Hán nôm

MỘT SỐ TRAO ĐỔI TRONG NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP HÁN NÔM


15-10-2020
Tác giả: PGS.TS Trần Lê Bảo

Cùng với sự ra đời của vương triều phong kiến nhà nước Đại Việt, chữ Hán và chữ Nôm cũng ra đời, ghi chép lại tư tưởng tình cảm, trí tuệ của ông cha ta ngàn năm nay. Lịch sử tinh thần của cha ông được bảo lưu trong hơn 5000 bộ sách Hán Nôm hiện đang được lưu giữ ở thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. Đấy là chưa nói tới còn hàng ngàn bộ sách Hán Nôm khác được lưu giữ trong thư viện các gia đình. Hàng ngàn văn bia, câu đối, hoành phi, sắc phong, hương ước, văn khắc chuông khánh… trong các làng xã, đình chùa, trải dài từ Bắc tới Nam. Đây là kho di sản văn hoá vô giá. Nhưng muốn khai thác và không ngừng sưu tầm bổ sung kho di sản quý này cần có người thành thạo Hán Nôm. Mặc dù đã có nhiều công sức khai thác của các thế hệ cha ông song nguồn tư liệu Hán Nôm đồ sộ ấy dường như chưa hề vơi cạn.

 

1. Hán Nôm là một ngành khoa học thuộc khoa học xã hội đã có lịch sử lâu dài và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần ở nước ta.

Cùng với sự ra đời của vương triều phong kiến nhà nước Đại Việt, chữ Hán và chữ Nôm cũng ra đời, ghi chép lại tư tưởng tình cảm, trí tuệ của ông cha ta ngàn năm nay. Lịch sử tinh thần của cha ông được bảo lưu trong hơn 5000 bộ sách Hán Nôm hiện đang được lưu giữ ở thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. Đấy là chưa nói tới còn hàng ngàn bộ sách Hán Nôm khác được lưu giữ trong thư viện các gia đình. Hàng ngàn văn bia, câu đối, hoành phi, sắc phong, hương ước, văn khắc chuông khánh… trong các làng xã, đình chùa, trải dài từ Bắc tới Nam. Đây là kho di sản văn hoá vô giá. Nhưng muốn khai thác và không ngừng sưu tầm bổ sung kho di sản quý này cần có người thành thạo Hán Nôm. Mặc dù đã có nhiều công sức khai thác của các thế hệ cha ông song nguồn tư liệu Hán Nôm đồ sộ ấy dường như chưa hề vơi cạn.

Trong thời đại hiện nay, thế giới đang kêu gọi đối thoại giữa các nền văn hoá và văn minh. Các dân tộc chẳng những được hưởng lợi từ các nền văn minh khác mà còn có trách nhiệm đóng góp cho nền văn minh của nhân loại. Mặt khác, đối thoại để các cộng đồng có thể hiểu nhau, chấp nhận nhau, bao dung và dung hoà nhau để ổn định và phát triển trong mái nhà chung trái đất này. Vì vậy, Việt Nam cũng phải có trách nhiệm đóng góp những văn minh, văn hiến của dân tộc mình vốn đã được bảo lưu trong kho tàng Hán Nôm cổ đồ sộ do cha ông để lại cũng như những văn minh tinh thần của Việt Nam hiện nay cho kho tàng văn hoá văn minh khu vực và thế giới.

Chữ Hán và chữ Nôm, đối với hiện nay nó là “tử ngữ”, bản thân con chữ khó học, hiệu quả ứng dụng không cao, vì vậy số người học tập và nghiên cứu không đông. Mặt khác trong kho tàng tiếng Việt có đến hơn 60% âm Hán Việt. Người Việt Nam muốn hiểu văn chương, đặc biệt văn chương cổ trung đại Việt Nam không thể không biết Hán Nôm. Chúng ta muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng không thể không biết Hán Nôm. Đấy là chưa nói tới những người nước ngoài muốn hiểu về đất nước con người Việt Nam thật sự, không thể chỉ biết tiếng Việt thông qua chữ quốc ngữ, mà có rất nhiều nhà Việt Nam học nước ngoài như Trung Quốc, Liên Xô, Nhật Bản, Hàn Quốc… ngoài chữ quốc ngữ họ còn rất giỏi cả chữ Hán và chữ Nôm để có thể nghiên cứu sâu về Việt Nam.

