòng người không? Điều này chúng ta rất dễ nhận thấy trong nghệ thuật thư pháp các từ trong văn bản thư pháp thì mọi người đã quá rõ, nhưng mấu chốt của vấn đề lại không phải ở chỗ này. Ý nghĩa của một chữ trong thư pháp chứa đựng một biểu tượng, một ý niệm lớn lao hơn nhiều lần ngữ nghĩa nó mang. Chữ trong nghệ thuật thư pháp là một biểu tượng về cuộc sống và là sự cô đúc về tinh thần, ý chí của con người. Mỗi chữ mà nghệ sĩ thư pháp tạo ra đều chứa đựng tinh thần của người nghệ sĩ. Nó sinh động gợi cảm như chính sức sống của sự vật. Người thưởng thức thư pháp không phải chỉ dùng mắt mà phải dùng cả trái tim nhạy cảm, tâm linh huyền diệu để lĩnh hội những ý tưởng sâu sắc, những nhựa sống tuôn trào trong từng con chữ. Thái Bá Vân đã có khái quát rất hay: “Từ tờ giấy trăng mà vẽ nên tranh, từ hòn đất mà làm nên tượng, đó là từ trong trắng đi đến hạnh phúc, là thiết lập cái không vào cái có, là giới hạn cái vô hạn vào cái hữu hạn, là trách nhiệm và lòng tin của ta, không phải vào cái ai cùng nhìn thấy bằng con mắt, mà là vào cái ta quan niệm trong lòng”. Trong một bức thư pháp các đường bút phải đi rất nhanh nhưng hoàn toàn chính xác và đầy khí lực bởi cái tinh thần của con chữ đã được nhà thư pháp nhập tâm vào vô thức của mình. Và rồi từ cái vô thức ấy con chữ lại hiện ra linh thiêng như một cái siêu phàm cuốn hút lòng người. Nhà thư pháp thiền Kô Bô Đai Shi đã từng dạy: “Nét bút đi từ không và cái không ấy được thành tựu một cách vô thức trong nét bút. Khi dòng chữ tuôn trào… thì ảnh hưởng của nó rất diệu kỳ.” (Trích theo Căn bản nghệ thuật thư pháp của Nguyễn Bá Hoàn, Nxb Thuận Hoá, 2001). Ở Nhật Bản thư pháp luôn luôn gắn chặt với thiền, người ta luyện tập thư pháp đi đôi với việc thực tập tọa thiền. Nét bút là phóng chiếu tâm linh của người tu thiền, nó lặng lẽ, âm thầm chảy vào tâm linh của con người. Nghệ thuật thư pháp thiền ở Nhật Bản đã đạt tới mức siêu việt. Một trong những tinh hoa của thư pháp thiền là Thiết Chu, ông được công nhận là ông tổ của trường phái thư pháp Jubokudô. Những mặc tích trong thư pháp của ông thể hiện sự kiên định và sâu thẳm của tâm linh, đồng thời nó cũng thể hiện kinh nghiệm thiền của người thủ bút. Cố thể nói rằng chính cái sức sống thâm trầm, sâu lắng nhưng lại hết sức mãnh liệt tiềm ẩn bên dưới những nét bút tài hoa đã làm tăng sự ngươõng mộ của người đời đối với nghệ thuật thư pháp. Nếu như chỉ dựa vào  vẻ đẹp bề ngoài mang tính thẩm mỹ thì thư pháp Nhật Bản không được đánh giá cao như chúng ta nhận thấy. Phần lớn những nhà thư pháp Nhật Bản đều không phải là những người chuyên nghiệp viết chữ mà là những nhà thơ, nhà văn, tu sĩ… Những người này đã đặt hết tâm trí vào cái chính là sức sống nội tâm, phần hồn ở tác phẩm thư pháp, những con chữ ở đây phải ngập tràn, thấm đẫm năng lực từ cái nhìn giác ngộ. Bởi vậy trong các tác phẩm nghệ thuật thư pháp phương Đông, chúng ta đều thấy hiện lên tinh thần, sức sống của sự vật và đây cũng là mục đích tối cao của tác phẩm nghệ thuật.

