Hán nôm

ĐÀO TẠO VỀ HÁN NÔM HOC CHO TƯƠNG LAI


15-10-2020
Tác giả: PGS Phan Văn Các

Hán Nôm học có thể xem là một ngành học đặc thù của đất nước ta, xuất phát từ một thực tế lịch sử - văn hoá đặc biệt của dân tộc: chúng ta thừa hưởng từ cha ông một Di sản Hán Nôm quý giá cần được kế thừa và phát huy đúng mức.

Hán Nôm học có thể xem là một ngành học đặc thù của đất nước ta, xuất phát từ một thực tế lịch sử - văn hoá đặc biệt của dân tộc: chúng ta thừa hưởng từ cha ông một Di sản Hán Nôm quý giá cần được kế thừa và phát huy đúng mức.

Di sản Hán - Nôm (DSHN) bao gồm toàn bộ văn hiến Việt Nam viết bằng chữ  khối vuông (chữ Hán, chữ Nôm Kinh, chữ Nôm Tày, chữ Nôm Dao…) đã từng vừa là một trong những động lực vừa là thành quả quan trọng của hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dũng cảm dựng nước và giữ nước đầy gian khổ hy sinh nhưng cũng đầy thắng lợi vẻ vang của cha ông ta. DSHN cũng là kết quả của giao lưu văn hoá, trong đó Việt Nam đã chọn lọc hấp thụ tinh hoa của văn hoá Hán đến từ phương Bắc, một trong những nền văn hoá lâu đời phát triển rực rỡ nhất thế giới, để không ngừng hoàn thiện mình.

Trải hai ngàn năm sử dụng chữ Hán và một ngàn năm sáng tạo và sử dụng chữ Nôm, ông cha ta đã để lại một khối lượng trước tác không nhỏ. (Đừng tự ti vì thấy số lượng chẳng thấm vào đâu so với Trung Quốc chẳng hạn, bởi lẽ Trung Quốc chẳng những có số dân luôn luôn gấp vài chục lần nước ta, mà còn là cường quốc vô địch thế giới về văn hiến thư tịch, với một hệ thống văn tự độc đáo đã có trên dưới 6000 năm lịch sử).

DSHN hiện được lưu giữ tập trung nhất tại Viện nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam với khoảng 16.500 sách, 21.000 đơn vị bản dập bia, chuông và khoảng 2.000 đơn vị tư liệu khác (thần sắc, thần tích, hương ước, địa bạ, xã chí…). Các tài liệu này phần lớn được học viện viễn Đông Pháp tổ chức sưu tầm từ đầu thế kỷ, sau đó được chuyển giao cho Thư viện Khoa học Trung ương, Thư viện Khoa học xã hội và năm 1980 cho Viện nghiên cứu Hán Nôm. Phần còn lại là do Viện tiếp tục sưu tầm bổ sung trong hơn hai thập kỷ qua.

Ở các thư viện và kho lưu trữ khác, tuy không tập trung bằng, song cũng còn rải rác nhiều văn bản quý. Ở Cục Lưu trữ Nhà nước, chỉ riêng bộ Châu bản triều Nguyễn với 602 quyển lớn đã là một kho tư liệu gốc vô giá để nghiên cứu vương triều cuối cùng này của lịch sử Việt Nam, và nghiên cứu đất nước con người Việt Nam cả thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, một bộ phận DSHN còn được lưu giữ ở các đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ và các tủ sách tư nhân.

DSHN còn bao gồm những sách vở tư liệu chữ Hán chữ Nôm của tổ tiên ta đã do nhiều nguyên nhân khác nhau, qua nhiều nẻo đường, bằng nhiều phương thức, thất tán đến nhiều nơi trên thế giới: Pháp, Nhật, Anh, Trung Quốc, Đài Loan… mà con số ước tính của chúng tôi phải là hàng ngàn đơn vị.

Trong điều kiện ấy, Hán Nôm học, ngành khoa học lấy DSHN làm đối tượng, đã trở thành chiếc cầu nối liền truyền thống với hiện tại và tương lai, mà cứu cánh là nhằm khắc phục một nguy cơ có thật trong đời sống văn hoá của dân tộc, ấy là sự gián đoạn trong kế thừa văn hoá truyền thống. Nguy cơ ấy dĩ nhiên cũng tồn tại ở tất cả các quốc gia khác, thể hiện ở sự thờ ơ của một phân số thế hệ trẻ mang thị hiếu thời đại, mang tâm lý hiếu kỳ sùng ngoại... Nhưng ở nước ta, nguy cơ ấy nghiêm trọng hơn. Bởi vì, với sự ra đời và truyền bá nhanh chóng của chữ Quốc ngữ - dĩ nhiên lợi ích và sự cống hiến của chữ Quốc ngữ thật hiển nhiên và cực kỳ quý báu - dù muốn hay không, văn hoá thành văn của Việt Nam vô hình trung bị phân tách thành hai mảng rõ rệt: mảng DSHN cổ truyền, và mảng thư tịch chữ la tinh (Quốc ngữ, chữ Pháp, chữ la tinh của một số tộc người thiểu số) chủ yếu hình thành trong thế kỷ XX.