Đội ngũ những nhà nghiên cứu Hán Nôm mặc dù được đào tạo hiện đại, bổ sung thường xuyên, song để trở thành người nghiên cứu thực sự có nhiều thành quả để được gọi là “nhà nho uyên bác” thì còn hiếm. Cố nhiên thời đại của những ông đồ già đã qua đi nhưng sự tiếp nối thế hệ trước theo một cách thức mới là rất cần thiết. Tất cả những vấn đề trên để cho thấy tầm quan trọng của ngành học Hán Nôm ở Việt Nam

2. Đào tạo Hán Nôm, đào tạo những người làm công tác sưu tầm, bảo quản, phiên dịch, nghiên cứu, khai thác và giảng dạy Hán Nôm thực sự trở thành một vấn đề quan trọng, có tính thực tiễn và tính khoa học trong điều kiện hiện nay. Nó chẳng những góp phần giữ gìn và bảo đảm sự liên tục về văn hoá giữa truyền thống và hiện đại, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn khai thác sức mạnh tinh thần, tạo nên nội lực Việt Nam phục vụ cho sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hiện đại.

Chương trình đào tạo Hán Nôm ở cấp đại học gồm những nội dung:

- Văn tự học, âm vận học Hán Nôm

- Ngữ pháp văn ngôn, văn bản học Hán Nôm

- Từ chương học Hán Nôm

- Các tri thức triết học: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo

- Các văn bản được tinh tuyển: Hán văn Trung Quốc cổ điển và lịch đại

- Các văn bản Hán Nôm Việt Nam

- Các kĩ năng giải mã và khai thác văn bản Hán Nôm trên cơ sở các tri thức liên ngành và hiện đại

Những kiến thức cung cấp trên vừa đảm bảo trình độ cơ sở và chuyên sâu, vừa có kiến thức văn sử lẫn triết học tôn giáo, vừa học lý thuyết lại vừa học thực hành, vừa có kiến thức trong nước lẫn ngoài nước.  Đây là những kiến thức tối thiểu đảm bảo trình độ cử nhân ngành Hán Nôm có thể tiếp tục sự nghiên cứu, làm những công việc liên quan đến Hán Nôm và có thể tiếp tục học ở bậc cao hơn.

3. Để có thể chuyển tải được các nội dung trên của ngành Hán Nôm, chúng tôi xin trao đổi một số phương pháp nghiên cứu và giảng dạy mà chúng tôi cho rằng quan trọng (chứ hoàn toàn không phải là tất cả, có thể thay cho mọi phương pháp).

3.1. Nghiên cứu và giảng dạy theo lối Huấn hỗ

“Huấn” 訓 là thuyết minh, giải thích, “hỗ” 言古  chiết tự nghĩa gốc là “cổ ngôn” 古  言 , phát triển thành giải thích cổ ngữ. Huấn hỗ là dùng ngôn ngữ thông thường để giải thích những chữ cổ tương đối khó hiểu, cuối cùng làm người đọc thông tỏ nghĩa văn sách cổ, nói rõ nghĩa chữ.