Nghệ thuật thư pháp có nguồn gốc từ Trung hoa và có một lịch sử khá lâu đời. Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam cũng đã tiếp nhận những thành tựu của nghệ thuật này và sáng tạo thành một thứ nghệ thuật thư pháp bản địa mang đậm màu sắc dân tộc trong mỗi chủ thể sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thư pháp. Ở Trung Hoa từ thế kỷ thứ hai, thứ ba trước công nguyên đã xuất hiện những dòng chữ viết trong cung đình hết sức hấp dẫn. Thời Nam Bắc triều đã xuất hiện những bức thư họa nổi tiếng mang đậm màu sắc tôn giáo. Từ thời Tống Nguyên Minh Thanh trở về sau đã xuất hiện rất nhiều các đại bút với nhiều trường phái khác nhau. Thư pháp Hán triện là sự đối ứng nhau, khiêm nhường nhau và có đặc điểm đều đặn mĩ quan. Đời Hán có Lý Dương Băng với Tam phần ký, Thành hoàng miếu bi. Đời Thanh có Đặng Thạch Như, Ngô Nhượng Chi… Thời này các nhà thư pháp đã biết dùng  bút lông nhọn, dài thay cho bút lông ngắn, đã tạo được cách điệu ý thái trên lối viết khi đặt bút, đè bút, thu bút biến hóa khôn cùng. Về kết cấu cũng đã hình thành phong thái thướt tha. Trương Hoài Quân khi nói về thư pháp hành thư đã viết: “ … phát huy cây bút, ánh sáng như sao gươm, chiếu rực như cầu vồng, như loan hạc thuyền quyên”. Còn thư pháp của Lệ thư thì tề chỉnh ngay ngắn, phân bố chỗ trống cân đối, trên dưới điều hòa, nội ngoại tương xứng nhau, thống nhất cách điệu. Còn với nghệ thuật của Thảo thư thì đòi hỏi múa bút một lần mà thành. Phần đông các nhà thư pháp chú ý đến kiểu chữ thảo vì thể chữ này cho phép bộc lộ cá tính một cách đầy đủ, rõ ràng nhất. Trương Chi sống vào đời Đông Hán đã trở thành bậc thảo thánh. Công phu luyện tập rất ghê: Cán bút chất thành gò, ao rửa bút đã đen ngòm màu mực. Thời Tấn có hai cha con Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi đã trở thành thảo thánh nhị vương. Vương Hi Chi nổi tiếng nhất với Lan Đình thiếp. Người đời sau khen là bút thiếp mẫu mực. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã có câu: “Khen rằng bút pháp đã tinh, So vào với thiếp Lan Đình nào thua”. Kim Dung trong tác phẩm Ỷ thiên đồ long ký cho rằng trưởng phái Võ Đang là Trương Tam Phong đã mô tả thiếp bút Lan Đình, dùng ngón tay viết Tán loạn thiếp vào không trung tạo nên một môn võ công lợi hại. Thực tế đời Đường, vua Thái Tông hễ rỗi là tập viết vào không khí. Đó chính là công phu “Trừu không luyện tự”. Mối liên hệ giữa võ công và vận bút đã nói lên điều thần diệu trong thư pháp. Nói về thư pháp còn có nhiều chuyện lạ. Trương Húc, một trong tam tuyệt đời Đường (Thơ ca Lý Bạch, kiếm pháp Bùi Mân, thư pháp Trương Húc). Tương truyền Trương Húc uống rượu say nhúng đầu vào mực rồi viết lên giấy, lên lụa… chữ đẹp đến nỗi tưởng chừng xé lụa bay lên. Qua những thí dụ nổi tiếng này chúng ta thấy rõ con mắt tinh thần và tâm hồn, tâm linh của người nghệ sĩ thư pháp phương Đông đặt vào từng nét chữ biến những nét chữ vô hồn thành những sinh vật sống động. Dòng chữ: “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đáo tràng chi bi văn” đắp lối Triện trên trán bia ở làng Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa dựng năm Mậu Dần, niên hiệu Đại Nghiệp 14 nhà Tùy (618 Sau CN) có thể coi là văn bản thư pháp có mặt sớm nhất ở Việt Nam. Hàng nghìn hàng vạn văn bản Hán Nôm với đủ mọi thể loại được thể hiện trên nhiều chất liệu như: giấy, lụa, tre, gỗ, đá, đồng… đều thẫm đẫm nội dung sâu lắng, tài hoa trác việt của con người Việt Nam. Đây cũng là minh chứng cho sự tiếp nhận sáng tạo văn hóa nghệ thuật phương Đông nói chung và nghệ thuật thư pháp Trung Hoa nói riêng. Ai đã từng một lần đến chơi chùa Hương mà không khỏi bâng khuâng trước dòng chữ: “Nam thiên đệ nhất động” bút tích của Trịnh Tĩnh vương. Ai mà không ngạc nhiên, thán phục khi được biết bài thơ Vũ trung sơn thủy của vua Thiệu Trị được khảm xà cừ trong Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế được đọc thành hơn 100 cách khác nhau. Nói như Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn: “Bản thân hai bức khảm xà cừ đã là những hiện vật quý, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị mỹ thuật. Kiểu thơ trình bày trong hai bức khảm lại càng có giá trị về nhiều mặt nói lên trình độ Hán học rất cao của tiền nhân ...”. (Tìm hiểu kỹ xảo Hồi văn liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thủy của Thiệu Trị - Nguyễn Tài Cẩn, Nxb Thuận Hóa, 1998). Có thể nói trên khắp đất nước Việt Nam, từ chùa chiền miếu mạo, lăng tẩm đến các hang động đều có dấu tích của những bàn tay tài hoa lắng đọng trong những dòng thư pháp Hán Nôm. Nó thể hiện một lối sống trí tuệ, lành mạnh; một tài hoa bay bổng nhưng chừng mực, một nét bút mềm mại thanh tâm. ở Việt Nam không có những bức cuồng thư như ở Trung Hoa, hay Mặc tích như ở Nhật Bản... Những người làm công tác giảng dạy và học tập Hán Nôm cần phải rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ Hán Nôm đặc biệt phải chú ý đến vấn đề thư pháp học, một chuyên ngành đã có từ lâu nhưng còn mới mẻ với Việt Nam để có điều kiện tiếp thu những giá trị thẩm mĩ ở những tác phẩm thư pháp Hán Nôm vốn có giá trị của cha ông ta.

Hà Nội, Tháng 1 - 2005

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020