Trừ một số ít chuyên gia, tuyệt đại đa số người Việt Nam, kể cả các nhà khoa học, nhà văn hoá, ít ra là từ đầu thế kỷ này, khách quan mà nói, lâm vào tình trạng “mù chữ” trước DSHN, bị tước mất quyền lợi trực tiếp, tiếp nhận nguồn sữa ngọt đầy dinh dưỡng quý giá từ tâm hồn và trí tuệ cha ông kết tinh trong kho tàng văn hiến Hán Nôm. Đó là một kho tàng phong phú chứa đựng biết bao giá trị đặc sắc mà mỗi lần tiếp xúc ta không khỏi sửng sốt và tự hào, kinh ngạc và khâm phục, mặc dù đã mất mát rất nhiều bởi thiên tai, nhân họa.

Nhưng cho đến nay, những gì chuyển mã, phiên dịch thành “quốc ngữ” - mặc dù các thế hệ chuyên gia Hán Nôm đã làm việc không mệt mỏi và tương đối có hiệu quả - chỉ mới chiếm một phần rất nhỏ. Vậy mà văn hoá hiện đại chỉ có thể xây dựng trên một nền tàng kế thừa quá khứ, đó là chân lý hiển nhiên được mọi người thừa nhận. Nhưng làm sao kế thừa được khi không có khả năng trực tiếp tiếp nhận những kết quả khảo sát, nghiên cứu, chiêm nghiệm, trăn trở của các thế hệ tiền bối về sông núi, đất trời và con người Việt Nam?

Chỉ xin nêu một đôi thí dụ nhỏ. Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890) một nhân vật chủ chiến chống Pháp xâm đồng thời chủ trương canh tân đất nước dưới thời Tự Đức, từng có một tư tưởng lớn là “Thiên sinh nhất thế nhân, tự túc liễu nhất thế sự” (Trời sinh ra con người trong một thời đại, tất đủ sức để giải quyết các công việc của thời đại đó). Con người Việt Nam sống gần như đồng thời với Karl Marx (1818 - 1883) đó đã nêu được một mệnh đề có ý nghĩa triết học gần gũi với luận đề nổi tiếng của triết gia thuỷ tổ chủ nghĩa cộng sản rằng “Lịch sử chỉ đặt ra những vấn đề mà thời đại đã có khả năng để giải quyết”. Tư tưởng ấy của Nguyễn Tư Giản được phát biểu vào năm 1859, trong một tác phẩm không lớn, Trần triều lăng tẩm đồ mạn kí (ký hiệu thư viện Viện Hán Nôm VHv.1755), mãi gần đây trong một dịp nghiên cứu tương đối tập trung về Nguyễn Tư Giản mới được phát hiện.

Có thể còn bao nhiêu trường hợp tương tự. Chẳng hạn, một nhà thơ lớn như Tuy Lí Vương, người từng nổi danh cùng với Tùng Thiện Vương “Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường”, còn để lại hàng ngàn bài thơ, song người đọc hiện đại chỉ mới được tiếp xúc qua bản dịch và giới thiệu một chùm trên chục bài…

*

*   *

Sự phát triển của ngành học Hán Nôm vì thế gắn liền máu thịt với việc gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu của nhân dân ta, với việc khám phá và khẳng định bản sắc của dân tộc ta trong quan hệ giao lưu văn hoá ngày càng rộng  rãi và trong sự quan tâm ngày càng lớn của thế giới đối với nền văn hoá lâu đời của phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá hiện nay, nhằm xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh, đòi hỏi chúng ta nhận thức đầy đủ hơn những ưu điểm nổi trội cũng như những nhược điểm yếu kém của con người Việt Nam trong quá khứ. Nhận thức ấy phải được đặt vững chắc trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ các giá trị tinh thần của dân tộc được lưu giữ phần lớn trong DSHN.

Với DSHN, có hai nhiệm vụ tổng quát được đặt ra: một là bảo vệ và làm giàu nó bằng cách sưu tầm thu thập ở trong nước và cả ở nước ngoài; hai là nghiên cứu khai thác nó. Hai nhiệm vụ này vừa liên quan chặt chẽ vừa bổ sung và tạo điều kiện cho nhau, và cả hai đều đòi hỏi phải nâng cao nhận thức chung của xã hội và phải có một đội ngũ cán bộ chuyên ngành đủ mạnh.