Ngôn ngữ sách vở cổ đại Trung Quốc do đặc điểm tư duy thời cổ, do bản thân chữ Hán đa nghĩa, sử dụng từ cổ, cấu taọ ngữ pháp lỏng lẻo, âm vận biến đổi… tất cả đều là những thách thức đối với thế hệ sau. Vì vậy nghiên cứu ngôn ngữ sách vở cổ đại cần có tri thức cơ bản về văn tự, từ vựng, ngữ pháp và lịch sử ngữ âm, nắm vững quy luật phát triển nói chung của ngôn ngữ văn tự mới có thể tiến hành chỉnh lý nghiên cứu tư liệu huấn hỗ của đời trước, tổng kết lý luận và phương pháp nghiên cứu từ nghĩa của người trước, tiến thêm một bước mở ra con đường mới, để nghiên cứu sâu và rộng hơn. Huấn hỗ học hiện đại kế thừa thành quả tiền nhân, trên cơ sở các nguyên lý của ngôn ngữ học hiện đại, nghiên cứu các quy luật dẫn thân của các từ ngữ, những nguồn gốc từ mới phái sinh, những phương pháp chính xác giải thích từ ngữ, các phép tắc phân biệt từ đồng nghĩa, nghiên cứu các vấn đề quan hệ giữa từ nghĩa với ngữ pháp cũng như vấn đề ảnh hưởng của tu từ đối với từ nghĩa… từ đó xây dựng ngành Hán ngữ nghĩa học khoa học.

Việc nghiên cứu Huấn hỗ có tác dụng quan trọng đối với việc giải thích sách cổ, tìm hiểu văn hoá khoa học cổ đại, khảo chứng lịch sử phát triển của ngôn ngữ, cũng như hiệu đính, chỉnh lý sách cổ và biên soạn từ điển, từ thư. Tổng kết lý luận về Huấn hỗ sẽ cung cấp những căn cứ khoa học cho từ vựng học và từ điển học. Từ đó mở ra việc nghiên cứu ngữ nghĩa rộng và sâu hơn, nhờ liên hệ cổ kim, mở rộng đến phương ngữ, phân biệt cấp độ, nghiên cứu mọi hiện tượng phát triển từ nghĩa và đúc rút quy luật chung giúp cho việc giảng dạy ngữ văn và biên soạn từ điển. Ngoài ra còn căn cứ vào hệ thống ngữ âm và nghĩa mà nghiên cứu quan hệ giữa “tự” và “từ”, cao hơn là “họ của từ” một cách toàn diện…

Từ xưa đã có những nhà Hán học uyên bác chính là nhờ lối học Huấn hỗ. Vốn kiến thức của những học giả này rất lớn, vừa sâu vừa rộng cho nên cách giảng dạy của họ sáng tỏ, thấu đáo và đầy sức thuyết phục.

3.2. Nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm theo mã văn hoá

Ngôn ngữ và văn học là thành tố của văn hoá. Nó là kết tinh giá trị văn hoá của một cộng đồng, đồng thời nó cũng là “sự tự ý thức văn hoá”. Mặt khác, dưới góc độ kí hiệu học, thì chữ Hán Nôm là cả một kho tàng kí hiệu mang đầy tính biểu tượng. Văn hoá thực chất là hệ thống biểu tượng của một cộng đồng, “một trật tự biểu tượng cấu trúc nên cái thực tại nối con người với con người”, là “dòng thác tư tưởng, xuyên từ cá nhân này sang cá nhân khác thông qua hoạt động biểu tượng” (Photode – Biểu tượng văn hoá thế giới, tr. 22, 23). Vì vậy, nghiên cứu và dạy Hán Nôm không thể không quan tâm đến những biểu tượng mà chữ Hán và chữ Nôm biểu hiện.

Ngay từ những kí hiệu đầu tiên khắc trên mai rùa và xương thú, những chữ đầu tiên của Trung Quốc đã là những phác hoạ, tượng trưng thể hiện những thái độ xác định, những nhịp điệu được biến thành hình thể, không lệ thuộc vào âm thanh và bất biến tự tạo nên đơn vị riêng, tạo nên mỗi kí hiệu duy trì được khả năng tồn tại độc lập và có khả năng tồn tại lâu đời. Có thể nói sự phát triển chữ Hán là một cuộc đấu tranh dai dẳng nhằm khẳng định quyền “tự trị” và sự tự do kết hợp. Để phát triển, chữ Hán phải giải quyết mâu thuẫn biện chứng giữa những âm được diễn đạt bằng kí hiệu với sự hiện diện bằng hình thể hướng tới những chuyển động có điệu bộ, giữa sự đòi hỏi hình tuyến với mong muốn thoát khỏi sự cầm tù về không gian. Việc duy trì cái “mâu thuẫn” này kéo dài khoảng 40 thế kỉ cho thấy sự kì lạ của tư duy Trung Hoa. Mặc dù vậy, nhờ chữ viết của mình, người Trung Quốc đã đem lại cho ngôn ngữ của mình một khả năng diễn đạt phong phú, tinh tế đến kì lạ. Điều này đem lại cho các nhà thơ Trung Quốc một lợi thế vô cùng lớn lao.

Dưới góc độ cấu tạo chữ, toàn bộ chữ Trung Quốc được chia thành 214 bộ, và một phần khác được cấu tạo bằng một số nguyên tắc nhất định, hoặc bằng một chữ đơn dùng để ghi âm một phần ghi ý. Chẳng hạn 2 chữ “nhân” 人 (là người) và 仁  (là yêu người) có âm đọc giống nhau nhưng nghĩa khác nhau. Gạt bỏ tính ngẫu nhiên và tuỳ tiện ở mọi mức độ của một hệ thống kí hiệu và dựa trên sự liên hệ chặt chẽ với thực tế sao cho không có sự ngăn cách giữa kí hiệu và thế giới, giữa con người và vũ trụ. Đó dường như là điều mà người Trung Quốc hướng tới. Điều này gợi ý cho ta sự suy nghĩ sâu hơn về tính chất riêng biệt của những chữ ghi ý. Đấy là chưa nói tới truyền thống Trung Quốc cho rằng chữ Hán có mối liên hệ với hệ thống bói toán âm dương bát quái trong Chu Dịch do Phục Hy nghĩ ra. Ở đây cho thấy mỗi chữ Trung Quốc chẳng những thể hiện sự cân bằng mà dường như còn thể hiện những mối liên hệ bí ẩn thống nhất nội tại. Tất cả các chữ đều có kích thước bằng nhau, mỗi chữ đều có kiến trúc riêng, bất biến và hài hoà. Mặt khác, sự tiếp nhận những kí hiệu như những chỉnh thể sống động còn được tăng cường bởi mỗi chữ ghi ý đều là đơn tiết và bất biến, khiến cho nó chẳng những có tính độc lập mà còn có tính cơ động cao trong khả năng kết hợp với những chữ khác tạo thành muôn vàn ý nghĩa khác nhau. Một hệ thống chữ viết như vậy với những quan niệm về các kí hiệu làm động lực bên trong cho nó, đã tạo điều kiện cho Trung Quốc có cả một loạt hoạt động tạo nghĩa như thơ ca, thư pháp, hội hoạ và cả những huyền thoại. Ngược lại, được chữ viết ghi ý gợi mở và quy định, thơ ca, thư pháp, hội hoạ và huyền thoại tạo nên một màng lưới kí hiệu vừa phức tạp vừa thống nhất. Vấn đề ở đây không đơn giản vì chữ viết được dùng làm vật chở mọi hoạt động ấy, mà hơn thế chúng tuân thủ theo một quá trình sản sinh ra những tượng trưng và một vài quy luật tương phản cơ bản. Quan trọng hơn là giữa chúng có chung tư tưởng thẩm mĩ, khó mà hiểu ngôn ngữ của một loại mà không dựa vào mối liên hệ của chúng với nhau. Ở Trung Quốc các ngành nghệ thuật không chia tách, một nghệ sĩ có thể đam mê cả hoạt động thơ ca, thư pháp, hội hoạ như đam mê một nghệ thuật trọn vẹn, mà ở đó mọi chiều hướng trí tuệ của con người đều được khai thác, cả khúc ca tuyến tính lẫn hệ thống không gian, những điệu bộ tôn giáo và những lời nói được biến thành hình thể.