Dĩ nhiên, không phải ngày nay chúng ta mới nhận thức được ý nghĩa của công tác đào tạo Hán Nôm học.

Ba mươi lăm năm trước đây, tháng 11-1965, giữa không khí căng thẳng khẩn trương của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, Đảng ta và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, với tầm nhìn văn hoá xa rộng và niềm tin cách mạng sắt đá, đã quyết định mở lớp đại học Hán học đầu tiên của cách mạng, mà đa số các học viên đến nay đã trưởng thành, trở thành những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Cổ học của nước nhà.

Rồi “thời mở cửa” một mặt đặt ra yêu cầu bức bách và to lớn khai thác DSHN để khẳng định và giữ vững bản sắc dân tộc trong cuộc hoà nhập lớn với khu vực và thế giới, mặt khác tạo ra cơ hội và điều kiện thuận lợi để giới Hán Nôm học vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Nhà nước CHXHCN Việt Nam lại quyết định nâng việc đào tạo Hán Nôm học lên cấp Thạc sĩ và Tiến sĩ, để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của bản thân ngành học và của công cuộc kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó vừa thể hiện thái độ trân trọng di sản văn hoá dân tộc của Nhà nước cách mạng, vừa cho thấy tầm quan trọng của văn hoá, đặc biệt là văn hoá truyền thống trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Từ đó đến nay, đã có hàng chục luận án PTS (nay là TS) và vài chục luận án Thạc sĩ Hán Nôm học đã được bảo vệ thành công.

Tuy nhiên, ở điểm nhìn khởi đầu thế kỷ và thiên niên kỷ này, thiết tưởng việc đào tạo Hán Nôm học càng phải được quan tâm đặc biệt ở cấp độ Nhà nước, bởi hai lẽ: Một là tự thân ngành học gắn chặt với bản sắc văn hoá dân tộc, không có thiết chế tương ứng ở nhiều quốc gia khác; Hai là ngành học vừa rất chuyên, rất riêng lại vừa có yêu cầu liên kết rất cao với các ngành khoa học xã hội khác như văn, sử, triết, ngôn ngữ và văn hoá nói chung.

Trong khi nghiên cứu đưa Hán Nôm học - ở mức độ khác nhau, bằng nhiều chương trình với những yêu cầu khác nhau - vào nhà trường, sao cho người học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học có được một trình độ tri thức phổ thông về từ Hán - Việt, về các yếu tố Hán - Việt thường dùng, và sao cho người sinh viên các chuyên ngành Văn, Sử, một số ngành khoa học xã hội, văn hoá … được trang bị một trình độ Hán Nôm cơ bản gắn với những hiểu biết về văn hoá truyền thống, Nhà nước cần có chính sách, chế độ thích đáng (học bổng, khen thưởng…) để thu hút một bộ phận học sinh giỏi vào khoa Hán Nôm ở trường Đại học, vì ngành này học thì khó mà cơ hội tìm việc làm lại hạn chế và thu nhập thấp.

Riêng về đào tạo sau đại học, xin có mấy kiến nghị cụ thể:

1. Xác định một chiến lược duy trì vĩnh viễn việc đào tạo một đội ngũ chuyên gia Hán Nôm có chất lượng, mà chất lượng chỉ có thể đảm bảo trên một cái nền số lượng đúng mức.

Có người lầm tưởng rằng chỉ cần tập trung số người biết chữ Hán lại, dồn sức dịch mấy ngàn cuốn sách ra chữ quốc ngữ là xong.

Đương nhiên, việc phiên dịch các tác phẩm trong DSHN ra chữ quốc ngữ là rất quan trọng và cấp thiết, song sự đời không đơn giản như vậy. Trước hết, lực lượng Hán Nôm học hiện nay rất mỏng. Việc phiên dịch không thể hoàn thành trong một thời gian ngắn, bởi lẽ phải nghiên cứu công phu mới có thể phiên dịch tốt được, việc ấy còn đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều thế hệ. Điều quan trọng hơn là bất cứ một bản phiên âm hay dịch nghĩa nào, dù chất lượng cao đến mấy, cũng không thể thay thế được nguyên tác. Các bản dịch đều chỉ có giá trị tương đối, và phải thường xuyên kiểm định lại giá trị ấy.

2. Rà soát lại và xây dựng bổ sung để ban hành các chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ nhằm trang bị một trình độ học vấn vững vàng, một trình độ nghề nghiệp thuần thục, có khả năng giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn trong lĩnh vực chuyên môn Hán Nôm đầy hứng thú hấp dẫn song vô cùng phức tạp gian nan.