Nếu không nắm được mã văn hoá Trung Hoa sẽ không hiểu được vì sao những làn gió vẫn thổi trong các trang thơ Đường với những ô chữ vuông vắn. Tiếng chim hót mùa xuân, tiếng ve sầu mùa hạ, tiếng trùng ngâm mùa thu đều là những âm thanh chỉ mùa vụ của phương Đông, một áng mây hồng là nơi nhập thế vinh hoa, vài mảng rêu xanh là nơi ở ẩn… tất cả những biểu tượng của ngôn ngữ Trung Quốc được thơ ca chưng cất làm hình thức biểu hiện. Ngoài ra còn rất nhiều phương thức phương tiện khác của ngôn ngữ được các nhà thơ Trung Quốc vận dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình.

Chữ viết Trung Quốc có một vai trò gợi mở cho huyền thoại. Nhờ đặc tính có đường nét, âm thanh, nhờ tính chất cụ thể và có hình ảnh cùng khả năng kết hợp của nó, chữ viết Trung Quốc đã góp phần làm nảy sinh một số hình ảnh và biểu tượng làm giàu cho các huyền thoại. Chẳng hạn vẽ bùa hoặc những công thức huyền bí khác thường là những nét phái sinh từ chữ Hán. Ở đây cho thấy người Trung Quốc có một niềm tin sâu sắc vào sức mạnh huyền bí của chữ viết. Trong một số đền đài hoặc miếu thờ Khổng Tử, vật thờ là tấm hoành phi mang dòng chữ  “thiên địa quân thân sư” (天  地  君  親  師). Dưới con mắt các tín đồ, mỗi chữ là một hiện diện sống của đối tượng thờ, sự xắp xếp chữ ‘Trời - Đất - Vua - Cha mẹ - Thầy’ còn thiết lập mối liên hệ thân thuộc gắn liền họ với vũ trụ nguyên sơ. Ở mức độ nào đó, một vài chữ với tư cách là chỉnh thể sống, là nhân tố cấu thành huyền thoại, chẳng khác gì hình ảnh và nhân vật huyền thoại khác.

Hơn nữa sự khai thác chữ viết của huyền thoại còn được chú ý cả về âm thanh. Trò chơi âm thanh trong chữ Trung Quốc tạo nên quyền lực mầu nhiệm cho đồ vật – hình ảnh. Vì chữ Trung Quốc là đơn tiết và số lượng âm ở chữ có hạn nên trường hợp đồng âm thường xảy ra. Tôn giáo dân gian đã sử dụng có hiệu quả thủ pháp làm cho một từ cụ thể ứng với một từ trừu tượng. Ví dụ sử dụng đồng âm: từ “lộc” 鹿 là con hươu dùng làm biểu tượng cho từ “lộc” 祿 là phát đạt; từ “bức” 蝠  là con dơi trở thành biểu tượng cho từ “phúc” 福 là việc tốt lành. Tranh chữ “phúc” 福 treo ngược để giải thích “phúc đảo” 福到  là phúc đến. Cô dâu Trung Quốc có nơi cầm quả táo (棗 子) để biểu thị ước vọng sớm có con (vì đồng âm với 早 生 子). Ngoài ra những nhà thơ tài hoa đã biết sử dụng nghệ thuật “chiết tự” để nâng cao tính nghệ thuật của thơ ca. Sẽ không hiểu sâu sắc nỗi lòng người mẹ nếu như không biết câu thơ “Lòng lão thân buồn khi tựa cửa” là chiết tự từ chữ “muộn” 悶 là buồn trong Chinh phụ ngâm; cũng sẽ không hiểu được hết tài hoa của nữ sĩ Hồ Xuân Hương khi nói đến sự việc khó nói (cô gái không chồng mà chửa) qua lối chiết tự tinh tế, nhẹ nhàng mà lại đầy cảm thông: “Duyên thiên chưa thấy nhô đầu sọc / Phận liễu sao đà nảy nét ngang” (chữ 天 nhô đầu thành chữ 夫 là chồng, chữ 了 nảy nét ngang thành chữ 子 là con). Cái hay nữa là lối sử dụng từ “duyên thiên” – duyên trời và “phận liễu” – biểu trưng cho thân phận và hoàn cảnh người con gái: chưa gặp “duyên” mà đã có “chuyện”, thật tinh tế!

Cho nên dạy Hán Nôm không thể không thấy mối liên hệ chặt chẽ của nó với mã văn hoá Trung Hoa. Nhờ nắm được mã văn hoá Trung Hoa việc dạy Hán Nôm được sâu sắc và sáng tỏ hơn nhiều lần.

3.3. Dạy Hán Nôm còn là dạy văn bản nghệ thuật

Văn bản nghệ thuật được viết bằng chữ Hán Nôm có nhiều thể loại, có nhiều quan điểm, lại trải qua sàng lọc của thời gian, cách tiếp nhận, khả năng phiên dịch cũng khác nhau, cho nên để đạt được hiệu quả trong việc nghiên cứu và giảng dạy một văn bản nghệ thuật Hán Nôm hoàn toàn không phải là điều đơn giản.

Mỗi thể loại có tiêu chí thi pháp thể loại, nói sao cho hay cái hùng vĩ của phú, cái hùng hồn của hịch, cái sâu sắc thâm trầm của Bách gia chư tử, cái trữ tình bùng phát của Đường thi, cái kì quái của tiểu thuyết. Cao hơn là những quan niệm chi phối văn chương: “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”, văn chương mang nặng chức năng giáo dục và nhận thức muôn đời. Bên cạnh những quan niệm văn chương ấy là những khát vọng dân chủ cháy bỏng muôn thuở đầy chất nhân văn trong các trang sách, những đòi hỏi “nhân tính, nhân tình và nhân dục” khi trầm lắng, lúc cháy bỏng nhưng chưa hề nguội tắt trong trái tim những văn nhân dọc theo lịch trình văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam.

Để hiểu cho hết một văn bản nghệ thuật viết bằng Hán Nôm, chẳng những cần có vốn từ rộng và sâu, hiểu biết sâu sắc về âm vận học, từ chương học mà còn cần phải hiểu biết về triết học và văn hóa học Trung Hoa. Điều này chẳng những khó khăn với bản thân người Trung Quốc nghiên cứu văn bản cổ của chính họ, mà đối với người nước khác thì sự khó khăn còn tăng lên gấp bội. Một văn bản có thể có nhiều cách hiểu, cho nên các học giả Trung Quốc luôn luôn phải bình chú, chú thích, chú giải qua nhiều năm tháng mà không thấy mệt mỏi. Họ làm như vậy là để giúp người đời sau tiếp cận văn bản ngày một sâu hơn, sáng tỏ hơn. Cố nhiên không loại trừ cả những bình chú hoàn toàn không thống nhất với nhau.

Còn đối với người nước ngoài nghiên cứu văn bản nghệ thuật Hán Nôm cổ, trước hết họ thiếu hẳn những kiến thức về văn hoá Trung Hoa và văn hoá Việt Nam, sau đó phải vượt qua các kí tự đầy tính biểu tượng rồi mới hiểu được nghĩa. Tuy nhiên, nếu có hiểu được nghĩa của từ thì cũng cần hiểu phương thức tư duy Trung Hoa và Việt Nam. Điều quan trọng là phải hiểu được người Trung Quốc suy nghĩ thế nào, thích thú cái gì chứ không phải chúng ta – người nước ngoài nghiên cứu gì, hứng thú cái gì?