Theo thiển ý của chúng tôi, một chương trình tương đối toàn diện và hợp lý phải cung cấp cho các học viên và nghiên cứu sinh những tri thức và kỹ năng cần thiết về Ngữ văn học đại cương và Ngữ văn học cổ điển Trung Hoa, về Ngữ pháp văn ngôn và Âm vận học, về Huấn hỗ học và Văn tự học, về Từ điển và sách công cụ… Học viên và nghiên cứu sinh phải được tiếp xúc toàn văn và nghiên cứu có trọng điểm các tác phẩm cổ điển Trung Hoa, từ kinh điển Nho gia (Tứ Thư, Ngũ kinh) đến Bách gia chư tử (Lão - Trang - Mặc - Tuân - Hàn…), từ Sở từ Hán phú đến Đường thi Tống từ, tóm lại là những học vấn cần thiết về văn - sử - triết cổ đại Trung Quốc để một mặt nắm vững Văn ngôn về tất cả các mặt văn tự, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, tu từ, văn bản như một công cụ sắc bén, mặt khác hiểu sâu hơn văn hoá Trung Hoa cổ đại, một cái nôi văn hoá phương Đông, từ đó chuẩn bị vốn liếng để đi vào DSHN của dân tộc một cách vững vàng chắc chắn. Họ cũng cần được nghiên cứu các tác phẩm Hán văn Việt Nam tiêu biểu từ thời Lý - Trần, thời Lê, thời Tây Sơn, cho đến thời Nguyễn, cùng các trước tác của Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, được trang bị những tri thức cơ bản về chữ Nôm, được  khảo sát các văn bản chữ Nôm theo hướng thực hành thực tập.

Một loạt các chuyên đề về văn bản học Hán nôm, Thư tịch học Hán Nôm, gia phả, thần phả, địa bạ, văn bia, địa phương chí, thư tịch lịch sử, thư tịch y dược, ấn triện, thần tích, sắc phong, câu đối… cũng là cần thiết để giúp họ bước đầu thâm nhập vào thực tiễn phong phú đa dạng của DSHN.

Một số bộ môn bổ trợ như lí luận văn học - mỹ học phương Đông, tổng quan văn hoá cổ đại Trung Quốc, tổng quan văn học Việt Nam, thường thức văn hoá cổ đại Trung Quốc, văn hoá cổ truyền Việt Nam, lịch sử triết học phương Đông (Trung Hoa, Ấn Độ) nên được chỉ đạo để học viên và nghiên cứu sinh tự đọc sách, nhằm tạo một mặt bằng tri thức đủ rộng trước khi bước vào giai đoạn viết luận án.

Nghiên cứu sinh dĩ nhiên cần được trang bị đúng mức về các môn học chung cho tất cả các ngành như Triết học, Ngoại ngữ (trình độ C) và Tin học. Về triết học, nên đặc biệt chú ý triết học Trung Hoa. Về ngoại ngữ, nên ưu tiên tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh. Tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên cũng cần thiết và bổ ích cho việc nghiên cứu DSHN trong mối quan hệ so sánh với Hán văn Triều Tiên, Nhật Bản, Về tin học, nên chú ý kĩ năng sử dụng các phần mềm chữ Hán.

Dĩ nhiên cũng nên có sự hướng dẫn thích đáng về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và nghiên cứu Hán Nôm nói riêng. Cần coi trọng phương hướng tiếp cận văn hoá học.

Trong cả quá trình đào tạo, cần quán triệt các phương châm:

- Coi trọng tính hệ thống, tính lý luận, tính hiện đại của các bộ môn.

- Yêu cầu cao về rèn luyện kỹ năng thực hành (tra từ điển, phiên âm Nôm, phiên dịch văn bản theo thể loại).

- Bám sát thực tiễn thư tịch Hán Nôm Việt Nam.

3. Việc đào tạo này rất nên được quan tâm khẩn trương để tận dụng lực lượng giáo sư Hán Nôm nay đều đã ở tuổi “cổ lai hi” mà chưa dễ có ngay người thay thế.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Nghĩa. F.Gros chủ biên. Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu (3 tập). KHXH, H, 1993.

2. Trần Nghĩa chủ biên. Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu (Bổ di, 2 quyển). KHXH, H, 2002.

3. Tạp chí Hán Nôm (1986 - 2004).

4. Nhiều tác giả. Luận về Quốc học. Nxb Đà nẵng & Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 1999.

5. Hà Cửu Doanh, Hồ Song Bảo, Trương Mãnh chủ biên. Trung Quốc Hán tự văn hoá đại quan. Nxb Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, 1995 (tài liệu tiếng Trung Quốc).

6. Lưu Chí Cơ. Hán tự văn hoá tổng luận. Nxb Giáo dục Quảng Tây, Nam Ninh, 1996 (tài liệu tiếng Trung Quốc).

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020