3.4. Nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm là vừa kết hợp học với hành

Chính Khổng Tử đã yêu cầu “học là phải tập dượt cái điều đã học” (học nhi thời tập chi). Những điều thu nhận được trong các sách kinh điển nếu không chiêm nghiệm, suy ngẫm nó và quan trọng là phải vận dụng nó vào cuộc sống thì mới có ý nghĩa. Học và tập là hai mặt của một vấn đề hình thành nhân cách của một chương trình giáo dục. Cho nên Nho gia rất coi trọng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, một ngày ba lần ngộ thân… đều là đề cao tinh thần học tập và ứng dụng điều được học vào cuộc sống, để hiện thực hoá các lý thuyết đã thu nhận được.

Một trong cách tập dượt đã trở thành truyền thống văn hoá của Trung Quốc và những người nghiên cứu Hán Nôm nói chung đó là Thư pháp. Thư pháp không chỉ đơn giản là việc thực hành viết đẹp chữ Hán và chữ Nôm, mà ở đây có cả quan niệm chuẩn mực của bức tranh bằng chữ. Thư pháp trước hết có thể làm tôn lên vẻ đẹp thị giác của những chữ viết ghi ý và đã trở thành một nghệ thuật đặc biệt. Thực hiện hành vi này, người Trung Quốc tìm thấy nhịp điệu nhân bản sâu lắng trong họ thông qua quan hệ giữa các yếu tố mạnh mẽ và mềm mại, động và tĩnh, sức căng và sự hài hoà được thống nhất cao độ trong mỗi chữ và sự cân bằng giữa các chữ. Nhà thư pháp cũng tìm được sự thống nhất của chính mình ngay trong khi viết chữ diễn tả sự vật.

Nghệ thuật thư pháp luôn chú ý đến ý nghĩa của cái được biểu đạt, vì vậy họ thích viết các tác phẩm thơ. Khi tiếp cận bài thơ, nhà nghệ thuật thư pháp không đơn giản làm việc sao chép, mà anh ta làm sống lại tất cả sự vận động có dáng dấp và sức mạnh tưởng tượng của các kí hiệu.

Mặt khác, về phương diện hình ảnh, thư pháp còn có thể làm nổi bật những tầng lớp ý nghĩa từ những tầng lớp đường nét. Chính nhà thơ cũng đã vận dụng có hiệu quả khả năng khêu gợi này. Chẳng hạn trong bài Tân Di ổ Vương Duy, tín đồ của phái Thiền, miêu tả cây phù dung bắt đầu nở hoa qua câu “mộc mạt phù dung hoa” (木  末  芙  蓉  花 ). Câu thơ được dịch là “cuối cành hoa phù dung”. Điều đáng lưu ý ở đây, lẽ ra nhà thơ dùng ngôn ngữ trực tiếp chỉ rõ nghĩa giải thích quá trình nở hoa của cây phù dung. Song nếu cảm nhận dưới góc độ thị giác thì tính liên tục của con chữ có thể đem lại ấn tượng như độc giả đang tham dự vào quá trình phát triển của cây đang nở hoa. Qua những chữ viết ghi ý, độc giả có thể thấy quá trình này. Đầu tiên là cây (木), rồi đến ngọn (末), rồi mầm nhú ra nụ (bộ 艸 trên chữ 芙  蓉) rồi hoa nở (花), và bản thân chữ cũng hàm chứa cả từ “hoá” (化) là biến đổi. Rõ ràng với sự tiếp kiệm về các phương diện, nhà thơ đã làm sống lại quá trình thể nghiệm huyền bí qua các giai đoạn phát triển liên tiếp của cây hoa trong sự vận hành của tự nhiên vũ trụ.

Nghệ thuật thư pháp chẳng những là một sự thực hành những sở học của người nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm mà còn là một phương thức rèn luyện tâm hồn, trí tuệ để hoàn thiện nhân cách của một nhà Nho chân chính.

Tóm lại, trên đây là một số trao đổi trong việc nghiên cứu giảng dạy và học tập Hán Nôm, một môn học hết sức vất vả gian khổ và đầy tính khoa học giàu chất nhân văn như mọi ngành khoa học khác. Tất nhiên đây là chỉ những kinh nghiệm hoàn toàn mang tính chất cá nhân, mong được trao đổi và trao đổi.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020